Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

mẹ tôi là y tá






















MẸ TÔI LÀ Y TÁ


truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH


Thông thường, người ta chỉ muốn “khoe” cha, mẹ của mình khi làm “Ông nọ Bà kia”. Nhưng tôi và cô bạn Hiền Lương thì lại muốn “khoe” mẹ của mình là Y tá. Thực ra, chỉ sau này, khi đã đi làm ở các cơ quan Nhà nước được khoảng năm năm, tôi mới có ý thức về sự phân biệt cao thấp, lớn bé của các vị trí viên chức trong các cơ quan công quyền.
Việc làm Y tá của mẹ tôi và mẹ cô bạn Hiền Lương có cái gì đó bất bình thường, mà mãi sau này, khi mẹ tôi sắp qua đời tôi mới được biết tường tận. Mới đọc mấy dòng này, thế nào cũng có người hỏi: Tại sao tôi không chỉ tập trung nói về mẹ của mình mà lại có cả mẹ của cô bạn Hiền Lương nào đó? Tôi xin nói ngay, mẹ tôi và mẹ của cô bạn Hiền Lương là chị em sinh đôi, mẹ tôi tên Thao Giang, là chị, còn mẹ Hiền Lương tên Lô Giang, là em, đương nhiên. Còn tôi và Hiền Lương chỉ coi nhau là bạn mà không phải là anh em con Dì con Già vì Hiền Lương không phải là con đẻ mà chỉ là con nuôi, nhưng mẹ Hiền Lương coi như con đẻ vì đã nuôi Hiền Lương từ lúc mới lọt lòng!
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hai chị em Thao Giang và Lô Giang đều đã học hết bậc Trung học, nên khi lên chiến khu tham gia kháng chiến đều được gọi đi học: người chị Thao Giang học Sư phạm, còn người em học Y. Lúc đó, chưa có trường Đại học như bây giờ, nên khi tốt nghiệp chỉ tương đương trình độ Trung cấp, tức cô chị Thao Giang về làm giáo viên Cấp Hai (từ lớp 5 đến lớp 7, hệ 10 năm), còn cô em Lô Giang về làm Y sĩ. Thời kỳ kháng chiến lúc đó, trình độ văn hóa, chuyên môn như thế đã là cao vì so với mặt bằng văn hóa chung của đất nước thì còn có tới 80% là mù chữ!
Cả tôi và Hiền Lương đều được sinh ra khi mẹ tôi ( tức người chị Thao Giang) và mẹ Hiền Lương còn đang học ở trường Sư phạm và trường Y, nên khi hai người mẹ học xong và đi làm ở đâu thì chúng tôi làm sao mà biết?
Sau kháng chiến, tất cả chúng tôi đều về sống ở Hà Nội, cùng thuê chung một căn nhà. Lúc đầu, cả mẹ tôi và mẹ Hiền Lương đều không đi làm ở cơ quan Nhà nước mà mẹ Hiền Lương thì bán xôi đậu xanh, còn mẹ tôi thì bán xôi gấc. Thực ra hai người cùng làm hàng và cùng bán với nhau, tuy lúc bán thì mẹ tôi lo thúng xôi gấc còn mẹ Hiền Lương lo thúng xôi đậu xanh. Song, hai người ngồi cạnh nhau, có thể thay nhau xử lý mọi việc, cho nên tuy hai mà một!
Lúc đó, việc buôn bán như thế không phổ biến đại trà như bây giờ và bị coi như “ngoài vòng pháp luật”, có thể bị mấy anh cán bộ Thuế vụ bắt bất cứ lúc nào! Song, hai cô hàng xôi Thao Giang và Lô Giang khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh nên thoáng thấy “động” là đội thúng xôi lên đầu mà “ù té quyền”!
Tôi và Hiền Lương lúc đó đã bảy, tám tuổi, thường đi bán phụ cho hai người mẹ nên công việc rất nhanh chóng kết thúc, chỉ khoảng chín giờ sáng là đã có thể thu dọn chiến trường. Chính vì tôi và Hiền Lương thường đi bán xôi với mẹ nên khi vừa thò mặt tới trường là mấy đứa hay trêu chọc hát liền bài hát “Cô hàng xôi”: Cô hàng xôi ơi / Bán tôi hai hào / Bán cho rẻ nhé / thêm tí hành phi / thêm tí hạt tiêu / ới cô hàng xôi /…xôi cô ngon ghê / nhưng mà tôi chê / móng tay cô dài / cô gãi lên đầu / chấy rơi vào xôi… 
Lúc đầu, nghe chúng bạn hát thế, Hiền Lương tỏ vẻ bực tức, nhưng tôi bảo: “Kệ chúng nó! Rồi thế nào chúng cũng bị kết tội xuyên tạc bài hát!” (Vì đó là lời nhại bài gốc “Hoa Chăm Pa” và lúc đó sự “nhại lời” những bài hát đã nổi tiếng, đã phổ biến được coi như là hành vi phản động!). Mấy đứa kia sau khi biết tôi nói vậy thì sợ, không dám hát trêu chọc nữa!
Một hôm, chúng tôi mới bán được non nửa thúng xôi thì hai cán bộ Thuế vụ đột ngột xuất hiện, ngồi thành hai đống lù lù trước hai thúng xôi! Cả hai người mẹ và hai đứa con chúng tôi đều tròn mắt kinh ngạc, nổi da gà và tất nhiên là không thể chạy như mọi khi mà ngồi chết lặng! Hai cán bộ Thuế vụ kéo cái “xà-cột” (loại túi công tác lúc đó, thường đeo lủng lẳng bên hông, có người lại thích để lủng lẳng phía trước, cho thiên hạ sợ!) lên đùi, lấy ra kẹp giấy tính viết phạt thì có hai người khách đang ngồi ăn xôi cạnh đó (chúng tôi có đem theo vài cái ghế con để ai muốn ăn ngay tại chỗ thì ngồi), đến sát bên hai người cán bộ Thuế vụ, rút ra hai cái thẻ gì đó rồi chìa ra trước mặt hai người kia, đồng thời nói nhỏ đủ cho hai người cán bộ Thuế vụ nghe rõ: “Đây là đối tượng của chúng tôi đang “Làm việc”, các anh không được đụng vào!”. Hai người cán bộ Thuế vụ thấy vậy thì đứng dậy, lẳng lặng “rút quân” ! Hai người khách đang ăn xôi chờ cho hai người cán bộ Thuế vụ đi xa thì cười cười rồi nói: “Hai người không phải sợ bất cứ ai, có chúng tôi “canh chừng” thì không ai dám “làm gì” cả!”…
Về nhà, hai người mẹ cứ suy nghĩ mãi về hai người khách ăn xôi, không biết vì sao họ lại “quan tâm đặc biệt” đến mình như vậy? Không cần đợi lâu, sáng hôm sau, khi hai người mẹ vừa đặt thúng xôi xuống chỗ bán xôi quen thuộc thì hai người khách ăn xôi đặc biệt hôm qua xuất hiện, kéo ghế ngồi trước thúng xôi và cùng nói: “Hôm nay chúng tôi mở hàng, hẳn sẽ rất đắt hàng!”. Vừa ăn xôi, hai người khách này vừa nhỏ nhẹ hỏi dăm ba câu và kín đáo đưa tình qua ánh mắt với hai “Cô hàng xôi”!...Trước khi đi, hai người khách ăn xôi còn hát bài “Cô hàng xôi” và cố ý dừng ở câu:… Cô hàng xôi ơi / Tôi muốn cùng cô / Kết duyên trọn đời! 
Buổi trưa, khi ăn cơm, cả mẹ tôi và mẹ Hiền Lương không nói câu nào, khác hẳn những bữa ăn mọi khi, nói đủ thứ chuyện. Như là không chịu nổi sự im lặng như thế, Hiền Lương nói: “Con thấy có vẻ như hai người khách ăn xôi kia muốn cưới mẹ Lô Giang và bá (bác) Thao Giang?”. Mẹ Hiền Lương nói như quát: “Không được nói bậy! Mẹ Lô Giang đã quyết không lấy chồng để nuôi Hiền Lương. Còn mẹ Thao Giang thì ai mà lớ xớ đụng vào, ông Tiểu đoàn trưởng về bắn vỡ sọ!”. Không ngờ Hiền Lương nói ngay, mà giọng điệu như người lớn: “Mẹ không thể ở vậy suốt đời được! Mẹ phải lấy chồng thì mới có người bảo vệ, mới có chỗ dựa chắc chắn! Mẹ không nhớ hôm hai người cán bộ Thuế vụ định “bóp nặn” chúng ta à? Nếu không có hai người khách ăn xôi thì lỗ nặng! Còn bố sĩ quan của chúng ta thì có mấy khi về nhà, đúng là “nước xa không cứu được lửa gần”! Con nói có đúng không?”. Mẹ tôi lúc ấy mới nói: “Con Hiền Lương còn nhỏ mà nói đúng lắm! Tôi có cảm giác bất an, lúc nào cũng thấy thấp thỏm!...Có lẽ chúng ta phải nghỉ bán xôi, tới Bệnh viện nào đó xin việc làm, tôi nghĩ chắc không khó vì Bệnh viện nào cũng sẽ rất thiếu người!”. Mẹ Lô Giang nghe nói vậy thì có vẻ như tán đồng nhưng lại băn khoăn: “Em thì không nói làm gì, với chuyên môn như em, chắc chắn người ta sẽ nhận ngay. Nhưng còn chị, ai lại nhận cô giáo vào làm việc ở Bệnh viện?”. Mẹ tôi nói ngay: “Cô giáo chẳng lẽ không làm được Hộ lý? Rồi tôi sẽ xin đi học lớp Y sỹ tại chức!”. “Như thế thì vất vả cho chị quá!” – mẹ Lô Giang thở dài. Còn mẹ tôi thì như là nuốt tiếng “thở dài” vào trong bụng, tuy nhiên hai giọt nước mắt vẫn cứ lăn ra…
Hai chị em Thao Giang và Lô Giang bàn tính với nhau ngày hôm sau sẽ đến Bệnh Viện Phủ Doãn để xin việc vì người em Lô Giang hy vọng sẽ có người cùng học lớp Y sĩ với mình hồi ở chiến khu đang làm việc ở đó giới thiệu. Khi đến Bệnh viện Phủ Doãn, quả nhiên gặp tới hai người cùng học rồi cùng làm việc với nhau một thời gian sau khi kết thúc khóa học, nhưng cả hai người cùng nói: “Bạn thật không may rồi! Cái ông Trần Mã, cán bộ phụ trách vấn đề nhân sự của chiến khu hồi ấy, người đã định chiếm đoạt trinh tiết của bạn không được rồi kỷ luật đuổi việc bạn khi có chuyện bệnh nhân tử vong ấy, giờ làm chức gì đó to lắm ở trên Sở Y tế, vợ cũng là cán bộ Tổ chức của Bệnh viện này. Việc bạn xin vào làm ở đây thế nào cũng phải qua sự phê duyệt của vợ chồng ông ta! Chắc là sẽ khó đấy!”. Bàn tính mãi, cuối cùng người bạn kia chặc lưỡi nói: “Cứ thử xem sao vậy! Biết đâu giờ ông ta lại có tấm lòng Bồ Tát mà nhận các bạn vào làm ở Bệnh viện này cũng nên? Thời gian có thể làm thay đổi tính nết con người mà!”.
Quả nhiên, khi người bạn dẫn hai chị em Thao Giang và Lô Giang đến gặp vợ ông Trần Mã, rồi gặp ngay cả ông Trần Mã, đều rất vui vẻ, đều nói Bệnh viện đang rất cần người có chuyên môn giỏi và nhiệt tình công tác, yêu nghề và quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề Y này... Nhưng hôm sau, khi hai chị em đến Bệnh viện để làm thủ tục thì bà vợ ông Trần Mã nói: “Vấn đề của cô hóa ra lại rất phức tạp, vừa có “tiền án” lại có chuyện thành phần lý lịch. Vậy cô phải lên Sở Y tế, ở trên đó mới có thẩm quyền quyết định!”. Khi lên Sở Y tế, hình như ông Trần Mã đã chờ sẵn. Tuy nhiên, ông Trần Mã không nói ngay đến chuyện xin vào Bệnh viện mà cứ hỏi hết chuyện nọ sang chuyện kia. Chẳng hạn như từ ngày về Hà Nội sinh sống thế nào, sức khỏe có tốt không, đêm ngủ có ngon không, có hay gặp ác mộng không, v.v…Trong khi nói chuyện, ông Trần Mã cứ nhìn xoáy vào ngực hai chị em, lại còn thỉnh thoảng cứ đụng chân, đụng tay…Hai chị em đều “đọc” được cái ý nghĩa thực sự đằng sau những câu chuyện vòng vo Tam quốc của ông Trần Mã, đã có đến ba lần, hai chị em ra hiệu cho nhau “rút quân” nhưng không hiểu sao không dứt khoát được? Cuối cùng thì ông Trần Mã cũng thò cái đuôi cáo ra , kết thúc buổi gặp bằng lời hứa: “Chúng tôi sẽ họp bàn lại trong Ban lãnh đạo, sẽ cố gắng chọn cách giải quyết tốt nhất, song còn phải xem “thành ý” của các cô ra sao?”.
Buổi tối, hai chị em Thao Giang và Lô Giang đang ngồi thở ngắn than dài với nhau thì ông Trần Mã bất ngờ xuất hiện như người tàng hình và nói ngay: “Chúng tôi đã nhất trí nhận cả cô Lô Giang và cô Thao Giang vào Bệnh viện làm việc. Cô Lô Giang sẽ làm nhiệm vụ Y tá. Sau một thời gian thử thách, nếu có biểu hiện tốt sẽ được làm đúng khả năng đã được đào tạo là Y sĩ. Còn cô Thao Giang cứ tạm thời làm Hộ lý, với trình độ văn hóa cao như cô, khi nào có lớp học Y tá sẽ bố trí cho đi học. Nếu học giỏi, có thể học lên Y sĩ, thậm chí tới Bác sĩ!”. Cả hai chị em không ngờ kết quả lại bất ngờ như vậy thì cùng cảm ơn rối rít. Ông Trần Quả liền nói tiếp: “Không thể chỉ cảm ơn suông như thế, mà phải bằng hành động thực tế!”. Cả hai chị em lại đồng thanh nói: “Chúng em sẽ tích cực làm việc, không ngại khó khăn, gian khổ!”. Ông Trần Mã cười nói: “Tôi nghe những lời hứa như thế quá nhiều rồi, ai cũng nói như thế! Giờ tôi muốn các cô phải bằng hành động thực tế? Vậy mà các cô không hiểu sao, cô Lô Giang?”. Ông Trần Mã nhìn xoáy vào Lô Giang, ánh mắt ma quái của ông ta như đàn côn trùng bò khắp cơ thể cô gái, khiến cô rùng mình, nổi da gà!
Đúng lúc đó, hai người khách ăn xôi bất ngờ xuất hiện như từ trên trời rơi xuống! Một người đứng ở cửa, như có ý nói “Tất cả ngồi im! Nội bất xuất, ngoại bất nhập!”. Một người nhẹ nhàng đi lại gần chỗ hai chị em Thao Giang và Lô Giang, dịu dàng nói: “Tại sao hai chị em không bán xôi nữa mà không nói một tiếng, để chúng tôi nhịn đói hai ngày hôm nay rồi?”. Hai chị em ngớ người, chưa biết phản ứng thế nào thì người này tiến sát đến bên ông Trần Mã, nói nhẹ nhàng nhưng trong giọng nói ẩn chứa rất nhiều sát khí: “Xin chào Mã Tiên sinh! Nghe danh Mã Tiên sinh đã lâu mà hôm nay mới được diện kiến, quả là “danh bất hư truyền”, Mã Giám Sinh của Thi hào Nguyễn Du làm sao sánh bằng? Lần này thì Ban Bảo vệ nội bộ có đầy đủ bằng chứng sinh động, cụ thể chứ không chỉ “nghe nói” nữa rồi!”. Ông Trần Mã từ nãy vẫn đứng yên bất động, giờ thì giật mình, luống cuống , song ông ta cũng kịp lấy lại “sự bình tĩnh nghề nghiệp” và đi lại cạnh người đứng ở cửa, nói cái gì đó với người này và hai người cùng đi ra ngoài!
Sau lần “đụng độ” giữa ông Trần Mã và “hai người ăn xôi”, thực ra là hai cán bộ của Ban Bảo vệ nội bộ - những người có sức mạnh ngầm -, hai chị em Thao Giang và Lô Giang được nhận vào làm việc ở Bệnh viện, người chị Thao Giang làm Hộ Lý, người em Lô Giang làm Y tá. Một tháng sau thì người chị được cử đi học một khóa Y tá chín tháng, còn người em Lô Giang thì lên xe hoa với một trong hai người khách ăn xôi kia! Sau khi cưới chồng, hai mẹ con Lô Giang không ở với người chị Thao Giang nữa mà Lô Giang phải về nhà chồng làm một nàng dâu thảo hiền!
Lâu lâu, hai mẹ con Lô Giang mới đến thăm người chị Thao Giang. Lần nào cũng vậy, vừa nhìn thấy chị Thao Giang, người em Lô Giang đều nhào tới chị rồi khóc nức nở như là ở nhà chồng không thể được khóc! Khóc tới năm phút, Lô Giang mới nói với chị: “Chị ơi, em khổ quá! Chồng em nó vũ phu quá, hơi tí là đánh em không hề nương tay!”. Nói rồi lại khóc mãi, không nói gì được cho tới lúc chia tay!
Từ sau khi mẹ con Lô Giang và Hiền Lương về nhà người chồng Lô Giang, tôi không có dịp gặp lại hai mẹ con nữa. Có hỏi mẹ Thao Giang nhưng mẹ như là không muốn nói. Ngay cả chuyện tại sao mẹ Thao Giang thôi không làm cô giáo nữa, mà lại làm Y tá , phải đi học lại từ đầu và công việc thì cực nhọc, vất vả hơn làm cô giáo rất nhiều, mẹ cũng không muốn nói….Mãi tới khi mẹ Thao Giang bệnh nặng, có vẻ như sắp qua đời, mẹ mới nói: “Nếu như không có đợt tăng cường lực lượng cho các Bệnh viện dã chiến ở chiến trường thì có lẽ dì Lô Giang sẽ chết lụi dưới tay người chồng vũ phu! Nhưng vào Quân Y được ba năm thì Thần Chết ở chiến trường đã bắt dì ấy đi rồi! Thật tội nghiệp!... Còn việc tại sao mẹ lại bỏ nghề cô giáo mà chuyển sang làm Y tá thì không thể giải thích được tại sao? Con không nhớ câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Thì đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa” sao?”.


Sài Gòn, cuối tháng 2-2010









© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 28.02.2010.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét