Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Mẹ Đốp; "Huyền thoại" Lý Toét - Đỗ Ngọc Thạch



 
 
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Mẹ Đốp; "Huyền thoại" Lý Toét
 

 

MẸ ĐỐP - Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

“Chiềng làng chiềng chạ / Thượng hạ Tây Đông / Con gái Phú Ông / Tên là Mầu Thị / Tư tình ngoại ý/ mãn nguyệt có thai / Già trẻ gái trai/ ra đình mà ăn khoán…” – Đó là lời rao của Mẹ Đốp về vụ Thị Mầu hoang thai bị làng phạt vạ trong vở Chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Song, hầu như ngày nào, dân làng xã Đoài Trung cũng được nghe những lời đó, từ Mẹ Đốp. Song, đây không phải là nhân vật Mẹ Đốp trong vở Chèo mà là Mẹ Đốp hiện đang sống ở Làng Đoài Trung. Tại sao lại có sự trùng hợp về tên gọi và tại sao Mẹ Đốp ngày nay lại cứ đọc lại cái câu trong lời đi rao khắp Làng của nhân vật Mẹ Đốp trong vở Chèo? Những người mới đến Làng Đoài Trung thường hỏi bà Tỏi, chủ quán nước ở đầu Làng như vậy và được bà giải thích khá cặn kẽ như sau: 
Mẹ Đốp là một cô gái xinh đẹp nhất nhì cái Làng Đoài Trung, tên thật là Đào, khi tuổi trẻ thích tham gia văn nghệ, đặc biệt là hát Chèo, nên đã được chọn vào đội Chèo của xã Đoài Trung. Đội Chèo của xã tuy không hoạt động chuyên nghiệp, tức chỉ khi có Hội diễn của Huyện, của Tỉnh hoặc ngày Lễ lớn, ngày Tết…đội mới tập họp mọi người lại, tập luyện dăm ba hôm rồi lên sân khấu. Tuy thế, lần nào có Hội diễn, Đội Chèo của Xã cũng đoạt huy chương không Vàng thì Bạc. Riêng cô Đào, là một trong những diễn viên xuất sắc của Đội Chèo, đặc biệt là khi cô sắm vai Mẹ Đốp. Một lần, cô Đào vào vai Mẹ Đốp thì “lọt mắt xanh” ông Lê Văn Xã, người sắm vai Xã Trưởng. Ông Lê Văn Xã hiện đang giữ chức Phó chủ tịch UBND Xã Đoài Trung, chuyên trách công tác văn hóa, thông tin, tuyên truyền, các vấn đề xã hội…gọi tắt là Phó Chủ tịch phụ trách Văn – Xã. Ông Lê Văn Xã đã có vợ con nhưng vẫn không chịu “yên bề gia thất” mà nổi tiếng trăng hoa, đa tình. Khi cô Đào đang vào vai Mẹ Đốp, ông Lê Văn Xã đang vào vai Xã Trưởng thì ông chợt phát hiện ra vẻ đẹp quyến rũ không thể cưỡng lại của Mẹ Đốp mà lâu nay mải vui thú đâu đâu, ông “có mắt mà như mù”! Thế là sau buổi diễn đó, ông Lê Văn Xã lập tức “gửi Mẹ Đốp nuôi giùm một đứa con”!... 

Song, Mẹ Đốp (tức cô Đào), là người mắn đẻ, lại gặp hôm “mát giời” nên không chỉ “đẻ giùm” ông Xã Trưởng (tức ông Lê Văn Xã) một đứa con mà tới những ba đứa con! Nếu cứ đúng như Lệ Làng thì cô Đào sẽ bị Làng phạt vạ, như trong chính vở Chèo mà cô đã diễn nhiều lần, hoặc có thể nặng hơn, nhưng ông Lê Văn Xã đang là Phó Chủ tịch UBND Xã, lại sắp lên thay chức Chủ tịch UBND Xã do Chủ tịch đương nhiệm được thăng chức lên Phó Chủ tịch UBND Huyện, do đó, chuyện to thu lại thành nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có! Tuy nhiên, Mẹ Đốp (tức cô Đào) là người “đau khổ” suốt đời : tuy không bị phạt vạ, nhưng ông Lê Văn Xã đã “nuốt lời”, không ly dị vợ để cưới cô như đã thề bồi rất tha thiết khi muốn “gửi con” nơi cô, nên cô phải sống trên “búa rìu dư luận” mà nuôi ba đứa “con hoang”! Việc cô Đào phải quần quật nuôi ba đứa “con hoang” khiến cho nhan sắc cô tàn phai, sức cô cạn kiệt… Và khi ba đứa con (đều là con trai) lên mười tuổi thì cô Đào trở nên người ngớ ngẩn, ngày nào cũng đi khắp Làng, vừa gõ cái mõ đã mòn bóng, vừa rao: Chiềng Làng chiềng chạ / Thượng Hạ, Tây Đông…
 
Sự đời, có những cái xảy ra ngoài sức tưởng tượng của con người và lúc đó, người ta không thể cắt nghĩa được, không thể giải thích được, nên đành gọi là chuyện lạ ! Cũng giống như trong Y học, có những căn bệnh mới xuất hiện mà những thứ thuốc hiện có không có tác dụng, thầy thuốc không biết tại sao lại như thế, đành bó tay và gọi đó là bệnh lạ ! Mẹ Đốp (tức cô Đào) sau hai tháng khùng khùng, điên điên, thỉnh thoảng lại đi khắp Làng gõ mõ hát rao “Chiềng Làng chiềng chạ / Thượng hạ Tây Đông…”, bỗng trở nên thay đổi khiến dân Làng ngỡ ngàng: Tiếng rao của Mẹ Đốp như là những chuỗi âm thanh huyền hoặc, kỳ ảo và có sức mê hoặc hồn người đến không thể cưỡng nổi! Khi nghe tiếng rao của Mẹ Đốp, người nghe đứng ngây ra, bất động và như hóa đá! Chính vì những người nghe đã bị mê hoặc đi như thế nên hầu như không có ai nhận ra rằng: Mẹ Đốp (tức cô Đào) đã không còn cái thân hình tiều tụy như lúc mới điên khùng nữa mà như vừa lột xác để trở lại như cô Đào của mười năm trước!... 

Khi ba đứa con sinh ba của Cô Đào là nhận ra sự biến đổi kỳ lạ đó ở người mẹ của chúng, chúng bèn hỏi mẹ: “Mẹ ơi, cha của chúng con đâu?”. Người Mẹ nói: “Cha của các con là anh Mõ!”. Ba đứa trẻ không hiểu “Anh Mõ” nghĩa là gì, bèn đi hỏi bà Tỏi, chủ quán nước ở đầu Làng. Bà Tỏi nói: “Anh Mõ là chồng Mẹ Đốp, đúng là như vậy, nhưng đó là trong vở Chèo. Còn ở Làng ta, từ rất lâu đã bỏ cái chức danh Mõ rồi! Biết tìm anh Mõ ở đâu bây giờ?”. Ba đứa trẻ thấy Bà Tỏi mà không biết thì có lẽ chẳng ai biết cả, bèn thôi không đi hỏi nữa. Vả lại từ lúc chúng sinh ra đời, chúng có thấy người cha bao giờ đâu?

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Ba đứa trẻ không đi tìm Anh Mõ, tức cha của chúng nữa nhưng một thời gian sau thì có người tự xưng là Anh Mõ đến gặp ba đứa trẻ và nói: “Ta chính là Anh Mõ, là cha của các con đây!” Ba đứa trẻ hỏi: “Ông nói ông là Anh Mõ, vậy lấy gì làm bằng chứng?”. Người kia liền lấy trong cái túi vải đeo lủng lẳng dưới nách ra một cái mõ bằng gỗ đã nhẵn bóng mà rằng: “Các con hãy coi đây! Đây chính là cái mõ ta vẫn dùng hàng ngày khi còn làm công việc của anh Mõ!”. Một đứa trẻ nói: “Vậy ông hãy vừa gõ mõ vừa đọc câu rao như mẹ tôi xem sao?”. Người kia liền gõ mõ “Cốc, cốc…” và đọc:
Chiềng làng chiềng chạ / Thượng hạ Tây Đông / Con gái Phú Ông / Tên là Mầu Thị / Tư tình ngoại ý/ mãn nguyệt có thai / Già trẻ gái trai/ ra đình mà ăn khoán!...
Ba đứa trẻ thấy người này đọc và gõ mõ đúng như mẹ nó vẫn làm thì có vẻ như muốn tin đó là Anh Mõ thật, liền cử một đứa đi tìm mẹ. Cô Đào, tức Mẹ Đốp, tức mẹ của ba đứa trẻ, lúc này đang nấu cơm ở nhà, nghe con nói như thế thì bảo: “Có vẻ như đúng đấy. Bố con lúc nhỏ là con của một thằng Mõ. Khi lớn lên thì Làng không còn cái chức danh Mõ nữa mà gọi là văn hóa-thông tin. Nhờ làm văn hóa – thông tin xã mà đã tán tỉnh được mẹ, khiến mẹ xiêu lòng. Nhưng ông ta nuốt lời, không cưới mẹ, để mẹ phải chịu cảnh chửa hoang, may mà không bị phạt vạ như nhân vật Thị Mầu. Nghe nói ông ta đã leo lên cái chức Trưởng phòng văn hóa-thông tin Huyện, rồi lên nữa tới Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin. Sao bây giờ lại tự nhận là Anh Mõ? Lại có chức danh Anh Mõ sao? Thế còn cái Sở Văn hóa-Thông tin thì sao?”. Đứa con sốt ruột, hỏi: “Vậy bây giờ chúng ta phải làm sao? Có cho ông ta vào nhà gặp mẹ không?”. Người mẹ liền nói: “Thôi được, cho ông ta vào, nhưng phải kiểm tra cái dấu hiệu này đã. Nếu đúng là ông ta, cái ông Xã trưởng đĩ tính ấy thì ở trên cái “thằng bé” rất dài của ông ta có tới hai cái nốt ruồi son! Có lẽ chính vì thế mà ông ta nổi tiếng “sát gái”!”.
Đứa con nghe nói vậy thì chạy ra ngoài cổng, nơi hai người anh em của nó và người kia đang đứng đợi. Nó nói với hai đứa anh em của nó phải kiểm tra như thế, như thế!...Sau khi hai đứa anh em của nó “kiểm tra” xong thì nói: “Không phải hai nốt ruồi mà có tới ba cái!”. Nghe hai người anh em nói vậy, đứa con lại chạy vào nói với người mẹ như thế, như thế! Người mẹ nghe nói vậy thì giật mình nghĩ bụng: “Mới có hai cái nốt ruồi mà đã “sát gái” như thế thì nay có tới ba cái tất sẽ rất kinh hoàng, ta làm sao mà chịu nổi? Nhưng nếu không cho ông ta nhận con thì ba đứa trẻ tội nghiệp kia sẽ suốt đời không cha hay sao?”. Người mẹ liền hỏi đứa con: “Mẹ hỏi câu này, con cứ nói thật. Con có thích cho cái ông kia nhận làm bố hay không?”. Đứa con nói ngay: “Mẹ thích thì con cũng thích, mẹ không thích thì sao con lại dám trái ý mẹ, con cũng không thích!”. Người mẹ cười quặn bụng hồi lâu rồi mới nói: “Mẹ có ý này, ra nói với hai anh em của con nữa, cùng thuận theo ý mẹ thì ta quyết ngay: Nếu ông ta đồng ý làm “Thái giám” thì sẽ cho làm bố, làm chồng, nếu không thì …“Tiễn khách”! Nhớ là không để ông ta cò cưa, năn nỉ nữa!”. Đứa con lại chạy ra nói với hai người anh em ý muốn của mẹ. Cả ba anh em đều tán đồng theo ý mẹ ngay mà không tranh cãi gì. Khi ba anh em nói với người đàn ông kia như thế, như thế thì ông ta nói ngay: “Dù bất cứ điều kiện như thế nào, tôi cũng đồng ý!”. Ba anh em liền dẫn người đàn ông kia vào nhà gặp mẹ. Khi hai người gặp lại nhau, người mẹ nói: “Nói là nói vậy, nhưng tôi vẫn chừa cho ông một con đường để mà hối cải! Cái án “hoạn quan” cứ treo đó, nếu như ông thật lòng thành tâm hối cải thì có thể cho qua!”. Người kia nghe nói vậy thì lạy tạ ơn rối rít và hứa sẽ hết lòng với bốn mẹ con. Người mẹ lại nói: “Danh có chính thì ngôn mới thuận. Dù thế nào, ông cũng phải làm cái lễ cưới hỏi đàng hoàng chứ không thể khơi khơi đến nhà người ta rồi ngồi chễm chệ trên ghế ông chồng, ông bố được!”. Người kia nói: “Tôi đã bị cái án kỷ luật mất sạch chức tước, tài sản cũng bị bà vợ già lấy hết, không cho một đồng chinh cắc bạc thì làm sao…”. Người mẹ nói ngay: “Ông không phải lo chuyện tiền bạc mà chỉ lo làm tốt các thủ tục, nghi thức cho vẹn toàn! Coi như tôi cho ông thiếu nợ!...”.
 
Ở những người tốt, có lòng vị tha thì dễ mủi lòng mà tha thứ, cho dù tội lỗi kia có trầm trọng tới đâu. Chính vì biết cô Đào, tức Mẹ Đốp là con người dễ mềm lòng nên ông Văn Xã, tức Xã Trưởng đã triệt để khai thác “điểm yếu” đó của cô Đào và được cô Đào tổ chức đám cưới đàng hoàng, thậm chí rất dềnh dang vì cả Làng ai cũng mến cô Đào, đến dự đám cưới cô và ông Văn Xã rất đông, có thể nói là vui như Hội. Mọi người còn yêu cầu cô dâu tức cô Đào và chú rể tức ông Văn Xã diễn lại trích đoạn Chèo “Mẹ Đốp, Xã Trưởng”, khiến cho cả Làng lại được một phen cười nghiêng ngả…

Thực ra, ông Văn Xã bị án kỷ luật mà mất chức tước ở Sở Văn hóa-Thông tin, trở về xã làm nhiệm vụ “Thằng Mõ”, tức chuyên trách nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Nhà nước, là rất “đúng người, đúng việc” bởi ông Văn Xã không chỉ có tài diễn vai Chèo Xã Trưởng trong lớp Chèo “Mẹ Đốp, Xã Trưởng”, mà ông còn có tài làm ca dao, hò vè, thơ Bút Tre…khiến cho ai đọc “thơ ca” của ông cũng cười nôn ruột! Nói cho công bằng thì cái Tài của ông Văn Xã ở đây là tài nhại, tài bắt chước ca dao, hò vè dân gian, thơ Bút Tre…Song, làm được như thế cũng không phải dễ dàng gì, ai không tin thì cứ thử mà xem, sẽ tắc tị ngay mà thôi!... 

Sau đám cưới, ông Văn Xã có vẻ như “tu chí làm ăn”, một lòng với vợ con, nên Ông Trời thương tình cho cô Đào đẻ được ba đứa con nữa, cũng lại sinh ba! Giờ thì cô Đào không phải một mình nuôi con hoang nữa mà ông Văn Xã đã thể hiện là một người cha tốt! Đi đâu, gặp ai, ông Văn Xã cũng nói: “Làm một người cha tốt quả là không hề dễ dàng, song làm được một người cha tốt thì thật là hạnh phúc, thật mãn nguyện!”

Bây giờ, ai đến Làng Đoài Trung, vào ngày thường, sẽ được tận mắt mục kích “Thằng Mõ” hành nghề thực sự, đâu ra đó, chứ không chỉ là “chuyện ngày xưa”. Nhiệm vụ “Thằng Mõ” này thường là do ông Văn Xã thực hiện, thi thoảng ông Văn Xã đau yếu, bệnh tật thì do Mẹ Đốp, tức cô Đào, thực hiện. Còn nếu đến Làng Đoài Trung vào những dịp có Lễ Hội, sẽ được xem diễn trích đoạn Chèo “Mẹ Đốp, Xã Trưởng” do cô Đào và ông Văn Xã trình diễn. Trình độ nghệ thuật của hai nghệ sĩ dân gian này đã đạt tới mức không thể bình luận mà chỉ có một cách là bị cuốn hút vào “Mê Hồn Trận Cười” để rồi vỗ tay tới mỏi tay thì thôi!...
 
Một lần, cô Đào đang “thay chồng làm việc quan” như trong vai trò “Mẹ Đốp”, thì thấy hai đứa học trò, áng chừng lớp mười một, mười hai rồi, cứ lẽ đẽo “bám đuôi”. Cô Đào nghĩ, chẳng lẽ lại có kiểu “người hâm mộ” như thế sao? Cô Đào bèn quay lại, tóm hai “cái đuôi” hỏi cho ra nhẽ! Thì ra đó là hai học sinh lớp 12 của Trường Huyện, sẽ vào vai Mẹ Đốp và Xã Trưởng trong trích đoạn Chèo này, muốn đến gặp đích danh “Mẹ Đốp” để nhờ làm “Đạo diễn”, vì đợt Hội diễn Văn nghệ sắp tới sẽ có tất cả các trường Trung học Phổ thông của Tỉnh tham gia, và nghe nói đã có tới gần chục trường chọn trích đoạn “Mẹ Đốp, Xã Trưởng” làm bài thi! Cô Đào nghe nói xong thì ôm chầm lấy hai đứa học trò khiến hai đứa như ngạt thở!...Khi đã bình tâm trở lại, cô Đào nói: “Đó là ta đã truyền công lực cho hai em rồi đó! Giờ thì theo ta đi tuyên truyền phòng chống dịch cúm H5N1! Nếu như bà con ai cũng hiểu được bệnh cúm H5N1 là gì và phòng chống như thế nào thì coi như hai em đã thành công!”. Hai đứa học trò liền Bái sư và cùng với cô Đào, tức “Mẹ Đốp” đi khắp Làng!...

Kết quả đợt Hội diễn văn nghệ là hai đệ tử của cô Đào đã đoạt Huy chương Vàng. Lúc hai đệ tử nhận giải thưởng, cô Đào tới chúc mừng và nói: “Hãy nhớ là chỉ làm Mẹ Đốp trên sân khấu thôi nghe! Không được lẫn lộn giữa sân khấu và cuộc đời!”. Nhưng cả hai đệ tử lúc đó đâu có nghe rõ những lời dặn dò, cho nên chỉ sau nửa năm, đệ tử gái vào vai Mẹ Đốp đến gặp Sư phụ với những giọt nước mắt lã chã: “Sư phụ!...Thằng Xã Trưởng nó gửi con cái Thai này rồi biến đâu mất rồi!”. Cô Đào biết nói sao với đệ tử bây giờ bởi cô đang là cô gái của hai mươi năm trước!...
Sài Gòn, tháng 1-2010
 Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: Newvietart.com
Top 10 kiều nữ nóng bỏng nhất thế giới
 

“HUYỀN THOẠI” LÝ TOÉT - Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH

Làng Tứ Thủy là một Làng cổ của xã Thanh Thủy, một vùng đồng chua nước mặn. Một năm cấy hai vụ thì “Chiêm chua, Mùa thối”. Đó là bài hát buồn muôn thuở về cảnh vật Làng quê. Còn về con người, đi khắp Làng, nhìn ai cũng thấy che cái khăn sùm sụp trên mặt vì bệnh đau mắt. Bệnh đau mắt cũng có ở mọi nơi, nhưng thỉnh thoảng mới có, gọi là dịch; chẳng hạn như Dịch đau mắt đỏ! Nhưng ở Làng Tứ Thủy, bệnh đau mắt diễn ra thường xuyên, quanh năm suốt tháng với rất nhiều “thể loại” như đau mắt đỏ, đau mắt hột, mắt lông quặm, viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, v.v… nên đã tàn phá đôi mắt của con người Làng Tứ Thủy thành mắt toét, vì thế, Làng Tứ Thủy còn có tên gọi là Làng Mắt Toét! Con gái Làng Mắt toét có câu ca để “Thanh minh” cho sự Toét mắt của mình như sau: Toét mắt là tại hướng đình / Cả Làng mắt toét chứ mình em đâu! Mấy ông Thầy Địa Lý thì bảo “Toét mắt” không phải tại “Hướng Đình” mà tại “Long mạch”, tức nguồn nước. Thực ra, nguồn nước chỉ là phương tiện truyền bệnh, tức khi bệnh phát tán thì hệ thống ao hồ dày đặc và rất dơ bẩn giúp cho bệnh lây lan rộng khắp cả Làng!

Người Làng Mắt Toét cho dù có đi đâu, có được cái may mắn chữa khỏi bệnh Mắt Toét thì cũng không thể xóa hết “dấu vết” của “Một thời Toét Mắt”, tức nhìn kỹ vào mắt của người Làng Mắt Toét, ta vẫn có thể nhận ra những “vết sẹo nhỏ” do con mắt đã bị tổn thương!
Ở Việt Nam, dưới thời Phong kiến và Pháp thuộc, Lý Trưởng là Cường hào cai trị một xã. Lý Trưởng là chức quan cai trị nhỏ nhất trong hệ thống cai trị của giai cấp thống trị, không phải trải qua các kỳ thi cử như Quan Huyện, Quan Phủ trở lên. Là chức quan nhỏ nhất nên việc bổ nhiệm chức danh Lý Trưởng là do các Quan Thượng cấp quyết định (Quan Phủ hoặc Quan Huyện) và thường rất tùy tiện và có thể là “món hàng” kẻ bán người mua. Chuyện “mua Quan bán Tước” chủ yếu là diễn ra ở chức quan này, rất công khai. Đương nhiên các chức quan cấp Huyện, Phủ cũng có thể mua bán nhưng phải giao dịch qua “Chợ Đen” bởi việc bổ nhiệm được “Công khai” là phải lấy những người đã đỗ đạt.

Lý Trưởng xã Thanh Thủy có tên là Nhãn, là người Làng Tứ Thủy, tức “Làng Mắt Toét”. Phàm đã là người Làng Tứ Thủy thì phải trải qua “Toét Mắt”, cũng như đã là người ở các huyện Miền Núi như Đại Từ, Võ Nhai (Thái Nguyên) thì dứt khoát phải kinh qua bệnh Sốt Rét! Có điều lạ là bệnh Mắt Toét cũng có “đẳng cấp”, tức người càng có quyền hành, chức tước lớn càng có “cường độ Toét” cao hơn! Cứ như là độ nặng, nhẹ của Mắt Toét là đẳng cấp của phẩm hàm, huân huy chương! Chính vì thế, người dân ở “Làng Mắt Toét” không chủ động, tích cực chữa trị khi bị “Mắt Toét” mà ngược lại, thấy ai gọi thầy thuốc về nhà họ còn đuổi đi và nói: “Thần Trùng đã nhập vào rồi thì để yên cho Ngài ngự, chọc giận Ngài là Ngài cho nổ con ngươi ra đó!”. Và hầu như ai cũng nghĩ là khi nào khỏi thì tự nhiên nó khỏi! (Suy nghĩ này cũng đúng một phần, song chỉ ở những thể nhẹ và sức đề kháng của cơ thể có mắt nhiễm bệnh phải thật mạnh…).

Khi Lý Trưởng còn là học trò, cậu được cho về Hà Nội trọ học và có lúc đã mơ ước trở thành thầy thuốc, nên cậu đã tìm đọc khá kỹ những tài liệu của các thầy thuốc người Pháp về cái bệnh “truyền đời” của Làng là bệnh Mắt Toét. Cậu có thể nói vanh vách cho dân Làng Tứ Thủy về bệnh “Mắt Toét” là do Đau Mắt Đỏ và Mắt Hột. Khi mới tìm hiểu về bệnh “Mắt Toét” của Làng mình, cậu học trò Nhãn suy nghĩ mãi hai điều: 1/ Tại sao Làng mình lại có bệnh “Mắt Toét” lưu truyền dai dẳng như thế? 2/ Phải tìm cách chữa trị tận gốc, tiệt nọc cái bệnh “Mắt Toét” cho Làng Tứ Thủy. Việc làm đầu tiên mà cậu học trò Nhãn làm là biên soạn, viết lại rõ ràng “Những điều cần biết” về bệnh Mắt Toét rồi đem về Hà Nội thuê in thành những tờ giấy gập đôi lại thành như bốn trang giấy của cuốn vở học trò. Thường là sau những buổi thuyết trình về bệnh “Mắt Toét” ở bất cứ một tốp người, đám người nào do cậu Nhãn chủ động tụ tập hoặc nhân một buổi ngẫu nhiên gặp đám đông, cậu Nhãn đều phát cho mỗi người một tờ giấy có in “Những điều cần biết về bệnh Mắt Toét”! Vì thế, chỉ sau nửa năm, hầu như nhà nào ở Làng Tứ Thủy cũng có “Tờ rời” về bệnh Mắt Toét! Nội dung “Tờ rời” ấy như sau:
“Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh Viêm kết mạc, là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở mọi thời gian trong năm. Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virut. Triệu chứng ban đầu của bệnh chỉ là ho, sốt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ... Bệnh đau mắt đỏ được lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân (khăn mặt), nguồn nước. Bệnh đau mắt đỏ nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu chữa trị không dứt điểm sẽ bị viêm, loét giác mạc. Để phòng ngừa bệnh cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. 
Mắt hột là Viêm Kết mạc-giác mạc mãn tính, đặc điểm là hình thành những hột và những tổn thương sẹo ở mắt. Mắt hột rất dễ phát triển và lây lan, là một trong những bệnh gây mù lòa và mù hẳn nhiều nhất. Bệnh thường xảy ra nhiều ở vùng nông thôn do điều kiện vệ sinh kém. Và một trong những biểu hiện biến chứng của mắt hột ta thường thấy và gọi nôm na là bị "Mắt Toét": Trụi lông mi, mắt ướt, bờ mi sưng mọng đỏ.

Bệnh mắt hột biểu hiện rất đa dạng, đa hình, có những trường hợp nhẹ nhàng không cần điều trị cũng tự khỏi, nhưng đôi khi rất nặng nề và nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa. Thông thường có hai thể: thể nhẹ và thể nặng.
- Thể nhẹ: (còn gọi là mắt hột đơn thuần) tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp biểu mô kết mạc và dừng lại ở đó. Bệnh nhân chỉ ngứa mắt, xốn mắt, mỏi mắt, đôi khi hay chảy nước mắt. Thể này không để lại di chứng và không gây mù. Bệnh có thể tự khỏi nếu không bị tái nhiễm.
- Thể nặng: xâm nhập xuống cả những lớp sâu bên dưới của mắt. Biểu hiện bệnh trầm trọng, nặng nề và kéo dài, không thể tự khỏi nếu không được chữa trị tốt. Có thể gây nhiều biến chứng, và có thể dẫn đến mù lòa. Thông thường mắt hột có thể gây ra các biến chứng sau đây:
- Viêm kết mạc mãn tính: làm cho mắt đỏ, lèm nhèm quanh năm. 
- Sạn vôi kết mạc: Do các ổ loét trên kết mạc đọng vôi vào chất tiết bã hình thành, nhìn giống như hạt cát có màu trắng đục, lúc đầu nằm ở sâu về sau trồi dần lên. Khi chớp mắt các sạn vôi này cọ sát làm cộm mắt rất khó chịu.
- Lông quặm, lông siêu (hình lông quặm): là tình trạng lông mi bị xiêu vẹo, biến dạng, quặp vào như bàn chải chà vào giác mạc gây tổn thương, trầy sướt giác mạc gây sẹo lồi trên giác mạc, làm mờ đục giác mạc, loét giác mạc, nguy hiểm hơn nếu kết hợp với tình trạng nhiễm trùng sẽ gây viêm mủ nhãn cầu phải khoét bỏ mắt hoặc làm teo mắt và gây mù. Có ba mức độ quặm là: Lông mi dọa chạm vào giác mạc, Lông mi đã chạm vào giác mạc và Lông mi chạm nhiều vào giác mạc, quét trên bề mặt giác mạc.
-Viêm sụn mi: là tình trạng dày lên, xơ hóa, làm biến dạng sụn mi.
-Loét giác mạc: bệnh nhân có tình trạng đau mắt, nhức mắt, sợ ánh sáng… bệnh nặng sẽ làm biến dạng giác mạc gây loạn thị, đục giác mạc và dẫn đến mù lòa.
- Bội nhiễm: Khi bị bệnh mắt hột, mắt của bệnh nhân sẽ sưng, giác mạc bị tổn thương, giảm khả năng chống chọi với những thâm nhập từ bên ngoài, dễ bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi và cả nhiễm vi nấm, những tác nhân này sẽ dẫn đến viêm giác mạc, loét giác mạc, nặng có thể gây mù lòa.
- U hột của bệnh mắt hột: u hột ở vùng rìa lan vào đồng tử và có khi có cả trên toàn bộ giác mạc.
- Loạn thị: do sạn vôi và các sẹo mắt hột cọ sát lâu ngày trên giác mạc làm giác mạc gồ ghề, lởm chởm, sai lệch đường đi của ánh sáng vào mắt gây loạn thị, giảm thị lực.
- Khô mắt, khô giác mạc: do các ống tuyến bị teo, giảm tiết dịch. Mắt trắng khô như mắt tượng, mờ hẳn. Khô mắt có thể dẫn tới tình trạng loét giác mạc, thủng giác mạc và gây mù mắt.
-Viêm tuyến lệ, tắc ống dẫn lệ: làm mờ mắt, chảy nước mắt sống”.
Kèm theo nội dung trên là hình vẽ các dạng “Mắt Toét”, ai xem lần đầu cũng đều kinh hãi!...
Còn các Già Làng, người thì phải thừa nhận: “Gần sáu, bảy chục năm nhìn thấy Mắt Toét, sống chung với Mắt Toét, đã từng trải qua Mắt Toét, vậy mà khi đọc “Tờ rời” của cậu Nhãn thì cứ như là lần đầu tiên biết về Mắt Toét!”; người thì nói: “Mình bị Toét Mắt mấy chục nãm mà ðọc “Tờ rời” của cậu Nhãn cứ như lạ như quen!:,v.v…
Cậu Nhãn Tuy nổi tiếng là người chăm học, hiểu biết nhiều, đặc biệt là về bệnh “Mắt Toét” nhưng bao nhiêu những lần thi cử mà cậu tham dự đều không đậu. Người ta chỉ có thể giải thích lý do thi trượt hoài của cậu Nhãn bằng câu “Học tài, thi phận”. Và cứ như một sự sắp đặt, cậu Nhãn thôi không lao theo chuyện Lều chõng thi cử nữa mà miệt mài nghiên cứu chữa bệnh Mắt Toét cho người Làng Tứ Thủy. Và cũng chỉ sau một năm, kể từ ngày cậu Nhãn đi “Thuyết giảng” cho dân Làng Tứ Thủy rồi phát “Tờ rời” về bệnh Mắt Toét, cậu đã trở thành một “Danh y” chuyên trị bệnh Mắt Toét! Song có điều rất đặc biệt là những bệnh nhân của cậu Nhãn là người ở các Làng lân cận trong vùng thì khỏi bệnh nhanh và không tái nhiễm bệnh, còn là người Làng Tứ Thủy thì phần lớn là “Tái nhiễm bệnh”! Điều này khiến cho cậu Nhãn không thể bỏ qua câu nói lưu truyền “Toét Mắt là tại hướng đình” và cậu bắt đầu hướng sự chú ý của mình vào vị trí cũng như “Hướng Đình” và “Địa thế” của Làng Tứ Thủy…

Cậu Nhãn cũng được nghe một số người giải thích đình làng là phải quay về hướng Nam nhưng thực tế lại không phải như vậy. Có rất nhiều những ngôi đình không quay về hướng Nam mà nó chỉ quay về hướng có con sông, tức theo thuyết phong thủy thì trước mặt của kiến trúc Đình là trường lưu thủy và phải chọn thế đất để cất đình là bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ, phía sau là Hắc Quy, trước có án (Châu Tước). 

Như vậy là khi xây cất đình làng, vấn đề không phải là hướng mà là thế đất có hợp phong thủy không, có hội đủ các yếu tố về phong thủy không…

Khi chuyên tâm vào tìm hiểu chuyện Địa thế của Làng Tứ Thủy, cậu Nhãn bỗng phát hiện ra rằng Làng Tứ Thủy có thế “Ngọa Hổ tàng Long”, vì thế có chuyện “Mắt Toét” thì cũng chẳng sao, bởi sự đời đâu có “vẹn cả đôi đường” mà được bề này thì mất bề kia, đó là “Luật bù trừ” của Tạo Hóa vậy!
Chính khi cậu Nhãn không chuyên vào việc chữa bệnh Mắt Toét nữa thì lại có hai con bệnh vào “loại sộp” tới xin chữa: đó là Quan Tri Huyện đương nhiệm và Quan Huyện Phu nhân!
Phải nói qua về cách chữa bệnh Mắt Toét của cậu Nhãn. Mặc dù cậu Nhãn tìm hiểu về bệnh “Mắt Toét” qua những tài liệu của người Pháp, thời đó còn rất hiếm hoi, nhưng cậu lại không chữa bệnh theo cách “Tây Y” (sẽ rất tốn kém) mà chữa bệnh Mắt Toét theo cách riêng của mình, tức do cậu tự nghĩ ra! Chẳng hạn một cách chữa như sau: cho một con chó (đã được huấn luyện rất kỹ) liếm sạch hai con mắt toét cho khô rồi lấy nước Long Nhãn (ép ra từ cùi quả Nhãn Lồng) nhỏ vào hai con mắt hai lần, cách nhau một khắc (mười lăm phút), sau đó tĩnh dưỡng một ngày, là xong. Rất nhiều người khỏi nhờ cách chữa này, nếu không hợp với cách này thì chuyển sang cách khác! Nói chung, đối với người bệnh nào thì dùng cách nào là hoàn toàn do sự mách bảo của “cảm giác” chứ không hề có một công thức (đơn thuốc) cứng nhắc có sẵn!... Nếu có ai tò mò hỏi tại sao cậu lại nghĩ ra những cách chữa bệnh “không giống ai” như thế thì cậu thì thầm: “Đó là do Đại Tiên Thần Y Thái Thượng Lão Quân mách bảo, chứ ta làm sao nghĩ ra nổi!”…

Lại nói về Quan Huyện đương nhiệm. Quan Huyện là người Làng Tứ Thủy đã hai đời. Tuổi trẻ của Quan Huyện được theo cha sang Pháp công cán gần hai năm và khi về nước đã đem theo một bà vợ người Pháp. Bà vợ người Pháp này chẳng phải danh gia vọng tộc gì và về hình thức thì không đẹp, nhưng khi về xứ An Nam thì lại có giá cao hơn ở chính Quốc rất nhiều và cũng vì thế mà chồng bà được nhận chức Quan Tri Huyện rất thuận lợi. Quan Huyện rất ít khi về Làng mà không hiểu sao, lần nào về Làng thì lập tức bị …nhiễm bệnh Mắt Toét. Lần ấy, cả Quan Huyện và bà vợ Đầm Tây cùng về Làng ăn giỗ và cùng bị đau mắt rất nặng! Chợt nhớ đến lời đồn về tài chữa bệnh Mắt Toét của cậu Nhãn, liền cho người đến nói: “Nếu cậu chữa khỏi bệnh cho Quan Huyện và Bà Huyện người Tây thì sẽ được nhậm chức Lý Trưởng!”. Lúc đầu, cậu Nhãn cũng không thích thú chuyện làm Lý Trưởng và cũng ngại chữa bệnh cho quan lại, sợ không khỏi thì lôi thôi! Nhưng người “sư gia” của Quan Huyện rất giỏi thuyết phục nên cậu đã nhận lời và không ngờ chỉ ba ngày sau, cả Quan Huyện và Bà Huyện đều khỏi, đôi mắt Quan Huyện lại sáng lấp lánh và đôi mắt Bà Huyện lại sáng long lanh! Đương nhiên, sau đó cậu Nhãn nhận chức Lý trưởng ngay vì Lý Trưởng cũ đã quá già yếu! Từ đây, người Làng không gọi là Cậu Nhãn nữa mà gọi là Lý Nhãn. Được hai tháng thì Lý Nhãn nhiễm bệnh đau mắt rất nặng, chữa bằng mọi cách đều không khỏi, vì thế dân Làng gọi là Lý Nhãn Toét, tức Lý Mắt Toét, gọi tắt là Lý Toét!...
Lý Nhãn cứ suy nghĩ mãi không hiểu tại sao từ ngày nhận cái chức quan Lý Trưởng bé như hạt vừng này mà lại bị toét mắt, bèn đi hỏi mấy thầy Tướng số, Tử vi. Không hẹn mà gặp, thầy nào cũng nói như nhau: Không có nhỏ sao có lớn, cứ chịu khó tích tiểu thành đại, thế nào cũng có ngày làm chức quan to như cái Đình! Nghe thì không sai nhưng tin thì khó tin. Đang băn khoăn thì có người mách nước: Quan Tỉnh có người vợ yêu cực kỳ xinh đẹp, mà chủ ở đôi mắt, vừa long lanh như giọt sương mai, vừa sắc như dao cau! Người vợ đó của Quan Tỉnh đã ba năm liền giữ ngôi Hoa khôi mắt đẹp! Nay ta bí mật đem “Trùng Toét Mắt” tới thả vào khăn lau mặt của vợ Quan Tỉnh, tất nhiễm bệnh Mắt Toét! Đến lúc ấy… Lý Nhãn cho là diệu kế liền nghe theo. Quả nhiên, khi Quan Tỉnh bỗng thấy mắt người vợ yêu của mình đỏ như mắt cá chầy thì hoảng sợ vô cùng! Có người nói nên kêu Lý Nhãn tới chữa, liền cho người tới gọi ngay! Lý Nhãn khấp khởi mừng thầm, nghĩ bụng: Lần này ta phải chủ động ra yêu sách đòi chức Quan Huyện nếu chữa khỏi mắt cho Quan Tỉnh phu nhân! Lý Nhãn dắt theo con chó chuyên “làm sạch mắt” đi ngay!

Khi Lý Nhãn tới nơi thì bệnh của vợ Quan Tỉnh đã rất nặng. Quan Tỉnh thấy Lý Nhãn thì mừng quýnh, nói: “Đôi mắt của Bà Lớn nhà ta là nơi ánh sáng của Nhật Nguyệt hội tụ, mặt hồ thu cũng không sánh được! Vậy mà …Vì thế, nếu nhà ngươi chữa khỏi, xin xỏ điều gì ta cũng cho toại nguyện!”. Lý Nhãn liền “hành nghề” ngay, sau khi đã nhận được lời hứa là sẽ cho nhậm chức Quan Tri Huyện nếu lấy lại được vẻ đẹp như trước của đôi mắt của người vợ yêu của Quan Tỉnh. Trong nghề Y, tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra với bất cứ ai, cho dù là Danh Y. Và lần này thì xảy ra với Lý Nhãn: Khi Lý Nhãn cho con chó “làm sạch mắt” người bệnh thì con chó đã nuốt luôn cả hai con ngươi của Hoa Khôi Mắt đẹp!...

Sau “sự kiện” đó, nhờ có tiền lo lót Quan Tòa, Lý Nhãn chỉ bị kết án ngồi tù năm năm. Những tưởng là sẽ chết rũ trong tù, nhưng Lý Nhãn lại gặp may: Ở trong tù, có rất nhiều tù nhân bị toét mắt, cả mấy lính canh và Cai Ngục cũng không thoát khỏi mắt toét. Và Lý Nhãn đã chữa khỏi mắt toét cho Cai Ngục và mấy người lính canh không khó khăn gì! Chính vì thế, chỉ sau một năm là “Thượng khách” ở trong tù, Lý Nhãn được ra tù!

Ra tù, Lý Nhãn đã mất chức Lý trưởng, đương nhiên. Lý Nhãn đang bơ vơ không biết làm gì thì có một người cùng Làng, là bạn học từ thời để chỏm, đang hành nghề chữa bệnh Mắt ở Phố Huyện, tìm gặp và nói: “Tôi nghe nói về cái vụ con chó của ông nuốt gọn hai con ngươi đôi mắt của người vợ yêu Quan Tỉnh rồi! Nay tôi muốn ông làm chính cái việc “nuốt con ngươi” đó cho Phòng Mạch của tôi ở Phố Huyện!”. Lý Nhãn ngớ người, hỏi: “Thế là thế nào? Ông lại muốn tôi đi tù nữa hay sao?”. Người bạn cười nói: “Không phải con ngươi nào cũng nuốt mà chỉ nuốt những con ngươi đã bị hỏng, thay vì phải múc bỏ đi, gây đau đớn cho người bệnh thì cho con chó của ông nó nuốt chửng! Người bệnh sẽ không đau đớn mà chỉ có cảm giác “Nhột” một cái mà thôi! Như thế mà ông chưa hiểu sao?”. Lý Nhãn nghe vậy thì cười chảy nước mắt, hồi lâu mới nói được: “Cách chữa bệnh của ông thật là quái chiêu, tôi xin theo phò giúp!”. Thế là từ đó, Lý Nhãn chuyên lo việc điều khiển con chó của mình làm cái việc “Nuốt con ngươi”. Một thời gian sau, con chó chết, Lý Nhãn miễn cưỡng phải làm thay. Lúc đầu còn dụt dè, chỉ nửa tháng sau thành quen rồi…nghiện, tức ngày nào không có con ngươi hỏng để mà… nuốt thì Lý Nhãn coi như chưa ăn uống gì!...
…Khi hệ thống chính quyền mới được thiết lập, cái chức Lý Trưởng không còn nữa. Nhưng không vì thế mà người ta đã quên ngay Lý Trưởng Lý Nhãn, tức Lý Nhãn Toét, tức Lý Mắt Toét, tức Lý Toét! Song khi muốn hỏi gặp Lý Toét thì không phải ai cũng biết. Chỉ có những người mang ơn Lý Toét chữa mắt toét thì mới biết Lý Toét đang ở đâu. Đó là trên bàn thờ dòng họ của Chủ tịch UBND Xã Thanh Thủy: tấm ảnh truyền thần cỡ 40x60 cm, là hình bán thân của một người đầu đội khăn xếp, khuôn mặt không có gì đặc biệt, chỉ khác thường ở chỗ cái kính dâm (kính mát) quá to đã che hết đôi mắt của người trong ảnh, khiến cho người ta không thể nhận ra người trong ảnh thờ là ai? Nếu có ai tò mò, gặng hỏi ông Chủ tịch UBND Xã Lý Nhã thì ông nói nhỏ: “Lại thắp nhang cho ông cụ Lý Nhãn nhà tôi đi! Ông thiêng lắm, cầu gì thì cầu nhưng chỉ được một điều mà thôi!”. Khi người khách tới thắp nhang cho ông Lý Nhãn xong, lẩm nhẩm cầu khấn xong, ông Lý Nhã thường hỏi “Vừa cầu gì đấy?”, thì đều được nghe câu trả lời: “Tôi cầu không bị toét mắt!”…Khi nghe nói vậy, ông Lý Nhã chợt thấy ngứa mắt, liền đưa tay lên gỡ cái kính dâm ra, dụi mắt một hồi rồi lẩm bẩm: “Ông có thiêng thì phù hộ cho tôi lên chức Phó chủ tịch Huyện, có bị toét mắt cũng chẳng sao!”…
Sài Gòn, tháng 1-2010
  Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: Newvietart.com
 
Người đẹp showbiz
 
Top 10 kiều nữ nóng bỏng nhất thế giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét