Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.netTrích: Nhật Ký của một cô giáo...; Em ở Tây Hồ
NHẬT KÝ CỦA MỘT CÔ GIÁO TRƯỜNG HUYỆN
NHẬT KÝ CỦA MỘT CÔ GIÁO TRƯỜNG HUYỆN
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1. Ngày…tháng…năm…19…
Câu nói cuối cùng của thầy Hiệu trưởng nói với mình khi đến trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương nhận công tác là: “Học sinh ở đây khác với học sinh các nơi khác ở hai điểm: 1/ Phải mời chúng đến học; và do đó dẫn đến điểm thứ 2/ Không thể dùng hình phạt đuổi học dưới bất kỳ hình thức nào!”. Trải qua cuộc đời đi học từ Trung học Phổ thông cho đến hết Đại học Sư phạm, mình đã chứng kiến không biết bao nhiêu những phụ huynh học sinh phải chạy chọt đủ kiểu để con em được đi học cho nên mình thật sự ngạc nhiên khi nghe thầy Hiệu trưởng nói như thế. Mình định nói điều gì đó với thầy Hiệu trưởng nhưng rồi lại thôi bởi vụt nghĩ đến một câu cách ngôn: Định nói với ai điều gì quan trọng thì hãy lùi lại ngày hôm sau! Ngày hôm sau, quả nhiên là mình tự thấy rằng không phải nói điều đó ra nữa!
Tên trường đã thể hiện khá rõ đối tượng cũng như mục đích của nhà trường. Điều cần nói thêm chỉ là: khi mình về nhận công tác ở đây cũng là năm học đầu tiên của trường, tức trường vừa có quyết định thành lập được ba tháng thì khai giảng năm học đầu tiên. Nói vậy để có thể thấy rằng tất cả mọi việc đều là những bước đi ban đầu!
2. Ngày…tháng…năm 19…
Ngày lên lớp đầu tiên lên lớp, “vạn sự khởi đầu nan” nên ai cũng cầu mong thuận buồm xuôi gió và có được kỷ niệm đẹp. Mình cũng cầu mong như vậy. Song, mọi việc diễn ra lại không hề Đẹp chút nào, thậm chí thật đáng sợ!
Buổi lên lớp đầu tiên của mình đã diễn ra không đúng như “Kịch bản” mà mình đã hình dung! Sau khi tự giới thiệu và điểm danh cả lớp, mình nói: “Tôi muốn biết qua mười năm Trung học Phổ thông, các em đã có được những gì trong đầu! Vì thế, mỗi em lấy ra một tờ giấy, viết ra cho tôi Mười Định lý hoặc công thức Toán học mà các em cho là quan trọng nhất, không thể quên! Thời gian là ba mươi phút!”…
Năm phút đầu, mình đi ra ngoài hành lang xả “xú-páp”, ngắm quang cảnh xung quanh và ngắm mây trời! mình chợt nghĩ, tại sao cái hình ảnh “Trời xanh – Mây trắng” rất quen thuộc đối với chúng ta, ta đã biết nó từ khi được sinh ra mà mỗi lần nhìn ngắm nó vẫn thấy nó đẹp, vẫn thấy nó đầy bí ẩn?
Khi mình trở vào lớp, một cảnh tượng hoàn toàn bất ngờ xảy ra : có tới hơn nửa lớp không viết gì cả, ngồi nói chuyện thoải mái, nam nữ cấu véo nhau rồi cười rúc rích, tự nhiên như ở…trong rừng! Số non nửa còn lại thì đang hí hoáy viết nhưng không phải viết những Định lý, công thức Toán học mà viết “thư tình” rồi xếp thành hình “Tàu bay giấy” sau đó phóng đi lung tung! Có hai nam học sinh thì ngồi vẽ …bộ phận sinh dục nam và nữ, lúc rời, lúc dính vào nhau rồi thản nhiên đi tới bàn có nữ sinh ngồi rồi đặt lên mặt bàn của nữ sinh này!...
Mình chưa kịp phản ứng gì thì thầy Hiệu trưởng đi cùng hai người hình như là cán bộ của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, đi tới. Mình chào thầy Hiệu trưởng và hai người kia , tưởng họ vào thăm lớp học nhưng họ chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi, tức chỉ ngó nghiêng một lúc, hỏi mình hai câu rồi đi! Ôi, giá như họ dừng lại, vào thăm lớp mình năm phút thì tốt biết mấy!
Chờ cho thầy Hiệu trưởng và hai người khách của Bộ đi khỏi, mình trở vào lớp và phải nhờ em Lớp trưởng ổn định trật tự. Khi trật tự đã được vãn hồi, mình hỏi em Lớp Trưởng:
-Em còn nhớ được bao nhiêu công thức Toán học đã học ở Trung học Phổ thông?
-Dạ thưa cô, em xin nói thật: em đã quên hết khi từ trường Nội trú của tỉnh trở về núi rừng, bản làng! – Lớp trưởng ngập ngừng nói!
-Vậy em nhớ được những gì sau mười năm đi học? – mình hỏi tiếp.
-Dạ, em nhớ nhất cô giáo dạy văn đọc thơ rất tình cảm và có “hai quả đào tiên” rất to! – Lớp trưởng vừa dứt lời cả lớp cười ồ! Tức thì có mấy tiếng nói nữa cùng hùa theo: “Cô giáo dạy Sinh cũng căng tròn, còn cô giáo ngoại ngữ thì Ngoại hạng!”, “Cô giáo dạy Toán của chúng ta bây giờ cũng vô địch luôn!”!...Thật quá thể! Mình lẳng lặng ra khỏi lớp, còn nghe thấy có tiếng nói đuổi theo: “Tao thích cô giáo này quá rồi! Thế nào cũng phải thử cho biết!”…
Mình về tới khu nhà ở của giáo viên, mở cửa chui vào phòng mình, nằm vật xuống giường mà vẫn như là nghe thấy những tiếng nói quái gở đó bám riết lấy hai lỗ tai!...
Bữa cơm trưa đã tới từ lâu mà mình không thiết đi ăn. Một lúc sau, chị Bé, cấp dưỡng của nhà bếp bê suất cơm của mình tới và ân cần nói: “Dù sao cũng phải cố mà ăn lấy vài miếng! Con người ta không thể thiếu cơm! Em ăn đi nhé, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi!” Nghe chị Bé cấp dưỡng nói, mình bỗng bật khóc! Trời đất ơi! Đường đường một cô giáo, tốt nghiệp Đại học Sư phạm đàng hoàng, lại chịu thua mấy đứa học sinh người dân tộc và một chị nấu bếp văn hóa thấp như thế sao? Nghĩ vậy, mình lau khô ngay nước mắt như chưa hề khóc và ngồi dậy ăn hết bay suất cơm!
3. Ngày…tháng…năm 19…
Quá chán nản và thất vọng, mình thả bộ trên con đường mòn ở sau khu lớp học. Con đường dẫn lên một quả đồi cao hơn quả đồi của khu vực nhà trường. Đứng ở đây nhìn về toàn cảnh khu nhà trường mới thấy sao mà hoang sơ, cô tịch! Nhìn ra xa xa, những quả đồi nối tiếp nhau như những con sóng bất động. Lúc này đây, mình mới thấy câu thơ của một cô bạn viết về Miền Trung du thật là ớn lạnh: Đồi lại tiếp đồi, đồi hoang sơ / Gió như ngựa hoang cuốn bụi mờ…Ôi, lúc này sao mà nhớ mẹ! Mẹ ơi, mẹ có tha tội cho đứa con bướng bỉnh, bất hiếu này không? Con sẽ trở về bên mẹ, không “đi khám phá chân trời xa” này nữa!...Mới nghĩ đến Mẹ là nước mắt đã trào ra!
Mình vừa dụi mắt, chưa kịp lau khô những giọt lệ còn vương trên má thì có hai người đứng lù lù trước mặt, chỉ cách có ba, bốn mét!...
Mọi việc sau đó diễn ra cứ như trong phim… Nhưng kết thúc chưa đến chỗ bi thảm nhất: đúng lúc hai thằng kia cởi hết quần áo của mình ra thì có một tràng tiếng dân tộc vang lên và thầy Hiệu trưởng xuất hiện. Hai thằng kia thấy vậy thì bỏ chạy cũng nhanh như lúc chúng xuất hiện! Thầy Hiệu trưởng nhặt quần áo của mình bị hai thằng kia ném ra xung quanh, đặt vào tay mình rồi nói: “Tốt rồi! Cô mặc quần áo vào rồi đi về ngay! Nhớ là từ giờ đừng có đi dạo một mình và coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra!”. Nói rồi thầy Hiệu trưởng lại nói lầm rầm cái gì đó bằng tiếng dân tộc rồi lặng lẽ biến mất như lúc xuất hiện!
Trên đường về, mình thoáng nhớ ra hai thằng ban nãy chính là hai đứa ngồi vẽ bậy trong lớp hồi sáng! Máu giận trong người sôi lên, mình muốn đi ngay đến khu nhà ở của học sinh để “hỏi tội” hai thằng học sinh mất dạy kia, phải đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường đuổi học chúng!... Mình đi như chạy! Nhưng đi được một đoạn thì mình lại nhớ tới câu nói cuối cùng của thầy Hiệu trưởng trong buổi gặp gỡ giáo viên đầu tiên: “…Không thể dùng hình phạt đuổi học dưới bất kỳ hình thức nào!” Và ban nãy, vì sao thầy Hiệu trưởng lại nói: “…coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra”???...Chuyện to bằng “Cái cột đình” như thế mà lại phải “coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra”?! Thế này thì thật không thể hiểu nổi!
Tuy là “Cái đầu” mình nghĩ là sẽ đi đến khu nhà ở của học sinh nhưng “Cái chân” lại đưa mình về khu nhà ở của giáo viên. Chị Nhung, giáo viên môn Sinh nhìn thấy mình thì nói: “Hiền đấy à? Đi đâu mà chị tìm mãi không thấy? Em có tới bốn cái thư đấy, vào phòng chị lấy đi!” Mình theo chị Nhung vào phòng chị, đúng là có bốn cái thư: của bốn đứa bạn cùng học ở Đại học Sư phạm, cùng tên là Hiền nên lớp gọi năm người tên Hiền chúng mình là “Ngũ Long Công Chúa”! Mình nằm lăn ra giường đọc liền một mạch thư của bốn đứa bạn tên Hiền, chúng đều dạy ở trường Trung học Phổ thông của quê hương! Thư của đứa nào cũng nói về buổi lên lớp đầu tiên với những tình tiết thật là vui!...Còn mình, tại sao lại buồn tê tái như thế này, Công Chúa ơi là Công Chúa? Mình vụt nghĩ, hay là tại mình không xin về quê hương như chúng nó? Xin về trường Huyện, thì cả Huyện đã biết danh tiếng của mình, ai cũng sẽ đón tiếp mình long trọng như là “Công Chúa giá lâm”, chứ làm gì có chuyện tủi nhục ê chề như thế này! Mình nghĩ ngày mai gặp thầy Hiệu trưởng sẽ đưa đơn xin chuyển công tác về quê!
Sáng hôm sau, mình dậy sớm, viết ngay lá đơn xin chuyển công tác để đưa thầy Hiệu trưởng, nhưng đến phòng thầy thì thấy cửa khóa. Chị Bảy, văn thư – đánh máy ở bên cạnh, nhìn thấy mình thì nói: “Thầy Cầm đi họp ở Hà Nội rồi! – Rồi chị cười cười, nói giọng nửa đùa nửa thật: Có chuyện gì, nói ra xem coi chị giải quyết cho!”. Mình chán nản bỏ về không nói gì!...
4. Ngày…tháng…năm 19…
Khi thầy Hiệu trưởng đi Hà Nội về, mình đến đưa đơn xin chuyển cho thầy thì thầy cho vào hộc bàn rồi nói: “Cứ từ từ rồi tính!”…Thầy luôn có nhiều khách nên mình chẳng thể nói gì thêm! Vài tháng trôi qua, rồi gần một năm trôi qua, thầy Hiệu trưởng khi gặp mình không hề nói gì tới lá đơn xin chuyển công tác của mình, cũng như không hề có cái chuyện xảy ra trên cái đồi hoang sơ buổi chiều hôm ấy! Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua với một vận tốc không đổi! Mình phải chờ đợi “Sự trả lời của Thời gian” suốt hai năm và nếu không có sự ngẫu nhiên này thì không biết bao lâu nữa Thời gian mới cho mình câu trả lời: Thầy Hiệu trưởng và Thầy Quan, Phó giám đốc Sở Giáo dục của tỉnh quê mình vốn cùng làm Nghiên cứu sinh với nhau ở nước ngoài, trong một lần về Hà Nội họp đã gặp thầy Hiệu trưởng Cầm và lên trường của thầy Cầm chơi. Khi gặp mình, không ngờ thầy Quan đã nhận ra mình khi thầy còn dạy ở trường cấp Ba. Thế là cuộc thỏa thuận giữa hai thầy chỉ có năm phút, mình được chuyển về quê, trường Huyện…
Về Trường Huyện, Thầy Quan còn giới thiệu mình với một “Đệ tử” của thầy, hiện là Phó chủ tịch UBND Huyện phụ trách khối Văn-Xã, một người mà theo như thầy Quan nhận xét thì “Văn võ song toàn” tức vừa có bằng cấp cao vừa kinh doanh rất giỏi, kiếm tiền dễ như “lấy đồ trong túi”! Một tháng sau, mình và ông Phó Chủ tịch Huyện cưới nhau, đám cưới to nhất Huyện!...
*
Năm tháng cứ theo nhau đi, Thời gian vẫn lặng lẽ trôi với vận tốc không đổi! Mình vẫn thường nhớ về những kỷ niệm: ngày cuối cùng của tuổi học trò Trung học, ngày đầu tiên của cuộc đời sinh viên, ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, ngày đầu tiên có Tình yêu, ngày đầu tiên làm vợ, ngày đầu tiên làm mẹ,v.v…Nếu đứng vào từng thời điểm thì chuyện nào cũng hệ trọng, sự kiện nào cũng “To bằng cái Đình”, nhưng khi xâu chuỗi chúng lại, nhìn tổng thể như một vị tướng duyệt đội quân của mình, thì cái gì cũng “bình thường thôi” và có lẽ câu nói của Thầy Quan nói với mình khi mình cưới chồng là đáng nhớ nhất: “Cuộc đời con người ta có nhiều chặng, có lên bổng xuống trầm, chặng nào cũng quan trọng nhưng quyết định hết thảy là ở Đoạn Kết của cuộc đời!”…
Lật lại Bản Tự bạch của mình viết khi còn là sinh viên có những điểm chính như:1-Màu yêu thích nhất: màu hồng; 2-Cuốn sách thích đọc nhất: Bài ca sư phạm của Makarenko; 3-Thần tượng ngưỡng mộ nhất: Nhà thơ R.Tagore; 4-Món ăn khoái khẩu nhất: -Phở gà; 5-Ước muốn lớn nhất: Thành cô giáo! …Năm điểm này phải sửa lại như sau: 1-Màu yêu thích nhất: Màu vàng; 2-Cuốn sách thích đọc nhất: Quẳng gánh lo đi mà vui sống; 3-Thần tượng ngưỡng mộ nhất: nhà tỉ phú B.G; 4-Món ăn khoái khẩu nhất: Chưa xác định; 5-Ước muốn lớn nhất: Trở thành người trong Top 10 giàu có nhất nước!...
Sài Gòn, 14-16/11/2009
Đỗ Ngọc Thạch
EM Ở TÂY HỒ- Đỗ Ngọc Thạch
EM Ở TÂY HỒ
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
Tôi có bà chị hơn tôi hai tuổi (sinh năm 1946), lấy chồng ở ngay kề sát Hồ Tây, là dân Hồ Tây chính cống. Khi bà chị tôi sinh cháu trai, tôi còn đang rảnh rỗi nên thường đến nhà chị chăm sóc cháu bé, cứ hai ba ngày lại đi một lần. Lúc đó tôi đang ở nhà bố mẹ trên đường Giảng Võ (khu tập thể Bộ Y Tế), nên lộ trình của tôi qua ba đoạn đường quan trọng: 1/ Quảng Trường Ba Đình có Lăng Bác; 2/ Đường Thanh Niên bên bờ Hồ Tây; 3/ Đê Yên Phụ cũng men theo bờ Hồ Tây, đổ một cái dốc là tới nơi – làng Tây Hồ
Khi bà chị tôi sinh cậu con trai thứ hai, sự việc như trên lại tiếp diễn! Nói như vậy để thấy rằng Quảng Trường Ba Đình và Hồ Tây là hai hình ảnh in rất đậm trong trí nhớ của tôi! Và cũng vì khi tôi đi trên đoạn đường Thanh Niên qua Đê Yên Phụ bên bờ Hồ Tây đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện…trong đó có những chuyện quyết định đến vận mạng của đời tôi!
*
Khi tôi đi trên con đường Thanh Niên và Đê Yên Phụ ven Hồ Tây, lần nào cũng vậy, trong tay tôi “lăm lăm vũ khí” là bài thơ hỏi cô gái bán chiếu của Đại Thi Hào Nguyễn Trãi: Em ở Tây Hồ bán chiếu gon /chẳng hay chiếu đã hết hay còn / xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi / đã có chồng chưa, được mấy con? Theo tôi nghĩ, với tuyệt tác thi ca này là quá đủ để có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào khi giáp mặt! Tuy nhiên, ròng rã gần tháng trời mà tôi chẳng gặp cô gái bán chiếu nào để “xuất độc chiêu” cả! Người đi dạo trên đường Thanh Niên thường là đã thành đôi, thành cặp, không có ai đơn lẻ để tôi “xuất chiêu”! Song, đúng lúc tôi “cất vũ khí”, không có ý định “chiến đấu” thì thật bất ngờ: đối thủ đã xuất hiện!
Hôm đó là một ngày thật đẹp trời! Tôi đang thả bộ trên đường Thanh Niên thì nghe có tiếng ai đó ngâm câu thơ ở phía sau : “Trời Thu xanh ngắt mấy tầng cao / Cành liễu lơ thơ gió hắt hiu!...” Tôi quay lại, định nói với người đọc thơ rằng Cành trúc chứ không phải Cành Liễu thì giật mình khi nhận ra đó là một cô gái đẹp như Trầm Ngư Điêu Thuyền. Và điều kỳ lạ là người con gái này rất giống với nhân vật Điêu Thuyền như các họa sĩ đã vẽ trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa! Hình như tôi cứ đứng ngây người ra như thế khá lâu nên khi định thần lại thì bóng người con gái đã thấp thoáng phía xa! Tôi đuổi theo và lại kinh ngạc lần nữa khi thấy người con gái đang đó đang cầm khoảng chục cái chiếu nhỏ (loại cho trẻ con nằm ngủ), vừa đi vừa rao: “Trẻ nhỏ nằm chiếu nhỏ / Lớn lên nằm chiếu lớn / Không nằm lên bãi cỏ / Kiến cắn con thì khốn !”. Chỉ khoảng nửa giờ, cô gái đã bán gần hết số chiếu, chắc chỉ còn hai, ba cái. Tôi lại gần cô gái, chưa kịp nói gì thì cô gái đã nói: “Anh theo tôi từ nãy đến giờ chắc không phải để mua chiếu chứ? Nếu anh định đọc thơ ghẹo cô gái bán chiếu thì đọc đi, tôi đang thích nghe mà không thấy ai đọc cả!”. Tức thì tôi thay chữ gon trong nguyên tác bằng chữ con và đọc liền một mạch:Em ở Tây Hồ bán chiếu con / Chẳng hay chiếu đã hết hay còn…”. Tôi chưa kịp đọc hết thì cô gái chen ngang: Em ở Tây Hồ bán chiếu con / Chẳng cần biết chiếu hết hay còn / Cũng chẳng cần biết bao nhiêu tuổi / Càng không nên hỏi chuyện chồng con! Đọc xong mấy câu thơ đó, cô gái tiến sát lại gần tôi nói nhỏ: “Nếu anh thích cô bán chiếu thì hãy đi theo nha!”…
Nói rồi cô gái đi rất nhanh, như gió lướt trên thảm cỏ! Vượt dốc qua mặt đê rồi lại tụt dốc xuống bên kia đường đê. Mỗi khi đi trên mặt đê Yên Phụ ở quãng này, tôi chỉ nhìn xuống mà chưa bao giờ đi xuống cái xóm ven đê này, cho nên khi theo cô gái đi vào, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự xanh tốt của cây cối các loại ở cái xóm ven đê này. Đúng là cây cối và cả con người ở đây đều sống nhờ vào phù sa sông Hồng từ ngàn năm nay!...Mải suy nghĩ về phù sa, tôi đã đứng trước một căn nhà đúng kiểu nơi thôn dã, xung quanh cây cối um tùm! Có lẽ tại hôm qua, tôi vừa mới đọc Liêu Trai Chí Dị của ông Bồ Tùng Linh cho nên lập tức, trong đầu tôi hiện lên cảnh vui đùa nô giỡn của một gia đình Hồ Ly tinh! Tôi trố mắt ngạc nhiên khi nhìn vào trong nhà thì thấy giống y như cảnh vừa hiện ra trong đầu về một gia đình Hồ Ly tinh!...
Nếu theo như Liêu Trai thì Hồ Ly tinh giả làm người đẹp rất giống: từ ánh mắt nụ cười cho đến tiếng ho, cái hắt xì hơi, và đặc biệt là rất giỏi: cầm kỳ thi họa, văn hóa cổ kim đông tây cái gì cũng rành rẽ như lòng bàn tay! Và những chàng thư sinh tài hoa kia chỉ nhận ra được mỹ nhân mà mình đang xây mộng tưởng là Hồ Ly sau khi đã thân tàn ma dại! Song, rất may là tôi đã được cuốn Liêu Trai của Bồ Tùng Linh “cảnh báo” nên đã thoát khỏi “Hang Cáo” ấy một cách nhẹ nhàng! Song, nếu không có sự trợ giúp của một cô gái Tây Hồ đích thực, tên là Hằng Nga, thì chưa chắc tôi đã thoát khỏi “Hang Cáo” một cách lành lặn!
Cô gái Tây Hồ đích thực đó ở ngay chỗ đổ dốc từ đường đê Yên Phụ xuống Làng Tây Hồ. Chính vì nhà cô gái ở lưng chừng dốc cho nên dù đi xe đạp hay đi bộ thì cũng khó mà có thể ngó nghiêng bóng hồng cho dù cô có đứng ngay trước cổng! Mặt khác, chỗ đổ dốc này lại rất nguy hiểm, tức rất dễ xảy ra tai nạn nếu “thả phanh” vô tư, bởi tới chân dốc lại phải quẹo trái một chút thì mới ăn vào đường dẫn xuống Làng Tây Hồ. Một lần, tôi đang từ trên dốc dắt cái xe đạp xuống dốc, khi đi ngang qua cổng nhà Hằng Nga thì bất ngờ có một cái xe máy phóng từ dưới chân dốc lên, với tốc độ như tia chớp! Tôi chỉ kịp nhảy vọt vào cổng nhà Hằng Nga để tránh cái xe máy! Khi kịp định thần thì thấy mình nằm còng queo giữa sân nhà Hằng Nga và khắp người đau ê ẩm. Lúc đó, Hằng Nga và người mẹ đang ở nhà, hai mẹ con đã nhiệt tình sơ cứu cho tôi và chỉ sau hai mươi phút, tôi đã có thể đi lại bình thường. Hỏi ra mới biết, Hằng Nga đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khi ra trường phải đi dạy ở miền núi, nhưng khi người anh đi bộ đội hy sinh, bố mẹ cô đều thương nhớ con trai mà thành bệnh, cô phải bỏ nghề dạy học về chăm sóc cha mẹ. Hiện sức khỏe mẹ cô đã hồi phục, hai mẹ con làm nghề gói bánh chưng kiếm sống đạm bạc!...
Trở lại chuyện tôi đã gặp Hồ Ly tinh bán chiếu con ở đường Thanh Niên. Thực ra tôi chỉ phát hiện ra cô gái bán chiếu và cả nhà cô ta (gồm cáo bố, cáo mẹ và chín cáo con) là Hồ Ly khi ngồi uống rượu với cáo bố lúc mới vào “Hang Cáo”. Tôi uống rượu tuy chưa phải loại sành điệu nhưng với những loại rượu kém chất lượng, nôm na là rượu rỏm thì tôi có phản ứng ngay: thấy đau đầu và muốn ói! Cứ như là một phản ứng tự nhiên của cơ thể! Và cũng như thế, khi ngửi phải “mùi lạ” mà ngược với mùi thơm, tức “xú khí” là cơ thể tôi cũng có phản ứng tương tự! Vì thế, vừa uống xong ly rượu đầu tiên là tôi có cảm giác thấy mùi “xú khí” và lập tức xây xẩm mặt mày, muốn ói, muốn té ngửa xuống đất! Cô gái bán chiếu con thấy vậy thì dìu tôi vào buồng, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Hôm nay Hồ nhiều gió, chắc anh chàng bị trúng gió rồi!” Tôi đi được ba bước thì như là sực tỉnh vì cô gái bán chiếu ôm lấy người tôi rất mạnh, khiến tôi cảm thấy hơi đau và đưa tay đẩy vào lưng cô ta, tính thoát khỏi vòng tay đang siết mạnh. Nhưng cú đẩy không có tác dụng và tay tôi trượt xuống mông cô ta, và tôi bàng hoàng khi bàn tay nắm trọn phải một cái đuôi cáo! Như trên đã nói, vì tôi đã đọc nhiều chuyện Hồ Ly tinh trong Liêu Trai, nên thay vì la toáng lên do hoảng sợ, tôi lại giả bộ ôm chặt lấy Hồ Ly và tìm thời cơ điểm huyệt để hạ gục Hồ Ly đặng thoát thân!
Đúng lúc đó, có tiếng rao “Bánh chưng nóng đây!...”, và có tiếng của Cáo bố: “Con Tư đưa tiền bán chiếu cho cha mua bánh chưng nóng nào!”. Cô gái bán chiếu nghe thấy vậy thì đặt tôi xuống giường và vọt ra ngoài. Nghe có tiếng cãi lộn của cô gái bán chiếu với ai đó và tiếng cãi lộn đi xa dần, tôi vùng chạy ra ngoài, thấy cáo bố và mấy cáo con đang quây quanh người bán bánh chưng. Thoáng nhìn thấy tôi, người bán bánh – mà tôi kịp nhận ra chính là Hằng Nga, - đưa hết bánh cho cáo bố và mấy cáo con rồi đuổi theo tôi. Khi đuổi kịp tôi, Hằng Nga nắm lấy cánh tay nói: “Là anh à? Đi theo tôi!...” Tôi đi theo Hằng Nga, đúng ra là chạy. Không ngờ Hằng Nga khỏe thế, vừa chạy vừa kéo tôi đi khiến chân tôi như là không chạm đất. Lúc vượt dốc lên mặt đê cũng nhẹ nhàng như không! Vượt dốc qua bờ đê rồi lại tụt dốc xuống mặt đường, Hằng Nga mới dừng lại hỏi: “Anh có uống rượu với ông già trong nhà không?” Tôi ngạc nhiên trả lời: “Có! Sao cô biết?”. Hằng Nga đưa tôi một viên thuốc nhỏ bảo nuốt và nói: “Tôi đã vào đó cứu anh trai tôi và người bạn nên biết đó là Hang ổ của Hồ Ly tinh! Anh nôn ra đi là thấy nhẹ người ngay!”. Hằng Nga vừa nói thì tôi ngồi thụp xuống ói ra một bãi nước bọt! Chúng tôi vào một quán nước trà bên đường, uống một ly trà nóng mới thật sự “hoàn hồn”! Hằng Nga nói thêm: “Mấy con Hồ Ly ở bãi sông đó đã thành tinh từ lâu, chúng đã hại không biết bao nhiêu chàng trai háo sắc, nhẹ dạ cả tin!”. Tôi nói: “Thế không có vị Cao tăng đắc đạo nào ra tay diệt trừ yêu nghiệt trừ hại cho dân hay sao?”. Hằng Nga nén một tiếng thở dài rồi nói: “Phải chi em học ở trường Cảnh sát thì thích hợp quá!...Bố em đã từng là cảnh sát song ông lại bị “tai nạn nghề nghiệp” nên không muốn em lại như vậy nên nhất định muốn em thành cô giáo! Đúng là sự đời dâu bể, cuối cùng lại là người bán bánh chưng!”. Tôi định nói gì đó với Hằng Nga mà không biết diễn đạt như thế nào bởi rất nhiều ý nghĩ cứ như chuyển động Brao ở trong đầu!
*
Mấy ngày sau, khi tôi đi qua đoạn đường Thanh Niên bên Hồ Tây, lại gặp cô gái bán chiếu lượn lờ trên đường, mà không phải chỉ một mình cô ta, còn hai, ba người nữa cũng cầm những cái chiếu nhỏ bán dạo trên đường!...
Chỉ một lúc sau, có mấy chàng trai, dáng vẻ thư sinh, lẽo đẽo bám theo mấy cô gái bán chiếu, mồm thì lẩm nhẩm cái gì đó, lại gần sát thì ra là họ đang đọc thầm bài thơ hỏi ghẹo cô gái bán chiếu: “Em ở Tây Hồ bán chiếu gon / Chẳng hay chiếu đã hết hay còn …”. Tôi định chặn mấy chàng trai đó lại mà nói rằng, đó là mấy con Hồ Ly tinh cải trang thành cô gái bán chiếu đó, hãy tránh xa nó ra! Nhưng lại nghĩ, họ đang say sưa “khám phá” thì làm sao mà tin những gì tôi nói? Lòng buồn vô hạn, tôi đạp xe thật nhanh đến nhà Hằng Nga nhưng bà mẹ Hằng Nga nói cô đang đi giao bánh chưng!...
Tôi dắt xe vào nhà bà chị, nhưng đi được một lúc lại thấy mình đứng trước mặt hồ cuộn sóng, những con sâm cầm chao liệng cũng không khác chi chim Hải Âu trên biển! Và tôi thoáng thấy mấy chàng thanh niên ban nãy đang đi theo mấy cô gái bán chiếu, mồm thì đọc: “Em ở Tây Hồ…”!
Sài Gòn, 1-12- 2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net
57 truyện ngắn trên phongdiep.net - YuMe.vn
yume.vn/dovocamthach/article/57-truyen-ngan-tren-phongd...
27 Tháng Tám 2011 ... http://phongdiep.net/images/chandung/thu%20vien/. Đỗ Ngọc Thạch (SG- ... CÔGÁI VÀ BẢY ANH LÍNH- Đỗ Ngọc Thạch 34. NHẬT KÝ CỦA ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét