Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: BS Thú Y

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch- Trích: Bác sĩ Thú Y...


Tranh Rắn của Đặng Mậu Tựu 


blog.yume.vn/xem-blog/10-truyen-ngan-cua-do-ngoc-thach-...
5 Tháng Chín 2011 ... YuMe.vn - Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH ĐỖ NGỌC THẠCH 10 truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch trên ...

11 truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch trên Ykhoaviet.net



Bác sĩ thú y

Tháng 5 26, 2010 | Viết bình luận
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc Thạch gửi đăng YKhoaNet.Vn
Ông Thôn là một “Đại Phu” chân truyền, người cha ông Thôn đã từng là quan Ngự Y, chuyên chữa bệnh cho bậc vua chúa thời xưa. Nhưng không hiểu sao, sáu người con của ông Thôn, dù nắm rất vững những bí quyết gia truyền của Y thuật, đều không nối nghiệp cha, ông mà lại chuyển qua chữa bệnh cho động vật, gia súc, gia cầm – tức đều làm Bác sĩ Thú Y. Sự chuyển đổi này như là một quy định khắt khe tới mức cho dù có người nào bệnh nặng tới mức thập tử nhất sinh, chạy đến van xin ra tay cứu chữa thì những người con ông Thôn cũng không tác nghiệp, mà nếu thấy con bệnh nguy kịch thì ghé vai khiêng đi bệnh xá, bệnh viện chứ nhất quyết không nhúng tay vào! Chính vì thế, người ta không thôi thắc mắc tại sao những người con ông Thôn lại không chữa bệnh cho người! Điều bí mật này chỉ được người con cả của ông Thôn tiết lộ phần nào sau khi ông Thôn qua đời. Đó là vì người cha của ông Thôn, tức vị quan Ngự Y, khi chữa bệnh cho một người thiếp yêu của một Vương gia, em trai của Vua, đã xảy ra tử vong, Vương gia nổi trận lôi đình, ra lệnh chém quan Ngự Y để đền mạng! Sau này, người ta điều tra ra, nhờ lời khai của một người hầu gái, cái chết của người thiếp kia không phải lỗi của quan Ngự Y mà là do chính người thiếp: thuốc quan Ngự Y đưa vào cho uống thì người thiếp đều sai con hầu đổ đi! Quan Ngự Y được minh oan nhưng lời trăn trối của quan Ngự Y trước khi chết thì vẫn luôn luôn còn vang bên tai ông Thôn: Nếu muốn tránh họa sát thân thì không được hành nghề chữa bệnh nữa!
Ông Thôn chỉ thực hiện lời di huấn của người cha được một năm thì lại phải ra tay chữa bệnh cứu người vì những người đến nhờ ông cứu chữa toàn là những người nghèo khổ, không có tiền chạy chữa như người bình thường. Ông Thôn nghĩ mình chữa bệnh giúp người nghèo, không lấy tiền chắc sẽ không vi phạm lời di huấn của cha, nên việc chữa bệnh không chỉ thi thoảng mà thường xuyên, liên tục vì người nghèo vốn rất hay bị bệnh! Việc tiếp tục chữa bệnh cho người nghèo của ông Thôn, dù sao cũng là hành nghề chữa bệnh, nhiều người tuy nghèo nhưng cũng cố chạy vạy, vay mượn để làm cái lễ tạ ơn, ông Thôn không thể không nhận. Vì thế, lời nguyền của người cha đã nghiệm đúng vào ông Thôn: Trong một lần bốc thuốc cho một ông già, ông già này không nghe theo lời dặn của ông Thôn mà uống quá liều, tăng gấp ba lần chỉ định (cho mau khỏi bệnh!), cho nên đã tử vong! Ông già này lại là cha đẻ của một quan chức hàng tỉnh, thế là ông Thôn bị những người lính của ông quan chức kia bắt tạm giam! Sau một tháng điều tra, người ta cũng thả ông Thôn ra mà không kết luận gì, nhưng ông Thôn đã nhắc lại lời người cha quan Ngự Y với các con: Nếu muốn tránh họa sát thân thì không được hành nghề chữa bệnh!
Những người con của ông Thôn, đã thực hiện rất nghiêm túc lời di huấn của ông Thôn. Tuy nhiên, để tưởng nhớ đến ông Nội, tức quan Ngự Y và cũng hy vọng mong manh rằng sau này, lời nguyền kia sẽ được hóa giải, con cháu của quan Ngự Y sẽ lại được tiếp tục hành nghề chữa bệnh cứu người, nên những người con ông Thôn vẫn âm thầm giữ lấy bí quyết gia truyền và đều đi học nghề Thú Y, tức vẫn làm “Đại Phu” nhưng là “Đại Phu” của gia súc, gia cầm!
*
Sáu người con của ông Thôn đều được sinh ra từ sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, tức sau năm 1955. Người anh cả sinh năm 1956, rồi cứ thế mỗi năm một người ra đời, từ 1956 cho đến 1961. Bốn người trên là con trai, hai người sau là con gái. Thông thường, nếu muốn đặt tên theo năm, người ta lấy theo các chữ Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi. Nhưng ông Thôn vì muốn các con phải biết yêu súc vật thì sau này mới làm Bác sĩ Thú Y được, nên đã lấy “nghĩa đen” của các chữ kia mà đặt tên con, vì thế sáu người con của ông Thôn lần lượt có tên là: Khỉ, Gà, Chó, Lợn, Chuột, Trâu. Để cho khi gọi tên con không bị cộc lốc, ông đã lấy thêm các chữ đi kèm thành: Khỉ Rừng, Gà Trống, Chó Đá, Lợn Lai, Chuột Đồng và Trâu Vàng. Vì thế, khi gọi tên sáu người này bằng một chữ sau cùng thì sẽ không còn là sáu con vật nữa, mà là Rừng, Trống, Đá, Lai, Đồng và Vàng, nghe cũng bình thường như tên của bao người khác!
Việc đặt tên cho sáu người là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng Tạo hóa như là đã có sự sắp đặt từ trước: người nào “cầm tinh” con vật nào thì chuyên trị bệnh cho con vật đó rất hiệu quả. Chẳng hạn như người thứ nhất chuyên trị bệnh cho khỉ và các loại giống khi như vượn, đười ươi, vọoc, người thứ hai thì chuyên trị bệnh cho gà, vịt, ngan, ngỗng, người thứ ba rất giỏi chữa bệnh cho chó, người thứ tư có thể giải quyết tất cả các loại bệnh của lợn, heo, người thứ năm đương nhiên là chuyên về chuột, người thứ sáu tất nhiên là Thần cứu mạng của Đại gia súc: Trâu, Bò, Ngựa, Lừa, v.v…
Sáu người con của ông Thôn vì có cái gốc căn bản là sự hiểu biếu sâu về Y học nói chung trước khi đi chuyên sâu vào Thú Y, cho nên có thể nói, cả sáu người đều rất giỏi tay nghề và nói chung đều rất thành đạt, theo quan niệm phổ biến của xã hội: có bằng cấp cao, nơi làm việc quan trọng và thu nhập cao… Chẳng hạn như người anh cả Khỉ Rừng làm giám đốc một Khu bảo tồn lớn các loài Linh trưởng, người thứ hai đã từng từ chối những chức vụ Cục trưởng, Thứ trưởng để về làm Tổng tư lệnh một đội quân lớn với quân số lên đến mức Tập đoàn quân, tức làm Tổng giám đốc những Trại gà khổng lồ,v.v… Chính vì tay nghề cao tới mức Thần Y nên trải qua bao cơn bão dịch cúm gia cầm, dịch Lở mồm long móng, các cơ sở chăn nuôi của những người con ông Thôn không hề sứt mẻ gì, mà ngược lại, khi những cơn bão dịch đi qua, hàng của mấy anh em lại bán rất chạy, tiền thu vào cũng tới mức khổng lồ!
Công việc làm ăn của sáu anh em Bác sĩ Thú Y tưởng chừng như sẽ chẳng gặp khó khăn trở ngại gì nhưng đúng vào lúc sáu anh em đều có thể sánh ngang với các đại gia thì “tai nạn nghề nghiệp” liên tục xảy ra. Đầu tiên là người anh cả bị một con khỉ hỗn láo cầm gậy đập vào đầu giống như Tôn Ngộ Không cầm gậy Như Ý đập lũ yêu ma, khiến người anh té xỉu vì rạn xương sọ, may mà trong những bí quyết gia truyền của Y Thuật gia đình ông Thôn có bài thuốc chữa hộp sọ rất công hiệu, nếu không đã tiêu đời! Tai nạn thứ hai là xảy ra với người thứ hai tức Gà Trống. Ông có tên Gà Trống có nuôi được một con gà rất đặc biệt: biết đứng thế võ Kim kê độc lập nhìn rất sành điệu (bức ảnh chụp con gà của ông Gà Trống đứng thế Kim Kê độc lập đã được giải thưởng lớn của một triển lãm ảnh quốc tế), và đương nhiên, khi đi chọi với các võ sĩ gà khác, con gà của ông Gà Trống bách chiến bách thắng… Nhưng, một lần, sau khi thua trận một con gà chọi lạ, ông Gà Trống đã la mắng con gà cưng của mình và thật là bất ngờ, con gà đã vọt lên mổ ngay vào mắt chủ của nó! Sau khi người thứ hai có tên Gà Trống gặp nạn, mù mất một mắt, sáu anh em liền triệu tập một cuộc họp đặc biệt nhưng mở rộng có đầy đủ các thành viên của cả sáu gia đình của sáu anh em.
Sáu anh em nhìn nhau hồi lâu mà chưa nói được gì thì người vợ của người anh cả nói: “Sao con bé con chú ba không thấy tới?”. Chú ba ở đây là người con trai thứ ba của ông Thôn có tên là Chó Đá. Nghe Đại Tẩu hỏi, chú ba liền nói: “Thưa chị cả, mấy ngày nay con bé nhà em nó bận giúp em đi chữa bệnh cho con chó cưng của một đại gia cùng ở Câu Lạc Bộ Doanh nghiệp VIP với em. Đã dặn hôm nay phải về sớm để đến nhà anh chị họp Đại gia đình, vậy mà sao chưa thấy tới? Điện thoại di động của nó sao không gọi được?”. Người vợ anh cả lẩm nhẩm tính toán một hồi rồi nói: “Không xong rồi! Con bé tất gặp họa, đi cứu nó ngay!”. Người vợ anh cả vừa dứt lời thì người con thứ ba của ông Thôn tên Chó Đá cùng ba người nữa cùng bật dậy và lao vút đi…
*
Lại nói về vị đại gia có con chó cưng đang nhờ bố con Bác sĩ Thú Y Chó Đá chữa trị. Vị đại gia này là một quan chức kiêm doanh nghiệp. Đây là một “mô hình” khá phổ biến mà ở Câu Lạc Bộ doanh nghiệp VIP người ta gọi là “Văn võ song toàn”: chức quan giúp cho nhà doanh nghiệp chiếm lợi thế trên thương trường, và khi nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra thì đồng tiền dễ dàng “quay vòng” giúp cho chức quan kia không ngừng thăng tiến! Cũng như bao đại gia khác, vị đại gia này cũng phải trang bị “vũ khí đầy mình” thì mới có thể gối cao ngủ kỹ! Một trong các “chủng loại vũ khí” đó là chó giữ nhà. Chúng ta đã từng biết có nhiều nhà báo tò mò lân la nhòm ngó biệt thự của các đại gia và đã bị các đại gia xuỵt chó đuổi chạy “giống Bái Công” (*), hoặc mấy bà nhà nghèo đến lãnh địa của các đại gia mót cà-phê rơi vãi bị chó dữ nhảy ra xé xác, chết thật thảm thương! v.v… Vị đại gia này cũng đã từng nuôi bốn con chó loại “khủng long”, nhìn hàm răng nó mỗi khi nhe ra nhọn hoắt như mũi giáo mũi thương, người yếu bóng vía có thể té xỉu! Nhưng không hiểu sao, từ khi được ăn uống sung sướng, mấy con chó “khủng long” này lại sinh ra lười biếng làm nhiệm vụ lính canh mà chỉ ăn suốt ngày đến nỗi to lớn gần bằng con bò! Tốn nhiều tiền nuôi lũ chó chỉ ăn hại, vị đại gia rất buồn bực. Vừa lúc trại huấn luyện chó nghiệp vụ có một con chó rất dữ, điểm thi các môn đều loại giỏi nhưng đã hai lần tấn công người huấn luyện, suýt tử vong. Nghe nói người ta sẽ giết con chó dữ đó, vị đại gia liền đến xin mua. Vừa nhìn thấy vị đại gia, con chó như biết đó là người tới cứu mạng, nó liền xoắn xít và tỏ ra qui thuận tuyệt đối. Vị đại gia thích lắm, đem con chó ấy về và phong cho nó chức Đại tướng quân, đồng thời đem bán hết bốn con chó “khủng long” tốn cơm kia! Vị đại gia còn cưng chiều con chó tới mức đem về cho nó một “người tình” cỡ “Hoa hậu chó”, khiến nó vui sướng lắm, xoắn xuýt bên nhau không rời! Song, quả là “cuộc vui nào cũng có lúc tàn”, con chó hoa hậu kia sau khi được làm “Phu nhân Đại tướng quân” chục ngày thì bỗng biến mất, không để lại một chút gì gọi là vết tích! Con chó Đại tướng quân như là thất tình, rất đau khổ, suốt ngày ủ rũ, không thèm ăn uống gì! Vị đại gia đã sai người đem về cho nó tới ba “người tình” chó mà nó không thèm ngó ngàng gì cả!
Sau hai ngày như thế, vị đại gia rất lo lắng vì tình hình xem ra có chiều hướng xấu. Gần tới lúc tuyệt vọng thì vị đại gia bỗng nhớ ra trong Câu Lạc bộ Doanh nhanh  VIP có ông Bác sĩ Thú y Chó Đá rất giỏi chữa bệnh cho chó. Vị đại gia liền tới ngay nhà Bác sĩ Thý y Chó Đá nhờ giúp. Song, Bác sĩ Thú y Chó Đá không có nhà, cho nên cô con gái nhận lời chữa trị thay người bố. Cô con gái lớn của Bác Sĩ Thú Y Chó Đá cũng là Bác Sĩ Thú Y, tuy mới hành nghề được hơn hai năm nhưng tay nghề không thua gì người bố. Khi vị đại gia đưa cô gái Bác Sĩ Thú y về nhà gặp con chó “thất tình”, con chó như là gặp lại “người tình” cũ, mừng rỡ  vô cùng, cứ xoắn xuýt lấy cô gái Bác Sĩ Thú y! Chỉ sau một ngày được chăm sóc đặc biêt, con chó của vị đại gia đã hoàn
toàn bình phục và sau hai ngày thì trên cả tuyệt vời! Cô gái Bác Sĩ Thú Y tính rút quân thì con chó cứ như là muốn dính chặt không rời. Tình cảm “vượt quá mức thông thường” của con chó với cô gái Bác Sĩ Thú Y khiến cho vị đại gia giật mình và nghĩ: “Cô gái này có sức quyến rũ thật là mãnh liệt. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ta đã bị chinh phục hoàn toàn, chỉ muốn “bái đường thành thân” với cô gái!… Chẳng lẽ con chó của ta nó cũng có suy nghĩ như ta? Chuyện gì cũng có thể xảy ra!…” Vị đại gia vừa nghĩ tới đó thì toát mồ hôi hột, liền mời cô gái vào phòng làm việc của mình để bàn cách chữa trị tiếp theo! Vừa ngồi xuống bộ sa-lon êm ái, vị đại gia đã bị vẻ đẹp quyến rũ của cô gái hút hồn và không tự chủ được (và các vị đại gia thường là thiếu tự chủ trong những tình huống như thế này), vị đại gia đã nhào tới đè lên người cô gái!
Đúng lúc đó, từ cửa sổ của căn phòng đẹp như cung điện, con chó cưng của vị đại gia lao vút vào như một mũi tên, nói chính xác thì lao vút vào như một quả tên lửa!…
*
Khi bốn người Bác Sĩ Thú Y Chó Đá tới hiện trường  thì không ai dám tin ở mắt mình: vị đại gia đang nằm lăn lộn trên sàn nhà, cổ bị hàm răng nhọn hoắt của con chó đớp trúng đang chảy máu…Còn cô gái Bác Sĩ Thú Y, con gái ông Bác Sĩ Thú Y Chó Đá đang bị con chó của vị đại gia đè dính xuống sàn nhà… Không kịp suy nghĩ, ông Bác Sĩ Thú Y Chó Đá rút phắt khẩu súng bắn thuốc mê nhắm đầu con chó bắn liền hai phát, trúng ngay gáy con chó!…
*
Một tuần sau vụ tai nạn thương tâm của cô gái Bác Sĩ Thú Y con gái của Bác Sĩ Thú Y Chó Đá, sáu anh em con ông Thôn lại tổ chức cuộc họp đại gia đình mở rộng, có tất cả các thành viên của cả sáu gia đình. Khi mọi người đã yên vị, lại là người vợ người anh cả nói trước: “Tôi tuy là con dâu nhưng nhà tôi, tính tới tôi có tới bốn đời hành nghề Y và ông cố của tôi vốn là sư phụ của ông nội nhà ta, vì thế những lời tôi nói đây là bài học xương máu truyền đời mà tôi có cảm giác như các cụ luôn luôn nhắc nhở tôi: Tính từ đời thứ tư của cụ quan Ngự Y, sẽ không có ai hành nghề chữa bệnh cho cả người và động vật nữa!”. Người vợ của người anh cả vừa dứt lời thì có tới một nửa số người có mặt rì rầm tỏ ý phản đối. Hai phút sau, một người trong số đó, tức người em út trong số sáu người con ông Thôn là Bác Sĩ Thú Y Trâu Vàng, nói: “Không chữa bệnh cho Người thì cha và ông đã nói rồi. Còn bây giờ Đại tẩu nói Thú vật, gia súc cũng không được hành nghề chữa bệnh thì chúng ta sống bằng gì nếu không làm nghề chữa bệnh?”. Đại Tẩu – tức người vợ người anh cả nói ngay, nhẹ nhàng mà nghe vang như tiếng chuông ngân: “Chúng ta sẽ chữa bệnh cho cây cối, cỏ hoa!”…
Sài Gòn, Tháng 5-2010
Đỗ Ngọc Thạch
———-
(*) Bái Công: Lưu Bang là người đất Bái nên gọi là Bái Công. Khi còn tranh hùng với Hạng Võ, lực lượng chưa đủ mạnh, mỗi lần thua trận đều chạy rất nhanh và rất thê thảm!
nguồn: YkhoaNet.Vn


Bác sĩ pháp y

Tháng 5 21, 2010 | Viết bình luận
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc Thạch gửi đăng YKhoaNet.Vn
Lê Văn Pháp tuổi con rắn, có tên là Pháp do bố Pháp làm công việc có liên quan đến luật pháp nên lấy chữ Pháp đặt tên cho con. Nhưng, những người cùng làng với Pháp thì biết rõ gốc tích của chữ Pháp: trong một trận càn hồi kháng chiến chống Pháp, mẹ Pháp bị lính Pháp cưỡng hiếp nên đẻ ra Pháp, chứ lúc đó bố Pháp đang làm việc ở tận chiến khu, đâu có ở nhà mà làm cho mẹ Pháp có bầu! Khi bố Pháp về nhà, thấy vợ có bầu đã năm tháng, lúc đầu cũng tức giận nhưng sau lại nghĩ, mình sẽ được làm bố một thằng Pháp con, như thế chẳng phải là đã gỡ được thể diện khi trước, mỗi lần đi công tác, thấy quân Pháp là chạy giống Bái Công hay sao? Bây giờ thằng Pháp con đã được năm tháng, ta cho nó “ăn dùi cui” ngày ngày, sau này nó lớn lên, bắt nó hầu hạ như nô lệ, thích đánh lúc nào thì đánh! Song, dự định đó của người bố chỉ thực hiện khi Pháp lên hai tuổi, vì sau đó thì bố Pháp nhận nhiệm vụ đặc biệt, đi cùng với những người di cư vào Nam rồi hy sinh vào thời kỳ Ngô Đình Diệm thực hiện Luật 59, lê máy chém đi khắp nơi!…
Cái chữ Pháp kia còn vận vào số phận của Lê Văn Pháp cho tới khi Pháp hành nghề. Theo nguyện vọng của bà ngoại và ông ngoại Pháp, người ta cho Pháp học nghề Y, tức trị bệnh cứu người. Nhưng đến lúc ra trường, cái nghề Bác sĩ Thần kinh của Pháp rất khó bố trí công tác ngoài việc về làm ở mấy Nhà thương Điên, mà Pháp thì không thích về đó. Đang lưỡng lự thì người cậu của Pháp, đang làm việc ở bộ phận Pháp Y, công việc ngập đầu liền nhờ Pháp tới giúp vài buổi trong khi chờ nhận công tác. Ai ngờ, chỉ sau một tuần làm việc, Pháp tỏ ra có năng khiếu đặc biệt trong việc xác định nguyên nhân cái chết của các nạn nhân, tức nhiệm vụ khám nghiệm tử thi của bác sĩ pháp y. Thế là người cậu Pháp năn nỉ Pháp vào bộ phận Pháp Y làm việc. Pháp không thể từ chối vì đã phải lòng một cô thư ký Tòa án rất xinh đẹp, do người cậu Pháp cố tình giới thiệu, thực ra là để buộc chân Pháp ở bộ phận Pháp Y này! Thế là Pháp trở thành Bác sĩ Pháp Y!


Về mặt pháp lý, Pháp là con liệt sỹ, được nuôi ăn học đầy đủ, rồi cho đi học nước ngoài. Nhưng có đến ba lần, Pháp suýt bị trả về nhà vì có người cho rằng, Pháp đích thị là con lai của một người lính Pháp nào đó, chẳng lẽ con của kẻ thù lại được ưu tiên, ưu đãi như thế? Nhưng từ giấy khai sinh cho đến lý lịch thì đều là con liệt sỹ, mà lại là liệt sỹ đặc biệt, tức người làm nhiệm vụ đặc biệt bị hy sinh, vợ con họ không thể bị thiệt thòi. Song, rồi người ta cũng quên dần chuyện Pháp là con lai đi vì càng lớn lên, Pháp càng giống mẹ, chỉ còn giống người bố lính Pháp kia ở cái màu tóc hoe vàng mà thôi. Chuyện này cũng dễ giải thích vì có thể nói rằng, rất nhiều trẻ em của người Việt, từ bé do dầm mưa giãi nắng nhiều mà tóc bị cháy xém!
Tổ Pháp Y mà Lê Văn Pháp tới làm việc thực ra chỉ có ba người, gồm hai vợ chồng người cậu và nay thêm Pháp là Ba! Người cậu nói với Pháp: “Ngành Pháp Y nói chung của ta rất mới (*), Tổ Pháp Y của chúng ta lại càng mới. Song, chính vì thế mà chúng ta có rất nhiều cơ hội để khám
phá, sáng tạo, lập nhiều chiến công, kỳ tích! Cậu hy vọng vào khả năng đặc biệt của cháu!”. Và quả nhiên, người cậu của Lê Văn Pháp đã không nhầm khi Pháp liên tục lập công!
*
Chiến công đầu tiên là vụ án xác chết không đầu. Thực ra, vụ án xác chết không đầu là của một quận ở một thành phố lớn. Song, khi đọc thông tin trên báo chí, vừa nhìn tấm hình chụp cái xác phụ nữ không đầu, không có quần áo, nằm trên sân thượng một chung cư cao tầng ở thành phố, Pháp nhắm mắt lại thì cái xác không đầu ấy vụt đứng dậy và chỉ trong phút chốc, cái xác ấy hóa thành một thân hình phụ nữ tuyệt đẹp như người mẫu! Rồi cái thân hình như người mẫu ấy nhẹ nhàng bước đi, uyển chuyển, sành điệu như các người mẫu thường bước đi trên sàn Catwalk        khi biểu diễn thời trang! Chút xíu nữa thì Pháp ngất xỉu khi nhìn cái thân hình người mẫu không đầu và không một mảnh vải ấy cứ đi tới đi lui, đúng lúc Pháp trố mắt, dựng tóc gáy, nổi da gà, há hốc mồm kinh hoàng thì một cái đầu từ từ mọc lên! Điều đặc biệt là cái đầu ướt sũng, tóc lòa xòa che gần kín khuôn mặt! Pháp dụi mắt và mở mắt ra nhìn lại thì tất cả biến mất!
Pháp nói ngay chuyện đó với ông Cậu. Ông Cậu suy nghĩ một lát rồi nói: “Cháu quả là người có khả năng ngoại cảm rất đặc biệt. Chúng ta có thể giải mã những hình ảnh mà cháu đã nhìn thấy như sau: nạn nhân là người của tỉnh ta, và nhất định là cháu đã có tiếp xúc. Có thể đặt giả thiết rằng, cô gái nạn nhân bị người sống ở trong chung cư đó lừa tình (hoặc tiền) nên đã đến gặp người đó và đã bị sát hại trên sân thượng chung cư vào lúc đêm tối. Sau khi giết cô gái, thủ phạm đã cắt đầu cô gái đem đi phi tang. Phi tang ở đâu tốt nhất? Chính là ném xuống sông. Và thủ phạm đã đem đầu cô gái ra cầu và ném xuống sông. Song, việc làm của thủ phạm đã bị một người lúc đó có mặt ở trên cầu phát hiện, liền tấn công người này nhằm “diệt khẩu”. Người này chỉ có thể là một người mổ lợn lậu, nên sẵn có dao trong tay, đã nhanh tay chặt bay đầu thủ phạm rồi ném tất cả xuống sông! Vì thế, cái đầu ướt sũng mà cháu nhìn thấy mọc lên trên thân hình cô gái chính là đầu của cô ta. Và còn một cái xác không đầu và một cái đầu của thủ phạm nữa bị trôi dạt vào đâu đó? Điều đó giải thích tại sao cái xác cô gái trên sân thượng khi bị phân hủy, bốc mùi thối mới bị phát hiện! Tức thủ phạm không thể quay về sân thượng trên chung cư để giải quyết nốt cái xác!”. Pháp nghe ông Cậu nói vậy thì gật gù tán đồng rồi nói: “Đợi khi hai cái đầu và một cái xác không đầu kia được phát hiện, chúng ta sẽ đến xem lại cái xác không đầu trên sân thượng ở chung cư xem sao!”.
Quả nhiên, chỉ một ngày sau, thông tin nội bộ cho biết ở bờ sông tỉnh N đã phát hiện một cái xác nam không đầu và ở một bờ sông tỉnh K đã phát hiện một cái đầu nữ và một bờ sông tỉnh M đã phát hiện một cái đầu nam. Khi nhận được thông tin trên, hai cậu cháu Lê Văn Pháp liền gọi điện báo cho CA tỉnh K đem cái đầu nữ tới công an quận có cái xác nữ trên sân thượng thì khi ráp lại rất chính xác, người ta đã có một xác chết nữ hoàn chỉnh! Cũng vậy, khi công an tỉnh N đem cái xác nam ghép với cái đầu nam ở CA tỉnh M thì người ta cũng có được một xác chết hoàn chỉnh! Chỉ sau hai ngày, vụ án xác chết không đầu trên sân thượng đã thành vụ án hai xác chết không đầu và hai cái đầu trôi sông và có thể coi như vụ án đã được “phá” ở giai đoạn một. Giai đoạn hai là tìm ra hung thủ đã chém bay đầu của thủ phạm của vụ án ở giai đoạn một. Song, việc truy tìm hung thủ ở trên cầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và người ta đã tách ra thành hai vụ án: vụ án giết người tình (tức vụ án xác chết không đầu trên sân thượng) coi như đã phá án thành công với tốc độ nhanh chưa từng thấy! Còn vụ án “Kỳ án trên cầu” thì đành phải treo lại vì cho đến khi kết thúc vụ án “Xác chết không đầu trên sân thượng”, người ta vẫn chưa thống nhất được nên
giao vụ án này cho ai thụ lý và thực ra thì tình tiết của vụ án coi như vẫn chưa có đầu mối gì vì chẳng ai chịu nghe cậu cháu Lê Văn Pháp nói thủ phạm là một người giết heo lậu cả, suy luận của cậu cháu Lê Văn Pháp hoàn toàn không dựa trên bằng chứng xác thực mà chỉ là hư cấu kiểu mấy ông nhà văn nên ai mà tin được! Tuy nhiên, khi bình công cho công việc phá án của vụ án “Xác chết không đầu trên sân thượng”, người ta không thể không ghi công đầu cho cậu cháu Lê Văn Pháp! Có người còn gợi ý, cậu cháu Pháp nên nhận phá án tiếp vụ “Kỳ án trên cầu”, nhưng người cậu Lê Văn Pháp nói, chúng tôi chỉ làm việc trên xác chết, còn tên hung thủ kia chắc đã cao chạy xa bay rồi làm sao mà mò ra được!
*
Chiến công thứ hai mà bác sĩ Pháp Y Lê Văn Pháp lập được là một vụ án mà bất kỳ một nhà điều tra tài ba nào, khi nhìn vào hiện vật duy nhất của vụ án đều lắc đầu lè lưỡi: Đó là một cái bao ni-lon lớn mà bên trong là một mớ thịt người đã bị chặt nát ra thành trăm mảnh!
Cái bao ni-lon đựng thịt người đã bị chặt nát ra thành trăm mảnh đó người ta phát hiện ra trên một bãi sông ở một tỉnh ven biển. Có nghĩa là cái bao ni-lon thịt người này không có xuất xứ và cũng không có dấu vết. Đó là trở ngại lớn cho công tác điều tra. Đội Trọng án của Tỉnh S, nơi phát hiện ra cái bao ni-lon thịt người bị chặt nát đã đành bó tay sau hai ngày quan sát kỹ từng miếng thịt và đặt ra hàng chục giả thiết. Cuối cùng thì vụ án đành treo lại!
Trước khi đem cái bao thịt người bị chặt nát kia đi chôn, người phụ trách Pháp Y của đội Trọng án tỉnh S, vốn cùng học một lớp với Lê Văn Pháp ở trường Y, bỗng nhớ đến Lê Văn Pháp với chiến công phá án vụ án “Xác chết không đầu trên sân thượng” liền gọi điện cho người bạn học cũ để hỏi lần cuối. Nhận được điện thoại của bạn học cũ, Lê Văn Pháp tới ngay. Hàn huyên xong, Pháp nói: “Cậu có nhớ hồi còn sinh viên, chúng ta hay chơi trò chơi ghép hình không?”. Người bạn nói: “Nhớ chứ! Ý cậu muốn nói hãy ghép những miếng thịt rời kia thành hình người chứ gì? Nhưng khi chơi ghép hình, chúng ta có hình mẫu và mỗi miếng ghép đều có màu sắc khác nhau ứng với màu trên hình mẫu. Còn nữa, giữa các miếng ghép lại có bên lồi ra, bên lõm vào thì mới có thể khít với nhau được! Còn các miếng thịt, miếng xương ở đây…”. Pháp ngắt lời: “Dẫu sao thì chúng ta cũng phân biệt được các bộ phận chính của cơ thể người. Trước hết hãy sắp xếp sơ bộ một lần xem sao? Biết đâu trong quá trình làm việc sẽ nảy sinh ý mới?”.
Sau một ngày làm việc “ghép hình” miệt mài, Pháp và người bạn đã có một phát hiện quan trọng: đây là xác một cơ thể nam giới và bộ phận sinh dục đã bị mất! Buổi tối, Pháp và người bạn trằn trọc mãi không ngủ được. Pháp nói: “Nhất định đây là một vụ án giết người tình mà thủ phạm là bên nữ! Có thể đặt giả thiết như sau: Người nữ, khi phát hiện ra mình bị phản bội thì đã hẹn người nam tới nhà và sau đó đã cắt “hạ bộ” của người nam để trừng phạt. Song, vết thương đã chảy máu quá nhiều, quá nhanh khiến người nam tử vong! Để phi tang xác chết, người nữ đã chặt xác người nam ra thành nhiều mảnh, do quá căm thù người tình mà đã chặt nát thành trăm mảnh, rồi cho vào bao ni-lon đem quăng xuống sông. Nước sông đang mùa lũ nên đã đưa cái bao đi rất xa, gần tới biển! Bộ phân sinh dục của người nam chắc chắn người tình nữ còn giữ hoặc đã chôn ở đâu đó?”. Người bạn nghe Pháp nói vậy thì tán đồng ngay. Hai người vì quá mệt mỏi mà cùng ngủ gục trong phòng làm việc của bộ phận Pháp Y, tức ngủ gần mấy cái xác chết nữa trong tủ đông lạnh!
Khi vừa chợp mắt, Lê Văn Pháp đã gặp trong mơ những hình ảnh sau: Người nữ, là một cô gái gần ba mươi tuổi, không đẹp nhưng cơ thể khỏe mạnh, dáng người nhanh nhẹn. Người nam, là một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi, có thân hình cao lớn, trắng trẻo, có thể nói là khá đẹp trai. Người nữ đang ngồi đạp máy may, chốc chốc lại ngó ra cửa, vẻ chờ đợi sốt ruột. Đồng hồ trên tường chỉ 9 giờ. Người nam đẩy cửa bước vào, không nói gì, nằm vật xuống giường. Người nữ bỏ máy may, đến ngồi cạnh, hỏi: “Em nhắn 8 giờ tới sao bây giờ mới tới?”. Người nam ngồi dậy, ôm lấy người nữ, nhưng người nữ đẩy ra. Người nam lại nằm xuống giường, nói: “Thì muộn một chút có sao đâu! Em hẹn tới có chuyện gì, nói lẹ đi. Dạo này anh bận ôn thi không về với em thường xuyên được đâu!” – “Thôi được, hôm nay em muốn hỏi anh một câu thôi: anh nói sắp ra trường thì ta làm đám cưới. Vậy bây giờ cưới là được chưa?” – “Cưới! Cưới? Lúc nào em cũng nói cưới. Ra trường thì cưới cũng có sao đâu. Chúng ta đã sống với nhau như vợ chồng bốn năm nay rồi, thế có khác gì cưới?” – “Khác chứ! Bốn năm nay em làm ngày làm đêm nuôi anh ăn học mà chưa được làm vợ danh chính ngôn thuận. Bây giờ em cần cưới để thiên hạ biết chúng ta là vợ chồng, bõ công em vất vả nuôi anh ăn học bốn năm nay!” – “Thì ra em muốn anh cưới không phải vì chúng ta yêu nhau mà chỉ vì cái danh chính ngôn thuận kia?” – “Thôi xin anh, anh đừng nói chữ yêu nữa! Anh nói chữ yêu nhiều mà anh không lo vun đắp cho cái gia đình bé nhỏ của chúng ta. Anh có biết là từ khi anh nói vào ở nội trú để lo ôn thi là coi như anh đã phá bỏ lời nguyện ước của chúng ta hay không?” – “Phá bỏ hồi nào? Em lại nghi ngờ, ghen tuông vớ vẩn rồi! Anh không bao giờ phản bội em!” – “Tôi không nghi ngờ, ghen tuông vớ vẩn mà có bằng chứng rõ ràng rằng anh đã ăn nằm với con bé Ly cùng lớp, lại còn lấy tiền của tôi cho nó tiêu xài!” – “Em đừng có nghe ai đó nói bậy, tôi không bao giờ ăn nằm với ai ngoài em ra!” – “Anh có dám thề không? Anh thề đi: nếu tôi phản bội người yêu tôi đã nuôi tôi ăn học bốn năm nay thì tôi sẽ bị xé xác phanh thây, bị chặt ra thành trăm mảnh!” – “Làm gì mà dữ thế? Anh lúc nào cũng yêu em mà, nào chúng ta yêu nhau say đắm đi để chứng tỏ lòng thành của anh!” – “Anh phải thề đi đã! Nếu anh không dám thề, từ giờ tôi sẽ không cho anh đụng vào người tôi nữa!” – “Thề thì thề! Nhưng làm gì mà đến nỗi bị chặt thành trăm mảnh!”. Người nam đọc lời thề rất nhanh rồi ôm chầm lấy người nữ, vật người nữ xuống giường. Nhưng người nữ đã lật người lại, đè người nam rồi bóp mạnh “hạ bộ” của người nam, khiến người nam ngất xỉu! Người nữ liền lấy con dao nhỏ để trên bàn máy may, cắt xoẹt một cái, nguyên cái “của quý” của người nam đã đứt lìa! Người Nam rú lên khiếp đảm!…
Lê Văn Pháp bừng tỉnh, liền đánh thức người bạn rồi kể lại giấc mơ. Người bạn nói: “Chà! Giấc mơ của cậu gần khớp với giả thiết mà chúng ta đã nêu ra! Không còn nghi ngờ gì nữa!”. Pháp ngẩn ngơ một lát rồi nói: “Như thế là chúng ta phải đi tìm một “Tần Hương Liên”(**) mà không có địa chỉ gì cả!?”…
Việc xác định hình hài của nạn nhân và những tình tiết gây án có được nhờ khả năng ngoại cảm của Lê Văn Pháp đã giúp đội trọng án tìm ra được đích danh nạn nhân: một sinh viên năm cuối của một trường Đại học ở tỉnh T đã mất tích trước thời điểm tìm thấy cái bao ni-lon thịt người bị chặt vụn chỉ năm ngày. Song, cả lớp học của người sinh viên này không ai biết chuyện anh ta đã có người yêu và được người yêu nuôi ăn học bốn năm nay. Về gia đình của anh ta ở một huyện miền núi xa xôi, tất cả người nhà cũng không ai biết chuyện anh ta có người yêu! Những điều tra viên của đội trọng án bắt đầu nghi ngờ sự phán đoán bằng “ngoại cảm” của Lê Văn Pháp? Có người còn nói, có thể anh ta bị một quán rượu giết để làm món nhậu nhưng vì khi chở bao thịt đi qua sông thì bị nước lũ cuốn đi! Bằng chứng không thể tùy tiện, vì thế, vụ án bị treo lại…và đương nhiên, công tìm ra danh tính của bao thịt vụn chỉ được tính là một phần nhỏ của vụ án!
*
Mười năm sau, tổ Pháp Y của cậu cháu Lê Văn Pháp đã phát triển và lập được khá nhiều công trạng nhờ khả năng biết làm cho những xác chết biết nói. Tuy nhiên, khi được một tờ báo phỏng vấn về “bí quyết nhà nghề”, Lê Văn Pháp đã nói một câu khiến nhiều bác sĩ Pháp y đồng nghiệp phải giật mình: “Không thể bắt tất cả các xác chết nói ra sự thật, bởi có người chết nhưng chưa kịp nói, nhưng cũng có người muốn đem theo bí mật xuống mồ! Nếu ta cố chấp, sẽ bị những hồn ma ấy quấy nhiễu hoài!”. Có phóng viên còn tò mò cứ gặng hỏi tại sao không tiếp tục làm rõ vụ án xác chết bị chặt vụn thành trăm mảnh, Lê Văn Pháp nói nhỏ với phóng viên này: “Mỗi chúng ta nên giữ kín vài bí mật nghề nghiệp thì mới còn có giá trị. Tôi nói cho anh chuyện này, nếu đăng báo để câu khách thì khoan đã: Hôm qua, có một thiếu phụ mới hơn bốn mươi tuổi mà tóc đã bạc trắng, đến đưa cho tôi một cái hộp kính, ngoài bọc vải nhựa giả da, nhìn như một cái quan tài, nói: “Đây là bộ phận còn thiếu của cái xác đã bị chặt làm trăm mảnh mà các ông đã biết. Nay tôi đến nhờ ông chôn vào cùng với bao thịt vụn kia cho anh ta được toàn vẹn thân thể!”. Nhìn vào mặt người thiếu phụ mà tôi có cảm giác như là nhìn vào xác chết, và khi tôi tĩnh tâm lại thì không thấy ai cả, chỉ như là một giấc mộng!”.

Sài Gòn, tháng 5-2010
Đỗ Ngọc Thạch
———-
(*) Từ những năm 1960 lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội đã có ý tưởng thành lập Bộ môn Y pháp nên đã giữ lại một số sinh viên tốt nghiệp bác sỹ loại khá giỏi làm cán bộ giảng dạy nòng cốt cho bộ môn nhưng không thành. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, do công tác điều tra, xét xử phạm vi cả nước đòi hỏi rất lớn, công tác giám định Y pháp phải đáp ứng, nên ngày 24/2/1977, Tổ Y Pháp được thành lập, nằm trong bộ môn Giải phẫu bệnh.
Tổ Y PHÁP được thành lập mở đầu giai đoạn cho việc giảng dạy môn học Y pháp với chương trình gồm 50 tiết lý thuyết và 32 tiết thực tập, giảng vào học kỳ II năm VI. Sáu năm sau, ngày 19/5/1983, thành lập Bộ môn Y Pháp.
Đến ngày 2/8/1983, Bộ môn Y pháp được tách từ Bộ môn Giải phẫu bệnh là đơn vị trực thuộc Ban Giám hiệu. Biên chế của Bộ môn Y pháp gồm có 6 cán bộ chuyển từ Bộ môn Giải phẫu bệnh.
(**) Tần Hương Liên: một nhận vật dã sử Trung Hoa, nuôi chồng là Trần Sỹ Mỹ ăn học đỗ Trạng nguyên nhưng rồi Trần Sỹ Mỹ đã phản bội Tần Hương Liên.
Bác sĩ pháp y

Bài viết cùng chủ đề

Đọc lại đoạn bị lẹm chữ:
Cái chữ Pháp kia còn vận vào số phận của Lê Văn Pháp cho tới khi Pháp hành nghề. Theo nguyện vọng của bà ngoại và ông ngoại Pháp, người ta cho Pháp học nghề Y, tức trị bệnh cứu người. Nhưng đến lúc ra trường, cái nghề Bác sĩ Thần kinh của Pháp rất khó bố trí công tác ngoài việc về làm ở mấy Nhà thương Điên, mà Pháp thì không thích về đó. Đang lưỡng lự thì người cậu của Pháp, đang làm việc ở bộ phận Pháp Y, công việc ngập đầu liền nhờ Pháp tới giúp vài buổi trong khi chờ nhận công tác. Ai ngờ, chỉ sau một tuần làm việc, Pháp tỏ ra có năng khiếu đặc biệt trong việc xác định nguyên nhân cái chết của các nạn nhân, tức nhiệm vụ khám nghiệm tử thi của bác sĩ pháp y. Thế là người cậu Pháp năn nỉ Pháp vào bộ phận Pháp Y làm việc. Pháp không thể từ chối vì đã phải lòng một cô thư ký Tòa án rất xinh đẹp, do người cậu Pháp cố tình giới thiệu, thực ra là để buộc chân Pháp ở bộ phận Pháp Y này! Thế là Pháp trở thành Bác sĩ Pháp Y!

Bác sĩ đồng quê

Tháng 5 29, 2010 | Viết bình luận
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc Thạch gửi đăng YKhoaNet.Vn
1.
Thời chiến tranh chống Mỹ, các đơn vị của bộ đội Ra-đa được biên chế thành một Đại đội độc lâp, trực thuộc Trung đoàn, chứ không có cấp Tiểu đoàn như ở bộ binh…Mỗi Đại đội chỉ có một Y tá lo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của bộ đội. Các Đại đội Ra-đa luôn phải cơ động, đóng quân nay đây mai đó, thường là xa nơi thị trấn, thị xã hoặc thành phố, tức nơi có Bệnh viện. Vì thế, nếu như Đại đội có bệnh nặng hoặc bị thương vong (do địa điểm đóng quân bị không kích – ném bom) thì quả là không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra với một Y tá Đại đội!
Tôi đem ý nghĩ “Nếu như…” đó hỏi Y tá Đại Đội, tên là Lê Đu, thì Đu nói: “Cậu cứ lo bò trắng răng! Từ hồi tớ về Đại đội làm Y tá đến nay làm gì có chuyện gì to tát như cậu nói. Thỉnh thoảng mới có người nhức đầu chóng mặt hoặc đau bụng đi ngoài té re! Cứ yên tâm đi! Trời sinh voi Trời sinh cỏ, nghĩ làm gì cho chóng già!”. Biết nói gì nữa ngoài việc cầu Bồ Tát phù hộ cho đừng có chuyện “chết người” xảy ra!
2.
Tôi và Lê Đu mau chóng thân nhau vì hai lý do: Tôi thuộc Trung đội Trắc thủ Ra-đa nhưng thường được cử xuống nhà bếp phụ giúp Tiểu đội Anh nuôi (vì Tiểu đội Anh nuôi thường xuyên thiếu người, có tới một nửa số người trong Tiểu đội Anh nuôi không thích làm Anh nuôi và thường bộc lộ sự bất mãn ấy bằng hình thức “nằm ỳ cải tiến” – tức giả bị bệnh, suốt ngày nằm trùm chăn, không ăn cũng không làm gì!). Y tá Lê Đu được bố trí ở chung với Quản lý Đại đội, tức người phụ trách nhà bếp Đại đội. Mỗi lần tôi được cử xuống giúp Nhà bếp thường ngồi uống trà với Quản lý và Lê Đu. Sau  khi biết tôi là con Bác sĩ và rất rành chuyện thuốc men, bệnh tật thì Lê Đu tỏ ra rất thân thiết với tôi, thường nhờ tôi ghi chép sổ sách xuất – nhập thuốc và phân loại, dán nhãn cho các loại thuốc của tủ thuốc Đại đội…
Lê Đu là con nhà nông, trình độ văn hóa mới tới cấp hai Trung học Phổ thông. Cái “bằng Y tá” của Lê Đu chỉ là lớp học cấp tốc ba tháng (chính quy là 9 tháng), cho nên có thể nói những người làm công tác nhân sự (ở quân đội gọi là cán bộ Quân lực, dân sự thì gọi là cán bộ Tổ chức) đã rất mạo hiểm khi giao tính mạng cả một Đại đội cho một Y tá như Lê Đu! Song, nhờ Trời, trong suốt thời gian Lê Đu “hành nghề” Y tá ở Đại đội không xảy ra sự cố nào chết người. Trái lại, bằng vào sự trợ giúp của Thần May mắn, Lê Đu đã lập được một số kỳ tích khiến nhiều người thành tâm tôn sùng Lê Đu như là Thần Y!
Làng Bát Tiên, nơi Đại đội chúng tôi đóng quân là một vùng non xanh nước biếc cho nên người xưa đã sáng tác ra câu chuyện suối Bát Tiên: con suối ở đây, chỗ lòng suối rộng và sâu, xung quanh có tám tảng đá cuội lớn nhẵn bóng, là nơi thường có tám Nàng Tiên tới tắm, vì thế cô gái nào muốn đẹp như Tiên thì hãy ra tắm. Quả thật con gái Làng này có vẻ nhiều người đẹp hơn các Làng lân cận, vì thế Làng có tên gọi là Bát Tiên. Cô gái tên Nụ cũng thường ra tắm ở suối Bát Tiên. Nụ đang ở tuổi trăng rằm nên đẹp lên từng ngày, có lẽ một phần cũng nhờ tắm suối Bát Tiên. Song, Nụ bỗng có sự thay đổi kỳ lạ: cái bụng cứ lớn dần lên như người có thai! Nụ không hiểu tại sao lại như thế nhưng tất cả mọi người – cả Làng – không ai tin Nụ, cứ khẳng định là Nụ đã “quan hệ” với ai và bắt phải khai ra kẻ nào là chủ nhân của cái “hoang thai” kia? Nhưng Nụ nào biết khai ra ai bây giờ vì thực sự Nụ không hề “quan hệ” với bất cứ ai! Các vị bô lão chức sắc trong Làng cho là Nụ ngoan cố nên quyết định xử phạt Nụ như tục lệ vốn có từ xa xưa của Làng: cho cô gái chửa hoang vào cái rọ lợn thả xuống sông để nhờ Hà Bá rửa sạch sự ô uế!
Y tá Lê Đu thường la cà trong Làng Bát Tiên nên biết chuyện của Nụ ngay từ khi Nụ bị nhốt trong trụ sở của Ủy Ban Xã bắt viết bản tự thú, khai ra ai là chủ nhân của cái hoang thai! Khi gặp tôi, Lê Đu nói: “Cái cô Nụ đó bị nhốt đã hai ngày rồi! Chúng ta phải nghĩ cách cứu người đẹp vì tớ tin là cô gái bị oan!”. Tôi bảo : “Đó là việc nên làm!… Tôi nhớ ra cái cô Nụ đó rồi! Đó là con gái út của ông Phó Chủ tịch xã! Cô ta rất nhiệt tình vận động gia đình cho chúng ta năm cây tre để làm lán trại! Cô ta có khuôn mặt rất trong sáng, đôi mắt rất hiền và nụ cười rất duyên! Đúng không?”. Lê Đu hối thúc: “Thôi, thôi, không phải làm văn tả người đẹp nữa mà là nghĩ cách cứu người! Nghĩ cách đi!”. “Thì tôi đang nghĩ đấy chứ!…Nếu như cả hai chúng ta cùng khẳng định cô Nụ bị oan thì tôi nghĩ ra thủ phạm là ai rồi!” – nói rồi tôi kéo Lê Đu ra suối Bát Tiên, chỗ lòng suối rộng có tám tảng đá huyền thoại kia! Nước suối quả là trong vắt, nhìn rõ từng viên đá cuội dưới lòng suối và vài con cá lòng đong, cá cờ tung tăng bơi lặn! Nhưng khi Lê Đu thò tay xuống khỏa nước thì không biết từ đâu, xuất hiện một đàn đỉa bơi theo kiểu uốn éo nhưng rất nhanh ra chỗ bàn tay của Lê Đu. Lê Đu vội rụt tay lại, nói  bâng quơ: “Sao mà nhiều đỉa thế?”. Tôi liền nói: “Đó chính là chủ nhân của cái hoang thai trong bụng cô Nụ đó!”. Lê Đu tròn mắt nhìn tôi: “Đừng có nói Trạng kiểu ấy! Cậu muốn nói là cô Nụ đã yêu anh chàng đội lốt Đỉa à?” – “Không phải người đội lốt đỉa mà là chính con đỉa đã chui vào bụng cô Nụ! Nó hút máu cô Nụ no nê tới mức căng phồng như quả bóng và làm cho bụng cô Nụ căng phồng lên như là có thai!” – “Không thể nào!…Tại sao cậu lại có ý nghĩ  kỳ quặc như thế: cái hoang thai thực ra là một con đỉa đã hút máu no căng?!”- “Chuyện này tôi đã gặp. Hồi bố tôi chuyển từ Quân Y sang Dân Y, có mở phòng Mạch một thời gian và đã xử lý khá nhiều ca bị đỉa chui vào tai, vào mũi, vào âm hộ và cả vào dương vật nữa!” – “Cậu không nói phét chứ?!” – “Tôi nói phét làm gì? Hồi đó, tôi và mẹ tôi làm phụ mổ cho bố tôi nên tôi không bao giờ quên những ca hiểm hóc như thế! Tôi còn nhớ có một bé gái chơi hạt cườm, bị một hạt chui vào tai, đến lúc hạt cườm nhú mầm mới biết! Nhưng cả cha mẹ cô bé đều nghe lời ông thầy bói cho đó là điềm lạ, Thần Cây mượn tai cô bé trú ngụ nên cứ để yên, sẽ có lộc lớn!…Đến khi lá cây cườm thò ra ngoài, gây đau nhức, cô bé không chịu nổi mới đến phòng mạch của bố tôi nhờ xử lý!…” – “Thôi, tôi tin rồi! Nhưng bây giờ làm sao mà nói để người ta tin và xử lý ra sao?” – “Tôi có người anh con ông bác, là Bác sĩ, Đội trưởng một Đội điều trị dã chiến hiện đang đóng trại ở cách chỗ chúng ta chỉ hơn ba kilômét. Ông tới đó nhờ ông anh tôi tới giúp, tất sẽ xong hết mọi chuyện!”.
Sau khi vụ hoang thai của cô gái tên Nụ được đưa ra ánh sáng, Y tá Lê Đu được Làng Bát Tiên mời tới nói chuyện Y học thường thức liên tục và lần nào cũng đón tiếp, đãi tiệc rất thịnh soạn, ai cũng gọi Lê Đu là Thần Y Hoa Đà tái sinh. Có mấy nhà muốn gả con gái cho Lê Đu nhưng Thần Y chưa quyết đám nào vì Lê Đu còn phải chờ đi học lên Bác sĩ, đến lúc có Bằng Bác sĩ  thì “Võng anh đi trước võng Nàng theo sau” cũng chưa muộn!…Tôi cũng rất ủng hộ việc Y tá Lê Đu đi học Bác sĩ vì nghĩ rất giản dị: Với khả năng của anh ta, khi có sự cố lớn tất sẽ xảy ra tử vong! Kiểu người như Lê Đu, chỉ thích hợp với việc làm chỗ đông người, còn có thể dựa dẫm vào anh em đồng nghiệp. Còn hành nghề độc lập như thế này, biết dựa vào ai? Thần May mắn chỉ cho dựa hai ba lần mà thôi!
3.
Một hôm, Lê Đu rủ tôi vào một nhà quen ở trong Làng, mời uống rượu, đồ nhắm rất thịnh soạn. Uống tới chén thứ ba Lê Đu mới nói: “Tớ với cậu không họ hàng thân thích, quê cũng mỗi đứa mỗi nơi, vậy mà đã gặp nhau ở đây, thân thiết với nhau bao lâu nay, thì đó phải là duyên kỳ ngộ! Chúng ta có duyên kỳ ngộ! … Vì thế, hôm nay tớ không ngại nói thật lòng: có thương thì thương cho chót, có yêu thì yêu hết lòng! Việc đi học Bác sĩ của tớ chỉ thiếu cái bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, trong khi đó cậu lại chẳng dùng đến nó làm gì!…”. Nghe Lê Đu nói đến đây, tôi hiểu ngay Lê Đu muốn gì vì thực ra, trước Lê Đu, đã có hai người xin tôi cái bằng Tốt nghiệp Trung học Phổ thông đó!…Không biết ai đã nghĩ ra chuyện dùng bản sao để thay bằng thật? Chính việc cho dùng bản sao để thay bằng thật này đã khiến cho những kẻ gian lận có điều kiện gian lận!
4.
Người ta hay nói “Quả đất tròn” để chỉ việc gặp lại người quen cũ ngỡ như không thể gặp lại! Khi còn làm báo, một lần tôi đi viết bài cho công tác xóa đói giảm nghèo ở một xã vùng sâu, vùng xa thì Chủ tịch Xã nói: “Nói thật tình với nhà báo, về công tác xóa ðói giảm nghèo, xã tôi chưa làm được gì cho bà con. Có một số người từ đói nghèo vươn lên là do nỗ lực của chính họ từ khi có câu nói “Hãy tự cứu lấy mình!”. Bù vào đó, tôi muốn giới thiệu với nhà báo một điển hình bên Y tế, đó là người Y tá của Trạm Y tế Xã. Trạm Y tế Xã của tôi tuy nghèo về trang thiết bị nhưng hiệu quả chữa bệnh cứu người thì hơn hẳn mấy bệnh viện cấp Huyện, thậm chí có thể ngang ngửa với Bệnh viện Tỉnh! Vì thế, tôi muốn nhà báo viết bài làm sao để tỉnh và trung ương đầu tư nâng cấp lên thành một Bệnh viện lớn, quy mô hoành tráng! Vì tôi nghĩ việc xây dựng Bệnh viện là số Một vì khi ta có sức khỏe tốt thì có phải dời non lấp biển cũng làm được!”. Tôi vốn có tính cả nể nên đành tạm gác nhiệm vụ mà Tòa soạn giao cho về “cái vụ xóa đói giảm nghèo” mà đi theo ông Chủ tịch xã tới Trạm Y tế xã.
Trạm Y tế xã là một cái nhà ngói năm gian, trên một quả đồi thấp, được xây dựng từ thời chưa có nạn “rút ruột” các công trình xây dựng cho nên vẫn còn gần như nguyên dạng hình hài ban đầu, hình như được quét vôi thường xuyên hàng năm nên nhìn từ xa như mới. Xung quanh cái nhà ngói năm gian là những vườn hoa, vườn cây thuốc và có ba dãy nhà lá  bao bọc ở ba phía phải, trái và phía sau, làm nhà ở cho nhân viên Trạm Y tế. Ba dãy nhà ở này cũng cao ráo, sạch sẽ tạo nên một cảm giác thanh bình như khi bước vào một công viên lớn.
Khi Chủ tịch Xã dẫn tôi vào phòng làm việc của trạm trưởng Trạm Y tế xã, tôi vừa đọc xong cái bảng gỗ nhỏ đặt trên bàn có in sơn chữ “Bác sĩ Lê Đu” thì người mặc áo Blu trắng đang ngồi sau bàn đứng dậy, từ từ đi đến bên tôi rồi nhào tới ôm chặt lấy tôi mà nghẹn ngào không nói nên lời!…
Hàn huyên xong, Lê Đu – chính là Lê Đu, Y tá Đại đội của tôi thời chiến tranh -, mới nói: “Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ! Tớ và cậu quả là có duyên kỳ ngộ!…Chuyện giữa chúng ta đã qua từ lâu nhưng tớ luôn nhớ như vừa xảy ra! Quả là Thần May mắn đã nhập vào cậu nên tớ mới có cái bằng Bác sĩ đẹp như mơ! Và cũng chính vì chuyện đi học Bác sĩ này mà tớ đã có được một người vợ tuyệt vời! À, mà này, lại phải nói cái câu “Quả đất tròn” hoài vì người vợ tuyệt vời của tớ lại là người quen biết của cậu đó! Có muốn gặp lại bạn cũ không?”. Lê Đu vừa định dắt tôi đi thì một người phụ nữ mặc áo Blu trắng nhẹ nhàng bước vào! Nếu như không có những lời nói trước đó của Lê Đu có lẽ tôi đã chưa nhận ra ngay cô bạn học cùng với tôi hồi lớp Mười trường Trung học phổ thông: không còn là Minh Tâm, cô gái luôn buộc hai bím tóc ngắn quá vai, lúc đi, nhất là lúc chạy cứ đung đưa trước ngực khiến cho bao chàng trai ngơ ngẩn, mà đã là một người thầy thuốc điềm đạm, luôn có nụ cười phúc hậu và cái nhìn trìu mến! Lê Đu thấy tôi nhận ra Minh Tâm thì nói: “Thật là cuộc hội ngộ trên cả tuyệt vời! Hai người hàn huyên đi nhé, để tôi về nổi lửa thết đãi khách quý!”.
5.
- Đúng là ghét của nào Trời trao của ấy! Tôi ghét nhất nam nhi quân tử mà dốt thì lại lấy một người chồng đại dốt. Cho đến tận bây giờ, anh ta vẫn chưa thuộc hết tên các loại thuốc thông dụng và bệnh nào thì dùng thuốc nào?
- Thế thì tại sao anh ta lại qua được các “cửa ải” thi cử ở Đại học?
- Cái đó thì một nhà báo lăn lộn trường đời nhiều như cậu phải tự trả lời!
- Vậy thì cái gì đã khiến cậu làm vợ anh ta từ đó đến giờ?
- Cậu hỏi hay lắm! Người phụ nữ khi không tự nguyện thì không ai có thể cưỡng bức được! Vào năm cuối, cái ông thầy tên Ái Nữ ấy đã cưỡng bức tớ. Khi chống cự, tớ đã quá mạnh tay đập vỡ đầu ông ta, cho nên phải nhận cái án Ngộ sát! Lúc ấy, tớ chỉ muốn chết thì Lê Đu là người duy nhất vào tù nuôi tớ, an ủi tớ! Khi tớ ra tù, Lê Đu đã cho tớ được làm người Bác sĩ thực thụ bằng cách cho tớ vào làm việc ở
Trạm Y tế xã của anh ta, với chức danh hợp pháp là Y tá!
- Như thế người Y tá xã mà ông Chủ tịch xã muốn tớ viết bài chính là cậu?
- Đúng vậy! Có lẽ cậu sẽ khó viết vì cái bằng Bác sĩ mà Lê Đu đang sử dụng hợp pháp thực ra lại dùng để cho tớ hành nghề! Lê Đu không có năng lực chuyên môn nhưng có cái bằng BS hợp pháp, còn tớ thì lại không có cái bằng BS hợp pháp đó! Nếu viết công khai chuyện này ra thì Lê Đu sẽ bị thu lại bằng BS còn tớ thì chưa chắc lấy được cái bằng BS đó!
- Nếu vậy lại thất hứa với ông Chủ tịch Xã! Ông ta đã đón tiếp rất nhiệt tình!
- Chuyện đó khỏi lo, để tớ nói khéo hộ vì tớ là “ân công” của gia đình ông Chủ tịch, vợ và con ông ta đều được tớ kéo lại từ tay Tử thần!
- Thực ra thì lần đi xa này rất thành công, thu hoạch rất lớn! Tớ vừa được sống lại thời lính tráng với anh chàng Y tá Đại đội Lê Đu vừa được mơ màng trong màu hoa phượng với cô bạn học lớp Mười Minh Tâm!…
Chúng tôi còn muốn nói nhiều chuyện nhưng có điện thoại từ Tòa soạn gọi về. Lúc chia tay vợ chồng Lê Đu, Minh Tâm đưa cho tôi một cái phong bì và nói: “Cậu có thể coi đây như là một cái túi Cẩm nang. Khi nào cậu cảm thấy đau đớn ê chề, thất bại nặng nề, cô đơn tuyệt vọng tứ bề thì mở ra coi, cậu sẽ có cách giải thoát!”. Tôi cầm cái phong bì về, để trong một cuốn sách rồi quên luôn! Khoảng một năm sau thì nhận được điện thoại của Minh Tâm mời lên chơi ăn tân gia, mới xây nhà rất đẹp. Khi tôi lên tới nhà vợ chồng Lê Đu, Minh Tâm thì thấy nhà mới xây quả là rất đẹp, tôi có nằm mơ cũng khó mà có được! Một lát sau, Minh Tâm hỏi: “Cậu chắc là chưa mở cái phong bì Cẩm Nang chứ?”. Tôi nói ngay: “Chưa! Vì tớ đã đến cảnh ngộ đường cùng đâu!”.Minh Tâm cười hóm hỉnh: “Thế cậu không muốn đoán xem trong đó tớ viết gì à?” – “À! Cũng định bóc ngay ra xem sao nhưng sợ vi phạm luật chơi!” – “Luật cái con khỉ! Thế mà tớ cứ nghĩ là về tới nhà là cậu bóc ra xem ngay! Ai ngờ cậu đã không còn như ngày xưa nữa!” – “Đúng là tớ đã khác xưa nhiều!…Vậy cậu có thể nói cho tớ biết trong cái phong bì ấy viết gì không?” – “Trong cái phong bì ấy có tờ 100 đô và một tờ giấy chỉ viết có ba chữ…” . Minh Tâm chưa kịp nói ba chữ ấy là gì thì Lê Đu đã kêu vào nhà nhập tiệc. Lu bu với bữa tiệc Tân gia, Minh Tâm và tôi không có dịp nói chuyện với nhau nữa!
Khi về tới nhà, tôi lập tức đi tìm cái phong bì Cẩm nang nhưng tìm hoài không thấy! Tôi gọi điện thoại cho Minh Tâm để hỏi nhưng chỉ có câu “ngoài vùng phủ sóng” cứ lặp lại hoài!./.
Sài  Gòn, tháng  4, 2010
Đỗ  Ngọc Thạch
Bác sĩ đồng quê

Bài viết cùng chủ đề


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét