Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

57 truyện ngắn trên phongdiep.net- trích:

57 truyện ngắn Đ.N.T trên phongdiep.net- Trích:


19. BÁC SĨ PHÁP Y- Đỗ Ngọc Thạch 20.Ô CHỢ DỪA- Đỗ Ngọc Thạch. 21. Ở TRỌ - Đỗ Ngọc Thạch 22-Ô QUAN CHƯỞNG- Đỗ Ngọc Thạch
blog.yume.vn/xem-blog/57-truyen-ngan-tren-phongdiep-net... - Bộ nhớ cache



Đỗ Ngọc Thạch
profile picture
55 truyện ngắn trên phongdiep.net
9.TƯỢNG NHÀ MỒ      10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO

BÀ NỘI- Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc Thạch 
BÀ  NỘI    
“Chúng ta không được lựa chọn quê hương;
Nhưng ngay từ khi sinh ra, quê hương đã lựa chọn chúng ta”(R.G) 
1. 
Tôi sinh ra ở  “Miền Trung du xa tắp / Có sông Thao bồi đắp phù sa / Có đồi chè bốnmùa xanh ngắt / Cứ xuân về lại nở thêm hoa” – đó là những câu thơ của Mẹ tôi. Những năm kháng chiến chống Pháp, mẹ là giáo viên tiểu học. Tôi được học để biết đọc, biết viết là do mẹ dạy và những dòng chữ đầu tiên tôi tập viết là những câu ca về quê hương như Sông Thao nước đục người đen / Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về!...Tôi chỉ được sống ở quê 6 năm (từ lúc tôi sinh ra cho đến hết năm 1953), nhưng những gì còn lưu giữ trong ký ức của tôi thì không ít và không bao giờ phai mờ, bởi nó rất đẹp và ấn tượng!...
Nhà ông Nội tôi ở xã Bà Triệu, huyện Thanh Ba. Còn nhà ông Ngoại ở xã Tân Phong, huyện Hạ Hòa. Mẹ tôi sinh ra tôi ở quê Ngoại, nhưng mới được chục ngày, Bà Nội tôi sang bế tôi lên mà nói: “Ôi, thằng cháu đích tôn của Bà phải về với Bà chứ!” Thế rồi Bà Nội bế tôi đi nhanh như gió, làm cho mẹ tôi phải chạy theo, về tới nhà mới kịp! Ở nhà Bà Nội được một tuần thì Bà phải đi Hà Nội và một vài nơi khác để liên hệ mối bán hàng (Lúc đó, Bà Nội sản xuất chè và giấy bản) thế là Bà Ngoại lại cho người sang đón tôi về bên Ngoại! Cứ như thế, từ lúc tôi mới sinh ra cho tới lúc một tuổi, tôi cứ bị Bà Nội và Bà Ngoại  giằng co qua lại không ngừng (Có lẽ vì thế mà kể từ lúc rời quê về Hà Nội học lớp Một, năm 1954, cho tới lúc 60 tuổi, tôi bị Con Tạo quăng quật đủ kiểu đủ cách, khắp nơi khắp chốn: 10 năm học Phổ thông thì chuyển trường, chuyển lớp 12 lần, đang học đại học thì nhập ngũ là bộ đội Ra-đa, lăn lộn khắp đồng bằng Bắc Bộ lại vào chiến trường Khu Bốn ác liệt, khi đi làm thì chuyển tới chuyển lui những Bảy cơ quan!). Việc giằng co giữa Bà Nội và Bà Ngoại chỉ lắng dịu khi mẹ tôi sinh thêm người em trai lúc  tôi mới được hơn một tuổi, như thế gọi là “đẻ năm một”! Dĩ nhiên là tôi ở với Bà Nội, em trai tôi ở với Bà Ngoại, hai người chị gái tôi cũng được “đẻ năm một”, ở với Bà Ngoại từ trước!... 
Phải nói rằng Bà Nội tôi có sức khỏe rất tốt, là người nhanh nhẹn, làm việc gì cũng như gió cuốn, lúc mới ở xưởng giấy đã thấy ở xưởng chè, cứ như con thoi! Bà chỉ đạo sản xuất cũng rất nhịp nhàng, linh hoạt, hàng sản xuất ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó!... Khi tôi mới Ba tuổi, bà luôn dắt tôi đi theo, thực ra là tôi phải chạy theo mà không bao giờ kịp, lúc thì ở đồi chè, lúc thì qua đồi gió (trồng cây gió để làm giấy bản, còn gọi là giấy gió)! Có lẽ vì suốt ngày “chạy” theo Bà Nội trong “khu công nghiệp” sản xuất giấy và chè (trà) và những quả đồi mênh mông nên thể lực của tôi cũng rất tốt: năm tuổi tôi đã bơi vượt sông Thao và điều cơ bản là tôi không bao giờ ốm đau, bệnh tật này nọ, mặc dù Ông Nội tôi là “Đại phu” Đông Y, bố tôi là Bác sĩ nhưng hầu như tôi không mấy khi phải dùng tới thuốc men gì, cho đến tận bây giờ, khi tôi đã ngoài 60 tuổi!
2. 
Quãng thời gian tôi sống với Bà Nội ở quê (từ 1948 đến 1953) là lúc Bà Nội tôi trên dưới 40 tuổi, độ tuổi sung mãn của đời người. Nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ, bà Nội tôi là nhà Doanh nghiệp thuộc nhóm “Vừa và nhỏ” và “mô hình kinh tế” mà bà thực hiện lúc đó khá phổ biến ở xã hội hiện đại khoảng chục năm trở lại đây: vừa là chủ trang trại, vừa là nhà sản xuất, tận dụng và phát huy thế mạnh của đất đai và cây trồng bản địa…làm giàu trên chính quê hương! …
Ông Nội tôi lúc đó hành nghề Đông Y, tên hiệu là Đại Đạo. Song, việc bốc thuốc chữa bệnh của ông Nội không phải là nguồn thu nhập chính, thậm chí có tháng còn lỗ vốn vì con bệnh mà nghèo khó thì ông không bao giờ lấy tiền! Thỉnh thoảng, tôi có vào “Y Viện” của ông và hỏi xin tiền ông mua quà thì ông bảo mở hộc bàn ra mà lấy, nhưng khi tôi kéo hộc bàn ra thì chỉ có mấy đồng chinh, giống như tiền kẽm bây giờ có mệnh giá thấp nhất! Tôi đem chuyện đó nói với Bà thì bà cười nói: “Nếu lúc nào cháu cần mua quà, cứ nói với bà, bà cho! Ông cháu còn phải xin tiền bà đó!” Sau này tôi mới biết, toàn bộ chi tiêu của “Y Viện” từ A đến Z đều do bà lo hết!...Cũng có khi ông gặp con bệnh giàu, họ trả công hậu hĩnh, ông lại về Hà Nội đến phố Thuốc Bắc lấy thuốc và đi phố K.T hát Cô Đầu! Bà biết nhưng không nói gì! Đối với việc học hành của bố và chú tôi ở Hà Nội, bà cũng “khoán trắng” cho bố tôi quản lý, chăm sóc ông em và tự “chăm sóc” mình, hàng tháng, hai kỳ bà đem tiền và “quà quê” về  Hà Nội cho hai anh em mà không kiểm tra xét nét xem hai người ăn ở, học hành ra sao, bởi bà rất tin tưởng những người con trai của mình! Và bố tôi đã không phụ lòng tin của bà, ông học rất tốt… 
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, quê tôi thuộc vùng “quân ta” kiểm soát. Chính vì thế thỉnh thoảng lại phải đối mặt với những trận Càn của quân Pháp. Nói đến chữ Càn thì tất cả những người dân Việt Nam đã từng sống qua “chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ” đều không thể quên bởi tính chấttàn bạo của nó: lính Pháp (thường gọi là lính Âu-Phi, do có cả người châu Âu và người châu Phi da đen) được tùy nghi “giết sạch, đốt sạch”! Vì thế, mỗi khi có tin “Giặc Pháp đi Càn” là Bà Nội lại dắt tôi chạy vào rừng cọ hoặc lên Trại ở đồi chè, đồi gió! 
Khi đi càn, lính Pháp thường thao tác bốn hành động cơ bản: bắn giết đàn ông, hãm hiếp đàn bà, vơ vét của cải (kể cả gà vịt, dê lợn, trâu bò) và cuối cùng là đốt nhà! (Ở những nơi có lực lượng du kích vũ trang mạnh (như du kích Đường số 5 – tuyến đường Hà Nội đi Hải Phòng) thì còn có chuyện chống càn, nhưng không hiểu sao quê tôi hơi ít chuyện chống càn!?) Vì thế, mỗi khi chúng tôi chạy càn trở về thì nhà cửa chỉ còn là đống tro tàn trên cái nền nhà trơ trụi! Những lúc ấy, tôi thấy Bà không nói gì, cùng những người làm “thu dọn bãi chiến trường”, và chỉ hai ngày sau, tôi lại được ở “Nhà mới”! Tuy lúc đó, tôi mới bốn, năm tuổi nhưng những hình ảnh tàn bạo về việc “càn quét” của quân Pháp vẫn còn in đậm trong ký ức…Việc viết về giai đoạn kháng chiến này, đã có các nhà văn lứa Nguyễn Khải viết rất hay, tôi chỉ viết về vài chuyện của Bà Nội…
Hôm ấy, ánh nắng bình minh rực rỡ đang tràn ngập khắp rừng cọ, đồi chè, nương ngô, nương sắn…thì bỗng nghe tiếng súng rộ lên từng tràng ở làng bên. Làng tôi đang yên bình bỗng như ong vỡ tổ! Mọi khi, việc quân Pháp đi càn thường được báo trước một hoặc hai giờ. Nhưng hôm ấy hình như làng không được thông báo gì, cho nên hoàn toàn bất ngờ! Mọi người nhốn nháo dắt díu nhau, bồng bế trẻ con, cõng khiêng người già… chạy về phía rừng cọ. Rừng cọ khá rộng và nhiều gai góc cản đường nên thường quân Pháp không vào, vì vậy rừng cọ trở thành nơi lánh nạn của làng mỗi khi quân Pháp đi càn. Muốn tới rừng cọ, phải qua một cánh đồng vừa trồng lúa vừa trồng rau mầu khá rộng…Khi dân làng chạy tới quãng giữa cánh đồng thì có bốn thằng lính Âu-Phi, hai da trắng, hai da đen, đứng ở rìa làng, đã nhìn thấy đám người đang chạy về phía rừng cọ và hô nhau đuổi theo. Vừa chạy đuổi theo, bốn thằng lính vừa bắn từng tràng khiến có vài người hoảng sợ nằm rạp xuống đất, rồi lại vọt lên chạy tiếp. Cứ vài ba lần như thế, khi đám dân làng chạy hết cánh đồng, tới bìa rừng thì bốn thằng lính đuổi kịp. Cả bốn thằng đều đeo súng Tom-son (loại súng tiểu liên quân Pháp thường dùng lúc đó) và đồng loạt xả súng vào đám người đang chạy vào bìa rừng. Lập tức, có tám người ngã xấp xuống đất, trong đó có bốn cô gái, hình như bị bắn vào chân, đang ôm chân rên la. Bốn người đàn ông nằm bất động, không biết đã chết hay chỉ giả chết?   
Trừ tám người bị trúng đạn nằm ở bìa rừng cọ, tất cả số dân làng còn lại đã tản vào trong rừng cọ mênh mông và bí hiểm. Cũng giống như mọi khi, tôi và Bà Nội dừng lại ở sát mép rừng, sau một bụi cây tổng hợp cả sim, mua, mâm xôi, v.v… Từ bụi cây này, tôi có thể quan sát rõ vạt bìa rừng có tám người bị trúng đạn vừa rồi! Bốn người đàn ông vẫn nằm bất động. Bốn người đàn bà , hai người đã ngoài năm mươi tuổi, còn hai người chỉ là hai cô bé khoảng trên mười tuổi. Hai thằng lính da trắng đến bên hai cô gái, còn hai thằng lính da đen đến bên hai bà già, nhanh như hổ đói vồ mồi, nhào tới để thỏa mãn thú tính! Theo phản xạ tự nhiên, tôi trố mắt kinh ngạc và la lên một tiếng thất thanh! Và, tôi thật khó mà tin nổi, bà tôi, tay cầm câygậy tre vẫn dùng làm đòn gánh khi chạy càn hoặc đi xa, lướt đi như gió thổi và tôi chỉ kịp nghe bốn tiếng rắckỳ lạ - loại âm thanh không có tiếng ngân, thì đã thấy bốn thằng lính Âu-Phi đổ vật xuống thành bốn cái xác chết!... 
Bà Nội biết đánh côn từ bao giờ? Tôi chưa kịp hỏi thì Bà Nội đã nhanh chóng sơ cứu cho bốn người đàn bà suýt bị làm nhục và cùng với họ đào một cái hố lớn bên cạnh bụi cây mà chúng tôi vừa đứng, quăng xác 4 thằng lính Âu – Phi vào. Sau khi vùi kín bốn cái xác, tôi còn thấy bà trồng lên trên “nấm mồ 4 tên” một bụi sim nhỏ. Tôi nghĩ, chỉ sau hai, ba tháng là bụi sim này sẽ thành một bụi sim khổng lồ!... 
*
Chuyện Bà Nội dùng tuyệt kỹ của Côn thuật đánh trúng huyệt Bách hội của bốn thằng lính Âu-Phi  chưa làm tôi hết thán phục Bà thì lại xảy ra một chuyện cũng ly kỳ không kém.  Hôm đó, Bà Nội đang dắt tôi đi thăm đồi chè thì có người đến báo tin: Ông Nội qua huyện Đoan Hùng chữa bệnh cho một người quen thì lại bị “bệnh lạ” tấn công, đang nằm bẹp gí ở nhà người quen. Nghe nói vậy, Bà Nội liền vào “Y Viện” của ông, lấy một số loại thuốc, một bộ kim châm rồi bảo tôi đi cùng, đeo cái túi thuốc cho bà. Đến nơi, Bà thấy ông Nội nằm rên hừ hừ thì bắt mạch và bảo tôi đi sắc thuốc. Trong khi chờ sắc thuốc, có gần chục người cả bệnh cũ và mới, biết tin ông tôi tới đây thì đến xin khám bệnh. Tôi không ngờ bà Nội đã giải quyết hết! Chủ nhà thấy vậy thì rất mực cung kính và lại còn đi thông báo cho người lân cận đến xin khám bệnh nữa! Qua hai ngày, sức khỏe ông Nội đã trở lại bình thường, bà trả cho ông gần chục con bệnh mới tới và bảo tôi cùng đi về, ở nhà còn rất nhiều việc! 
Hai bà cháu đi tới khu rừng trám thì bất ngờ có hai thằng ăn mặc kiểu lục lâm chặn đường, đòi tiền mãi lộ. Bà Nội nói mới đi thăm bệnh về, không có tiền, thì một thằng nhăn nhở cười, nói: “Không có tiền thì có tình! Bà chịu làm vợ chúng ta một canh giờ thì ta tha mạng cho cả hai bà cháu!”. Thằng kia vừa dứt lời thì cái gậy đòn gánh trên vai bà vụt biến thành cây Côn lợi hại: Chỉ thấy nó ngã lăn kềnh ra đất, hai tay ôm hạ bộquằn quại! Thằng đồng bọn thấy vậy thì bỏ chạy không dám  ngoái đầu nhìn lại!... 
Chúng tôi tiếp tục đi. Tôi lại hỏi bà biết đánh Côn từ bao giờ, Bà nói: “Lúc nhỏ, bà theo Mẹ đi buôn muối, từ vùng biển Đồ Sơn, Thái Bình đi tuốt lên tận mạn ngược Lào Kai, Hà Giang… Những người buôn muối thường bị bọn cướp chặn đường nên ai cũng có vài miếng võ phòng thân!” Tôi lại hỏi: “Sao bà không tiếp tục đi buôn muối?” Bà nói: “Lần ấy, mẹ của bà bị sốt ngã nước, tưởng chết, may mà gặp ông Nội cháu, lúc đó còn trẻ tuổi mà y thuật đã rất giỏi, đã cứu được. Thế là bà lấy ông cháu để trả cái ơn cứu mạng! Lấy ông cháu rồi thì ở nhà phụ giúp ông chữa bệnh, người bệnh nhiều lắm!” Tôi lại hỏi mấy câu liền mà tôi đã định hỏi từ rất lâu: “Thế bà và ông có yêu nhau không? Sao ông cứ ở “Y viện” không mấy khi về nhà bà là làm sao? Cái bà ăn ở luôn trong “Y viện” của ông có phải là “Vợ lẽ” của ông không?” Bà Nội liền ngắt lời tôi: “Có những câu hỏi cháu phải tự tìm lấy câu trả lời! Cháu cứ lớn nhanh lên, khi nào cháu có vợ, có con thì cháu sẽ không phải hỏi bà nhiều như thế!”. Tôi im lặng không hỏi nữa và chợt nghĩ, sao mẹ tôi cũng có nhiều điểm giống bà là chẳng bao giờ kêu ca, phàn nàn hay nói gì về chồng mình, và điều kỳ lạ là chẳng hề bộc lộ tình cảm với chồng, và tôi chưa bao giờ thấy mẹ và bố, cũng như ông và bà nói chuyện với nhau? 
3. 
Sau giải phóng Thủ đô 1954, gia đình tôi và cả chú tôi đều về Hà Nội, Bà Nội lúc thì ở nhà Bố tôi, lúc thì ở nhà ông chú. Hình như hai anh em bố tôi và ông chú luân phiên nhau chăm sóc bà Nội và ông Nội. Lúc đó, Bà Nội còn người con gái Út , tôi gọi là cô, lấy chồng là Chủ tịch một Xã ở huyện Phù Ninh, là còn ở quê, cho nên thỉnh thoảng bà lại về quê ở với cô con gái út. Mỗi lần bà ở quê ra, lại thấy bà khỏe mạnh ra nhiều, chắc là do bà lao động ruộng đồng nhiều. Nhưng Bố tôi và ông chú không cho như thế là tốt, tức không nên để bà lao động vất vả nữa, nên lại đón bà về Hà Nội ở với ông chú, hoặc gia đình tôi đang ở đâu thì đón bà về đó. Xét về đạo hiếu là phải chăm sóc mẹ lúc tuổi già, thì bố tôi và ông chú làm như vậy là đúng. Nhưng bà Nội là con người của Lao động, cụ thể hơn là Lao động nông thôn, nên việc tách bà ra khỏi môi trường nhà quê quen thuộc của bà là biến bà thành một người khác. Thỉnh thoảng bà lại nói: “Ngồi không nó ngứa chân, ngứa tay lắm! Bà thấy nhớ đồi chè, đồi gió… nhớ tất cả! Cái xóm Trại thật đẹp, không biết bây giờ thế nào?” Và rồi, nỗi nhớ ấy nó gậm nhấm, hành hạ bà, biến bà thành một người khác, đến nỗi khi tôi lớn lên, đi bộ đội về mà bà không nhận ra thằng cháu Đích tôn luôn được Bà cưng chiều nhất ngày xưa!... 
Những ngày tháng cuối đời, bà Nội và ông Nội mới sống gần nhau, nhưng ông Nội đã lẫn chín phần, còn Bà Nội thì cũng lẫn tới năm, sáu phần. Ông không tự chủ khi đại, tiểu tiện, vì thế thường bị bà đánh thẳng tay! Những lúc bắt gặp cái cảnh bi hài kịch ấy, tôi thường nghĩ: cuộc đời con người ta bị bàn tay Con Tạo chia cắt ra thành nhiều khúc và giữa các khúc chẳng hề có mối liên hệ nào cả!...Và cho đến hôm nay, nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy suy nghĩ ấy rất đúng!... 
Sài Gòn, tháng 10-2009
Đỗ Ngọc Thạch 

http://vov.vn/Uploaded_VOV/quangtrung/20101123/VOV_9774-1.JPG

Ở TRỌ - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 
Ở  TRỌ 
Có hai cửa ải quan trọng đối với “dân ngoại tỉnh” khi đến những thành phố lớn là ở trọ và đi làm thuê kiếm sống. Hai cửa ải này “liên thông” với nhau nên cùng lúc vượt qua cả hai cửa ải không hề đơn giản. Phải là người đã từng “Nếm mật nằm gai” như Việt Vương Câu Tiễn mới có thể  đồng cảm với điều tôi vừa nói. Có lẽ tôi là người có “Quý nhân phù trợ” cho nên việc vượt qua hai cửa ải nói trên tuy cũng trần ai như ai nhưng cũng không đến nỗi nào, công việc thì cũng “sạch sẽ”, vừa sức và cả năm chỗ mà tôi đã từng ở trọ thì đều thuộc loại một, hai sao – tức có đầy đủ tiện nghi tối thiểu chứ không phải dạng “một mình một chiếu” trong một lán trại đông đúc như dân công hỏa tuyến thời chiến tranh! 
*
Nhà đầu tiên tôi ở trọ là nhà ông Hòa, ở trong một ngõ hẻm rộng của đường N.T. Lựu thuộc Quận 3. Đây là một khu vực đẹp cả về nhà cửa và đường phố của Quận 3. Chủ nhà, tức ông Hòa là một cựu chiến binh, đã về hưu được dăm ba năm. Hồi chiến tranh, ông là lính cảnh vệ, bảo vệ an toàn cho căn cứ và thủ trưởng nào cần đi đâu thì đều muốn ông đi bảo vệ. Vì thế, khi hết chiến tranh, ông Hòa về thành phố, được các thủ trưởng cũ quan tâm đặc biệt, phân cho một căn nhà khá rộng rãi (4mx25m).  
Căn nhà của ông Hòa thuộc loại “trung lưu”, tức không phải vi-la biệt thự nhưng khá đẹp: một trệt một lầu, sân trước 3 mét, sân sau bảy mét, tức diện tích căn nhà chỉ còn 4mx15m=60m2, nhưng với gia đình chỉ có 4 người, hai vợ chồng ông Hòa và hai đứa con (từ 10 đến 15 tuổi) thì quá ư rộng rãi. Vợ ông Hòa khi ở trong cứ làm chị nuôi, được các thủ trưởng rất quý (và đã đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới với anh lính cảnh vệ Hòa) nên khi về thành phố, được biên chế vào ngành thương nghiệp rồi giao cho phụ trách hẳn một cửa hàng bách hóa. Vì thế, khi về hưu, bà Hòa làm một cái tủ “Bách hóa” nho nhỏ, bán tại nhà, cũng đủ tiền chợ cho cả nhà. Song, khi hai đứa con lớn dần lên thì lương hưu của hai vợ chồng và cả cái tủ “Bách hóa” cũng không đủ chi tiêu tối thiểu nữa, vì thế ông Hòa quyết định cho thuê toàn bộ phần trên gác sau khi đã mở rộng thêm diện tích trên phần sân trước và sân sau, cũng được 4mx10m=40m2. Như vậy, toàn bộ diện tích cho thuê tổng cộng là 100m2, chia là năm ô, mỗi ô 20m2, tức ngang 4 m, sâu 5 m, cho một hộ “tiểu gia đình” (hai vợ chồng và một đứa con – mô hình “tiểu gia đình” này là khách ở trọ khá phổ biến bởi bất kỳ chàng trai cô gái nào yêu nhau mà chỉ có “hai trái tim vàng” thì đi ở trọ là cách tốt nhất để bảo vệ Tình yêu!) thuê là quá đẹp! Tôi đi ở trọ cũng không ngoài cái công thức khá phổ biến là “Một căn phòng trọ, hai trái tim vàng!”… 
Khi tôi đến nhà ông Hòa hỏi thuê nhà thì chỉ còn một phòng ở trên chỗ sân sau, nó ở ngay trên chỗ nhà bếp và khu nhà vệ sinh (sàn lát gỗ) nên khá ồn và nhiều mùi xú uế, nhưng nó lại liền kề với con hẻm nhỏ phía sau nhà (có cổng sau) nên cũng khá thoáng mát…Công việc tôi làm lúc này chỉ là nhận đánh máy bản thảo cho mấy nhà xuất bản, được đồng nào hay đồng ấy bởi người chủ cái “tiểu gia đình” của chúng tôi là vợ tôi, đang làm y tá ở Bệnh viện, tạm thời có thể “nuôi sống” cái “tiểu gia đình” này! Vì thế, những khi hết việc, tức hết bản thảo, tôi thường đem cái máy chữ xách tay Olympia ra chỗ rẽ ở cầu thang, ngồi gõ tí tách đủ các thể loại (tùy hứng) và bao giờ cũng vậy, vừa gõ xong một trang, đang thay giấy thì nghe vọng tới tiếng hát đến nao lòng: 

Con chim ở đậu cành tre  
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn  
Cành tre ... í ... a  
Dòng sông ... í ... a  
Tôi nay ở trọ trần gian  
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ...


*
Tôi ở trọ được hai ngày thì người hát những câu hát trên xuất hiện: đó là một cô gái có dáng hiền thục thôn nữ, nhưng thoắt cái đã tỏ ra rất tinh ranh, nghịch ngợm. Cô gái ở ngay nhà kế bên. Mỗi khi phơi đồ, cô gái đều hát một bài gì đó. Khi thấy tôi ngừng đánh máy và nghểnh tai lên để nghe thì cô gái cười khanh khách và nói: “Cho anh kia nghe miễn phí nhưng nhớ là khi nào tôi cần đánh máy đơn từ gì đó thì làm giùm nghe không?”. Nghe cô gái nói vậy, tôi nghĩ bụng: cô gái này có giọng hát mê đắm lòng người, thế nào cũng trở thành ngôi sao ca nhạc nếu thời cơ đến!”. Quả nhiên, ngày hôm sau, cô gái sang nhờ tôi đánh máy tờ đơn xin dự tuyển vào Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Tất nhiên là mấy tờ nữa gồm tóm tắt lý lịch, giấy chứng nhận sức khỏe, bản sao học bạ - cô gái tên Hoa, đang học năm cuối trung học phổ thông, v.v…Trong khi ngồi chờ tôi đánh máy, cô gái nói: “Thực ra, em cũng không muốn bỏ học giữa chừng thế này nhưng không hiểu sao, hai năm nay em cứ học trước quên sau, các công thức, định lý chẳng nhớ được cái nào nên khi làm bài tập không biết xoay trở ra sao? Nói chuyện với mẹ, mẹ em bảo em không thích hợp với việc học hành nữa mà nên phát huy sở trường ca múa của mình. Con người ta làm gì cũng đều cao quý miễn làm tốt và được mọi người ủng hộ!”. Tôi nói ngay: “Mẹ cô nói đúng đấy. Cô có giọng hát rất lạ, rất quyến rũ, thế nào cô cũng thành công! Khi nào biểu diễn ở đâu nhớ cho tôi biết nghe!”. Cô gái cười rất hồn nhiên, nói “Nhất định rồi!” rồi cất tiếng hát: 
Xưa kia ở đậu miền xa
Cơn gió ở trọ bao la đất trời  
Miền xa ... í ... a  
Trời đất ... í ... a  
Nhân gian về trọ nhiều nơi  
Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng
 … 
Cô gái đột ngột ngừng hát rồi lại cười khanh khách, nói: “Em chỉ làm ca sĩ khoảng dăm năm, kiếm được ít tiền thì tu sửa cái nhà thành nhà cho thuê! Mẹ em nói đúng lắm, mọi chuyện đều sẽ trôi đi theo thời gian nhưng chuyện ở trọ thì muôn đời không bao giờ mất đi, bao giờ cũng có người cần ở trọ!”. Tôi đã đánh máy xong, cô gái cầm lấy và cám ơn rối rít rồi lại hát:

Mây kia ở đậu từng không  
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người  
Từng không ... í ... a  
Người xinh ... í ... a  
Tim em người trọ là tôi  
Mai kia dù có xa xôi cũng gần
  
*
Năm năm trôi qua thật nhanh…Tôi chỉ ở trọ nhà ông Hòa hai tháng thì một người quen vợ tôi tới nói: “Tôi có một phòng mạch ở quận 5, định tu sửa lại cho khang trang nhưng chưa đủ tiền. Vậy nếu hai người không chê thì đến ở tạm, coi như trông nhà giùm cho tôi!”. Căn nhà đang làm phòng mạch của ông Bác sĩ này cũng khá rộng, ngang 4 mét, sâu 25 mét, gác gỗ nửa sau, điện nước đầy đủ. Ông bác sĩ và phòng mạch chỉ hoạt động từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, cũng như bao phòng mạch khác. Còn ngoài thời gian đó ra, chỉ có “tiểu gia đình” của tôi. Đúng là cái số tôi có “quý nhân phò trợ”, bởi chỉ mấy tháng sau, “tiểu gia đình” của tôi có thêm một thành viên là cô bé “Tí xíu” – nếu như còn ở trọ (như nhà trọ của ông Hòa chẳng hạn) thì quả là sẽ rất khó khăn! 
Khi cô bé “Tí  Xíu” của “Tiểu gia đình” chúng tôi được năm tuổi thì vợ tôi được Bệnh viện phân cho một “suất nhà”: cùng một người nữa cũng mới cưới nhau, ở chung trong nửa căn hộ 4mx8m bổ dọc thành 2mx8m. “Tiểu gia đình” của tôi (3 người) ở phía trên (gác gỗ), còn 2 người mới cưới ở phần dưới. Tôi phải làm cái cầu thang ở phía trước để vào nhà và một cầu thang ở phía sau để xuống khu vực vệ sinh, giặt rũ! Tuy nhà là của mình, không phải ở trọ nhưng lại quá chật chội và bất tiện! Và điều bất tiện lớn nhất là từ chỗ ở (trên đường Lò Siêu) đến chỗ làm việc của vợ tôi ở Bệnh viện quá xa, phải đi mất gần sáu mươi phút xe đạp!  Vì thế,  khi tôi có việc làm ở một tờ báo thì “tiểu gia đình” chúng tôi lại đi ở trọ, không phải nhà ông Hòa mà một nhà ở trong hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, vợ tôi chỉ bước vài bước là tới nơi làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1, còn tôi chỉ đạp xe 10 phút là tới tòa báo trên đường Phạm Ngọc Thạch. Thế mới biết, ở trọ vẫn là giải pháp tốt nhất đối với những hoàn cảnh luôn có nhiều khó khăn như “tiểu gia đình” của tôi! 
Một hôm, có việc phải đi qua chỗ nhà trọ của ông Hòa, tôi tạt vào chơi thì cả nhà đi đâu cả, cửa khóa im ỉm. Tôi tính bước ra thì từ trên lầu nhà bên cạnh có tiếng hát vang lên: 
Môi xinh ở đậu người xinh  
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều  
Người xinh ... í ... a  
Kiều xinh ... í ... a  
Xin cho về trọ gần nhau  
Mai sau dù có ra sao cũng đành …
 
Tiếng hát vừa ngừng lại thì từ trên ban-công, một cô gái hiện ra, tươi cười dơ tay vẫy vẫy. Mới nhìn thoáng qua, tôi nhận ra ngay cô bé Hoa năm năm trước, không thay đổi mấy, chỉ có điều rực rỡ hơn, quyến rũ hơn mà thôi! Thì ra cái lần ấy, cách nay năm năm, Hoa đã trúng tuyển vào Ðoàn ca múa Bông Sen nhýng cô chỉ xuất hiện trong những tiết mục tốp ca, tốp múa mà không ðứng riêng nhý một “Ngôi sao”!...Cô gái tỏ vẻ hơi buồn vì gặp lại tôi mà chưa thành “Ngôi sao”. Tôi bảo: “Nếu Hoa mà thành Ngôi sao rồi thì tôi làm sao mà gặp được? Thôi, cứ là bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp là tốt rồi, như thế lại lâu bền !” Cô gái nghe tôi nói vậy thì vui hẳn lên, nói: “Mẹ em cũng thường nói như vậy! Bây giờ em không còn quan tâm chuyện thành Ngôi sao nữa mà tập trung vào việc kinh doanh!”. Hoa mời tôi lên tham quan khách sạn bình dân mới hoàn tất, ngày mai là sẽ khai trương. Tôi quan sát một lượt rồi nói: “Cũng được đấy, nhưng sao không nâng cấp lên thành ba, bốn sao có phải là hái ra tiền không? Khu vực này thuộc trung tâm thành phố, sẽ rất đắt khách!”. Hoa cười rất tươi, nói chuyện kinh doanh mà như bàn về ca từ của một bài ca trữ tình: “Em cần tiền nhưng không thuộc loại kiếm tiền bằng mọi giá, càng nhiều càng ít. Em sửa nhà cho thuê là có ý muốn giúp đỡ phần nào những người “Sảy nhà ra thất nghiệp” vượt qua giai đoạn khó khăn mà vươn lên! Chẳng hạn như anh đó, anh bây giờ có còn phải ở trọ không? Nếu có khó khăn thì đến đây em cho ở trọ miễn phí tháng đầu, từ tháng thứ hai chỉ lấy nửa tiền!”. Quả là buồn ngủ gặp chiếu …hoa, “tiểu gia đình” của tôi đến dãy nhà trọ của Hoa ngay ngày hôm sau và sau đó, chúng tôi ở đây gần một năm nữa!

*
Dãy phòng trọ ở nhà cô bé Hoa cũng gồm 5 phòng, diện tích cũng 20 m2 một phòng nhưng được trang trí đẹp hơn nhà ông Hòa một chút. Song điều đặc biệt là thành phần người thuê có khác nhau cơ bản: bên nhà ông Hòa toàn những người làm ăn buôn bán ở các tỉnh khác về thành phố để móc nối mối buôn bán, còn bên nhà cô bé Hoa đều là viên chức nhà nước “sa cơ lỡ vận”, hoặc sinh viên mới ra trường nhưng còn đang thất nghiệp! 
Ngay sát phòng tôi  ở trọ là một cô gái  học trường Sư phạm, đã tốt nghiệp, nhưng bị phân đi miền núi nên không đến nhiệm sở. Ngày ngày cô gái đi dạy học (làm gia sư) và tối về thì ngồi viết tiểu thuyết. Cô gái làm gia sư kiếm sống này có gương mặt khá xinh xắn và cương nghị, xem chừng cô sẽ “thi gan” với số phận đến cùng! Đối với những cô gái như thế, khi tiếp xúc nên tránh nói đến chuyện bị phân đi miền núi của cô! Tuy nhiên, thi thoảng mới gặp tôi trong thời gian ngắn ngủi, vậy mà cô gái Gia sư đều nói với tôi chuyện về mấy đứa bạn cùng lớp bây giờ đang ở trên Tây Nguyên dạy học và sống ra sao: “Anh biết không, con Lan bạn em nó nói, giờ lên lớp coi như bằng không bởi vì những đứa trẻ người dân tộc ấy chúng nó nghe và nói tiếng Kinh mình còn chưa được thì học hành cái gì? Chúng nói với nhau bằng tiếng dân tộc, còn nói với cô giáo bằng thứ tiếng lơ lớ như người nước ngoài nói tiếng Việt ấy! Được vài ngày lại có hai ba đứa bỏ học, chẳng lẽ cứ phải đến từng nhà để van nài chúng đi học mà lên lớp thì như vịt nghe sấm? Có mấy thằng con trai lớn tướng thì không lo học mà chỉ tìm cách dụ cô giáo đến nhà để bắt làm vợ! Con Lan nó đã thành vợ của thằng học trò nó tên là Ksor Nhú, cuối năm nay thế nào cũng đẻ ra một thằng “oẳn-tà-roằn”!”. Tôi nói: “Vậy những người bạn của cô đã bị “Tây Nguyên hóa” rồi đó! Đến thế hệ sau thì sẽ có một lớp người nửa Kinh nửa Tây nguyên, rất phù hợp! Lúc ấy chắc sẽ không phải bắt buộc những người không thích đi xa như bạn đến Tây Nguyên nữa! Có lẽ bạn sẽ phải chờ đến lúc ấy mới có thể hy vọng người ta đổi quyết định!”. Cô gái làm Gia sư không hề tỏ ra buồn nản mà lại rất vui: “Em đã quen với cách sống tự do này rồi! Mình vẫn được làm cô giáo mà lại được tự do hoàn toàn! Tự do muôn năm!...À, em có việc này tính bàn với anh, có thể kiếm bộn tiền mà rất dễ dàng: Có khoảng gần mười người đang học hệ Tại chức của Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp phải viết Luận văn tốt nghiệp. Rất tiếc là đề tài của họ toàn là văn học Việt Nam, mà sở trường của em lại là văn học nước ngoài, nhất là văn học Trung Quốc. Vì thế, nếu anh đồng ý thì em sẽ nhận “đấu thầu” hết “cả gói”, tiền công viết tám cái  Luận văn này anh cứ nhận hết, nhưng em cần là cần cái tiếng “Viết Luận văn thuê” vào loại cao thủ, để làm ăn về sau!”. Quả nhiên, sau khi tôi hoàn thành tám cái Luận văn, tiếng tăm viết Luận văn thuê của cô gái Gia sư nổi như cồn cát, đến nỗi năm nào tôi cũng phải bỏ ra chục ngày lẫn đêm để tiếp sức cho cô Gia sư giải quyết những Luận văn tại chức không thuộc sở trường của cô!
Tuy việc bán chất xám làm cho tôi khá mệt mỏi nhưng không hiểu sao, đúng vào lúc mệt mỏi nhất, tôi lại nghe thấy tiếng hát của cô gái ca sĩ – chủ nhà ngân vang, khiến cho tôi quên hết mệt mỏi và “như người bỗng lênh đênh giữa đời”: 
Trăm năm  ở đậu ngàn năm  
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn  
Ngàn năm ... í ... a  
Buồn như ... í ... a  
Ô hay là một vòng xinh  
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời … 
*
Lẽ ra, những kỷ niệm ở trọ của tôi toàn những chuyện vui nếu như không có một vụ “tự thiêu” xảy ra ở bên dãy phòng trọ nhà ông Hòa. Song, cũng rất may là vụ “tự thiêu” bị phát hiện ngay nên được khống chế ngay! Sự phát hiện vụ “tự thiêu” hoàn toàn tình cờ: sáng hôm ấy, tôi dậy muộn do phải “viết thuê” đến ba giờ sáng. Khi ra ngoài đầu hẻm ăn sáng thì đã chín giờ. Tôi đang ngồi ăn tô phở thì có một người đàn bà ngồi xuống bàn, phía đối diện và nói ngay: “Tôi là bồ của ông Tám Cá Tra, đang ở trọ bên nhà ông Hòa, cạnh chỗ anh cũng đang ở trọ. Tôi phải nói thật với anh là sáng nay, ông Tám Cá Tra có hẹn tôi đến là để cùng “tự thiêu”, vì chúng tôi nợ nần chồng chất, tới tiền tỷ mà xem ra không có khả năng chi trả! Nhưng tôi không muốn chết chung với ông ta và cũng không muốn ông ta chết mà làm liên lụy tới người khác, bởi ông ta sẽ chọn cách tự thiêu! Vì vậy, anh hãy vào nói ngay với ông Hòa, bắt ông Cá Tra giao cho cảnh sát ngay kẻo sẽ xảy ra hỏa hoạn!”. Nghe tới đó, tôi chạy ngay vào nhà ông Hòa, nói với ông Hòa rồi cùng chạy lên phòng của ông Tám Cá Tra. Quả nhiên, ông Tám Cá Tra đang ngồi uống rượu (chắc là đợi cô bồ), sau lưng là hai can xăng đầy!... 
Sau vụ ông Tám Cá Tra, tôi mới nói với ông Hòa: “Khi cho ai ở trọ, ông phải nhìn kỹ mặt người ở trọ sẽ thấy rõ ngay đó là người muốn sống hay muốn chết!”. Ông Hòa ngớ người: “Làm sao mà biết được ai là người muốn sống, ai là người muốn chết?”. Tôi nói ngay: “Người muốn sống thì trên trán có chữ Sinh, người muốn chết thì trên trán có chữ Tử. Đơn giản vậy mà ông không biết hay sao?”. Tôi tưởng nói giỡn chơi ông Hòa vậy rồi thôi nhưng không ngờ hai hôm sau, ông Hòa ăn mặc rất chỉnh tề, qua mời tôi sang làm lễ Bái sư, tức ông sẽ học tôi môn Tướng mạo học, bởi theo ông thì muốn làm chủ nhà trọ, phải biết nhìn người, trông mặt phải bắt được hình dong !... 
Sài Gòn, tháng 4-2010 
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét