Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Cô giáo Mầm Non; Mùng Ba Tết thầy - Đỗ Ngọc Thạch


Cô giáo mầm non

Truyện ngắn Đỗ  Ngọc Thạch

1.
Phan Lê Ái Nhi là “Con nhà nòi” nghề dạy học đã bốn đời, mỗi đời đều có ít nhất hai người nối nghiệp cha ông. Đến Ái Nhi, bố mẹ cô chỉ sinh được một cô con gái, chính là cô Ái Nhi cực kỳ xinh đẹp. Càng lớn, Ái Nhi càng có hình dáng, điệu bộ như siêu người mẫu! Chính vì thế, bố mẹ cô, nhất là ông bà cô đều lo rằng cái sàn Catwalk của mấy Công ty Thời trang sẽ cuốn hút cô vào đó, như thế thì truyền thống gia đình sẽ bị đứt đoạn! Nhưng tất cả đều thở phào khi Ái Nhi thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với điểm số cao tuyệt đối! Đến khi hỏi thi vào trường Đại học nào thì Ái Nhi nói: “Con thi vào trường Cao đẳng Sư Phạm Mẫu giáo!” Ông bà, bố mẹ Ái Nhi lại một phen té ngửa vì đó không phải là một trường Đại học danh tiếng, lại còn chưa phải là bậc Đại học thì danh tiếng ở đâu ra? Các bậc Tiền bối lại tốn rất nhiều “công lực” để thuyết phục Ái Nhi bỏ ý định thi vào trường Cao đẳng Sư Phạm Mẫu giáo, nhưng vô hiệu. Ái Nhi cam chịu tội “Bất hiếu” không nghe lời cha mẹ, ông bà…
 Khi hỏi lý do tại sao lại nhất quyết thi vào Cao đẳng Sư Phạm Mẫu giáo, Ái Nhi định không nói nhưng mọi người thúc ép quá, Ái  Nhi đành phải nói: “Trường Mầm Non là môi trường đẹp nhất, trong sạch nhất, ở đây không hề có chuyện xấu xa như “đổi tình lấy điểm”, “cưỡng bức nữ sinh”, “ma túy học đường”, “xã hội đen tuổi Teen”,v.v..”. Ái Nhi còn định nói nữa nhưng tất cả đều nói “Thôi! Thôi!...” và nhìn Ái Nhi như nhìn con bệnh! Họ nhà này có ai bị bệnh tâm thần phân liệt đâu sao con Ái Nhi lại phải chịu nỗi bất hạnh này? Thế là tất cả các Nhà giáo gọi điện cho bạn hữu tìm mọi cách để tìm bằng được những Bác sĩ Thần kinh giỏi nhất đến khám bệnh cho Ái Nhi!...
Thực ra, Ái Nhi không hề bị Tâm thần. Khi vị Bác sĩ – Tiến sĩ, thứ nhất đến khám bệnh cho Ái Nhi, cô bé hỏi ngay: “Xin hỏi Tiến sĩ, tất cả đều đục, chỉ Khuất Nguyên là trong thì Khuất Nguyên có bị bệnh Tâm thần không?”. Vị Bác sĩ-Tiến sĩ này không biết Khuất Nguyên là ai nên mắc cỡ, bỏ về mà rằng: “Cô bé này bệnh nặng lắm, tôi không thể chẩn đoán chính xác!”. Khi vị Bác sĩ thứ hai, có hai bằng Tiến sĩ là Thần kinh học và Tâm lý học đến, cô bé hỏi ngay: “Thưa Bác sĩ có hai bằng Tiến sĩ! Khi có vị giáo sư Tiến sĩ phạm tội tham ô hoặc cưỡng bức tình dục thì có gọi là bị bệnh không?” Vị Bác sĩ này cũng đã vài lần “thử là tội phạm cho biết” thì giật thột, bỏ về mà rằng: “Cô bé này bệnh tình đã ở giai đoạn cuối, không có thuốc chữa!”. Vì thế, bố mẹ, ông bà Ái Nhi đều nhất trí giải pháp để mặc Ái Nhi muốn làm gì thì làm, mẹ Ái Nhi sẽ “chuẩn bị chiến trường” cho thật tốt để đẻ đứa con khác, đặng có người nối liền mạch truyền thống gia đình!
Thế là Ái Nhi yên tâm nhập học ở Trường Cao đẳng Sư Phạm Mẫu giáo. Việc học của Ái Nhi thuận buồm xuôi gió. Tốt nghiệp, Ái Nhi được điều về Trường Mầm Non Măng Mai – một trường Mầm Non rất đặc biệt: Trẻ em ở đây đều là con nhà Đại gia, VIP hay tương đương!
2.
Khi Ái Nhi đến Trường Mầm Non Măng Mai, cô thật sự kinh ngạc khi thấy cơ sở vật chất của Trường không khác gì Khách sạn Năm Sao. Và cô cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: các nhân viên Nam đều lực lưỡng như võ sĩ quyền Anh, các nhân viên nữ đều như những siêu người mẫu chân dài, còn các cô giáo Nuôi dạy trẻ thì mười phần xinh đẹp ngang ngửa với các Hoa hậu! Còn nữa: trên tất cả các đường đi, lối lại đều có đặt Camera ghi hình ở mọi góc độ, có nghĩa là mọi cử chỉ, động tác của bất kỳ ai đi lại trong khuôn viên Trường Măng Mai đều được ghi vào băng hình và được các chuyên viên hình sự phân tích, đánh giá sơ bộ trước khi lưu vào hệ thống tàng thư, lưu trữ rất hiện đại!...
Phòng làm việc của Hiệu trưởng đẹp và hiện đại hơn bất cứ phòng làm việc của Hiệu trưởng nào, kể cả Hiệu trưởng Đại học tầm cỡ thế giới. Máy móc đủ các loại bày biện như một thế trận, có thể giám sát tất cả nhân viên ở mọi chỗ trong trường. Ngoài ra còn hai Thư ký giúp việc kiêm Vệ sĩ: Xinh đẹp, đương nhiên, và rất nhanh nhẹn, tháo vát!
Ái Nhi được Hiệu trưởng tiếp chuyện trong một giờ, ngay trong ngày đầu tiên đến nhiệm sở. Đầu tiên là Hiệu trưởng hỏi và trả lời giùm: “Cô giáo có biết vì sao trường này trang bị hiện đại và đều xịn từ A đến Z không? Vì học viên ở đây toàn cậu ấm, cô chiêu, thiếu gia, cách cách chứ không phải là trẻ con đường phố! Tương lai của đất nước sẽ nằm trong tay những học viên này! Vì thế điều kiện cơ sở vật chất phải tối ưu. Và những người làm việc ở đây cũng phải được lựa chọn kỹ càng, còn kỹ hơn cả chọn cầu thủ cho Đội tuyển bóng đá Quốc gia! Đội tuyển Bóng đá Quốc gia có thể thua trận, nhưng người vào làm việc ở đây không được làm hỏng việc!” Chờ cho người nghe “tiêu hóa” hết những điều vừa nói khoảng năm phút. Hiệu trưởng hỏi và trả lời giùm tiếp: “Cô có biết nhiệm vụ giáo viên ở đây là gì không? Nếu chỉ đơn giản như ở các trường Mầm Non khác thì khỏi phải nói. Ngoài nhiệm vụ như ở các trường khác mà cô đã được học thì ở đây có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: giúp các học viên làm quen với phong cách của người lãnh đạo, hay bây giờ người ta hay dùng từ “Sếp”! Có nghĩa là các cô giáo ngoài việc là cô giáo, còn phải nhập vai đầy tớ, nô tỳ, hay đại loại như thế!”…Câu thứ ba Hiệu trưởng nói về chế độ thưởng, phạt của Trường: thưởng rất hấp dẫn, hậu hĩnh song phạt cũng không khác cực hình!
Trước khi vào gặp Hiệu trưởng, Ái  Nhi đã được một trong hai cô Thư ký nhắc khéo rằng, nghe Hiệu trưởng “Thuyết trình” thì cứ yên lặng mà nghe rồi nói “Rõ” chứ đừng có phản ứng gì, nên cô đi qua “Cửa ải” này dễ dàng. Song, Ái  Nhi cứ không yên với ý nghĩ: Có phải mình đã lạc vào một thế giới khác mà không hề có trong các bài giảng khi còn học ở Trường Sư Phạm Mẫu giáo? Có một chút cảm giác ớn lạnh, song sự tò mò đã xua tan ngay: ta hãy thử tìm hiểu thế giới này cho biết!...
Sau khi gặp Hiệu trưởng, Ái Nhi được một cô Thư ký dẫn đi một vòng quanh cơ ngơi của trường và làm quen với các cô giáo đồng nghiệp. Một cảm giác mơ hồ lởn vởn trong ý nghĩ của Ái Nhi: các cô giáo đều xinh đẹp như những bông hoa nhưng không phải hoa mọc ngoài vườn cây, đồng nội mà là hoa mọc trong nhà kính? Nghĩ đến hai chữ “Nhà kính”, Ái Nhi bỗng thấy ớn lạnh, rùng mình!... Và dường như có một cảm giác cứ chập chờn như Ma chơi?!
3.
Trường Mầm Non Măng Mai không chia thành ba Khối Mầm, Chồi, Lá như các Trường Mầm Non khác mà chỉ gồm hai Khối MầmLá. Khối Mầm có sáu lớp, ba lớp nam và ba lớp nữ, cho độ tuổi 5 tuổi, đánh số từ Mầm 1 cho đến Mầm 6. Khối gồm sáu lớp, cũng ba lớp nam và ba lớp nữ, cho độ tuổi 6 tuổi, đánh số từ Lá 1 cho đến Lá 6. Độ tuổi các lớp có thể du di, tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Hỏi tại sao lại bỏ khối Chồi, bà Hiệu trưởng nói: “Mầm với Chồi thì có khác gì nhau? Mà lứa tuổi Mầm Non ngày xưa chị có một lớp gọi là Mẫu giáo, đó là lớp Dự bị Tiểu học, giống như Dự bị Đại học đó, một năm là quá đủ, việc gì phải kéo dài thành ba năm? Cho nên bước đầu tôi cứ để hai năm là MầmLá, sau này tính tiếp!”.
Chương trình học của trường Mầm Non Măng Mai khá đa dạng, phong phú và được giao cho một nhóm toàn những người có bằng Tiến sĩ của các trường Đại học danh tiếng trên thế giới thiết kế, soạn thảo. Song, có một nội dung mà cả nhóm Tiến sĩ kia không ai nghĩ ra được, lại do chính Bà Hiệu trưởng nghĩ ra, đó là nội dung học làm Sếp mà mỗi khi có giáo viên mới, Bà Hiệu trưởng phải đích thân giới thiệu. Có lúc bà còn cao hứng nói rằng, đó mới là nội dung chính của trường Mầm Non Măng Mai, các nội dung khác có thể lược bớt, lướt qua nhưng nội dung này chỉ có thêm giờ chứ không bớt, vì nó là cái để phân biệt đẳng cấp của trường Măng Mai với các trường khác!
Cô giáo trẻ Ái Nhi được giao phụ trách lớp lớn (nhân viên ở trường thường gọi nôm na là trường có hai lớp Lớn Nhỏ), tức lớp Lá 6 Nam. Lớp Lá 6 có đặc điểm là: bao gồm những trẻ “Lưu ban”, tức trượt Lớp Một của một, hai năm trước. Tất nhiên lớp này học dốt các môn học thông thường và quậy phá, nghịch ngợm hơn quỷ sứ. Nhưng dốt và nghịch ở độ tuổi này chưa thể là đồ bỏ, biết đâu năng khiếu chưa phát lộ? Vì thế độ tuổi của lớp này có thể kéo dài tới Bảy, Tám thậm chí Chín tuổi, tùy thuộc vào gia đình học sinh có muốn cho con mình học nữa hay không? Cũng có lớp tương tự cho các bé gái đó là lớp Lá 6 Nữ.
Ở trường Măng Mai, b́nh thường, mỗi lớp bé gái do hai cô giáo phụ trách, mỗi lớp bé trai do một cô giáo và một thầy giáo phụ trách, riêng hai lớp “Cá biệt” Lá 6 NamLá 6 Nữ do hai cô và một thầy giáo phụ trách, hai thầy giáo này thực chất làm nhiệm vụ bảo vệ cho các cô giáo vì những học trò “cá biệt” này rất quậy, thường bất ngờ tấn công các cô giáo với đủ các chiêu thức quái dị!...
Khi mới vào lớp Lá 6 Nam, Ái Nhi đã cảm nhận được ở những đứa trẻ này có điều gì đó bất thường, không chỉ là sự quậy phá, nghịch ngợm thái quá như nó đã mặc nhiên mang danh, mà  có cái gì đó vượt ra ngoài lứa tuổi của chúng mà cô chưa hình dung ra “hình dáng” cụ thể của nó. Đến ngày thứ hai thì Ái Nhi đã lờ mờ nhận ra bởi cô chợt nhận ra rằng, những đứa trẻ này đã có những cử chỉ, lời nói như những “Ông Chủ”, có nghĩa là chúng luôn mang trong đầu ý nghĩ “Muốn là được!”… Đến ngày thứ ba thì cô giáo trẻ Ái Nhi đã bị tấn công dữ dội…như Kiến ăn Cá!
4.
Người Vệ sĩ cùng phụ trách lớp Lá 6 Nam với Ái Nhi đã giải thoát cho Ái Nhi như thế nào, cô không thể biết chi tiết vì cô chỉ nhớ được cái cảm giác của  mình lúc đó thật kinh hoàng: cô thấy như có một đàn kiến bu kín người cô và cô ngất xỉu! Đến khi cô tỉnh lại thì chỉ thấy  Đại - người thầy giáo cùng tổ với mình đang ngồi trước mặt!
-Chúng ta đang ở đâu vậy? – Ái Nhi ngơ ngác hỏi.
-Chúng ta đang ở trên tầng thượng của trường Măng Mai! – Đại trả lời.
-Tại sao lại là tầng thượng? – Ái Nhi thật sự ngạc nhiên.
-Vì đã vào cái trường này là không có lối ra, chỉ có một lối thoát duy nhất là bay lên Trời, tới một hành tinh khác!
-Thôi, tôi không thích nói giỡn! Tại sao chúng ta lại ở đây?
-Cô đã bị bọn trẻ chơi trò “Ăn thịt người”, cô sẽ không chịu nổi và sẽ phát điên, còn nếu cô chống cự lại bọn trẻ, cô sẽ bị phạt, tức bị nhốt xuống hầm khi nào đầu hàng, khuất phục thì thôi! Tôi biết là cô sẽ không chịu nổi nên đã cứu cô!
-Vậy anh định ôm tôi bay lên Trời sao?
-Không bay được, nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn một sợi dây cáp chuyên dụng có móc, chờ đến lúc thích hợp, tôi sẽ móc dây vào cái lầu bên kia hẻm, chúng ta sẽ theo dây đu sang và thoát!...
Kế hoạch giải thoát của Đại chính xác đến từng chi tiết. Người Vệ sĩ tên Đại đã đưa cô giáo mầm non Ái Nhi về nhà cô an toàn. Sau đó, Đại lại đến đầu quân cho một Công ty Vệ sỹ, còn Ái Nhi thì được một người quen giới thiệu vào một trường còn đặc biệt hơn mọi cái gọi là trường học: Trường Trẻ em câm-điếc. Nếu có ai hỏi Ái Nhi tại sao lại chấp nhận làm việc ở môi trường câm điếc này thì bao giờ cô cũng nói, hãy hỏi bọn trẻ đó, nếu hiểu được chúng nói gì thì mới có câu trả lời!
Sài Gòn, 4-11-2009
Đỗ Ngọc Thạch


 

Mùng ba tết thầy

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Mùng Một Tết Cha, Mùng Ba Tết Thầy, thông lệ đó được rất nhiều người tuân thủ nghiêm ngặt, trong đó có ông Lý Trần Tôn Sư, đương kim Chủ tịch Huyện. Cha của ông Tôn Sư cũng chính là một thầy giáo lâu năm nên việc ông đặt tên cho người con trai đầu lòng của mình là Tôn Sư là chuyện đương nhiên. Và một chuyện đương nhiên nữa là ông Tôn Sư cũng trở thành một thầy giáo, nối nghiệp cha. Song,  cái “số làm quan” đã đưa ông Tôn Sư từ trường Huyện về làm Trưởng Phòng Giáo dục Huyện rồi lên Phó Chủ tịch Huyện (Thực ra thì ông Nội của ông Tôn Sư đã từng làm quan Tri Huyện thời Nhà Nguyễn). Nếu cứ theo cái lẽ thường thì một cán bộ ngành Giáo dục mà lên tới chức Phó Chủ tịch Huyện là “kịch trần” bởi cán bộ ngành Giáo dục không thể “nặng ký” bằng các ngành khác như Tổ chức, Tuyên Giáo, Tuyên huấn, rồi Công an, Quân đội và các ngành “Kinh tế mũi nhọn” như Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương nghiệp … và sau này là Công nghệ Thông tin, Du Lịch, v.v…Nhưng, ở cái Huyện đã được mệnh danh là “Đất học” này thì chuyện HỌC là Số Một, các chuyện khác đều bị đẩy xuống hàng thứ yếu, thậm chí ông Chủ Tịch Huyện tiền nhiệm của ông Tôn Sư, tuy chưa có cái bằng Đại học như yêu cầu chung nhưng đã tuyên bố nhiều lần trong các Hội nghị quan trọng: Huyện ta đất Nông nghiệp ít, núi rừng cũng chỉ đủ ngắm cảnh một ngày, cây cối đặc sản cũng ít, nếu nhìn nhận khắt khe thì Huyện ta bị gọi là đất “Chó ăn đá gà ăn sỏi” cũng không sai!... Nói chung , Huyện ta khó phát kiển Kinh tế, vì vậy chúng ta phải tập trung đầu tư vào ngành Giáo dục! Lúc đầu, quan điểm này chưa phải đã được nhiều người và cả cấp trên tán đồng, chỉ đến khi mấy Huyện lân cận bị khốn đốn vì mấy chuyện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thì việc đầu tư tối đa cho Giáo dục mới được đề cao và việc đầu tiên là ông Chủ tịch Huyện cũ đề bạt ông Tôn Sư từ Trưởng Phòng Giáo dục lên Phó Chủ tịch Huyện và chỉ sau nửa năm “nhường” chức Chủ tịch Huyện cho ông Tôn Sư!...
Đó là nói qua vài dòng “Lý lịch trích ngang” của ông Tôn Sư. Có dịp sẽ quay trở lại vài cái “Lý lịch trích ngang” của nhân vật này bởi với mỗi “lát cắt” theo các chiều hướng khác nhau thì cái “Lý lịch trích ngang” này lại có một sắc thái riêng, khá đặc biệt. Riêng về chuyện bằng hữu, ông Tôn Sư có khá nhiều bạn ở mọi lĩnh vực, sau hơn 50 năm có mặt trên cõi nhân gian, nhưng ông coi trọng Bạn học hơn cả. Hỏi vì sao lại thế thì ông nói: “Tình bạn lúc đó hoàn toàn trong sáng, như viên ngọc không gợn một tì vết! Hơn nữa, nhìn vào bạn học thuở cắp sách đến trường, ta như được sống lại với tuổi thơ!”. Quả là như vậy! Và người bạn học thân nhất của ông Tôn Sư là ông Nguyễn Lê Trọng Đạo – hai người cùng học với nhau suốt bốn năm Tiểu học (từ lớp Một đến lớp Bốn). Thực ra hai người là bạn học trường Làng, là người cùng Làng, cùng sinh một năm và chính tên của ông Trọng Đạo là do cha của ông Tôn Sư đặt cho vì người cha của ông Trọng Đạo là nhà Nông thuần khiết, không phải người nhiều chữ như cha ông Tôn Sư. Sau khi học hết Tiểu học thì ông Trọng Đạo theo cha và một số người Làng vào Miền Nam kiếm sống ở vùng đất đỏ bazan với những cây cao su, cà phê! Khi đã trở thành một nhà doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cà phê và cả cao su, ông Trọng Đạo mới “vinh quy bái tổ” và gặp lại bạn học cũ là ông Tôn Sư, mới cách năm năm!...
Khi gặp lại bạn học cũ, nhà Doanh nghiệp Trọng Đạo nói: “Tạo hóa thật khéo sắp đặt: Con quan thì lại làm quan / Còn con Trưởng Làng thì thành nhà buôn!...Này, tớ với cậu mà liên kết với nhau thì thành nhà buôn lớn cỡ Đại tỷ phú! Cậu biết buôn gì không?”. Ông Tôn Sư cười nói: “Cậu định nói “buôn quan bán tước” chứ gì? Suỵt!... Đó là, hàng “Quốc cấm”! Vô nhà đá có ngày!...À này, tớ nghe nói ông thầy  Lê Hiền Nhân dạy chúng ta hồi tiểu học đã “vô Nam ” từ hồi bọn mình chia tay nhau ấy, cậu có tin tức gì về thầy Nhân không?” – “Lần này tớ về quê cũng vì việc này nữa: Tớ mới gặp lại thầy một năm nay! Thầy đã rất già yếu và sống độc thân trong một căn nhà nhỏ ở khu gia binh cũ. Căn  nhà này là của một cô ca sĩ phòng trà, vợ một sĩ quan quân đội chính quyền cũ đã tử trận. Sau đó thầy Nhân cưới cô ca sĩ này. Song, hai người sống với nhau chưa được một năm thì cô ca sĩ theo bồ bịch ra nước ngoài. Thầy Nhân sống một mình từ đó đến nay!” – “Vậy thì cậu phải đưa tớ vào Nam gặp thầy Nhân ngay. Đó là người thầy đã “Khai trí” cho cuộc đời của tớ, phải gặp ngay!”.
Hai người trở lại miền Nam ngay sau khi ông Trọng Đạo “vinh quy bái tổ” (trong đợt vinh quy này, ông Trọng Đạo đã xuất tiền xây cho trường Tiểu học cũ của Làng quê hương một dãy phòng học 12 gian rất đẹp). Và thật trùng hợp, ngày ông Tôn Sư cùng ông Trọng Đạo trở vào miền Nam tìm gặp lại ông thầy Lê Hiền Nhân đúng vào ngày Mùng Ba Tết!...
*
Ông thầy Lê Hiền Nhân đã hơn tám mươi tuổi, sức khỏe còn tốt, còn đi lại và làm những việc vặt bình thường, song trí nhớ chỉ còn sáu, bảy phần, lúc nhớ lúc quên, lúc nhớ thì nhớ cả ngày đầu tiên làm thầy giáo như thế nào, lúc quên thì khi đi ra đầu hẻm mua cái gì đó một lúc, khi muốn trở về nhà mình thì không biết nhà mình ở đâu nữa!
Khi ông Tôn Sư và ông Trọng Đạo tìm đến nhà ông thầy Lê Hiền Nhân thì đã về chiều, hoàng hôn chập choạng, phố xá đã lên đèn…Căn nhà của ông thầy Lê Hiền Nhân bề ngang 4 mét, bề sâu 15 mét, nằm lọt thỏm xung quanh những căn nhà vốn giống nhau nhưng đã lên tầng, lên lầu với đủ các kiểu cách khác nhau. Khi ông Tôn Sư và ông Trọng Đạo đến thì ông Lê Hiền Nhân đang ngồi chơi cờ tướng một mình. Đó là cách ông Hiền Nhân chữa bệnh “nhớ nhớ quên quên” của mình, với ông thì rất hiệu nghiệm. Ván cờ kết thúc thì ông Trọng Đạo gõ cửa. Ông Hiền Nhân dường như rất tỉnh táo bằng câu nói đùa quen thuộc: “Đạo Tặc đó hả? Vào đi! Chờ cậu cả ngày hôm nay đó!”. Trọng Đạo dắt Tôn Sư bước vào, nói ngay:
-“Em xin lỗi vì đã để thầy chờ! Thảo nào mà lúc còn ngồi trên máy bay, mắt cứ nháy liên tục!”
- “Cậu đi mây về gió cứ như chim, thích thật!”
- “Thầy có biết em dắt ai tới gặp thầy không?”.
 Ông Thầy già nhìn Tôn Sư chỉ một phút thì nói ngay:
-“Đây là thằng bé con ông Giáo Thư bạn thời trai trẻ của tôi chứ còn ai nữa!”.
Tức thì ông Tôn Sư sụp lạy ba lạy rồi nói:
 -“Con lạy thầy! Thầy tha tội cho con bây giờ mới đến thăm thầy được!”
- “Đứng lên, đứng lên!... Không biết không có tội! Giờ gặp nhau là tốt rồi! Ông Giáo Thư cha cậu còn khỏe không? Ta nhớ ông ấy lắm! Vừa rồi thằng Trọng Đạo nó cũng muốn rước ta về quê nhưng ta không dám đi, sợ chết giữa đường, làm phiền nó!”
- “Dạ, thầy còn khỏe, còn sống lâu, Năm mới kính chúc thầy An khang!... Cha con cũng còn khỏe, vẫn nhắc tới thầy! Lúc con đi vào đây cha con có gửi lời hỏi thăm thầy!”
 - “Cám ơn! Nhớ tới bạn thế là quý hóa lắm!...
Trọng Đạo lấy chai rượu thuốc ra rót vào ba cái ly nhỏ, ba người cụng ly, thật cảm động!...Tôn Sư cứ nhìn ông thầy già mà như ngây ngất bởi ông đang dần nhớ lại từng ngày từ thời lớp Một…Ông thầy Hiền Nhân thấy thế thì hỏi:
- “Cậu đang nhớ lại hồi lớp Một hay lớp Hai, lớp Ba hay lớp Bốn?”
- “Dạ, con như là nhìn thấy thầy đang đọc chính tả, lại như thầy đang giảng về làm toán tỉ lệ nghịch, tỉ lệ thuận…Thầy còn nói một câu làm con nhớ mãi: con người ta càng biết nhiều thì tham vọng càng nhiều, đó là tỉ lệ thuận, còn con người ta càng lớn tuổi thì quỹ thời gian càng ít đi, như thế là tỉ lệ nghịch!...Con còn nhớ là lúc tạm biệt thầy đi vào phương Nam, con có hứa là khi nào gặp lại thầy con sẽ đãi thầy cái gì thầy thích nhất!”
- “Cậu nhớ tốt đấy! Cậu không nói ra ta cũng quên luôn! Giờ cậu thích thực hiện lời hứa à?”
- “Dạ! Quân tử nhất ngôn, thầy vẫn thường nói câu đó với bọn trẻ con chúng con mà!”
- “Thôi được! Để ta suy nghĩ một phút!”
 Trọng Đạo nói xen vào:
 -“Để con viết ra giấy cái thầy thích nhất xem có đúng không nhé?”
Ông Thầy già liền cười vang rồi nói: “Vậy thì cả ba người cùng viết xem sao?”. Ba người cùng viết rồi úp xuống mặt bàn, đến lúc cùng lật ra thì tất cả đều là bốn chữ “Người mẫu chân dài”!
 Trọng Đạo thấy vậy thì nói ngay:
- “Chúng ta sẽ đến quán Karaoke “Đồng quê”, có đủ các số đo tha hồ lựa chọn!” – Ông thầy Hiền Nhân định nói gì thì chuông điện thoại trên bàn của ông đổ chuông:
-A lô! Ai đó?
-Chào thầy! Em là Bảo Long đây! Chúc mừng thầy năm mới!...
-Chúc mừng Năm mới! Có gì không?
-Có chứ, thưa thầy! Em đang định đến chúc Tết thầy thì thằng Toán ấy, nó bảo bất ngờ tìm thấy ông thầy của thầy tên là Cổ Thi, đã hơn chín mươi tuổi rồi, ông ấy nói đã dạy thầy hồi tiểu học, thầy nhớ ra chưa thầy?
-Nhớ ngay, nhớ ngay! May là lúc này ta đang rất tỉnh táo! Thầy Cổ Thi, đúng rồi! Thầy thường đọc thơ Đường cho chúng ta nghe!...Vậy cậu đến nhà ta ngay rồi đưa ta đến nhà thầy Cổ Thi!
-Dạ! Em sẽ đến ngay!
Ông Lê Hiền Nhân nói chuyện điện thoại xong thì nhìn hai học trò Trọng Đạo và Tôn Sư như có ý muốn hỏi: Làm sao bây giờ? Nhà doanh nghiệp Trọng Đạo vốn rất nhạy bén thời cuộc, quen xử lý những tình huống bất ngờ lên tiếng trước:
-Theo em, chúng ta sẽ cùng đến nhà thầy Cổ Thi của thầy, rồi sau đó tất cả cùng đến quán Karaoke “Đồng Quê”!
- Cậu suy nghĩ rất chính xác! Bốn mươi năm trước đây, khi chia tay thầy Cổ Thi, ta cũng hứa với thầy Cổ Thi giống y như cậu Tôn Sư đã hứa với ta vậy?
Cả Trọng Đạo và Tôn Sư cùng thốt lên:
- Có những nơi mà mọi ý nghĩ đều hướng tới, tụ về!...
*
Khi tất cả tốp người (gồm có: ông thầy già Lê Hiền Nhân, ông Trọng Đạo, ông Tôn Sư và hai học trò cũ của ông Hiền Nhân là Bảo Long và Trọng Toán) đến nhà ông thầy già Cổ Thi, một căn nhà nhỏ, giản dị ở vùng ngoại thành, thì thấy chỉ có một mình ông Cổ Thi ở nhà. Cậu học trò cũ của ông Hiền Nhân là Trọng Toán giải thích rằng, con cháu ông Cổ Thi rất đông nhưng không ai chịu ở cùng với ông cả, họ thay nhau mỗi ngày một người đến “coi chừng” ông già đã hơn chín mươi tuổi, cũng có khi “quên” luôn, và buổi tối thì không ai tới cả!... Trọng Toán vừa nói xong thì ông Hiền Nhân nói: “Lũ con cháu thật bất hiếu! Từ ngày mai ta sẽ đến đây chăm sóc thầy ta!”. Ông Hiền Nhân vừa dứt lời thì cả Bảo Long và Trọng Toán cùng nói: “Chúng con sẽ tới phụ giúp thầy!”. Ông Trọng Đạo cũng đã nghĩ như thế nhưng chưa kịp nói ra mà thôi, ông nhìn Bảo Long và Trọng Toán và nghĩ: “Lớp trẻ quả là có nhanh nhạy hơn ta!”. Còn ông Tôn Sư thì không biết nói gì ngoài sự xúc động đến rơi nước mắt, bởi ông còn “bận việc quan” ở tận ngoài Bắc!...
Ông Cổ Thi lúc đó đã say là ngà vì đang đối ẩm với những Thi nhân cổ xưa, nên khi tốp người kia tới nhất thời ông chưa nhận ra ai vào với ai!... Nhưng đến khi ông Hiền Nhân vừa nói xong câu “…Từ ngày mai ta sẽ đến đây chăm sóc thầy ta!” thì dường như trở nên rất tỉnh táo! Ông Cổ Thi tỉnh táo tới mức còn nhớ cậu học trò Hiền Nhân ngày trước hay đem khoai luộc đến lớp ăn, có lần đang ăn miếng to thì bị gọi đọc bài, cố nuốt vội miếng khoai, mắc nghẹn, suýt thì bị tắc thở! Từ đó, vì sợ trò lại bị nghẹn nên ông Cổ Thi không bao giờ bất ngờ gọi ông Lê Hiền Nhân đọc bài nữa... Khi ông Cổ Thi nhận ra cậu học trò Lê Hiền Nhân thì liền nói: “Em có đem theo khoai luộc không?”. Ông Hiền Nhân nghe ông Cổ Thi nói vậy thì sụp lạy rồi nước mắt lã chã mà rằng: “Từ ngày mai em sẽ đến chăm sóc thầy !...”. Ông Cổ Thi dường như rất xúc động, và trở nên linh hoạt hơn, đỡ ông Hiền Nhân dậy và nói: “Gặp lại các trò thật là vui, ta có chết cũng mãn nguyện!”. Ông Hiền Nhân liền ngắt lời: “Thưa thầy, thầy đã quên những gì thầy trò ta nói lúc chia tay sáu mươi năm trước?” – “Ta quên sao được, nhưng chỉ sợ trò không theo kịp ta mà thôi? – Ông Cổ Thi nhìn người học trò cũ tóc đã bạc trắng, nói.
 Ông Hiền Nhân nghe ông Cổ Thi nói vậy thì đứng ra giữa chỗ trống, vận công, xuống tấn rồi đi bài quyền Thảo bộ Thần đồng, miệng hô vang những câu thiệu:
Thủ bái Thần đồng
Ngư ông trì thế
Sổ bộ truy phong
Hoành khai tả tả…
Ông Cổ Thi nhìn ông Lê Hiền Nhân đi quyền như vậy thì kinh ngạc hết sức, miệng thốt ra mấy tiếng “Hậu sinh khả úy” rồi nhẹ như làn gió, ông lướt tới bên ông Hiền Nhân, nối tiếp bài Thảo bộ Thần đồng với giọng đọc lời thiệu rất âm vang, khiến tất cả đứng lặng như tượng:
Hầu phát địa hổ
Đả song phi,
 Chích phụng sơn hành
Đả tả Đả tả…/.
Sài Gòn, 14-15/2/2010

Đỗ Ngọc Thạch
http://tintuc.cdts.edu.vn/upload/image/images1659033_thaytro.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét