Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

ca trù...nơi gặp gỡ giai nhân tài tử

 
Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai Nhân, Tài Tử
Đỗ Ngọc Thạch
Nhà thơ Tú Mỡ (*) có mấy câu thơ gieo toàn vần trắc nói về không khíHát Cô đầu hồi đầu Thế kỷ 19 rất ấn tượng mà tôi thuộc ngay từ lần đọc đầu tiên, cách nay đã nửa thế kỷ:

Họ kéo từng đàn xuống xóm hát / Lu bù ngày ấy sang đêm khác
Phen này ông quyết xuống Khâm Thiên / Mở tiệm cô đầu có lẽ phát.            

Tôi còn nhớ là văn bản tôi được đọc hồi đó viết là “K.T.” (Phen này ông quyết xuống K.T”) chứ không phải viết rõ ra là “Khâm Thiên” như đoạn vừa trích dẫn. Có lẽ với người Hà Nội cỡ 60 tuổi trở lên thì chữ viết tắt “K.T.” là quen thuộc hơn: Xóm hát K.T. tức “Xóm hát Cô đầu” hoặc “Phố Cô đầu”! Hát ở đây là hát Cô đầu như trong câu thơ của nhà thơ Tú Mỡ! Sinh ra và lớn lên ở đất Hà Thành, mỗi câu thơ của Tú Mỡ mỗi khi viết về đất Thăng Long ngàn năm văn vật đều là những “tư liệu lịch sử bằng thơ”. Vì thế khi tìm hiểu nghệ thuật hát Ca trù không thể không tìm hiểu tại sao lại có lúc gọi nó là Hát Cô đầu? Tại sao lại có cảnh tượng nhộn nhịp “kéo từng đàn xuống xóm hát” như thế và Hát Cô đầu thực sự là gì mà “mở tiệm cô đầu” dễ phát tài?
*
Cô đầu là một dạng kỹ nữ trong thời cận đại ở Việt Nam, phục vụ khách “Làng chơi” bằng ca hát và “Tình cảm”. Mức độ, liều lượng giữa ca hát và “Tình cảm” tùy thuộc vào “cảm hứng” giữa các ca nương (ả đào, cô đầu) và “khách làng chơi”! “Hát Cô đầu” thu hút khách bằng cả lời ca và nhan sắc của ca nương. Song  không thể nói là ở đây chỉ có ca hát mà “chuyện Tình ái” tất nhiên sẽ xảy ra, tùy thuộc vào “cảm hứng” của đôi bên. Vì thế, “Hát Cô đầu” vẫn bị mang “tiếng xấu”, tất nhiên không phải “trần trụi” sắc dục như “Nhà Thổ”! Vì thế, thú chơi Cô đầu vừa được coi là thú chơi tao nhã vừa bị nhìn là không trong sạch, thậm chí đứng sau “Nhà Thổ” trong danh sách “Đen” (Chả thế mà sau khi Thủ đô giải phóng, các “Tiệm Cô đầu” ở “Phố K.T” bị xóa sổ hết). Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở các tỉnh phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên ở Hà Nội. Cô đầu sống thành từng nhóm, trong các nhà chứa khách đến với thú chơi cô đầu.
Theo Từ điển tiếng Việtcô đầu là một danh từ thuộc loại từ cũ, khẩu ngữ để chỉ các ả đào. Nhà thơ Trần Tế Xương chắc chắn là người rất hay đi hát cô đầu, có quan hệ và ân tình sâu nặng với các cô kỹ nữ này, ông còn có bài Tết tặng cô đầu trong đó có câu: Nhân sinh quý thích chí / Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu !
Đại đa số các văn nhân tài tử đất Bắc trước 1954 đều mê đi hát cô đầu. Câu thơ “Họ kéo từng đàn xuống xóm hát” của Tú Mỡ và câu thơ vừa dẫn trên của Tú Xương đã cho ta thấy sự hoạt động của ca trù thật là sôi động, thú vị. Cái mối giao hảo, cái "quý thích chí" ấy của tài tử giai nhânta thấy rất nhiều chứng cớ thể hiện qua những bài hát đề tặng nhau như là để kỷ niệm, để tỏ lòng ưu ái riêng tư. Dương Khuê cũng có đến mấy bài Gặp cô đầu cũThăm cô đầu ốm, tặng cô Hai, cô Phẩm, cô Cúc… Và có lẽ quan Tổng đốc hồi đó làm hơi quá nên bị nội tướng cằn nhằn, ngắt véo chi đó bèn gửi tâm sự qua bài Vợ ghen với Cô Đào Oanh!!!
Về phía các ả đào, dĩ nhiên là phái đẹp ai lại làm thơ đền đáp những kẻ đã làm thơ tặng mình và các cô thiếu gì cách khác, nhiều khi cảm động hơn, như là mở hầu bao giốc hết tiền bạc dành dụm để người ta ăn học thành tài để rồi đôi khi còn trao luôn cả trái tim chung thủy nữa. Bài thơThú Cô đầu của Tú Xương đã nói được rất nhiều về chuyện “tình cảm” tài tử giai nhân đó:
Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay,/ Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày.
Năm canh to nhỏ tình dơi chuột,/ Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây.
Êm ái cung đàn chen tiếng hát, /La đà kẻ tỉnh dắt người say.
Thú vui chơi mãi mà không chán,/ Vô tận kho trời hết lại vay.
Như thế, cả hai cụm từ Cô đầu và Ả đào đều để chỉ người hát-xướngchứ không phải để chỉ loại hình hát-xướng. Nhưng theo thói quen, khi người ta nói “Hát Cô đầu” hoặc “Hát Ả đào” là có ý chỉ tên gọi loại hình nghệ thuật xướng ca này. Vì thế, lâu nay, người ta vẫn quen nói và viết là “Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam…”. Hoặc người ta quen nói và viết rằng: Hát Ca trù, hát cô đầu, hát Ả đào, hát nói là những tên gọi khác nhau của một loại hình xướng ca. Như Từ điển thuật ngữ văn học do NXB Giáo dục xuất bản năm 1992 trong mục từ Ca trù thì ngay dòng đầu tiên ghi là : Còn gọi là hát ả đào hay hát cô đầuNhư vậy, lâu nay vẫn tồn tại cách hiểu này: Ca trù tức là Hát Cô đầuHát ả đàoHát nói. Có nghĩa cả bốn cụm từ ấy có nghĩa tương đương.
*
1. Những quan niệm về Ca Trù: nguồn gốc và tên gọi
1.1.Ca trù là một hình thức “ca nhạc thính phòng”, thịnh hành từ thế kỷ 15, vốn là một loại ca nhạc trong cung đình, được sử dụng cho các buổi hát chúc thọ vua chúa và các buổi lễ trong triều đình, qua thời gian, ca trù dần dần phát triển rộng ra dân gian qua giới quan lại, đại gia, một số tầng lớp sĩ phu nho học giàu sang… và trở nên thông dụng. Tuy vậy ca trù khác với các loại hình dân ca khác ở chỗ nó có yêu cầu rất nghiêm ngặt quy định về số câu, số chữ, lời văn, quy định về đối ngẫu … có lẽ vì vậy mà ca trù vẫn được thưởng thức tập trung phần lớn ở tầng lớp có học thức cao rộng trong xã hội xưa.
Chữ trù có nghĩa là thẻ tre. Những người đào hát thường dùng các thanh tre làm phách khi hát và người nghe dùng “trù” (cái thẻ tre) để thưởng cho những chỗ hát hay, cuối cùng đếm thẻ để bình giá và thưởng tiền, vì thế mà có tên gọi là Ca trù.
Tư liệu sớm nhất có nói đến những chữ Ca Trù và Ả Đào là vào thế kỷ XV, căn cứ vào bài thơ  Nghĩ hộ tám giáp bài văn thưởng cho cô đàođược giải  sáng tác trước năm 1500 của Tiến sĩ Lê Đức Mao, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bài thơ này chép trong Lê tộc gia phả (A.1855) có hai lần nhắc đến 2 chữ ca trù, cho biết: hát cửa đình là hát để thờ thần trong dịp đầu xuân và việc hát ca trù đã có dùng thẻ để thưởng cho đào nương (ả đào). Như vậy, đình Đông Ngạc, Hà Nội là nơi diễn ra lệ hát Cửa đình từ rất sớm. Và đây cũng là nơi gìn giữ được tục lệ thưởng đào rất đặc sắc.
Trong cuốn "Thần chú thỉnh tiên - Ca trù thập cảnh Hà Tiên" do ông La Thành Đàm phiên dịch thơ nôm của Mạc Thiên Tích in năm 1907 tại Sài Gòn thì chữ Trù lại có thêm bộ nhân đứng  - chữ này không có trong tự điển chữ Hán, có lẽ người viết đã muốn nhấn mạnh hơn nữa về thể loại hát này là: người hát (chữ nhân) cầm thẻ tre (chữ trù) làm phách. Ca trùcòn có tên gọi khác là hát ả đàohát nhà tơ… Sở dĩ gọi là hát ả đào là do ca sĩ hát thường là những cô gái xinh đẹp và son trẻ (má đào): Mặt tròn thu nguyệt. Mắt sắc dao cau. Vào, duyên khuê các. Ra, vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm - Miệng ấy thêu - Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban - Tạ (**). Dịu như mai - Trong như tuyết - Nét phong lưu chi kém bạn Vân - Kiều.
Hát Ca trù có cả đào lẫn kép nhưng đào là chủ yếu nên được gọi là hát ả đào. Về sau, khoảng đầu TK XX mới gọi là hát cô đầu, hát nhà trò, Ca trù. Hát Cô đầu là tên gọi khá phổ biến bên cạnh cách gọi là Ca trù. Cách gọi Ca trù chủ yếu được dùng trong giới nghiên cứu ca nhạc, nghệ thuật và điều cần lưu ý là: Ca trù chưa phải được coi như một loại hình nghệ thuật và khu vực tồn tại của nó còn rất hạn hẹp và được coi là một “thú tiêu khiển” của một nhóm người “ăn chơi”, phóng đãng!...
 nhiều  cách giải thích hai cách gọi Cô đầu  Ả đào. Theo một sự tích từ cuối đời nhà Hồ (1400-1407), có người ca nữ họ Đào quê ở huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, một bậc nữ nhi yêu nước, lập mưu giết được nhiều quân giặc Minh bằng “Mỹ nhân kế”: hát cho chúng nghe và chuốc rượu có thuốc mê, khi chúng “xỉu” thì kêu “quân ta” đến hạ thủ! Khi nàng chết, dân làng lập đền thờ và gọi thôn nàng cư ngụ là thôn Ả Đào. Sau đó những người làm nghề ca hát như nàng đều được gọi là ả đàoẢ đào thường ở chung với nhau một phường một xóm, ban ngày làm công việc đồng ruộng hoặc chăn tằm dệt vải y như các cô con gái thôn quê khác. Đến tối họ tới nhà quản giáp luyện tập múa hát và gõ phách do quản giáp và mấy ả đào già nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chỉ bảo, khi có chỗ nào mời đến hát - tất nhiên là hình thức Ca Trù - thì mới đi hát. Vì thế, người ta thuận mồm gọi là Hát Ả Đào.Còn gọi là hát nhà tơ là vì ca trù thường do Ty Giáo phường quản lý, chữ "ty" còn có nghĩa (và đọc) là  nên gọi là hát nhà tơ.
Phần lớn các ả đào (ca nương - ca sĩ) thường ít nhiều thông hiểu chữ nghĩa mới có thể học, mới đọc được những bài thơ làm lời cho bài ca do các danh sĩ viết (câu thơ bóng bẩy, ý nghĩa cao sâu, nhiều điển tích…mà không phải ai cũng hiểu được). Họ còn phải luyện tập cả lễ nghi, cách ăn nói, đi đứng... vì thường xuyên tiếp xúc với “tầng lớp thượng lưu”, chốn quan quyền vua chúa...Họ cũng phải giữ gìn kiêng khem không được ăn no sợ kém hơi, không được uống rượu và dùng những gia vị chua cay sợ kém giọng và quan trọng hơn, họ còn phải trải qua những kỳ thi để xác nhận vị trí, tài năng, ngôi thứ trong phạm vi quản hạt của mình.
Lề thói ca trù nhìn chung chặt chẽ, tốt đẹp, nhưng tiếc thay, đến đầu thế kỷ 20 thì tinh thần ấy suy kém dần. Cuộc sống hưởng lạc, sự ăn chơi phóng đãng ở chốn thị thành ngày càng phát triển – “Họ kéo từng đàn xuống xóm hát / Lu bù ngày ấy sang đêm khác”. Nhiều người không có tay nghề cũng nhào ra mở phường hát kiếm tiền – “Phen này ông quyết xuống Khâm Thiên / Mở tiệm cô đầu có lẽ phát”! Các quan viên đi hát thì không nhằm thưởng thức ca nhạc, văn chương, mà chỉ là dịp tụ họp bạn hữu hành lạc, kiếm tìm mỹ nhân! Về phía các ả đào, nhiều cô chỉ biết hát dăm ba câu, thậm chí không biết hát mà chỉ có chút nhan sắc và những ả đào này  chỉ có bổn phận lo ép các quan viên uống thật nhiều rượu để chủ nhân Nhà trò (tức tiệm Cô đầu) kiếm lời. Họ chính là những cô đầu rượu, và sẵn sàng “chiều lòng” các quan viên! Đó là nguyên nhân gây ratiếng xấu chung cho giới cầm ca.
 1.2. Ca trù xuất xứ từ tục Hát cửa đình ở Hà Nội xưa
Cho đến nay chưa biết chắc tục hát cửa đình (còn gọi là ca trù, hát ả đào) ra đời từ bao giờ. Có khá nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ca trù là nhạc dân gian của Hà Nội từ Tục hát cửa đình ở Hà Nội xưa. Dựa vào một vài sử liệu chép rằng: năm 1025 vua Lý Thái Tổ thấy có cô gái là Đào Thị giỏi nghề hát được nhiều người mến mộ nên tất cả các nữ ca sĩ đều cho gọi là Đào nương và dân gian gọi là ả đào. Có thể ca trù đã ra đời từ trước thời Lý, dân gian gọi là hát cửa đình sau đó phát triển đi vào cung đình phục vụ vua quan.

Ở làng Phú Mỹ xã Mỹ Đình huyện Từ Liêm Hà Nội còn nhà thờ Ca Công có tấm bia đá dựng thời Tự Đức thờ một ca nữ họ Vũ, xinh đẹp, hát hay được tuyển vào cung vua. Khi về già, bà về làng dạy con cháu dòng họ Vũ hát ca trù. Bà được vua cho cắm ruộng để hưởng lộc. Đến khi bà mất, dòng họ lập đền thờ, vua có sắc phong "Nam quốc danh ca Đào thị mẫu". Từ đó dòng họ Vũ ở Phú Mỹ lập giáo phường chuyên đi phục vụ trong các ngày hội làng ở huyện Từ Liêm.

Ca trù được phát triển mạnh vào thời Lê sơ, hiện nay có hai giáo phường nổi tiếng đều có đền thờ tổ, đó là giáo phường Lỗ Khê huyện Đông Anh (Hà Nội) và giáo phường Phú Đô huyện Từ Liêm (Hà Nội) thờ Đinh Dự(***) hiệu là Thanh Sà Đại vương và vợ là Mãn Đường Hoa công chúa. Ở đình làng Phú Đô hiện còn cuốn ngọc phả bằng chữ Hán do ông Đào Cử (***1) đỗ Tam giáp tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 7 (1466) làm quan tới chức Hộ bộ thượng thư biên soạn. Nội dung có đoạn viết: Đinh Dự là con trai quan Khai quốc công thần là Đinh Lễ (***2) và bà vợ họ Trần quê ở làng Lỗ Khê. Ở Phú Đô còn thờ hai bà chúa có công chấn chỉnh giáo phường đó là Nguyễn Thị Phương và Nguyễn Thị An con gái ông Nguyễn Duy Tình người làng. Hai cô Phương và An vốn xinh đẹp hát hay. Một hôm cô Phương vào vùng Thập tam trại trong thành Thăng Long cắt cỏ, vừa cắt cô vừa hát, tình cờ gặp một vị hoàng thân trong triều Lê đi tới làm quen và kết làm vợ chồng. Sau đó vị hoàng thân lên ngôi là vua Lê Anh Tông (1557-1573) bà Phương được phong là Hoàng hậu, bà em cũng được đưa vào cung và phong làm An tuyên phi. Về sau hai người trở về làng dạy trai gái trong dòng họ Nguyễn Hát ca trù. Hàng năm đến ngày giỗ tổ (mùng 3 tháng 3), các giáo phường trong huyện Từ Liêm vẫn đến đền Ca Công ở Phú Đô tế lễ tổ nghề Ca trù.

Ngoài các giáo phường nổi tiếng đã kể trên, thông qua một số di vật cổ cho thấy còn có thêm một số giáo phường khác. Ở đình làng Văn Trì, xã Minh Khai, cũng huyện Từ Liêm còn tấm bia vuông bốn mặt dựng năm Chính Hòa thứ 21 (1701) cho biết ngôi đình của làng vốn là trụ sở củagiáo phường huyện Từ Liêm, sau tổ chức này giải tán nên những người đại diện của giáo phường Phương Canh và Thượng ốc đứng ra bán cho dân làng Văn Trì, như vậy đã có thời tổ chức giáo phường quy mô toàn huyện.
1.3. Làng cổ Đông Ngạc: nơi có tục hát cửa đình đầu tiên

Làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm (Hà Nội), nằm bên sông Nhị, nơi có bến Ngác và chợ Vẽ nổi tiếng khắp kinh kỳ. Vào cái thuở đường thủy còn là huyết mạch giao thông thì bến Ngác khi ấy là một nơi trên bến dưới thuyền và chợ Vẽ là một "trung tâm thương mại". Đông Ngạc là tên chữ của làng Vẽ, vốn là một làng nổi tiếng về một số nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem ("giò Chèm, nem Vẽ"), làm quang gánh, nặn nồi đất…

Hàng năm, vào ngày 9 tháng 2 âm lịch là ngày làng Đông Ngạc vào hội làng. Xưa làng Đông Ngạc vào đám, có hát ca trù mấy ngày liền, với nhiều nghi lễ trang trọng và nghiêm trang. Người được coi là sáng tác các bài hát cửa đình bằng quốc âm đầu tiên là Lê Đức Mao (****). Tương truyền hồi còn trẻ ông là người thông minh hiếu học, hay làm thơ. Nhân thấy hàng năm dân làng mở hội mừng xuân có mời các giáo phường về hát cửa đình, Lê Đức Mao nẩy ra ý định đặt bài hát có nội dung thiết thực để cho các cô đào hát mừng dân làng. Bài hát đầu tiên do Lê Đức Mao sáng tác theo thể lục bát và song thất lục bát nhan đề "Bát giáp thưởng đào văn" - ca ngợi quê hương giàu đẹp trong khung cảnh thanh bình.

2. Các hình thức, làn điệu Ca Trù
2.1. Trong lối Hát cửa đình nguyên thủy, sơ khai có nhiều làn điệu như: Giáo hương (Dâng hương), Giáo trống, Gửi thư, Đọc phú, Đọc thơ, Bắc phản, Chừ khi, Thét nhạc… đều có xuất xứ từ cách “diễn xướng” trong các nghi thức tế lễ cúng tế thần linh. Khi hát cửa đình phát triển ổn định thành hát ca trù (tạm quy định ước lệ là thuật ngữ hát cửa đình có trước thuật ngữ Ca trù - tức nghi thức hát tế lễ (hát cửa đình) có trước và hát giải trí (ca trù) có sau -, chứ thực ra thì lúc nào người ta cũng đánh dấu bằng giữa hai thuật ngữ này) thì có năm cung bậc chính là: Bắc, Pha, Huỳnh, Nam, Nao và một cung đặc biệt nữa là cung Phú. Ca trù có nhiều làn điệu khác nhau. Người ta căn cứ vào địa điểm hát để gọi tên lối hát ca trù bằng những cái tên như: Hát Cửa đình (hát ở đình, đền phục vụ việc tế lễ thành hoàng), hát Cửa quyền (cung đình vua chúa), hát Nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý, ca quán)...
Ca trù là một nghệ thuật ca hát pha trộn nhạc với thơ và mỗi cuộc trình diễn ca trù là một cuộc hát đầy nghệ thuật trong đó diễn viên cũng như kẻ thụ hưởng đều là nghệ sĩ, cả hai tích cực tham gia vào công việc trình diễn, người thưởng thức không thể đóng một vai trò hoàn toàn thụ động. Mới đầu họ lắng nghe tâm sự của cổ nhân sống lại qua tiếng nhạc và lời ca, sau đó người nghe còn điểm xuyến bằng những tiếng trống chầu nó biểu lộ cái cá tính của mình.
Khi ca trù mới hình thành, còn giới hạn trong cung điện và đình đền miếu mạo thì các lối hát tương đối ít ỏi. Về sau, lúc đã phổ biến ra ngoài dân gian, nhờ các danh sĩ rành âm luật và các tay giáp phường nhiều tài hoa chế biến thêm nhiều điệu khác. Ngày nay ca trù có khoảng trên bốn mươi lối hát : bắc phản, hát nói, mưỡu, gửi thư, hát ru, tỳ bà, thét nhạc, chừ khi, nhịp ba, cung bắc, á phiên, múa bài bông ...
Khi âm luật đã ổn định, các văn nhân tài tử không muốn nghe mãi mấy lời hát cũ, bèn sáng tác những lời hát mới...lúc đó âm luật với văn chương trong ca trù kết hợp với nhau tạo thành những làn sóng nhạc dâng trào! Đó là khi tài tử gặp giai nhân – làn điệu Hát Nói vận động và đổi mới!
2.2.Cách thức của làn điệu Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có những tác phẩm lưu danh muôn thuở nhờ sự góp mặt của các nhà thơ thuộc cỡ Thi bá, Thi vương như Nguyễn Công Trứ (1), Cao Bá Quát (2) ... Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc sau đây.
Trước khi có Hát nói, ở Việt Nam đã có những bài hát cửa đình, cửa chùa, những bài thét nhạc… Những thể ca trong các dịp tế lễ đó chuyển dần công dụng và được các tao nhân, mặc khách tổ chức ngay trong những cuộc giải trí riêng của họ ở tư gia, phủ đệ. Hát nói là những nét dạo đầu của sự đổi mới trong thơ ca. Đầu TK 19, “Tây học” và sự ảnh hưởng của Thơ ca phương Tây, chủ yếu là Thơ Pháp, Hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gắm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn. Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận . Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối ...

Trong các làn điệu ca trù thì làn điệu Hát Nói là phong phú nhất, nhiều nhà văn nhà thơ lớn cũng là những người say mê ca trù và để lại nhiều bài hát nói còn mãi cho đến nay như Cao Bá Quát với Tự tình, Hơn nhau một chữ thì, Phận hồng nhan có mong manh, Nhân sinh thấm thoắt, Nghĩ đời mà ngán cho đờiNguyễn Công Trứ với Nợ tang bồng, Ngày tháng thanh nhàn, Kiếp nhân sinh, Chơi xuân kẻo hết xuân đi, Trần ai ai dễ biết aiDương Khuê (3) với Hồng hồng, tuyết tuyết (tức Gặp đào Hồng đào Tuyết)Chu Mạnh Trinh (4) với Hương Sơn phong cảnhTrần Tế Xương (5)với Hát cô đầuTản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (6) với Trờimắng, Xuân tình, Chưa say, Gặp Xuân... ; Nguyễn Khuyến (7) với Hỏi phỗng đá, Duyên nợ, Mẹ Mốc, Nguyễn Thượng Hiền (8) với Chơi chùa Thày,v.v…

Một bài hát nói tiêu chuẩn chỉ có 11 câu, câu cuối chỉ có 6 chữ và trong bài thường có một cặp câu đối bằng chữ Hán (thường là bảy chữ). Nếu phải thêm số câu vào bài, người ta thường thêm 4 hoặc 8 ... câu (cấp số nhân của 4) (Trừ trường hợp có các câu lục bát). Các nhà thơ viết các bài hát nói bằng cả hai thể chữ: chữ Nôm và chữ Hán.

3. Các thành phần trình diễn Ca Trù

3.1.Một nữ ca sĩ , thường gọi là "đào" hay "ca nương", sử dụng bộphách gõ lấy nhịp. Nói đến ca nương của Ca trù không thể không nói đến Ca nương Quách Thị Hồ (1909 –2001) là một nghệ nhân ca trù nổi tiếng. Bà là người đầu tiên đưa tiếng hát ca trù của Việt Nam ra nước ngoài. Năm 1988, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Bà sinh năm 1909 tại làng Ngọc Bộ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên (trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, nơi sản sinh nhiều làn điệu quan họ). Bà sinh ra trong một gia đình có nghiệp đàn hát lâu đời. Mẹ bà cũng là một ả đào có tiếng. Ngay từ nhỏ, bà Hồ đã sống trong tiếng đàn phách, rồi được mẹ truyền nghề đàn hát. Năm 1930, bà đi ra Hà Nội hát, sau đó làm chủ nhà hát Vạn Thái ở phố Bạch Mai. Bà trở thành đào nương nổi tiếng cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Sau Cách mạng tháng 8, rồi kháng chiến chống Pháp, bà đi hát ở Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên.
Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, bà làm cộng tác viên cho chuyên mục ngâm thơ của Đài tiếng nói VN cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Do hoàn cảnh lúc này nghệ thuật ca trù bị coi là “tàn dư của chế độ phong kiến cũ”  nên những đào kép đều từ bỏ nghề. Năm 1976, Giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp trở về Hà Nội và tìm gặp các nghệ nhân ca trù. Tại đây ông đã ghi âm tiếng hát của bà đem đi giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc đã trao tặng bà bằng danh dự cho công lao "gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quí báu của Việt Nam, một vốn quí của nhân loại". Năm 1983, băng ghi âm tiếng hát của bà đại diện cho ViệtNam đã được xếp hạng nhất tại Liên hoan Quốc tế Âm nhạc Truyền thống châu Á ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Năm 1984, bà tham gia bộ phim tư liệu Nghệ thuật ca trù của đạo diễn Ngô Đặng Tuất và hội ngộ cùng các nghệ nhân khác như Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ… Quách Thị Hồ đã trở thành nghệ nhân ca trù tiêu biểu của Việt Nam.
Bà sở hữu một giọng hát đặc biệt, cùng tiếng phách điêu luyện đã chinh phục nhiều người thưởng thức. Ta có thể thấy những lời khen tặng tối đa về giọng hát của bà Quách Thị Hồ như:
Có người ví tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ.
Chất giọng khỏe, đanh, sắc như đổ vàng vào tai người nghe, chất giọng đầy uy quyền có thể hiếp đáp được người nghe.

Trong khoảng thời gian dài 1955-1975, nghệ thuật ca trù không có chỗ đứng do bị coi là “tàn tích của chế độ phong kiến cũ”. Nhiều đào nương kép đàn đã phải bỏ nghề. Nhưng chỉ có bà Quách Thị Hồ là người dám tự nhận mình là một cô đào, sống nghề hát Ca trù, như câu nói dũng cảm mà bà đã từng nói: "Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát Ca trù". Năm 1978, khi tiếng hát ca trù lần đầu tiên được vang danh trên thế giới, bà đã được ghi nhận là một trong những nghệ nhân ca trù tiêu biểu. Cũng từ đây, nghệ thuật ca trù đã dần được khôi phục, và được biết đến là một trong những di sản quý báu của ViệtNam và nhân loại. Có thể nói Ca nương Quách Thị Hồ là người đã có công đóng góp lớn trong việc khôi phục, quảng bá và phát triển nghệ thuật ca trù.

3.2. Một nhạc công nam giới  thường gọi là "kép", chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát.
Điểm đặc biệt trong ca trù là thanh nhạc và khí nhạc đi song song với nhau và mỗi loại đều có nét đặc thù. Về thanh nhạc, ngoài hát tuồng có những kỹ thuật phong phú và độc đáo còn các bộ môn ca nhạc cổ truyền khác đều không có kỹ thuật thanh nhạc phức tạp, tinh vi như ca trù. Thể hiện rõ nhất là khi đào nương cất tiếng hát, kỹ thuật hát rất điêu luyện, không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ. Hát trong cửa đình không cần ngân nga. Hát “thính phòng” có cách đổ hột,đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người.
3.3.Người thưởng ngoạn, gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát: đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.
Vì là nghệ thuật “âm nhạc thính phòng”, không gian trình diễn ca trù có phạm vi nhỏ hẹp. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là "tức tịch", nghĩa là "ngay ở chiếu". Ca trù được tổ chức chặt chẽ thành phường, giáo phường, do trùm phường và quản giáp cai quản.

Bài Hồng Hồng, Tuyết Tuyết (còn có tên khác là Gặp Đào Hồng, Đào Tuyết) của Dương Khuê vừa là bài thơ chuẩn mực cho thể Hát Nóitrong Ca trù vừa chứa đựng trong nó biết bao cảm xúc của tác giả “quan viên” và các Đào Nương:

Tuyết muốn lấy ông...

Xưa ...ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê. Ông chê Tuyết bé
Tuyết không biết gì
Đến thì. Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết.
Tuyết - Tuyết chê ông già
Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào còn chưa biết chi chi
Mười lăm năm thấm thoát có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu
Ngã lãng du thời khanh thượng thiếu Khanh kim
hứa giá, ngã thành ông Cười cười nói nói sượng sùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

Riêng một thú Thanh Sơn đi lại Khéo ngây ngây. Khéo ngây ngây dại dại với tình. Đàn ai một tiếng
dương tranh?

4. Các loại nhạc khí trong trình diễn Ca trù

Các nhạc cụ chủ yếu trong ca trù gồm có pháchđàn đáy  trống chầu. Phách do đào nương  vừa ngồi hát, vừa điều khiển, thường là dùng hai thanh tre nhỏ gõ trên một thẻ tre hoặc gỗ lớn.. Người gõ phách tạo nên tiếng trầm tiếng bổng, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục, tiếng dương, tiếng âm...Người biểu diễn cũng rất nhịp nhàng, tay cầm phách cái, phách con, tay đưa lên cao, tay đưa xuống thấp uyển chuyển như múa.

Đàn đáy có cấu tạo đặc biệtThùng đàn hình chữ nhật hay hình thang, mặt đàn bằng cây ngô đồng, có mặt mà không có đáy, cần rất dài, gắn 10 hay 11 phím bằng tre rất cao, phím đầu ở ngay giữa bề dài của dây đàn. Đàn mắc 3 dây tơ, có cách nhấn nhá  khác thường, tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, lúc chân phương khi dìu dặt, dễ đi vào lòng người.

Trống chầu là loại trống nhỏ, do chính người nghe hát là quan viên cầm chầu và điều khiển. Trống chầu trong ca trù cũng khác với trống chầu trong Tuồng, Hát bội...cả ở kích thước lẫn cách đánh. Kích thước và hình thức của trống chầu rất gần với trống đế của chèo nhưng cách đánh và chức năng hoàn toàn khác. Dùi trống không gọi là “dùi” mà gọi là “roi chầu”. Roi chầu bằng gỗ, dài hơn dùi trống khách. Người gõ trống (quan viên) phải là người sành về ca trù, am hiểu thấu đáo âm luật Ca trù mới có thể cầm roi chầu được. Người đánh trống ít nhất phải biết 5 phép trống dục, 6 phép trống chầu và nhiều cách biến hóa khác nữa. Khi đã cùng hòa trong một canh hát thì tiếng trống sẽ trở thành nhạc cụ thứ ba sau phách và đàn nhằm tôn vinh tiếng hát với lời thơ. Tất cả trở thành một bản hòa tấu vô cùng phong phú của nhiều âm sắc, nhiều tính năng khác nhau và luôn có sự thay đổi, biến hóa không ngừng.

Ở đây, ca trù lại một lần nữa thể hiện sự độc đáo của mình, đó là trong ca trù có sự giao lưu một cách sâu sắc giữa người thể hiện (ca nương - hát) và người thưởng thức (quan viên - nghe). Riêng trong loại hình ca trù Cửa đình, ngoài trống chầu nhỏ do các quan viên điểm ở dưới gọi là chầu ngang, còn dùng trống lớn và chiêng treo hai bên tả hữu hương án cầm chầu do hai người đánh gọi là chầu dọc.

5.Ca trù ngày nay

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành phố phía Bắc, gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, năm 2010 có 63 câu lạc bộ ở 15 tỉnh, thành phố trên cả Việt Nam có hoạt động thường xuyên và có kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù. Một số tỉnh thành phía Bắc là các tỉnh có nhiều câu lạc bộ ca trù như: Hà Nội có Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, CLB Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù thôn Chanh (Phú Xuyên), CLB Ca trù Bích Câu. Ninh Bình có CLB Ca trù đền thờ Nguyễn Công Trứ, CLB Ca trù Cố Viên Lầu. Hà Tĩnh có Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ, CLB Ca trù Cổ Đạm.
*
Bài Tự Tình và bài Tài tử với giai nhân của  “Thánh Thơ” Cao Bá Quátcó thể đưa chúng ta trở lại “cái thuở ban đầu” của Ca trù cách nay đã hơn nửa thế kỷ:

Tự Tình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét