Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Anh hùng đoán giữa trần ai; Tướng cướp...- Đỗ Ngọc Thạch



57 Truyện ngắn trên phongdiep.net- Trích: Anh hùng đoán giữa trần ai; Tướng cướp...
 
.
 
ANH HÙNG ĐOÁN GIỮA TRẦN AI- Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 
ANH   HÙNG   ĐOÁN  GIỮA  TRẦN  AI   
Tuyết  là kẻ không nhà không cửa lang thang  ở chợ huyện Tuy Viễn . Nói đến “Tuyết Tuy Viễn” thì ở cả phủ Quy Nhơn đều biết.
     Số là thế này : Trong một lần đi tuần về phương Nam của chúa Nguyễn Phúc Khoát, một người vệ sĩ của chúa bỗng phải lòng mê đắm một tỳ thiếp  của quan tuần phủ Quy Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên. Người vệ sĩ kia  rủ người  tình đi  trốn, chạy về Tuy Viễn rồi sống với nhau ở đấy. Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát đi rồi, tuần phủ  Khắc Tuyên thấy mất người thiếp thì cho bộ hạ truy lùng . Cuối cùng, quan quân cũng tìm thấy đôi tình nhân kia . Nhưng viên tướng cầm đầu toán quân truy lùng thấy người thiếp đã có thai, nghĩ thương tình bèn tha cho và bảo trốn vào rừng lánh nạn, còn bắt người vệ sĩ giải về phủ Quy Nhơn trị tội. Sau người vệ sĩ bị xử chém đầu, còn người thiếp thì được một gia đình người thợ săn ở Tuy Viễn chăm sóc rồi sinh ra Tuyết. Người  thợ săn thấy Tuyết càng lớn càng  thông minh, nhanh nhẹn, khỏe mạnh  khác thường thì lấy làm mừng lắm, nhận Tuyết làm con và truyền dạy nghề săn bắn cho . Trong những cuộc đi săn, Tuyết  thường chạy bộ đuổi kịp hươu nai, đánh được cả gấu, cọp. Khi ấy Tuyết mới mười sáu tuổi.    
     Một lần, người cha nuôi nói với Tuyết :
  -  Cha thấy con có tướng lạ, sau này ắt làm nên nghiệp lớn !  Nay cha  chỉ là một người thợ săn tầm thường, không giúp gì được cho con. Vậy con hãy đi tìm thầy học đạo, đem tài trí ra giúp đời, không  thể cứ chui lủi mãi trong rừng thế này được !
     Tuyết nói :
- Đi đâu bây giờ, thưa cha ?
  Người thợ săn nhìn lên trời hồi lâu rồi nói :
- Hôm qua, cha nằm mơ thấy có một chùm sao lạ xuất hiện trên dãy núi phía An Khê. Chắc là minh chủ đã ra đời ở đấy. Con hãy nghe lời cha, thế nào cũng tìm đến vùng núi An Khê…
      Hai cha con trò chuyện hồi lâu, Tuyết quyến luyến không muốn  chia tay. Thấy vậy, người thợ săn tự đập đầu mình vào gốc cây, phọt óc ra mà chết. Tuyết thất kinh, kêu khóc thảm thiết một hồi rồi mai táng cha nuôi dưới gốc cây, đoạn khăn gói băng rừng ra đi. Đến Tuy Viễn, gặp ngày phiên chợ đông vui tấp nập. Tuyết liền lách đám đông vào thì thấy giữa một bãi đất rộng có hai con ngựa cực đẹp và khỏe đang cắn đá nhau dữ dội, không ai dám vào ngăn cản. Tuyết nhanh nhẹn nhảy vào, hai tay ghìm chặt hàm hai con ngựa trước sự kinh ngạc tột cùng của đám đông. Từ đó, Tuyết nghiễm nhiên trở thành thủ lãnh của giới giang hồ Tuy Viễn.
      Sở trường của Tuyết chỉ là sức khỏe hơn người và nhanh nhẹn không ai bằng. Về võ nghệ, người cha nuôi thợ săn mới luyện cho Tuyết một vài bài roi, quyền, cốt  để chống chọi lại thú dữ. Còn việc sử dụng các loại binh khí nơi chiến trận và binh pháp thì Tuyết chưa biết gì, vả lại, trong giới quần cư tứ chiếng  ở Tuy Viễn này, chẳng mấy người  dùng đến binh khí, mà quan tuần phủ Quy Nhơn cũng ra lệnh rất ngặt cấm dùng binh khí. Mải vui thú với đám bạn bè Tuy Viễn, Tuyết quên cả lời dặn dò của cha nuôi là phải đi tìm thầy học đạo, đến An Khê tìm minh chủ…
       Một hôm, có ông già dẫn theo hai cô gái đến một góc ở chợ Tuy Viễn bày biện đồ nghề múa võ bán thuốc. Đúng là dân mãi võ và chắc là từ xa đến. Ông già tuổi đã ngoài  70, râu rồng , tóc trắng như lông hạc, mắt sáng như sao, phong thái bình thản ung dung, nhẹ nhàng. Hai cô gái tuổi khoảng mười bốn, mười lăm, mười phần xinh đẹp, cầm kiếm đối nhau mà múa, khí lạnh rợn người. Người xem trầm trồ thán phục, chốc chốc lại hò reo hoan hô như sấm…
       Thấy chuyện lạ, Tuyết cầm cây roi lớn, dẫn theo tay chân hơn chục đứa, rẽ đám đông nhảy vào thét lớn :
    - Mấy người quê mùa ở đâu dám tới đây làm rộn thế a ?
      Ông già ngồi yên, hai cô gái vẫn múa gươm như rồng bay phượng múa. Tuyết tức giận cầm roi sấn tới hai cô gái, sử dụng bài roi “Ngũ môn phá trận” tính đánh què chân hai cô gái. Hai cô gái thấy Tuyết múa roi nhảy vào thì cùng cười và nói nhỏ cho Tuyết nghe :  “Đường roi mạnh nhưng còn non lắm !”. Tuyết chưa kịp phản ứng  gì thì đã thấy cây roi của mình bị chặt gãy thành bốn đoạn tung lên không và hai cô gái thu gươm cùng chạy lại đứng yên phía ông già. Tuyết lặng  người đi chốc lát rồi bất thình lình nhảy tới ông già bằng bài thảo bộ “Ngọc trản”,  vung tay đánh thẳng vào mặt ông già. Ông già vẫn ngồi yên, không cử động, mặt vẫn như không . Tuyết  thấy vậy thì hoảng sợ, uất ức tháo lui, tính kế giết chết ông già và bắt sống hai cô gái. Dò la biết được ông già ngụ trong ngôi miếu cổ, đêm xuống, Tuyết giấu con dao lớn trong người nhảy tường vào. Đã quá canh ba, quang cảnh ngôi miếu cổ im ắng, tịnh  không một tiếng động nhỏ, chắc là ông già đã ngủ say. Tuyết bèn bò như rắn vào phòng, giơ dao chém vào  cổ ông già. Không biết ngủ hay thức, nhưng ông già vẫn nằm yên không nhúc  nhích . Tuyết chém liên tiếp mấy nhát nữa thì dao gãy. Sợ hãi tột độ, Tuyết định bỏ chạy thì nghe tiếng ông già chậm rãi nói :
      - Quấy nhiễu giấc ngủ yên tĩnh của ta, sao nhà ngươi lại tàn ác như vậy ? – Rồi cười và phẩy tay đuổi đi 
      Tuyết  liền quỳ xuống đất không nhỏm dậy, xin quay mặt về hướng bắc giữ lễ đệ tử. Nhưng ông già không chịu. Tuyết cầu xin mãi, ông già bèn nói : 
      - Ta   không có thuật gì, chỉ hai chữ “lui và nhường”. Tài của người có thể thành đạt, có thể thành  anh hùng ngoài thiên hạ, nhưng phải thay đổi khí chất con người . Tiếc thay !
      Tuyết hết sức nói đã biết hối cải, ông già bấy giờ mới đổi ý thu  nhận làm đệ tử. Tuyết liền bỏ đám đàn em Tuy Viễn mà theo ông già ra đi. Năm năm sau trở về, Tuyết đã có vợ, đó là một trong hai cô gái múa kiếm năm xưa. Cô gái là cháu nội của ông, họ Trần, Trần lão dẫn hai cháu gái lãng du bốn phương tìm người tài để truyền thụ võ nghệ. Được Tuyết, bèn đem cả bí quyết nghề võ dạy cho. Tuyết rất thông minh, thầy chỉ cần dạy một lần là hiểu liền, nhanh chóng nắm được những điều thần diệu của võ thuật. Trần lão còn dạy Tuyết cả binh pháp. Tuyết cũng lĩnh hội nhanh chóng. Trần lão cả mừng, cho gửi rể trong nhà . Ở được một thời gian, Trần lão gọi Tuyết đến nói :
     - Vợ chồng con có thể về được rồi. Những lời ta dạy bảo cẩn thận chớ quên. Nếu gặp được minh chủ, con ắt lập được công trạng .
       Tuyết vâng dạ, đưa vợ về Tuy Viễn, tính ngày tìm đến An Khê. Bọn đàn em cũ ở Tuy Viễn thấy Tuyết về thì mừng lắm, kéo đến  thăm hỏi. Tuyết bảo chúng :
      - Việc làm của bọn ta năm xưa đủ để cho bậc hào kiệt xấu hổ. Nay nên hối cải.
      Bọn đồ đảng hỏi cách hối cải như thế nào ? Tuyết đáp :
      - Ra sức trừ nỗi khổ của dân gian, vì cõi đời mà tiêu diệt nỗi bất bình, nhưng chí nguyện và công  việc đó không phải dễ nói cùng mọi người. Nhưng dẫu sao các ngươi cũng nên đi tìm thầy giỏi mà học, đi tìm việc lương thiện mà làm, ta  cũng vậy, đó là việc hối cải.
      Sau đó, Tuyết dò tìm đường đến An Khê. Tuyết được nghe nói ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã ngầm xây dựng căn cứ và đội ngũ, còn gọi là Tây Sơn thượng đạo, anh hùng hào kiệt  khắp nơi tìm  về đông như hội. Tuyết nóng lòng muốn đi ngay nhưng ngặt nỗi đường  xa núi rừng  cách trở. Đúng lúc đó, Tuyết nghe tin chúa Nguyễn Phúc Khoát lại đi tuần về phương Nam, đang đóng hành dinh ở phủ Quy Nhơn. Tuyết nghĩ : “Đến ra mắt minh chủ cùng các anh hùng hào kiệt, chẳng lẽ lại tay không ? Nay cái thủ cấp của bạo chúa đang gửi tại phủ Quy Nhơn,  đem dâng trong lễ ra mắt là hợp lẽ lắm”. Rồi Tuyết nai nịt gọn gàng, giắt dao bén trong người, nửa đêm đột nhập vào phủ Quy Nhơn. Lọt  vào hành cung của chúa Nguyễn, Tuyết thấy lính canh dày đặc, bèn lẻn ra sau vườn nằm phục. Nơi ấy cạnh chuồng ngựa, nghe tiếng ngựa hí rất hùng tráng khác ngựa thường , biết đấy là giống ngựa hãn huyết, tên là Xích Kỳ, là cống vật của đất Phiên, chúa rất thích nên đi đâu cũng đem theo.Tuyết bèn lẻn vào chuồng ngựa, cầm cương  dắt đi. Lúc đầu, ngựa vùng vằng định chống cự, nhưng dường như nhanh chóng cảm nhận được sức mạnh của người chủ mới, con Xích Kỳ ngoan ngoãn theo. Ra khỏi hành cung, Tuyết nhảy lên phóng một mạch gần sáu trăm dặm đến  địa phận An Khê, trời vẫn chưa sáng rõ !
      Lúc này, để đề phòng sự do thám của quan quân chúa Nguyễn, nghĩa quân Tây Sơn bố trí lực lượng bảo vệ bên ngoài rất ngặt. Tuyết không biết điều đó nên cả người lẫn  ngựa đều bị sa xuống một cái hố bẫy lớn . Thấy vậy, Tuyết hét lớn, thúc mạnh sườn con Xích  Kỳ, vọt lên khỏi miệng hố. Quân mai phục thấy vậy bắn tên nỏ theo rào rào. Tuyết rút  gươm ra múa như chong chóng, tên rơi lả tả.
      Bỗng có tiếng quát lớn, các tay cung nỏ đều lui cả. Rồi một người  oai phong lẫm liệt bước ra nói  :
   - Tráng sĩ hãy dừng tay ! Tráng sĩ tên họ chi mà múa bài kiếm  “Long môn” tài tình như vậy ?
     Tuyết vẫn trên ngựa, nói lớn :
  - Ta là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn đây ! Tại sao các ngươi dám cản đường ta ? Tránh ra để ta đi, không nhiều lời ! 
     Nói rồi Tuyết thúc ngựa lướt  tới, vung gươm nhằm đầu người kia mà chém mạnh . Người kia vẫn đứng nguyên, chỉ giơ đao đỡ nhát chém của Tuyết. Nghe tiếng kim khí chạm nhau rợn người rồi Tuyết thấy chới với, mất đà, té nhào xuống đất, còn thanh gươm thì bay đâu mất ! Người kia thấy vậy  chạy lại đỡ Tuyết dậy mà nói :
    - Tráng sĩ không phải người thường, nếu như kẻ khác thì bị lưỡi đao chém thẳng đứt đôi mặt ra rồi.
    Tuyết quỳ sụp xuống :
    - Tôi có mắt mà không nhìn thấy núi Thái Sơn, tội thật đáng chết. Có phải đại nhân là Hồ Thơm đó không ? Cho Tuyết này được bái kiến !
     Người đó chính là Nguyễn Huệ, đang trên đường đi tuyển mộ quân. Nguyễn Huệ đỡ Tuyết dậy, dắt vào một lều cỏ, tiếp đãi như tình bạn hữu. Tuyết cứ băn khoăn mãi chuyện ngôi thứ, đòi gọi Huệ là Đại vương thì Huệ nói :
    - Anh em ta là người áo vải dựng cờ nghĩa xóa bỏ nỗi bất bình, khổ sở của dân chúng . Đó là cái chí của người anh hùng . Ngươi hẳn là anh hùng, cớ sao lại coi ta như lục  lâm thảo khấu ?
      Tuyết thấy Huệ nói trúng ý nguyện của mình thì chích máu uống  rượu thề, nguyện cùng sống chết. Tuyết muốn dâng con Xích Kỳ cho Nguyễn Huệ, nhưng Huệ nói : 
 -Xích Kỳ là ngựa chiến, ngày đi ngàn dặm. Ngươi thành tâm dâng ta thì ta ban lại cho ngươi cùng đội quân kỵ. Ta muốn có một đội quân tinh nhuệ, thiện chiến. Mới thoạt nhìn thấy nhà ngươi trên lưng con Xích kỳ, ta đã biết là Trời ban cho ta một đại tướng ! Nhà ngươi sẽ là Đô đốc Tuyết !...
Tuyết bái tạ và từ đó ngày đêm chăm lo luyện quân…Dự tính của  Nguyễn Huệ đã thành sự thật : Khi  lên ngôi hoàng đế, Huệ đã phong cho Tuyết chức Đại đô đốc, thống lĩnh đội quân binh mã. Trong những  đợt hành binh thần tốc, đô đốc Tuyết cùng con Xích Kỳ luôn dẫn đầu đoàn quân bách chiến bách  thắng … 
* * *
    Vào một buổi sáng mùa thu năm 1792, đô đốc Tuyết cùng ngựa  Xích Kỳ đi qua vùng An Khê thì bất ngờ cả người lẫn ngựa bị sa hố. Nhìn kỹ, Tuyết nhận ra đây chính là chỗ cái hố bẫy năm xưa khi mới đến An Khê tụ nghĩa. Tuyết thúc ngựa muốn vọt lên khỏi miệng hố nhưng Xích Kỳ chỉ hý vang .Tuyết ôm cổ con ngựa, vừa vuốt ve nó vừa nói :
- Xích Kỳ ! Xích Kỳ ! Ta phải về gặp Chúa công gấp…
     Xích Kỳ hý vang một hồi nữa rồi lấy đà vọt lên, nhưng vừa lên khỏi miệng hố thì nó đổ sụp xuống . Con ngựa đã chết ! Tuyết cả sợ, lấy ngựa của tên lính hầu phóng như bay  !
     Đô đốc Tuyết về đến kinh đô Phú Xuân  đã quá muộn, hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã qua đời ! Không thấy Đô đốc Tuyết trong đám tang . Có người nói Tuyết đã cùng hai lính hầu phóng ngựa về An Khê. Lại có người nói rằng một trong hai người lính hầu ấy đã trở về Tuy Viễn kể rằng : Tuyết  phi ngựa đến An Khê, đến cái hố đã chôn con Xích Kỳ, mổ bụng  ngựa rồi chui vào trong, bắt hai tên lính hầu chôn cả người và ngựa xuống cái hố ấy. Sau này, người ta thấy trên nấm mộ Tuyết và con Xích Kỳ mọc lên một thứ cây nom rất lạ : thân cây thẳng tắp, lá đỏ như huyết, có hình lá cờ,  không có gió cũng bay phần  phật …
An Khê,l986 – TP.HCM,1993-2009
Đỗ Ngọc Thạch 
Phongdiep.net
TƯỚNG CƯỚP HOÀN LƯƠNG - Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
TƯỚNG CƯỚP HOÀN LƯƠNG
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
l.
Khi còn làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin của một tỉnh miền cao nguyên đất đỏ, tôi thường đi xuống các huyện (đi cơ sở) và đi họp ở Sài Gòn bằng xe ô tô (loại xe TOYOTA) với ông Giám đốc Sở. Đi đường dài tất xảy ra nhiều chuyện không thể lường trước, cũng giống như câu thành ngữ “Đi đêm nhiều tất có ngày gặp ma”.
Sau này, nhớ lại mới thấy sao những lúc ấy mình không biết sợ là gì khi biết bao hiểm nguy, tai biến luôn rình rập. Chẳng hạn như khi đi qua đèo An Khê, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm sâu hun hút như miệng con quái vật khổng lồ. Có đến ba lần, khi xe đang vượt đèo, tôi đã nhìn thấy những cái xe xấu số đang lăn xuống vực y như những cảnh tai nạn có rất nhiều trong các phim hành động của Mỹ, Hồng Kông… Những lúc ấy, tôi nhìn tất cả những người trong xe (thường là người lái xe, ông Giám đốc Sở và một, hai người nữa) thì thấy ai cũng lặng thinh như tượng nhưng bên thái dương (nơi có tóc mai) thì rịn ra những giọt mồ hồi, không biết là nóng hay lạnh? Hình như có tiếng nói rất nhỏ của ông Giám đốc Sở: “Cầu Bồ Tát…”. Người lái xe có lẽ đã nói câu này rất nhiều trước khi khởi hành nên mím môi và cầm chắc tay lái! Còn những va quẹt lẻ tẻ và “suýt” đụng vào những xe khác đang lưu thông thì nhiều vô kể, nó xảy ra thường xuyên giống như ai cũng không ít lần vấp ngã hoặc ăn cơm mà nghẹn nấc hoặc cắn phải lưỡi! Nhưng chuyện gặp cướp đường mà tôi sẽ kể dưới đây thì chỉ xảy ra một lần (mới chỉ tính những khi có tôi đi trong xe) và ông Giám đốc đã tuyên bố ngay sau đó là “Không hề xảy ra chuyện bị cướp đường” nên hầu như tôi cũng như đã quên luôn. Nhưng, như có một nhà văn bậc thầy về truyện ngắn đã nói đại ý, trí nhớ như cái Rây Thần, nó cho qua đi tất cả những chuyện vụn vặt và chỉ giữ lại những hạt vàng, đó là những “Hạt Vàng ký ức”. Những năm qua tuổi 60, những ký ức của tôi thường hiện về rất nhiều, trong đó có chuyện gặp cướp đường. Tôi nghĩ hẳn đây là một “Hạt Vàng ký ức” nên viết thành cái truyện ngắn này…
2.
Lần ấy, có một cuộc họp về văn hóa, văn nghệ các tỉnh khu vực phía nam, do tỉnh Cửu Long đăng cai. Đoàn chúng tôi gồm có ông Giám đốc Sở VH-TT, một chuyên viên bên Ban Tuyên huấn của tỉnh và tôi (lúc đó đang phụ trách công tác xuất bản và Tạp chí Văn nghệ của Sở, chưa có Hội Văn nghệ như bây giờ). Đi họp thì có ba người và đi chơi thì có một người, tức bà vợ ông Giám đốc, muốn xuống Sài Gòn “đổi gió”. Tổng cộng trên xe có 5 người, ngồi vừa khít hai hàng ghế: bà giám đốc ngồi phía trước, cạnh lái xe, ông Giám đốc, người của Ban Tuyên huấn và tôi ngồi ở hàng ghế sau (đây là “đội hình” phổ biến mỗi khi đi họp do Trung ương triệu tập). Hôm ấy, không hiểu sao, tôi lại “ngứa mồm” tranh luận với ông Ban Tuyên huấn hết chuyện nọ qua chuyện kia, và không biết bao giờ mới ngừng khi trước mặt bỗng xuất hiện một cây tre dài chắn ngang đường và ở hai đầu cây chắn là bốn người mặc đồng phục kiểu kiểm lâm, hai người cầm hai đầu cây tre còn hai người đeo tiểu liên AK trước bụng, đứng bên cạnh.
Khi xe chỉ còn cách cây chắn khoảng 30 mét, người lái xe dừng xe và nhìn ông Giám đốc như muổn hỏi phải xử trí thế nào? Ông Giám đốc nói: “Cậu xuống xem sao?”. Tôi vụt nghĩ: cho dù là đội kiểm soát cơ động cũng phải dựng cây chắn đàng hoàng chứ không thể cầm tay như thế, hơn nữa, nhìn thoáng qua tướng tá bọn này giống như cướp đường chứ không phải kiểm lâm? Tôi nói nhanh với Giám đốc: “Bọn này giống như cướp đường, ta nên ào qua là xong!”. Giám đốc nói: “Không thể manh động, chúng nó bắn theo hỏng xe thì sao?”. Thấy người lái xe chần chừ, giám đốc lại giục xuống xe xem sao! Người lái xe cầm theo mấy thứ giấy tờ như lệ thường mỗi khi qua trạm kiểm soát rồi xuống xe, đi tới chỗ chắn đường. Khi người lái xe đi được chục mét thì bọn kia bỏ cây chắn xuống mép đường rồi cùng tiến lại phía người lái xe, hai thằng có súng thì một tay cầm báng súng, một tay nâng nòng súng về phía trước như sẵn sàng nhả đạn! 
Khi bốn thằng tới sát người lái xe, tôi đã nhìn thấy rất rõ: ba thằng da mặt nửa đen nửa nâu như người dân tộc, tuy mặc đồng phục kiểm lâm nhưng bộ dạng lớ ngớ, lóng ngóng chứ không oai phong đạo mạo như các chiến sĩ kiểm lâm. Ngay cả một thằng đeo súng cũng không có dáng dấp lính chiến gì cả và điều này mới quan trọng: khẩu súng thi thoảng lại đung đưa trước bụng mỗi khi nó thò tay gãi lưng, gãi gáy nhưng không thấy lấp lánh ánh thép mà đen sì như súng gỗ của mấy đoàn kịch! Tôi thầm nghĩ, đeo súng gỗ đi ăn cướp thì quả là coi thường thiên hạ quá! Thằng còn lại thì từ khuôn mặt cho đến bộ dạng đều giống như những tay anh chị trong đám giang hồ hảo hán, lại còn đeo mắt kiếng đen nhìn càng ngang tàng, dữ tợn! Tôi lại nghĩ; bọn này đúng là cướp đường giả dạng kiểm lâm! Vừa nghĩ tới đó thì vang lên tiếng thằng đeo mắt kiếng đen: “Chúng tao là băng cướp “Tia chớp” khét tiếng giết người trong chớp mắt! Trái lời hoặc chậm trễ là bắn bỏ!...Bây giờ lái xe vào trong khu đồi kia, nhanh lên!”. Nòng khẩu súng AK lấp lánh ánh thép chĩa thẳng vào ngực người lái xe khiến anh ta lẳng lặng làm theo…
Tất cả những người trong xe không ai nói gì và như đang hướng cả cái nhìn vào bốn tên cướp. Còn tôi, vụt nhớ đến câu “Tùy cơ ứng biến” và câu “Nhất biến ứng vạn biến”! Và câu này nữa: những cái gì phải đến ắt sẽ đến!
Đoạn đường chúng tôi bị chặn không biết thuộc địa phận tỉnh nào mà hoang vắng đến rợn người, hai bên đường là đồi hoang miên man, chỉ có những lùm cây dại lúp súp cao không quá đầu người. Khi người lái xe đưa cái TOYOTA tới một bãi đất rộng có trải sẵn một tám vải bạt lớn thì thằng đeo mắt kiếng đen (Từ đây gọi là Tướng cướp vì nó đã lộ nguyên hình là Tướng cướp) quát lớn: “Đem tất cả hành lý, đồ đạc trên xe xuống để vào tấm vải bạt trên bãi đất! Tất cả tiền bạc, đồng hồ, đồ trang sức cũng phải cống nạp, không chừa một đồng, một món!”. Tất cả im lặng, lầm lũi làm theo hiệu lệnh của thằng Tướng cướp như là cùng một ý nghĩ: đến nước này thì đành bỏ của chạy lấy người chứ biết làm sao?
Không hiểu sao, hình ảnh hình ảnh người khuyết tật tay chân co quắp, lèo khoèo mà vẫn phải đi bán vé số ở bến xe Liên tỉnh mà tôi mới gặp tuần trước bỗng vụt hiện lên trước mắt tôi! Như là có sự điều khiển của ma quỷ (hay thần linh?), tôi chui ra khỏi xe với bộ dạng như thằng khoèo bán vé số ở bến xe Liên tỉnh, di loanh quanh bên cái TOYOTA và cái mồm thì làm bộ méo xẹo, phát ra những âm thanh ú ớ! Thằng Tướng cướp thấy tôi như vậy thì hỏi người lái xe: “Nó làm sao thế?”. Người lái xe nhìn tôi rất nhanh và nói: “À, nó bị tật nguyền từ nhỏ. Nghe nói ở Thành phố có người chữa khỏi, thử đem xuống xem sao!”. Thằng Tướng cướp tới sát bên tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm rồi nói: “Tao cũng có người anh ruột bị tật nguyền như thế này! Tội nghiệp!”. Có lẽ vì vậy mà nó rất tin là tôi bị tật nguyền và lấy trong túi ra một quả xoài đưa cho tôi! Trong khi nó vỗ vai tôi biểu lộ tình cảm thân mến thì tôi lại nghĩ làm sao để đoạt được khẩu súng AK trên tay nó?

Khi tất cả hành lý đã xếp thành một đống trên tấm vải bạt, bà vợ ông giám đốc nói: “Chúng tôi đã nộp đủ tiền mãi lộ rồi, thả người đi chứ?”. Thằng Tướng cướp cười hề hề rồi nói: “Chưa đủ! Bây giờ mới là lúc tới đoạn hấp dẫn nhất của cuốn phim “Cướp đường” này!...Thoát y vũ! Xin mỹ nhân trình diễn một màn thoát y vũ để bọn cướp đường vô học chúng tôi được mở rộng tầm mắt!”. Thằng Tướng cướp nói xong thì nhìn chòng chọc vào bà vợ ông giám đốc khiến người đẹp sợ run rồi bất ngờ múa màn thoát y như trong phim Mỹ khiến cả bốn thằng cướp đứng ngây ra như tượng!
Xong màn thoát y vũ, thằng Tướng cướp chỉ vào người của Ban Tuyên huấn, nói: “Thằng kia, vào nhảy điệu Lambada với người đẹp đi!”. Vừa nghe nói vậy, ông người của Ban Tuyên huấn tức thì nhào tới ôm chầm lấy bà vợ ông Giám đốc và tức thì bị bà vợ ông Giám đốc đẩy mạnh ngã lăn quay! Thằng tướng cướp thấy vậy thì la to: “Không phải như thế! Để tao nhảy cho mà xem!” Dứt lời, thằng tướng cướp nhào tới người đẹp! Được hai bước, khẩu AK lủng lẳng trước bụng làm cho thằng Tướng cướp thấy vướng víu và rất nhanh, nó lấy khẩu AK ra và treo vào cổ tôi, làm như tôi là cái giá súng của nó! Khi khẩu AK chạm bịch bịch vào bụng tôi, dường như hơi thép lạnh của khẩu súng đã làm tôi bừng tỉnh: một tay cầm lấy báng súng, một tay kéo quy-lát nghe roạt roạt và thét lớn: “Tất cả đứng im! Nhúc nhích là bắn bỏ!”. Thằng Tướng cướp thốt giật mình, đứng khựng rồi quay ngoắt lại, trố mắt nhìn tôi kinh ngạc! Song, chỉ chưa đầy một phút bàng hoàng, thằng Tướng cướp gầm lên rồi nhào tới tôi như hổ vồ mồi! Nói thì chậm làm thì nhanh, khi thấy thằng Tướng cướp lao tới, tức thì tôi kéo cò súng, hai tiếng nổ ù tai và hai viên đạn bay ra khỏi nòng súng, cắm phập vào đùi thằng Tướng cướp khiến nó đổ vật xuống đất!
*
Những tưởng là tôi sẽ không bao giờ gặp lại thằng Tướng cướp hôm đó, nhưng bởi vì “quả đất tròn” nên năm năm sau, tôi đã gặp lại người xưa song không phải như cảnh cũ. Lúc này, tôi không còn làm việc ở Sở VHTT của cái tỉnh cao nguyên đất đỏ đó nữa mà về Sài Gòn sống kiểu “Giang hồ vặt”. Khi tôi đang làm việc cho một tờ báo ở Sài Gòn thì bất ngờ gặp lại một người bạn học cũ, mới nhận chức TBT một tờ báo ngành. Tuy là báo ngành nhưng có rất nhiều chủng loại: tuần ba số, số cuối tuần và cả nguyệt san, tức báo tháng. Còn nội dung thì không chỉ là chuyện “nội bộ” trong ngành mà có đủ mọi chuyện cuộc đời, cổ kim đông tây, trên trời dưới biển không thiếu chuyện gì. Người bạn đưa cho tôi mấy số báo mới ra nhờ góp ý và mời cộng tác. Tôi mới lật các trang báo xem lướt qua thì thấy có một cái truyện nhiều kỳ đáng chú ý, viết về chuyện hoàn lương của những người đã từng dính vòng lao lý, trong đó có một kỳ viết về một tướng cướp chuyên chặn cướp những người đi qua những khu đường vắng. Câu chuyện chặn xe của tên tướng cướp này được kể lại gần giống như chuyện đã xảy ra với chuyến xe của chúng tôi đã nói trên, chỉ khác ở đoạn kết là: bà vợ ông Giám đốc đã dùng mỹ nhân kế, cùng nhảy điệu Lambada với tên tướng cướp rồi tới khi tên tướng cướp đê mê trong vòng tay nóng bỏng của mỹ nhân mới ra tay hạ thủ, cùng với sự trợ giúp của người lái xe!
Tôi nghĩ ngay rằng tác giả của cái chuyện dài kỳ về đề tài “Hoàn lương” này chính là tên tướng cướp ngày xưa, liền gọi điện thoại hỏi người bạn về tác giả của loạt truyện dài kỳ? Người bạn nói tác giả đúng là một tướng cướp hoàn lương và nói thêm: Không những anh ta đã hoàn lương mà hoàn lương rất tích cực, bây giờ anh ta không chỉ là cây bút viết truyện ký, phóng sự rất hấp dẫn về đề tài xã hội mà viết về các vấn đề chuyên sâu của ngành cũng không thua kém các chuyên gia lâu năm trong ngành. Sắp tới, báo của tớ sẽ thành lập cơ quan thường trực ở Phía nam, sẽ giao cho anh ta phụ trách!
*
Chỉ ba tháng sau, tôi nhận được điện thoại của người bạn mời đến dự lễ khai trương của cơ quan thường trực phía Nam của tờ báo của ông ta, mà Lê Nguyễn Tân Báo, người Trưởng đại diện chính là tướng cướp của băng cướp “Tia chớp” ngày xưa. Khi tiệc rượu đã gần tàn, tôi hỏi Trưởng đại diện Tân Báo: “Ông có thể kể cho tôi nghe về lai lịch cái chân què của ông được không?”. Tân Báo: “Từ khi tôi lành vết thương đến nay, chưa có ai hỏi tôi câu hỏi như thế. Bây giờ có xu hướng “quên đi quá khứ để hướng tới tương lai” nên tôi cũng muốn quên đi vì sao tôi đã bị hai viên đạn găm vào chân. Nhưng mỗi khi vết thương cũ đau nhức, tôi lại nhớ như in cái hình ảnh người bắn tôi lúc ấy: đó chỉ là một người tật nguyền và có vẻ như tâm thần nữa. Chính nhờ hai phát đạn này mà tôi đã làm lại cuộc đời, đã có cuộc sống mới… Cuộc đời thật nực cười: cái ông sếp của tôi, người được xã hội trọng vọng lại đẩy tôi vào con đường giết người cướp của, vì ông đã đã cưỡng bức người vợ trẻ xinh đẹp của tôi. Còn cái người tật nguyên, tâm thần kia lại giúp tôi trở lại cuộc sống lương thiện!”.
 Nghe Tân Báo nói vậy, tôi thấy chẳng cần thiết phải nói cho anh ta biết sự thật về cái người tật nguyền lại tâm thần đó. Mới đây, tôi nghe người bạn nói, hai vợ chồng anh ta cùng vài người bạn nữa, hùn vốn lập ra một nhà an dưỡng cho những người tật nguyền, với ngụ ý muốn tìm gặp lại người tật nguyền đã bắn hai phát đạn AK trúng vào chân anh ta ngày ấy. Như thế thì lại càng không nên nói rõ sự thật ra làm gì, bởi anh ta, Tân Báo,  tức Tướng cướp băng cướp “Tia chớp” đã tin chắc chắn rằng người khiến anh ta hoàn lương chính là một người tật nguyền và tâm thần! Nhưng như thế sẽ có người hỏi tôi, tác giả truyện ngắn này, vậy tại sao lại có cái truyện ngắn này? Xin nói ngay, mới hôm qua, tôi nhận được Mail của người bạn báo tin: Tân Báo đã bị một băng cướp nhí tấn công và bắn chết tại chỗ khi đến nhìn ngắm lại nơi đã xảy ra vụ cướp do anh ta thực hiện ngày xưa!...
Sài Gòn, 6-5-2011
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: phongdiep.net

 Xem thêm:
  1. THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - PHONGDIEP.NET :: PHONGDIEP.NET

    phongdiep.net › Home › Nội dung website                 Bản lưu
    Ông đốt đi (Nhật kí nhân viên văn phòng - truyện ngắn của                  Phong Điệp)             ...             THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu thuyết mini của Đỗ Ngọc Thạch (tiếp theo và hết)                  ...
  2. THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - PHONGDIEP.NET :: PHONGDIEP.NET

    phongdiep.net › Home › Nội dung website                 Bản lưu
    THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu thuyết mini của Đỗ Ngọc Thạch (chương 1- 3                  ...
     
     

    57 Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch  trên phongdiep.net:

    1-                  ĐỖ NGỌC THẠCH: Quà tặng tuổi hai mươi.

    2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

    3.                 QUA SÔNG BẰNG ĐÒ  4.                 CÔ TẤM VÀ QUẢ THỊ
    5.                 NỮ VÕ SĨ HUYỀN ĐAI   6.                 QUYỀN LÀM MẸ
    7.                 TRẠNG ME ĐÈ TRẠNG NGỌT  8.                 KÝ ỨC HÀ NỘI
    9.TƯỢNG NHÀ MỒ      10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO
    11.                 ANH HÙNG ĐOÁN GIỮA TRẦN AI  
    12.                  NHỮNG CON TÀU RA BẮC VÀO NAM
    13.                 BA LẦN THOÁT HIỂM - Đỗ Ngọc Thạch  14.                 TƯỚNG CƯỚP HOÀN LƯƠNG
    15.                 TÌNH GIÀ - Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 16.                 LÀNG TÔI XANH BÓNG TRE
    17.                 LẤY CHỒNG NGOẠI - Đỗ Ngọc Thạch  18.                 KIẾM SỐNG - Đỗ Ngọc Thạch
    21.                  Ở TRỌ - Đỗ Ngọc Thạch  22 -                  Ô QUAN CHƯỞNG- Đỗ Ngọc Thạch               19. BÁC SĨ PHÁP Y- Đỗ Ngọc Thạch  20.                 Ô CHỢ DỪA- Đỗ Ngọc Thạch
    23.                     MẸ TÔI LÀ Y TÁ
    24. KIẾM TIỀN TIÊU TẾT- Đỗ Ngọc Thạch
    25.                    VỤ ÁN ĐÊM GIAO THỪA- Đỗ Ngọc Thạch  26.                   VỀ QUÊ -  Ngọc Thạch
    27.                      PHONGDIEP.NET :: - KÝ ỨC BINH NHÌ
    29.                     MÙNG BA TẾT THẦY- Đỗ Ngọc Thạch                    30. BĂNG NHÂN-  Ngọc Thạch
    31.                     ĐẤU TRƯỜNG 100- Đỗ Ngọc Thạch 32.                   EM Ở TÂY HỒ-  Ngọc Thạch
    33.                      PHONGDIEP.NET :: -  GÁI  BẢY ANH LÍNH
    39.                  BÀ CHỦ QUÁN VÀ CÔ NHÀ BÁO TẬP SỰ  40.                 GIÁ MỘT CÁI HÔN
    41.                 NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN ĐÂM TRÂU- Đỗ Ngọc  Thạch  42.                 THỜI GIAN
    43.                 BỐ VÀ CON VÀ...Truyên ngắn Đỗ Ngọc Thạch 44.                 NGƯỜI CON GÁI SÔNG LA
    45.VÕ TRẠNG NGUYÊN TRUYỆN                   46.BÀ NỘI                    47.Những lần về Thủ đô
    48.TỪ VĂN MIẾU ĐẾN HỒ HOÀN KIẾM                   49.BẠN HỌC LỚP HAI                   50.KỲ NHÂN DỊ TƯỚNG
    51.NGƯỜI MẸ VÀ NHỮNG ĐỨA CON                52.CÔ GÁI VÙNG CAO                53.SƯ PHỤ CỦA SƯ PHỤ VÀ SƯ PHỤ                 
    54.                 HÀNH BINH THẦN TỐC 55.                 LÁ THƯ TUYỆT MỆNH;                  
    56.          ĐÁM MÂY HÌNH TRÁI TIM - Đỗ Ngọc Thạch;       57. TÌNH YÊU BÃO TÁP - Đỗ Ngọc Thạch  
     
     
    • 'Bỏng mắt' với siêu mẫu Anh thế hệ 9X

      Alexina Graham,sexy, gợi cảm,9X , Revue De Modes #22 ,PhápTPO - Chân dài 9X Alexina Graham đã có những khoảnh khắc không thể "nóng" hơn trên Revue De Modes #22 (Pháp). Thân hình gợi cảm cùng những đường cong chuẩn khiến người xem ngây ngất.
    nguồn: YuMe.Vn
Thế giới Sao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét