Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

“Thần thánh và bươm bướm” mấp mé một cái gì rất lớn* - GS Phong Lê

Giáo sư Phong Lê
“Thần thánh và bươm bướm”
mấp mé một cái gì rất lớn*
Nghe anh Thỉnh anh Sử và anh Trường phát biểu thì có lẽ quyển sách này của Đỗ Minh Tuấn phải có giải cao hơn đấy. Bây giờ tôi nói lại tất cả với anh Thỉnh và các anh Ban chung khảo. Tôi tham gia hai lần chấm chứ không được ba lần, thì cả hai lần tôi đều có cảm giác là trong xét thưởng vẫn có cái gì xộc xệch.
Đây là tâm trạng của một người tham gia. Tức là chúng ta chưa đi đến cùng những lý lẽ để tranh luận, tranh biện, mà vẫn nhân nhượng nhau. Và luôn luôn có gì bày đặt. Xin lỗi sáu vị trong Ban chung khảo ở đây. Chúng ta vẫn dựa vào nhau, thân thiện nhau, bày đặt với nhau để đạt một cái chuẩn chung, mà cái chuẩn chung đó không phải phù hợp với từng người một.
Riêng tôi, nếu bây giờ cho tôi xếp lại giải này thì tôi xếp khác, chứ không xếp thế này. Tôi xin nói thật như vậy. Bây giờ nói thì chạm tự ái.Nhưng từ giải Nhất đến giải Ba nếu tôi xếp thì tôi xếp khác. Tức là cả hai lần chấm ấy chúng ta đã thỏa hiệp với nhau để đạt cái chuẩn chung mà chưa đi tới kỳ cùng cái lý của mỗi người đưa ra. Đó là điều tôi nói để thấy rằng tôi cảm nhận và phát biểu về Đỗ Minh Tuấn hoàn toàn rất khác mọi người. Nhưng thậm chí chưa lần nào chúng ta tham gia một cuộc tranh luận về chuyện này. Trong khi đó tôi thức nhận rằng trong cả hai cuộc thi thì đây là một quyển sách hoàn toàn khác. Khí hậu khác, diện mạo nhân vật khác, cách tiếp cận khác, giọng điệu khác. Phải đến cuộc hai mới có Đỗ Minh Tuấn, cuộc một cổ điển vô cùng. Tất cả những cái giải chúng ta trao đều là cổ điển hết sức. Cổ điển trong cách viết, cổ điển tác giả và cổ điển cả người đọc. Chiều theo đa số người đọc, chứ còn một cách tiếp cận khác chưa chắc đã có số đông người đọc đâu. Tức là chúng ta đã chiều theo số đông một cách “bầy đàn”. Tôi xin phép đọc cái nhận xét của tôi (về Thần thánh và Bươm bướm) mà tôi đã nộp cho Ban Chung khảo, nguyên vẹn thế này:
“Một biếm họa, một giả thuyết về người nông dân hiện đại trên hai phương diện thần thánh và bươm bướm. Thần thánh: sự mê tín các quyền lực siêu nhiên gồm đủ các loại thần: cây đa, cây đề, cây bưởi. Bươm bướm: Lòng tin rất mực ngây thơ vè các dự án, các tài trợ các khuyến dụ của người nước ngoài với những khoản thu nhập hàng ngàn đô la tính từ con bươm bướm và con bọ hung. Cả hai phương diện đều là biểu hiện của sự dốt nát và lòng tin mê muội. Không biết một giả thuyết như vậy có đúng là gương mặt đích thực của người nông dân Việt Nam hôm nay hay không. Hay vì sự nghèo khổ lưu niên, sự bỏ làng ra thành thị, sự mất đất, sự thay đổi cảnh ngộ trong quá trình đô thị hóa. Đương nhiên một hình ảnh nông dân và nông thôn như trên là hoàn toàn mới so với nửa thế kỷ văn học trước đây.
Trước đây, trong xã hội cũ (kiểu như Ngô Tất Tố), trong chiến tranh (như kiểu Bùi Hiển hay Nguyễn Văn Bổng với “Con trâu”), trong cải cách ruộng đất (như là “Bếp đỏ lửa”), trong sửa sai (như “Sắp cưới” của Vũ Bão), trong Hợp tác hóa (như là của ai đó trong số đông đảo các tác giả kiểu như Nguyễn Thị Ngọc Tú, rồi Vũ Tứ), trong gia tộc dòng họ (như kiểu anh Nguyễn Khắc Trường)…Tất cả đều có chung một cách tiếp cận nông thôn như thế.Một cách nhìn kiểu Lỗ Tấn đối với AQ không biết đã có thể thích hợp với nông dân ở ta hiện nay không?”
Đánh giá của tôi như thế đấy!Đối với tôi đó là điều tôi rất ngưỡng mộ. Đây là những ghi chép của tôi, không biết có đúng với suy nghĩ của anh Tuấn không. Nhưng tôi đọc và cảm nhận như vậy. Hôm qua sau khi ở bệnh viện ra tôi có đọc lại để khẳng định lại thì tôi thấy vẫn giữ nguyên đánh giá của mình. Nếu đúng được với ý tác giả thì là điều tôi rất mừng.
Sau khi viết cái này tôi nghĩ đến nông dân trước năm 1945, với hai giả thiết lớn tôi gọi là vĩ đại. Một là, giả thiết về người nông dân nghèo khổ như chị Dậu khái quát về số đông của nông dân trước 1945. Sau năm 1945, cái bần cùng hóa ấy giảm dần đi nhưng chị Dậu vẫn sống trong sự rung động, trong lòng thương con người sâu sắc của ông Ngô Tất Tố. Sau Ngô Tất Tố lại xuất hiện một giả thuyết của Nam Cao là Chí Phèo.Chí Phèo trước cách mạng không nhiều đâu, ít thôi, chỉ một số nhỏ nông dân bị lưu manh hóa. Nếu so sánh ba loại người là Dậu, Pha, Phèo thì loại Phèo là thiểu số trước năm 1945. Vậy mà nó sống đến thế, sau cách mạng loại hình nhân cách Chí Phèo lan rộng, xuất hiện sừng sững khắp nơi lại còn đông đảo hơn chị Dậu. Vì đằng sau Chí Phèo có cái tha hóa con người. Không phải chỉ Chí Phèo mới tha hóa, mọi tầng lớp xã hội loại người khác cũng tha hóa. Nhưng trong nghệ thuật thuật có cái trớ trêu như vậy. Nó không phải đi theo cái phổ biến đâu, mà là sự mở rộng, nhân rộng cái bản tính khác biệt mang tính quy luật của con người, nâng lên thành nghệ thuật. Đằng sau nông dân là vấn đề bần cùng hóa và tha hóa.
Từ kinh nghiệm đó tôi mới hiểu thế này, mọi phát hiện của ta về nông dân liên quan đến hai đề tài quan trọng nhất của dân tộc mình là chiến tranh và nông thôn. Nhưng cái phát hiện chiến tranh đeo đai chúng ta mãi. Còn đề tài phát hiện nông dân bao trùm hơn thì vẫn chưa vượt được cái ngưỡng của nó. Ở đây có hai vấn đề: Một là vấn đề nông dân với đất, liên quan đến việc anh nông giữ đất, có đất rồi mất đất. Hai là vấn đề nông dân với nền tảng tâm linh, đạo đức truyền thống, liên quan đến tầng sâu tâm lý của một dân tộc nông dân. Nhưng văn học ta mới chỉ khai thác sâu vào vấn đề giữ đất giữ làng, giữ tổ quốc thôi! Còn vấn đề nông dân mất đất với tấn bi kịch con người mất đất đai, vấn đề tan rã nền tảng đạo lý tâm linh văn hóa dân tộc hầu như chưa khai thác.
Tính dân tộc có hai phương diện, ta mới chỉ khai thác sâu cái mặt tích cực của nó, khai thác mãi rồi cũng cạn thôi. Trong kháng chiến “Anh bộ đội tỳ tay lên mũi súng” vẫn là anh nông dân mặc áo lính đánh giặc giữ làng, giữ đất chung như trong tác phẩm của Bùi Hiển, Phùng Hữu Lộc…Còn cái vấn đề đất riêng của nông dân thì hầu như chưa khai thác. Sau hòa bình thì anh nông dân nông dân có đất riêng trong cải cách ruộng đất, rồi dần dần mất đất riêng trong quá trình trả lại đất trong sửa sai, trong hợp tác hóa, rồi lại được trả lại đất trong khoán hộ. Và đến bây giờ thì vấn đề nông dân với đất lên đến cực điểm nhất của con người Việt Nam, biểu hiện ở tình trạng nông thôn hóa thành thị và thành thị hóa nông thôn. Nghĩa là quá trình nông dân mất đất kéo ra thành thị la liệt ngoài đường phố, và quá trình nông dân bán đất để xây biệt thự, quán karaoke, mua xe máy rồi anh trắng tay. Hai quá trình đó nhếch nhác vô cùng, thảm hại vô cùng. Hai cái đó là lịch sử. Người ta đã đi cao tốc lên hiện đại mà mình vẫn mới chấp chới đi con đường nhòe nhoẹt như vậy. Vì thế đọc được những giọng điệu đó trong Đỗ Minh Tuấn tôi rất mừng. Cuốn sách đặt ra rất nhiều điều. Rất đương đại. Hiện đại vô cùng. Trẻ con mà nói ngôn ngữ bây giờ. Đám trẻ trong sách có hai thế hệ, thế hệ sau cực kỳ hiện đại. Cái anh đảng viên nói giọng nhếch nhác nửa mùa thôi, nhưng thằng Giác và những thằng sau chúng nó rất hay. Một giọng điệu như thế thích hợp. Một vấn đề như thế bây giờ thực sự mới được đặt ra kinh khủng nhất. Và bi kịch xã hội cũng nảy ra. Con người với đất đai, con người với tầng sâu tâm lý, đồng nghĩa nông dân là dân tộc, và dân tộc nông dân đi vào hiện đại hóa bằng con đường nào, theo cách nào. Đó là những vấn đề rất lớn. Cuốn sách đã đặt ra nhiều điều rất lạ.
Tôi rất thán phục nhà thơ Đỗ Minh Tuấn, nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn, “vĩ đại” nhiều phương diện rồi, giờ lại thử thách về phương diện này. Tôi thấy tất cả những ý mà Chủ tịch Hội đồng văn xuôi đã phân tích về cuốn sách này là rất có nghề nghiệp. Nhưng quyển của Đỗ Minh Tuấn, tôi muốn đặt AQ bên cạnh, như là cách nhìn khác về người nông dân Trung Hoa, như là “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương. Tôi so sánh hơi khập khiễng, nhưng chúng ta phải có cách viết của thời bây giờ, phải phá cách đi, không cổ điển như trước kia. Cuộc thi thứ ba phải có những cách nhìn khác chứ không thể chỉ như giải vừa rồi đâu. Tôi cứ nghĩ cuốn sách của Tuấn mấp mé một cái gì rất lớn. Rất hay về chủ đề, rất hay về cách tiếp cận, rất hay về giọng điệu, rất hay về những cái mới mẻ trong biển cả các cuốn sách viết rất giống nhau. Mấp mé một cái rất lớn nhưng vẫn thiếu một chút gì đó để có được một thắng lợi tinh thần của AQ, thậm chí để có một hình hài của Đông ky sốt cuả Xécvantec, một Gacgăngchuya vàPăngtagruyen của Rabel. Những cuốn sách khổng lồ, khác hẳn đi, tạo nên một thời kỳ Phục hưng. Tóm lại sách của anh là một cuốn sách rất đáng đọc, rất ấn tượng. Nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đó để khởi động một mùa viết mới khác hơn.
Xecvantec viết Đôngkysot năm 62 tuổi, anh năm nay mới 59 tuổi, còn thời gian rất dài để đi tiếp. Thời đại mới đòi hỏi một sự khởi động bằng tiếng cười. Tôi hy vọng những cuộc thi tới đây phải có những tác phẩm viết hoàn toàn khác. Tôi tin tưởng sau cái này anh sẽ đào sâu vào dân tộc nông dân của ta, đặt vấn đề lớn của thời đại, khắc phục những cái gì đó còn thiếu làm tiếng cười chưa sâu sắc, học cái cười sâu sắc của Lỗ Tấn trong AQ, trong “Nhật ký người điên”, học cái cười của Xecvantec, của Rabole. Thời đại Phục Hưng khởi động bằng tiếng cười, chứ không phải bằng sầu bi, đời thường đâu. Một tiếng cười bắt đầu một thời đại mới. Và người nông dân với đất, đó là vấn đề lớn của thế kỷ XX.
___________
(*) Bài phát biểu trong Hội thảo về tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn ngày 25-11-2011.
Theo VHNA
nguồn: nhavantphcm.com.vn

1 nhận xét:

  1. Bài của GS Phong Lê như một mũi tên gần trúng đích! Rất tiếc là GS Phong Lê không nói luôn về cái sự "xộc xệch" trong xét thưởng mà GS đã "cảm giác" được?!

    Trả lờiXóa