Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

57 truyện ngắn Đ.N.T trên phongdiep.net - trích: Ký ức Hà Nội...

57 Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net
- trích: Ký ức Hà Nội;   Anh Nuôi, Chị Nuôi   
profile picture

Ngọc Thạch (SG, 2010)

2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

9.TƯỢNG NHÀ MỒ      10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO

KÝ ỨC HÀ NỘI- Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 
KÝ ỨC  HÀ NỘI

            Tuổi thơ đi rồi mãi mãi lìa xa
              Chẳng còn bao giờ mong trở lại
               Tim vẫn hát điệu vần kh ôn cưỡng lại
               Tình yêu như sao trời mọc trên đầu ta!...
                                             
     Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô,  gia đình tôi chuyển về Hà Nội, từ chiến khu. Bố tôi  làm việc ở Bệnh viện quân đội  108 (còn gọi là bệnh viện Đồn Thủy) nuôi cả nhà, gồm mẹ tôi  và năm chị em. Lúc đó, tôi chưa tới mười tuổi nên không thể nhớ lại  được  bố mẹ tôi đã xoay trở ra sao để nuôi  một đàn con chúng tôi ăn học giữa chốn thị thành này. Tôi  cũng không có ý thức gì về sự giàu nghèo vì cho tới lúc này, tôi vẫn chưa biết mặt mũi đồng tiền nó như thế nào ! 
      Gia đình tôi ở nhờ trong nhà một người bạn học cũ của bố tôi, ở phố Nguyễn Lai Thạch. Chủ nhà nhường toàn bộ phần lầu một , thoáng mát , rộng rãi. Tuy nhiên, chính vì ở trên lầu mà cái cầu thang  đã trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với  tôi  : vì không quen đi cầu thang mà mỗi ngày phải lên xuống cái cầu thang ấy hàng chục lần, nên tôi thường bị té ngã đủ kiểu !  Ấy là chưa kể tôi còn thường bị bố tôi đánh lăn từ đầu cầu thang xuống tới chân cầu thang ! (Sau này, tôi không còn oán bố tôi về chuyện này nữa vì tôi  biết rằng bố tôi  là người  tính nóng, mà tôi thì hay làm hỏng việc và thường là không thực hiện đúng những quy định do bố tôi  đặt ra, chẳng hạn như làm vỡ phích nước, khi bố tôi đi làm về mà vẫn chưa nấu cơm xong…).  Nhưng tôi lại phải cảm ơn cái chuyện ngã cầu thang này vì nhờ tôi bị ngã gãy tay mà tôi  đã có một người bạn đặc biệt.    
Năm đó (1955), tôi đang học lớp Một. Vào năm học được một tháng thì tôi bị ngã cầu thang và phải nghỉ học gần mười ngày. Tới ngày nghỉ thứ ba thì Nhung – lớp trưởng, được cô giáo giao nhiệm vụ đến giúp tôi chép bài và hướng dẫn tôi học, để khỏi bị đứt đoạn. Nhưng cả Nhung và cô giáo đều không biết rằng hồi còn ở chiến khu, tôi đã học xong toàn bộ chương trình lớp Một, vì khi đó, mẹ tôi là cô giáo tiểu học và đã cho tôi học  “dự thính” !  Khi về Hà Nội tôi mới đủ tuổi vào lớp Một nên phải xin vào học lại từ lớp Một. Thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên, Nhung cũng đã tự học xong chương trình lớp Một, nhưng là do chị Nhung dạy tại nhà. Thế là việc học bài chuyển thành những buổi đọc truyện thật là thú vị đối với tôi. Nhung nói nhà Nhung có một tủ sách rất lớn được truyền lại từ ông nội Nhung (đã đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn), đến bố Nhung, một bác sĩ đã tốt nghiệp khóa đầu của trường đại học Y – Dược Hà Nội. Chính là nhờ Nhung tôi đã biết thế giới kỳ ảo của truyện Cổ tích, Thần thoại từ Việt Nam, Trung Quốc cho đến An-đec-xen, Grim…   
Việc Nhung dắt tôi vào thế giới kỳ ảo của Cổ tích, Thần thoại thật là thú vị đối với tôi, nhưng còn thú vị, tuyệt vời hơn là việc Nhung đã tình nguyện là hướng đạo dẫn tôi đi khắp Hà Nội 36 phố phường !     
Lần đầu tiên, Nhung dẫn tôi đến hồ Hoàn Kiếm và kể cho tôi  nghe chuyện vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Thần Rùa. Trong khi tôi đang mải suy nghĩ xem Thần Rùa đã để thanh gươm ấy ở đâu thì Nhung nói :
      - Giá như khi giặc Pháp sang xâm lược nước ta, Thần Rùa  cũng cho mượn Gươm ấy thì nước ta đã không bị chúng đô hộ gần  một thế kỷ !...
       Tôi nói ngay :
       - Giặc Pháp có nhiều súng đạn, gươm thì làm sao đánh lại ?
       - Ừ nhỉ !... – Nhung nói khẽ và buông một hơi thở nhẹ.     
Tôi thấy mình như bị một lực vô hình nhấc bổng lên cao rồi ném mạnh xuống hồ. Tôi lặn hụp một hồi thì cảm thấy như là bị chuột rút. Tôi  vẫn còn tỉnh táo để nhận ra một bàn tay nhỏ đã túm tóc tôi kéo vào bờ !...
        Nhung hỏi, sau khi tôi đã trở lại bình thường :
        - Sao bạn lại nhảy xuống hồ ?
        - Tôi định lặn xuống tìm thanh gươm của Thần Rùa ! – Đúng là trong đầu tôi có ý nghĩ như vậy !
        - Trời ơi ! – Nhung tròn mắt nhìn tôi – bạn không biết bơi mà sao lại liều như vậy?
        - Tôi bơi giỏi ấy chứ! – Tôi cười to và nói liền một mạch - Ở quê tôi có sông Thao, tôi đã bơi qua sông rồi bơi trở lại. Đó là chuyện bình thường. Bạn có biết câu “Sông Thao nước đục người đen – Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về” không?Quê tôi đẹp và nên thơ lắm. Nhưng khi được biết câu “Mịt mù khói tỏa ngàn sương – Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” tôi lại thấy Hà Nôi của bạn chắc là đẹp hơn ?        
 Không phải đợi lâu, Nhung dẫn tôi đến Hồ Tây. Đứng trước mặt hồ, một cảm giác kỳ lạ dâng trào trong tôi và tôi đã nhảy ào xuống hồ từ lúc nào. Sau khi lặn một hơi, tôi nổi lên và sải tay bơi ra giữa hồ. Được một lát, tôi ngoảnh lại thì thấy Nhung đang đứng yên lặng bên bờ hồ, mắt dõi theo tôi. Bơi được khoảng gần một trăm mét, tôi dừng lại và chợt nghĩ:”Thử lặn  xuống xem có báu vật gì không?”. Thế là tôi lặn một hơi dài. Quả nhiên, không lâu la gì, tôi đã tìm thấy một cái đồng hồ bỏ túi và một miếng ngọc bội. Tôi tặng Nhung  miếng  ngọc bội và giữ lại cái đồng hồ (Nhưng ngay ngày hôm sau, cái đồng hồ đã bị bố tôi tịch thu !). Chúng tôi còn trở lại hồ Tây hai lần nữa, cũng có nhiều chuyện đáng nhớ mãi nhưng chưa thể kể hết ra đây được !...       
 Tôi ở Hà Nội chưa được một năm, chưa kịp đi xem hết những kỳ quan của Hà Nội thì gia đình tôi chuyển về  Hà Đông (bố tôi được điều động về làm việc ở quân y viện 103). Ở Hà Đông được một năm thì bố tôi lại được điều động  về quân y viện 109 ở Vĩnh Yên. Ở Vĩnh Yên cũng chưa được một năm thì gia đình tôi lại chuyển về Hà Nội (bố tôi đã  chuyển ngành và đang chờ Bộ y tế sắp xếp công tác). Lần này , gia đình tôi ở nhờ một trại chăn nuôi bò sữa vùng ngoại ô, có cái tên rất hay : Lương Yên. Đây là khu lao động, hầu hết là dân nghèo. Vì thế, phòng mạch của bố tuy đông bệnh nhân nhưng thu nhập chỉ vừa đủ sống (đa phần chữa bệnh không lấy tiền). Công việc ở phòng mạch rất nhiều (có đủ các loại bệnh, riêng công việc giải phẫu – chỉ có tiểu phẫu – thì nhiều không ngờ : ngày nào cũng ngót nghét chục ca)  nhưng người làm chỉ có ba : bố tôi, mẹ tôi (đã là y tá) và tôi. Vì tôi bận làm việc như thế cho nên thời gian để gặp Nhung thật là hiếm hoi. Chỉ đến khi Nhung xin chuyển về trường Lương Yên học cùng lớp với tôi (lớp 4), thì chúng tôi mới được gặp nhau thường xuyên – dĩ nhiên ! Những giờ kiểm tra một tiết hoặc cả buổi, chúng tôi chỉ làm bài trong mười phút là xong và nộp bài cho thầy giáo rồi dắt nhau tung tăng khắp phố phường ! Những ngày tháng đó thật là đẹp và có thật nhiều kỷ niệm nhớ đời. Tôi chỉ xin kể ra đây một kỷ niệm “đòn đau nhớ đời” !     
Lần ấy, khi tôi và Nhung đang đứng xem giới thiệu chương trình kịch mục trước cửa Nhà hát Lớn thì thật bất ngờ, chiếc mô-bi-lét của bố tôi đỗ xịch ngay sát người tôi mới biết  ! Kết  quả là tôi bi một trận đòn “thập tử nhất sinh” cùng với bao lời kết tội của bố tôi, trong những tội đó có một từ mà lần đầu tiên tôi được nghe : luyến ái bất chính ! Khi nghe bố tôi nói như thế, tôi nghĩ : đúng là tôi và Nhung rất thân nhau, rất thích gần nhau, nhưng yêu thì chắc là từ đây tôi sẽ yêu Nhung !     
Tôi chưa kịp nói với Nhung về những suy nghĩ của mình thì gia đình tôi chuyển lên Thái Nguyên – bố tôi được giao nhiệm vụ làm giám đốc bệnh viện Khu Gang thép Thái Nguyên. Tính lại, chúng tôi chỉ cùng được học bên nhau học kỳ 1 của lớp 4, nhưng bù vào đó, Nhung đã dẫn tôi đi khắp lượt Hà Nội 36 phố phường . Sau này, khi trở lại sống ở Hà Nội lần thứ ba, tôi đã bắt tay vào viết cuốn Hà Nội ký sự, nhưng rồi bỏ dở vì nghĩ có lẽ mình không qua nổi những văn tài đã viết rất hay về Hà Nội như Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài…Lần ra đi này của gia đình tôi cũng thật là cập rập, dĩ nhiên là tôi không thể chia tay với Nhung.Tới Thái, tôi đã viết thư ngay cho Nhung, gửi cả về nhà và địa chỉ lớp học, nhưng dù tôi có gửi thêm gần chục lần nữa, cũng không hề có thư hồi âm của Nhung !...      
Ở Thái Nguyên được một năm rưỡi, gia đình tôi lại chuyển chỗ ở : đi một mạch từ Thái Nguyên về thành phố biển Hải Phòng ! Bố tôi lại chuyển đổi công tác (chưa phải là lần cuối) : về làm giám đốc Viện điều dưỡng A ở Hải Phòng ! Lúc chiếc xe tải chở gia đình tôi từ Thái Nguyên về qua Hà Nội, chỉ nghỉ có một đêm, tôi muốn đi tìm gặp Nhung nhưng tôi không có một kẽ hở thời gian nào : mẹ tôi đã đẻ thêm ba cậu con trai, từ năm 1955 đến năm 1960, (lúc đó là đầu năm 1961) và việc trông coi ba đứa em nhỏ tôi phải làm gần hết, không khác gì một nhũ mẫu thực thụ ! Không thể diễn tả hết cảm giác của tôi lúc đó : thấy như là Nhung ở rất gần đâu đây mà không gọi được, không tới được !...      
Thế là lại phải qua đi năm năm nữa tôi mới được gặp lại Nhung. Ấy là lúc tôi học xong lớp mười Phổ thông và có giấy gọi vào khoa Toán trường Đại học Tổng hợp. Nhận được  giấy gọi, tôi đi Hà Nội ngay. Đoạn đường “tang-bo” khá dài (thời gian này – l966, máy bay Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc, cầu Phú Lương trên đường số 5 bị hỏng nên tàu hỏa không thể đi qua) nhưng tôi đi như bay, như là có cánh mọc dưới chân như nhân vật Hecmet trong thần thoại Hy Lạp.!  Gặp lại Nhung sau sáu năm xa cách, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Nhung đã là một thiếu nữ 18 tuổi cực kỳ xinh đẹp, không thua kém các hoa hậu thời nay bất kỳ điểm nào ; Nhung cũng tốt nghiệp phổ thông trung học như tôi nhưng với điểm cao tuyệt đối mà bây giờ gọi là Thủ khoa, đặc biệt với môn Toán, suốt 10 năm học phổ thông, Nhung luôn đạt điểm cao nhất ; điều bất ngờ thứ ba gây sốc rất mạnh đối với tôi là Nhung không được gọi vào đại học vì lí lịch : Ông nội là quan lại thời phong kiến, bố là tư sản, có một ông chú đang làm việc trong chính quyền Sài Gòn và một ông chú đang sống ở Pháp !  Tôi không nói được lời nào để an ủi Nhung hay đại loại như vậy, chỉ vò đầu bứt tai và cảm thấy như mình có lỗi ! Nhưng Nhung lại an ủi tôi và tỏ ra rất bình thản (hay đúng là Nhung chỉ tỏ ra bình thản ở bề ngoài ?). Nhung nói nhỏ nhẹ :
       - Bạn nên tới trường ngay đi. Đường xa và bom đạn không biết đâu mà lường ! Tôi sẽ đưa bạn tới tận nơi học !...      
  Trời ơi ! Nghe Nhung nói mà tôi như sắp òa khóc ! Tôi muốn thời gian ngừng lại, trái đất ngừng quay và tốt nhất là quay ngược lại cái thời Nhung dắt tôi đi lang thang khắp 36 phố phường Hà Nội ! Trong đầu tôi vụt hiện lên nào là Hồ Gươm cổ tích, Hồ Tây bâng khuâng, hồ Thuyền Quang mơ mộng, Ô Quan Chưởng trầm mặc, Ô Đông Mác lầm bụi, Ô Chợ Dừa nhộn nhịp…, nào là những con đường ào ào lá đổ, những hàng cây đào Nhật Tân kiên nhẫn đứng đợi xuân về, nào là cây cầu Long Biên già nua nhưng vẫn cố gồng mình cho đoàn người, đoàn xe qua lại không ngớt…    
    Cuối cùng thì tôi cũng không thể không đối diện với thực tại : tôi đi học, còn Nhung, Nhung sẽ đi đâu ? làm gì ? Nhung không trả lời tôi mà giục tôi lên đường . Quả là con đường sẽ đi rất xa : Khoa Toán của trường ĐHTH  sơ tán ở tận huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên (tôi có duyên nợ gì với Thái Nguyên đây ?). Đi tàu từ thị xã Thái Nguyên đến ga Quán Triều là hết đường sắt, phải đi bộ tiếp đến Đại Từ, và điểm cuối cùng là thôn Đầm Mây – chắc là chỗ chúng tôi học ở tít trên chín tầng mây !...     
 Suốt quãng đường đi bộ, con đường đồi núi dài hun hút và vắng teo, Nhung hết đọc thơ, bình thơ rồi lại kể chuyện cổ kim đông tây  cho tôi nghe. Tôi không ngờ Nhung đọc thơ và bình thơ thật tuyệt vời, nhất là những bài thơ tình của  Aragon viết tặng Ensa  do  Nhung tự dịch từ nguyên bản tiếng Pháp . Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn thuộc những câu thơ ấy và nó hiện ra trong đầu tôi cùng với hình ảnh Nhung đang đọc lên lúc ấy : “Tất cả những gì về anh nhờ em anh mới biết – Trời đã đứng trưa, ngày cũng sắp qua rồi – hạnh phúc không phải ngọn đèn nơi quán nhỏ - anh cầm tay  em  trong cuộc đời đau khổ -  con người chưa hiểu nghĩa chung đôi…”       
  Con đường dài hun hút và vắng teo ấy cuối cùng cũng ở sau lưng chúng tôi ! Tôi sợ phải chia tay với Nhung. Một nỗi sợ không có hình hài nhưng nó làm tim tôi như ngừng đập ! Và có lẽ Nhung biết rất rõ điều ấy nên Nhung đã đồng ý để tôi đưa Nhung trở lại thị xã Thái Nguyên. Và rồi cuối cùng, tôi đã đưa Nhung trở lại Hà Nội. Chúng tôi quyết định sẽ đi lang thang khắp Hà Nội một lần nữa, một ngày một đêm, rồi tôi sẽ đi Thái Nguyên, tới huyện Đại Từ và cuối cùng là cái làng Đầm Mây heo hút kia !       
 Khắp Hà Nội là một không khí sẵn sàng chiến đấu đánh trả bọn “Thần Sấm”, “Con Ma” của  “Không lực Hoa Kỳ”. Trên đường Thanh Niên bên Hồ Tây, nơi có hàng ghế đá và những cây liễu rủ tóc thướt tha – nơi hẹn hò yêu đương của những đôi lứa – sừng sững những khẩu pháo phòng không  đang sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Trên sân thượng ở các nhà cao tầng, những khẩu súng máy 14,5 li và 12,7 li và cả súng trường CKC cũng đang vươn nòng sẵn sàng chiến đấu !... Một ý nghĩ thoáng vụt đến :tôi muốn đi chiến đấu, tôi sẽ xông pha nơi bom lửa bão đạn, chứ không thể tìm đến một nơi an toàn tít tận cái làng Đầm Mây hẻo lánh trên miền núi rừng kia để mà ngồi học, nhất là Nhung lại không được đi học nữa ! (Ý nghĩ bất chợt ấy chỉ ba tháng sau đã trở thành sự thật !...)   
 Bấy giờ là tháng Chín – Mùa Thu. Tôi và Nhung cứ đi lòng vòng mà không định rõ rằng sẽ đi đến đâu ? Khi tôi thấy đôi chân mỏi rời thì cũng là lúc chúng tôi đang đứng trước Văn Miếu. Chúng tôi đã đến Văn Miếu nhiều lần vì ông nội Nhung có tên trong tấm bia đá tiến sĩ, mỗi khi nhớ ông nội Nhung lại đến đây…Tôi nói với Nhung :
        - Giá như bây giờ là Mùa Xuân thì hay quá, mình muốn đến nhìn hoa đào đón Mùa Xuân như thế nào ?
       - Mùa Thu Hà Nội có nhiều điều kỳ diệu lắm. Mình có cảm giác rằng chính Mùa Thu đã làm cho Hà Nội đẹp một cách huyền ảo. Vả lại riêng mình, trong bốn mùa ở Hà Nội, mình thích Mùa Thu nhất, bởi Mùa Thu dài nhất, bí ẩn nhất…-  Nhung nói nhỏ.
        - Và buồn nhất – Tôi nói chen ngang – Tiếng Thu là âm thanh buồn vô hạn : “Con nai vàng ngơ ngác – đạp trên lá vàng khô”…       
Nhung  xác nhận :
        - Đó cũng là một biểu hiện lãng mạn của Mùa Thu, nhưng người ta chìm đắm vào đó nhiều quá, thái quá bất cập. Mình thích Mùa Thu nhất không phải vì Mùa Thu buồn mà vì lẽ khác. Bạn cứ thử nghĩ xem, tại sao chỉ có Thiên Thu mà không có thiên Xuân, thiên hạ, thiên đông ? Thiên Thu (ngàn năm) là một khái niệm thời gian không có giới hạn…Mình cứ bị ám ảnh bởi một câu thơ nói về cái chết của một chú bé lính kèn : “Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây yên giấc ngàn Thu…”  Đó là cái vĩ đại, cái kỳ diệu trong cái bé nhỏ. Loài người tồn tại được là nhờ điều đó !        
Tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó trong suy nghĩ của Nhung, nó như đôi cánh của Thiên Thần đang bay trên thinh không kỳ ảo. Vì cứ mải đuổi theo đôi cánh Thiên Thần ấy mà tôi quên hết những gì định nói với Nhung trong ngày hôm nay. Cuối cùng, tôi lại nói một câu rất vu vơ :
          - Thiên Thu ?  Đúng rồi ! “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, hồi ở Hải Phòng, vì đánh nhau mà mình bị giam ở đồn công an mất một ngày, đúng là dài bằng cả ngàn năm !       
 Nhung mỉm cười rồi chợt buông một hơi thở nhẹ và nói :
         - Mình rất muốn được học ở Khoa Toán như bạn, nhưng cái số mình là nó vậy, biết làm sao. Điều mong ước duy nhất của mình lúc này là bạn sẽ học thật tốt, sẽ trở thành một nhà toán học như trước đây chúng mình đã hằng mơ ước. Bạn thắp hương cầu khấn ông nội mình đi, ông sẽ phù hộ độ trì cho bạn…
          Chúng tôi cùng cầu khấn ông nội của Nhung. Tôi nhìn tấm bia  Tiến sĩ mà như thấy cảnh tôi vinh quy bái tổ, N
hung e lệ đón tôi  trong tiếng pháo nổ vạn sắc hồng ! Nhưng, kỳ lạ thay, con Rùa dưới tấm bia như là đang bò đi, mới có vài bước chân mà đã mất hút ! Tôi giật mình nhìn sang Nhung, Nhung vẫn đang lầm rầm khấn điều gì đó ! Tôi không nghe rõ tiếng Nhung vì không hiểu sao tôi nghe thấy tiếng lá rơi rất kỳ lạ, rất to như là tiếng bom nổ ! Và điều đó không sai, máy bay Mỹ đang ném bom ở đâu đó, không xa lắm, tiếng còi báo động của Thành phố vang lên!... 
Đoạn kết :
         Đoạn kết thật bi thương, nhưng không thể khác đi được ! Tháng Mười năm 1970 tôi được trở về tiếp tục học tại khoa Toán sau bốn năm là lính Ra-đa thuộc lực lượng Phòng không – Không quân. Lúc này, trường Đại học không phải đi sơ tán như hồi tôi mới nhập học nữa. Khoa Toán của tôi học ở khu Thượng Đình. Nói chung là rất tốt, không có gì phải phàn nàn !
        Gặp lại Nhung, chúng tôi đều rất mừng . Tôi thầm cảm phục Nhung đã có bản lĩnh vững vàng để đi qua biến cố lớn của cuộc đời. Nếu là tôi, tôi đã gào thét, đã buông thả và có lẽ sẽ trở thành một kẻ chán đời, bất lực. Trong suốt bốn năm qua, Nhung đã tham gia rất tích cực trong đội cấp cứu cơ động của Thành phố. Với tư chất thông minh bẩm sinh, với sự say mê học hỏi qua tủ sách Y học và sự hướng dẫn nhiệt tình , chu đáo của người bố, kiến thức cũng như thực hành về Y học của Nhung không thua kém bất kỳ một bác sĩ chuyên khoa giỏi nào. Nhung đã cùng đội cấp cứu cơ động cứu sống rất nhiều người trong những đợt oanh tạc liên tục từ ngày này qua ngày khác của máy bay Mỹ  trong cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt này…Với việc trở lại Khoa Toán của tôi, Nhung đã khiến tôi bất ngờ vô cùng : Nhung tặng tôi toàn bộ số sách giáo trình của bốn năm học của một sinh viên khoa Toán mà tôi sẽ phải dùng đến . Ngày tháng mua sách được ghi ở trang đầu từ năm 1967 đến 1970. Thì ra trong khi tôi đang mất hút ở chiến trường, Nhung đã mua sách theo chương trình và tự học xong toàn bộ. Lúc đưa sách cho tôi, Nhung chỉ nói ngắn gọn :  “Trong thời gian bạn ở chiến trường , mình đã học thay bạn. Giờ bạn đã trở về, trả lại cho bạn đó !” . Tôi không biết nói sao, chỉ biết lao vào những Ma trận kỳ ảo, những Chuỗi số dài vô tận của toán học… Song, một điều bất ngờ đến kinh hoàng , đến nỗi cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa tin là nó đã xảy ra là : trong một lần cứu hai em bé bị nước cuốn trôi ngay sát cầu Long Biên, Nhung đã bị cuốn vào một cái hút nước. Phải mất nửa ngày, hai người thợ lặn mới tìm thấy Nhung !... Đó là ngày l0-l0-1971!...
           …Nhung nằm đó, bất động…Tay Nhung đang cầm miếng ngọc bội mà tôi đã tặng Nhung ở Hồ Tây năm xưa…Tôi vụt nhớ đến  câu thơ có hai chữ “Thiên Thu” mà Nhung đã đọc cho tôi nghe rất nhiều lần: “ Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây an giấc ngàn Thu “…Và tôi đã đọc lên cho Nhung nghe, một lần, hai lần, ba lần, đọc hoài !... 
      Đỗ Ngọc Thạch 
Phongdiep.net
Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này


ANH NUÔI VÀ CHỊ NUÔI
Truyện ngắn của  Đỗ Ngọc Thạch 
ANH  NUÔI  VÀ  CHỊ  NUÔI 
1. 
Khoảng giữa năm 1969, tôi từ đơn vị Ra-đa chiến đấu về Trung đoàn bộ. Tưởng rằng sẽ được đi học lớp sĩ quan Ra-đa ở nước ngoài, nhưng chờ đến chục ngày thì Trợ lý Quân lực Trung đoàn nói: “Quân lực Binh chủng mới điện vào nói đợt này lại hoãn, không biết đến bao giờ. Vậy cậu thích về lại Đại đội hay ở lại Trung đoàn bộ?”. Tôi nói ngay: “Cho em được trở về trường Đại học, hình như cái số em không hợp với việc học làm sĩ quan quân đội! Ba lần Trung đoàn gọi lên rồi lại hoãn, quá tam ba bận! Không có lần thứ tư đâu!”. Trợ lý quân lực nói: “Thôi được, sẽ cho cậu được toại nguyện! Nhưng phải ở lại Trung đoàn Bộ một năm nữa!”. Tôi sốt ruột: “Làm gì vậy?”. Trợ lý QL nói: “Trung đoàn sẽ mở một lớp Bổ túc văn hóa cho một số sĩ quan chỉ huy Đại đội để thi lấy bằng Trung học phổ thông. Có như vậy số sĩ quan này mới có đủ tiêu chuẩn gửi đi học ở Học viện Quân sự nước ngoài. Cậu sẽ làm giáo viên môn Toán cho lớp Bổ túc văn hóa này. Giáo viên môn Lý, Hóa và Văn đã có rồi! Lớp học kết thúc thì cậu sẽ được về lại Khoa Toán  trường Đại học Tổng hợp! Nhất cử lưỡng tiện nhé, cậu vừa lên lớp vừa củng cố lại kiến thức, có như thế việc về trường cũ học lại sẽ rất tốt!”…Tôi còn biết nói gì nữa? 
Thế là tôi được biên chế vào Tổ Giáo viên văn hóa thuộc Ban Chính trị Trung đoàn. Trong thời gian chờ “Chiêu sinh” – học viên là sĩ quan chỉ huy cấp Đại đội, tôi chỉ có một việc là chuẩn bị “Giáo án”. Tôi nghĩ “Giáo án” này không thể như giáo án của các Trường Trung học Phổ thông mà luyện kỹ năng giải bài tập Toán là chính (để đi thi lấy bằng Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, - giống như luyện thi bây giờ) cho nên tôi chuẩn bị “Giáo án” rất nhanh, bởi giải bài tập Toán là sở trường của tôi. 
Trong những ngày này, lúc rảnh rỗi tôi thường tới chơi với “người tiền nhiệm” là Thượng sĩ Bá Cường, hiện đang làm Quản lý Bếp ăn  của Trung đoàn Bộ. Sở dĩ Cường không làm giáo viên văn hóa nữa vì Cường nóng tính, khi giảng bài thường buột mồm mắng học viên là “Ngu như bò”, mà học viên thì như đã nói trên, toàn là sĩ quan chỉ huy cả rồi! Vì Cường lại có “Hoa tay” nấu ăn, nguyên liệu chỉ là những thứ bình thường, nhưng qua tay Cường thì khi bưng lên bàn ăn, tỏa hương nghi ngút không thua gì sơn hào hải vị!
Bếp ăn của Trung đoàn bộ là phục vụ toàn những sĩ quan chỉ huy cấp Trung đoàn, không thể “Chém to kho mặn” như bếp ăn Đại đội, vì thế, ngoài việc trực tiếp “Vào Bếp”, Cường còn có nhiệm vụ đào tạo (theo lối truyền nghề, “Cầm tay chỉ việc”) một số đầu bếp giỏi để  cung cấp nhân tài nấu nướng cho các bếp ăn Đại đội. Đây là một chủ trương sáng suốt của Chính ủy Trung đoàn nhằm giúp bộ đội “Ăn no đánh thắng”, bởi trong điều kiện thời chiến, việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội gặp rất nhiều khó khăn! Chỉ nói ví dụ như có một thời gian dài, các bếp ăn được nhận Bột mì (của nước bạn Liên Xô) kèm với gạo (gọi là “ăn độn”, như đã từng độn khoai, độn sắn…). Khoai và sắn thì dễ xử lý, nhưng khi độn Bột mì thì các Bếp ăn đều lúng túng, chỉ biết nhào nước rồi vo viên thành một cục như nắm đấm rồi cho vào chảo…luộc như luộc bánh trôi truyền thống! Bánh trôi thì là món ăn ngon từ ngàn đời nay, nhưng bột mì luộc thì lính ta có đói rỗng bụng cũng nuốt không trôi! Nhưng qua tay Cường thì các thủ trưởng Trung đoàn như là được thưởng thức bánh bao, sủi cảo, vằn thắn của người Việt gốc Hoa!... 
Lúc này, Bá Cường đang mở một lớp đào tạo “Đầu bếp”, thời gian là hai tháng. Học viên là Bếp trưởng của các Đại đội gọi về và một số các cô thôn nữ người địa phương, do Trung đoàn bộ đang “Kết nghĩa” với Chi Đoàn Thanh niên của xã nơi đóng quân. Vốn là người thích “lăn vào bếp” từ nhỏ, nên tôi xin được là “Học viên dự thính” của lớp đào tạo đầu bếp này, tất nhiên là Cường O.K. 
2. 
Lớp đào tạo “Đầu bếp” của Bá Cường tiến hành được hai mươi ngày thì lớp Bổ túc văn hóa của tôi mới “Khai giảng”. Các học viên của lớp Bổ túc văn hóa trình độ không đồng đều, chỉ có chục người mà trình độ trải đều ra cả ba loại: lớp 8, lớp 9 và lớp 10, tức lúc đi bộ đội, họ đang học dở dang lớp 8, lớp 9 và lớp 10. Vì thế, chúng tôi phải chia ra làm ba tổ với ba cách học khác nhau. Sau một tuần, kiểm tra để xác định lại thực lực thì tất cả chỉ tương đương …lớp 7! 
Chuyện học hành của lớp Bổ túc văn hóa nói ra chỉ toàn chuyện không vui, nhưng bù vào đó, các học viên của lớp có rất nhiều “Tài lẻ”! Chẳng hạn như đại đội phó Đề có tài bắt lươn độc nhất vô nhị: chỉ cần đi tới bờ ruộng, dạo năm ba bước là có thể tìm thấy đâu có hút lươn (tổ lươn) và chỉ nhẹ nhàng thò ba ngón tay xuống hút lươn rồi sau một, hai phút kéo lên một con lươn vàng vàng nâu nâu to và dài, bị kẹp chặt giữa ba ngón tay! Hoặc như đại đội phó Đàn, có tài thổi sáo kỳ lạ: giăng một cái bẫy chim bằng lưới, không dùng chim mồi mà dùng tiếng sáo, chỉ sau năm phút tiếng sáo vang lên như muôn ngàn tiếng chim, lũ chim kia không biết từ đâu kéo tới đông như hội chim và rồi cuối cùng sập bẫy! Rồi có “Ba anh em Họ Nguyễn” như anh em họ Nguyễn trong Thủy Hử, có tài bơi lội như chuyện thần thoại: muốn ăn cá chỉ việc lặn hụp một hồi là có đủ các loại binh tôm tướng cá của Long Vương!... 
Chính vì thế mà lớp Bổ túc văn hóa của tôi và lớp “Đầu bếp” của Bá Cường thường xuyên có những bữa tiệc nhớ đời, đúng như câu thành ngữ “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”!  
Khi hai lớp Bổ túc văn hóa và lớp “Đầu bếp” đã thân thiết với nhau thì dường như có tới tám mươi phần trăm học viên của lớp Bổ túc văn hóa sang làm học viên dự thính của lớp “Đầu bếp”! Thấy tôi có vẻ như không vui, Bá Cường nói: “Thực ra cái câu “Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rông / Nhất nông nhì sĩ” chỉ đúng ở vế thứ hai bởi xứ ta luôn đói nghèo, người ta lo kiếm cái ăn suốt đời không bao giờ đủ! Đó, rồi cậu sẽ thấy sau này, và mãi mãi, ở xứ ta, cái nghề “Đầu bếp” sẽ sống tốt hơn cái nghề dạy học! Cho nên tớ bỏ làm giáo viên văn hóa mà sang đây chuyên tâm vào nghệ thuật ẩm thực là nhờ có sự mách bảo của Quỷ Cốc Tiên sinh đấy! Cậu thử suy nghĩ xem!...”. Lúc đó, tôi cho rằng câu nói của Bá Cường là tán róc nhưng không ngờ hai mươi năm sau, gặp lại Bá Cường ở  Sài Gòn, đang làm chủ một nhà hàng Đặc sản lớn nhất nhì thành phố thì mới thấy anh ta quả là biết nhìn xa trông rộng! Nếu như tôi chỉ cần sử dụng một vài chiêu thức sào nấu của Bá Cường mà tôi đã học được thì rất có thể tôi đã có một nhà hàng ăn uống kha khá, tiền tiêu xài rủng rỉnh chứ không phải thức thâu đêm để viết lách lăng nhăng kiếm mấy đồng nhuận bút còm sống lắt lay!...Nhưng than ôi, người tính không bằng Trời tính! 
3. 
Khi lớp “Đầu bếp” kết thúc, kết quả của cuộc thi “Tốt nghiệp” lại thật bất ngờ: Người đậu “Thủ khoa” lại không phải là học viên chính thức, tức các Bếp trưởng Đại đội lặn lội từ khắp nơi về, mà lại là một Đại đội phó của lớp Bổ túc văn hóa: Thiếu úy Dưỡng! Đại đội phó Dưỡng nói với tôi: “Ngay từ buổi học đầu tiên, tôi đã biết mình sẽ bị đo ván trong cuộc “Đánh vật” với những Bài tập Toán! Tôi đã xin được trở lại đơn vị chiến đấu, nhưng các Thủ trưởng Trung đoàn không chịu, cứ bắt tôi phải học, lại còn nói “Quân lệnh như sơn”, nếu tôi không ngoan ngoãn chấp hành sẽ bị kỷ luật!...Tôi đang chán nản thì thấy lớp học “Đầu bếp” này! “Sư Phụ” Cường quả là người đã hiểu tôi và nhận tôi làm “Đệ tử chân truyền”, vì thế mới có cái chuyện “Học viên lớp Bổ túc văn hóa đậu Thủ khoa lớp Đầu bếp” này!”. Tôi chúc mừng Đại đội phó Dưỡng và hỏi: “Vậy anh có định tiếp tục học Bổ túc văn hóa nữa không?”. Đại đội phó Dưỡng nắm chặt tay tôi năn nỉ: “Anh biết thừa là tôi không thể học văn hóa được mà còn hỏi câu đó! Tôi sẽ xin trở lại đơn vị làm Đại đội phó phụ trách Bếp ăn Đại đội, nếu không phù hợp với tổ chức quân đội thì tôi tình nguyện xin thôi chức Đại đội phó mà chỉ xin nhận chức Bếp trưởng! Vậy nhờ anh nói với Chính ủy Trung đoàn giúp tôi, anh cứ nói là tôi học dốt nhất lớp, không nên bắt tiếp tục học, phí công vô ích!”. Tôi đành phải nhận lời Đại đội phó Dưỡng. 
Ngày hôm sau, Tôi được Chính ủy tới thăm và hỏi về tình hình lớp học. Tôi đem chuyện của Đại đội phó Dưỡng báo cáo Chính ủy. Chính ủy nghe xong thì nói: “Tôi cũng đã nhận được lá đơn của đồng chí Dưỡng gửi trực tiếp. Đang phân vân nên mới đến hỏi ý kiến cậu. Nếu quả là đồng chí Dưỡng không học văn hóa được thì cho về đơn vị làm Bếp trưởng là tốt nhất. Con người ta phải được đặt đúng chỗ để phát huy được sở trường!...Rất tiếc là chúng ta nhiều khi đã rất sai lầm trong chuyện dùng người!”. Thấy Chính ủy đang có vẻ “đầy tâm sự”, tôi bèn nói luôn chuyện của mình: “Thưa Chính ủy! Nhân đây tôi thấy việc cho các sĩ quan chưa tốt nghiệp Trung học đi học Bổ túc Văn hóa để đào tạo Sĩ quan chỉ huy cấp cao hơn cũng có nhiều cái bất ổn! Họ học rất chật vật, giáo viên cũng khổ!...”. Chính ủy ngắt lời: “Tôi biết rồi, nhưng đây là chủ trương chung, chỉ thị từ trên, ta không thể làm khác! Cậu ráng làm hết khóa học này đi, tôi đã  nghe Trợ lý Quân lực nói về trường hợp của cậu rồi, cậu sẽ được trở về trường Đại học!”… 
Ngày hôm sau nữa, Quản lý Bếp ăn Bá Cường nhắn tôi tới dự bữa tiệc chia tay của Đại đội phó Dưỡng. Tôi cứ nghĩ các món ăn đều do Đại đội phó Dưỡng thực hiện, nhưng lại không phải, mà là do một học viên trong số các cô thôn nữ của Chi Đoàn địa phương thực hiện. Trước khi nhập tiệc, Đại đội phó Dưỡng nói: “Người thực hiện các món ăn hôm nay không phải là tôi, mà là cô Ngát Thơm. Hôm thi kết thúc lớp học, cô Thơm có ý nhường tôi thi  thố tài năng nên chỉ thực hiên vài món ăn thông thường. Hôm nay cô Thơm mới dùng đến các tuyệt kỹ, có ý muốn Sư phụ Cường chấm điểm năng lực thực sự của cô!”. Sau khi nếm ba món ăn của cô Ngát Thơm, Sư phụ Bá Cường thật sự ngạc nhiên và nói ngay: “Tài nấu nướng của cô Ngát Thơm trên Đại đội phó Dưỡng một bậc!”.
Mọi người vỗ tay rào rào!... 
Bây giờ, tôi mới nhìn kỹ người thôn nữ “Ngọa hổ tàng long” kia: thì ra cô Ngát Thơm chính là con gái của ông già tên là Yên Thành, nhà ở ngay cạnh lán trại Ban chính trị chúng tôi (Khi đóng quân ở đâu, lúc đầu Trung đoàn Bộ thường ở nhờ trong nhà dân, sau đó thì làm những căn nhà “tự tạo” bằng vật liệu sẵn có ở địa phương. Lúc này, Ban Chính trị đã làm được bốn căn nhà tranh tre nứa lá rất đẹp trên một bãi đất trống ở ven rừng, phong cảnh rất ngoạn mục). Ông già Yên Thành được đặt tên theo tên huyện quê hương ông. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ và đã từng là Chiến sĩ Nuôi quân dạn dày kinh nghiệm. Ông bảo cái bếp Hoàng Cầm khi đã nổi tiếng trong toàn quân thì ông thấy nó không khác cái bếp của ông đang thường dùng đã hai tháng trời! Ông có hai cậu con trai đã nhập ngũ, ông đều bảo chúng làm Chiến sĩ nuôi quân để giúp bộ đội ta ăn ngon và ăn no, bởi theo ông thì Nuôi quân là Số Một, là khởi đầu của mọi vấn đề vì như dân gian đã đúc kết: Có thực mới vực được đạo! Cho nên giờ cô Ngát Thơm phô diễn những tuyệt kỹ nấu nướng thì quả đúng là Hổ phụ sinh hổ tử!
Song, câu chuyện bất ngờ hơn khi không chỉ dừng ở tài nấu ăn của cô Ngát Thơm mà cái kết của nó thật bất ngờ khi ông Yên Thành đứng lên tuyên bố: “Sau khi Sư phụ Bá Cường đã chấm điểm, xin tất cả thực khách cùng thưởng thức và cho ý kiến, nếu đều cho điểm tối đa thì tôi sẽ đồng ý cho con gái của tôi và Đại đội phó Dưỡng được bái đường thành thân!”. Mỗi người có mặt đều chọn một món ăn thử và đều gật gù khen ngon, và cuối cùng tất cả đều đồng thanh: “Điểm tối đa!”. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt quắc thước của ông Yên Thành, có lẽ ông đang rất mãn nguyện!... 
Sau bữa tiệc, tôi chào Đại đội phó Dưỡng rồi hỏi: “Hai người bao giờ làm đám cưới? Nhớ mời tôi nhé!”. Đại đội phó Dưỡng cười rất tươi: “Rất buồn là bị thầy giáo Toán cho toàn điểm 2, nhưng lại rất vui vì thầy đã nói với Chính ủy ngay việc tôi nhờ. Bây giờ, tôi đưa Ngát Thơm về Đại đội,  hiện ở rất gần đây. Nếu các Thủ trưởng Đại đội đồng ý nhận Ngát Thơm làm Chị Nuôi của Bếp ăn Đại đội thì chúng tôi sẽ làm đám cưới và cùng làm Anh Nuôi và Chị Nuôi!”. Tôi chúc hai người “Vạn sự như ý” và nghĩ rằng nhất định Ban Chỉ huy Đại đội của Đại đội phó Dưỡng sẽ chấp nhận Dưỡng và Ngát Thơm làm Anh Nuôi và Chị Nuôi! 
Sài Gòn, 8-12-2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net ::  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét