Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

chuyện người hỏng thi - đỗ ngọc thạch


Thứ Hai của bạn (3/6/2013)


Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Chuyện người hỏng thi

ĐỖ NGỌC THẠCH

  CHUYỆN NGƯỜI HỎNG THI


Mỗi chúng ta trong đời, hẳn đã từng ăn không biết bao nhiêu bánh ngọt ! Nhưng, có lẽ rất ít người biết được rằng trong từng cái bánh ngọt, thơm tho đó (do bỏ vào một chút tinh dầu) có mồ hôi và nước mắt của những người thợ bánh ! Tôi xin cam đoan rằng, sau khi đọc xong cái truyện ngắn này, mỗi khi ăn bánh, đằng sau cái ngọt thơm sẽ thấy rất rõ cái vị mặn nồng của mồ hôi và nước mắt những người thợ bánh ! Riêng tôi, đã bỏ ăn bánh từ dạo ấy và mỗi khi nhìn thấy ai ăn bánh là lập tức trong đầu hiện lên rõ mồn một những người thợ bánh ấy !...
…Là niềm hy vọng lớn của gia đình, của cả xóm làng thậm chí của cả huyện, nếu chưa muốn nói là của tỉnh – nên khi thi trượt đại học, tôi đã bỏ trốn biệt tích như một kẻ phạm trọng tội ! Đi đâu ? Tôi cũng không biết nữa ! Chỉ biết rằng sau gần ba ngày đêm lăn lóc trên những chuyến xe đò liên tỉnh, tôi thấy mình bị ném xuống bến xe Chợ Lớn ! Lúc đó vào khoảng 7-8 giờ tối. Lần đầu tiên đặt chân đến nơi xa lạ, lại là chốn phồn hoa đô hội, tôi đúng như người nhà quê ra tỉnh ! Đeo cái ba-lô con cóc (của anh cả tôi đã từng là lính) lép kẹp với ba bộ quần áo và trong túi không còn một xu, tôi thật chẳng khác người từ trên trời rơi xuống !
Cho đến tận bây giờ, đã đúng một giáp trôi qua, có thể tôi đã quên đi nhiều sự việc, sự kiện, nhưng tôi vẫn nhớ như in mọi hình ảnh, lời nói của nàng – người đã nói chuyện với tôi đầu tiên trong cái đêm đầu tiên lưu lạc ấy của tôi…
Từ bến xe Chợ Lớn, tôi đi lang thang dọc theo những phố phường ngập ánh sáng điện đủ màu sắc cho đến lúc đụng một cái ghế đá thì mới thấy mỏi chân và mỏi mắt – tôi ngồi xuống cái ghế đá và lập tức “cái ngủ” ập đến. Dân nhà quê chúng tôi thường sống hồn nhiên, đói ăn, khát uống và mệt nghỉ, khi “cái ngủ” ập đến là tôi lăn kềnh ra cái ghế đá và không biết giời đất là gì nữa !...
Tôi đang còn ngủ rõ ràng, vậy mà tai tôi nghe rõ mồn một những tiếng nói sau đây :
- Em xin các anh cho em đi …Em không phải là…gái…Em không thể tiếp các anh được !...
- Hì…Hì…Cho đi làm sao được ! Bất cứ cô gái nào đã gặp bọn anh đều không thể đi qua dễ dàng !...
- Nhưng em không phải là…
- Nhưng em lại là “me non” ! Thế mới đã !...
- Thôi mà ! Đằng nào thì em cũng phải biết “mùi” ! Đi với bọn anh, em sẽ được phong hoàng hậu !...
Rồi có tiếng xô đẩy, níu kéo…Rồi có tiếng cười man rợ…Rồi có tiếng kêu thất thanh tắc nghẹn…!
Tôi ngủ nhanh như thế nào thì cũng tỉnh giấc nhanh như thế. Sau giây phút định thần, tôi đã nhận ra sự việc đang xảy ra ngay trước mắt mình :
một cô gái, dáng liễu yếu đào tơ, đang bị năm thằng lưu manh côn đồ xâu xé – chẳng khác gì một con cừu non giữa bầy sói !
Đối với “dân nhà quê” chúng tôi, hàng động thường nhanh hơn ý nghĩ . Tôi chưa kịp nghĩ mình phải làm gì để cứu cô gái yếu ớt kia thì như một mũi tên, tôi đã lao vào tóm cổ từng thằng ném ra xa như ném một hòn sỏi ! Khi tôi nhìn lại cô gái thì cô đang ngồi thu mình, còn chưa hết run lên bần bật vì sợ hãi : Chiếc áo của cô đã bị bọn kia xé rách, cả quần cũng vậy !...Tôi mở ba-lô con cóc lấy một bộ quần áo đưa cho cô mặc. Cô gái mặc quần áo xong, nói :
- Rộng thùng thình !...Kỳ quá !...
- Hồi tôi còn nhỏ, tôi thường mặc quần áo của anh tôi, cũng rộng thùng thình ! Cô xắn lên !
- Nhìn anh như là Ô-ten-lô ấy?
- Đúng đấy. Bạn bè tôi gọi tôi là “Ô-ten-lô vừa đô vừa khỏe”!
- Anh cũng biết Ô-ten-lô à?
- Sao cô biết còn tôi lại không biết? Cô giống Đét-xđê-mô-na lắm!”Đet-xđê-mô-na vừa trẻ vừa xinh”!
- Đâu có ! Em làm sao đẹp được như thế! Tại sao anh lại ở đây?
- Tôi muốn hỏi cô câu ấy!
- Nhưng tại sao anh lại gọi em là “cô”? Nghe kỳ quá!
- Cô tức là cô gái. Còn trong tiểu thuyết người ta gọi là Nàng. Tôi chỉ gọi là em những ai chắc chắn ít tuổi hơn.
- Vậy thì em ít tuổi hơn anh đó. Anh kêu em là em đi!
- Thôi được, nếu cô thích, tôi gọi cô là em. Vậy em kể về em đi !
- Nhà em nghèo lắm, em phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền đỡ cho ba má. Em làm ở một lò bánh xốp. Anh đã ăn bánh này bao giờ chưa ? Những lớp kem ngọt lịm, thơm phức nằm giữa những miếng xốp giòn…Nhưng làm ra những cái bánh đó thì vất vả, nặng nhọc lắm. Ngày nào em cũng phải làm từ năm, sáu giờ sáng cho tới chín mười giờ đêm…Em vừa làm về đi ngang qua đây thì…
- Em kể về cái lò bánh xốp đi ? Tôi chưa bao giờ được ăn bánh xốp đâu !
- Thôi, khuya rồi anh à . Ngày mai mời anh tới chỗ chúng em làm, em sẽ mời anh ăn chán thì thôi !...Giờ em phải đi về, kẻo má em mong !...
Tôi đưa em về tới nhà, trong một ngõ hẻm ngoằn ngoèo. Tới lúc em định gõ cửa gọi má, em mới chợt nói :
- Ôi, chút xíu nữa em quên mất, anh tên là gì, ở đâu ?
- Ờ nhỉ ! Tôi cũng chưa biết tên em cơ mà ? Thôi được, em nói chỗ làm của em ở đâu, sáng mai tôi sẽ tới…
Cửa nhà em mở, má em bước ra, tròn mắt nhìn hai người. Em kéo tôi vào nhà, giới thiệu với má…Tôi ngồi nói chuyện với má em cho tới gần sáng …
Thế là ngay sáng hôm sau, tôi đến làm ở lò bánh xốp với em. Lò bánh đang thiếu người nên vừa nhìn thấy tôi, ông bà chủ nhận tôi làm ngay.
Để ra sản phẩm cái bánh xốp có nhiều công đoạn và nặng nhọc nhất là đánh kem, thứ đến là đứng lò nướng bìa bánh. Một cái chậu nhựa to đùng, đổ vào nó nửa chậu đường (đã xay thành bột) và vài lít mỡ nước, rồi lấy tay ngoáy nhào liên tục cho tới khi nó phồng nở trắng ngà, khi gần đầy chậu, vẩy vào một chút tinh dầu thơm, lại ngoáy trộn đều – lúc ấy mới thành một chậu kem thơm lừng, béo ngậy ! Nhưng, cái động tác ngoáy nhào đó thật là đơn điệu và nặng nhọc không kém gì kéo gỗ ! Gần một giờ đồng hồ như thế, mồ hôi chảy ra như suối và tất nhiên, nó chảy thẳng xuống chậu kem ! Cứ mỗi ngày, tôi đánh hai hoặc ba chậu kem như thế, cường độ không thua gì tập võ ! Đầu giờ sáng và đầu giờ chiều, đánh kem xong, tôi lại lên lò nướng bìa bánh. Ở lò bánh này có bốn bộ cặp nướng bìa bánh, tức có bốn bếp lửa. Bột (thường là bột củ mì) được trộn với bột nở và nước - tất nhiên, rồi đổ vào kẹp nướng, nướng đều hai mặt cho phồng rộp lên như phồng tôm là được. Đoạn chuyển ngay tới người trét kem, trét một lớp kem giữa hai bìa bánh. Sau đó đưa vào cái khuôn gỗ, cắt thành từng miếng bánh nhỏ, đóng gói vào bịch ni-lông là thành phẩm. Tất cả các công đoạn phải làm thật nhanh, liên tục bởi cái bìa bánh nướng chín xong, để lâu ngoài không khí sẽ bị ỉu đi, mềm đi và trở nên dai như …cao su – sẽ phải bỏ, tất nhiên !
Trước khi tôi đến làm, em thường đứng lò nướng bánh . Mỗi người làm hai bếp lửa, luôn chân luôn tay, thao tác như con thoi không lúc nào ngưng. Nướng bìa bánh không nặng như đánh kem nhưng nóng như là bị nướng cùng bánh vậy ! Lửa táp vào mặt, khói bụi mù mịt như giữa sa mạc lửa ! Nhìn em đứng nướng bánh mà thương : Mặt đỏ bừng, quần áo ướt sũng mồ hôi – tất nhiên ! Sau khi nắm vững “kỹ thuật” và thao tác thành thục, tôi đứng cả bốn bếp để em khỏi vất vả cực nhọc. Nhưng lâu lâu em lại lên lò “chia lửa” với tôi ! Những lúc ấy, không hiểu sao tôi lại cứ bị đóng đinh vào cái ý nghĩ kỳ quặc : Có một cơn bão lốc bất thần ập đến cuốn cả tôi và em đi rồi thả xuống một rừng dừa xanh lộng gió !... Và thật không ngờ, cơn bão lốc ấy đã ập đến thật, nhưng không phải từ trên từng không lồng lộng mà chính từ bên trong cái lò bánh xốp này !...
Tôi làm ở lò bánh được cỡ hai tháng thì bà chủ bảo tôi đến ở nhà bà cho tiện và làm thêm nhiệm vụ “vệ sĩ” cho bà bởi ông chủ sắp đi thăm người nhà ở nước ngoài ! Khi thấy tôi ngần ngừ, bà bảo : “ Vũ à ! Tôi muốn cậu ở lại đây thực tình là muốn giúp cậu rút ra khỏi vũng lầy…”. Tôi ngạc nhiên : “Vũng lầy nào ạ ?”. Bà chủ ghé sát tai tôi nói thì thầm : “Còn vũng lầy nào nữa ! Cái con Tuyết bồ của cậu chứ còn gì nữa ! Cậu mới cặp bồ với nó mà đã ăn ở nhà nó, coi sao được ? Nếu nó khá giả, đàng hoàng thì cũng được, đằng này nhà nó như ổ chuột, một đống người đói rách. Cậu chui vào đấy chẳng phí đời trai đi sao ?”. Tôi có cảm giác như bị xúc phạm, nói liền : “Thì tôi cũng là giang hồ bụi đời có khác gì cô Tuyết. Chúng tôi cùng cảnh ngộ, dựa vào nhau mà sống là hợp lẽ lắm chứ ! Bà là giới chủ, bà làm sao mà hiểu được chúng tôi !...”. Bà chủ nh́n tôi chằm chằm, đoạn ngồi xích lại gần tôi hơn, từ tốn nói : “Cậu bình tĩnh nghe tôi nói đã… Đúng là cậu còn trẻ người non dạ, chưa hiểu thấu sự đời đã bị ái tình làm mê hoặc ! Bây giờ tôi là bà chủ, nhưng trước đây tôi cũng như cậu thôi, cũng đi làm thuê ăn công cho người ta. Chính vì thôi quý cậu và nhìn thấy quý tướng của cậu nên tôi mới có ý định giúp cậu trở thành ông chủ!...Cậu không được ngắt lời tôi !Cậu vẫn có thể giúp đỡ cô Tuyết, mà lại được nhiều hơn. Nhưng cậu không thể vội vàng gắn bó với cô ta. Cậu khác, cô Tuyết khác. Cậu có thể vươn cao, bay xa, còn cô Tuyết, tôi nói cậu đừng buồn, cái số cô ta không chui ra khỏi cái căn nhà ổ chuột ấy đâu!”. Tôi định đứng dậy, không nghe bà chủ nói nữa, nhưng bà ta kéo tôi lại gần hơn và nói như ra lệnh:”Tôi nói vậy, cậu có thể không nghe theo. Nhưng sau đó, cả cậu và cô Tuyết sẽ bị thôi việc! Cậu nên nhớ rằng kiếm được việc làm không dễ dàng đâu!...Còn nếu cậu nghe tôi, tôi sẽ tăng lương gấp đôi cho cậu, cho cả cô Tuyết nữa!...Thôi, cậu đi làm đi, sáng mai trả lời tôi cũng được!”.
Từ khi gặp Tuyết đến lúc ấy, tôi và Tuyết vẫn đối xử với nhau như bạn tốt và thú thực, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chữ “yêu”. Không hiểu sao, sau khi nghe bà chủ nói như vậy, tôi lại muốn nói ngay với Tuyết rằng tôi yêu Tuyết, và nếu Tuyết đồng ý, tôi và Tuyết sẽ thành vợ chồng ! Đêm hôm ấy, tôi nói với Tuyết yêu cầu của bà chủ và cũng nói luôn tình cảm của tôi với Tuyết. Tuyết im lặng hồi lâu rồi bật khóc như mưa !
Tuyết nói trong nước mắt :
- Nhà em nghèo khổ quá. Em phải giúp má nuôi năm đứa em, có bao giờ đủ ăn đâu …Từ ngày ba em mất đi, em cứ nghĩ là sẽ chẳng bao giờ em lấy chồng vì nuôi được cho mấy đứa em khôn lớn là em kiệt sức rồi !...Nhưng từ khi gặp anh .
- Từ khi gặp anh thì sao ?
- Em không ngờ lại gặp anh trong cảnh ngộ như thế !...Anh là ân nhân của em !...Chính vì thế em không để cho anh khổ vì em !...
- Sao lại khổ vì em ? Chúng mình sẽ cùng đi làm nuôi các em. Rồi sau này, thế nào cũng sẽ khấm khá dần lên !...
- Không đơn giản như thế đâu anh Vũ à !...Em đi coi bói, người ta nói em khổ suốt đời !...
Tôi ôm chặt lấy Tuyết và lần đầu tiên trong đời tôi khóc…Nước mắt tôi chảy ướt đầu Tuyết, còn nước mắt Tuyết ướt sũng ngực tôi…Bỗng Tuyết đẩy tôi ra, giọng nói lạc đi :
- Đừng …anh ! Em muốn hiến dâng tất cả cho anh…nhưng đời con gái của em đã mất rồi !...
Tôi giật bắn người, kinh ngạc:
Sao? Em vừa nói gì vậy? Đứa nào đã cướp đời con gái của em? Anh sẽ đập chết nó ngay tức thì!
Không!...Không ai cướp cả…mà em tự nguyện!
Trời đất! Em tự nguyện? Gì mà lạ vậy em?
Khi ba em chết, trong nhà không còn một đồng…Em phải bán trinh để lấy tiền làm đám ma cho ba!
Tôi không thể biết được lúc đó tâm trạng của mình thế nào, chỉ như thấy bị một cú đánh trúng huyệt đạo như hồi mới học võ, tôi không gượng được và ngất xỉu!...
Vì sự sống của đàn em Tuyết mà tôi nhận lời bà chủ đến ở luôn tại lò bánh. Bà chủ sắp xếp cho tôi ở trong một cái buồng vốn là kho đồ. Lúc theo bà chủ vào nhận buồng, tôi giật mình vì không ngờ căn buồng lại được trang bị, bài trí đẹp như khách sạn bốn sao. Tôi đang ngơ ngác quan sát căn buồng thì bỗng thấy như là chìm ngập trong mùi nước hoa ngào ngạt và chưa kịp định thần thì đã thấy bà chủ ôm ghì lấy . Tôi hoảng sợ gỡ tay bà chủ ra, nhưng khi kịp nhận ra toàn thân bà chủ trắng bóc không một mảnh vải trên người thì cũng là lúc tâm trí tôi như có một màn sương mù dày đặc bao phủ, không nhân biết được gì nữa !...
Bà chủ đúng là một con quỷ cái dâm đãng và lão luyện trong chuyện tình dục. Bà ta đã lôi tôi vào cuộc tình quái quỷ một cách quyết liệt và đầy nghệ thuật khiến tôi có cảm giác như lạc sang một thế giới khác!...Tới khi tôi như là người hết cơn say rượu, tự ý thức được sự tồn tại của mình thì gặp phải sự kinh ngạc lớn gấp bội: thì ra tôi đã bị cuốn vào cái mê hồn trận này gần một tháng trời! …Khi tôi bước tới những căn buồng làm việc của lò bánh, tôi như là chết đi sống lại! Quang cảnh làm việc đông đúc, chật chội hơn, số người làm thuê tăng gấp đôi! Tiêng bà chủ nói bên tai tôi:
- Thưa ông chủ, hàng của mình dạo này bán chạy lắm !...Có lẽ phải kiếm cái nhà khác làm nhà ở, còn cái này để mở rộng cơ sở sản xuất…Tuần tới, chúng ta sẽ làm bữa tiệc ra mắt công ty trách nhiệm hữu hạn bánh ngọt Mê Ly…
Tôi quay đầu lại vì nghĩ bà chủ đang nói chuyện với ông chủ, nhưng không có ai, ngoài những người thợ bánh đang cặm cụi làm việc! “Bà ta gọi mình là ông chủ sao?” – tôi thoáng nghĩ vậy thì đã bị bà chủ kéo lên lò nướng bánh! Nhìn những lò lửa cháy phần phật, đỏ rực và thỉnh thoảng lại phả ra những đám khói cay xè, những người thợ đang luôn tay nướng bìa bánh, mồ hôi đầm đìa… trong trí óc tôi vụt lên hình ảnh của Tuyết đang đứng trước lò lửa với khuôn mặt đỏ ửng tuyệt đẹp…Tôi quay lại bà chủ, hỏi nhanh:
- A…Cô Tuyết đâu rồi? Sao không thấy cô Tuyết đâu cả?
Bà chủ vòng tay qua lườn tôi, áp sát bộ ngực đồ sộ vào người tôi, nói sát vào tai tôi:
Cô Tuyết lên xe hoa, đi lấy chồng rồi!
- Cô Tuyết đi lấy chồng? Bà nói gì vậy? – Tôi ngạc nhiên gào lên.
Bà chủ kéo tay tôi lôi một mạch về căn buồng “khách sạn 4 sao”,ấn tôi ngồi xuống cái giường nệm mút bồng bềnh rồi lấy ra mấy tấm ảnh đưa sát vào mắt tôi. Tôi bàng hoàng khi nhận ra trong ảnh là cảnh Tuyết mặc đồ cô dâu và người đàn ông mặc đồ chú rể bên cạnh là một ông già gày còm, lưng còng còng… Tiếng bà chủ thì thào bên tai tôi:”Một ông lão người Hoa đã đến xin cưới Tuyết làm vợ bé và nhận nuôi cả nhà cô ta! Ông chủ có thấy họ đẹp đôi không?Đẹp đôi quá ha!”. Nói rồi bà chủ cười rung cả bộ ngực núc ních và đột ngột cởi phăng áo ra, ghì chặt mặt tôi vao bộ ngưc đồ sộ của bà! Nhưng lần này, tôi không bị u mê, bởi hình ảnh Tuyết đứng trước lò lửa đỏ rực như đang thiêu đốt tôi, khiến tôi thấy như bỏng rát toàn thân! Tôi tóm lấy hai vai bà chủ đẩy mạnh. Ai ngờ tôi quá mạnh tay, khiến bà chủ như bị bắn mạnh vào tường và nằm bẹp gí dưới chân tường! Không kịp nhìn lại bà chủ ra sao, tôi chạy một mạch đến nhà Tuyết. Tôi đứng sững lại trước khung cảnh Tuyết đang bón từng muỗng thuốc cho má, còn má Tuyết thì như là đang mê man! Chợt thấy tôi, Tuyết lặng người nhìn tôi rồi đột ngột ngồi thụp xuống khóc hu hu !...
Thì ra bà chủ lò bánh đã bắt Tuyết phải dựng cảnh đám cưới với một ông già người Hoa và cho Tuyết nghỉ việc kèm theo một món tiền. Tuyết chưa xin được việc làm ở đâu thì má Tuyết bệnh, cô phải ở nhà chăm sóc má.
Sau khi đã khóc hết nước mắt, Tuyết nhẹ nhàng mà đầy quyết đoán :
- Em đã suy nghĩ kỹ rồi, anh Vũ ạ ! Tất cả những gì xảy ra vừa qua là tại em cả ! Bởi em không giữ được anh nên để anh lọt vào móng vuốt bà chủ…! Bây giờ em quyết giữ anh bằng được ! Thần báo mộng đã nói với em rằng nhất định anh sẽ về đây tìm em, vì thế, em đã chuẩn bị xong hết rồi !...
- Xong hết cả rồi ? Thế nghĩa là thế nào ? – Tôi tròn mắt kinh ngạc nhìn Tuyết .
Tuyết vẫn nói nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ mà tôi có cảm giác như một người mẹ đang nói với con :
- Em đã về tận quê anh, gặp ba má anh …Quê anh có nghề trồng dâu nuôi tằm từ bao đời, má anh là một trong những người giỏi nhất hiện nay. Em rất mê cái nghề này, em sẽ làm việc nuôi anh ăn học để thi lại vào đại học !...
Trời đất ơi ! Số phận tôi đã được đặt vào bàn tay thon thả của em rồi sao ? Từ bao giờ vậy ? Mãi cho đến khi tôi ngày đêm miệt mài đèn sách, còn Tuyết ngồi kéo sợi quay tơ ngoài hiên, tôi nghĩ đó là giấc mơ !...Kỳ lạ vậy đó, câu ca từ bao đời lại vận đúng vào chúng tôi, ngày nào cũng êm ái ngân lên :
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ !...”.

TP.HCM, l989-2009
Đỗ Ngọc Thạch  

Nguồn: newvietart.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét