Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

chùm 3 truyện ngắn về đề tài "Ngày Tết" - Đ.N.T

chùm 3 truyện ngắn về đề tài "Ngày Tết"
CHUYẾN VI HÀNH CUỐI NĂM KIẾM TIỀN TIÊU TẾT CÂU CHUYỆN TẤT NIÊN

chợ Tết cuối năm...

KIẾM TIỀN TIÊU TẾT 

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Khi năm hết Tết đến, mối quan tâm của hầu hết người dân, và đặc biệt là những người lao động nghèo, là Tiền Tiêu Tết! Người ta xoay xỏa đủ kiểu, đủ cách để kiếm tiền tiêu Tết, nhưng không phải ai cũng đạt được điều mong muốn, thậm chí ngày Ba mươi Tết rồi mà chưa kiếm đủ số để sắm ba mâm cúng không thể thiếu: Chiều Ba Mươi, Giao Thừa và Sáng Mồng Một. Có rất nhiều nhà ăn Tết mà cũng chỉ như ngày thường! …Nhà ông Song Hàn và bà Lưỡng Bần thuộc vào số những nhà nghèo, kém may mắn như vậy…

Ông Song Hàn quê gốc ở vùng Sông Hàn, tên ông là tên con sông nổi tiếng toàn quốc đã đi vào thơ ca, nhạc họa, chẳng hạn như câu thơ sau của nhà thơ xứ này: Con qua Cẩm Lệ, Sông Hàn / Ngũ Hành Sơn đó mơ màng bóng cha… Nhưng văn phòng UB Xã làm bay mất cái dấu “Mũ” trên chữ “O”, thành ra tên ông thành Song Hàn, lại có ý nghĩ khác: Hai cái nghèo, hai kiếp nghèo, hai đời nghèo? Vận vào đời mình, ông thấy đúng quá, đời cha ông rất nghèo, lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, nghèo vẫn hoàn nghèo, và ông sinh ra trong cảnh nghèo, lúc nhỏ sữa cũng không có mà uống! Như thế tức là ông nghèo hai đời? Tuy thế, khi sinh ra cô con gái đầu (và cũng là duy nhất), ông lại rất vui vì nghĩ đời nó sẽ hết nghèo, nên ông đặt tên nó là Kim Ngân! Tuy từ khi có cô con gái Kim Ngân, nhà ông chưa giàu lên nhưng cũng không bao giờ bị đói, ông đã tự mua được chiếc xích lô, vợ ông đã có đủ vốn để làm một cái tủ trái cây ngon lành và con gái ông đã được học hết lớp 10 rồi đi học một lớp Y tá sơ cấp, giờ đã được làm trong một Bệnh viện lớn, lương không cao nhưng “bổng lộc” mùa nào thức ấy, người nhà bệnh nhân tạ ơn thì có gì sai mà không nhận? Tết năm con Trâu này, con gái ông vừa chẵn hai Giáp, tức 24 tuổi, thầy tướng nào cũng nói sẽ có lộc mới, sẽ phát tài, nên ông vui lắm! Tuy nhiên, chỉ còn một tuần nữa là Tết mà “Ngân sách” chi tiêu cho ngày Tết theo bà vợ ông Hàn cho biết thì coi như vẫn chưa có gì, ngoài số tiền thưởng của cô con gái, còn chưa biết chắc là bao nhiêu?
Ngày 23, ngày Ông Táo lên chầu Trời. Lễ cúng ông Táo làm đơn giản, tuy thế bà vợ ông Hàn phải lấy trong số vốn của tủ trái cây và giao hẹn với chồng: “Ngày hôm nay, ngoài số tiền mua gạo thường kỳ, ông phải bù vào cái lễ cúng ông Táo, nghe không?”. Ông Hàn ngồi lên xe mà không biết đạp tới đâu? Vừa ra đầu hẻm, ông nghe mấy đứa trẻ con thi nhau đọc những câu toàn chữ “T”: Thầy thằng Tý túng tiền tiêu Tết, toan tự tử, tối thứ tư, tại toa tàu thứ Tám! Thầy tôi thấy thế thương tình, tặng thầy thằng Tý tý tiền tiêu Tết! Thầy thằng Tý thôi tự tử!... Trời ơi, sao mà đúng tâm tư của mình thế? Ông Hàn nghĩ, nếu ngày hôm nay mà không kiếm đủ số như bà vợ nói thì đúng là sẽ đi tự tử!...

Ông Hàn đang bù đầu với một lô chữ “T” của bọn trẻ con thì có một ông khách mập bự, ngoắc lại kêu chở tới nhà hàng đặc sản Hương Quê! Có thế chứ, khách mở hàng mà tướng tá ngon lành như thế này là ổn rồi! Ông Hàn còng lưng đạp, đưa người khách mập bự tới nhà hàng Hương Quê. Tới nơi, người khách nói chờ khoảng nửa tiếng sẽ về ngay. Ông Hàn mừng quýnh, vậy là mở hàng bằng cuốc xe “khứ hồi” thì còn gì bằng! Ông liền kéo cái xích lô tới sát tường nhà hàng Hương Quê, ngồi lên xe rồi ngả lưng tranh thủ làm một giấc, bởi đêm hôm qua, ông cứ mải mê “vật lộn” với bà vợ mà quên cả ngủ!...

Khi ông Hàn bừng tỉnh thì đã quá trưa, khoảng một, hai giờ chiều gì đó! Ông lặng người khi sực nhớ ra mình đang chờ ông khách mập bự đi cuốc xe “khứ hồi”! Thôi, thế là mất toi cuốc xe khứ hồi! Ông tính vào nhà hàng hỏi xem ông khách mập bự có còn ở trong đó không nhưng lại nghĩ: đã quá giờ hẹn, là mình ngủ quên, lỗi tại mình! Thôi bỏ!...

Ông Hàn lên xe, ngồi đạp từ từ nhưng đầu óc thì như mây bay lãng đãng, không biết sẽ đi đâu? Ông bỗng thấy đói! Chẳng lẽ lại mò về nhà ăn cơm? Gạo còn chưa mua được thì cơm nước gì? Nghĩ thế, ông bấm bụng đạp tới chỗ mấy người bạn đồng nghiệp, xem họ có san sẻ cho được người khách nào không? Song, khi ông mới đi được khoảng mười phút thì có hai người chặn xe ông lại, kêu ông chở một người phụ nữ bị tai nạn giao thông, đang ngồi rên la bên vệ đường, máu me đầy người! Không chần chừ, ông cặp xe lại gần người bị nạn, rồi còng lưng đạp tới trung tâm cấp cứu Thành phố!...

Khi ông Hàn về tới nhà thì thành phố đã lên đèn. Bà vợ và cô con gái đang ngồi chờ cơm, ra cửa đón ông, nhìn thấy cái xích lô đầy những vết máu đã xỉn khô thì dường như đã hiểu chuyện gì đã xảy ra với ông!...
Là người rất mê coi bói toán, tử vi nhưng ông vẫn chưa hết ngơ ngẩn, bàng hoàng khi ngày hôm sau, thật không thể tin nổi, sự việc lại xảy ra với ông gần giống như ngày hôm trước! Chỉ khác chút ít là buổi sáng thì ông chở một người khách sộp, tới một tòa cao ốc, cũng hẹn sau hai mươi phút sẽ xuống đi cuốc xe “khứ hồi”, nhưng rồi không bao giờ xuống nữa! Còn cuốc xe tới Bệnh viện hôm nay là chở mấy đứa trẻ một trường Mầm Non bị ngộ độc thực phẩm, ông phải chở hai đứa và một cô giáo áp tải! Khi nhìn lại xích lô thì không thể tin được, hai đứa bé ói nôn ra đầy xe! Người ta chỉ mải lo cấp cứu cho mấy đứa bé mà không hề ngó ngàng gì đến ông, tức trả ông tiền “cước vận chuyển”!

Chán nản, thất vọng hết sức, sang ngày thứ ba, ông tính “giải nghệ” một hôm để “xả xui”, ra đầu hẻm ngồi uống cà phê. Nhưng chưa uống hết ly cà phê thì ông Tổ trưởng dân phố nắm chặt tay ông mà nói: “Tôi có người em ở Canada về quê hương ăn Tết, nó lại nói là không đi taxi mà đi xích lô từ sân bay về nhà để còn nhìn ngắm phố phường. Vậy nhờ ông đi một chuyến!”. Ông Hàn nghe ông Tổ trưởng dân phố nói vậy thì đứng dậy đi lấy xích lô ngay vì không thể từ chối ông Tổ Trưởng, vả lại chở khách Việt kiều là “mơ ước” của dân xích lô như ông!

Đến sân bay, ông ngồi chờ ở vòng ngoài. Song, thật không thể tin nổi, ông ngồi chờ một giờ, rồi hai giờ mà không thấy ông Tổ Trưởng cùng người em Việt kiều Canada đâu? Ông quyết định quay về nhà và nghĩ sẽ lấy sợi dây xích khóa cái xích lô này vào cái cột điện trước cửa nhà! Ông khóa cái xích lô xong, liền đi đến nhà ông Tổ trưởng thì thấy nhà vẫn khóa cửa, hình như là cả nhà ông Tổ trưởng ra sân bay đón người em Việt kiều. Ngày hôm sau, ông mới được biết người em của ông Tổ trưởng gặp “rắc rối” vì vận chuyển ma túy tổng hợp, số lượng khá lớn!...Ông Tổ trưởng đang bù đầu lo việc của người em mà quên luôn ông, điều đó xảy ra là tất nhiên! …

Sang ngày thứ tư, tức ngày 26 tháng Chạp, người ta thường nói là ngày 26 Tết, tức Tết đã đến, nói chính xác thì Tết đã cận kề, người người đi sắm Tết tấp nập. Vậy mà ông Hàn vẫn thấy bà vợ ông “bình chân như vại”, trong nhà ông chưa thấy dấu hiệu gì của Tết cả, ngay cả bàn thờ gia Tiên với mâm ngũ quả cũng chưa có gì? Chắc phải tới ngày 28, 29 bà vợ ông Hàn mới bày biện bàn thờ, bởi thực ra điều quan trọng đầu tiên là “Tiền đâu”? Nghĩ đến hai chữ “Tiền đâu”, ông Hàn lôi cái xích lô ra đầu hẻm, phải hành động, phải đi kiếm tiền tiêu Tết!

Có câu “Quá tam ba bận”, tức mọi cái xui xẻo của ba hôm vừa rồi chắc chắn không xảy ra với ông Hàn nữa? Ông Hàn nghĩ vậy và bình tâm ngồi lên yên “con ngựa già”, đạp một hơi dài để gọi là “đứt đuôi con nòng nọc” với ba ngày xui xẻo vừa qua!... Khi ông Hàn từ từ “thả lỏng dây cương” để quan sát hai bên đường tìm “mối khách”, thì không cần đợi lâu, một bà cỡ hơn tứ tuần, quần áo rất “thời trang”, son phấn khá đậm, ngoắc ông lại. Khi đã an tọa trên xích lô rồi, bà khách kia nói nhỏ mà rõ từng tiếng một: “Ông thích vui thú ở chỗ nào thì đưa tôi tới đó, tôi chỉ xin ông tiền ăn ngày hôm nay mà thôi!”. Ông Hàn trố mắt nhìn bà khách, như là không tin ở tai mình, hỏi lại: “Bà nói gì?”. Bà khách làm điệu bộ đánh mắt đưa tình, nói nhỏ: “Thì tôi đã nói rồi đó, giờ tôi là Tình nhân của ông!”. Ông Hàn nhảy xuống đường, nói như quát: “Bà này điên rồi! Xuống xe ngay!”. Bà khách kia vẫn bình thản như không nghe rõ câu nói của ông Hàn, nhoẻn miệng cười rồi nói: “Rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt sao? Ông có tin là tôi gọi mấy thằng chém mướn tới chặt nát cái xế của ông không?”. Ông Hàn có linh cảm là dây vào “Tổ ong” nên hạ giọng nói nhỏ: “Xin bà chị thương tình, em còn phải đi kiếm tiền đong gạo, khi nào rảnh rang mới hầu hạ bà chị được!”. Bà khách nghe nói thế thì lấy ra điếu thuốc, bật quẹt hút một hơi rồi mới nói: “Thôi được! Vậy thì đưa chị tới nhà hàng Ngõ Nhỏ ở đường Ngô Thì Nhậm!”…

…Khi đã đạp một mạch để thoát khỏi cái “mùi Hồ Ly” của bà khách, ông Hàn mới thấy hú vía! Ông lại “thả lỏng dây cương” mà đầu óc vẫn chưa ổn định! Chẳng lẽ ngày hôm nay mình lại bị Hồ Ly quấy nhiễu? Vừa nghĩ tới đó thì có một cô gái trẻ đẹp như người mẫu thời trang chân dài, một bước đã ngồi gọn trên xích lô, nói như ra lệnh: “Đến vũ trường Bốn Sao!”. Ông Hàn bàng hoàng, như là gai ốc nổi lên khắp người rồi gục xuống, ngất xỉu ngay trên yên “con ngựa già”! May cho ông Hàn là vừa đúng lúc đó, một bạn đồng nghiệp của ông đi tới, thấy thế thì kịp thời đỡ ông xuống, dìu vào hè đường, sơ cứu cho ông rồi đưa ông về nhà, giao cho bà Bần!...
Đó là chuyện xảy ra vào bốn ngày giáp Tết năm con Trâu. Suốt mấy ngày Tết, ông cứ như người mất hồn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, khiến cho bà vợ và cô con gái lo sợ vô cùng. May mà cô con gái Y tá của ông gọi được ông Bác sĩ Thần kinh số Một ở Bệnh viện tới, dùng phương pháp Đông – Tây Y kết hợp mới chữa khỏi cho ông cái bệnh “Tâm thần phân liệt” đã thâm nhập vào ông tới năm, sáu phần!...

Năm nay là năm con Cọp, ông Hàn nghĩ “vận sui” sẽ không dám vuốt râu Hùm! Vì thế, ngày 23 Tháng Chạp, sau khi vợ ông làm lễ cúng ông Táo xong, ông ung dung lên xe, vừa đi vừa …huýt sáo! Vợ ông, cả con gái ông đã dặn rất kỹ: Không được nghĩ quá nhiều đến mấy chữ “Kiếm tiền tiêu Tết”, nó sẽ làm ông rối trí! Việc kiếm tiền tiêu Tết năm nay hai mẹ con bà Bần và Kim Ngân đã dự liệu xong xuôi, cho nên ông Hàn kiếm thêm được đồng nào thì tốt, còn nếu không có cũng không sao! Nói là nói thế, ông Hàn nghĩ mình không thể trút hết gánh nặng lên vai vợ con. Khi nghe vợ con dặn dò quá kỹ, cứ như là ông chưa từng lăn lộn trường đời kiếm tiền, Ông thầm nhủ: mình phải kiếm một món lớn cho hai mẹ con thưởng thức chữ “Bất ngờ”!...

Đi được năm phút, ông sực nhớ ra con gái dặn sáng nay tới nhà Bác sĩ Thư ở đầu hẻm bên kia đường, chở ông Bác sĩ này tới Bệnh viện chấn thương chỉnh hình để tái khám. Ông Bác sĩ Thư này bị tai nạn gãy cả hai chân, nhưng đã được những “Bàn tay vàng” của đồng nghiệp chữa trị tận tình nên vết thương đã dần biến mất, chỗ xương gãy đã được nối lại như chưa hề gãy và đã có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà! Ông Hàn liền quay lại, tới nhà BS Thư, thì thấy BS Thư đang ngồi đợi ở cửa!...

Khi đưa ông BS Thư trở lại nhà, ông Hàn nhận được một “Hợp đồng” rất hậu hĩnh: từ ngày 27 đến ngày 30 Tết, mỗi ngày đưa ông BS Thư đi dạo phố phường một giờ đồng hồ! Giá “cước vận chuyển” là hai triệu! Quả là một bất ngờ lớn đối với ông Hàn, bởi bốn ngày tới đây sẽ xóa tan vĩnh viễn bốn ngày xui xẻo của năm ngoái!...

Bữa cơm tối, ông Hàn muốn cho vợ con thưởng thức hai chữ bất ngờ của cái “Hợp đồng” với ông Bác sĩ Thư, nhưng ông lại nghĩ, hôm nay mới là ngày 23, “Nói trước bước không qua”, khoan đã! Bà vợ và cô con gái thấy ông rất tươi tỉnh (không như năm ngoái), thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm thì dường như cũng vui lây! Hai mẹ con cũng dự tính “để dành” sự bất ngờ đến phút chót, nhưng không hiểu sao, bà Bần lại muốn nói ngay hôm nay: “Cô con gái rượu của ông muốn cho ông thưởng thức sự bất ngờ sớm một chút: Ngày 29 Tết, ông BS Thư sẽ dâng lễ Ăn hỏi con gái Kim Ngân của ông đấy! Ông có một tuần để suy nghĩ đồng ý hay không?”.

Ông Hàn nghe mà như chưa tin ở tai mình, ông nhìn con gái như muốn nói: chính là con hãy nói cho cha nghe đi? Nhưng cô con gái cứ ngồi bình thản ăn cơm, như là không biết bà mẹ vừa nói gì! Càng nhìn cái dáng vẻ bình thản, tự tin của cô con gái, ông Hàn càng thấy con mình sao mà xinh đẹp lạ thường!...


Sài Gòn, những ngày cuối năm con Trâu, 2010
Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 07.02.2010.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com.


Chợ hoa "cơ động"...
http://files.doanhnhan360.com/Image.ashx/image=pjpeg/98f66b7146a84f3bb684b1814a8930cb-Tet%20den%20trang%20tri%20ban%20tho%203.jpg/Tet%20den%20trang%20tri%20ban%20tho%203.jpg

CÂU CHUYỆN TẤT NIÊN

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Cuộc gặp gỡ Tất Niên chủ yếu là để “ôn cũ” – con người ta thường sống nhiều với ký ức - thường bao gồm những thành phần chính yếu sau: gia chủ (tức người đăng cai – chủ xị) và những bạn hữu thân thiết, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong ký ức bạn hữu! Ông Lê Trịnh Hữu Bằng quan niệm rất rõ ràng như vậy và năm nào ông cũng đăng cai cuộc gặp gỡ bạn hữu vào dịp Tất Niên! Số người trong cuộc gặp gỡ Tất Niên này ông ấn định là đúng số 12 con Giáp, nhưng thường xê xích chút ít và khi thiếu chưa đủ số 12 thì ông cho vợ con lấp vào cho đủ, còn khi “dôi ra” thì ông chuốc cho người “dôi ra” kia say mèm!...
Tôi không phải là bạn học, cũng không phải là bạn đồng nghiệp, bạn nhậu (hay bất cứ mối quan hệ nào có dính tới chữ Bạn), tại sao ông Bằng luôn mời tôi tới làm vai trò “người chép sử” cho ông? (Ông Bằng đang phụ trách một cơ quan chuyên nghiên cứu về Con Người, mọi tài liệu về Con Người, dưới mọi hình thức đối với ông đều rất cần thiết và không ai là không kinh ngạc khi thấy tận mắt tại nhà ông có một thư viện khổng lồ đủ các loại sách nghiên cứu về Con Người từ nhiều góc nhìn khác nhau).Lý do để ông Bằng “hợp đồng suốt đời” với tôi làm “người chép sử” rất đơn giản: khi con ông đang học lớp Năm, ông thường xem sách vở của con và thấy cái truyện ngắn “Người chép sử” của tôi in trong cuốn sách “Giáo dục Công dân” thì rất thích cái truyện ngắn này, và khi ngẫu nhiên gặp tôi ở nhà một người họ hàng, thì mời tôi đến nhà chơi, kết bạn và nói: “Tôi rất thích quan điểm của ông (ông Bằng kém tôi hai tuổi): người viết sử phải trung thực! Không thể cứ vài năm lại thò ra một cái “Thâm cung bí sử” khiến thiên hạ té ngửa!”… Thế là từ đó, cuộc gặp Tất Niên nào cũng có tôi, kể từ đó đến nay!...
Những cuộc gặp gỡ Tất Niên ở nhà ông Bằng đã giúp tôi tiếp xúc với khá nhiều loại người với đủ các ngành nghề trong xã hội.Với ý nghĩ “thu thập tư liệu” cho một cuốn tiểu thuyết kiểu như Tấn trò đời của H. Balzac , tôi đã say sưa làm người “Thư ký Trung thành”, làm “Người chép sử” trung thực. Đó cũng là yêu cầu của ông Bằng và khi thấy tôi tỏ vẻ say sưa, thích thú với công việc “Người chép sử” này thì đã trả “Nhuận bút” cho tôi rất hậu hĩnh, mỗi khi tôi hoàn tất tài liệu có nhan đề “Câu chuyện Tất Niên”, đánh số từ l cho đến khi nào tôi không viết nữa! Truyện ngắn này được rút ra từ tập tài liệu “Câu chuyện Tất Niên 7”, tức là cuộc gặp gỡ Tất niên lần thứ 7.
Cuộc gặp gỡ Tất Niên lần thứ 7 ở nhà ông Bằng được tổ chức vào năm 2008, tức là mới cách nay hai năm, đó là năm Tý. Lý do để tôi chọn cuộc này không phải nó có nội dung ly kỳ, độc đáo nhất mà vì năm đó số người tham dự vừa đúng số 12 con Giáp, một con số mà rất nhiều người thích, trong đó tất nhiên có tôi! Điều đáng ngạc nhiên là tất cả số 12 người đó thì số tuổi của từng người cũng vừa đúng với 12 con giáp. Vì thế, trong truyện ngắn này, tên gọi của từng người được gọi bằng tên của con Giáp đó: Tý (tôi), Sửu , Dần (ông Bằng), Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi , đương nhiên số năm dương lịch sẽ là từ 1948 đến 1959. Trong lịch sử của nước Việt Nam thì khoảng thời gian này đầy biến động và có nhiều sự kiện trọng đại: Kháng chiến chống Pháp bước sang năm thứ ba, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, rồi giải phóng Thủ đô, rồi hiệp định Giơ-ne-vơ chia đôi đất nước (cho đến tận 1975), rồi…nếu kể nữa thì hơi dài nên để bạn đọc kể tiếp, ai thích sự kiện nào thì coi đó là quan trọng, cũng không sao. Chẳng hạn, ông Tỵ coi sự kiện chia đôi đất nước là quan trọng nhất vì ông vừa sinh ra đã phải chịu cảnh gia đình chia hai, nửa Bắc, nửa Nam, khi gần giải phóng Miền Nam mới gặp nhau thì lại trong cảnh ngộ đầy bi kịch: người cùng một nhà lại ở hai phía của chiến trường!...Còn bà Ngọ, khi người bố hy sinh ở Điện Biên (tháng 5-1953) thì bà còn ở trong bụng mẹ, chưa được một tháng tuổi, tức mọi người trong làng xóm chưa biết bà mẹ có thai, cho nên khi sinh ra cô bé Ngọ, ai cũng cho là mẹ cô hoang thai và kết quả là cô không được công nhận là con Liệt sĩ, tất nhiên lại bị coi là Con hoang! Hai mẹ con bà Ngọ đã phải trải qua những năm tháng ê chề tủi nhục như thế nào thì chỉ có hai mẹ con bà Ngọ biết mà thôi!...
Cuộc gặp gỡ Tất Niên lần thứ 7 này còn có một đặc điểm khác thường nữa là tất cả 12 người đều đã trải qua giai đoạn có vợ, có chồng rồi ly hôn. Tức tất cả đều đã “lên thác xuống ghềnh” với cuộc sống gia đình. Có một điểm nữa, cũng đặc biệt là trong mười hai người này, chỉ có một người là Nữ, tức bà Ngọ. Hơn nữa, bà Ngọ lại là một mẫu người khá độc đáo của cái gọi là “Hồng nhan bạc mệnh”: Bà Ngọ hơn rất nhiều cái con số ba bảy trong câu thơ của Bà Chúa Thơ Nôm “Bảy nổi ba chìm với nước non”, nhưng cuối đời bà lại đạt được thành tựu tối đa cả về danh vọng và tiền bạc: tuổi thơ nghèo túng đã rèn luyện cho bà trở nên một người phụ nữ phi thường và bà đã trở thành một Doanh nhân nổi tiếng bởi “Tay trắng làm nên”!...
Trước khi tới cuộc gặp gỡ Tất Niên ở nhà ông Bằng, tôi đã dự ba cuộc gặp gỡ Tất Niên khác với ba nội dung: Những người bạn cùng học hồi Đại học, những người bạn thời lính tráng và những người cùng cảnh ngộ thất nghiệp! Ở cuộc gặp những người bạn học, toàn tranh luận về những chuyện thuộc lãnh vực văn chương, báo chí và cả thế sự thời cuộc. Nói chung là toàn những vấn đề như ở các cuộc Hội thảo khoa học: nói hoài không bao giờ hết nhưng không biết kết quả, kết luận thế nào? Ở cuộc gặp những người thời lính tráng, cùng vào sinh ra tử thì toàn kể về mấy người bạn lính đã hy sinh, giờ vợ con họ ra sao rồi định ngày tổ chức đi thăm mộ họ. Còn ở cuộc gặp những người cùng cảnh ngộ thất nghiệp thì chỉ có một đề tài: các món ăn và cách chế biến để nó trở nên ngon miệng nhất! Có lẽ những người ở nhóm này đã rất nhiều lần phải sống trong cảnh ngộ…đói bụng!
Tại cuộc gặp gỡ Tất Niên ở nhà ông Bằng, dường như có tất cả nội dung của các cuộc gặp gỡ Tất Niên đã có, bởi 12 người có mặt ở hầu như khắp các ngành nghề đã và đang tồn tại. Chẳng hạn, ông Thìn, một Bác sĩ Pháp y, chuyên “nói chuyện” với những xác chết, nhưng thỉnh thoảng ông lại “góp mặt” với mọi người những bài thơ rất xúc động và rất tân kỳ về câu chữ cũng như cấu tứ của bài thơ. Hoặc ông Mão, chuyên nghiên cứ về tội phạm, tức là nhà “Tội phạm học” thì lại sợ cả con ruồi, con muỗi: khi thấy con muỗi đậu trên chân, ông Mão không dám đập con muỗi như hầu hết mọi người, mà lại la kêu cứu ầm ỹ! Còn nữa, ông Dần, tức ông Bằng chủ nhà, cầm tinh con Cọp là loài thú săn mồi ăn thịt , được coi là Chúa Sơn lâm (còn có tranh chấp ngôi vị với Sư tử), nhưng lại thường xuyên ăn chay trường và ra đường là cứ đi dón rén vì sợ dẫm đạp phải những sinh linh bé nhỏ như con sâu, cái kiến!...
Theo lệ thường, chủ nhà đăng cai buổi gặp mặt sẽ lo toàn bộ đồ ăn thức uống. Còn những người khác thì sẽ đem tới món đặc sản mà mình thích và cũng sẽ tạo bất ngờ cho mọi người. Buổi gặp Tất Niên hôm ấy, không hẹn mà gặp, tất cả đều đem đến món Bánh chưng, với lý do muốn cùng mọi người “Ăn Tết sớm”, vì bánh chưng vốn được coi là món ăn số Một của ngày Tết! Nếu chỉ là bánh chưng thông thường thì không có gì đáng nói, mà những bánh chưng này đều được gói bằng nguyên liệu của 12 miền quê khác nhau từ Bắc vào Nam của 12 người. Vì thế, khi những cái bánh chưng lần lượt được cắt ra chia đều cho 12 người, mỗi người một miếng nhỏ, thì ai cũng có cảm giác như lần đầu được ăn bánh chưng! Quả là mỗi vùng đất, miền quê, luôn giữ được cái hương vị riêng độc đáo, không trộn lẫn, cho dù cuộc sống hôm nay, sự giao lưu giữa các vùng miền là rất mạnh!...Xin nói thêm là trong số 12 người của buổi gặp gỡ Tất niên này, chỉ có ông Bằng chủ nhà là bạn của 11 người còn lại, còn tất cả chỉ là gặp nhau lần đầu tại nhà ông Bằng.
Từ cái bánh chưng, ông Bằng chủ nhà đề nghị mỗi người kể một vài câu chuyện về con người, cảnh quan của quê hương mình và đó là nội dung chính của buổi gặp gỡ Tất Niên. Tất cả đồng ý ngay và còn đề nghị trao giải thưởng cho ai có câu chuyện hay nhất! Cũng OK!...
Lại một bất ngờ nữa, đó là sự gặp nhau tuyệt đối khi tất cả 10 câu chuyện của 10 người kia về quê hương đều chỉ nhằm kể về người Mẹ của mình, và có những điểm giống nhau như đó là một người phụ nữ rất xinh đẹp nhưng rất sóng gió về đường tình duyên, yêu ai cũng nửa đường đứt gánh, hết cản trở này đến trục trặc khác và cuối cùng đều không lấy được người mình yêu!...Rồi sau mỗi một cuộc tình, người mẹ lại phải một mình nuôi con, rồi vì quá nghèo túng mà phải đem con đi nhờ người khác nuôi. Và điều kỳ lạ là sự việc như thế không chỉ xảy ra hai, ba lần mà có tới hơn chục lần!... Nhưng thực ra chỉ có mình bà Ngọ là biết rõ về người Mẹ của mình (và cho đến lúc đó, bà Ngọ vẫn đang ở với người Mẹ, đã già và sức khỏe rất kém), còn những người kia thì chỉ là “nghe nói” mà thôi!...
Đến lượt ông Bằng thì ông lại lần nữa khẳng định rằng, mọi chi tiết về quê hương (như cha mẹ, ông bà, họ hàng…) ông cũng chỉ “nghe nói” với độ chính xác chỉ “năm mươi – năm mươi”! Tức cho đến thời điểm này, ông vẫn trên con đường tìm về quê hương bản quán cùng với tất cả những người thân thiết cũng như họ hàng xa gần! Tôi cứ suy nghĩ mãi điều này: tại sao những người như ông Bằng và nhóm bạn đây, đã tới năm, sáu mươi tuổi mà vẫn chưa xác định được cha mẹ mình là ai, rồi quê hương gốc gác của mình ở đâu?
Đến lúc mọi người yêu cầu tôi nói về quê hương của mình, không hiểu sao tôi lại buột mồm đọc câu thơ : “Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa / Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”?. Mọi người lặng đi hai phút rồi bà Ngọ nhẹ nhàng nói: “Huynh là “người bị ruồng bỏ” à? Nếu thế thì hãy đến làm việc cho Công ty của tôi! Ở Công ty của tôi có rất nhiều người có tuổi thơ là trẻ em đường phố, tức trẻ bụi đời!”. Tôi liền nói: “Nhưng tôi không phải là trẻ bụi đời! Tôi có bố mẹ, anh em, vợ con!... Tôi đã từng được học hành đàng hoàng, từng là cán bộ viên chức Nhà nước!...Chỉ có điều…”. “Chỉ có điều Huynh phức tạp bỏ xừ!” – bà Ngọ nói rồi cụng ly trăm phần trăm với tôi, rồi lại nói: “Lời mời của tôi với Huynh lúc nào cũng còn nguyên giá trị, tức lúc nào tôi cũng chào đón Huynh!”…Ông Sửu, người có hai bằng Đại học và một Bằng Tiến sĩ, thì nói: “Tôi sắp mở trường Đại học, Huynh hãy đến giúp tôi hơn là làm kinh doanh! Nhân đây tôi xin mời tất cả mọi người ở đây, ai rảnh rang hoặc có hứng thú xin góp với tôi một tay!”. Bà Ngọ liền nói: “Mở trường Đại học thì cũng là kinh doanh vậy!”. Ông Sửu cãi: “Trường Đại học của tôi không nhằm kinh doanh, song chẳng lẽ lại không thu học phí hoặc thu ít thì lại mang tiếng “của rẻ là của ôi”! Chúng tôi sẽ miễn phí cho những học sinh nghèo hiếu học. Được chưa?”. Bà Ngọ cười, nụ cười thật thân thiện, nói: “Nếu quả như vậy thì Công ty của tôi xin tài trợ cho những xuất học bổng ấy và xin bù lỗ cho nhà trường!”. Tất cả vỗ tay rào rào. Hai người trẻ tuổi nhất trong cuộc gặp mặt Tất niên này là Tuất và Hợi, đều là sĩ quan quân đội, một người là bộ đội Biên phòng, tức đóng quân tít trên núi cao rừng thẳm, một người là bộ đội Hải quân, tức đóng quân tận ngoài xa khơi giữa trùng dương bốn bề sóng vỗ. Hai người rất ít nói, đúng phong cách “Bí mật quân sự”, lúc này mới lên tiếng. Tuất nói trước: “Tôi sắp xuất ngũ, sẽ nhận với Đại ca Sửu công việc Bảo vệ. Nếu thuận tiện sẽ có thể mở thêm Khoa Võ thuật!”. Hợi nói tiếp luôn: “Tôi xin nhận đấu thầu Bếp ăn, theo mô hình Nhà hàng – Khách sạn!”. Mọi người lại vỗ tay rào rào, rồi Sửu hào hứng nói: “Đó là hai vấn đề lớn mà Trường của tôi chưa có hướng giải quyết, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh! Chúng ta sẽ tiến hành ngay ngày mai!...”. Đề tài chung tay giúp ông Sửu mở trường Đại học bỗng thu hút sự quan tâm của tất cả. Thì ra tất cả đều đã qua Đại học và có tới tám người đã có cái bằng Tiến sĩ, song lâu nay công việc mà họ làm chưa tận dụng hết cái “chất xám” mà họ có, nay việc ông Sửu mở trường Đại học như là một sự “kích hoạt” những “tiềm năng đang ngủ yên”!...
Cuộc trao đổi, trò chuyện đang sôi nổi thì điện thoại của bà Ngọ đổ chuông, một bản nhạc thánh thót vang lên. Bà Ngọ nghe điện thoại xong thì nói với tất cả: “Mẹ tôi muốn đến gặp mọi người tại đây! Chắc là không ai phản đối chứ?”. Tất cả cùng đồng thanh: O.K!...
Khoảng mười phút sau thì người mẹ của bà Ngọ tới, nhưng phải nằm trên cáng hai người khiêng. Khi đã nhìn thấy chúng tôi, tức 12 người trong Câu chuyện Tất Niên, người mẹ của bà Ngọ nói, giọng đã rất yếu: “Tôi có 12 đứa con…Không biết có phải tất cả chúng nó đang ở đây không?”. Có vẻ như tất cả đều nghe thấy người mẹ của bà Ngọ nói gì! Và chắc chắn tất cả đều không thể hiểu được tại sao người mẹ của bà Ngọ lại nói như thế? Tất cả đều hướng ánh mắt vào bà Ngọ như muốn hỏi: Vậy là sao? Nhưng bà Ngọ không trả lời ngay được vì ngay sau đó, người mẹ của bà Ngọ có biểu hiện ngất xỉu. Bà Ngọ liền cáo từ rồi đưa người mẹ đi Bệnh viện…
Những người còn lại suy nghĩ như thế nào về những lời nói của người mẹ bà Ngọ? Đó là câu hỏi cứ đeo bám theo tôi hoài cho đến một tuần sau, tôi nhận được điện thoại của bà Ngọ nói: “Ngày mai, lúc Tám giờ sáng, chúng ta, tức những người có mặt ở cuộc gặp gỡ Tất Niên, sẽ gặp mặt ngày Tân Niên tại nhà tôi. Huynh nhớ tới nghe!”. Khoảng mười phút sau thì tôi nhận được điện thoại của ông Bằng, nội dung cũng giống như của bà Ngọ! Chẳng lẽ 12 người chúng tôi trong Câu chuyện Tất Niên lại là anh, chị em ruột, cùng mẹ khác cha? Không lẽ nào?!
Đúng tám giờ sáng, tôi đến nhà bà Ngọ theo như lời hẹn thì đã thấy tất cả mười một người kia đang ngồi trong phòng khách, và ở vị trí trung tâm là bà Ngọ và người mẹ già yếu, nhưng lúc này đã rất khỏe, đang vui vẻ cười nói! Tôi lưỡng lự chưa bước vào ngay vì cái câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu: Rút cục thì câu chuyện này là thế nào?
Sài Gòn, cuối năm Con Trâu, 1-2010
Đỗ Ngọc Thạch
http://image.tin247.com/dantri/100208184854-46-29.jpgĐêm giao thừa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét