Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (phongdiep.net) - Trích: Kiếm tiền...
KIẾM TIỀN TIÊU TẾT - Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
KIẾM TIỀN TIÊU TẾT
Khi năm hết Tết đến, mối quan tâm của hầu hết người dân, và đặc biệt là những người lao động nghèo, là Tiền Tiêu Tết! Người ta xoay xỏa đủ kiểu, đủ cách để kiếm tiền tiêu Tết, nhưng không phải ai cũng đạt được điều mong muốn, thậm chí ngày Ba mươi Tết rồi mà chưa kiếm đủ số để sắm ba mâm cúng không thể thiếu: Chiều Ba Mươi, Giao Thừa và Sáng Mồng Một. Có rất nhiều nhà ăn Tết mà cũng chỉ như ngày thường! …Nhà ông Song Hàn và bà Lưỡng Bần thuộc vào số những nhà nghèo, kém may mắn như vậy…
Ông Song Hàn quê gốc ở vùng Sông Hàn, tên ông là tên con sông nổi tiếng toàn quốc đã đi vào thơ ca, nhạc họa, chẳng hạn như câu thơ sau của nhà thơ xứ này: Con qua Cẩm Lệ, Sông Hàn / Ngũ Hành Sơn đó mơ màng bóng cha… Nhưng văn phòng UB Xã làm bay mất cái dấu “Mũ” trên chữ “O”, thành ra tên ông thành Song Hàn, lại có ý nghĩ khác: Hai cái nghèo, hai kiếp nghèo, hai đời nghèo? Vận vào đời mình, ông thấy đúng quá, đời cha ông rất nghèo, lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, nghèo vẫn hoàn nghèo, và ông sinh ra trong cảnh nghèo, lúc nhỏ sữa cũng không có mà uống! Như thế tức là ông nghèo hai đời? Tuy thế, khi sinh ra cô con gái đầu (và cũng là duy nhất), ông lại rất vui vì nghĩ đời nó sẽ hết nghèo, nên ông đặt tên nó là Kim Ngân! Tuy từ khi có cô con gái Kim Ngân, nhà ông chưa giàu lên nhưng cũng không bao giờ bị đói, ông đã tự mua được chiếc xích lô, vợ ông đã có đủ vốn để làm một cái tủ trái cây ngon lành và con gái ông đã được học hết lớp 10 rồi đi học một lớp Y tá sơ cấp, giờ đã được làm trong một Bệnh viện lớn, lương không cao nhưng “bổng lộc” mùa nào thức ấy, người nhà bệnh nhân tạ ơn thì có gì sai mà không nhận? Tết năm con Trâu này, con gái ông vừa chẵn hai Giáp, tức 24 tuổi, thầy tướng nào cũng nói sẽ có lộc mới, sẽ phát tài, nên ông vui lắm! Tuy nhiên, chỉ còn một tuần nữa là Tết mà “Ngân sách” chi tiêu cho ngày Tết theo bà vợ ông Hàn cho biết thì coi như vẫn chưa có gì, ngoài số tiền thưởng của cô con gái, còn chưa biết chắc là bao nhiêu?
*
Ngày 23, ngày Ông Táo lên chầu Trời. Lễ cúng ông Táo làm đơn giản, tuy thế bà vợ ông Hàn phải lấy trong số vốn của tủ trái cây và giao hẹn với chồng: “Ngày hôm nay, ngoài số tiền mua gạo thường kỳ, ông phải bù vào cái lễ cúng ông Táo, nghe không?”. Ông Hàn ngồi lên xe mà không biết đạp tới đâu? Vừa ra đầu hẻm, ông nghe mấy đứa trẻ con thi nhau đọc những câu toàn chữ “T”: Thầy thằng Tý túng tiền tiêu Tết, toan tự tử, tối thứ tư, tại toa tàu thứ Tám! Thầy tôi thấy thế thương tình, tặng thầy thằng Tý tý tiền tiêu Tết! Thầy thằng Tý thôi tự tử!... Trời ơi, sao mà đúng tâm tư của mình thế? Ông Hàn nghĩ, nếu ngày hôm nay mà không kiếm đủ số như bà vợ nói thì đúng là sẽ đi tự tử!...
Ông Hàn đang bù đầu với một lô chữ “T” của bọn trẻ con thì có một ông khách mập bự, ngoắc lại kêu chở tới nhà hàng đặc sản Hương Quê! Có thế chứ, khách mở hàng mà tướng tá ngon lành
như thế này là ổn rồi! Ông Hàn còng lưng đạp, đưa người khách mập bự tới nhà hàng Hương Quê. Tới nơi, người khách nói chờ khoảng nửa tiếng sẽ về ngay. Ông Hàn mừng quýnh, vậy là mở hàng bằng cuốc xe “khứ hồi” thì còn gì bằng! Ông liền kéo cái xích lô tới sát tường nhà hàng Hương Quê, ngồi lên xe rồi ngả lưng tranh thủ làm một giấc, bởi đêm hôm qua, ông cứ mải mê “vật lộn” với bà vợ mà quên cả ngủ!...
Khi ông Hàn bừng tỉnh thì đã quá trưa, khoảng một, hai giờ chiều gì đó! Ông lặng người khi sực nhớ ra mình đang chờ ông khách mập bự đi cuốc xe “khứ hồi”! Thôi, thế là mất toi cuốc xe khứ hồi! Ông tính vào nhà hàng hỏi xem ông khách mập bự có còn ở trong đó không nhưng lại nghĩ: đã quá giờ hẹn, là mình ngủ quên, lỗi tại mình! Thôi bỏ!...
Ông Hàn lên xe, ngồi đạp từ từ nhưng đầu óc thì như mây bay lãng đãng, không biết sẽ đi đâu? Ông bỗng thấy đói! Chẳng lẽ lại mò về nhà ăn cơm? Gạo còn chưa mua được thì cơm nước gì? Nghĩ thế, ông bấm bụng đạp tới chỗ mấy người bạn đồng nghiệp, xem họ có san sẻ cho được người khách nào không? Song, khi ông mới đi được khoảng mười phút thì có hai người chặn xe ông lại, kêu ông chở một người phụ nữ bị tai nạn giao thông, đang ngồi rên la bên vệ đường, máu me đầy người! Không chần chừ, ông cặp xe lại gần người bị nạn, rồi còng lưng đạp tới trung tâm cấp cứu Thành phố!...
Khi ông Hàn về tới nhà thì thành phố đã lên đèn. Bà vợ và cô con gái đang ngồi chờ cơm, ra cửa đón ông, nhìn thấy cái xích lô đầy những vết máu đã xỉn khô thì dường như đã hiểu chuyện gì đã xảy ra với ông!...
*
Là người rất mê coi bói toán, tử vi nhưng ông vẫn chưa hết ngơ ngẩn, bàng hoàng khi ngày hôm sau, thật không thể tin nổi, sự việc lại xảy ra với ông gần giống như ngày hôm trước! Chỉ khác chút ít là buổi sáng thì ông chở một người khách sộp, tới một tòa cao ốc, cũng hẹn sau hai mươi phút sẽ xuống đi cuốc xe “khứ hồi”, nhưng rồi không bao giờ xuống nữa! Còn cuốc xe tới Bệnh viện hôm nay là chở mấy đứa trẻ một trường Mầm Non bị ngộ độc thực phẩm, ông phải chở hai đứa và một cô giáo áp tải! Khi nhìn lại xích lô thì không thể tin được, hai đứa bé ói nôn ra đầy xe! Người ta chỉ mải lo cấp cứu cho mấy đứa bé mà không hề ngó ngàng gì đến ông, tức trả ông tiền “cước vận chuyển”!
Chán nản, thất vọng hết sức, sang ngày thứ ba, ông tính “giải nghệ” một hôm để “xả xui”, ra đầu hẻm ngồi uống cà phê. Nhưng chưa uống hết ly cà phê thì ông Tổ trưởng dân phố nắm chặt tay ông mà nói: “Tôi có người em ở Canada về quê hương ăn Tết, nó lại nói là không đi taxi mà đi xích lô từ sân bay về nhà để còn nhìn ngắm phố phường. Vậy nhờ ông đi một chuyến!”. Ông Hàn nghe ông Tổ trưởng dân phố nói vậy thì đứng dậy đi lấy xích lô ngay vì không thể từ chối ông Tổ Trưởng, vả lại chở khách Việt kiều là “mơ ước” của dân xích lô như ông!
Đến sân bay, ông ngồi chờ ở vòng ngoài. Song, thật không thể tin nổi, ông ngồi chờ một giờ, rồi hai giờ mà không thấy ông Tổ Trưởng cùng người em Việt kiều Canada đâu? Ông quyết định quay về nhà và nghĩ sẽ lấy sợi dây xích khóa cái xích lô này vào cái cột điện trước cửa nhà! Ông khóa cái xích lô xong, liền đi đến nhà ông Tổ trưởng thì thấy nhà vẫn khóa cửa, hình như là cả nhà ông Tổ trưởng ra sân bay đón người em Việt kiều. Ngày hôm sau, ông mới được biết người
em của ông Tổ trưởng gặp “rắc rối” vì vận chuyển ma túy tổng hợp, số lượng khá lớn!...Ông Tổ trưởng đang bù đầu lo việc của người em mà quên luôn ông, điều đó xảy ra là tất nhiên! …
Sang ngày thứ tư, tức ngày 26 tháng Chạp, người ta thường nói là ngày 26 Tết, tức Tết đã đến, nói chính xác thì Tết đã cận kề, người người đi sắm Tết tấp nập. Vậy mà ông Hàn vẫn thấy bà vợ ông “bình chân như vại”, trong nhà ông chưa thấy dấu hiệu gì của Tết cả, ngay cả bàn thờ gia Tiên với mâm ngũ quả cũng chưa có gì? Chắc phải tới ngày 28, 29 bà vợ ông Hàn mới bày biện bàn thờ, bởi thực ra điều quan trọng đầu tiên là “Tiền đâu”? Nghĩ đến hai chữ “Tiền đâu”, ông Hàn lôi cái xích lô ra đầu hẻm, phải hành động, phải đi kiếm tiền tiêu Tết!
Có câu “Quá tam ba bận”, tức mọi cái xui xẻo của ba hôm vừa rồi chắc chắn không xảy ra với ông Hàn nữa? Ông Hàn nghĩ vậy và bình tâm ngồi lên yên “con ngựa già”, đạp một hơi dài để gọi là “đứt đuôi con nòng nọc” với ba ngày xui xẻo vừa qua!... Khi ông Hàn từ từ “thả lỏng dây cương” để quan sát hai bên đường tìm “mối khách”, thì không cần đợi lâu, một bà cỡ hơn tứ tuần, quần áo rất “thời trang”, son phấn khá đậm, ngoắc ông lại. Khi đã an tọa trên xích lô rồi, bà khách kia nói nhỏ mà rõ từng tiếng một: “Ông thích vui thú ở chỗ nào thì đưa tôi tới đó, tôi chỉ xin ông tiền ăn ngày hôm nay mà thôi!”. Ông Hàn trố mắt nhìn bà khách, như là không tin ở tai mình, hỏi lại: “Bà nói gì?”. Bà khách làm điệu bộ đánh mắt đưa tình, nói nhỏ: “Thì tôi đã nói rồi đó, giờ tôi là Tình nhân của ông!”. Ông Hàn nhảy xuống đường, nói như quát: “Bà này điên rồi! Xuống xe ngay!”. Bà khách kia vẫn bình thản như không nghe rõ câu nói của ông Hàn, nhoẻn miệng cười rồi nói: “Rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt sao? Ông có tin là tôi gọi mấy thằng chém mướn tới chặt nát cái xế của ông không?”. Ông Hàn có linh cảm là dây vào “Tổ ong” nên hạ giọng nói nhỏ: “Xin bà chị thương tình, em còn phải đi kiếm tiền đong gạo, khi nào rảnh rang mới hầu hạ bà chị được!”. Bà khách nghe nói thế thì lấy ra điếu thuốc, bật quẹt hút một hơi rồi mới nói: “Thôi được! Vậy thì đưa chị tới nhà hàng Ngõ Nhỏ ở đường Ngô Thì Nhậm!”…
…Khi đã đạp một mạch để thoát khỏi cái “mùi Hồ Ly” của bà khách, ông Hàn mới thấy hú vía! Ông lại “thả lỏng dây cương” mà đầu óc vẫn chưa ổn định! Chẳng lẽ ngày hôm nay mình lại bị Hồ Ly quấy nhiễu? Vừa nghĩ tới đó thì có một cô gái trẻ đẹp như người mẫu thời trang chân dài, một bước đã ngồi gọn trên xích lô, nói như ra lệnh: “Đến vũ trường Bốn Sao!”. Ông Hàn bàng hoàng, như là gai ốc nổi lên khắp người rồi gục xuống, ngất xỉu ngay trên yên “con ngựa già”! May cho ông Hàn là vừa đúng lúc đó, một bạn đồng nghiệp của ông đi tới, thấy thế thì kịp thời đỡ ông xuống, dìu vào hè đường, sơ cứu cho ông rồi đưa ông về nhà, giao cho bà Bần!...
*
Đó là chuyện xảy ra vào bốn ngày giáp Tết năm con Trâu. Suốt mấy ngày Tết, ông cứ như người mất hồn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, khiến cho bà vợ và cô con gái lo sợ vô cùng. May mà cô con gái Y tá của ông gọi được ông Bác sĩ Thần kinh số Một ở Bệnh viện tới, dùng phương pháp Đông – Tây Y kết hợp mới chữa khỏi cho ông cái bệnh “Tâm thần phân liệt” đã thâm nhập vào ông tới năm, sáu phần!...
Năm nay là năm con Cọp, ông Hàn nghĩ “vận sui” sẽ không dám vuốt râu Hùm! Vì thế, ngày 23 Tháng Chạp, sau khi vợ ông làm lễ cúng ông Táo xong, ông ung dung lên xe, vừa đi vừa …huýt sáo! Vợ ông, cả con gái ông đã dặn rất kỹ: Không được nghĩ quá nhiều đến mấy chữ “Kiếm tiền tiêu Tết”, nó sẽ làm ông rối trí! Việc kiếm tiền tiêu Tết năm nay hai mẹ con bà Bần và Kim Ngân
đã dự liệu xong xuôi, cho nên ông Hàn kiếm thêm được đồng nào thì tốt, còn nếu không có cũng không sao! Nói là nói thế, ông Hàn nghĩ mình không thể trút hết gánh nặng lên vai vợ con. Khi nghe vợ con dặn dò quá kỹ, cứ như là ông chưa từng lăn lộn trường đời kiếm tiền, Ông thầm nhủ: mình phải kiếm một món lớn cho hai mẹ con thưởng thức chữ “Bất ngờ”!...
Đi được năm phút, ông sực nhớ ra con gái dặn sáng nay tới nhà Bác sĩ Thư ở đầu hẻm bên kia đường, chở ông Bác sĩ này tới Bệnh viện chấn thương chỉnh hình để tái khám. Ông Bác sĩ Thư này bị tai nạn gãy cả hai chân, nhưng đã được những “Bàn tay vàng” của đồng nghiệp chữa trị tận tình nên vết thương đã dần biến mất, chỗ xương gãy đã được nối lại như chưa hề gãy và đã có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà! Ông Hàn liền quay lại, tới nhà BS Thư, thì thấy BS Thư đang ngồi đợi ở cửa!...
Khi đưa ông BS Thư trở lại nhà, ông Hàn nhận được một “Hợp đồng” rất hậu hĩnh: từ ngày 27 đến ngày 30 Tết, mỗi ngày đưa ông BS Thư đi dạo phố phường một giờ đồng hồ! Giá “cước vận chuyển” là hai triệu! Quả là một bất ngờ lớn đối với ông Hàn, bởi bốn ngày tới đây sẽ xóa tan vĩnh viễn bốn ngày xui xẻo của năm ngoái!...
Bữa cơm tối, ông Hàn muốn cho vợ con thưởng thức hai chữ bất ngờ của cái “Hợp đồng” với ông Bác sĩ Thư, nhưng ông lại nghĩ, hôm nay mới là ngày 23, “Nói trước bước không qua”, khoan đã! Bà vợ và cô con gái thấy ông rất tươi tỉnh (không như năm ngoái), thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm thì dường như cũng vui lây! Hai mẹ con cũng dự tính “để dành” sự bất ngờ đến phút chót, nhưng không hiểu sao, bà Bần lại muốn nói ngay hôm nay: “Cô con gái rượu của ông muốn cho ông thưởng thức sự bất ngờ sớm một chút: Ngày 29 Tết, ông BS Thư sẽ dâng lễ Ăn hỏi con gái Kim Ngân của ông đấy! Ông có một tuần để suy nghĩ đồng ý hay không?”.
Ông Hàn nghe mà như chưa tin ở tai mình, ông nhìn con gái như muốn nói: chính là con hãy nói cho cha nghe đi? Nhưng cô con gái cứ ngồi bình thản ăn cơm, như là không biết bà mẹ vừa nói gì! Càng nhìn cái dáng vẻ bình thản, tự tin của cô con gái, ông Hàn càng thấy con mình sao mà xinh đẹp lạ thường!...
Sài Gòn, những ngày cuối năm con Trâu, 2010
Đỗ Ngọc Thạch
55 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net
9.TƯỢNG NHÀ MỒ 10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO |
19. BÁC SĨ PHÁP Y- Đỗ Ngọc Thạch 20.Ô CHỢ DỪA- Đỗ Ngọc Thạch
21. Ở TRỌ - Đỗ Ngọc Thạch 22 - Ô QUAN CHƯỞNG- Đỗ Ngọc Thạch
21. Ở TRỌ - Đỗ Ngọc Thạch 22 - Ô QUAN CHƯỞNG- Đỗ Ngọc Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét