Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một kíp trực ban chiến đấu của máy Rađar P. 40 gồm có ba người thì ở vị trí máy số Một là Duy Nhất, ở máy số Hai là Song Nhị và ở máy số Ba là Thanh Ba. Ba người là thành một tổ chiến đấu – tổ ba người, đơn vị nhỏ nhất trong lực lượng vũ trang của chúng ta. Thường thì ba người là một khối thống nhất, như ba bộ phận của cơ thể : đầu, mình và tứ chi. Trong chiến đấu, yêu cầu hiệp đồng nhịp nhàng là yêu cầu bắt buộc : số Một thông báo phương vị , cự li mục tiêu xong thì số Hai phải thông báo ngay số lượng , kiểu (mấy tốp, mỗi tốp mấy chiếc, loại kiểu gì) và tiếp theo là số Ba phải thông báo ngay độ cao của của từng tốp, từng chiếc. Đó là nhiệm vụ chính yếu của các trắc thủ Rađar mà ba nhân vật Duy Nhất, Song Nhị và Thanh Ba phải đảm nhận trong những năm diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại của “ không lực Huê kỳ” đối với miền Bắc Việt Nam. Binh chủng Rađar là một binh chủng kỹ thuật , mới được thành lập khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, lúc mới ra đời ít được tuyên truyền nên ít người biết đến . Ở đây tôi chỉ nói rõ thêm một chi tiết để bạn đọc hiểu rõ thêm hoàn cảnh chiến đấu của tổ ba người trắc thủ Rađar này càng làm cho họ gần gũi, gắn bó nhau hơn : khi làm nhiệm vụ, ba trắc thủ phải ngồi trong một buồng kín trên xe hiện sóng, được đặt trong một ụ đất hình chữ U để tránh mảnh bom nếu trận địa Rađar bị máy bay địch oanh tạc. Khi máy Rađar làm việc, cái buồng kín đó ngột ngạt và nhiệt độ lên tới 40 – 45 độ, dù đã có quạt thông gió…
Ba anh lính trắc thủ Rađar đó đến từ ba miền quê khác nhau : Làng quê của Duy Nhất ở một vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, lúc đó còn ghép ba tỉnh gọi là Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Tuy bị gọi là “Dân Cầu tõm” (vì đại tiện thẳng xuống ao hồ) nhưng Duy Nhất vẫn tự hào với làng quê mình vì đây là đất học – “địa linh nhân kiệt”. Còn với Song Nhị, làng quê của anh chính là nơi ngày xưa vua Lê Thái Tổ tức Lê Lợi đã nhận được gươm thần của Thần Rùa mà làm nên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sáng ngời lịch sử chống ngoại xâm . Song Nhị luôn kể chuyện về tổ tiên của mình đã từng theo vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh ra sao và có nhiều người đã lập công lớn , làm tới tướng soái, đại thần của Triều đình nhà Lê về sau. Cuối cùng sau mỗi lần kể chuyện như vậy, Song Nhị đều kết luận , quê anh ta, đất Thanh Hóa anh hùng mới thực sự là địa linh nhân kiệt. Ngay lập tức , Duy Nhất nói ngay : Nếu Lê Lợi không có Nguyễn Trãi từ đất Bắc vào đất Lam Sơn dâng Bình Ngô sách thì dù có Gươm Thần cũng không đánh thắng được giặc Minh ! Duy Nhất còn ví von giống như Lưu Bị , nếu không có Gia Cát Khổng Minh bày mưu tính kế thì dù có là tôn thất nhà Hán cũng chẳng làm nên chuyện ! Anh ta còn kể ra một danh sách dài dằng dặc những ông Nghè, ông Cống , rồi những Nhà nọ Nhà kia về sau này đều là người làng quê mình, nếu không cùng làng thì cũng là huyện mình, tỉnh mình ! Rồi anh ta kết luận : nước mình là nước nhỏ, muốn đánh thắng những lực lượng hùng mạnh của nước lớn phải dùng Trí, không thể hữu dũng vô mưu ! Tóm lại, Duy Nhất đề cao học vấn và không bao giờ anh ta quên việc nói rằng mình là học sinh giỏi cấp tỉnh , đã có giấy gọi vào đại học nhưng tình nguyện xếp bút nghiên theo việc binh đao ! Những khi Duy Nhất và Song Nhị đấu khẩu như vậy ( thường là vào những lúc cả ba người đang ngồi trong xe hiện sóng nhưng chưa có lệnh mở máy), Thanh Ba thường là ngồi yên, chỉ khi nào một trong hai người kia cần lôi kéo đồng minh thì anh mới ậm à nói vài câu, có khi chẳng ăn nhập gì với câu chuyện của hai người kia ! Vì đang mải mê với những hào quang trong câu chuyện của mình nên hai người chẳng để ý gì đến sự “ậm à” của Thanh Ba và thường là cuộc đấu khẩu bị ngừng lại ở cao trào nhưng không thể tiếp tục vì có lệnh mở máy chiến đấu . Nhiệm vụ phát hiện máy bay địch từ xa không cho phép họ chậm dù chỉ một giây !
Một cách ngẫu nhiên như vậy (hay có bàn tay sắp đặt thần bí) những cuộc nói chuyện về làng quê của ba người thường chỉ đủ thời gian cho hai người là Duy Nhất và Song Nhị , mà thực ra là chưa đủ vì cả hai người dường như cảm thấy mình nói chưa hết , nên khi tắt máy, trên đường về chỗ ở, rồi trong bữa ăn họ lại tiếp tục chứng minh làng quê của mình mới thực sự là địa linh nhân kiệt ! Ở trong môi trường quân đội, việc có được làng quê được mệnh danh là địa linh nhân kiệt là quê hương mình là niềm tự hào , là hạnh phúc lớn lao đối với người lính , bởi vì ngoài việc phải đối mặt với quân giặc, người lính chỉ còn một nơi duy nhất để dồn tâm trí về đó là quê hương !...
Thanh Ba quê quán ở đâu ? Anh suy nghĩ gì về quê hương mình ?
Cũng như mọi người lính khác , Thanh Ba cũng sinh ra từ một làng quê , ở tỉnh Thái Bình. Ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, khi nghe mọi người chế nhạo dân Thái Bình “ tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành” anh cảm thấy cực kỳ tủi hổ và có ai hỏi về quê quán anh đều lảng sang chuyện khác. Thực ra , anh chỉ sống ở làng quê đến năm sáu tuổi, sau đó anh theo bố lên chiến khu Việt Bắc. Những hình ảnh cụ thể về quê hương anh không nhớ rõ mà chỉ nhớ được những câu chuyện ông nội kể về cái làng quê anh. Làng anh không như những nơi khác có từ thời xa xưa mà chỉ có từ thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn , có ông Nguyễn Công Trứ là quan Hình bộ Hữu Tham tri , giữ chức Dinh điền sứ coi việc khai khẩn đất hoang tại các miền duyên hải hai hạt Nam Định , Ninh Bình , đã lập ra được hai huyện mới là Tiền Hải và Kim Sơn và hai tổng Hoành Thu và Minh Nhất (đó là vào năm Minh Mạng thứ 10 tức năm 1829). Sau này , huyện Tiền Hải là một huyện của tỉnh Thái Bình, đó chính là huyện quê của Thanh Ba .
Dân của những huyện mới này là dân tứ xứ trôi dạt về vì đủ loại nguyên do khác nhau.Vị trưởng làng đầu tiên, theo như ông nội của Thanh Ba kể lại, vốn là sai nha ở Bắc Thành, vì tội ăn của đút mà bị đi đày, thế nào lại được quan Dinh điền sứ lấy vào đội quân khai khẩn và được cử làm xã trưởng. Khi ấy, có ông thày tướng đi qua làng, nhìn thế đất của làng và nhìn tướng của ông xã trưởng thì nói:”Ông xã trưởng này có tướng Lộ khổng tỵ tức tướng khất cái (ăn mày tứ phương). Có điều lạ là hầu hết dân ở cái làng này đều có tướng Lộ khổng tỵ. Đó, mọi người cứ nhìn mũi nhau thì thấy ai cũng thân mũi dài, nhỏ và cao, sơn căn hẹp, đầu mũi nhỏ nhọn và đặc biệt là lỗ mũi rất rộng và hướng lên phía trên. Về mạng vận, tướnglộ khổng tỵ dù có đi 4 phương 8 hướng và có Đông nhạc, Tây nhạc, Nam nhạc và Bắc nhạc đắc cách hỗ trợ cũng chỉ thành đạt phần nào về đường khoa hoạn nhưng phần nhiều hũu danh vô thực, hữu quý vô phú, luôn nghèo túng. Thảng hoặc có tiền thì cũng không giữ được…Nếu ngũ quan đều ở dưới mức trung bình thì với Lộ khổng tỵ , kẻ đó suốt đời túng thiếu, phải lưu lạc tha phương cầu thực, tức là số khất cái . Dân làng này sẽ thành Cái Bang!
Mọi người nhìn mũi nhau thì quả nhiên như lời ông thày tướng, chẳng sai câu nào. Chỉ ba bảy hai mốt ngay sau đó, dân làng đã “tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành” ! Chuyện đó tồn tại cho đến hôm nay, hành khất đã trở thành nghề chính của dân làng.
Trong những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, lực lượng Phòng không - Không quân phải trực ban chiến đấu 24/24. Riêng đối với Binh chủng Rađar – được mệnh danh là Mắt Thần, thì vấn đề này đặc biệt quan trọng. Tuy thế, các thủ trưởng đơn vị rất rất linh hoạt giải quyết cho các anh lính trắc thủ Rađar của chúng ta được tranh thủ về thăm gia đình vào những ngày Tết hoặc khi có tang gia. Vào dịp Tết năm thứ ba của đời lính , Thanh Ba được tranh thủ về quê, trước khi đi thủ trưởng đơn vị đã nhắc đi nhắc lại : chỉ được đúng ba ngày , không được đến đơn vị trễ dù chỉ một giờ !
Lúc này , bố mẹ Thanh Ba đang sống và làm việc ở Hà Nội. Nếu thuận buồm xuôi gió, anh có thể xum họp gia đình trong đêm giao thừa ! Đó là điều mà bất kỳ anh lính trẻ nào cũng mong ước !
Sáng ngày Ba mươi Tết, Thanh Ba dậy thật sớm và lên đường khi những giọt sương đêm còn long lanh trên những ngọn cỏ ven đường. Từ chỗ đơn vị đóng quân ra tới đường quốc lộ chỉ có một giờ đi bộ. Anh thật may mắn , gặp ngay một xe chở thương binh từ chiến trường miền Nam ra Bắc. Đồng chí lái xe vui vẻ cho anh đi và còn tặng anh một gói thuốc lá Sa-mít hút Tết. Đúng là từ nơi bom đạn ra, ai cũng hào phóng và thân thiện !
Chiếc xe chở thương binh tới Thái Bình thì dừng lại , cho hai thương binh xuống xe . Một người bị cụt mất một chân, người kia còn băng kín cả hai mắt. Người bị băng kín hai mắt cho người bị cụt chân vịn vào vai và làm người chỉ đường, hai người dìu nhau bước đi trên con đường lầm bụi… Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu Thanh Ba , anh hỏi đồng chí bác sĩ phụ trách đoàn :
- Hai đồng chí thương binh kia đi về huyện nào vậy ?
- Huyện Tiền Hải . Hình như họ đều là người làng Cái Bang !
Đồng chí Bác sĩ cười cười rồi nói tiếp :
- Dân ăn mày có ở khắp nơi, điều đó ai cũng rõ. Nhưng có cái làng mà cả làng đều hành nghề ăn mày thì giờ tôi mới biết !...
Đồng chí là lính phòng không à ? Người Hà Nội à ? Đồng chí thật là hạnh phúc : đi lính thì là “lính Cậu”, làm người thì là dân Thủ đô , không bù cho tôi , quê tôi ở tít ngoài đảo Bạch Long Vĩ bốn bề sóng vỗ !...
Ý nghĩ vừa lóe lên ban nãy trong đầu Thanh Ba đã hiện rõ hình hài : Mình phải về quê , về cái làng Cái Bang – nơi mình đã được sinh ra mà gần hai mươi năm qua mình tưởng như đã quên đi, đã biến mất trong tâm tưởng ! Thanh Ba vội vàng lấy ba-lô rồi xuống xe, chạy theo hai người thương binh đã mất hút trên con đường mờ bụi ! Người bác sĩ và lái xe trố mắt nhìn theo !...
Thanh Ba đi như chạy , mong đuổi kịp hai người thương binh nhưng càng đi anh càng không thấy tăm hơi họ đâu ! Ngồi nghỉ dưới một gốc cây đa bên đường , Thanh Ba mới kịp nhận thấy người mình đầm đìa mồ hôi, cổ thì khát cháy ! Thanh Ba bình tĩnh sắp xếp lại những ý nghĩ đang bay lượn như đàn én giữa trời xuân thì có một ông già đầu đội nón mê, vai đeo bị, một tay cầm gậy đi tới. Anh đứng dậy , định tiếp tục bước đi thì giật mình kinh ngạc khi nhận ra ông già đó chính là ông Nội !
Hình như ông nội đã nhận ra Thanh Ba từ xa, nên khi gặp Thanh Ba ông cười vui vẻ :
- Ông đoán biết thế nào Tết này cháu đích tôn của ông cũng về quê ăn Tết mà ! Nào , ta về nhà đi , ông có rất nhiều quà cho cháu đây ! Ông còn được báo mộng , năm nay cháu của ông sẽ được trở về tiếp tục học ở trường đại học Bách khoa của cháu !
Thanh Ba đi theo ông nội như một cái bóng câm lặng , biết bao nhiêu ý nghĩ cứ chuyển động hỗn loạn trong đầu anh , không có cái nào rõ ràng cả… Anh lại như nghe thấy ông nội nói :
- Bố cháu muốn ông bỏ cái làng này, lên Hà Nội ở với nhà cháu, nhưng ở được một năm thì hết chịu nổi : chật chội, tù tùng , bố cháu lại lắm khách khứa , toàn những người kiểu cách , không thực lòng , họ chỉ muốn nhờ vả bố cháu để lên lương lên chức, tức là họ chỉ đến với cái quan chức của bố cháu. Mà quan nhất thời, dân vạn đại, khi bố cháu thôi quan chức rồi thì sao ? Mà còn điều này nữa, tại sao bố cháu lại coi khinh cái nghiệp của cha ông , lại muốn quên đi cái làng quê nơi mình đã sinh ra ? Thôi được , cháu đích tôn của ông không như vậy là ông vui rồi !...
Hai ông cháu về tới nhà từ lúc nào không hay, Thanh Ba vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà nội tóc bạc phơ mà vẫn còn rất khỏe !
Rồi cả các chú , bác, ai cũng rất khỏe mạnh , nhanh nhẹn, đặc biệt là ai cũng có đôi chân săn chắc như của vận động viên ma-ra-tông !...
Đêm giao thừa ở nhà ông nội thật vui vẻ , Thanh Ba có cảm giác như đây là nơi hội tụ của niềm vui ! Khách đến xông đất rất đông và ai cũng đem đến một niềm vui, một điều bất ngờ ! Và điều khiến Thanh Ba kinh ngạc hơn cả là sự góp mặt của đủ loại anh tài trong thiên hạ : đây là nhà khoa học đang làm việc tại viện vật lý địa cầu, một người khác đang làm việc tại viện hạt nhân nguyên tử nước ngoài, đây là vị giáo sư nổi danh của trường đại học Thủy sản , một vị khác đang giảng dạy tại trường đại học kinh tế , đây là vị bác sĩ nổi tiếng về châm cứu và day huyệt , một người khác là dược sĩ cao cấp của một công ty dược hàng đầu thế giới , đây là nhà thơ châm biếm , đây là nhà báo , đây là họa sĩ, còn đây là nhà ảo thuật, đây là nhà thiết kế thời trang , đây là diễn viên điện ảnh, đây là siêu người mẫu , siêu sao ca nhạc…Riêng trong lĩnh vực thể thao gần như có đủ các bộ môn và đều ở cấp kiện tướng, đặc biệt là môn điền kinh thì nhiều vô kể !... Đám thanh niên trẻ tuổi và Thanh Ba cứ tròn mắt, há mồm ra mà kinh ngạc, mà thán phục !
Ở cái làng quê được gọi là “Làng Cái Bang” này có tục lệ dù phiêu dạt ở tận chân trời góc biển nào , cứ đến cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đều phải về làng để trình làng những thành công , kết quả mà mỗi thành viên đã đạt được và đóng góp vào quỹ Bảo trợ của làng . Quỹ này sẽ giúp đỡ, chi viện cho những thành viên chưa thành đạt hoặc bị sa cơ lỡ bước, gặp khó khăn,tai biến ! Chính vì vậy , đêm giao thừa trở thành đêm hội làng và kéo dài tới sáng, vì không phải những người ở xa về làng đều có thể đúng khớp một giờ nhất định !
Thanh Ba lại bị một bất ngờ nữa khiến anh bàng hoàng , đó là việc ông nội anh đang giữ trọng trách là vị Trưởng làng thứ 12 vị trưởng làng cuối cùng của một Giáp. Vị trưởng làng thứ 12 sẽ phải vất vả để hoàn thành việc tổng kết, hoàn tất cuốn lịch sử 140 năm của làng . Việc làm đó của ông nội , lẽ ra bố của Thanh Ba phải là người trợ giúp đắc lực , nhưng…
Tới ba, bốn giờ sáng mồng Một Tết, năm người làng cuối cùng đã về trình làng , đó là năm người được mệnh danh làNgũ hổ khi còn ở làng và bây giờ thì được giới kinh doanh Việt kiều gọi là đại gia một cách kiềng nể ! Sau khi năm Việt kiều đại gia kể chuyện ở xứ người (có đủ cả năm châu bốn biển), vị phó trưởng làng , đang hành nghề Đông y ở Thủ đô , lên tiếng :
- Tôi đố ai nói được ba điểm khác người của làng ta , ai nói đúng sẽ được thưởng một ngàn đô-la !
Mọi người tranh nhau nói nhưng không ai nói trúng đáp án !
Bỗng có một vị đang hành nghề nhà báo reo lên :
- Tôi nghĩ ra rồi ! Ơ- rê-ka ! Tôi đã nghĩ ra : Thứ nhất, người làng ta không có ai bị dính vào cái họa tù ngục ,”nhất nhật tai tù thiên thu tại ngoại”. Vừa rồi , tôi có đi cùng với mấy đồng nghiệp bên công an đến tất cả các trại giam lớn nhỏ trên toàn quốc thì phát hiện ra rằng không có người làng ta . Điều này tưởng bình thường , nhưng hầu như không có làng nào như làng ta. Nếu làng nào cũng trong sạch như làng ta thì đỡ tốn kinh phí khổng lồ cho việc nuôi một đội quân khổng lồ gồm cảnh sát , viện kiểm sát, Tòa án, trại giam, v.v… Thứ hai , dù làm bất cứ ngành nghề gì , người làng ta vẫn giữ được truyền thống : đó là mỗi năm phải hành khất một tháng ! Thứ ba , người làng ta có mặt ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, thậm chí nhiều quốc gia nhất !
Vị nhà báo định nói nữa nhưng phó trưởng làng ngăn lại :
- Hai điểm đầu là chính xác và giữ được mãi cũng không phải là đơn giản ! Còn điểm thứ ba thì vô bằng cớ, không thể chính xác được ! Khi nào làng ta có người làm ở Viện Xã hội học thì mới có thể có được con số thống kê chính xác !
Vị nhà báo ngớ người, mọi người xì xào, không ai dám quả quyết điểm thứ ba ấy là gì . Phó trưởng làng cười tủm tỉm rồi nói từ tốn :
- Nếu không ai nói được tôi xin công bố đáp án ! Điểm này chỉ những ai rành về tướng số mới có thể nói được ! Đó là trai tráng làng ta tuy có tướng Lộ khổng tỵ nhưng đều rất tốt về đường thê tử , tức là cũng lấy được vợ có tướng cách Vượng phu ích tử : người thì có Ô long quấn ngọc trụ , người thì có Song Long nhiễu nguyệt !...Hãy hỏi các đức ông chồng thì rõ !
Đám đông rộ lên, tiếng cười khậc khậc của các ông chồng, tiếng cười khúc khích của các bà vợ đan xen vào nhau tạo thành thứ âm thanh kỳ ảo , ma quái ! Đám thanh niên trẻ tuổi thì ngơ ngác ! Phó trưởng làng nói tiếp :
- Hẳn mọi người đã biết những câu đại loại như : Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn, Của chồng công vợ , vân vân…
Trai làng ta tuy sống tha phương cầu thực nhưng cái tổ ấm ở nhà rất bền vững . Làng ta tuyệt nhiên không có chuyện gia đình tan vỡ, vợ chồng ly hôn giữa chừng mà năm nào cũng có những đám cưới vàng, đám cưới bạc ! Đấy là điểm thứ ba mà chỉ làng ta mới có !...
Thanh Ba càng nghe càng kinh ngạc bởi đó là những điều chưa bao giờ anh nghĩ tới về làng quê mình và cũng chưa thấy ai nói như thế về làng quê họ, Những câu chuyện anh nghe từ lúc giao thừa cho tới sáng cứ như là những câu chuyện cổ tích của An-đéc-xen - người biết nhặt ra những viên ngọc từ những vũng bùn lầy !...
Tới phút chót của đêm hội làng thì bố của Thanh Ba và cô con gái út xuất hiện . Mọi người cùng reo lên :
- Ông con trưởng của Trưởng làng đã về !...
Ông bố Thanh Ba bắt tay mọi người không kịp , mấy vị đại gia Việt kiều thì nói với nhau : “Chúng ta đã đi khắp năm châu bốn biển , gặp anh tài , vĩ nhân cũng không ít, nhưng người như Anh Cả Tam đây thì thật là của hiếm : đi chiến trường thì làm tới tướng soái , bị thương nặng , bom đạn găm đầy mình mà không chết, giờ lại làm kinh tế không thua ai , đúng là văn võ song toàn ! Thán phục, thán phục !... Còn ông phó trưởng làng thì uống cạn li rượu cuối cùng rồi gật gù : “Cổ nhân nói chẳng bao giờ sai, hổ phụ sinh hổ tử ! ”. Lúc ấy , Thanh Ba thấy ông nội ngồi im như pho tượng nhưng từ hai hốc mắt nhăn nheo của ông từ từ lăn ra hai giọt nước mắt lung linh như hai viên ngọc…
Những ngày Tết bao giờ cũng qua đi rất nhanh , như có một lực vô hình vừa đẩy vừa kéo ! Sáng mồng Hai Tết, Thanh Ba phải chia tay với ông nội để trở về đơn vị, anh không muốn bị trễ giờ qui định vì đó là uy tín , là danh dự của người lính ! Ra tới cây đa bữa trước , Thanh Ba giật mình ngạc nhiên khi thấy hai người thương binh hôm Ba mươi Tết đang dắt díu nhau đi trên đường . Người bị băng kín hai mắt vẫn còn băng mắt , người chống nạng vẫn chống nạng , chỉ có điều khác là người băng mắt đang cao hứng đọc vang lên những câu thơ :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét