Chùm ba truyện ngắn về Ngày Tết
.
CÂU CHUYỆN TẤT NIÊN
Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH
Cuộc gặp gỡ Tất Niên chủ yếu là để “ôn cũ” – con người ta thường sống nhiều với ký ức - thường bao gồm những thành phần chính yếu sau: gia chủ (tức người đăng cai – chủ xị) và những bạn hữu thân thiết, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong ký ức bạn hữu! Ông Lê Trịnh Hữu Bằng quan niệm rất rõ ràng như vậy và năm nào ông cũng đăng cai cuộc gặp gỡ bạn hữu vào dịp Tất Niên! Số người trong cuộc gặp gỡ Tất Niên này ông ấn định là đúng số 12 con Giáp, nhưng thường xê xích chút ít và khi thiếu chưa đủ số 12 thì ông cho vợ con lấp vào cho đủ, còn khi “dôi ra” thì ông chuốc cho người “dôi ra” kia say mèm!...
Tôi không phải là bạn học, cũng không phải là bạn đồng nghiệp, bạn nhậu (hay bất cứ mối quan hệ nào có dính tới chữ Bạn), tại sao ông Bằng luôn mời tôi tới làm vai trò “người chép sử” cho ông? (Ông Bằng đang phụ trách một cơ quan chuyên nghiên cứu về Con Người, mọi tài liệu về Con Người, dưới mọi hình thức đối với ông đều rất cần thiết và không ai là không kinh ngạc khi thấy tận mắt tại nhà ông có một thư viện khổng lồ đủ các loại sách nghiên cứu về Con Người từ nhiều góc nhìn khác nhau).Lý do để ông Bằng “hợp đồng suốt đời” với tôi làm “người chép sử” rất đơn giản: khi con ông đang học lớp Năm, ông thường xem sách vở của con và thấy cái truyện ngắn “Người chép sử” của tôi in trong cuốn sách “Giáo dục Công dân” thì rất thích cái truyện ngắn này, và khi ngẫu nhiên gặp tôi ở nhà một người họ hàng, thì mời tôi đến nhà chơi, kết bạn và nói: “Tôi rất thích quan điểm của ông (ông Bằng kém tôi hai tuổi): người viết sử phải trung thực! Không thể cứ vài năm lại thò ra một cái “Thâm cung bí sử” khiến thiên hạ té ngửa!”… Thế là từ đó, cuộc gặp Tất Niên nào cũng có tôi, kể từ đó đến nay!...
Những cuộc gặp gỡ Tất Niên ở nhà ông Bằng đã giúp tôi tiếp xúc với khá nhiều loại người với đủ các ngành nghề trong xã hội.Với ý nghĩ “thu thập tư liệu” cho một cuốn tiểu thuyết kiểu như Tấn trò đời của H. Balzac , tôi đã say sưa làm người “Thư ký Trung thành”, làm “Người chép sử” trung thực. Đó cũng là yêu cầu của ông Bằng và khi thấy tôi tỏ vẻ say sưa, thích thú với công việc “Người chép sử” này thì đã trả “Nhuận bút” cho tôi rất hậu hĩnh, mỗi khi tôi hoàn tất tài liệu có nhan đề “Câu chuyện Tất Niên”, đánh số từ l cho đến khi nào tôi không viết nữa! Truyện ngắn này được rút ra từ tập tài liệu “Câu chuyện Tất Niên 7”, tức là cuộc gặp gỡ Tất niên lần thứ 7.
Cuộc gặp gỡ Tất Niên lần thứ 7 ở nhà ông Bằng được tổ chức vào năm 2008, tức là mới cách nay hai năm, đó là năm Tý. Lý do để tôi chọn cuộc này không phải nó có nội dung ly kỳ, độc đáo nhất mà vì năm đó số người tham dự vừa đúng số 12 con Giáp, một con số mà rất nhiều người thích, trong đó tất nhiên có tôi! Điều đáng ngạc nhiên là tất cả số 12 người đó thì số tuổi của từng người cũng vừa đúng với 12 con giáp. Vì thế, trong truyện ngắn này, tên gọi của từng người được gọi bằng tên của con Giáp đó: Tý (tôi), Sửu , Dần (ông Bằng), Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi , đương nhiên số năm dương lịch sẽ là từ 1948 đến 1959. Trong lịch sử của nước Việt Nam thì khoảng thời gian này đầy biến động và có nhiều sự kiện trọng đại: Kháng chiến chống Pháp bước sang năm thứ ba, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, rồi giải phóng Thủ đô, rồi hiệp định Giơ-ne-vơ chia đôi đất nước (cho đến tận 1975), rồi…nếu kể nữa thì hơi dài nên để bạn đọc kể tiếp, ai thích sự kiện nào thì coi đó là quan trọng, cũng không sao. Chẳng hạn, ông Tỵ coi sự kiện chia đôi đất nước là quan trọng nhất vì ông vừa sinh ra đã phải chịu cảnh gia đình chia hai, nửa Bắc, nửa Nam, khi gần giải phóng Miền Nam mới gặp nhau thì lại trong cảnh ngộ đầy bi kịch: người cùng một nhà lại ở hai phía của chiến trường!...Còn bà Ngọ, khi người bố hy sinh ở Điện Biên (tháng 5-1953) thì bà còn ở trong bụng mẹ, chưa được một tháng tuổi, tức mọi người trong làng xóm chưa biết bà mẹ có thai, cho nên khi sinh ra cô bé Ngọ, ai cũng cho là mẹ cô hoang thai và kết quả là cô không được công nhận là con Liệt sĩ, tất nhiên lại bị coi là Con hoang! Hai mẹ con bà Ngọ đã phải trải qua những năm tháng ê chề tủi nhục như thế nào thì chỉ có hai mẹ con bà Ngọ biết mà thôi!...
Cuộc gặp gỡ Tất Niên lần thứ 7 này còn có một đặc điểm khác thường nữa là tất cả 12 người đều đã trải qua giai đoạn có vợ, có chồng rồi ly hôn. Tức tất cả đều đã “lên thác xuống ghềnh” với cuộc sống gia đình. Có một điểm nữa, cũng đặc biệt là trong mười hai người này, chỉ có một người là Nữ, tức bà Ngọ. Hơn nữa, bà Ngọ lại là một mẫu người khá độc đáo của cái gọi là “Hồng nhan bạc mệnh”: Bà Ngọ hơn rất nhiều cái con số ba và bảy trong câu thơ của Bà Chúa Thơ Nôm “Bảy nổi ba chìm với nước non”, nhưng cuối đời bà lại đạt được thành tựu tối đa cả về danh vọng và tiền bạc: tuổi thơ nghèo túng đã rèn luyện cho bà trở nên một người phụ nữ phi thường và bà đã trở thành một Doanh nhân nổi tiếng bởi “Tay trắng làm nên”!...
Trước khi tới cuộc gặp gỡ Tất Niên ở nhà ông Bằng, tôi đã dự ba cuộc gặp gỡ Tất Niên khác với ba nội dung: Những người bạn cùng học hồi Đại học, những người bạn thời lính tráng và những người cùng cảnh ngộ thất nghiệp! Ở cuộc gặp những người bạn học, toàn tranh luận về những chuyện thuộc lãnh vực văn chương, báo chí và cả thế sự thời cuộc. Nói chung là toàn những vấn đề như ở các cuộc Hội thảo khoa học: nói hoài không bao giờ hết nhưng không biết kết quả, kết luận thế nào? Ở cuộc gặp những người thời lính tráng, cùng vào sinh ra tử thì toàn kể về mấy người bạn lính đã hy sinh, giờ vợ con họ ra sao rồi định ngày tổ chức đi thăm mộ họ. Còn ở cuộc gặp những người cùng cảnh ngộ thất nghiệp thì chỉ có một đề tài: các món ăn và cách chế biến để nó trở nên ngon miệng nhất! Có lẽ những người ở nhóm này đã rất nhiều lần phải sống trong cảnh ngộ…đói bụng!
Tại cuộc gặp gỡ Tất Niên ở nhà ông Bằng, dường như có tất cả nội dung của các cuộc gặp gỡ Tất Niên đã có, bởi 12 người có mặt ở hầu như khắp các ngành nghề đã và đang tồn tại. Chẳng hạn, ông Thìn, một Bác sĩ Pháp y, chuyên “nói chuyện” với những xác chết, nhưng thỉnh thoảng ông lại “góp mặt” với mọi người những bài thơ rất xúc động và rất tân kỳ về câu chữ cũng như cấu tứ của bài thơ. Hoặc ông Mão, chuyên nghiên cứ về tội phạm, tức là nhà “Tội phạm học” thì lại sợ cả con ruồi, con muỗi: khi thấy con muỗi đậu trên chân, ông Mão không dám đập con muỗi như hầu hết mọi người, mà lại la kêu cứu ầm ỹ! Còn nữa, ông Dần, tức ông Bằng chủ nhà, cầm tinh con Cọp là loài thú săn mồi ăn thịt , được coi là Chúa Sơn lâm (còn có tranh chấp ngôi vị với Sư tử), nhưng lại thường xuyên ăn chay trường và ra đường là cứ đi dón rén vì sợ dẫm đạp phải những sinh linh bé nhỏ như con sâu, cái kiến!...
Theo lệ thường, chủ nhà đăng cai buổi gặp mặt sẽ lo toàn bộ đồ ăn thức uống. Còn những người khác thì sẽ đem tới món đặc sản mà mình thích và cũng sẽ tạo bất ngờ cho mọi người. Buổi gặp Tất Niên hôm ấy, không hẹn mà gặp, tất cả đều đem đến món Bánh chưng, với lý do muốn cùng mọi người “Ăn Tết sớm”, vì bánh chưng vốn được coi là món ăn số Một của ngày Tết! Nếu chỉ là bánh chưng thông thường thì không có gì đáng nói, mà những bánh chưng này đều được gói bằng nguyên liệu của 12 miền quê khác nhau từ Bắc vào Nam của 12 người. Vì thế, khi những cái bánh chưng lần lượt được cắt ra chia đều cho 12 người, mỗi người một miếng nhỏ, thì ai cũng có cảm giác như lần đầu được ăn bánh chưng! Quả là mỗi vùng đất, miền quê, luôn giữ được cái hương vị riêng độc đáo, không trộn lẫn, cho dù cuộc sống hôm nay, sự giao lưu giữa các vùng miền là rất mạnh!...Xin nói thêm là trong số 12 người của buổi gặp gỡ Tất niên này, chỉ có ông Bằng chủ nhà là bạn của 11 người còn lại, còn tất cả chỉ là gặp nhau lần đầu tại nhà ông Bằng.
Từ cái bánh chưng, ông Bằng chủ nhà đề nghị mỗi người kể một vài câu chuyện về con người, cảnh quan của quê hương mình và đó là nội dung chính của buổi gặp gỡ Tất Niên. Tất cả đồng ý ngay và còn đề nghị trao giải thưởng cho ai có câu chuyện hay nhất! Cũng OK!...
Lại một bất ngờ nữa, đó là sự gặp nhau tuyệt đối khi tất cả 10 câu chuyện của 10 người kia về quê hương đều chỉ nhằm kể về người Mẹ của mình, và có những điểm giống nhau như đó là một người phụ nữ rất xinh đẹp nhưng rất sóng gió về đường tình duyên, yêu ai cũng nửa đường đứt gánh, hết cản trở này đến trục trặc khác và cuối cùng đều không lấy được người mình yêu!...Rồi sau mỗi một cuộc tình, người mẹ lại phải một mình nuôi con, rồi vì quá nghèo túng mà phải đem con đi nhờ người khác nuôi. Và điều kỳ lạ là sự việc như thế không chỉ xảy ra hai, ba lần mà có tới hơn chục lần!... Nhưng thực ra chỉ có mình bà Ngọ là biết rõ về người Mẹ của mình (và cho đến lúc đó, bà Ngọ vẫn đang ở với người Mẹ, đã già và sức khỏe rất kém), còn những người kia thì chỉ là “nghe nói” mà thôi!...
Đến lượt ông Bằng thì ông lại lần nữa khẳng định rằng, mọi chi tiết về quê hương (như cha mẹ, ông bà, họ hàng…) ông cũng chỉ “nghe nói” với độ chính xác chỉ “năm mươi – năm mươi”! Tức cho đến thời điểm này, ông vẫn trên con đường tìm về quê hương bản quán cùng với tất cả những người thân thiết cũng như họ hàng xa gần! Tôi cứ suy nghĩ mãi điều này: tại sao những người như ông Bằng và nhóm bạn đây, đã tới năm, sáu mươi tuổi mà vẫn chưa xác định được cha mẹ mình là ai, rồi quê hương gốc gác của mình ở đâu?
Đến lúc mọi người yêu cầu tôi nói về quê hương của mình, không hiểu sao tôi lại buột mồm đọc câu thơ :“Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa / Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”?. Mọi người lặng đi hai phút rồi bà Ngọ nhẹ nhàng nói: “Huynh là “người bị ruồng bỏ” à? Nếu thế thì hãy đến làm việc cho Công ty của tôi! Ở Công ty của tôi có rất nhiều người có tuổi thơ là trẻ em đường phố, tức trẻ bụi đời!”. Tôi liền nói: “Nhưng tôi không phải là trẻ bụi đời! Tôi có bố mẹ, anh em, vợ con!... Tôi đã từng được học hành đàng hoàng, từng là cán bộ viên chức Nhà nước!...Chỉ có điều…”. “Chỉ có điều Huynh phức tạp bỏ xừ!” – bà Ngọ nói rồi cụng ly trăm phần trăm với tôi, rồi lại nói: “Lời mời của tôi với Huynh lúc nào cũng còn nguyên giá trị, tức lúc nào tôi cũng chào đón Huynh!”…Ông Sửu, người có hai bằng Đại học và một Bằng Tiến sĩ, thì nói: “Tôi sắp mở trường Đại học, Huynh hãy đến giúp tôi hơn là làm kinh doanh! Nhân đây tôi xin mời tất cả mọi người ở đây, ai rảnh rang hoặc có hứng thú xin góp với tôi một tay!”. Bà Ngọ liền nói: “Mở trường Đại học thì cũng là kinh doanh vậy!”. Ông Sửu cãi: “Trường Đại học của tôi không nhằm kinh doanh, song chẳng lẽ lại không thu học phí hoặc thu ít thì lại mang tiếng “của rẻ là của ôi”! Chúng tôi sẽ miễn phí cho những học sinh nghèo hiếu học. Được chưa?”. Bà Ngọ cười, nụ cười thật thân thiện, nói: “Nếu quả như vậy thì Công ty của tôi xin tài trợ cho những xuất học bổng ấy và xin bù lỗ cho nhà trường!”. Tất cả vỗ tay rào rào. Hai người trẻ tuổi nhất trong cuộc gặp mặt Tất niên này là Tuất và Hợi, đều là sĩ quan quân đội, một người là bộ đội Biên phòng, tức đóng quân tít trên núi cao rừng thẳm, một người là bộ đội Hải quân, tức đóng quân tận ngoài xa khơi giữa trùng dương bốn bề sóng vỗ. Hai người rất ít nói, đúng phong cách “Bí mật quân sự”, lúc này mới lên tiếng. Tuất nói trước: “Tôi sắp xuất ngũ, sẽ nhận với Đại ca Sửu công việc Bảo vệ. Nếu thuận tiện sẽ có thể mở thêm Khoa Võ thuật!”. Hợi nói tiếp luôn: “Tôi xin nhận đấu thầu Bếp ăn, theo mô hình Nhà hàng – Khách sạn!”. Mọi người lại vỗ tay rào rào, rồi Sửu hào hứng nói: “Đó là hai vấn đề lớn mà Trường của tôi chưa có hướng giải quyết, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh! Chúng ta sẽ tiến hành ngay ngày mai!...”. Đề tài chung tay giúp ông Sửu mở trường Đại học bỗng thu hút sự quan tâm của tất cả. Thì ra tất cả đều đã qua Đại học và có tới tám người đã có cái bằng Tiến sĩ, song lâu nay công việc mà họ làm chưa tận dụng hết cái “chất xám” mà họ có, nay việc ông Sửu mở trường Đại học như là một sự “kích hoạt” những “tiềm năng đang ngủ yên”!...
Cuộc trao đổi, trò chuyện đang sôi nổi thì điện thoại của bà Ngọ đổ chuông, một bản nhạc thánh thót vang lên. Bà Ngọ nghe điện thoại xong thì nói với tất cả: “Mẹ tôi muốn đến gặp mọi người tại đây! Chắc là không ai phản đối chứ?”. Tất cả cùng đồng thanh: O.K!...
Khoảng mười phút sau thì người mẹ của bà Ngọ tới, nhưng phải nằm trên cáng hai người khiêng. Khi đã nhìn thấy chúng tôi, tức 12 người trong Câu chuyện Tất Niên, người mẹ của bà Ngọ nói, giọng đã rất yếu: “Tôi có 12 đứa con…Không biết có phải tất cả chúng nó đang ở đây không?”. Có vẻ như tất cả đều nghe thấy người mẹ của bà Ngọ nói gì! Và chắc chắn tất cả đều không thể hiểu được tại sao người mẹ của bà Ngọ lại nói như thế? Tất cả đều hướng ánh mắt vào bà Ngọ như muốn hỏi: Vậy là sao? Nhưng bà Ngọ không trả lời ngay được vì ngay sau đó, người mẹ của bà Ngọ có biểu hiện ngất xỉu. Bà Ngọ liền cáo từ rồi đưa người mẹ đi Bệnh viện…
Những người còn lại suy nghĩ như thế nào về những lời nói của người mẹ bà Ngọ? Đó là câu hỏi cứ đeo bám theo tôi hoài cho đến một tuần sau, tôi nhận được điện thoại của bà Ngọ nói: “Ngày mai, lúc Tám giờ sáng, chúng ta, tức những người có mặt ở cuộc gặp gỡ Tất Niên, sẽ gặp mặt ngày Tân Niên tại nhà tôi. Huynh nhớ tới nghe!”. Khoảng mười phút sau thì tôi nhận được điện thoại của ông Bằng, nội dung cũng giống như của bà Ngọ! Chẳng lẽ 12 người chúng tôi trong Câu chuyện Tất Niên lại là anh, chị em ruột, cùng mẹ khác cha? Không lẽ nào?!
Đúng tám giờ sáng, tôi đến nhà bà Ngọ theo như lời hẹn thì đã thấy tất cả mười một người kia đang ngồi trong phòng khách, và ở vị trí trung tâm là bà Ngọ và người mẹ già yếu, nhưng lúc này đã rất khỏe, đang vui vẻ cười nói! Tôi lưỡng lự chưa bước vào ngay vì cái câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu: Rút cục thì câu chuyện này là thế nào?
Sài Gòn, cuối năm Con Trâu, 1-2010
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: Newvietart.com
- chùm 3 truyện ngắn về đề tài "Ngày Tết" - Đỗ Ngọc Thạch. 05/11/2011 17:30 | 157 lượt xemyume.vn/dongocthach18/article/chum-3-
truyen-ngan-ve-de-tai-ngay... - Bộ nhớ cache
Thêm kết quả từ yume.vn »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét