Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Người chép sử ; Núi Lở - Đỗ Ngọc Thạch



 

73 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vanchuongviet.org
 
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng        (truyện ngắn)- 10
 
Băng nhân (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y        (truyện ngắn) - 20
 
Báo hiếu (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Cô Tấm và Quả thị (truyện ngắn)
Chương trình Operation baby lift        (truyện ngắn)- 30
 
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Con gái viên Đại Úy (truyện ngắn)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ        (truyện ngắn) - 40
 
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn) 
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét        (truyện ngắn) - 50
 
Ma lai (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn) 
Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Huyện        (truyện ngắn) - 60
 
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Táo quân truyện        (truyện ngắn)- 70
 
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Y tá xã        (truyện ngắn) - 73

 
 
Người chép sử
 
Đỗ Ngọc Thạch
 
Sử quan chép cái sử gì
Chuyện vua ăn uống, chuyện đi thuyền rồng
Đại sự: “Bí sử thâm cung”!
Cho nên sử thật nằm trong nấm mồ!
(Sử quan – Đ.N.T)
Trong số những người dòng họ Nguyễn Cửu theo  phò Chúa Nguyễn, có một người văn võ song  toàn, tài ba khác thường, mà không thấy sử sách nào của nhà Nguyễn ghi chép, đó  là Nguyễn  Cửu Long. Nguyễn Ánh luôn giữ Cửu Long  bên mình, như hình với bóng, nhưng bắt đổi tên là Võ. Cho mãi đến năm Nhâm Tuất  (1802), khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua thì  Võ đột ngột lâm bệnh, phải trị thuốc hơn ba năm mới khỏi. Võ khỏi bệnh, vua Gia Long muốn ban cho
Võ một chức võ tướng trong đội cấm vệ,  nhưng Võ lại xin một chức sử quan. Vua Gia Long chấp thuận. Năm 1812, khi đã xây dựng xong kinh đô Huế, Gia Long mật chỉ  giao cho Cửu Võ viết bộ sử, tính từ chúa Nguyễn Hoàng (1524- 1613), mở đầu vào phương Nam dựng nước, đến khi  Gia Long lên ngôi Hoàng đế  lập nên triều Nguyễn (1802). Thời hạn hoàn thành công việc là 5 năm. Thế là từ đó, Nguyễn Cửu Võ âm thầm ngồi viết  bộ sử “Chúa Nguyễn dựng nước”…
Sau ba năm, Nguyễn Cửu Võ đã viết xong  bộ sử và dâng vua Gia Long. Vua Gia Long đọc xong liền cho gọi Cửu Võ tới nói :
- Ta đã đọc xong rồi. Ta thật  không ngờ nhà ngươi lại biết nhiều chuyện của các  Chúa Nguyễn như vậy ? Có cả những chuyện mà chính ta cũng chưa được nghe nói tới bao giờ ?
Võ nói :
- Tâu bệ hạ ! Kẻ hạ thần đã gắng sức đem hiểu biết nông cạn của mình ra để viết bộ sử này. Có điều gì sơ suất mong bệ hạ phán xét …
Vua Gia Long lại nói :
- Nhà ngươi có biết rằng trong bộ sử viết về những  chuyện  riêng  kín  đáo của các Chúa Nguyễn quá nhiều không ? Nhà ngươi có biết rằng để thiên hạ biết quá nhiều về  các bậc vua chúa là bất  lợi như thế nào không ?  Và tại sao những trận đánh thắng  của các Chúa Nguyễn nhà ngươi lại viết quá sơ sài, còn những trận thua lại viết quá  tỉ mỉ ? Sao không làm ngược lại ? Sao nhà ngươi  không tự biết rằng, có những chuyện, dù rất hệ trọng cũng không được phép ghi ra sử sách, nếu có phương hại đến thanh danh của các bậc vua chúa ? Chẳng hạn, những lần ta rút quân ra Phú Quốc hoặc  Côn Lôn, rồi những lần ta tiếp xúc với các giáo sĩ Tây Phương, những  chuyện ấy  không ai được phép biết đến ! Những kẻ biết rõ những  chuyện đó, nhà ngươi phải biết xử như thế nào không ?
Nguyễn Cửu Võ không biết nói sao, đứng ngây như tượng .
Vua Gia Long thấy vậy mỉm cười nói :      
-          Ngươi đừng  sợ  ! Ta sẵn lòng tha thứ cho dù nhà ngươi phạm tội. Đó là cái tình của ta giành riêng cho ngươi sau bao nhiêu năm đã trung thành theo ta, vượt qua những trận tử chiến kinh hoàng nhất…Nhưng ngươi phải khai không sót một ai, tên những người đã biết rõ mọi chuyện của ta thời còn đánh nhau với quân Tây Sơn. Và, ngươi cấp tốc viết lại bộ sử này trong thời hạn một  năm ! Những chỗ nào ta đánh  dấu đều phải viết lại ! Xong, đem cả hai bản lại cho ta xem, ta sẽ trọng thưởng !
Suốt đêm hôm ấy và bao đêm kế tiếp, Cửu Võ thường thức trắng. Những năm tháng tưởng như đã trôi vào lãng quên bỗng hiện về rõ mồn một. Trước đây, Võ nhìn việc Nguyễn Ánh giết những đại công thần như Đỗ Thành Nhơn, rồi Nguyễn Văn Thành và nhiều tướng tâm phúc khác, theo lẽ thường tình là: kẻ nào trái ý vua chúa đều có thể mất đầu như chơi! Nhưng giờ đây, Võ nhìn những vụ “trị tội” ấy bằng con mắt khác hẳn! Võ thấy vua Gia Long hiện ra trước mặt rõ mồn một với hình ảnh kinh hoàng của một bạo chúa!...Và Võ giật mình bàng hoàng hồi lâu khi nghĩ đến lưỡi gươm trừng phạt của bạo chúa sẽ giáng xuống chính mình!...
Cửu Võ lo nghĩ nhiều mà thành bệnh. Song, Võ gắng gượng chống lại con bệnh mà mải miết viết  thâu đêm, không mấy khi rời khỏi thư phòng.
Ngày tháng vùn vụt trôi đi, đã được nửa năm. Võ viết xong ba tập sách dày. Tối hôm đó, vào một đêm cuối năm Gia Long thứ l7(l8l8), Nguyễn Cửu Võ gọi Nguyễn Cửu Sơn, người con trai với một người thiếp tới, nói:         
-          Đây là bộ sử thật về các chúa Nguyễn. Mọi việc lớn nhỏ cha đều viết tường tận, không thiên vị ai, dù đó là vua chúa hay những người trong dòng họ ta. Chính vì thế, nay cha trao bộ sách này cho con vì con là người có tư chất khác thường sau này tất làm chuyện lớn, và bộ sách này sẽ có ích cho con nhiều lắm…
Cửu Sơn lạy tạ nhận sách, ngậm ngùi không nói nên lời. Trầm ngâm một lát, Cửu Võ nói tiếp:
-          Cha sẽ xin cáo quan về ở ẩn như các bậc cao nhân thời xưa. Còn con, con hãy vào phương Nam, ngày đêm dùi mài kinh sử, cổ kim đông tây phải làu làu. Khi nào đời cần đến, tự khắc con sẽ biết.
Ngày hôm sau, Võ âm thầm cấp lộ phí cho Cửu Sơn đi vào phương Namxa xôi. Rồi Võ lại vào thư phòng, đóng chặt cửa, viết lại bộ sử theo gợi ý của vua Gia Long. Đúng hạn định, Võ dâng sách. Vua Gia Long đọc bộ sử mới viết lại, thấy mọi việc diễn biến đều hết sức ca ngợi những chiến công hiển hách của các chúa Nguyễn, thì lấy làm hài lòng lắm. Nhưng đọc đi đọc lại, vua Gia Long cảm thấy đó không phải là khẩu khí văn chương của Cửu Võ, không thấy cả tiếng gươm khua ngựa hý mà chỉ là những dòng chữ lạnh lùng, khô khốc! Vốn đa nghi, Gia Long không thể tin rằng một con người mạnh mẽ khác thường cả về thể lực và khí chất như Cửu Võ lại có thể thay đổi nhanh chóng như vậy được? Vì thế, khi Cửu Võ xin cáo quan về nhà, Gia Long chấp thuận ngay, nhưng mật sai Nguyễn Đức Xuyên, một danh tướng cũng từng phò tá hết lòng từ những năm tháng cùng khốn, đem binh phục ở quãng đường vắng để hạ sát Cửu Võ…Thương thay cho Cửu Võ cùng toàn thể gia quyến đã chết bi thảm trong một cuộc tàn sát âm thầm…
Theo lời truyền lại của người trong vùng, chỗ Cửu Võ cùng gia quyến bị sát hại đã mọc lên một rừng trúc khác thường, đêm đêm trong rừng luôn vẳng tiếng nói rì rầm như người kể chuyện mãi không thôi. Người ta lấy ông trúc khoét sáo thì sáo có âm thanh thật kỳ lạ, khác hẳn sáo trúc của những vùng khác./.
TP.HCM, l993-2009
Đỗ Ngọc Thạch
Ngày đăng: 16.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
 
  In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng - Đỗ Ngọc Thạch
 
 
 
Núi lở
 
Đỗ Ngọc Thạch
 
Đoàn khảo sát, nghiên cứu văn hóa dân gian của chúng tôi đã tiến sâu vào một vùng rừng núi ngút ngàn. Chúng tôi đi ngược theo một con suối có cái tên rất nên thơ : K’tung ! Phong cảnh trên đường đi thật ngoạn mục khiến bao mệt mỏi tan biến hết. Cô gái H’Thi, con gái một nghệ nhân kể Hơ Amon, (Hơ Amon : Một thể loại phôn-cơ-lo tồn tại và lưu truyền bằng phương thức hát kể. Trước đây thường dịch là Trường ca) là người hiểu biết  khá sâu về vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình, tự nguyện làm người hướng đạo cho chúng tôi, vừa bước đi thoăn thoắt vừa khẽ hát những bài ca trữ tình mà tôi ngỡ như tiếng suối reo, thác đổ, gió  ngàn xôn xao !... Đến bài “Đăm ơi  đăm” (Anh ơi anh), thì tiếng hát sao mà  tha thiết, như tiếng gọi nao lòng :
Ê ! Đăm ơi đăm !...
Ơ ! Anh ơi anh !
Cha đã già rồi !
Ơ ! Anh ơi anh !
Mẹ đã yếu rồi !
Ơ ! Anh ơi anh !
Em mong anh về !
Về đi anh !
Ơ ! Anh ơi anh !...
Tiếng gọi bay theo gió, tan vào ngàn xanh ! Người con trai đi đâu vậy, lầm đường lạc lối chăng ?
Ngừng hát một lúc, H’Thi nói :
- Em có người yêu tên là Đinh Kông . Anh ấy đi học đại học ở xa lắm ! Một lần, nói chuyện với thầy giáo về thơ ca dân gian của người  Ba-na, thầy giáo nói trật cả ! Thế rồi thầy trò cãi nhau. Thầy nổi khùng mắng anh ấy : “Mày là thằng mọi, biết gì mà cãi lại tao !”. Thế là anh ấy đánh cái ông thầy ấy, rồi bỏ trốn đi đâu không biết !...
Thì ra vậy ! Trong bài hát của người xưa vẫn có tâm trạng của  người hôm nay !...H’Thi lại hát :
Ơ ! Suối ơi !  K’Tung  ơi !
Sao suối chảy hoài không hết nước ?
Anh ơi ! Anh yêu ơi !
Sao lòng em không hết buồn !...
Vì sao cô gái Ba-na này lại có nỗi buồn da diết như thế ? Tôi định hỏi thì H’Thi lại nhẹ nhàng nói :
- Em cũng muốn đi học đại học lắm chứ ! Nhưng khi em đang học lớp mười, có một thầy giáo cứ đòi yêu em ! Thầy giáo nói : “ H’ Thi yêu thầy thì thầy sẽ giúp em vào đại học !”. Muốn vào đại học phải yêu thầy giáo à ? Em không đồng ý, thế là thầy giáo cưỡng em, không được, rồi thầy cho em toàn điểm kém ! Em  buồn quá, không đi học nữa !...
Mải nói chuyện với H’Thi, chúng tôi đã đi vào một khu nhà mồ từ lúc nào không hay. Những tượng nhà mồ đứng ẩn khuất sau những lùm cây, nhìn từ xa không khác người  thật là mấy : trầm mặc, khổ đau ! Các bạn đồng hành của tôi tản ra các nhóm tượng, chụp ảnh, đo đạc, ghi chép rất say mê . Tôi hỏi H’Thi :
- H’Thi có biết những câu chuyện, những bài hát nói về tượng nhà mồ không ?
H’Thi cười, nét mặt thoáng vẻ tư lự rồi nói :
- Có chứ ! Em sẽ kể và hát cho anh nghe. Nhưng anh phải học tiếng Ba-na đi đã. Nghe hát bằng tiếng Ba-na mới hay ! Nhưng,  những bài hát về tượng mồ buồn  lắm . Để lúc khác. Bây giờ em hát bài vui. Chẳng hạn như bài  Hơri  ca ngợi  buôn  làng tươi đẹp. Em hát nhé !
Và  H’Thi hát  bằng tiếng dân tộc  Ba-na của cô. Tôi không biết tiếng Bana, nhưng nghe tiếng hát nhịp  nhàng, tình cảm tha thiết ánh lên nhưng nét nhạc vui, và  nhìn nét mặt rạng ngời, ánh mắt lung linh của  H’Thi tôi đoán đây là một bài Hơri ngợi ca trong sáng…H’Thi ngưng hát, nói nhỏ:
- Lời bài hát có nghĩa là: Quê hương tôi có dòng suối trong xanh, có buôn làng ẩn hiện trong màu xanh của rừng, có sắn, lúa ngô mọc khắp đồi nương!...- H’Thi bỗng đăm chiêu, một nét  u buồn như đang lướt trên mặt cô gái. H’Thi khẽ buông tiếng thở dài, nói tiếp – Nhưng bây giờ buôn làng xác xơ lắm anh ạ. Nạn đói đang đe dọa từng ngày!...
Tôi thoáng rùng mình, ngực như bị nén chặt. Tôi chợt nhớ lại một chuyến đi bám càng bà phó chủ tịch tỉnh tuần trước : bà chở đầy xe gạo về tiếp viện cho gia đình ! Nhưng còn những nhà không có người làm trên huyện, trên tỉnh thì sao ? Tôi cũng không hiểu sao những người dân ở mảnh đất sơn thủy hữu tình thế này mà bị nạn đói ? Tôi bỗng  nhớ đến những lễ  hội được mô tả trong các Hơ Amon : rượu cần ngập cả sông Ba, thịt chất đống cao như núi, dân làng vui chơi nhảy múa thâu đêm !... Tôi đang miên man trong suy tưởng thì H’Thi nói :
- Em sẽ dẫn anh lên đỉnh thác Đrang Đrung. Ở đó có một tượng đá giống hệt hình người, giống như núi Vọng phu của người Kinh ấy !
Bỏ mặc cho các nhà nghệ thuật học đang mải mê quan sát khu tượng nhà mồ, tôi theo H’Thi luồn rừng leo lên đỉnh thác Đrang Đrung. Trong những tài liệu nói về danh lam thắng cảnh của tỉnh, tôi không thấy nói đến cái thác này. Bởi vậy, khi tới đỉnh thác, tôi giật mình kinh ngạc : thác cao gần năm trăm mét, nước đổ trắng xóa nhưng không ầm ào dữ dội mà  như dải lụa mềm nhẹ bay. Trên đỉnh thác, bên cạnh một tảng đá lớn bằng cái nhà Rông, có một hòn đá cao hai mét, rất  giống như một người ngồi tay chống cằm đau khổ, mặt nhìn vào dòng thác. Ai  ngồi đây ? Từ bao giờ vậy ? Đau khổ vì lẽ gì ? Tiếng H’Thi vang bên tai tôi như tiếng thác chảy rào rào :
- Hồi em còn nhỏ, lên đây chơi thì thấy nó chỉ là một tảng đá bình thường. Nhưng khoảng mười năm trở lại đây, càng ngày nó càng giống hình người . Già làng Đinh K’pa nói rằng có một người đã ngồi bên tảng đá cho đến chết, cho nên hồn của người đó đã nhập vào hòn đá, khiến hòn đá dần dần biến thành hình người…
- Ai ngồi chết ở đây vậy ? – Tôi hỏi .
- Em sẽ dẫn anh tới gặp già làng Đinh K’pa, ông lão  biết rõ hơn em !...
Tôi đăm đăm nhìn, càng nhìn càng thấy hòn đá giống như người vậy. Rồi, như là hòn đá  biến thành người thật, khẽ động đậy rồi vụt đứng dậy ! Tôi giật mình kinh hãi. H’Thi thấy vậy đưa tôi cái bầu rượu đen nhánh, nói :
-  Anh uống một hớp đi ! Anh như là bị ma lai nhập ấy !
Tôi cầm bầu rượu, tu một hơi . Men rượu như lửa đốt ! Một cảm giác lạ kỳ lan tỏa khắp người . Nhìn cái  tượng đá, nó vẫn ngồi bất động. Nó đang nghĩ gì vậy ? Tôi tiến lại gần , nó đang cúi đầu nhìn xuống thác nước. Có lẽ thác nước biết tượng đá nghĩ gì chăng ?
Mải quan sát tượng đá , giờ tôi mới chú ý đến tảng đá lớn như cái nhà Rông  bên cạnh : Nó đứng chênh vênh trên đỉnh thác, như là sắp lăn xuống thác nước . Tôi hỏi  H’Thi :
- Tảng đá này đứng chênh vênh như thế bao lâu rồi ? Sao nó chưa lăn xuống thác nước ?
- Già làng Đinh K’pa nói, không biết từ bao giờ. Nhưng có lẽ năm nay nó sẽ lăn xuống để vỡ thành  muôn ngàn mảnh !
- Năm nay à ? Làm sao mà tính được ?
- Anh về hỏi già làng ấy. Cái gì ông lão cũng biết !...
H’Thi chưa nói dứt lời thì như là có một tiếng động lớn từ lòng đất vọng lên. Tôi có cảm giác như đất dưới chân mình rung động, tảng đá như khẽ cựa mình ! H’Thi lặng người một lát rồi nói :
- Già làng Đinh K’pa nói, khi nào có tiếng cồng từ lòng đất vọng về thì tảng đá lăn xuống thác ! 
Đúng rồi, em nghe như là có tiếng cồng  ! Có đúng không anh ?
Tôi lắng nghe nhưng lại không thấy gì. Nhìn tảng đá như treo đầu đẳng  rồi nhìn xuống chân thác, tôi bỗng giật mình khi thấy một tốp khoảng năm người đang nhởn nhơ ngắm cảnh dưới chân thác. Tôi tập trung nhãn lực nhìn kỹ thì nhận ra đó là đoàn công tác của  Sở giáo dục đi cơ sở triển khai nhiệm vụ xóa nạn mù chữ mà tôi gặp ở huyện lỵ mấy hôm trước. Tôi ngạc nhiên lắm khi nhận ra ông trưởng đoàn là thủ trưởng cũ của tôi khi tôi mặc áo lính. Ông ta lúc đi bộ đội mới đang tập viết và không hiểu sao, ông ta không thể viết được vì cứ cầm bút là bút chực rơi ra và khi viết thì ngòi bút đâm thủng cả giấy ! Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi H’Thi nói rằng ông ta chính là cái ông thầy đã đòi yêu H’Thi !  Có trời mới hiểu nổi sự xoay vần của tạo hóa sao lại kỳ quặc như vậy ?
H’Thi như là cũng có tâm trạng như tôi : Hết nhìn tảng đá rồi lại  nhìn xuống tốp người  đang  ngắm cảnh dưới chân thác . Tôi nói :
- Liệu tảng đá có thể rơi ngay sau khi có tiếng cồng không ?
H’Thi dáng vẻ bồn chồn, nói :
- Em linh cảm thấy như vậy ! Không biết có kịp báo cho những người ở dưới chân thác biết không ?
- Anh đã nói với họ là ở xã K’Tang của em không có người mù chữ. Vậy sao họ vẫn tới đó ?
- Em cũng không hiểu nữa. Bất cứ có đoàn công tác nào của tỉnh hoặc trung ương về, huyện cũng chỉ xuống xã em !
-  Thôi ! Chúng ta chạy xuống báo cho họ lánh đi chỗ khác ngay !  Nghe chừng họ định cắm trại ở đây. Tảng đá mà lăn xuống thì họ bị đè  bẹp mất !
H’Thi như sực tỉnh, cô không nói gì, lao vút đi, thoắt cái đã biến vào màu xanh ngút mắt ! Tôi lao theo H’Thi, nhưng chạy được vài bước thì vướng phải sợi dây rừng ngã bật trở lại, khắp người đau ê ẩm. Tôi gượng đau, đứng dậy tính đuổi theo H’Thi nhưng cô đã mất hút sau màu xanh của rừng . Mất người dẫn đường, tôi chẳng khác người mù. Vì vậy, tôi đành tập tễnh quay trở lại đỉnh thác, ngồi xuống bên tượng đá, nhìn xuống chân thác như tượng đá, chốc chốc lại nhìn sang tảng đá chênh vênh, đang như sắp lăn xuống !
Tôi có cảm giác thời gian như ngưng lại, núi rừng như không một tiếng động. Rồi bất chợt, gió ào ào, mưa như thác đổ, cả khu rừng  như đang vặn mình, quằn quại ! Trơ vơ trên đỉnh thác, không biết chạy đâu tôi liền ôm chặt lấy tượng đá, mắt nhìn như dán vào tảng đá chênh vênh   kia !...
Cái gì phải  xảy ra thì đã xảy ra ! Tảng đá đã tách ra khỏi đỉnh thác ! Tôi bàng hoàng nhắm mắt lại và  chờ cái tiếng động đáng sợ kia vọng lại ! Nhưng tôi không  nghe thấy gì nữa khi chợt vụt lên ý nghĩ :  H’Thi có kịp cứu tốp người đi xóa nạn mù chữ kia thoát khỏi nạn núi lở hay không ? Và bản thân H’Thi thì sao  ?
* * *
Một tháng sau cái ngày xảy ra vụ núi lở ấy, đoàn khảo sát văn hóa dân gian của chúng tôi trở lại xã  K’Tang. Chúng tôi rất buồn vì cô H’Thi, người hướng đạo tuyệt vời của chúng tôi bị bệnh, suốt tháng nay vẫn chưa khỏi, suốt ngày nằm liệt gường, không ăn uống gì được mấy. Già làng Đinh K’pa nói rằng , H’Thi bị Zàng phạt. Hỏi tại sao, nhất định già làng không nói. Song , tôi năn nỉ mãi và nằng nặc đòi đưa H’Thi đi bệnh viện, lúc ấy già làng Đinh K’pa mới nói :
- Hôm ấy, Zàng nổi giận, muốn trừng trị tốp người ở dưới chân thác ấy. Nhưng con H’Thi đã làm trái ý Zàng !...
Nghe già làng Đinh K’pa nói vậy tôi giật  mình kinh ngạc : Chẳng lẽ vì cứu tốp người đi xóa nạn mù chữ kia mà H’Thi bị bệnh sao ? Bây giờ mà cũng có chuyện thần linh ứng nghiệm vậy sao ? Già làng Đinh K’pa nói tiếp :
- Anh có biết cái ông thủ trưởng của nhóm người ấy giờ ở đâu không ? Phải tìm ông ta về đây mới có cách chữa bệnh cho con H’Thi  !...
Biết ông trưởng đoàn công tác xóa nạn mù chữ ở đâu bây giờ ? Tuy thế, tôi định bụng sẽ dò tìm bằng được ông ta. Song, thật là bất ngờ, ngay ngày hôm sau, khi tôi đến khu vực thác Đrang Đrung thì gặp ông trưởng đoàn ấy. Nhìn thấy tôi, ông ta vui vẻ nói :
- Tớ đang hướng dẫn một nhà báo và các nhà địa chất nghiên cứu hiện tượng núi lở đấy !  Cậu đã đọc báo chưa ? Có bài  tường  thuật  của tớ về vụ núi lở vì tớ là người chứng kiến từ đầu đến cuối mà !...Mà này, có lẽ tớ bỏ nghề xóa nạn mù chữ mà chuyển sang  nghiên cứu về núi lở và động đất !  Thú vị lắm !...
Nghe  ông ta nói đến đấy, tôi ù cả tai ! Không kịp suy nghĩ gì cả, tôi chạy về tìm già làng Đinh K’pa !.../.
TP.HCM, 1989-2009
 
nguồn: vanchuongviet.org
 
ảnh
Thác - Tạo nên cảnh thiên nhiên hùng vĩ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét