Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Hai truyện ngắn về Bác Sĩ - Đỗ Ngọc Thạch

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích:













Hai Truyên ngắn về Bác Sĩ: Bác sĩ Đồng Quê; Hai lân Bác Sĩ



Y tá xã (Bác sĩ Đồng quê)

Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)


bacsi

Y tá xã (Bác Sĩ Đồng Quê)
Đỗ Ngọc Thạch
1.

Thời chiến tranh chống Mỹ, các đơn vị của bộ đội Ra-đa được biên chế thành một Đại đội độc lâp, trực thuộc Trung đoàn, chứ không có cấp Tiểu đoàn như ở bộ binh…Mỗi Đại đội chỉ có một Y tá lo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của bộ đội. Các Đại đội Ra-đa luôn phải cơ động, đóng quân nay đây mai đó, thường là xa nơi thị trấn, thị xã hoặc thành phố, tức nơi có Bệnh viện. Vì thế, nếu như Đại đội có bệnh nặng hoặc bị thương vong (do địa điểm đóng quân bị không kích – ném bom) thì quả là không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra với một Y tá Đại đội!

Tôi đem ý nghĩ “Nếu như…” đó hỏi Y tá Đại Đội, tên là Lê Đu, thì Đu nói: “Cậu cứ lo bò trắng răng! Từ hồi tớ về Đại đội làm Y tá đến nay làm gì có chuyện gì to tát như cậu nói. Thỉnh thoảng mới có người nhức đầu chóng mặt hoặc đau bụng đi ngoài té re! Cứ yên tâm đi! Trời sinh voi Trời sinh cỏ, nghĩ làm gì cho chóng già!”. Biết nói gì nữa ngoài việc cầu Bồ Tát phù hộ cho đừng có chuyện “chết người” xảy ra!

2.

Tôi và Lê Đu mau chóng thân nhau vì hai lý do: Tôi thuộc Trung đội Trắc thủ Ra-đa nhưng thường được cử xuống nhà bếp phụ giúp Tiểu đội Anh nuôi (vì Tiểu đội Anh nuôi thường xuyên thiếu người, có tới một nửa số người trong Tiểu đội Anh nuôi không thích làm Anh nuôi và thường bộc lộ sự bất mãn ấy bằng hình thức “nằm ỳ cải tiến” – tức giả bị bệnh, suốt ngày nằm trùm chăn, không ăn cũng không làm gì!). Y tá Lê Đu được bố trí ở chung với Quản lý Đại đội, tức người phụ trách nhà bếp Đại đội. Mỗi lần tôi được cử xuống giúp Nhà bếp thường ngồi uống trà với Quản lý và Lê Đu. Sau  khi biết tôi là con Bác sĩ và rất rành chuyện thuốc men, bệnh tật thì Lê Đu tỏ ra rất thân thiết với tôi, thường nhờ tôi ghi chép sổ sách xuất – nhập thuốc và phân loại, dán nhãn cho các loại thuốc của tủ thuốc Đại đội…

Lê Đu là con nhà nông, trình độ văn hóa mới tới cấp hai Trung học Phổ thông. Cái “bằng Y tá” của Lê Đu chỉ là lớp học cấp tốc ba tháng (chính quy là 9 tháng), cho nên có thể nói những người làm công tác nhân sự (ở quân đội gọi là cán bộ Quân lực, dân sự thì gọi là cán bộ Tổ chức) đã rất mạo hiểm khi giao tính mạng cả một Đại đội cho một Y tá như Lê Đu! Song, nhờ Trời, trong suốt thời gian Lê Đu “hành nghề” Y tá ở Đại đội không xảy ra sự cố nào chết người. Trái lại, bằng vào sự trợ giúp của Thần May mắn, Lê Đu đã lập được một số kỳ tích khiến nhiều người thành tâm tôn sùng Lê Đu như là Thần Y!

Làng Bát Tiên, nơi Đại đội chúng tôi đóng quân là một vùng non xanh nước biếc cho nên người xưa đã sáng tác ra câu chuyện suối Bát Tiên: con suối ở đây, chỗ lòng suối rộng và sâu, xung quanh có tám tảng đá cuội lớn nhẵn bóng, là nơi thường có tám Nàng Tiên tới tắm, vì thế cô gái nào muốn đẹp như Tiên thì hãy ra tắm. Quả thật con gái Làng này có vẻ nhiều người đẹp hơn các Làng lân cận, vì thế Làng có tên gọi là Bát Tiên. Cô gái tên Nụ cũng thường ra tắm ở suối Bát Tiên. Nụ đang ở tuổi trăng rằm nên đẹp lên từng ngày, có lẽ một phần cũng nhờ tắm suối Bát Tiên. Song, Nụ bỗng có sự thay đổi kỳ lạ: cái bụng cứ lớn dần lên như người có thai! Nụ không hiểu tại sao lại như thế nhưng tất cả mọi người – cả Làng – không ai tin Nụ, cứ khẳng định là Nụ đã “quan hệ” với ai và bắt phải khai ra kẻ nào là chủ nhân của cái “hoang thai” kia? Nhưng Nụ nào biết khai ra ai bây giờ vì thực sự Nụ không hề “quan hệ” với bất cứ ai! Các vị bô lão chức sắc trong Làng cho là Nụ ngoan cố nên quyết định xử phạt Nụ như tục lệ vốn có từ xa xưa của Làng: cho cô gái chửa hoang vào cái rọ lợn thả xuống sông để nhờ Hà Bá rửa sạch sự ô uế!

Y tá Lê Đu thường la cà trong Làng Bát Tiên nên biết chuyện của Nụ ngay từ khi Nụ bị nhốt trong trụ sở của Ủy Ban Xã bắt viết bản tự thú, khai ra ai là chủ nhân của cái hoang thai! Khi gặp tôi, Lê Đu nói: “Cái cô Nụ đó bị nhốt đã hai ngày rồi! Chúng ta phải nghĩ cách cứu người đẹp vì tớ tin là cô gái bị oan!”. Tôi bảo : “Đó là việc nên làm!... Tôi nhớ ra cái cô Nụ đó rồi! Đó là con gái út của ông Phó Chủ tịch xã! Cô ta rất nhiệt tình vận động gia đình cho chúng ta năm cây tre để làm lán trại! Cô ta có khuôn mặt rất trong sáng, đôi mắt rất hiền và nụ cười rất duyên! Đúng không?”. Lê Đu hối thúc: “Thôi, thôi, không phải làm văn tả người đẹp nữa mà là nghĩ cách cứu người! Nghĩ cách đi!”. “Thì tôi đang nghĩ đấy chứ!...Nếu như cả hai chúng ta cùng khẳng định cô Nụ bị oan thì tôi nghĩ ra thủ phạm là ai rồi!” – nói rồi tôi kéo Lê Đu ra suối Bát Tiên, chỗ lòng suối rộng có tám tảng đá huyền thoại kia! Nước suối quả là trong vắt, nhìn rõ từng viên đá cuội dưới lòng suối và vài con cá lòng đong, cá cờ tung tăng bơi lặn! Nhưng khi Lê Đu thò tay xuống khỏa nước thì không biết từ đâu, xuất hiện một đàn đỉa bơi theo kiểu uốn éo nhưng rất nhanh ra chỗ bàn tay của Lê Đu. Lê Đu vội rụt tay lại, nói  bâng quơ: “Sao mà nhiều đỉa thế?”. Tôi liền nói: “Đó chính là chủ nhân của cái hoang thai trong bụng cô Nụ đó!”. Lê Đu tròn mắt nhìn tôi: “Đừng có nói Trạng kiểu ấy! Cậu muốn nói là cô Nụ đã yêu anh chàng đội lốt Đỉa à?” – “Không phải người đội lốt đỉa mà là chính con đỉa đã chui vào bụng cô Nụ! Nó hút máu cô Nụ no nê tới mức căng phồng như quả bóng và làm cho bụng cô Nụ căng phồng lên như là có thai!” – “Không thể nào!...Tại sao cậu lại có ý nghĩ  kỳ quặc như thế: cái hoang thai thực ra là một con đỉa đã hút máu no căng?!”- “Chuyện này tôi đã gặp. Hồi bố tôi chuyển từ Quân Y sang Dân Y, có mở phòng Mạch một thời gian và đã xử lý khá nhiều ca bị đỉa chui vào tai, vào mũi, vào âm hộ và cả vào dương vật nữa!” – “Cậu không nói phét chứ?!” – “Tôi nói phét làm gì? Hồi đó, tôi và mẹ tôi làm phụ mổ cho bố tôi nên tôi không bao giờ quên những ca hiểm hóc như thế! Tôi còn nhớ có một bé gái chơi hạt cườm, bị một hạt chui vào tai, đến lúc hạt cườm nhú mầm mới biết! Nhưng cả cha mẹ cô bé đều nghe lời ông thầy bói cho đó là điềm lạ, Thần Cây mượn tai cô bé trú ngụ nên cứ để yên, sẽ có lộc lớn!...Đến khi lá cây cườm thò ra ngoài, gây đau nhức, cô bé không chịu nổi mới đến phòng mạch của bố tôi nhờ xử lý!...” – “Thôi, tôi tin rồi! Nhưng bây giờ làm sao mà nói để người ta tin và xử lý ra sao?” – “Tôi có người anh con ông bác, là Bác sĩ, Đội trưởng một Đội điều trị dã chiến hiện đang đóng trại ở cách chỗ chúng ta chỉ hơn ba kilômét. Ông tới đó nhờ ông anh tôi tới giúp, tất sẽ xong hết mọi chuyện!”.

Sau khi vụ hoang thai của cô gái tên Nụ được đưa ra ánh sáng, Y tá Lê Đu được Làng Bát Tiên mời tới nói chuyện Y học thường thức liên tục và lần nào cũng đón tiếp, đãi tiệc rất thịnh soạn, ai cũng gọi Lê Đu là Thần Y Hoa Đà tái sinh. Có mấy nhà muốn gả con gái cho Lê Đu nhưng Thần Y chưa quyết đám nào vì Lê Đu còn phải chờ đi học lên Bác sĩ, đến lúc có Bằng Bác sĩ  thì “Võng anh đi trước võng Nàng theo sau” cũng chưa muộn!...Tôi cũng rất ủng hộ việc Y tá Lê Đu đi học Bác sĩ vì nghĩ rất giản dị: Với khả năng của anh ta, khi có sự cố lớn tất sẽ xảy ra tử vong! Kiểu người như Lê Đu, chỉ thích hợp với việc làm chỗ đông người, còn có thể dựa dẫm vào anh
em đồng nghiệp. Còn hành nghề độc lập như thế này, biết dựa vào ai? Thần May mắn chỉ cho dựa hai ba lần mà thôi!

3.

Một hôm, Lê Đu rủ tôi vào một nhà quen ở trong Làng, mời uống rượu, đồ nhắm rất thịnh soạn. Uống tới chén thứ ba Lê Đu mới nói: “Tớ với cậu không họ hàng thân thích, quê cũng mỗi đứa mỗi nơi, vậy mà đã gặp nhau ở đây, thân thiết với nhau bao lâu nay, thì đó phải là duyên kỳ ngộ! Chúng ta có duyên kỳ ngộ! … Vì thế, hôm nay tớ không ngại nói thật lòng: có thương thì thương cho chót, có yêu thì yêu hết lòng! Việc đi học Bác sĩ của tớ chỉ thiếu cái bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, trong khi đó cậu lại chẳng dùng đến nó làm gì!...”. Nghe Lê Đu nói đến đây, tôi hiểu ngay Lê Đu muốn gì vì thực ra, trước Lê Đu, đã có hai người xin tôi cái bằng Tốt nghiệp Trung học Phổ thông đó!...Không biết ai đã nghĩ ra chuyện dùng bản sao để thay bằng thật? Chính việc cho dùng bản sao để thay bằng thật này đã khiến cho những kẻ gian lận có điều kiện gian lận!

4.

Người ta hay nói “Quả đất tròn” để chỉ việc gặp lại người quen cũ ngỡ như không thể gặp lại! Khi còn làm báo, một lần tôi đi viết bài cho công tác xóa đói giảm nghèo ở một xã vùng sâu, vùng xa thì Chủ tịch Xã nói: “Nói thật tình với nhà báo, về công tác xóa đói giảm nghèo, xã tôi chưa làm được gì cho bà con. Có một số người từ đói nghèo vươn lên là do nỗ lực của chính họ từ khi có câu nói “Hãy tự cứu lấy mình!”. Bù vào đó, tôi muốn giới thiệu với nhà báo một điển hình bên Y tế, đó là người Y tá của Trạm Y tế Xã. Trạm Y tế Xã của tôi tuy nghèo về trang thiết bị nhưng hiệu quả chữa bệnh cứu người thì hơn hẳn mấy bệnh viện cấp Huyện, thậm chí có thể ngang ngửa với Bệnh viện Tỉnh! Vì thế, tôi muốn nhà báo viết bài làm sao để tỉnh và trung ương đầu tư nâng cấp lên thành một Bệnh viện lớn, quy mô hoành tráng! Vì tôi nghĩ việc xây dựng Bệnh viện là số Một vì khi ta có sức khỏe tốt thì có phải dời non lấp biển cũng làm được!”. Tôi vốn có tính cả nể nên đành tạm gác nhiệm vụ mà Tòa soạn giao cho về “cái vụ xóa đói giảm nghèo” mà đi theo ông Chủ tịch xã tới Trạm Y tế xã.

Trạm Y tế xã là một cái nhà ngói năm gian, trên một quả đồi thấp, được xây dựng từ thời chưa có nạn “rút ruột” các công trình xây dựng cho nên vẫn còn gần như nguyên dạng hình hài ban đầu, hình như được quét vôi thường xuyên hàng năm nên nhìn từ xa như mới. Xung quanh cái nhà ngói năm gian là những vườn hoa, vườn cây thuốc và có ba dãy nhà lá bao bọc ở ba phía phải, trái và phía sau, làm nhà ở cho nhân viên Trạm Y tế. Ba dãy nhà ở này cũng cao ráo, sạch sẽ tạo nên một cảm giác thanh bình như khi bước vào một công viên lớn.

Khi Chủ tịch Xã dẫn tôi vào phòng làm việc của trạm trưởng Trạm Y tế xã, tôi vừa đọc xong cái bảng gỗ nhỏ đặt trên bàn có in sơn chữ “Bác sĩ Lê Đu” thì người mặc áo Blu trắng đang ngồi sau bàn đứng dậy, từ từ đi đến bên tôi rồi nhào tới ôm chặt lấy tôi mà nghẹn ngào không nói nên lời!...

Hàn huyên xong, Lê Đu – chính là Lê Đu, Y tá Đại đội của tôi thời chiến tranh -, mới nói: “Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ! Tớ và cậu quả là có duyên kỳ ngộ!...Chuyện giữa chúng ta đã qua từ lâu nhưng tớ luôn nhớ như vừa xảy ra! Quả là Thần May mắn đã nhập vào cậu nên tớ mới có cái bằng Bác sĩ đẹp như mơ! Và cũng chính vì chuyện đi học Bác sĩ này mà tớ đã có được một người vợ tuyệt vời! À, mà này, lại phải nói cái câu “Quả đất tròn” hoài vì người vợ tuyệt vời của tớ lại là người quen biết của cậu đó! Có muốn gặp lại bạn cũ không?”. Lê Đu vừa định dắt tôi đi thì một người phụ nữ mặc áo Blu trắng nhẹ nhàng bước vào! Nếu như không có những lời nói trước đó của Lê Đu có lẽ tôi đã chưa nhận ra ngay cô bạn học cùng với tôi hồi lớp Mười trường Trung học phổ thông: không còn là Minh Tâm, cô gái luôn buộc hai bím tóc ngắn quá vai, lúc đi, nhất là lúc chạy cứ đung đưa trước ngực khiến cho bao chàng trai ngơ ngẩn, mà đã là một người thầy thuốc điềm đạm, luôn có nụ cười phúc hậu và cái nhìn trìu mến! Lê Đu thấy tôi nhận ra Minh Tâm thì nói: “Thật là cuộc hội ngộ trên cả tuyệt vời! Hai người hàn huyên đi nhé, để tôi về nổi lửa thết đãi khách quý!”.

5.

Đúng là ghét của nào Trời trao của ấy! Tôi ghét nhất nam nhi quân tử mà dốt thì lại lấy một người chồng đại dốt. Cho đến tận bây giờ, anh ta vẫn chưa thuộc hết tên các loại thuốc thông dụng và bệnh nào thì dùng thuốc nào?
- Thế thì tại sao anh ta lại qua được các “cửa ải” thi cử ở Đại học?
- Cái đó thì một nhà báo lăn lộn trường đời nhiều như cậu phải tự trả lời!
- Vậy thì cái gì đã khiến cậu làm vợ anh ta từ đó đến giờ?
- Cậu hỏi hay lắm! Người phụ nữ khi không tự nguyện thì không ai có thể cưỡng bức được! Vào năm cuối, cái ông thầy tên Ái Nữ ấy đã cưỡng bức tớ. Khi chống cự, tớ đã quá mạnh tay đập vỡ đầu ông ta, cho nên phải nhận cái án Ngộ sát! Lúc ấy, tớ chỉ muốn chết thì Lê Đu là người duy nhất vào tù nuôi tớ, an ủi tớ! Khi tớ ra tù, Lê Đu đã cho tớ được làm người Bác sĩ thực thụ bằng cách cho tớ vào làm việc ở

Trạm Y tế xã của anh ta, với chức danh hợp pháp là Y tá!
- Như thế người Y tá xã mà ông Chủ tịch xã muốn tớ viết bài chính là cậu?
- Đúng vậy! Có lẽ cậu sẽ khó viết vì cái bằng Bác sĩ mà Lê Đu đang sử dụng hợp pháp thực ra lại dùng để cho tớ hành nghề! Lê Đu không có năng lực chuyên môn nhưng có cái bằng BS hợp pháp, còn tớ thì lại không có cái bằng BS hợp pháp đó! Nếu viết công khai chuyện này ra thì Lê Đu sẽ bị thu lại bằng BS còn tớ thì chưa chắc lấy được cái bằng BS đó!
- Nếu vậy lại thất hứa với ông Chủ tịch Xã! Ông ta đã đón tiếp rất nhiệt tình!
- Chuyện đó khỏi lo, để tớ nói khéo hộ vì tớ là “ân công” của gia đình ông Chủ tịch, vợ và con ông ta đều được tớ kéo lại từ tay Tử thần!
- Thực ra thì lần đi xa này rất thành công, thu hoạch rất lớn! Tớ vừa được sống lại thời lính tráng với anh chàng Y tá Đại đội Lê Đu vừa được mơ màng trong màu hoa phượng với cô bạn học lớp Mười Minh Tâm!...

Chúng tôi còn muốn nói nhiều chuyện nhưng có điện thoại từ Tòa soạn gọi về. Lúc chia tay vợ chồng Lê Đu, Minh Tâm đưa cho tôi một cái phong bì và nói: “Cậu có thể coi đây như là một cái túi Cẩm nang. Khi nào cậu cảm thấy đau đớn ê chề, thất bại nặng nề, cô đơn tuyệt vọng tứ bề thì mở ra coi, cậu sẽ có cách giải thoát!”. Tôi cầm cái phong bì về, để trong một cuốn sách rồi quên luôn! Khoảng một năm sau thì nhận được điện thoại của Minh Tâm mời lên chơi ăn tân gia, mới xây nhà rất đẹp. Khi tôi lên tới nhà vợ chồng Lê Đu, Minh Tâm thì thấy nhà mới xây quả là rất đẹp, tôi có nằm mơ cũng khó mà có được! Một lát sau, Minh Tâm hỏi: “Cậu chắc là chưa mở cái phong bì Cẩm Nang chứ?”. Tôi nói ngay: “Chưa! Vì tớ đã đến cảnh ngộ đường cùng đâu!”.Minh Tâm cười hóm hỉnh: “Thế cậu không muốn đoán xem trong đó tớ viết gì à?” – “À! Cũng định bóc ngay ra xem sao nhưng sợ vi phạm luật chơi!” – “Luật cái con khỉ! Thế mà tớ cứ nghĩ là về tới nhà là cậu bóc ra xem ngay! Ai ngờ cậu đã không còn như ngày xưa nữa!” – “Đúng là tớ đã khác xưa nhiều!...Vậy cậu có thể nói cho tớ biết trong cái phong bì ấy viết gì không?” – “Trong cái phong bì ấy có tờ 100 đô và một tờ giấy chỉ viết có ba chữ…” . Minh Tâm chưa kịp nói ba chữ ấy là gì thì Lê Đu đã kêu vào nhà nhập tiệc. Lu bu với bữa tiệc Tân gia, Minh Tâm và tôi không có dịp nói chuyện với nhau nữa!

Khi về tới nhà, tôi lập tức đi tìm cái phong bì Cẩm nang nhưng tìm hoài không thấy! Tôi gọi điện thoại cho Minh Tâm để hỏi nhưng chỉ có câu “ngoài vùng phủ sóng” cứ lặp lại hoài!./.

Sài Gòn, Tháng 3-2010
Đỗ Ngọc Thạch

bacsi

Hai lần bác sĩ
Đỗ Ngọc Thạch
Thân là năm sinh và cũng là tên, hơn tôi bốn tuổi, tức sinh năm  1944. Sang năm đói Ất  Dậu  1945, lúc đó  Thân  mới một  tuổi, một lần bà nội tôi đi chợ, thấy Thân đói lả, chỉ còn thoi thóp bên xác người mẹ đã chết ở góc chợ. Bà tôi đem Thân về nuôi. Không hiểu do bà tôi mát  tay hay Thân  là một đứa bé hay ăn mau lớn mà chỉ hai, ba năm sau nó đã lớn nhanh  như thổi, chạy nhảy tung tăng khắp nơi. Khi tôi được ba tuổi,  mẹ tôi gửi  tôi cho  bà  nội và Thân trở thành  “vệ sĩ” của tôi, cõng tôi đi chơi rong khắp làng. Lúc đó, ông nội tôi đang hành nghề chữa bệnh, lấy hiệu là Đại  Đạo, tức cứu người  là chính, ai có tiền thì trả, ai nghèo quá thì ông tôi chữa bệnh miễn phí ! Còn bà nội tôi, vốn là con gái một ông chủ hiệu ở phố Thuốc Bắc Hà Nội, theo ông tôi lên miền đất  Trung du này thì sản xuất trà và giấy gió. Hai mặt hàng này lúc đó bán khá chạy nên phải nói là mức sống ở nhà ông bà nội tôi khá cao. Ngoài một vệ sĩ ra, tôi còn có riêng một nhũ mẫu (ở quê tôi gọi là “U”, còn xã hội gọi là “vú em”, “vú em” của tôi gọi là “U Tiến”, Tiến là tên gọi của tôi lúc nhỏ, do có phong trào “Nam tiến” lúc đó. Bố tôi tham gia “Nam tiến”, mẹ tôi tham gia “Phụ nữ cứu quốc” rồi đi học một khóa sư phạm ở chiến khu, cho nên tôi sống với ông bà nội và người gần gũi tôi nhất chính là U Tiến rồi đến vệ sĩ Thân. U Tiến coi tôi như con đẻ, tôi cũng coi U như mẹ đẻ. Đối với vệ sĩ Thân, tôi rất thích, tuy Thân là người ở nhưng tôi luôn gọi Thân là anh xưng em, còn Thân thì cứ một cậu chủ hai cậu chủ. Tôi phải cảm ơn Thân rất nhiều vì anh ta đã cõng tôi đi khắp nơi và thường cõng tôi ra tắm sông. Đó là con sông tên Thao gắn liền với câu ca :”Sông Thao nước đục người đen/Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về”. Nhờ vậy mà tôi biết bơi rất sớm. Tuy thế, việc Thân hay cõng tôi đi tắm sông đã khiến anh ta bị tai nạn khá nghiêm trọng: một lần, Thân nhảy từ trên một cành cây chìa ra sông xuống sông đã  bị một cái cọc ngầm dưới nước đâm trúng  “hạ bộ”, nếu không nhờ ông tôi cứu chữa kịp thời, chắc anh ta đã chết lần thứhai!

Sau lần bị thương, Thân xin với ông tôi học nghề thuốc, nhưng chỉ được vài tháng thì cuộc kháng chiến chín năm kết thúc, cả ông bà đều về Hà Nội ở với bố tôi và ông  chú,  đó là vào cuối năm l954 đầu năm 1955. Lúc đó Thân mười một tuổi, còn tôi mới bảy tuổi. Tôi không hiểu sao lúc đó Thân không đi với ông bà tôi về Hà Nội.Tôi hỏi bà thì bà bảo:”Ông chủ tịch xã xin nó làm con nuôi rồi!”, thế là  tôi  mất  vệ  sĩ  từ  đó !...

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ  ai  đó nói chẳng sai . ahoắt cái đã mười năm trôi qua, tôi  tốt  nghiệp phổ thông trung  học và có giấy gọi vào Khoa Toán  trường  Đại học Tổng hợp Hà  Nội. Lúc tôi chuẩn bị nhập trường  thì bất ngờ gặp lại  Thân. Gặp lại Thân, tôi mừng quá, cứ nắm chặt  tay Thân mà nói không  ngừng :
- Trời ơi  ! Nhớ anh quá ! Hồi mới về Hà Nội, cứ đi ra đường phố là bị bọn trẻ con xúm vào bắt nạt, đá đít véo tai,  rồi lại  lục cặp sách lấy hết bút, tẩy và cả mấy hòn bi ve nữa, tức quá mà không làm gì được chúng ! Giá như có anh đi cùng  thì chúng  đâu có dám ngang ngược như vậy ! Rồi hồi mới về  Hải Phòng này cũng bị bắt nạt như thế, mỗi lần gặp mấy thằng học sinh trường  Miền Nam số 21 là lại bị trấn lột sạch sành sanh ! Những lúc ấy em chỉ ao ước có anh ở bên cạnh, vậy mà anh đã ở đâu ?
Thân cười cười rồi nói :
- Thôi, chuyện đã qua cho qua,  nhắc đến làm gì nữa ! Gặp lại cậu thế này là tốt rồi ! Tôi được biết cậu học rất giỏi, nay lại sắp trở thành nhà Toán học, mừng cho cậu !
- Làm sao anh biết ? – Tôi ngạc nhiên hỏi .
- À, rất đơn giản, tôi làm việc ở ban tuyển sinh thành phố. Khi thấy tên cậu, tôi cũng muốn tìm gặp cậu ngay để hàn huyên sau bao năm xa cách nhưng ngặt nỗi công việc quá bận rộn. Hôm nay tôi và cậu phải làm một chầu túy lúy !
Đây là lần đầu tiên tôi uống  rượu nên chỉ sau hai li  đã say mèm, nhưng sau khi Thân cho tôi uống một li  nước chanh giã  rượu, tôi lại có thể cụng li ba lần nữa ! Sau một hồi nói rất dài về nghệ thuật uống rượu,  Thân nói với tôi :
- Cậu đã được vào đại học rồi, chẳng cần đến cái bằng tốt nghiệp phổ thông trung học kia nữa, cậu cho tôi, mai  tôi làm vệ sĩ  đưa cậu tới trường  nhập học !
Nghĩ  tới việc được đi với  Thân, tôi thích quá, đồng ý ngay, chẳng hề nghĩ xem Thân xin cái bằng của tôi  để làm gì ?

*
Sau lần làm vệ sĩ đưa tôi tới trường đại học, phải đến mười lăm năm sau tôi mới gặp lại Thân, cũng rất bất ngờ. Lúc đó tôi  đang làm việc ở Viện Văn học. Ngày ngày làm con mọt sách, tối  đến thì nằm ngủ ngay trên bàn viết ! Việc ăn uống  lúc đó quả  là rất kham khổ, nộp hết  tem  phiếu và mười  tám ngàn đồng  cho một cửa hàng ăn uống nào đó, bạn sẽ có sáu mươi cái phiếu cơm cho cả tháng (tất nhiên tháng nào có 31 ngày thì bạn phải tự giải quyết). Mỗi suất cơm chỉ  là một đĩa cơm nhẹ như bấc và một chén thức ăn mặn (thường là  đậu phụ kho thịt bạc nhạc) và một chén canh lõng bõng. Ăn xong có cảm giác như đói  hơn ! Trên đường chúng tôi đi ăn cơm tháng, phải qua phố  Tạ Hiền – một con phố của người Hoa, chuyên bán đồ ăn đặc sản, lúc nào cũng  sào nấu thơm lừng, thật quá tra tấn. Một hôm, tôi vừa tới phố Tạ Hiền thì gặp Thân đứng chắn lù lù trước mặt. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì Thân đã lôi tôi vào trong quán ăn từ lúc nào !  Sau vài phút hàn huyên bên những món ăn thơm nức, Thân mới từ tốn nói :
- Đúng là anh em mình có duyên nợ với nhau từ kiếp trước !  Cứ nghĩ lại cái thời thơ ấu,  ngày ngày cõng cậu đi tắm sông tớ thật mãn nguyện, giá như ta  có thể đi ngược thời gian !...Tớ biết cậu về Viện Văn học đã lâu, nhưng ngặt  nỗi công việc  bù đầu, không dứt ra được ! Cậu như vậy là tốt rồi, ráng chờ một suất đi nghiên cứu sinh nước ngoài  sẽ đổi đời ngay thôi ! Còn tớ, đang làm cán bộ tổ chức ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cũng đủ ăn nhưng lắm chuyện lôi thôi, không phải là kế lâu dài. Vì thế, tớ phải  đoạt được cái bằng đại học !
- Thì anh xin dự thi đi, ở chỗ anh, muốn thi vào trường nào mà chả được ! – Tôi nói.
- Nói thì dễ nhưng làm thì khó ! Tớ đã gần bốn mươi rồi, lại vợ con đùm đề, không có đầu óc đâu mà ôn thi nữa, mà thi chưa  chắc đã đỗ ! Vì thế, tớ nói thật với cậu, cái bằng tốt  nghiệp đại học của cậu chẳng cần với cậu  nữa, nhưng lại rất cần với tớ! Cậu đừng có ngạc nhiên như thế! Cậu hãy cho tớ cái bằng của cậu, tớ chỉ việc tẩy tên cậu đi, viết tên tớ vào là xong!
- Làm thế sao được? – Tôi thật sự ngạc nhiên.
- Cậu yên tâm. Việc gì cũng có thể làm được, cậu không nghe người ta thường nói:”chuyện gì cũng có thể xảy ra” à? Tớ làm  xong chuyện cái bằng, sẽ làm lại hồ sơ rồi chuyển vào miền Nam, trong đó ở đâu cũng thiếu cán bộ. Với cái bằng đại học, tớ có thể làm phó thậm chí giám đốc cấp Sở ở các tỉnh, rồi dần dần chuyển về trung tâm của miền Nam là Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông! Tớ đã xem tử vi tướng số rồi, cái số tớ sẽ phất mạnh ở Phương Nam ngập nắng !...
Tại tôi là người dễ mềm lòng, hay là tại những năm tháng tuổi thơ Thân ngày ngày cõng tôi đi khắp xóm làng cứ hiện về rõ mồn một, khiến tôi không thể từ chối yêu cầu của anh ta? Có lẽ tại cả hai! Khi tôi đưa cái bằng tốt nghiệp đại học của tôi cho Thân, anh ta đưa lại cho tôi mười cái bản sao và vừa cười vừa nói:
-    Rồi cậu sẽ có được cái bằng cao hơn là phó Tiến sĩ!...
Thân còn nói gì nữa nhưng  tôi như chỉ nghe thấy tiếng gió ù ù thổi và tôi bỗng thấy lạnh run…

*
Chỉ vài tháng sau khi tôi cho Thân cái bằng đại học, anh ta chuyển đi miềnNam thật. Tôi nghĩ có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa vì đã kẻ Bắc người Nam đường xa diệu vợi ,mà  làm cái nghề “ngâm cứu” như tôi có lẽ chẳng bao giờ đi đâu xa! Song, cuộc đời lại không yên ả như vậy. Một thời gian sau, tôi bỏ Viện văn học mà sang làm biên tập ở một tờ tạp chí về văn hóa nghệ thuật, những tưởng  có nhiều cơ hội cho việc “viết lách”, sẽ có nhiều “nhuận bút”, sẽ tăng thêm thu nhập. Nhưng thật ra, khoản thu nhập có tăng thêm nhưng không đáng kể, bởi nói chung “nhuận bút” rất thấp, đúng như câu nói “văn chương rẻ như bèo”! Tôi phải nhận bản thảo ở các nhà xuất bản, vừa đánh máy vừa biên tập để tăng thu nhập! Song, công bỏ ra mười nhưng thu về chỉ được năm, tức lỗ vốn!...Thế rồi một loạt sự kiện lớn ập tới: lấy vợ, vợ thất nghiệp mà lại đẻ con, hết tuổi đi thi nghiên cứu sinh, mẹ mất…khiến cho tôi có ý định đi đâu đó để thoát khỏi cuộc sống khó khăn lúc đó! Vừa hay có ông giám đốc một Sở Văn hóa ở Tây Nguyên lấy vợ là  nhà sưu tầm folklore ở Viện Văn hóa nghệ thuật, cùng khuôn viên với cơ quan Tạp chí Nghiên cứu của tôi, muốn tôi vào Sở Văn hóa của ông giúp ông làm công tác xuất bản và ra Tạp chí Văn nghệ cho Sở, vậy là tôi đi liền, dù chưa hề biết cái tỉnh ở Tây Nguyên đó nó mặt ngang mũi dọc như thế nào, đúng như câu “cũng đành nhắm mắt đưa chân/thử xem con tạo xoay vần tới đâu?”. Rồi hai năm sau đó, cuộc đời xô đẩy tôi tới Sài Gòn, cứ như là một trò chơi của số phận! Và ở đây, tôi đã gặp lại Thân, trong một hoàn cảnh  đặc biệt…

Lúc đó, ban ngày tôi làm thuê cho một lò bánh ngọt ở quận 5, tối đến thì làm bảo vệ cho một ki-ốt bán đồ chơi điện tử ở quận một, ngay trên đường Nguyễn Huệ - nơi là chợ hoa của Sài Gòn rất nhiều năm. Gọi là bảo vệ nhưng thực ra là chỉ việc đến ngủ trong ki-ốt đó, kẻ trộm thấy có người ở trong ki-ốt sẽ không cạy cửa vào ăn trộm!...Tuy nhiên, xung quanh ki-ốt về đêm lại rất phức tạp: xì ke, ma túy và mua-bán dâm là hoạt động thường xuyên, không ngưng nghỉ, bất kể mưa gió…Tôi vào ki-ốt là ngủ liền, vì  làm thợ bánh cả ngày đã thấm mệt. Đêm hôm đó, tôi đang mơ màng thì nghe có tiếng rên rỉ bên ngoài ki-ốt. Ra xem thì thấy một ông khoảng gần sáu mươi đang nằm bệt, đầu bị đánh bằng vật cứng, máu còn đang nhểu ra, đầm đìa. Nhìn thấy tôi, ông ta năn nỉ:
-    Cậu cứu tôi với! Tôi bị nó lừa vào đây “đi dù”, chưa làm được gì thì bị một  đứa khác đập vào đầu, rồi chúng lấy hết tiền và đông hồ, lại tháo cả cái nhẫn cưới đính hạt xoàn của tôi nữa !... Trời ơi!...
Tôi chạy đi kêu xích lô, nói chở tới bệnh viện, nhưng ông ta nói:
-    Đừng tới bệnh viện, vợ tôi mà biết thì nó cắt dái ! Cho tôi tới một phòng mạch tư nào đó!...
-    Phòng mạch tư thường chỉ làm việc tới tám giờ tối, làm gì có ai làm việc tới nửa đêm? – Tôi bực mình la lên.
-    Có đấy, cái gì cũng có! – ông xích lô hỏi tôi – cậu có tiền trả giùm ông ấy không, tôi chở đi?
“Cứu người như cứu hỏa”, tôi bảo ông xích lô khiêng ông kia lên xe, và như là một quán tính, tôi ngồi lên xe đi theo nạn nhân tới phòng mạch tư. Lòng vòng một lúc, chiếc xích lô đưa chúng tôi tới một con hẻm lớn và dừng lại trước một căn nhà hai lầu, có cái công sắt lớn, trên công là tấm biển  với những chữ lớn: “Bác sĩ BÁC SĨ – chuyên trị Nhi khoa, Phụ khoa”. Có vẻ như là  một bác sĩ và một y tá đang trực, họ giải quyết thành thục và mau lẹ. Khi băng bó xong xuôi thì từ trên lầu có một người đi xuống, có vẻ như là chủ nhà. Mà đúng là chủ nhà thật, và tôi trố mắt kinh ngạc khi nhận ra người đó chính là Thân !...

*
Suốt đêm hôm đó, tôi ngồi nhâm nhi với Thân tại phòng mạch và nghe Thân kể đủ chuyện về sự đời của Thân và của rất nhiều người khác. Lúc đó là năm 1987, tức chúng tôi chia tay nhau đã sáu năm. Sáu năm qua đó, Thân đã kinh qua khá nhiều  chức vụ quan trọng ở các tỉnh miền Nam, thấp nhất là phó giám đốc Sở, cao nhất là phó chủ tịch tỉnh. Trong thời điểm  có bước chuyển biến mới của đất nước mà sau này người ta thường gọi là thời kỳ  Mở  cửaCởi  trói, Thân chuyển về Sài Gòn và làm việc ở một cơ quan đặc biệt thuộc Trung ương. Căn nhà phòng mạch này là “Cơ sở hai” của Thân do bà “quý  phi”  tên Nụ cai quản. Khi nghe tôi hỏi tại sao phòng mạch có tên như vậy, Thân cười  cười rồi nói :
-  À, quên chưa nói với cậu chuyện này : tớ đã đổi tên là Bác Sĩ và đã lấy được thêm hai cái bằng đại học tại chức : một là Y dược và một là quản trị kinh doanh. Lấy bằng tại chức dễ ợt, không như bằng chính qui của cậu ! Cái phòng mạch của tớ người ta thường gọi  là  “Hai lần Bác Sĩ”, tiền vô như nước !
-  Chữa bệnh không phải chuyện đùa đâu, không khéo giết người như bỡn ! – Tôi ngập ngừng nói.

Thân lại cười, lần này cười to,  nghe rất sảng khoái :
-  Cậu lại lo bò trắng răng rồi ! Tớ đã thuê hai bác sĩ và hai y tá, thay nhau làm việc 24/24. Bà “Quý phi” của tớ cai quản phòng mạch rất giỏi, bà ấy vốn là cán bộ tổ chức của Sở  Y  tế mà ! Xem ra, ai đã kinh qua công tác tổ chức cán bộ thì chuyển sang làm kinh doanh đều rất hiệu quả !  Nhất lại là kinh doanh nhân mạng !...

Chắc là Thân còn nói nhiều về chuyện kinh doanh nữa nhưng  tôi như người mộng du và cái thuở thơ bé sống bên ông nội tôi  bỗng như trở về từng ngày, từng ngày…Tôi thấy nhớ ông nội da diết và bỗng có ý nghĩ : Tại sao tôi là cháu đích tôn của ông mà lại không nối nghiệp ông ? Đúng lúc đó thì Thân vỗ vai tôi nói nhỏ :
-  Hình như là cậu đang nghĩ về ông Đại Đạo phải không ? Nếu tôi đoán không nhầm thì cậu đang tự trách mình là tại sao lại không nối được cái nghề cao quý của cha ông, đúng không ?
Không đợi cho tôi trả lời, Thân đưa ra kế hoạch sẽ đầu tư cho tôi mở một phòng mạch Đông Y ở phía đối diện với phòng mạch “Hai lần Bác Sĩ”  của Thân. Nhà đối diện đó mang ơn  cứu mạng đối với Thân nên sẽ cho thuê nguyên tầng trệt với giá  rất hữu nghị, chi phí ban đầu (như đồ nghề, tiền thuê hai lương y…)  sẽ do Thân ứng cho hết !  Tôi còn biết nói gì hơn ngoài nghe theo !...

Tôi lấy tên hiệu phòng mạch Đông Y là  Đại Đạo và đi kiếm đủ loại sách báo nói về Đông Y, ngày thì quan sát hai lương y làm việc, đêm thì ngồi đọc sách . Tôi dự tính trong vòng  một năm sẽ nắm được những điều cơ bản, sau đó sẽ đi  tu  nghiệp về châm cứu ở chỗ giáo sư Nguyễn Tài Thu, chắc hẳn ông sẽ đồng  ý thu nhận tôi làm đệ tử vì ông vốn là bạn thân  của bố mẹ tôi từ hồi ở quân Y viện.

Thời gian trôi thật nhanh khi người ta muốn làm được nhiều việc. Khi giáo sư Tài Thu đồng ý nhận học trò, tôi ra Hà Nội. Nhưng chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày, chưa kịp học được gì thì nhận được tin Thân bị tai nạn giao thông :  Chiếc xe du lịch chở gia đình Thân đi từ Đà Lạt về đã lăn xuống vực, không ai chết nhưng đều bị thương nặng, riêng Thân, khi tỉnh lại thì đã trở thành người mất trí !

Khi tôi về đến phòng mạch  “Hai lần Bác Sĩ”  thì thấy Thân đang ngồi một mình trong phòng khách, ghế sa-lon Thân đang ngồi ngổn ngang cứt đái, nhưng trên bàn thì được viên tròn và xếp thành hàng lối. Thân không  biết có tôi tới, vẫn mải mê với việc vo viên những cục phân của mình, mồm thì luôn nói : “Thập hoàn đại bổ! Maị vô, mại vô!...”./.

TP.HCM, 2005-2009
Đỗ Ngọc Thạch

nguồn: vanchuongviet.org


Chuyện của Nàng







Yahoo! Nàng


Ngôi sao gốc Việt tung 'ảnh nóng'
Ngôi sao gốc Việt tung 'ảnh nóng'

Nguồn:  Zing News | Zing 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét