Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

ký ức làm báo...- đỗ ngọc thạch




Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Ký ức Làm Báo


  1. Truyện Ngắn - Đỗ Ngọc Thạch - Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Huyện - Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Huyện
    elib.quancoconline.com/ui/viewcontent.aspx?g=45792 - Bộ nhớ cache
  2. Truyện Ngắn - Đỗ Ngọc Thạch - Ký ức làm báo - Ký ức làm báo
    elib.quancoconline.com/ui/viewcontent.aspx?g=45207 - Bộ nhớ cache



    Ký ức làm báo
    Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã qua nhiều chủng loại, đẳng cấp: Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (hai tháng một kỳ, trực thuộc Bộ Văn hóa), Tạp chí Văn nghệ (một tháng một kỳ, trực thuộc Sở Văn hóa tỉnh Gia Lai-Kon Tum), Báo Lao động & Xã hội (mỗi tuần một kỳ, trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội…

    Tôi chỉ tiếc là không có “duyên” làm báo con nít, bởi sẽ được “cưa sừng làm nghé”, được sống trong cảnh “mãi mãi tuổi ấu thơ”, sẽ suốt đời sống trong thần thoại và cổ tích chứ không phải lao vào những “trường văn, trận bút” như làm báo người lớn! (Thực ra, khi vừa mới tốt nghiệp Đại học, tôi đã nhờ nhà báo Phi Hùng ở Báo Thiếu niên Tiền phong giới thiệu về báo TNTP, nhưng lúc ấy Vụ Tổ chức Bộ Đại học lại bắt tôi đi dạy học!).

    Tôi cũng tiếc là không được làm Báo Nói (tức Đài Phát thanh Tiếng nói VN) vì làm Báo Nói thì “lời nói gió bay”, mà người ta có nghe được thì cũng tai nọ qua tai kia, chẳng phải lo “bút sa gà chết” như làm báo giấy! Thực ra tôi đã rất quen thân với một cô Nàng làm việc ở Phòng Bá âm của Đài TN VN, mẹ Nàng lại làm Công Đoàn chuyên trách của Đài, nhờ mẹ Nàng xin vào Đài thì dễ như lấy đồ trong túi! Và nữa, Thầy Hoàng Như Mai nói nếu tôi thích về Đài thì thầy sẽ giới thiệu với Ban Văn nghệ của Đài. Vậy mà cũng lại bỏ lỡ cơ hội…

    Tôi cũng tiếc là không được làm Báo Hình (tức Đài Truyền hình VN) vì làm báo hình là làm cái việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, tha hồ mà sáng tạo, múa bút…và cơ bản là được độc quyền, không có đối thủ cạnh tranh, muốn làm mưa làm gió gì cũng được!... Thực ra tôi đã nhờ một anh bạn học cùng lớp hồi Đại học, đang làm việc ở A25 (Bộ Nội vụ) giới thiệu, đã tiếp xúc với ông Trưởng Ban Văn nghệ của Đài, OK ngay, nhưng   khi sang   “Làm việc” với   Vụ Tổ chức Cán bộ thì bị “Kẹt”, đúng là không có duyên thì có cố ép cũng vô ích!

    Nói là nói cho có ngọn có ngành thế thôi, chứ làm báo giấy là cái Nghiệp đã tròng vào cổ tôi từ kiếp trước, có cố gỡ cũng không ra!...Và tôi cũng không bao giờ quên câu ca mà mẹ tôi thường nói với tôi: “ Đã mang lấy nghiệp vào thân / Thì đừng trách lẫn Trời gần Trời xa!”…

    *
    Khi tôi bước vào nghề làm báo là vào năm 1980, việc in ấn vẫn chủ yếu là in Tipô, tức nhà in phải xếp từng con chữ được đúc bằng chì vào từng bát chữ rồi in thử, sửa mo-rát xong mới ghép thành từng trang, in từng trang rồi đóng xén thành từng tờ Tạp chí, hoặc tờ báo (với báo tuần hoặc báo ngày thì không phải đóng xén mà chỉ cần xếp cho đủ số trang). Bây giờ công nghệ in ấn đã hiện đại hơn trước rất nhiều, bản in thử trên giấy can từ máy vi tính, máy in 4 màu đã thay thế hoàn toàn máy in Tipô lạc hậu. Tức làm báo bây giờ đỡ tốn công sức rất nhiều và sản phẩm

    lại đẹp bội phần. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, báo chí ngày xưa ít lỗi hơn, người viết viết cẩn thận hơn, người biên tập chăm chút kỹ lưỡng hơn…

    Trong các chủng loại báo chí thì Tạp chí là rộng rãi về thời gian hơn cả. Ban đầu, Tạp chí của chúng tôi ba tháng mới ra một số, sau đó thì hai tháng một số và cuối cùng thì một tháng một số. Đây có lẽ là thời kỳ nhàn hạ nhất trong đời làm báo của tôi và cũng là thời kỳ tôi học hỏi được nhiều nhất cả về kiến thức nói chung và nghiệp vụ làm báo nói riêng. Một trong những nhà biên tập mà tôi học được khá nhiều điều, cả về chuyên môn nghiệp vụ cũng như nhân cách là Giáo sư Nguyễn Từ Chi, mà chúng tôi gọi thân mật là Bác Từ.

    Chuyên môn hẹp mà Bác Từ đi sâu là dân tộc học, nhưng có thể nói Bác Từ một cuốn Bách Khoa Toàn Thư sống.. Khi được hỏi về bất cứ vấn đề gì thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, Bác Từ cũng diễn đạt thật cô đọng, hàm súc. Bác Từ được giao biên tập phần Mỹ thuật của Tạp chí. Các họa sĩ thường chỉ giỏi vẽ chứ không giỏi viết. Nhưng, những bài viết của phần Mỹ thuật, khi qua bàn tay biên tập của Bác Từ đã trở thành những tác phẩm nghiên cứu khoa học độc đáo, lôi cuốn người đọc đến chữ cuối cùng. Bác Từ có cách làm việc thật độc đáo: Trong cái túi to gần bằng cái balo luôn đeo bên người, lúc nào cũng đựng đầy bài viết của các tác giả cộng tác viên với Tạp chí. Một ngăn đựng “đồ nghề” của nhà biên tập lúc nào cũng đầy đủ các thứ: một cái kéo sắt rất tốt, một hũ hồ dán, ba cái bút bi đầy mực loại tốt, một kính lúp phóng đại để có thể đọc những chữ nhỏ li ti…Khi sửa chữa bài viết của cộng tác viên, Bác Từ viết vào một mảnh giấy nhỏ rồi cắt dán vào bên cạnh bản thảo của cộng tác viên mà chúng tôi gọi là “Thả diều”. Điều đáng chú ý là Bác Từ có lối hành văn rất trong sáng, giản dị nhưng thật là cô đọng, hàm súc. Những vấn đề chuyên môn hẹp được phổ cập hóa bằng cách diễn đạt tài hoa… Vì thế, phần Mỹ thuật của Tạp chí được bạn đọc đánh giá cao nhất và trở thành món ăn chính của Tạp chí trong thời gian dài.

    Còn một hình ảnh không thể nào quên về Bác Từ là bên cạnh cái túi to tướng đeo bên hông vừa nói là một cái cạp-lồng ba ngăn, loại to để đựng bữa ăn trưa. Trong ba cái ngăn cạp-lồng đó, ngăn lớn nhất đựng đầy cơm, ngăn thứ hai đựng đầy canh và ngăn thứ ba đựng đầy thức ăn mặn, tức đồ kho, rán hoặc xào! Và điều cần nói thêm là, đến đúng giờ ăn trưa, không bao giờ chậm quá hai phút, là Bác Từ mở cạp-lồng và chỉ cài lại như cũ khi đã ăn hết không còn thừa một hạt cơm nào! Về việc “ăn sạch như lau, như chùi” này, một lần tôi tò mò hỏi: “Có phải bác ăn khỏe giống như cái ông Lê Như Hổ thời xưa không? Bác đã no chưa?”, thì Bác Từ cười nói: “Cũng đúng phần nào! Cậu cứ so sánh ba cái ngăn cạp-lồng với cái bụng tớ thì cái nào lớn hơn? Song, cậu cũng nên luôn nhớ câu, mỗi hạt thóc là hạt vàng, mỗi hạt cơm là hạt ngọc, không thể phí phạm dù chỉ là một hạt cơm!”. Thời gian đó đang là lúc tình hình lương thực trên cả nước cực kỳ khó khăn, khu vực cán bộ viên chức Nhà nước với cái sổ gạo tiêu chuẩn 13 Kg mỗi tháng, mà mỗi lần đi mua phải xếp hàng chen chúc cả ngày cũng chỉ được từ hai đến năm Kg, thì những lời Bác Từ nói là chính xác vô cùng. Và nguyên tắc đó của Bác Từ đã được tôi áp dụng rất tốt, còn truyền lại cho cả đời con! Mỗi khi nhìn đứa con tỉ mẩn xúc từng hạt cơm trước khi kết thúc bữa ăn, tôi lại nhớ Bác Từ kỳ lạ! Và cái ý nghĩ mỗi khi nhìn cái bộ cạp-lồng đồ ăn trưa của Bác Từ lại xuất hiện: để chuẩn bị ba ngăn cạp-lồng đồ ăn trưa cho Bác Từ, không biết bà vợ của bác – vốn là một trong những Cung nữ cuối cùng của Triều Nguyễn – đã phải xoay trở như thế nào?

    Đầu năm 1985, tôi rời khỏi Tạp chí có Bác Từ để vào Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Việc di chuyển này chủ yếu là do lúc đó tôi đã có vợ và một đứa con ba, bốn   tuổi, vợ đang thất nghiệp nên cuộc sông rất khó khăn. Ông giám đốc Sở Văn hóa lúc đó mới cưới vợ là một cán bộ nghiên cứu Folklore của Viện Văn hóa, cùng ở trong một khuôn viên với Tạp chí của chúng tôi. Cô vợ ông Giám đốc Sở học sau tôi hai khóa ở Đại học, nói với tôi rằng ở trong đó dễ sống hơn ở Hà Nội, Sở Văn Hóa lại đang cần có người làm tờ Tạp chí cho Sở, nếu tôi thích thì cô sẽ nói với ông chồng Giám đốc nhận tôi vào làm Tạp chí cho Sở Văn hóa. Mặc dù biết vào làm Tạp chí cho Sở Văn hóa là “đi xuống”, là hạ thấp đẳng cấp Nhà báo, nhưng vì “miếng cơm manh áo” tôi vẫn chấp nhận, dù chưa hề biết cái đất Tây Nguyên nói chung và cái tỉnh Gia Lai – Kon Tum kia nó mặt ngang mũi dọc thế nào!...Chuyện làm báo ở “Cấp tỉnh” cũng là một chuyện dài, có thể nói mãi không hết chuyện, tôi sẽ nói đôi chút ở phần sau, còn bây giờ muốn nối lại chuyện tôi đi Tây Nguyên với chuyện đang nói về Bác Từ. Việc tôi đi Tây Nguyên, tôi không nói với ai trong cơ quan mà chỉ hỏi Bác Từ. Khi hỏi Bác Từ, tôi đã chuẩn bị với ý nghĩ: nếu Bác Từ nói không nên đi thì tôi sẽ nghe theo. Nhưng khi tôi hỏi thì Bác Từ nói: “Tớ không rành lắm về thuật Tử vi, tướng số nhưng cũng có xem qua. Cái số cậu không thể ngồi lâu một chỗ, đó là điểm giống tớ. Nếu có duyên, tớ và cậu sẽ hội ngộ ở Tây Nguyên, cũng là điều tốt!”. Quả nhiên, khi tôi vào làm Tạp chí cho Sở Văn hóa Gia Lai-Kon Tum rồi, tôi thấy việc nghiên cứu Folklore ở đây do ông Tô Ngọc Thanh, lúc đó còn là trưởng Phòng Folklore của Viện Văn hóa, có nhân viên là cô gái làm dâu Sở Văn hóa nói trên, đã tiến hành mới được một đề tài là “Folklore BaNa” (khảo sát tổng quát hiện trạng Folklore ở vùng tộc người BaNa là huyện An Khê), tài liệu còn đang ở dạng văn bản đánh máy, chưa tới 200 trang, tôi đang giữ vì chưa có kinh phí in (lúc đó tôi phụ trách cả Tạp chí Văn nghệ và công tác xuất bản của Sở Văn hóa). Tôi liền ra Hà Nội (vợ con tôi vẫn ở chỗ cũ, tức là cái nhà kho của Tạp chí NCNT cho mượn từ khi tôi mới có con!), nói với Bác Từ: “Nếu bác thích đề tài Hoa văn và Tượng nhà mồ thì hãy vào chỗ em, em sẽ nói với Giám đốc Sở mời đích danh và ký hợp đồng ngay!”. Bác Từ O.K ngay. Tôi trở vào Sở nói với Giám đốc Sở, Giám đốc quá thích, cử ngay họa sĩ Viết Huy, chuyên trách về Mỹ thuật của Sở đi cùng tôi ra Hà Nội mời Bác Từ. Chuyện này trôi chảy và Kết quả là Bác Từ (cùng với ba đệ tử nữa) đã hoàn thành một đề tài về Hoa văn và một đề tài về Tượng nhà mồ, sau ba tháng điền dã…

    Tại sao tôi lại viết quá nhiều về Bác Từ khi nói về thời gian làm báo ở Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật? Rất đơn giản là bởi mỗi khi nghĩ đến Tạp chí NCNT, là tôi lại thấy hình ảnh Bác Từ, một bên đeo cái túi căng phồng và một tay xách cái bộ cạp lồng đựng đồ ăn trưa, lệt sệt đi bộ từ đường Đê La Thành vào khuôn viên của Tạp chí… Con đường từ đường Đê La Thành vào khuôn viên Tạp chí NCNT (còn có 4 Viện nghiên cứu của Bộ Văn hóa cùng đóng đô chung một chỗ) không phải đường bê-tông, mà chỉ là rải đá tạm bợ nên ngày nắng thì lầm bụi và ngày mưa thì bùn lầy nên hình ảnh bác Từ ngày ngày đi trên con đường đó rất ấn tượng mà không thể diễn đạt thành lời cho thật sát hợp! Lúc đó, tôi chưa có máy ảnh nên đã không ghi lại được cái hình ảnh độc đáo này, thật là tiếc!

    *
    Thời kỳ làm báo “Cấp tỉnh” ở Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Gia Lai – Kon Tum thật nhiều điều đáng nói, song có lẽ phải dành cho nó một “chuyên đề” riêng, ở đây tôi chỉ rút tỉa vài ý ngẫu hứng mà thôi.

    Theo như cơ cấu cấp tỉnh bây giờ, mỗi tỉnh đều có Sở Văn hóa và Hội Văn Nghệ. Nhưng lúc đó, tỉnh Gia Lai-Kon Tum chưa có Hội Văn Nghệ nên Sở Văn hóa làm cả hai nhiệm vụ của hai cơ quan nói trên. Tuy nhiên, Tạp chí Văn Nghệ của chúng tôi chủ yếu làm nhiệm vụ của Hội Văn Nghệ vì Sở đã có một tờ Tin do Phòng Thông tin – Cổ động đảm trách. Trước đây, Tạp chí Văn Nghệ thường chỉ xuất hiện vào dịp Tết do nhà văn Trung Trung Đỉnh (lúc đó đang ở Tạp Chí Văn Nghệ QĐ) vào thực hiện. Nay chúng tôi sẽ làm hàng tháng, song trước mắt là hai, ba tháng một số. Quá trình hoàn thiện Tạp chí Văn Nghệ cũng sẽ là quá trình chuẩn bị lực lượng cho việc thành lập Hội Văn Nghệ.

    Công việc làm Tạp Chí Văn Nghệ cũng như việc vận động thành lập Hội Văn Nghệ cho đến lúc đó có thể nói là đã quá muộn, tức đã 10 năm sau ngày đất nước Thống nhất. Nhưng dường như là chưa hội đủ ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa và có vẻ như là tình trạng chung của hầu hết các tỉnh khác: luôn luôn thiếu yếu tố Nhân hòa! Đây là một vấn đề phức tạp và tế nhị, lâu nay người ta thường né tránh và tôi cũng không thể là ngoại lệ!...Tuy nhiên, cái gì phải đến thì nó vẫn đến, muộn con hơn không: ba năm sau khi tôi đi khỏi thì Hội Văn Nghệ được thành lập và chủ yếu vẫn do lực lượng “khai sơn phá thạch” lúc trước đảm nhiệm. Và cho đến nay, Tạp chí Văn nghệ vẫn ổn định, ra đều kỳ hàng tháng là một sự thật đã được tiên liệu từ 25 năm trước!

    Làm báo ở tỉnh, nhất là báo Văn nghệ vừa dễ lại vừa khó. Dễ là bởi nó luôn luôn mang tính cách “tỉnh lẻ”, tức là thứ văn nghệ không chuyên, hay còn gọi là “cây nhà lá vườn”, nếu có vụng về, sai sót thì dễ được châm chước, không ai bắt bẻ làm gì! Song , cái khó cũng chính là từ cái dễ đó mà biến thành: tức là chính cái sự không chuyên nghiệp đó, chính cái sự “Cây nhà lá vườn” đó mà không thể định ra được cái gọi là chuẩn mực của những giá trị mà những giá trị kia tùy thuộc vào “thời tiết nóng lạnh bất thường” của những người làm văn nghệ và quản lý văn nghệ. Chính vì thế, làm báo văn nghệ ở cấp tỉnh dễ và khó như nghề nuôi ong: nếu biết cách thì vẫn có thể lấy được mật ong còn không thì bị ong đốt chết! Tôi có sự liên hệ so sánh giữa hai nghề làm báo và nuôi ong như thế là bởi sau cái lần làm số Tạp chí Văn nghệ chuyên đề về Ong. Lúc đó, ở huyện An Khê có Trại nuôi ong, làm ăn rất giỏi, mà theo như cách nói bây giờ thì là một Doanh nghiệp thành đạt, có thể được phong danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới hoặc tương đương. Cách làm của chúng tôi là sẽ dành một nửa số trang của tạp chí Văn Nghệ để viết về Trại ong và nghề nuôi ong, phần bài vở này sẽ do người của Tạp chí hoặc tại cơ sở (nếu đạt yêu cầu). Về phía Trại Ong, sẽ mua 100 cuốn Tạp chí Văn nghệ. Phần kinh phí Trại Ong chi để đón tiếp chúng tôi là kinh phí tiếp khách thông thường. Việc làm đó hoàn toàn vô tư, trong sáng và không có chuyện phong bì kèm theo. Cách làm đó sau này khá phổ biến nhưng lúc đó có thể nói đó là chuyện “xé rào” và bị chỉ trích không ít, nhất là khi chúng tôi không dùng Tạp chí Văn Nghệ của mình nữa mà để đơn vị kinh tế đó đứng tên trên tờ Tập san của chính đơn vị mình, mà chúng tôi chỉ là người thực hiện nội dung, tức viết bài bên trong tờ Tập san, bài nào chuyên sâu thì chắp bút. Đó là lần chúng tôi làm tờ Tập san cho Ngân hàng tỉnh Gia Lai – Kon Tum…

    Ở đoạn văn trên, khi tôi nói “Chúng tôi”, “Tạp chí Văn nghệ chúng tôi” là nói tôi và người bạn đồng hành trên từng cây số lúc đó là nhà thơ Văn Công Hùng, hiện nay vẫn còn nặng nợ với tờ Tạp chí Văn nghệ. Lúc đó, biên chế của Tạp chí VN chỉ có tôi và Văn Công Hùng, kém tôi chục tuổi và đã về Sở Văn hóa được hơn hai năm. Hình như là Văn Công Hùng về Sở VH là để chờ tôi vào làm Tạp chí VN cho nên cho tới lúc tôi vào Sở VH thì VCH chưa làm nên “cơm cháo” gì, thậm chí còn bị “sáng mài cưa trưa mài đục” cho một ông Trưởng phòng Nghiệp vụ VH rất quan cách! Vì thế, chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý, từ A tới Z. Tuy cứ mỗi lần ra báo là phải bám nhà in để sửa mo-rát, làm “tỉnh táo viên” cho tới lúc báo in xong, thức đêm thức hôm rất mệt nhưng chúng tôi không nản lòng mà xem chừng còn thấy rất vui, ấy là mỗi khi cầm trên tay tờ tạp chí còn thơm mùi mực in, còn nóng hổi vì vừa chui ra tứ máy đóng xén!...

    Việc làm Tạp chí VN đối với tôi còn có một “chế độ đặc biệt” là tôi luôn được “đi mây về gió” mỗi khi cần làm chế bản cho báo: cần về thăm vợ con thì bay ra Hà Nội làm chế bản ở Nhà in Tiến Bộ, còn thích du hí bạn bè thì bay vô Sài Gòn! Ai đó thường nói nghề làm báo là “Nghề nguy hiểm” nhưng tôi thấy chẳng nguy hiểm khi ta có tinh thần coi thường hiểm nguy. Còn ai bảo nghề làm báo là “nghề nói phét” ( Nhà văn nói láo, Nhà báo nói phét ) thì cho tôi rằng nói phét đúng lúc thì lại thành nói thật, cũng vậy, nói thật mà không đúng lúc (gặp thời) thì cũng bị buộc tội nói phét!

    *
    Việc làm báo Tuần (Báo Lao động – Xã hội của   Bộ Lao động – TB và XH) cũng hoàn toàn ngẫu nhiên như có bàn tay sắp đặt của Tạo Hóa: một hôm, tôi đang đi dạo quanh Hồ Con Rùa thì một chiến hữu kéo tôi tới số nhà 45 đường Phạm Ngọc Thạch và nói: “Ở đây đang rất cần một nhà báo giỏi, đa năng!...” Thì ra là tờ báo LĐ-XH chuẩn bị ra số đầu tiên thì người được chọn làm Thư ký Tòa soạn vì bất đồng quan điểm với người phụ trách Báo mà ôm hết bài vở đã chuẩn bị xong… biến mất tiêu! Mọi việc phải làm lại từ đầu…

    Việc làm báo Tuần tuy có mất nhiều thời gian hơn Tạp chí Tháng (Nguyệt San), nhưng nói chung cũng chỉ làm tôi bận bịu mất hai ngày trước khi báo in xong. Công việc biên tập và “Tỉnh táo viên” (đọc lần chót trên bản giấy can đã được ghép thành từng trang báo) khiến tôi không thể đi xa đây đó nhưng lại cho tôi nhiều thời gian để ngồi suy ngẫm lại thế sự tình đời mà viết thành những thiên truyện ngắn đắc ý. Truyện ngắn của tôi viết chỉ gửi đăng một số báo như Người Hà Nội, Văn Nghệ TP.HCM, Người Lao động, …sau đó anh bạn Trương Nam Hương (lúc đó đang làm biên tập ở Cơ quan đại diện Nhà xuất bản Công an ND tại TP.HCM) gom lại in thành tập truyện ngắn “Quà tặng tuổi hai mươi”, chỉ có 8 truyện. Sau này, năm 2005, tôi viết thêm gần hai chục cái nữa (chỉ tính những truyện đã đăng báo), đưa cho cô bạn cùng học ở Đại học tên Trang, đang làm biên tập, phụ trách Phòng sách văn học, Nhà xuất bản Công an ND ở Hà Nội, in thành tập truyện gồm 26 cái truyện ngắn, tôi đã ghi tên tập truyện mới này là “Thuyền trưởng tự phong”, vậy mà đến lúc sách in xong, gửi vào Sài Gòn lại thấy là cái tên cũ “Quà tặng tuổi hai mươi”! Đúng là “Châu lại về Hợp Phố”! Dù sao, tôi cũng rất cảm ơn cô bạn học Trang đã giúp tôi ra sách, còn nếu để tôi tự cầm bản thảo đi làm việc thì không biết sách có ra nổi không? Bây giờ, cô bạn Trang yêu quý ấy đã nghỉ hưu, mà tôi thì đã viết thêm được hơn bảy chục cái truyện ngắn mới (đã đăng lai rai trên các Webseite như VanVn.Net, Phongdiep.net, Vanchuongviet.org, Newvietart.com, Trieuxuan.info, Vanhocquenha, VuonTaodan.Net, VNThuquan.Net, Damau.org, …), muốn in thêm tập mới, chỉ chọn 63 cái để kỷ niệm ngày sinh thứ 63 sắp tới (năm 2011), mà không biết “chọn mặt gửi vàng” thế nào? Nếu có ai “quân sư” dùm thì hay quá?

    Nói chuyện in sách trong khi đáng lẽ phải nói chuyện làm báo Tuần ở Sài Gòn bởi phần rất cơ bản của chuyện làm báo Tuần đó tôi đã nói trong cái truyện ngắn “Chuyện một nhà báo” in trong tập truyện vừa nói trên. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy cần phải nói lại ý tưởng này của nhân vật chính: “Thời buổi bây giờ, báo chí sống được là nhờ quảng cáo! Vì thế, nhà báo phải là những dũng sĩ diệt Giám đốc!”…

    Bây giờ, tôi đã tuổi cao sức yếu, chẳng thể làm Nhà báo được mà chỉ có thể làm người đọc báo, đương nhiên, đó lá qui luật của muôn đời! Thỉnh thoảng, thấy có nhà báo bị tước thẻ Nhà báo, bị bắt giam, bị hành hung…lại nghĩ: Nghề làm báo không phải ai cũng làm được, làm rồi thì chớ có liều mạng, giỡn mặt Tử Thần, Tử Thần thường “bắt nhầm hơn là bỏ sót”, chớ có khoe tài, bởi “Tài ba không qua số phận” và “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”, mà phải có “Quý nhân phò trợ” thì mới có thể thoát hiểm trong trường văn trận bút trùng trùng!./.

    Sài Gòn, Đầu tháng 5-2010
    Nguồn: www.vanchuongviet.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét