Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Trạng Me đè Trạng Ngọt - Đỗ Ngọc Thạch


12 Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vanvn.net phienbancu
- Trích: Trạng Me đè Trạng Ngọt; Lột da mặt; ...Sinh ba; ...Chép sử.

  • Nhà báo Đỗ Ngọc Thạch
  • Đ.N.T , SG, 1993


  1. 12 Truyện ngắn của THẠCH trên   vanvn.net (PB cũ) - Trích: Thượng Kinh Ký sự
    blog.tamtay.vn/entry/view/781102/12-truyen-ngan-tren-  vanvn-  net-cua... -   Bộ nhớ cache 
    Thêm kết quả từ blog.tamtay.vn »
  2. đăng 1 truyện... Tamtay.vn - Vòng tay lớn mãi ... 21 Tháng 4 2010 – 360plus Đ.NT - trênVanVn. Net. Thư mục: Truyện ngắn|.
    blog.tamtay.vn/entry/view/710670 -   Bộ nhớ cache
  3. tác phẩm của THẠCH'S trên VanVn.Net (trích:...sinh ba ...

    YuMe.vn - Tác phẩm Đỗ Ngọc Thạch trên   VanVn.Net (PB cũ): trích đăng: Chị em sinh ba & Người chép sử ĐỖ NGỌC THẠCH ...
    yume.vn/dongocthach18/article/tac-pham-cua-thach-s-tren-vanvn-net... - Bộ nhớ cache
    Thêm kết quả từ yume.vn »
  4. Bài viết nổi bật của Đỗ Võ Cẩm Thạch - YuMe.vn

    PB&TL của ĐỖ NGỌC THẠCH trên   vanvn.net, trieuxuan.info... ĐỖ NGỌC THẠCH (TP.HCM-1993) Đỗ Ngọc Thạch (TP.
    yume.vn/dovocamthach/article/bai-viet-noi-bat?p=5 - Bộ nhớ cache
    Thêm kết quả từ yume.vn »

Kết quả tìm kiếm khác

Ảnh riêng
HOME / MỖI TUẦN MỘT TRUYỆN NGẮN, MỘT CHÙM THƠ


Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
(10/5/2009 11:01:21 AM)

 (Hay là:   Những lần về Thủ đô Hà Nội)
alt



Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
(11/2/2009 2:59:31 PM)
alt


(7/24/2009 10:00:33 AM) Kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7-1947 /  27-7-2009
alt
(Chuyến tàu đêm 30; Những vết thương nghiệt ngã)


(5/27/2009 10:52:14 AM)
alt
(Con tạo...; âm mưu và ái tình)
VanVN.Net
(4/3/2009 11:09:18 AM)
alt
(Cô gái Sơn Tây,,,; tướng sát phu)


VanVN.Net
(3/17/2009 10:58:34 AM)
alt
(gồm 2 truyện: chị em sinh ba; người chép sử)


Đỗ Ngọc Thạch
(3/4/2009 11:40:08 AM)

Đỗ Ngọc Thạch viết tiểu luận về truyện ngắn thì rất cẩn thận, mạch lạc; nhưng viết truyện ngắn lại lơ đễnh đến mức từ đầu thế kỷ XVI đến hiện giờ lại chỉ có ba bốn đời nhân vật tranh đoạt nhau; cứ như thể người ta có thể sống đến hơn một trăm tuổi như thời các vua Hùng? Nhưng truyện đọc thì hay, cay đắng mà lại rất đỗi đắm say!..

Chùm truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
(2/23/2009 9:32:46 AM) Hai truyện ngắn thì cả hai đều có trại tâm thần, không hiểu nó có ẩn dụ gì? Nhưng đọc thì xót xa, muốn làm một cái gì đấy để không sa vào, để có thể thoát ra, để bổ đi tìm kiếm.
alt
(gồm 2 truyện: Lột da mặt; Cô Tấm và quả thị)
Xem hình

HOME / TRUYỆN NGẮN
Truyện ngắn: "Trạng Me đè trạng Ngọt"
Đỗ Ngọc Thạch ( 3/4/2009 11:40:08 AM )

Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh.

Hứa Tam Tỉnh thuở nhỏ học rất giỏi nhưng gia cảnh nghèo túng, dung mạo thì xấu xí, thấp lùn lại đen đủi. Tài học của Tam Tỉnh nổi tiếng cả trấn Kinh Bắc thời ấy. Cùng thời với Tam Tỉnh, có Nguyễn Giản Thanh là người ở làng Me (tên chữ là Hương Mặc), xã Minh Đức , huyện Tiên Sơn cũng tỉnh Bắc Ninh. Tài học của Giản Thanh cũng nổi tiếng trong trấn nhưng trong bụng Giản Thanh rất kiêng nể Tam Tỉnh. Kỳ thi Hội khoa Mậu Thìn đời vua Lê Uy Mục(1508), hai người cùng đi thi. Qua các kỳ thi Hội rồi thi Đình, bài của họ Hứa đều xuất sắc hơn bài của họ Nguyễn. Các quan chấm thi đều nhất trí là lấy Hứa Tam Tỉnh đỗ đầu, tức Trạng Nguyên, còn Nguyễn Giản Thanh đỗ thứ hai tức Bảng nhãn, và người đỗ thứ ba tức thám hoa là Nguyễn Hữu Nghiêm.

Ba vị đỗ cao được  tiếp kiến Long nhan. Lúc đó, bà Kinh Phi ( mẹ vua) cũng có mặt, nhìn thấy Giản Thanh mặt mũi sáng sủa đẹp trai hơn cả thì liền chỉ Giản  Thanh mà hỏi quan chủ khảo:”Người này chắc là Trạng nguyên?”. Quan chủ khảo không muốn phật ý mẹ vua nên lúng túng, đoạn chỉ cả vào Giản Thanh và Tam Tỉnh mà tâu rằng:”Hai người này tài học ngang  nhau  nên chúng tôi chưa biết lấy ai đỗ Trạng. Xin Thái hậu và Hoàng thượng phán xét”.Vua cũng biết là văn tài của Tam Tỉnh hơn Giản Thanh nhưng ngó thấy mẫu hậu đang nhìn Giản Thanh với ánh mắt long lanh đắm đuối thì vì muốn chiều lòng mẹ nên mới ra thêm bài phú Phường thành xuân sắc (cảnh mùa xuân ở kinh đô) để xét tài cao thấp.

Giản Thanh nghĩ, nếu làm bằng chữ Hán thì sẽ không thể cao xa thâm thúy bằng Tam Tỉnh, chi bằng làm bằng chữ Nôm, hình ảnh bóng bẩy, câu văn yểu điệu tất mẫu hậu sẽ hiểu được và thích thú. Tức thì Giản Thanh ứng khẩu đọc liền một mạch:

    …Chợ hòe đầm ấm, phố ngọc tần vần
        Trai bảnh bao đá cầu vén áo
        Gái éo le rủ yếm khỏi quần
        Khách Tràng An cưỡi ngựa xem hoa rợp đường tử mạch
        Chàng công tử ngựa xe giương tán, sáng dặm thanh vân…

Bà Kinh phi nghe đọc mà miệng cười phấn chấn, má ửng đỏ như gái dậy thì, mắt lấp lánh như ánh thu ba…Đàm đạo một hồi, vua lại thấy Giản Thanh là người phủ Từ Sơn – quê ngoại của mình nên đẹp lòng lắm, truyền lấy Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, còn Tam Tỉnh lùi xuống hàng bảng nhãn. Biết chuyện này, nho sĩ kinh Bắc phẫn nộ lắm, làm vè chê Giản Thanh là “mạo Trạng Nguyên”, nghĩa là “Trạng nguyên mặt”, vì đẹp trai mà được đỗ trạng, đồng thời cũng có nghĩa là “Trạng giả mạo”, thực không xứng đáng. Còn Hứa Tam Tỉnh, tuy không được đỗ Trạng nguyên nhưng người đời vẫn thường gọi ông là Trạng Ngọt (tức ông Trạng làng Ngọt – tên chữ là Vọng Nguyệt – bên bờ sông Như Nguyệt).

* * * 
Hứa Tam Giang  cùng tiểu đội trắc thủ ra đa với tôi gần một năm .Sau khi Trung đoàn gọi đi học về kỹ thuật  rađa nhưng lại hoãn, bèn giữ tôi ở lại Trung đoàn bộ làm giáo viên văn hóa, thế là tôi xa anh bạn Hứa Tam Giang từ đó. Cuối năm l970 tôi trở về trường tiếp tục đời sinh viên…Sau này, khi là sinh viên văn khoa, tôi được cử về làng  Ngọt để  sưu tầm văn học dân gian, có dò hỏi  tung tích anh bạn Hứa Tam Giang nhưng bặt vô âm tín. Bù vào đó, tôi được nghe kể về ông cụ Tổ của Hứa Tam Giang mà rất ít người biết. Sau cái buổi chấm trạng nguyên bằng mặt  vừa nói trên, có một chuyện kín nơi hậu cung mà rất hiếm người biết, bởi nó thuộc loại “Thâm cung bí sử”. Chuyện như sau:

Trước khi vinh qui bái tổ, ông trạng Giản Thanh tổ chức một đại tiệc khao các quan trường, bạn hữu ở kinh đô.Tiệc tàn thì bà Kinh Phi cùng hai con thị nữ tới. Thấy quan Trạng đã ngà ngà men say, bà Kinh Phi nói : “Khỏi bày tiệc làm gì . Ta đến đây vì bài phú Phường thành xuân sắc của quan Trạng đó. Tả cảnh xuân mà khơi dậy tình xuân tưởng đã tắt trong lòng ta. Thật là thần thi !” . Giản Thanh nói : “Thái hậu quá khen ! Văn của hạ thần lọt vào được tai củấiThí hậu thật là may lắm thay !”. Thái hậu cười, nói : “Ta thích nhất câu Trai bảnh bao đá cầu vén áo. Gái éo le rủ yếm, rớt quần !  Văn chương chớ bóng bẩy hào hoa mà phải tự nhiên như nhiên mới thiêu đốt được lòng người tình xuân lai láng !”. Giản Thanh nói : “Kẻ hạ thần xin lĩnh ý !...Thái hậu vừa cười vừa nhìn quan trạng  đắm đuối, nói : “Quan trạng làm thơ đá cầu, tất biết đá cầu chớ ? Ta muốn xem quan trạng đá cầu !”. Giản Thanh hứng chí, đá cầu như rồng bay phượng múa. Thái hậu mười phần thích thú, nói : “Trai bảnh bao đá cầu vén áo, quan trạng phải cởi bỏ áo quần lụng thụng đi đá cầu mới ngoạn mục !”. Giản Thanh vừa cởi bỏ áo quần, tức thì Thái hậu nhào tới ôm chầm lấy, miệng nói : “Ôi ! người đẹp của ta ! Tình xuân của ta !”. Hai đứa thị nữ thấy vậy hốt hoảng kêu lên : “ Trạng Me đè mẫu hậu”  rồi ù té chạy ra ngoài.

Sau này, cái câu  “Trạng Me đè mẫu hậu” lọt ra ngoài, mẫu hậu nổi giận sai cắt lưỡi hai con thị nữ và truyền cho quan trạng Giản Thanh phải sửa lại câu nói đó. Không hiểu quan trạng Giản Thanh bày mưu tính kế ra sao, nhưng sau đó thấy lưu truyền câu chuyện như sau : Trước kia, có thầy địa lý nổi tiếng tên gọi Tả Ao đã từng xem đất nhà Hứa Tam Tỉnh ở làng Ngọt và nói đây là đất phát Trạng nguyên. Đến khi qua làng Me của Nguyễn  Giản Thanh thấy ngôi mộ tổ nhà Giản Thanh  thì lại nói : “Đất ngôi này cũng phát trạng”. Mọi người lấy làm lạ, hỏi : “Lẽ nào một khoa lại có hai trạng ?”. Tả Ao tiên sinh nói : “Trạng Me đè trạng Ngọt”, rồi rũ áo bỏ đi. Không ai tin, nhưng đến khi Giản Thanh vinh qui bái tổ, người ta mới chịu tài Tả Ao và mặc dù Hứa Tam Tỉnh không được đỗ Trạng dân làng vẫn gọi ông là Trạng Ngọt.

Câu chuyện sự tích câu nói Trạng Me đè trạng Ngọt được lưu truyền rộng rãi cho đến tận bây giờ. Còn câu nói Trạng Me đè mẫu hậu thì hầu như không ai biết !

Xin được miễn bình luận về câu chuyện trên, tôi xin kể tiếp về ông cụ tổ của Hứa Tam Giang kẻo cái truyện ngắn này sẽ vượt quá khuôn khổ quy định, vì còn phải dành  phần kể về cuộc đời đầy phong ba, đầy éo le, nghiệt ngã của Hứa Tam Giang nữa.

Đến đời ông Hứa Tam Phong thì những đặc điểm của ông Trạng Ngọt đã phát triển đến tột đỉnh : gia cảnh cực kỳ bần hàn, diện mạo, hình dung cực kỳ quái dị (nếu theo như sách tướng thì đó là một trong bốn quí tướng : Thanh – Kỳ - Cổ - Quái) và thiên tư thì cực kỳ thông minh, mẫn tiệp.

Diện mạo ông Hứa Tam Phong xấu xí đến mức mỗi khi đi ra đường ông phải đội khăn che mặt, chỉ để hở hai con mắt sáng như sao, cuối vầng mắt thật sắc như dao cắt (sách tướng nói người có mắt như thế dễ nổi  tiếng về đường văn chương !). Năm 12 tuổi, Hứa Tam Phong đã theo học hết các ông thầy danh tiếng của nho sĩ  Bắc Hà thời đó. Các ông thầy dạy Hứa Tam Phong đều bái phục cậu bé sát đất và đều thú nhận không còn chữ để dạy cậu bé có thiên tư tuyệt vời này nữa. Khoa thi năm đó, nghe nói nhà vua treo bảng cầu hiền, việc chấm thi sẽ rất gắt gao, cậu bé Hứa Tam Phong đội khăn che mặt lều chõng đi thi, quyết đem lại tiếng thơm cho dòng họ. Nhưng, đêm hôm trước ngày thi, Hứa Tam Phong đang ngủ trong nhà trọ thì có một vị công tử lẻn vào, dựng Tam Phong dậy và nói : “Ta chính là con, của quan Trạng Giản Thanh, mẫu thân ta chính là bà Kinh Phi ! Ta thi đã nhiều khoa mà chưa đậu, nhưng cái số của ta sẽ đỗ đầu khoa thi này. Trời đã xui ta gặp nhà ngươi. Ngươi không thể tránh được mệnh trời. Vậy ngày mai, ngươi cứ viết bài nhưng phải ghi tên ta . Còn nhà ngươi, cầm lấy túi tiền này và phải đi thật xa, nếu không ta sẽ cho đi chầu ông bà ông vải!”. Nói xong, vị công tử nọ ấn túi tiền vào tay Hứa Tam Phong, tay kia rút ra thanh kiếm sáng loáng kề vào cổ cậu bé !...Sáng hôm sau, người ta thấy cậu bé đội  khăn vào dự thi nhưng khi nộp quyển xong thì không ai biết cậu bé ấy đi đâu. Dân làng Vọng Nguyệt phái người đi bốn phương tìm kiếm nhưng vô hiệu. Thời gian trôi đi, hình ảnh cậu bé Hứa Tam Phong chỉ còn là ký ức của mọi người. Có một người biết Hứa Tam Phong đi đâu, chính là vị công tử nọ, sau đó là quan trạng . Quan trạng cử hai vệ sĩ thân tín bám gót Hứa Tam Phong, dặn là đến nơi hoang vắng thì sẽ hạ thủ cậu bé, lột lấy da mặt đem về làm bằng. Nhưng sau ba ngày đóng giả làm khách lữ hành bám theo Hứa Tam Phong, hai vệ sĩ này động lòng trắc ẩn, không những không nỡ giết cậu bé mà còn hộ tống cậu vào tận vùng đất mới Đồng Tháp Mười sinh sống . Hai người vệ sĩ ấy tên họ là gì, họ đã sống với nhau ở miền Nam xa xôi ra sao, họ có lập được những kỳ tích nào không, đó còn là cả một bí ẩn ! Chỉ biết là năm mươi năm sau, trên sông Như Nguyệt đoạn làng Vọng Nguyệt, người ta thấy một ông lão đánh cá sống  đơn độc trên một chiếc thuyền nhỏ, thân mình đầy những vết thương chằng chịt, mặt được che bằng chiếc khăn Hồng Lĩnh. Từ khi có ông lão, khúc sông Như Nguyệt này tiệt hẳn nạn trộm cướp, nạn chết đuối vì sông nước cũng không còn, Hà Bá cũng phải kiêng nể ông lão đánh cá cô độc này .Một vài ông già trong làng Vọng Nguyệt chợt nhớ lại hình ảnh cậu bé Hứa Tam Phong năm mươi năm về trước , cố tìm cách để hỏi chuyện ông lão, nhưng ông lão nói là không hề biết Hứa Tam Phong là ai, ông lật khăn cho các cụ già làng xem khuôn mặt đầy những vết chém của gươm đao, không ai đã có thể khẳng định đó là khuôn mặt của cậu bé Hứa Tam Phong ngày trước. Nhưng đêm đêm, vào những lúc trăng thanh gió mát , người nào thính tai đều nghe thấy từ khúc sông vẳng lên tiếng đọc thơ trầm hùng . Vì đã có truyền thuyết võ tướng Trương Hống đọc thơ Lý Thường Kiệt ở khúc sông Như Nguyệt này mà đánh tan quân Tống cho nên người ta nghĩ là hồn ông Trương Hống còn linh thiêng , vẫn còn đọc thơ để kêu gọi nhân chúng đứng dậy đánh giặc cứu nước. Nhưng , có một người biết đích xác không phải Trương Hống đọc thơ mà chính là ông lão đánh cá đọc thơ. Người đó là Cô Hạnh, con một ông đồ nghèo ở trong làng, là người đẹp không chỉ nhất làng mà cả trấn Kinh Bắc không ai có thể sánh nổi!

Năm ấy , cô Hạnh vừa đúng độ tuổi trăng tròn lẻ, không chỉ nhan sắc tuyệt trần mà cầm kỳ thi họa đều tinh thông không ai bằng . Tiếng đồn cô Hạnh đến tai quan huyện. Lập tức, quan huyện cho người tới dạm hỏi làm vợ bé! Ông đồ nghèo kinh hoàng , chỉ biết đấm ngực kêu trời ! Cô Hạnh bủn rủn chân tay, khóc hết nước mắt ! Đêm ấy, cô  Hạnh đi ra bờ sông, đứng trước một cái hút. Chỗ này, nghe nói sâu ngàn trượng, biết bao sinh linh oan khuất, khổ đau đã trầm mình nơi đây? Đúng lúc cô Hạnh nhìn đăm đăm vào mặt nước loang loáng ánh trăng thì vang lên  giọng thơ trầm bổng, não nùng, như là từ cõi xa xăm vọng về:

    “…Dòng sông chở sầu hoài đâu hết
         Khói sóng trên sông đẫm lệ người
         Anh hùng đâu tá , dòng nước siết?
         Liệt nữ tìm chi dòng nước trôi ?...
Cô Hạnh giật mình, nhìn quanh quất chỉ thấy mặt sông mờ mịt khói sóng, tịnh không có một bóng người, vậy mà tiếng thơ vẫn ngân vang vô tận!...Tiếng thơ như thấm vào từng mao mạch của cô Hạnh, khiến cô rùng mình, thảng thốt. Cô nhắm mắt lại rồi lao đầu xuống hút nước !... 

Từ lúc cô gái xuất hiện bên hút nước, ông lão đánh cá đã nhìn thấy cả. Đúng lúc cô gái lao xuống thì từ trên con thuyền nhỏ đậu khuất trong một lùm cây ven sông, ông lão cũng bật người lao xuống nước như một con chim bói cá. Ông lão đã vật lộn với dòng nước  xoáy và đưa được cô gái lên thuyền…

Khi đã tỉnh lại, nhìn thấy ông lão đánh cá che mặt, cô Hạnh nói với ông mà như nói với người hư ảo: “Ông lão đánh cá cô độc đấy ư? Ông cứu tôi làm gì? Tôi đã quyết hiến thân cho Hà Bá còn hơn phải sống trong hang hùm miệng sói!”.Ông lão nhẹ nhàng nói:”Cô nương nên tìm cách khác, sao lại hủy hoại tấm thân non trẻ đang giá ngàn vàng như vậy? Cô nương không tiếc công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ sao?”. Mắt Hạnh trào lệ, cô nghẹn ngào nói:”Nhưng tôi sắp rơi vào tay bọn quỷ dữ!...”. “Tôi sẽ cứu cô nương – ông lão bình thản nói:”Cô nương muốn tôi đưa tới đâu, tôi sẽ cố gắng  hết sức để cô nương được bảo toàn”…Cô Hạnh nhìn đăm  đăm  vào tấm khăn che mặt của ông lão đánh cá rồi đột ngột nói:”Ông lão, ông có phải là cậu bé Hứa Tam Phong thần đồng ngày xưa không?”. Ông lão ngập ngừng một lát  rồi nói nhanh, tiếng  ông như gió thoảng:”Thưa cô nương, chính phải! Tôi là Hứa Tam Phong!”. Cô Hạnh giật mình, lấy hai tay ôm mặt, đoạn từ từ bỏ tay ra, nhìn ông lão chăm chú, nói:”Thì ra chính ông là Hứa Tam Phong! Tại sao ông bỏ làng xóm ra đi, năm mươi năm mới trở lại mà không cho ai biết?”. “Chuyện của tôi dài lắm. Tôi bị người ta cướp đoạt mất nghề văn nên chuyển sang nghề võ. Vì nhớ quê hương mà trở về, song nghĩ mà hổ thẹn với tổ tiên nên không dám lộ diện” – ông lão nói rồi khóc nấc, toàn thân ông rung lên như sóng nước!...Hồi lâu, cô Hạnh nói:”Họ Hứa nhà ông có còn người nối dõi không? Nghe nói mặt ông xấu xí lắm? Cho tôi coi được không?”. Ông lão nói:”Xin cô nương đừng coi, cô nương sẽ chết khiếp vì bộ mặt như quỷ Dạ Soa của tôi!”, Hạnh nói dịu dàng:”Tôi chỉ sợ bọn mặt người nhưng lòng dạ là quỷ ma. Ông ngồi xích lại gần đây, mở khăn ra cho tôi được nhìn thấy  mặt người mà tôi ngưỡng mộ văn tài từ lâu!”. Ông lão ngần ngừ rồi giật tấm khăn che mặt ra, ông nghĩ cô gái sẽ rú lên kinh hãi như bao cô gái khác khi nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của ông. Nhưng ông hoàn toàn bất ngờ khi thấy cô Hạnh chỉ thoáng giật mình, khẽ nhắm mắt lại rồi mở ra nhìn ông chăm chú, ánh mắt lung linh như ngọc… Cánh tay trần của cô trắng ngà dưới ánh trăng huyền ảo, ngực cô chuyển động như sóng nước theo từng hơi thở mạnh. Tấm chăn chiên ông đắp cho cô đã trễ xuống, để lộ ra khuôn ngực mềm mại, đang tỏa hương thơm trinh bạch…. Ông nhắm mắt lại, vội quay mặt đi toan đứng dậy thì cô gái đã vươn tay ra, ôm lấy đầu ông ép mạnh vào bộ ngực nóng rực của mình mà nói:”Ôi, ước gì tôi được đổi bộ mặt của tôi cho ông !...Hứa Tam Phong!...Yêu tôi đi… tôi sẽ đẻ cho ông một đứa con trai ! Ông cần phải có con nối dõi!” Ông Hứa Tam Phong cảm thấy mình như đang bồng bềnh trên những tầng mây trắng xốp !...Hồi lâu, Hứa Tam Phong mới định thân trở lại, ông nghe tiếng nói như lửa cháy, như nước reo bên tai:”Ông yêu tôi đi…Tôi sẽ đẻ cho ông một đứa con trai thật đẹp!...Sau đó, ông hãy đưa mẹ con tôi đên một làng chài ven biển, gửi tôi ở đấy… Biển bao dung và những ngư dân tốt bụng sẽ cho tôi lánh nạn...”.Hứa Tam Phong vội nói:”Tôi xin đội ơn cô nương!”, nhưng tiếng nói của ông đã tan đi trong hơi thở thiên thần của cô gái !..
* * *
Ông cụ tổ của Hứa Tam Giang chính là cậu bé được sinh ra và lớn lên ở ngã ba sông đó. Khuôn mặt đứa bé được thừa hưởng sắc đẹp của người mẹ và sức khỏe thì được thừa hưởng của người cha. Còn trí thông minh đặc biệt là của  Trạng Ngọt truyền lại. Hứa Tam Giang như là sự ngưng tụ, kết tinh của  dòng dõi Trạng Ngọt. Song, Hứa Tam Giang lại bị cái tật oái oăm: nói lắp ! Mà tật nói lắp (cà lăm) của anh lại khá nặng !...Chính cái tật nói lắp đã khiến anh gặp rất nhiều phiền toái, thậm chí rất nghiêm trọng…

Đặc điểm chính của  công việc trắc thủ Rađa là thông báo các số liệu về mục tiêu (tức máy bay Mỹ) lên chỉ huy sở, tức người trắc thủ phải nói rõ ràng, rành mạch như phát thanh viên truyền hình. Đó là một khó khăn “bất khả kháng” đối với Hứa Tam Giang. Các thủ trưởng đại đội đã quyết định điều Hứa (từ đây nói tắt là Hứa cho tiện) xuống tiểu đội nuôi quân. Nhưng mỗi khi máy móc trục trặc, trung đội trưởng máy P.40 (trong đội hình chiến đấu của bộ đội Rađa, cứ mỗi một máy rađa thì biên chế một  trung đội, một đại đội Rađa thường gồm có ba máy rađa, tức ba trung đội…) lại phải chạy xuống nhà bếp để cầu cứu anh chàng Hứa. Nói vậy có nghĩa  là Hứa có năng khiếu đặc biệt về máy móc. Hứa    nhìn  vào mạng lưới dây nhợ chằng chịt của máy rađa như người nhạc sĩ nhìn vào bản nhạc, như người họa sĩ nhìn vào bức tranh…Nói nôm na , khi Hứa làm việc với máy móc cứ như người nhạc sĩ tấu nhạc, như người họa sĩ vung bút!...Nhưng sự đời éo le, nghiệt ngã lại nhắm thẳng vào Hứa mà thể hiện…Một lần, Hứa đang phụ trách một chảo cơm khổng lồ thì trung đội trưởng máy rađa P40 chạy xuống bếp cầu cứu Hứa : máy rađa bị trục trặc đúng lúc có lệnh mở máy tăng cường (bạn đọc có thể hiểu nôm na là  tinh hình đang rất căng thẳng, máy bay Mỹ đang bay vào rất nhiều, toàn bộ hệ thống máy rađa của chúng ta đã huy động hết mà  vẫn chưa đáp ứng  được yêu cầu chiến đấu…). Hứa chạy lên máy cùng trung đội trưởng… Nghiệt nỗi là lúc đó, tiểu đội anh nuôi chỉ có mình Hứa trực ban làm nhiêm vụ. Khi Hứa theo Trung đội trưởng đi sửa máy rađa thì cái nhà bếp thành …vô chủ ! Điều đó cực kỳ không an toàn ! Và sự cố đã  xảy ra : cả chảo cơm khổng lồ bị cháy thành tro cùng cái nhà bếp ! May mà chỗ đặt nhà bếp ở rìa làng nên không ảnh hưởng tới ai !...

Về vụ cháy nhà bếp này, chính trị viên đại đội đòi kỷ luật nặng ngay tức thì, nhưng “án trảm” vừa mới phát ra thì đại đội trưởng cho người tới báo: Cuộc không chiến ban nãy, trên bầu trời phía Tây Thủ đô Hà Nội, không quân ta đã bắn rơi tại chỗ bốn  chiếc “Con ma” (F-4H : tiêm kích hải quân Mỹ), trong đó có sự hợp đồng tác chiến rất kịp thời của máy rađa P.40, do đó cấp trên quyết định  thưởng huân chương chiến công cho máy rađa P.40 ! Tuy thế, chính trị viên chỉ giảm mức án đối với chàng  Hứa chứ không cho “trắng án”như  đề   nghị của đại đội trưởng! 
* * *

Những “tai nạn” na ná như cái vụ cháy nhà bếp vừa nói xảy ra khá nhiều đối với chàng Hứa… Dường như anh chàng Hứa này  phải vác trên vai một cái “món nợ đời” quá nặng!...Trong những ngày “phiêu bạt giang hồ” ở Sài Gòn, ngẫu nhiên tôi đã  gặp lại Hứa Tam Giang: anh chàng đang làm chủ một lò bánh ngọt ở quận Năm !...Câu chuyện phải tạm dừng ở đây vì từ khi gặp lại Hứa Tam Giang, một cuốn tiểu thuyết bộ ba đã hình thành khá  rõ, và nhân vật chính  là anh bạn Hứa Tam Giang của tôi !...
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: vanvn.net phienbancu
 


Lột da mặt
Chùm truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 
(2/23/2009 9:32:46 AM) Hai truyện ngắn thì cả hai đều có trại tâm thần, không hiểu nó có ẩn dụ gì? Nhưng đọc thì xót xa, muốn làm một cái gì đấy để không sa vào, để có thể thoát ra, để bổ đi tìm kiếm.


HOME / TRUYỆN NGẮN
Lột da mặt
Chùm truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch ( 2/23/2009 9:32:46 AM )
LỘT DA MẶT      
Dạo  này, cứ vào khoảng nửa đêm giờ tý, trên đường Đồng Khởi con đường phố trung tâm của Sài thành hoa lệ người ta lại thấy xuất hiện hai người : một ông già điên khoảng hơn sáu mươi và một cô gái đi sau, cách khoảng mươi mét. Cô gái mới nhìn đã thấy cực kỳ xinh đẹp, im lặng đi theo ông già như một cái bóng . Ông già , tuy quần áo rách rưới nhưng thân hình còn rắn chắc, cứ vài phút lại thấy ông già múa tít chân tay theo những thế võ và mồm thì hô lên những câu trong bài thiệu  “Thảo bộ Phượng hoàng” :
           Phượng hoàng tranh cước vĩ
           Mãnh hổ khai đại phi
           Song long truyền bảo đỉnh
           Đoạt chấn vũ uy trì…
Múa xong bài võ, ông  đưa tay ngang mày như dõi tìm ai đó đoạn thét lên một tiếng cực lớn rồi tung người lên cao như con phượng hoàng cất cánh ! Cô gái thấy vậy thì ôm mặt khóc, vai rung lên !...
* * *
Ông  già tên gọi Mười Lành , một trong những môn đệ giỏi của ông Hương Mục Ngạc, một võ sư nổi tiếng ở An Vinh của đất võ Bình Định với câu thành ngữ  “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh” (Thuận Truyền và An Vinh là những địa danh nổi tiếng trong làng võ Bình Định). Tổ tiên của ông  Mười Lành là thuộc hạ của quân Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn đổ, nhà Nguyễn truy bắt tướng sĩ  của nhà Tây Sơn rất ngặt, họ hàng nhà ông Mười phải trốn tránh vào miền núi rừng hoang vắng mới thoát…
Khi đã gần sáu mươi tuổi, ông Mười Lành bỗng cảm thấy bứt rứt chân tay, lòng dạ nôn nao. Ông gọi anh con trai cả tên gọi Hai Quyền đến , nói :
- Dòng họ nhà ta đã bao đời tung hoành thiên hạ. Nay con đã lớn , sức dài vai rộng , chẳng lẽ cứ sống vùi nơi xó rừng này sao ?
Hai Quyền vòng tay trước ngực nói :
-Thưa cha, con vẫn nghĩ như vậy . Không thể cứ sống ẩn dật  với cái nghề đốn củi, săn thú và cuốc đất mãi được. Con nghe có người ở thành phố về nói : Bây giờ đất nước mình có nhiều  biến động  lắm !...
-Con tính đi đâu ? Làm gì ?
-Thưa cha, người ta nói  : ở  thành phố ngày đêm ầm ầm náo nhiệt. Như thế, tất phải cần những người  tráng kiện , dũng mãnh như con !
Nói rồi Hai Quyền cởi phăng áo, xuống tấn, lên gồng, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, đoạn vung tay múa chân đi bài quyền gia truyền  “Phượng hoàng”,  mồm thì hô vang những câu thiệu :
Phượng hoàng tranh cước vĩ
Mãnh hổ khai đại phi…
Người cha nhìn con gật đầu hài lòng, nhẹ vuốt chòm râu bạc, nói :
- Con hãy bay đi như phượng hoàng tung cánh ! Nhưng không được làm hổ danh cha ông, dòng họ, Nếu phạm vào lời cha dạy, hối không kịp đâu nghe con !
Ông  Mười Lành chỉ có ba người con : Hai Quyền, Ba Cước và Phượng Vân. Trong ba đứa, ông chỉ còn hy vọng vào Hai Quyền vì Ba Cước, trong một lần  nóng giận ông đã lỡ tay  đánh  nó thành tật, còn  Phượng Vân là nữ nhi , tung hoành sao được ? Suốt cả đời chỉ sống nơi thôn dã hẻo lánh, ông không thể hình dung  nổi thành phố nó như thế nào ? Vì thế, sau khi Hai Quyền khăn gói lên đường, ngày ngày ông luôn  ngóng trông tin tức thằng Hai Quyền …
Lúc đầu , ông Mười Lành còn nhận được tin về Hai Quyền : Nó được tuyển vào hải quân ở Quy Nhơn. Rồi  nhờ cứu một nhân vật quan trọng trong vụ trấn lột của một băng cướp lớn, anh ta được chuyển sang hải quan Quy Nhơn, rồi sau đó chuyển vô Cảng Sài Gòn .Từ ngày Hai Quyền vô Sài Gòn, ông  Mười không nhận được tin tức gì về nó nữa.
Ba năm trôi qua, Hai Quyền vẫn bặt tin. Một chiều, ông  Mười đang ngồi nhâm nhi xị rượu bỗng có một con quạ  đen bay ào đến đậu lên nóc nhà, nhìn ông chòng chọc. Ông thấy gai người. Nhặt hòn đá, ông tính liệng chết con vật đáng ghét  kia thì nhanh như chớp, nó đã lao vút xuống mổ đúng vào cánh tay ông . Chưa kịp định thần, ông Mười đã thấy con quạ bay vút đi, về hướng Nam . Ông chỉ còn kịp nhìn thấy một chấm đen trên nền trời xám xịt.
Ông Mười gọi Phượng Vân , nói :
- Anh Hai con chắc là gặp nạn ? Con phải đi tìm anh con !
Phượng Vân giật mình thảng thốt, đoạn nói nhỏ :
- Sài Gòn ở đâu cha ? Con bé nhà quê nhút nhát như con làm sao biết đường tới  Sài Gòn  ?
- Đường ở mồm chớ ở đâu nữa ? – Nói rồi ông Mười lẳng lặng cầm con dao quắm và đi về hướng núi. Phượng Vân hiểu như vậy là ý của ông phải được thực hiện bằng mọi giá !
***
Xuống Quy Nhơn, Phượng Vân được một người thủy thủ già tốt bụng đưa xuống tận Cảng Sài Gòn .
Khi biết ý định của Phượng Vân, người thủy thủ già nhìn cô ái ngại . Ông định tìm một lời khuyên và nghĩ cách giúp đỡ  cô gái đơn thương độc mã  nơi đất khách quê người này, thì Phượng Vân, như đọc được ý nghĩ của ông, đã dứt khoát chia tay ông già tốt bụng . Cô xách giỏ đồ bước lên bệ xi măng  bến cảng mà có cảm giác như bị hẫng chân !.
Phượng Vân lững thững đi về phía pho tượng Trần Hưng Đạo đang đứng trên bệ cao, chỉ tay ra sông Sài Gòn. Trời đã sập tối từ bao giờ, gió từ sông thổi lên khiến cô thấy gai người. Cô đang tính hỏi thăm đường đến nhà trọ thì bỗng giật mình khi thấy có người nắm lấy cánh tay mình, nói :
-“Xào”  đi em !...Hôm nay hết tiền “dù” !  Kẹt quá !...
Phượng Vân không hiểu những tiếng đó có nghĩa gì và cô ngạc nhiên hơn khi thấy đó là một ông già, mắt đeo cặp kính loáng ánh điện, một tay chống can, một tay nắm lấy tay cô, miệng như muốn ghé sát  vào má cô.
Phượng Vân nghĩ có lẽ ông lão nhầm mình với người quen của ông , nên cô khẽ đẩy ông già ra và  nói :
-   Dạ thưa cụ , cụ nhầm con với ai rồi đó !
Ông già sửa lại mục kỉnh, nhìn Phượng Vân rồi nói :
     - Thế ra cô không phải là cái cô vẫn đi  “dù” với tôi à ? Cô  ấy vẫn thường đứng ở đây mà ?
    Ông già định nói thêm gì nữa thì có một người cao to đi đến, gạt ông ra, nói :
-  Bố già ra gốc cây kia mà ngồi đợi. Để con bê non này cho tôi !
     Vừa dứt lời, hắn đã nắm tay Phượng Vân kéo đi.  Phượng Vân  bị lôi đi ba bước, song cô đã kịp trấn tĩnh , giật phắt tay ra, nhảy phóc  một cái , lùi lại ba bước xuống tấn, nhìn đứa lạ mặt như muốn đá cho nó chết tức ! Thằng kia thấy vậy thì thốt giật mình , song hắn trấn tĩnh ngay, nhăn nhở cười, để lộ hàm răng lổn nhổn  đã rụng phân nửa :
-Ủa  ! Con nhỏ ngon lành ha ! Nhỏ ơi, em chưa biết danh anh Tư  “trôi sông”  ở đất  Cảng sao ?
         Vừa dứt lời , hắn vung tay chân tít mù như chong chóng rồi bất ngờ  lao vào Phượng Vân như cơn lốc. Nhưng cô gái con nhà võ đã nhanh hơn làn gió, né người tung một cú đá! Thằng Tư  “trôi sông”  đã bị cú đá hất tung lên cao rồi rơi tõm xuống bể nước khu tượng đài. Một tốp người đứng quanh từ bao giờ đồng thanh “á” lên một tiếng , tròn mắt kinh ngạc ngó nhìn cô gái xinh đẹp xa lạ.
Biết là đụng phải bọn côn đồ, Phượng Vân tính rút êm nhưng không kịp nữa rồi, một bọn hơn chục thằng đã quây tròn lấy cô gái. Nhìn những bộ mặt gớm ghiếc như quỷ sa tăng, máu giận bốc lên, Phượng Vân vận công lực, mồm thầm gọi tên cha rồi tung đòn như mưa sa. Bọn du đãng bến cảng thảy đều bàng hoàng , thảng thốt trước lối đánh tiêu diệt, chỉ có cái chết mới ngăn được võ sĩ ngừng lại ! Khi Phượng Vân ngừng lại cũng là lúc có tiếng nói vang lên :
- “Quyền chiến Tây Sơn” !  Giữa đất Sài Gòn sao lại có người sử dụng bài quyền  “Phượng hoàng”  thần tình như vậy ?
Dứt tiếng nói , một bóng người cao lớn bước tới bên Phượng Vân và nghiêng mình chào cô. Nhìn cách chào , Phượng Vân giật mình vui mừng vì nhận ra  dáng dấp quen thuộc của lò võ “Quyền An Vinh”. Cô đáp lễ và khẽ hỏi :
- Ông là người An Vinh ?
Người lạ mặt đáp:
- Không phải. Nhưng tôi là đệ tử của anh Hai Quyền, con ông Mười Lành An Vinh. Nhìn cách    đánh của cô tôi biết ngay cô là người An Vinh!...
- A! Anh tôi đâu? Anh Hai Quyền của tôi đâu?- Phượng Vân sung sướng reo lên.
- Chuyện dài lắm. Mời cô hãy theo tôi, nhanh chóng chuôn khỏi bãi chiến trường này. Công an mà  tới  là  lôi thôi to. – Dứt lời, người lạ mặt quay gót bước nhanh như gió. Phượng Vân không nói gì, cô lăng lẽ bám gót người lạ mặt.
Người lạ mặt dẫn Phương Vân vào một con hẻm dài và vắng. Đi vài bước, Phương Vân lại thấy một tấm bảng hiệu bằng đèn màu nhấp nháy, mờ ảo: “Café Môi Tím”, “Café Tuổi Hồng”, “Café Má Đào”,v.v…Tiếng nhạc chỗ thì ai oán sầu thảm, chỗ thì la hét chát chúa!... Nhìn vào bên trong chỉ thấy sương khói mờ ảo như miền sơn cước… Tới một căn nhà có tấm biển    xanh “Massage Mỹ Tiên”, dưới ánh đèn dịu nhẹ, thấp thoáng vài cô gái đẹp như tiên giáng trần, người kia ra hiệu cho Phượng Vân bước vào. Cô ngần ngại giây lát rồi miễn cưỡng bước vào, ngỡ ngàng  trước quang cảnh mơ mộng như động tiên. Người kia ra hiệu cho Phượng Vân ngồi xuống  một cái ghế rồi lách vào buồng trong. Phượng Vân đang ngơ ngác quan sát xung quanh và thấy mắc cỡ khi thấy các cô gái ở đây đều mặc những bộ đồ hở hang, khêu gợi!...Bỗng từ một cái bàn nơi góc phòng, có ba người  đang ngồi uống  bia lon, vọng lại tiếng nói lè nhè:
- Tui chấm con nhỏ mới vô!... Bao nhiêu cũng chiều!...
   Phượng Vân giật mình hoảng sợ và cô lờ mờ nhận ra nơi cô đang ngồi là cái gì. Cô nhấp nhỏm toan đứng dậy thì có tiếng nói ỏn ẻn vang lên:
         -  Dạ thưa tiên sinh ! Đó là em gái ông chủ mới ở nhà  quê tới tức thì. Rồi em nó sẽ tiếp tiên sinh !...
             Rồi tiếng nói ấy tiến lại phía Phượng Vân :
         - Phượng Vân đó à em ? Cha ! Em gái anh Hai Quyền của chị xinh đẹp quá ta ! Vô trong này đã !...Chị  làm vợ anh Hai của em hơn hai năm rồi mà giờ mới biết mặt em gái ảnh. Chỉ tại xa xôi cách trở quá phải không em ?
          Đó là  một người đàn bà mập mạp,  trắng trẻo và cũng có nhiều nét hấp dẫn của nữ tính: đôi mắt ướt lúng liếng, đa tình, cặp môi mọng đỏ chóe, còn cổ , ngực, mông đầy sung mãn…
          Với sự khéo léo có sức điều khiển người khác của chị Hai  Quyền , Phượng Vân đã vô phòng trong và theo chị Hai đi thay đồ, tắm rửa, ăn uống rồi ngồi tâm tình kể chuyện rất thân mật từ bao giờ. Chị Hai luôn có những lời nhẹ nhàng , êm ái thật lọt tai !... Phượng Vân chưa kịp hỏi anh Hai của mình đâu thì cô đã thấy đầu óc mệt mỏi , người như mây bay lãng đãng và rồi cô thiếp đi lúc nào không biết nữa !...
             Khi   Phượng Vân mơ màng tỉnh lại, cô mở mắt và giật mình kinh ngạc khi thấy mình bị lột truồng không còn một mảnh vải, và nằm cạnh cô là một thằng đàn ông mập ú, mặt bự , tóc cắt cao đang nằm nhả khói thuốc lên trần nhà. Cô thấy uất nghẹn trong cổ, muốn nói mà ú ớ  không nói được, muốn bật người dậy mà chân tay như không phải của mình. Cô trừng trừng nhìn thằng đàn ông rồi mắt trào lệ…
           Thằng đàn ông kia ngoảnh lại nhìn Phượng Vân, thấy vậy thì cười tít mắt, lấy tay xoa má, xoa ngực cô rồi  hôn chùn chụt lên khắp mặt, khắp người cô , mồm nói líu ríu :
           - Tốt ! Tốt…đẹp quá ! Tuyệt quá !...
           Nói rồi, hắn lại đè cả khối thịt đồ sộ của hắn lên người cô gái, vừa vặn vẹo, lăn lộn vừa ré lên những tiếng cười man rợ !...
           Đến lúc Phượng Vân hoàn toàn tỉnh táo thì cô lại thấy mình bị trói chặt  vào một cái ghế bành. Đứng trước mặt cô là người đàn ông dẫn đường, người đàn bà nhận là vợ Hai Quyền và một người đàn ông to lớn khác. Thấy Phượng Vân đã tỉnh, người đàn bà nhoẻn miệng cười, nói :
          -  Phượng Vân em ! Đây là anh Hai Quyền của em nè !
           Nói rồi thị đẩy nhẹ người đàn ông cao lớn tới trước mặt Phượng Vân. Phượng Vân nhìn lướt qua người đàn  ông này, rồi quay sang người đàn bà, mắt tóe lửa :
          - Không phải !...Con quỷ cái ! Mày đã gạt tao ! Tao sẽ đập chết mày như đập con ruồi , con nhặng !
           Người đàn bà nghe vậy thì giật mình hoảng hốt, vội nép vào sau lưng người đàn ông mà thị vừa nói là Hai Quyền. Mà đúng là Hai Quyền thật. Hai Quyền tiến sát lại trước Phượng Vân, nói :
           - Không nhận ra anh Hai hả ? Cũng đúng thôi ! Anh đâu có còn là thằng võ biền nhà quê ngu dốt, ngớ ngẩn như xưa ! Anh đã vô mỹ viện sửa mắt, sửa mũi, sửa cả mồm, lột da mặt và bây giờ thì bảnh trai, đường bệ như một ông chủ kinh doanh cỡ bự ! …- Hai Quyền uống cạn lon bia Heineken rồi   tiếp -
Và anh đã là một ông Giám đốc công ty dịch vụ tổng hợp nổi tiếng ! “Di-vu-tô-hô”,  em hiểu không ! Anh đã đi Hồng Kông , Xinh-ga-po, Thái Lan… Bây giờ phải làm giàu em ơi ! Không thể sống nghèo khổ lạc hậu mãi, phải  làm giàu !...
         Hai Quyền nói hàng tràng, sùi bọt mép, văng cả vào mặt Phượng Vân. Phượng Vân cảm thấy tai như ù, mắt  như hoa. Cô bỗng hét lên :
              - Không phải ! Mày không phải là Hai Quyền ! Hãy cởi trói cho tao ! Quân khốn nạn !
              - Mày có chịu nghe tao làm giàu không ? Chịu thì tao cởi trói và cho làm chủ một nhà hàng máy lạnh ! Không chịu thì tao bán cho thằng Ba Tàu Hồng Kông !...Mà mày phải nghe tao, nghe anh mày ! Tao là Hai Quyền đây !...
              Hai Quyền cũng gào lên rồi cởi phăng áo, xuống tấn, lên gồng , bắp thịt nổi cuồn cuộn, đoạn vung tay đá chân múa bài  quyền gia truyền “Phượng hoàng” mồm thì hô to những câu thiệu :
              Phượng hoàng tranh cước vĩ
              Mãnh hổ khai đại phi
              Song long truyền bảo đỉnh
               Đoạt chấn vũ uy trì …
     Phượng Vân há mồm, tròn mắt kinh ngạc : Đúng là anh Hai Quyền kia rồi ! Chẳng lẽ anh Hai Quyền của cô đã thay đổi đến như vậy ! Không thể như thế được ! Nghĩ thì chậm nhưng làm thì nhanh, Phượng Vân thấy máu nóng bốc lên mặt như hỏa diệm sơn, cô thét lên một tiếng cực lớn rồi vận hết công lực, bật tung dây trói, bay vút  lên như con phượng hoàng cất cánh rồi nhào vào Hai  Quyền . Hai Quyền thấy vậy thì thất kinh !  Mặc dù võ nghệ của Hai Quyền xưa nay hơn hẳn cô em gái, nhưng giờ đây, anh ta không thể chống đỡ lại trước những cú ra đòn như sấm sét của Phượng Vân đang bừng bừng  nổi giận . Song Hai Quyền còn kịp tỉnh táo kêu thằng đệ tử , bỏ chạy tháo thân .
         Phượng Vân thấy Hai Quyền bỏ chạy thì nổi giận đùng đùng, quay lại tóm cổ mụ chị dâu quật cái “đét” vào  tường. Đoạn cô đập phá tơi bời căn phòng rồi lao ra ngoài …
        *** 
        Ông Mười Lành lặng người đi vì đau xót khi nhìn Phượng Vân mặt mũi phờ phạc, người đầy bụi đường đang vừa khóc vừa kể lại tội Hai Quyền . Ông muốn thét lên thật to và bay đi tìm Hai Quyền để trị tội nhưng ngực  ông đau nhói, chân tay run lên. Ông ôm con gái vào lòng, xoa đầu nó, muốn nói một câu gì đó mà cổ như tắc nghẹn, đắng chát. Rồi ông khóc nấc, nước mắt ông tràn ra như suối, ướt sũng mái đầu đầy bụi đường của  Phượng Vân. Đó là lần đầu tiên trong đời ông Mười Lành khóc…
             Khi hai cha con ông Mười Lành tìm được đến căn nhà có biển hiệu “Massage Mỹ Tiên”  thì chủ nhà đã mất tăm. Ông  Mười  giận sôi người. Ông thét lên một tiếng kinh hoàng, tung chân đá cái cổng có cái biển hiệu đèn màu  “Massage  Mỹ Tiên”.  Cả mảng tường xi măng đổ rầm, cái bảng hiệu đèn màu  bị gạch vụn đè lên bể nát, vậy mà dòng chữ “Massage  Mỹ Tiên”  vẫn nhấp nháy, nhấp nháy trong đống gạch vụn !...
    Hai cha con ông  Mười Lành quyết đi tìm bằng được  Hai Quyền để trị tội rồi lôi cổ nó về quê. Ông nghe người ta nói nó đã ra đường Đồng Khởi làm ăn. Hỏi dò  đến đường Đồng Khởi, ông chỉ thấy những khu nhà cao tầng suốt ngày suốt đem nhấp nhoáng ánh điện và đông ngẹt người. Ông hỏi thăm hoài nhưng không ai biết thằng Hai Quyền nhà ông là ai cả. Ông nghĩ cho dù nó có  thay hình đổi dạng, có lột da mặt, da đầu đi chăng nữa thì ông vẫn nhận ra nó. Nhưng  đã một tháng trôi qua, ông Mười Lành vẫn  không tìm thấy Hai Quyền. Một lần, Phượng Vân thoáng nhìn thấy Hai Quyền và thằng lùn mập ú trong một đám người sang trọng. Cô kéo ông Mười chạy tới nhưng họ đã lên ngồi trên những cái ô tô bóng nhoáng, chớp mắt đã lao vút đi mất hút! Hai cha con tức giận la hét ầm ĩ giữa đường, người ta cho là điên, xúm lại bắt giữ, vì đây là chỗ thường tiếp khách nước ngoài sang liên doanh liên kết, sẽ thu về đô-la làm giàu đất nước, không thể lộn xộn như thế được. Càng tức giận, hai cha con ông Mười đã dùng bài võ gia truyền cự  lại. Nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ”, cả hai cha con cuối cùng đều bị bắt, bị trói nghiến và được đưa vào nhà thương điên !...
* * *
Ba tháng sau, công an thành phố đã điều tra ra rằng, cái ông Mã Nhân Kiệt, đại diện của mấy công ty lớn ở Hồng Kông, Xinhgapo đã ký kết hợp đồng với không ít cơ quan dich vụ du lịch của miên Nam, là “bồ” của Hai Quyền, chính là thằng Mã A Lừa , vốn là chân chạy bàn  cho một tiệm mì vằn thắn, sủi cảo ở Chợ Lớn! Khi biết tin đó, đúng vào lúc có hẹn làm ăn lớn với Mã tiên sinh, Hai Quyền xây xẩm mặt mày, máu mồm máu mũi túa ra, té xỉu đập đầu xuống sàn nhà chết ngay tức khắc !

     Còn hai cha con ông Mười Lành, không hề hay biết cái tin đó, vì chẳng  ai thông báo với ông cả. Sau khi trốn nhà thương điên, hai cha con ông vẫn đêm ngày đi tìm Hai Quyền để trị tội !...

 Viết tại 43-Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM, 1989
     Đỗ Ngọc Thạch

 

http://www.stockphotopro.com/photo-thumbs-1/APMK9Y.jpg
Chùm truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
VanVN.Net3/17/2009 10:58:34 AM )
CHỊ   EM   SINH  BA  & Người chép sử
CHỊ EM SINH BA
Ông Trung Dũng đã là cán bộ giảng dạy ở một trường đại học nhưng sau khi bọn Mỹ đánh bom B52 xuống Hà Nội thì có đợt tuyển quân rất lớn, ông Dũng nhập ngũ vào đợt đó. Ông Dũng tuy đã gần ba mươi tuổi nhưng vẫn chưa lấy vợ vì hai lý do : phụng dưỡng mẹ già (gần bảy mươi) và chờ lấy được cái bằng Tiến sĩ ! Nhưng sau khi nhập ngũ, lương cán bộ giảng dạy bị thay bằng phụ cấp của anh binh nhì, khiến cho cuộc sống của người mẹ già gặp khó khăn. Mẹ ông Dũng nói :
-  Đất nước có chiến tranh, làm trai không thể không cầm súng ra trận, bất kể ai ! Con cứ yên tâm đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, không phải lo gì cho mẹ cả ! Mẹ sống ngần này cũng là đủ rồi, nếu bố con gọi mẹ đi thì cứ để mẹ đi !
  Ông Dũng nghe mẹ nói vậy nhưng ông hiểu mẹ lúc nào cũng muốn ông cưới vợ để bà có cháu bế, có điều bà cụ nói quá nhiều mà không kết quả gì nên giả lơ đi mà thôi. Điều đó vào thời điểm này thì thật là cần thiết, vì vợ ông sẽ chăm sóc bà cụ thay cho ông . Nghĩ vậy, ông Dũng nói với mẹ :
- Mẹ ơi, nếu con để mẹ ở nhà thui thủi một mình thì chẳng phải là bất hiếu lắm sao ? Bây giờ thì con thấy mẹ bảo con phải lấy vợ là rất đúng . Con muốn lấy vợ để vợ con ở nhà chăm sóc mẹ và đẻ vài đứa con cho mẹ có cháu bồng bế !
   Bà mẹ nghe nói vậy thì mừng lắm, gọi điện thoại cho ông em trai đang làm việc ở Viện nghiên cứu Đông Y, bảo đến gặp bà gấp để bàn chuyện lấy vợ cho thằng Dũng . Về chuyện lấy vợ cho ông Dũng , bà mẹ và ông cậu đã bàn tính với nhau từ rất lâu nhưng không sao thuyết phục được ông Dũng nghe theo . Cô dâu mà ông cậu đã chọn cho ông Dũng tên là  Sơn, Sơn ở đây phải đọc là San, có nghĩa là ba, vì cô là con gái thứ ba trong một gia đình có bốn chị em toàn là gái. Cô Sơn đã hai mươi sáu tuổi, hiện đang là lương y trung cấp của Viện Đông Y. Cô dâu hai mươi sáu tuổi, không còn trẻ nữa, nhưng thực ra cô đã là cô dâu từ lúc hai mươi tuổi, tức chị em bà mẹ và ông cậu đã chọn cô cho ông Dũng từ sáu năm trước, lúc ông Dũng mới tốt nghiệp đại học ! Cô Sơn tuy không có vóc dáng theo tiêu chuẩn của các người mẫu, hoa hậu nhưng với các nhà chiêm tinh, tướng số thì không chê vào đâu được : cô Sơn có tướng cách đặc biệt quý hiếm của người đàn bà Vượng phu ích tử : xung quanh lườn, da thịt nổi lên đều đặn như một cái đai buộc quanh bụng, còn gọi là “Ngọc đới yêu vi”. Suốt sáu năm qua, ông cậu vẫn tìm đủ mọi cách để “giữ phần” cho đứa cháu của mình vì ông rất am hiểu tướng số, rất hiểu những người ham đọc sách, ham làm việc, nghiên cứu khoa học như cháu ông thì phải chọn người vợ như thế nào ! Ngoài cái “Ngọc đới yêu vi”, cô Sơn còn có dáng người đậm đà, khỏe mạnh, đôi nhũ hoa nở căng, cân đối và có cả nốt ruồi son, cực quý ! Đám cưới được cử hành ngay, và tuần trăng mật phải dồn lại trong có đúng ba ngày phép (đó là các sĩ quan của trại huấn luyện tân binh rất linh hoạt đối với ông Dũng). Bảy ngày dồn lại ba ngày, đương nhiên cường độ làm việc cũng phải tăng lên ! Để cho chắc ăn, bà mẹ và ông cậu quyết định khóa cửa nhốt cô dâu và chú rể từ lúc động phòng cho đến hết ba ngày  phép ! Bà mẹ ngồi cầu Trời khấn Phật đúng ba ngày ! Bà khấn cầu rất thành tâm, bà khấn rằng : “Xin Phật Tổ Như Lai quyền năng vô biên phù hộ độ trì cho con trai tôi là Hoàng Trung Dũng có được kết quả mỹ mãn : vợ nó thì sinh quý tử, nó thì tránh được mũi tên hòn đạn nơi chiến trường ! Xin Quan âm Bồ Tát trăm tay ngàn mắt nhón tay làm phúc, cho vợ thằng Dũng nhà tôi nó sinh đôi, sinh ba vì lẽ ra chúng nó đã thành vợ chồng sáu năm rồi, sáu năm ấy chắc cũng đã sinh được ba đứa con rồi ! Giờ xin Bồ Tát bù đắp cho chúng nó !...” Trong ba ngày liền, bà mẹ cứ nói những lời cầu khấn như thế, lẽ nào Phật Tổ Như Lai và Quan âm Bồ Tát lại không nghe thấy ?
     Quả nhiên, cả Phật Tổ Như Lai và Quan âm Bồ Tát đều nghe thấy lời cầu khấn thành tâm của bà mẹ già hiền lành đức độ, đúng chín tháng bảy ngày, tính từ ngày ông Dũng ra đi, cô Sơn đã sinh ra ba đứa con rất khỏe mạnh, xinh đẹp như ba nàng tiên, tất nhiên là sinh con gái ! Để ghi nhớ công ơn của Phật Tổ Như Lai và Quan âm Bồ Tát, ba cô con gái được đặt tên là San Như, San Lai và San Bồng (Bồng ở đây từ chữ Bồ Tát mà ra, còn có nghĩa là chốn Bồng Lai – nơi ở của tiên Phật ) !
    Nói về ông Dũng, trong thời gian huấn luyện tân binh, quân lực đã xếp ông vào danh sách đào tạo tiếp ở một trường sĩ quan Trung – Cao nước ngoài. Nhưng có một sự nhầm lẫn đáng tiếc đã xảy ra : Có một ông tướng về hưu cũng có con nhập ngũ trong đợt tuyển quân đó, cũng tên là Hoàng Trung Dũng (ở nước ta, con trai được đặt tên là Hùng , Dũng, Thắng, Việt, Nam nhiều hơn hẳn những tên khác !), chỉ khác ở chỗ cậu con trai ông tướng về hưu kia mới là sinh viên năm thứ nhất, vì thế ông muốn con ông phải là một người lính thực thụ, tức là phải cầm súng ra chiến trường như chính ông thời trai trẻ, chứ không phải là làm lính cậu, tức chỉ mặc áo lính, còn lại đi học ở nước ngoài ! Vì thế, ông đã gọi điện cho một ông bạn thân ở Bộ Tổng Tham mưu, điều ngay thằng con Hoàng Trung Dũng của ông vào một đơn vị đang chuẩn bị hành quân vào chiến trường miền Nam ! Ông bạn ở bộ Tổng Tham mưu liền gọi điện cho bộ phận quân lực phụ trách tuyển quân, vị quân lực lại gọi điện tới trại huấn luyện tân binh. Đúng lúc đó, Hoàng Trung Dũng chú rể vừa hết phép đã về tới trại huấn luyện tân binh. Người sĩ quan phụ trách trại huấn luyện tân binh vừa nhận được điện thoại “Cho Hoàng Trung Dũng về Bộ Tổng Tham mưu gặp tướng X gấp” thì liền nhìn thấy Hoàng Trung Dũng chú rể tới ! Như là một phản ứng tự nhiên của một người có tác phong quân sự nhanh nhẹn, thần tốc, người sĩ quan phụ trách trại huấn luyện tân binh liền nói với Hoàng Trung Dũng chú rể :
-  Thánh thật ! Nói tới Tào Tháo là Tào Tháo xuất hiện ! Bộ Tổng Tham mưu có lệnh triệu tập gấp đích danh đồng chí Hoàng Trung Dũng , do đích thân Tướng X ra lệnh ! Vậy đồng chí hãy đến bộ Tổng Tham mưu ngay, xin gặp Thiếu Tá Quân là trợ lý của Tướng X ! Chắc là có nhiệm vụ đặc biệt, đồng chí hãy đi ngay !
   Hoàng Trung Dũng chú rể liền đi ngay, nhưng khi đến Bộ Tổng Tham mưu thì Tướng X lại bận việc, không gặp Hoàng Trung Dũng được mà bảo người sĩ quan trợ lý là Thiếu Tá Quân đưa Hoàng Trung Dũng đến ngay đơn vị bộ binh đang chuẩn bị hành quân vào Nam, giao Hoàng Trung Dũng cho Tướng Y là Tư lệnh trưởng đơn vị đó ! Thế là chỉ sau hai tiếng đồng hồ từ lúc Hoàng Trung Dũng chú rể xa vợ, xa mẹ, ông đã nhập vào một đơn vị bộ binh hành quân thần tốc vào chiến trường!... Cuộc hành quân thần tốc đó đưa ông Dũng vào trung tâm của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sau đó, nhưng khi đơn vị ông đến cửa ngõ Sài Gòn thì ông đã hi sinh anh dũng, như đúng tên gọi của ông . Lúc đó, tức ngày 27-4-1975, ba cô con gái của ông Dũng vừa  tròn hai tuổi  !...
* * *
  Sau này, khi ba cô con gái đã lớn, bà Sơn thường nói với chúng rằng : “Mẹ và bố các con chỉ sống vợ chồng với nhau được đúng ba ngày nhưng tình nghĩa rất sâu nặng, duyên số đã có từ kiếp trước ! Việc bố các con bị điều động nhầm vào chiến trường rồi hi sinh, đó là sự nhầm lẫn khó tránh khỏi của Thần hộ mệnh, ai cũng có lúc nhầm lẫn, sơ sẩy, dù là Thần tiên, Phật Tổ đi nữa ! Bù lại, bố con đã được đề nghị tuyên dương Anh hùng quân đội, đó là một niềm vinh dự rất lớn mà ít người có được ! Đến đời các con chắc chắn sẽ hanh thông may mắn hơn đời bố, mẹ ! Tuy thế, cũng phải có dự liệu trước, nhất là chuyện chồng con, rút kinh nghiệm, chuyện chồng con phải giải quyết đầu tiên, đến tuổi qui định là cưới chồng ngay !
   Khi nghe bà mẹ nói vậy, cả ba cô con gái cùng cười rồi đồng thanh nói to :
-  Chúng con không lấy chồng ! Chúng con muốn ở với mẹ suốt đời !
    Khi ba chị em tròn mười tám, cũng là lúc sắc đẹp tuổi xuân của ba cô rực rỡ nhất. Vóc dáng của ba cô có nhiều nét giống mẹ, cũng có quý tướng “Ngọc đới yêu vi”, nhưng sắc đẹp thì vượt trội khác thường . Vẻ đẹp của ba cô là vẻ đẹp của Thúy Vân trong Truyện Kiều : “Khuôn trang đầy đặn nét ngài nở nang / Hoa cười ngọc thốt đoan trang / Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Biết bao văn nhân, tài tử, có cả quan chức, doanh nhân ngấp nghé ba chị em ! Bà mẹ thấy vậy thì nói với các con :
- Bây giờ các con đều đã vào đại học, chuyện học hành không thể xem nhẹ, nhưng nếu không dứt điểm chuyện chồng con thì sẽ hỏng cả hai !
   Cả ba cô con gái cùng nói - Ý mẹ là thế nào ? Cùng một lúc tiến hành cả hai à ?
Người mẹ cười :
- Thế là các con hiểu đúng ý mẹ rồi đó ! Lấy chồng xong thì việc học hành sẽ tốt hơn ! Các con phải nhớ câu “Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn” ! Có chồng hỗ trợ việc gì cũng xong !
Cô chị cả San Như nói :
- Lỡ chồng nó bắt đẻ hoài thì học sao được nữa ?
Cô thứ hai nói tiếp:
- Như thế thì chồng của chúng con phải có ít nhất ba tiêu chuẩn : Trình độ từ đại học trở lên, hình thức phải là một trang nam nhi khôi ngô, tuấn tú và hạnh kiểm, đạo đức phải đạt điểm mười ! Trời ơi, thời buổi này kiếm đâu ra một người trai chưa vợ như vậy, mà ba chị em chúng con thì cần phải có ba người !
San Lai vừa dứt lời thì San Bồng nói như có ý kết thúc :
- Vậy là cuối cùng chúng con sẽ chỉ ở với mẹ được thôi !...- Người mẹ nhìn ba chị em chúng nó ôm nhau mà cười muốn vỡ nhà, ngoài miệng bà nói muốn chúng nó lấy chồng sớm đi nhưng nhiều lúc bà tự hỏi : Khi cả ba đứa cùng đi về nhà chồng thì bà sẽ chịu sao nổi sự cô đơn của người đàn bà đã ở vậy nuôi con mười tám năm trời ! Song nghĩ đến cái cảnh đã lấy chồng muộn lại chỉ được sống cảnh vợ chồng đúng ba ngày của mình, bà lại củng cố quyết tâm cho chúng nó lấy chồng ngay trong năm thứ nhất của sáu năm học đại học (cả ba cô con gái bà Sơn đều học trường Y ).
   Lại nói về ba chị em San Như, San Lai và San Bồng. Ba chị em có ngoại hình giống nhau đến từng tiểu tiết và tư tưởng, tình cảm nói chung cũng rất giống nhau nhưng những cái gọi là “tự do cá nhân”, “sở thích riêng tư” thì lại rất khác biệt. Chẳng hạn khi ăn cơm, cô chị cả dứt khoát phải có canh, nếu không nấu canh cô lấy nước uống chan vào cơm ; còn cô thứ hai dứt khoát phải có nước chấm bằng nước mắm có chanh, ớt, tỏi đầy đủ, nếu không có nước chấm như thế, cô không ăn nổi một bát cơm ; cô em út lại khác hẳn hai cô chị, ở bữa cơm chính, cô chỉ đụng đũa mỗi thứ một lần, cơm cũng chỉ một bát, nhưng lúc ăn “tráng miệng” thì mới lúc cô làm việc thực sự : chục quả chuối, ba quả táo to, một hũ sữa chua, một cái bánh bông lan loại sinh nhật, vài thanh sôcôla và một li sữa cũng chưa làm cô vừa bụng ! Ba cô ba sở thích riêng đó cộng với điểm chung giống nhau là cả ba cô đều ăn rất khỏe đã khiến cho bà mẹ khá vất vả khi phải một mình nuôi con ! May mà bà Sơn “mát tay” nhất nhì Viện Đông Y, phàm những ca bệnh nan y, khó chữa từ tứ xứ tìm về, bà đều chữa khỏi hoặc thuyên giảm rất nhiều. Vì thế, bệnh nhân của bà ơn bà như Bồ Tát, thành tâm dâng lễ tạ ơn rất nhiều, có người đã khỏi bệnh đến hơn chục năm, dù ở rất xa, hàng năm nếu có dịp đều đến nhà bà dâng lễ tạ ơn. Thấy bà nhân từ, phúc hậu và không hề tính toán tiền nong, có tới mười đại gia hùn tiền xây nhà cho bà, một căn nhà hai lầu có sân, vườn rất đẹp !...Vì thế, có thể nói cuộc sống kinh tế của ba chị em khá sung túc. Lại nhờ có được di truyền thông minh, học giỏi của người bố, cả ba chị em đều học rất giỏi, chia nhau vị trí nhất, nhì , ba trong lớp và vào đại học cũng vậy !
   Trong khi bà mẹ cố công tìm kiếm người ưng ý để gả chồng cho ba cô con gái thì ba cô dường như không hề để tâm đến chuyện chồng con ! Dường như ba cô con gái thừa hưởng hầu hết những đức tính tốt đẹp của người bố : hiếu thảo, hiếu học. Mặc dù mẹ các cô chưa tới năm mươi tuổi nhưng cả ba cô đều lo chăm sóc mẹ rất tận tình, chu đáo : các cô chia nhau đưa đón mẹ đi làm ở Viện Đông Y, làm hết những công việc nội  trợ, thậm chí thấy mẹ hơi nhức đầu, sổ mũi là xúm vào thuốc men…Còn việc học, ngoài việc học rất tốt chương trình của trường Y, các cô còn học thêm hai ngoại ngữ, tin học, võ thuật…
  Ngoài những cái chung đó, ba cô gái, mỗi cô có một biệt tài riêng ở mức hơn hẳn người bình thường. Cô chị cả San Như có biệt tài xem bệnh: chỉ cần nhìn sắc diện và bắt mạch một người nào đó, cô chẩn đoán tình trạng bệnh lý một cách chính xác khiến cho mẹ cô và nhiều danh y cao niên phải thán phục hết sức! Cô thứ hai San Lai thì có sức khỏe phi thường: lúc ba tuổi cô đã có sức bóp nát quả cam như người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản thời Nhà Trần, lên mười tuổi cô đã có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh của Hạng Võ thời Hán Sở tranh hùng bên Tàu! Còn cô em út Sơn Bồng có khả năng ngoại cảm kỳ lạ: năm lên sáu tuổi, tức năm l979, ở Hà Nội mà cô đã mô tả cuộc chiến tranh biên giới khá chính xác trước khi nó xảy ra đúng một tháng (song chẳng ai tin nổi điều này ngoài mẹ cô và hai người chị em sinh ba). Đặc biệt, cô có con mắt xanh giống như nhân vật Nguyễn Tịch ở Trung Quốc vào đời Tấn: khi tiếp khách, hễ vui vẻ, thiện cảm với ai thì nhìn thẳng lộ ra đôi tròng đen và cặp mắt xanh, còn hễ khinh bỉ, giận dữ ai thì nghiêng ngó trợn ngược để lộ ra hai tròng trắng! Vì thế, mẹ cô và hai người chị em chỉ cần nhìn vào mắt cô là biết người khách tốt hay xấu, thân tình hay lừa đảo!...
* * *
  Mặc dù ba chị em San Như, San Lai và San Bồng không hề tơ tưởng đến chuyện chồng con và bà mẹ cũng không tìm được người ưng ý, chuyện tình duyên không phải vì thế mà sóng yên biển lặng . Ngược lại, chuyện tình duyên của chị em sinh ba này lại đầy sóng gió bởi “cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng” !...
   Có một nhân vật VIP, mà khởi đầu sự nghiệp quan chức bằng chức Xã trưởng, nên mặc dù đã kinh qua lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh rồi lên Trung ương tới hàm Thứ  trưởng, giới quan chức vẫn gọi ông VIP này bằng cái tên “thân mật” : ông Xã trưởng . Bản tính con người khó thay đổi, vì thế, dù đã là quan chức cấp cao ở Trung ương, ông Xã trưởng vẫn giữ nguyên tác phong sinh hoạt thời còn làm Xã trưởng . Chẳng hạn, giữa cuộc họp dù long trọng cỡ nào, ông cũng lấy ống điếu thuốc lào ra rít sòng sọc rồi ngửa mặt nhả khói  bay  vô tư khiến nhiều vị quan khách ho sặc sụa ! Chưa hết, ông còn có tật khạc nhổ tùy tiện khiến cho nhiều người vô ý  té ngã vì dẵm đạp lên bãi khạc nhổ của ông ! Không ít người kêu ca, phàn nàn về tác phong sinh hoạt của ông Xã trưởng , cấp trên của ông cũng đã “chỉnh đốn tác phong” ông nhiều lần, nhưng sau những câu “vâng, vâng, dạ dạ, em xin sửa chữa” thì ông vẫn chứng nào tật ấy, tức vẫn là ông Xã Trưởng ! Chẳng lẽ cách chức, cho nghỉ hưu non chỉ vì những “tật xấu” ấy ? Cũng có lúc, cấp trên của ông muốn trừng trị thẳng tay nhưng không hiểu sao, vào những lúc đó, ông đều đang giữ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng : phụ trách công tác thanh tra, chống tham nhũng ! Mà tội tham nhũng mới cần ra tay mạnh mẽ chứ mấy cái tật xấu của ông Xã trưởng chưa là gì !
   Song, trong giới quan chức ít người biết một cái tật xấu rất Xã Trưởng của ông Xã Trưởng, đó là ham mê tửu sắc. Thông thường, đã là đàn ông, khi nhìn thấy gái đẹp ai mà chẳng thích. Nhưng ông Xã Trưởng không chỉ dừng ở mức độ ngắm nhìn rồi trầm trồ khen đẹp, rồi nuốt nước miếng, rồi ao ước hão…mà ông nghĩ ngay kế sách để chiếm đoạt bằng được người đẹp ! Từ thời ông còn làm Xã trưởng , ông đã chiếm đoạt không ít người đẹp và không hiểu sao chẳng có ai kiện cáo ông về chuyện này ? Nếu có ai gặng hỏi người vợ nhà quê của ông (làm vợ ông từ lúc ông mới mười lăm tuổi và sau này, khi ông lên làm việc ở Trung ương, bà vẫn ở nơi lũy tre xanh) thì sẽ được bà trả lời sau nụ cười tủm tỉm : “Khi nào ông ấy làm tới chức “Công công Đại tổng quản” thì tôi sẽ nói tại sao không có cô gái nào kiện cáo ông ấy, thậm chí còn thích ông ấy, bám theo ông ấy hoài !” . Chuyện về ông Xã Trưởng, nếu Vũ Trọng Phụng sống lại, hẳn người đọc sẽ có được cuốn tiểu thuyết hoạt kê rất hay, có thể vượt qua cả Giông tốSố đỏ ! Nhưng rõ ràng là điều đó không xảy ra ! Ở cái truyện ngắn này chỉ nói đến ông có hơn một ngàn chữ vì có liên quan tới chị em sinh ba. Đầu đuôi câu chuyện như sau.
    Thông thường , sau mỗi lần làm việc căng thẳng , ông Xã Trưởng thường đi tản bộ tới Viện Đông Y để xoa bóp, day huyệt, châm cứu. Không hiểu sao, cơ thể ông rất thích hợp với cách chữa bệnh không cần thuốc này, riết thành thói quen, thiếu nó là không chịu được ! Thường là đích thân Viện phó làm việc với ông, vì ông đã cứu Viện phó thoát khỏi vụ án lớn cỡ “chu di tam tộc” ! Nhưng hôm đó, Viện phó lại đang bận làm việc với một nhân vật VIP khét tiếng khác, nên ông Xã Trưởng đành phải nhường . Viện Phó chợt nghĩ tới bà Sơn, liền nói :
-   Báo cáo anh, hôm nay để em giới thiệu với anh một Lương y cũng rất cao thủ, chắc chắn là sẽ làm anh hài lòng !
Và quả nhiên khi bà Sơn tác nghiệp, ông Xã Trưởng không những rất hài lòng mà còn rất động lòng ái mộ ! Trong khi bà Sơn tác nghiệp, ông Xã Trưởng quan sát rất kỹ từng chi tiết trên người bà Sơn : mới nhìn thì không có gì đặc biệt, nhưng càng nhìn càng thấy cuốn hút. Rồi sóng tình trong ông Xã Trưởng nhanh chóng dâng cao, ông vòng tay qua eo bà Sơn tính kéo bà xuống giường ! Khi tay ông Xã Trưởng vừa chạm vào eo bà Sơn, ông bỗng giật mình kinh ngạc khi có cảm giác như có một con trăn đang quấn quanh bụng bà Sơn ! Đúng lúc đó, trong khi ông Xã Trưởng chưa hết bàng hoàng thì bà Sơn gỡ tay ông ra và đi nhanh ra ngoài ! Hai phút sau, ông Xã Trưởng mới bình tĩnh lại và gọi điện thoại cho ông Viện phó. Viện phó tới ngay, nghe xong câu chuyện thì cười ngặt nghẽo một hồi rồi nói nhỏ, vừa cho ông Xã Trưởng đủ nghe :
-   Ông anh gặp may lớn rồi ! Bà Sơn này có tướng cách cực quý, vượng phu ích tử, rất hiếm ! Cái “con trăn” mà anh rờ thấy đó là một giải thịt nổi lên quanh eo bụng mà các thầy tướng gọi là “Ngọc đới yêu vi”, có nghĩa là “Cái đai ngọc xung quanh eo bụng”, chủ về ấn tướng đại quý ! Ở Trung Quốc, người ta còn truyền tụng câu chuyện về người có cái đai ngọc ấy tên là Âu A Muội, nhà rất nghèo túng , ở với mẹ nơi làng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Đông . Có nhà nho tên là Hà Nghiêu Luân, thi mãi không đỗ đạt gì, đã chán nản chuyện công danh . Sau được một vị thầy tướng chỉ lối đưa đường cho tới cưới nàng Âu A Muội, tức thì kỳ thi sau đó họ Hà đỗ thủ khoa, rồi theo Tăng Quốc Phiên dẹp loạn Thái Bình Thiên Quốc, được phong tới chức Tướng quân. Bà vợ thì sinh được ba con trai, về sau đều thi đỗ Tiến sĩ !...
    Ông Xã Trưởng nghe nói vậy thì ngớ người, một lúc lâu mới nói được mấy câu ấp úng :
-  Phải cưới nàng “Ngọc đới yêu vi” !
 Và ngay lập tức, một “kế hoạch” khá tỉ mỉ đã được bàn định kỹ càng . Ngay ngày hôm sau, ông Viện phó nói với bà Sơn đến nhà riêng của ông Xã Trưởng để xem bệnh cho một nhân vật quan trọng . Bà Sơn thật thà tuân lệnh ngay, về nhà nói với cô con gái San Như đi cùng vì bà rất tin tưởng ở tài xem bệnh, bắt mạch của cô. Hai cô em cũng muốn học thêm chút ít cách chẩn đoán bệnh của chị và mẹ nên cũng đi theo. Thế là cả bốn mẹ con cùng đến nhà ông Xã Trưởng .
   Khi đến nhà ông Xã Trưởng , ông đang giả bệnh nằm rên hừ hừ trên giường , ba người con trai ông đon đả đón tiếp bốn mẹ con bà Sơn. Bà mẹ bảo Sơn Như bắt mạch. Nghe tiếng rên, cô đã biết ngay đó không phải là tiếng rên của người có bệnh và khi vừa chạm vào mạch của ông Xã Trưởng , cô đã biết ngay là ông này giả bệnh ! Tại sao ông ta làm vậy ? Cô chưa tìm được câu trả lời và vội nhìn vào mắt cô em út San Bồng và cô giật mình khi thấy San Bồng đang ngó nghiêng trợn ngược để lộ ra hai tròng trắng ! Cả bà Sơn và cô San Lai cũng đã nhìn thấy hai tròng trắng trong mắt cô San Bồng , đó là tín hiệu báo động có kẻ xấu. Linh tính của người có năng khiếu võ thuật của San Lai còn báo cho cô biết rằng kẻ xấu này sẽ ra tay rất tàn độc ! Quả nhiên, khi bà Sơn vừa nói “Người này không có bệnh, chúng tôi xin cáo từ” thì ông Xã Trưởng từ trên giường bật dậy thét lớn : “Bắt trói tất cả !”. Tức thì, ba người con trai ông Xã Trưởng và ba người lực lưỡng nữa chạy vào nhất tề ra tay. Nhưng ba chị em đã có chuẩn bị, San Lai dùng miếng võ “Liên hoàn cước” khiến cả sáu người kia tối tăm mặt mũi, còn San Như và San Bồng nhanh chóng đưa bà Sơn thoát ra ngoài ! Ông Xã Trưởng chỉ biết trố mắt kinh ngạc, không nói được lời nào !
    Tất nhiên bố con ông Xã Trưởng chưa chịu bó tay một cách ê chề như vậy, họ tiếp tục tìm mưu kế khác, “thua keo này bày keo khác” là câu nói cửa miệng của ông Xã Trưởng !...
* * *
   Lại nói về ông Tướng về hưu có người con trai trùng tên với ông Hoàng Trung Dũng, bố của ba chị em sinh ba. Ông ngày ngày theo dõi tin tức chiến trường xem thằng con trai có lập được công trạng gì không , vì bản thân ông thời trai trẻ như nó, ngay trận đầu đã lập công lớn ! Ông chờ mãi mà chẳng thấy gì, đột nhiên một hôm ông nhận được thư của con trai gửi từ nước ngoài, nó nói đang học một lớp sĩ quan đặc nhiệm, vào khoảng năm bảy sáu sẽ về nước ! Ông Tướng về hưu giận quá, gọi điện ngay cho ông bạn ở Bộ Tổng Tham mưu, nhưng ông này đang đi chiến trường. Viên sĩ quan trực ban hỏi ông có nhắn chuyện gì cho Tướng X không thì ông hét lên : “Hỏi ngay ông X cho tôi rằng tại sao thằng Hoàng Trung Dũng con tôi không đi chiến đấu ở chiến trường mà lại đi học nước ngoài ?” Viên sĩ quan trực ban là bạn thân của Thiếu Tá Quân trợ lý của tướng X nên có biết chuyện gửi gắm này, bèn gọi điện hỏi bên quân lực. Bên quân lực trả lời rằng đã điều Hoàng Trung Dũng từ trại huấn luyện tân binh đến đơn vị chiến đấu của tướng Y và đã hành quân vào chiến trường ngay sau đó ! Người sĩ quan phụ trách tuyển quân lần giở tập hồ sơ tuyển quân đợt đó và phì cười khi thấy có tới hơn hai mươi cái tên là Dũng, trong đó có mười cái tên là Hoàng Trung Dũng ! Khi ông Tướng về hưu nhận được thông tin về sự nhầm lẫn do trùng tên, ông chỉ còn biết giậm chân kêu Trời !...
   Bẵng đi một thời gian, tới một ngày kia, ông Tướng về hưu thấy trên báo có đăng danh sách tuyên dương Anh hùng quân đội có cái tên Hoàng Trung Dũng, ông bàng hoàng nhìn mãi chữ Liệt sĩ bên cạnh cái tên đó rồi gọi thằng con trai Hoàng Trung Dũng, lúc này đang làm đội trưởng một đội đặc nhiệm :
- Người liệt sĩ Anh hùng này trùng tên với con và chuyến đi vào chiến trường mười sáu năm về trước của người đó đáng lẽ ra là của con !...Thời gian trôi đi, nhưng không thể bỏ qua hết mọi chuyện ! Con hãy tìm địa chỉ gia đình người liệt sĩ này, bố con mình phải đến gặp vợ con người liệt sĩ này !...
   Chỉ sau hai ngày, Dũng đặc nhiệm đã tìm được địa chỉ, đó chính là bốn mẹ con bà Sơn. Ông Tướng về hưu và người con là Dũng đặc nhiệm đến ngay nhà bà Sơn và gặp cả bốn mẹ con.Hồi lâu ông mới nói được vài câu ấp úng:
- Tôi thật không ngờ sự thể lại như vậy. Tôi muốn đền bù phần nào sự mất mát của gia đình. Con trai tôi đây sẽ tình nguyện làm vệ sĩ cho bà và ba cô suốt đời! Và nếu bà gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào trong cuộc sống, bà cứ cho tôi biết, tôi sẽ giúp bà giải quyết bằng mọi giá, thậm chí phải hy sinh tính mạng của bố con tôi!...
  Bà Sơn nghe nói vậy thì không nói được gì vì hình ảnh người chồng chung sống có ba ngày ngắn ngủi lại hiện về rõ mồn một…Bà không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra! …Ba cô con gái chưa biết mặt bố nên chẳng hiểu mẹ đang nghĩ gì? Cô em út San Bồng lộ rõ cặp mắt xanh, hai cô chị thấy vậy thì vui lắm. Cô San Lai nói:
- Vậy thì chú Dũng đặc nhiệm làm bố nuôi của chúng cháu. Bố bảo vệ con là đương nhiên rồi! Bố có việc ngay đây!
  Nói rồi cô gái chạy vào buồng lấy ra ba tờ giấy. Dũng đặc nhiệm đọc xong tức giận run cả tay, răng thì nghiến ken két:”Thật là ngang ngược, đểu cáng! Không khác gì bọn quan lại, địa chủ thời phong kiến!”. Ông tướng về hưu cầm lấy ba tờ giấy từ tay người con, xem xong thì giận muốn ngạt thở, ông ngồi lặng người không nói được lời nào! San Lai lại nói:
- Tại sao ông ta lại cho mình cái quyền bắt người khác phải nghe theo ý mình? Chú Dũng và ông có biết cháu tức điên lên khi nhận được những tờ giấy này không? Trời đất, bốn bố con ông ta đòi cưới bốn me con cháu! Lại còn gửi “Tối hậu thư” nữa chứ! Cháu muốn phóng tới cho bố con ông ta một cú đá vào mặt!..
  Tất cả im lặng giây lát. Bỗng nhiên Dũng đặc nhiệm đứng phắt dậy, moi trong túi quần ra cái điện thoại di động, ấn số rồi nói rõ từng tiếng:”Toàn đội đặc nhiệm tập hợp!”. Ông tướng về hưu cũng đứng dậy, moi trong túi quần ra cái điện thoại di động và nói to:”Tướng X đó hả? Đến nhà tôi ngay có chuyện khẩn cấp!”.
  Không biết ông tướng về hưu và người con điều binh khiển tướng thế nào để đối phó với những mưu ma chước quỷ của ông Xã trưởng, chỉ biết rằng cuộc chiến đó đến nay vẫn chưa chấm dứt! Ba chị em sinh ba năm l973, đến nay đã hơn ba mươi tuổi, người me tức bà Sơn đã hơn sáu mươi tuổi, tuy không bị tổn thất gì đáng kể nhưng thời gian cứ từng ngày, từng tháng, từng năm lấy dần đi tuổi xuân của họ! Lúc đầu, không ai để ý đến chuyện này, nhưng khi nghe được ông Xã trưởng tuyên bố rằng “Bố con ta sẽ trường kỳ mai phục, Thời gian sẽ ủng hộ chúng ta!”, thì cả hai bố con ông Tướng về hưu và bốn mẹ con bà Sơn đều giật mình! Thời gian cứ mải miết trôi đi, hai bố con ông Tướng về hưu vẫn chưa tìm ra được một giải pháp hữu hiệu! Còn ba chị em sinh ba thì đang mải mê với việc bảo vệ luận án Tiến sĩ Y khoa! Riêng bà mẹ, tức bà Sơn, ngoài thời gian chữa bệnh cứu người, bà lại ngồi tụng kinh niệm Phật. Giống như mẹ chồng bà trước đây, bà thành tâm cầu khấn Phật tổ Như Lai và Quan âm Bồ Tát phù hộ cho mẹ con bà tai qua nạn khỏi, ba cô con gái của bà nhanh chóng tìm được người chồng xứng đáng!...
* * *
  Bố con ông Tướng về hưu có thực lực rất mạnh, vì ông bị thương mà nghỉ sớm, nhưng bạn bè, đệ tử còn tại ngũ số lượng quân hàm tướng tá rất nhiều, có mặt ở khắp các quân binh chủng, ông chỉ hô một tiếng là họ có mặt ngay! Nhưng đây là cuộc chiến không tuyên bố, giống như “chiến tranh lạnh” nên rất khó cho ông điều binh khiển tướng! Vả lại, bố con ông Xã trưởng không phải là tay vừa, gian ngoan, xảo quyệt, lắm mưu nhiều kế, lại có “ô dù” che chắn! Vì thế bố con ông Tướng về hưu luôn ở thế bị động, chỉ biết ngồi chờ hành động của đối phương rồi mới “tùy cơ ứng phó”! May mà con ông, tức Dũng đặc nhiệm phản ứng mau lẹ và cô gái San Lai võ nghệ cao cường, nếu không thì đã sa bẫy, mắc mưu của ông Xã trưởng không chỉ một lần !...
    Một hôm, nhân buổi gặp gỡ đầu xuân, ông Tướng X nói với bạn :
- Ông cứ bị động đối phó với người ta như vậy không phải là thượng sách ! Thời còn chỉ huy đánh đông dẹp bắc, ông có như vậy đâu ? Tôi có một kế này chắc chắn sẽ thắng “nốc-ao”. Ông hãy đứng tên thành Công ty vệ sĩ, tuyển một đội thám tử điều tra thật giỏi, ông hãy theo dõi từng bước chân của đối phương, thế nào cũng có tuồng hay ! Tôi không tin là ông ta, tức ông Xã Trưởng không có những “phốt” rất lớn khác ! Đã tha hóa về nhân cách ,đạo đức thì việc gì cũng dám làm !
   Ông Tướng về hưu như bừng tỉnh. Thế là Công ty vệ sĩ Như Sơn được thành lập, ông Tướng về hưu làm Giám đốc, hai Phó giám đốc là Dũng đặc nhiệm và cô San Lai. Quả nhiên, đúng như lời ông Tướng X tham mưu, chỉ sau ba tháng hoạt động của Công ty vệ sĩ, đội thám tử đã lần ra một đường dây tham ô, hối lộ lớn mà ông Xã Trưởng , lúc đó đang giữ chức Thứ trưởng ở một Bộ, là một mắt xích quan trọng !...
   Mối đe dọa từ ông Xã Trưởng đã không còn, ba chị em sinh ba chỉ còn chờ người đến đón lên xe hoa, nhưng người đó là ai, thì không phải là chuyện đơn giản. Và càng không hề đơn giản khi phải có tới ba người! Chuyện này xem chừng còn khó hơn cả chuyện “mò kim đáy biển”!...
Oo_oO
 http://www.lebichson.org/Pics/Logobd.gif
NGƯỜI CHÉP SỬ
    Sử quan chép cái sử gì
    Chuyện vua ăn uống, chuyện đi thuyền rồng
    Đại sự: “Bí sử thâm cung”!
     Cho nên sử thật nằm trong nấm mồ!
                      (Sử quan – Đ.N.T)
=============
Trong số những người dòng họ Nguyễn Cửu theo phò Chúa Nguyễn, có một người văn võ song toàn, tài ba khác thường, mà không thấy sử sách nào của nhà Nguyễn ghi chép, đó là Nguyễn Cửu Long. Nguyễn Ánh luôn giữ Cửu Long bên mình, như hình với bóng, nhưng bắt đổi tên là Võ. Cho mãi đến năm Nhâm Tuất (1802), khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua thì Võ đột ngột lâm bệnh, phải trị thuốc hơn ba năm mới khỏi. Võ khỏi bệnh, vua Gia Long muốn ban cho Võ một chức võ tướng trong đội cấm vệ, nhưng Võ lại xin một chức sử quan. Vua Gia Long chấp thuận. Năm 1812, khi đã xây dựng xong kinh đô Huế, Gia Long mật chỉ giao cho Cửu Võ viết bộ sử, tính từ chúa Nguyễn Hoàng (1524- 1613), mở đầu vào phương Nam dựng nước, đến khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế lập nên triều Nguyễn (1802). Thời hạn hoàn thành công việc là 5 năm. Thế là từ đó, Nguyễn Cửu Võ âm thầm ngồi viết bộ sử “Chúa Nguyễn dựng nước”…
     Sau ba năm, Nguyễn Cửu Võ đã viết xong bộ sử và dâng vua Gia Long. Vua Gia Long đọc xong liền cho gọi Cửu Võ tới nói :
    - Ta đã đọc xong rồi. Ta thật không ngờ nhà ngươi lại biết nhiều chuyện của các Chúa Nguyễn như vậy ? Có cả những chuyện mà chính ta cũng chưa được nghe nói tới bao giờ ?
     Võ nói :
    - Tâu bệ hạ ! Kẻ hạ thần đã gắng sức đem hiểu biết nông cạn của mình ra để viết bộ sử này. Có điều gì sơ suất mong bệ hạ phán xét …
     Vua Gia Long lại nói :
    - Nhà ngươi có biết rằng trong bộ sử viết về những chuyện riêng kín đáo của các Chúa Nguyễn quá nhiều không ? Nhà ngươi có biết rằng để thiên hạ biết quá nhiều về  các bậc vua chúa là bất lợi như thế nào không ? Và tại sao những trận đánh thắng của các Chúa Nguyễn nhà ngươi lại viết quá sơ sài, còn những trận thua lại viết quá tỉ mỉ ? Sao không làm ngược lại ? Sao nhà ngươi không tự biết rằng, có những chuyện, dù rất hệ trọng cũng không được phép ghi ra sử sách, nếu có phương hại đến thanh danh của các bậc vua chúa ? Chẳng hạn, những lần ta rút quân ra Phú Quốc hoặc Côn Lôn, rồi những lần ta tiếp xúc với các giáo sĩ Tây Phương, những chuyện ấy không ai được phép biết đến ! Những kẻ biết rõ những chuyện đó, nhà ngươi phải biết xử như thế nào không ?
     Nguyễn Cửu Võ không biết nói sao, đứng ngây như tượng .
     Vua Gia Long thấy vậy mỉm cười nói :
- Ngươi đừng sợ ! Ta sẵn lòng tha thứ cho dù nhà ngươi phạm tội. Đó là cái tình của ta giành riêng cho ngươi sau bao nhiêu năm đã trung thành theo ta, vượt qua những trận tử chiến kinh hoàng nhất…Nhưng ngươi phải khai không sót một ai, tên những người đã biết rõ mọi chuyện của ta thời còn đánh nhau với quân Tây Sơn. Và, ngươi cấp tốc viết lại bộ sử này trong thời hạn một năm ! Những chỗ nào ta đánh dấu đều phải viết lại ! Xong, đem cả hai bản lại cho ta xem, ta sẽ trọng thưởng !
  Suốt đêm hôm ấy và bao đêm kế tiếp, Cửu Võ thường thức trắng. Những năm tháng tưởng như đã trôi vào lãng quên bỗng hiện về rõ mồn một. Trước đây, Võ nhìn việc Nguyễn Ánh giết những đại công thần như Đỗ Thành Nhơn, rồi Nguyễn Văn Thành và nhiều tướng tâm phúc khác, theo lẽ thường tình là: kẻ nào trái ý vua chúa đều có thể mất đầu như chơi! Nhưng giờ đây, Võ nhìn những vụ “trị tội” ấy bằng con mắt khác hẳn! Võ thấy vua Gia Long hiện ra trước mặt rõ mồn một với hình ảnh kinh hoàng của một bạo chúa!...Và Võ giật mình bàng hoàng hồi lâu khi nghĩ đến lưỡi gươm trừng phạt của bạo chúa sẽ giáng xuống chính mình!...
    Cửu Võ lo nghĩ nhiều mà thành bệnh. Song, Võ gắng gượng chống lại con bệnh mà mải miết viết thâu đêm, không mấy khi rời khỏi thư phòng.
    Ngày tháng vùn vụt trôi đi, đã được nửa năm. Võ viết xong ba tập sách dày. Tối hôm đó, vào một đêm cuối năm Gia Long thứ l7(l8l8), Nguyễn Cửu Võ gọi Nguyễn Cửu Sơn, người con trai với một người thiếp tới, nói:
- Đây là bộ sử thật về các chúa Nguyễn. Mọi việc lớn nhỏ cha đều viết tường tận, không thiên vị ai, dù đó là vua chúa hay những người trong dòng họ ta. Chính vì thế, nay cha trao bộ sách này cho con vì con là người có tư chất khác thường sau này tất làm chuyện lớn, và bộ sách này sẽ có ích cho con nhiều lắm…
Cửu Sơn lạy tạ nhận sách, ngậm ngùi không nói nên lời. Trầm ngâm một lát, Cửu Võ nói tiếp:
- Cha sẽ xin cáo quan về ở ẩn như các bậc cao nhân thời xưa. Còn con, con hãy vào phương Nam , ngày đêm dùi mài kinh sử, cổ kim đông tây phải làu làu. Khi nào đời cần đến, tự khắc con sẽ biết.
Ngày hôm sau, Võ âm thầm cấp lộ phí cho Cửu Sơn đi vào phương Nam xa xôi. Rồi Võ lại vào thư phòng, đóng chặt cửa, viết lại bộ sử theo gợi ý của vua Gia Long. Đúng hạn định, Võ dâng sách. Vua Gia Long đọc bộ sử mới viết lại, thấy mọi việc diễn biến đều hết sức ca ngợi những chiến công hiển hách của các chúa Nguyễn, thì lấy làm hài lòng lắm. Nhưng đọc đi đọc lại, vua Gia Long cảm thấy đó không phải là khẩu khí văn chương của Cửu Võ, không thấy cả tiếng gươm khua ngựa hý mà chỉ là những dòng chữ lạnh lùng, khô khốc! Vốn đa nghi, Gia Long không thể tin rằng một con người mạnh mẽ khác thường cả về thể lực và khí chất như Cửu Võ lại có thể thay đổi nhanh chóng như vậy được? Vì thế, khi Cửu Võ xin cáo quan về nhà, Gia Long chấp thuận ngay, nhưng mật sai Nguyễn Đức Xuyên, một danh tướng cũng từng phò tá hết lòng từ những năm tháng cùng khốn, đem binh phục ở quãng đường vắng để hạ sát Cửu Võ…Thương thay cho Cửu Võ cùng toàn thể gia quyến đã chết bi thảm trong một cuộc tàn sát âm thầm…
    Theo lời truyền lại của người trong vùng, chỗ Cửu Võ cùng gia quyến bị sát hại đã mọc lên một rừng trúc khác thường, đêm đêm trong rừng luôn vẳng tiếng nói rì rầm như người kể chuyện mãi không thôi. Người ta lấy ông trúc khoét sáo thì sáo có âm thanh thật kỳ lạ, khác hẳn sáo trúc của những vùng khác…
Đỗ Ngọc Thạch
alt
http://www.rfi.fr/actuvi/images/119/VNWUSHU432.jpg

Truyện ngắn  Đỗ Ngọc Thạch   Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Truyện ngắn  Đỗ Ngọc Thạch   Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét