Nhà thơ làng Vị Xuyên có bài thơ vịnh nhà Nho rất nổi tiếng gọi là Nho tàn- khi hệ thống Nho học bị bãi bỏ (1):
Thôi có làm chi cái chữ nho
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co…
Sao bằng đi học làm thầy phán
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò!
Trần Tế Xương (2) - Nho tàn.
Song, nhà thơ đã từ bỏ cõi đời quá sớm (sinh 1870, mất 1907, chỉ sống với đời có 37 năm) nên không được mục kích có không ít các nhà Nho cùng thời với mình đã nhập thế với thời cuộc mới rất đắc dụng chứ không chỉ “nằm co” và bằng những nỗ lực không nhỏ, họ đã làm cho Nho họcphát huy được nhiều giá trị trong xã hội mới và tồn tại cho đến hôm nay… Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói về hai người con của tỉnh Hà Đông (cũ), đều xuất thân từ Nho học, cùng sinh một năm 1875 và chỉ kém Tú Xương 5 tuổi, coi như cùng thế hệ với Tú Xương, đó là Bưu Văn Phan Kế Bính (1875-1921) và Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941). Hai “nhà Nho cuối mùa” này cùng nhanh chóng nhập thế vào một lĩnh vực rất mới của xã hội VN lúc đó - đầu thế kỷ 20 -, là báo chí và có thể nói đó là những nhà báo, nhà văn đầu tiên viết báo, viết văn bằng chữ Quốc ngữ chứ không phải bằng chữ Nho nhưng lại bằng kiến thức Nho học. Nói cách khác, đó là hình ảnh của Nhà Nho hiện đại. Hai nhà Nho này còn có nhiều điểm tương đồng trong quá trình hoạt động với tư cách nhà báo, nhà văn, dịch giả, duy chỉ có điều khác là Phan Kế Bính mất hơi sớm, mới 46 tuổi - độ tuổi sung mãn của sáng tạo.
*
“Đông Dương tạp chí” là tờ báo tiếng Việt đầu tiên xuất bản ở Hà Nội do Scheneider sáng lập. Chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh (3), nhà tân học, nhà văn, nhà báo Việt Nam đầu thế kỷ XX. “Đông Dương tạp chí” xuất bản vào thứ năm hàng tuần. Ban đầu, tờ “Đông Dương tạp chí” được coi như một phụ bản của báo “Lục tỉnh tân văn” xuất bản ở Sài Gòn. Nhưng về sau, mức độ nổi tiếng và ảnh hưởng của tạp chí này còn vươn xa hơn cả tờ báo chính của nó. “Đông Dương tạp chí” ra số 1 ngày 15.5.1913 ở Hà Nội, xuất bản được 4 năm thì đình bản năm 1916. Trong hai năm đầu tiên, chủ yếu tạp chí đăng những bài bình luận chính trị phản động và những tin tức chính trị xuyên tạc sự thật. Đến năm 1915, tạp chí đã dần chuyển sang xu hướng “trung hòa”, tập trung vào học thuật, văn chương, lịch sử, phong tục, cổ văn, cổ học, dịch thuật. Ban biên tập đều là những người rất giỏi (4).
Nam Phong tạp chí (5) là một tờ Nguyệt san xuất bản tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 đến tháng 12 năm 1934 thì đình bản, tất cả được 17 năm và 210 số. Tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh (6) làm Chủ nhiệm và Chủ bút; Phạm Quỳnh làm Chủ biên phần chữ quốc ngữ và Nguyễn Bá Trác làm Chủ biên phần chữ nho. Nam Phong là một trong những tạp chí Việt Nam đầu tiên đúng thể thức, bài bản và giá trị về tri thức, tư tưởng. Nam Phong thường đăng nhiều bài văn, thơ, truyện ngắn, phê bình văn học, và tài liệu lịch sử bằng quốc ngữ, với nhiều chuyên mục như: Lý thuyết, Văn hóa bình luận, Khoa học bình luận, Triết học bình luận, Văn uyển, Tạp văn, Thời đàm, Tiểu thuyết... Là một phương tiện của thực dân Pháp để tuyên truyền cho chế độ thực dân, cương lĩnh chính trị của tạp chí ít được chú ý. Tuy nhiên, tạp chí đã góp phần vào việc truyền bá Chữ Quốc Ngữ vào Việt Nam.
Phan Kế Bính (1875 -1921), hiệu là Bưu Văn, bút hiệu Liên Hồ Tử, là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Phan Kế Bính quê ở làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Năm Bính Ngọ (1906), Phan Kế Bính dự thi Nho học và đỗ Cử nhân, nhưng không ra làm quan, mà ở nhà dạy học. Trong thời gian này, ông công khai hưởng ứng phong tràoDuy Tân, nhưng không trực tiếp chỉ đạo. Từ 1907, ông bắt đầu viết báo cho nhiều tờ báo trong nước, trong vai trò là một trợ bút, chủ yếu là dịch thuật, biên khảo sách chữ Hán. Sau đó ông lần lượt cộng tác với các tờ báo: Ðông Dương tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn. Đặc biệt là với tờ Đông Dương tạp chí, ông có thời gian làm trong ban biên tập Đông Dương tạp chí, và tác phẩm của ông phần lớn đều từng đăng trên tạp chí này.
Các sách biên khảo: "Việt Nam phong tục" (1915): nghiên cứu nghiêm túc, có tính phản biện, về thuần phong mỹ tục của Việt Nam; "Hán Việt văn khảo" (1918): bàn về văn chương chữ Hán ở Trung Quốc, Việt Nam và triết học Trung Quốc; Các sách viết về danh nhân VN: Nam hải dị nhân (*)(Truyện những người kỳ lạ ở đất Nam Hải) (1909), "Hưng Đạo Đại vương" (1912).
Sách dịch thuật: "Đại Nam nhất thống chí" (1916); "Ðại nam điển lệ toát yếu" (1915 - 1916); "Việt Nam khai quốc chí truyện" (1917); "Đại Nam liệt truyện tiền biên" (1918); "Ðại Nam liệt truyện chỉnh biên" (1919); "Tam quốc chí diễn nghĩa" của La Quán Trung (7).
Nam hải dị nhân: Là chuyện những người có danh tiếng, kỳ dị khác thường (anh hùng, vĩ nhân, liệt nữ, thần linh, ma quỷ…) được truyền tụng trong dân gian. Nam Hải dị nhân được viết theo thể truyền kỳ, đậm chất dã sử thường được lưu truyền trong dân gian, lại pha lẫn bút pháp “Liêu trai” nên rất thu hút người đọc. Xin trích ra đây mấy truyện đặc sắc nhất.
TẢ AO
Người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, tên là Nguyễn Đức Huyên (có bản nói là Hoàng Chỉ). Nhân tên làng, cho nên tục gọi là Tả Ao. Lúc còn trẻ nhà nghèo lắm, mẹ phải bệnh lòa mắt, Tả Ao mới theo người khách buôn ở phố Phù Thạch về Tàu, để lấy thuốc chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc khen là người có hiếu, mới dạy cho phép làm thuốc. Học thành nghề mới trở về, xảy có một thầy địa lý chính tông đau mắt, sai người mời thầy thuốc đến chữa, thầy thuốc già yếu không đi được, mới sai Tả Ao đi chữa thay. Thầy địa lý khỏi đau mắt, thấy Tả Ao có ý tứ khôn dễ dạy, và cảm cái ơn chữa khỏi cho mình, mới truyền cho Tả Ao phép làm địa lý, Tả Ao học hơn một năm đã giỏi. Thầy địa lý muốn thử xem sức học làm sao, đổ cát làm ra hình sông núi, rồi yểm 100 đồng tiền xuống dưới cát, và cho Tả Ao 100 cái kim sai tìm huyệt mà cắm kim vào lỗ đồng tiền. Tả Ao ngắm xem các huyệt, cắm trúng 99 cái kim vào 99 lỗ đồng tiền, chỉ sai mất một cái cắm ra ngoài.
Thầy địa lý nói rằng:
- Nghề ta sang phương Nam mất rồi!
Mới cho Tả Ao một cái tróc long và các câu thần chú hô thần để cho về nước Nam. Tả Ao vâng lời từ về;
về đến nhà thì mẹ vẫn còn mạnh, mới chữa thuốc cho mẹ khỏi lòa.
Một khi, đi qua núi Hồng Lĩnh, trông lên xem, thấy có kiểu đất “cửu long tranh châu”, mừng mà nói rằng:
- Huyệt đế vương ở đây rồi!
Lập tức nhổ ngôi mộ của cha, cất vào huyệt trên núi. Không bao lâu sinh được một đứa con trai. Người Tàu xem thiên văn, thấy các vì sao chầu cả về phương Nam, biết là người nước Nam được đất. Vua Tàu truyền cho các nhà địa lý, ai để đất cho người An Nam, hoặc là dạy người An Nam, thì phải sang nước Nam dùng thuật mà phá đi, nếu không thì tru di cả ba họ.
Thầy địa lý trước, biết chắc là ông Tả Ao được đất mới sai con sang tìm đến nhà Tả Ao, lập mưu mà triệt đi. Người ấy tìm đến nơi, vào chơi nhà mà bảo rằng:
- Từ khi đại huynh ở Tàu về, đã cất được ngôi tiên phần nào chưa?
Tả Ao nói thực cả chuyện trước. Con thầy Tàu mới dùng mẹo đào lấy ngôi mộ ấy, mà bắt đứa con của
Tả Ao đem về Tàu.
Được ít lâu mẹ Tả Ao mất. Tả Ao tìm một ngôi đất ở ngoài bãi bể, kén ngày kén giờ để hạ huyệt. Đến giờ, sóng gió ầm ầm, người anh Tả Ao giữ áo quan của mẹ, không cho hạ xuống, một lát sóng gió yên thì ở đấy nổi lên thành bãi rồi.
Tả Ao than rằng:
- Đây là hàm rồng đây, cứ 500 năm mới há miệng ra một lần, mà há chỉ trong một lát mà thôi. Bây giờ đã ngậm lại rồi, còn táng làm sao được nữa. Trời không cho thì chỉ uổng mất công ta mà thôi.
Từ bấy giờ Tả Ao không chịu làm ăn gì cả, chỉ lang thang đi làm đất cho người ta. Một bữa đi xem đất đến làng Bùi Sơn, huyện Hoằng Hóa, thấy có một huyệt đất hay, bèn bảo người ta rằng: “Có ngôi đất, táng giờ Dần đến giờ Mão thì phát, nếu ai táng ngôi ấy tất được của, hễ ai chịu nhường cho ta một phần chia mười, thì ta cho ngôi đất ấy”. Có một người xin táng, Tả Ao dặn đến sáng sớm mai thì cất. Táng xong mặt trời mới mọc. Người ấy vác cuốc ra rửa chân ngoài sông, thấy một người chết trôi, nhân thể có cuốc, mới vớt lên chôn cho xác ấy, thấy trong bọc người chết có hai túi bạc, mở ra đếm thì được 50 nén, mới biết Tả Ao là tài, biếu Tả Ao 5 nén, rồi Tả Ao đi.
Khi đến huyện Thanh Liêm lại tìm được một ngôi, bảo người ta rằng: “Đây có ngôi đất, chỉ táng trong một tháng thì phát quận công, nếu ai cho ta 100 quan tiền, thì ta táng cho”. Có một ông nhà giàu xin táng. Bấy giờ chúa Trịnh đang đánh nhau với nhà Mạc. Tướng nhà Mạc là Mạc Kinh Độ thua trận ở huyện Kim Bảng chạy trốn. Chúa Trịnh rao ai bắt được thì thưởng cho làm quận công một đời. Ông nhà giàu ấy táng được 20 ngày rồi. Bỗng một hôm thấy có một người vào nhà bảo rằng: “Ta là Mạc Kinh Độ đây, cho ta đánh một bữa chén, ta sẽ làm ơn mà cho đem nộp lấy thưởng”. Ông nhà giàu mừng rỡ, làm cơm thết đãi. Mạc Kinh Độ ăn uống xong, cho trói mình lại mà đem đến đồn Cầu Châu nộp cho chúa Trịnh. Chúa Trịnh lập tức thưởng cho làm quận công. Người ấy được thưởng tạ Tả Ao 100 quan tiền. Tả Ao chỉ lấy 3 quan để ăn đường, rồi đi chỗ khác.
Tự bấy giờ danh tiếng đồn khắp thiên hạ. Tả Ao đi chu du bốn phương, tới 20 năm trời. Đi qua các huyện Gia Bình, Từ Liêm, Đông Ngạn, Siêu Loại, Gia Lâm, táng cho nhà nào cũng được, lớn thì làm đến Tiến sĩ, Thượng thư; nhỏ cũng làm nên giàu hùng trưởng. Kể ra nhiều lắm, không sao cho xiết.
Khi đi qua làng Thiên Mỗ, thấy có một ngôi đất to, muốn táng hộ cho nhà họ Trần. Vừa đặt tróc long xuống đất, tróc long đổ ba lượt. Tả Ao niệm phù chú gọi Thổ thần lên hỏi, thì Thổ thần nói rằng: “Đất này phát ba đời quốc sư đại vương, con cháu công hầu không bao giờ hết. Trời đã để đành cho nhà Nguyễn Qui Đức; còn nhà họ Trần kia ít hồng phúc, không kham nổi được đất này; nếu ông làm cưỡng của trời thì tất có vạ. Vả lại ông đi khắp thiên hạ, làm phúc cho người ta đã nhiều, mà không được ngôi nào để táng cho cha mẹ, ông nên nghĩ thế thì biết”. Vì thế, Tả Ao từ bấy giờ không dám khinh thường mà táng mộ cho ai nữa.
Tả Ao sinh được hai con trai, nhà thì nghèo mà làm đất không lấy tiền của ai, cho nên con cái thường không đủ bữa mà ăn. Khi đã già, tìm sẵn một ngôi đất sinh phần cho mình, ở xứ Đồng Khoai, gọi là cách “Nhất khuyển trục quần dương”. Nếu táng được ngôi ấy, thì chỉ ba ngày thành địa tiên. Đến lúc phải bệnh, sai hai con khiêng mình ra đấy, toan phân kim lấy rồi nằm xuống cho chôn; nhưng đến nửa đường thì đã gần chết, không kịp đến được chỗ kia, mới trỏ một cái gò bên cạnh đường, dặn con rằng: “Chỗ kia là ngôi huyết thực, bất đắc dĩ táng ngay ở đấy cũng xong”.
Nói xong thì mất, bấy giờ mới 65 tuổi. Hai con đem táng vào gò ấy, quả nhiên về sau làm phúc thần một làng.
Chú thích của Truyện Tả Ao:
(1) Một con chó đuổi đàn dê.
(2) Ngôi huyết thực: nghĩa là được hưởng người ta cúng tế.
NGUYỄN THỊ ĐIỂM
Thị Điểm người huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (1), em gái ông Tiến sĩ Đoàn Doãn Luân. Lúc lên 5, 6
tuổi, học sách Hán Cao Tổ, anh có ra câu đối rằng:
“Bạch xà đương đạo; Quí bạt kiếm nhi trảm chi”.
Thị Điểm đối rằng:
“Hoàng long phụ chu; Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết”.(2)
Anh chịu câu ấy là tài, tự bấy giờ cho chuyên tập về nghề nghiên bút. Đến năm 15 tuổi, văn chương đã
giỏi lắm. Một khi ngồi trước cửa sổ soi gương, anh ra câu đối rằng:
“Đối kính họa mi; nhất điểm phiên thành lưỡng điểm”.(3)
Thị Điểm ứng khẩu đối rằng:
“Lâm trì ngoạn nguyệt; chích luân chuyển tác song luân”.(4)
Thái học Sinh là Đặng Trần Côn (**) nghe tiếng Thị Điểm hay chữ, đưa thơ đến có ý muốn ghẹo. Thị
Điểm xem thơ cười nói rằng: - Trẻ thơ mới học, thơ từ chẳng bõ ngứa tai!
Đặng Trần Côn tức giận trở về, cố công đi học, mới thành danh sĩ.
Bấy giờ tiếng Thị Điểm lừng lẫy chốn kinh thành. Các học trò hay chữ ai cũng muốn trêu ghẹo. Một hôm có Nguyễn Huy Kỳ ở Thụy Nguyên, Trần Danh Tân ở Cổ Am, Nguyễn Bá Cư ở Cổ Đô, Võ Toại ở Thiên Lộc, bốn người ấy có tiếng hay chữ, người ta thường gọi là “Tràng an tứ hổ” (nghĩa là bốn con hổ ở chỗ Tràng an). Bốn người đến chơi tận nhà Thị Điểm, muốn thử làm thơ với nhau.
Thị Điểm ra câu đối rằng:
“Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang”.(5)
Bốn người không đối được, phải xấu hổ trở về.
Lại một khi Thị Điểm đi thủng thẳng một mình, gặp quan Thượng thư là Nguyễn Công Hãng ở ngoài đường. Công Hãng bắt Thị Điểm vừa đi vừa ngâm một bài thơ: “Đi một mình”.
Thị Điểm ngâm ngay rằng:
“Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu”,(6)
“Chu toàn tả hữu cổ quăng thần”.(7)
Công Hãng khen hay, thưởng cho 10 quan tiền.
Trong thời Long Đức (đời vua Thần Tôn nhà Lê), có sứ Tàu sang phong vương. Hoàng thượng sai Thị Điểm đứng chực ở ngoài của Đoan môn. Thị Điểm có ý muốn trêu ghẹo sứ giả. Sứ giả nói đùa một câu rằng: “An Nam nhất thốn thổ; bất tri kỉ nhân canh?”
Thị Điểm đối rằng:
“Bắc quốc đại trượng phu; giai do thử đồ xuất!”(8)
Sứ giả thẹn đỏ mặt rồi đi.
Thị Điểm kén chồng kỹ lắm, không ai lấy được. Ngoài 20 tuổi, mới lấy lẽ quan Thượng thư ở huyện Từ
Liêm là Nguyễn Kiều. Hai vợ chồng quí trọng nhau như vàng.
Thị Điểm có làm ra bộ sách “Tục truyền kỳ” lưu truyền ở đời.(9)
Chú thích truyện Nguyễn Thị Điểm:
(1) Đăng khoa lục cho là người Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tang thương lục cho là
người Bắc Giang, chưa biết đích lời nào là phải.
(2) Hai câu dùng chữ sẵn mà chọi nhau từng chữ, cho nên tài.
(3) Nghĩa là soi gương vẽ lông mày, một nét hóa ra hai nét. Điểm là nét vẽ, lại là tên bà ấy, có ý một nàng
Điểm hóa ra hai nàng Điểm nữa.
(4) Nghĩa là ra ao ngắm trăng, một vừng hóa thành hai vừng. Luân là vừng trăng, vừa là tên anh. Có ý
một ông Luân thành ra hai ông Luân nữa.
(5) Thiếu nữ một nghĩa là gió, một nghĩa là con gái nhỏ. Tân lang một nghĩa là cau, một nghĩa là rể mới. Câu này nghĩa là: Trước sân gió động cây cau và có thêm ý con gái nhỏ mời rể mới ăn trầu, cho nên khó đối. (6) Bàn bạc chuyện xưa nay, có người lòng ruột.
(7) Chung quanh bên tả hữu, có bầy tôi chân tay. Hai câu chững chạc, mà rõ là tình cảnh đi một mình. (8) Nghĩa là: Một tấc đất An Nam, chẳng biết mấy người cày; đại trượng phu Bắc quốc, đều do đường này ra . (9) Nguyễn Thị Điểm tức Đoàn Thị Điểm (9*), là người đã dịch “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn ra chữ nôm.
(9*) Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) là vị nữ sĩ danh tiếng nhất của ViệtNam thời Lê, tác giả bản dịch Nôm Chinh phụ ngâm. Tên hiệu Hồng Hà, biệt hiệu Ban Tang. Quê tại làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Do lấy chồng họ Nguyễn nên bà còn có tên làNguyễn Thị Điểm.
Bà là con gái ông hương cống Đoàn Doãn Nghi, mẹ bà là người họ Vũ và là vợ hai ông Nghi, nhà ở phường Hà Khẩu, Thăng Long (phố Hàng Bạc bây giờ) sinh một trai (1703) là Đoàn Doãn Luân và một gái (1705) là Đoàn Thị Điểm. Từ nhỏ anh em bà đã theo mẹ về ở với ông bà ngoại là quan Thái lĩnh bá, và được dạy dỗ chu đáo lầu thông Tứ thư, Ngũ kinh như anh trai.
Đoàn Thị Điểm là người có tài trí và nhan sắc hơn người, nổi tiếng từ hồi trẻ. Năm 6 tuổi đã học rất giỏi. Năm 16 tuổi, có quan thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi, để tiến cử vào cung chúa Trịnh, nhưng bà nhất định từ chối. Về sau cha mất, gia đình phải chuyển về quê nhà, được ít lâu dời về làng Võ Ngai, tại đây Đoàn Thị Điểm cùng anh trai Đoàn Luân hành nghề dạy học.
Nhưng ông Luân mất sớm, bà Điểm lại đem gia đình lên Sài Trang, ở đây bà được vời dạy học cho một cung nữ. Thời gian này bà kiêm luôn nghề bốc thuốc, gần như một tay nuôi sống cả gia đình - gồm 2 cháu nhỏ, mẹ và bà chị dâu góa. Bởi tài năng và sắc đẹp cộng với tính hiếu thuận rất đáng quý, bấy giờ bà được nhiều người cầu hôn nhưng nghĩ đến gia đình đành chối từ tất cả. Năm 1739 bà lại dẫn gia đình về xã Chương Dương dạy học.
Năm 1743, sau một lời cầu hôn bất ngờ và chân thành, bà nhận lời làm vợ lẽ của ông binh bộ tả thị lang Nguyễn Kiều, theo ông về kinh đô. Ông Nguyễn Kiều sinh năm 1695, đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, nổi tiếng là người hay chữ. Sau đám cưới vài ngày, thì ông Kiều phải đi sứ sang Tàu. Thời gian này Đoàn Thị Điểm còn nghiên cứu thiên văn, bói toán và viết sách...
Năm 1746, ba năm chờ chồng dài đằng đẳng vừa kết thúc, bà lại phải khăn gói, từ biệt mẹ già cháu nhỏ để sang Nghệ An, nơi ông Kiều mới được triều đình bổ nhiệm. Sang Nghệ An buồn bã quá, một phần nhớ người thân lại thêm lạ nước lạ cái, bệnh hoạn xuất hiện rồi ngày càng phát, đến ngày 9 tháng 11 năm 1748 (âm lịch), Đoàn Thị Điểm qua đời, hưởng dương 44 tuổi.
Sự kính yêu của người đời sau với Đoàn Thị Điểm không chỉ vì tài thi văn điêu luyện, đặc sắc, còn vì bà có những phẩm chất cao quý, đức hạnh tốt đẹp xứng đáng là mẫu phụ nữ tiêu biểu của xã hội Việt Nam ở mọi thời đại. Đoàn Thị Điểm được xem là đứng đầu trong số các nữ sĩ danh tiếng nhất Việt Nam: sau đó là Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Ánh.
Đoàn Thị Điểm viết sách nhiều nhưng thất lạc cũng nhiều, hậu thế chỉ còn biết đến một vài tác phẩm Hồng Hà nữ sĩ gồm:
Tục truyền kỳ: Còn gọi là Truyền kỳ tân phả, sách viết bằng chữ nho.Sách này là nối tiếp sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (9**).
Chinh phụ ngâm : Là bản việt hóa của tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn của ông Đặng Trần Côn sáng tác. Bản dịch gồm 412 câu theo lối song thất lục bát, trong diễn tả nhiều tâm trạng: hy vọng, buồn bã, giận hờn tựu về một mối đó là nỗi nhớ nhung khắc khoải của một người chinh phụ (vợ có chồng đi lính) đang chờ chồng trở về sum họp: Thuở trời đất nổi cơn gió bụi / Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên… Đây có lẽ cũng là tâm trạng của bà Điểm trong các năm 1743 - 1746 khi ông Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Quốc. Tuy là bản dịch, nhưng thậm chí còn được yêu thích hơn bản chính, nên đến nay được xem như là một sáng tác của bà Đoàn Thị Điểm.
(**) Đặng Trần Côn là tác giả của Chinh phụ ngâm, kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán . Tiểu sử của Đặng Trần Côn cho đến nay biết được còn rất ít. Kể cả năm sinh năm mất cũng không biết chính xác. Các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh vào khoảng năm 1710 đến 1720, mất khoảng 1745, sống vào thời vu Lê-Chúa Trịnh.Đặng Trần Côn quê ở làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông đỗ Hương cống, nhưng thi Hội thì hỏng. Sau đó làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài đại phu.
Chinh phụ ngâm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời. Tác phẩm viết bằng chữ Hán giữa thời đại văn học Nôm đang nở rộ cho nên nhiều người đã tìm cách dịch nó ra chữ Nôm. Bản dịch của Đoàn Thị Điểm là bản dịch thành công nhất được gọi là Bài hiện hành..
Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941), hiệu Đông Châu, là một nhà nghiên cứu cộng tác đắc lực với tạp chí Nam Phong. Quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), ông xuất thân từ Nho học. Phần lớn công trình nghiên cứu của ông đều công bố trên tạp chí Nam Phong trước khi in thành sách. Các công trình của ông là những chuyên luận về lịch sử, địa lý, phong tục, luân lý, tôn giáo và văn chương ViệtNam và Trung Quốc. Ông có công rất lớn và sớm nhất trong việc giúp người Việt Nam am hiểu các học thuyết, văn chương, triết lý, Trung Quốc học. Nguyễn Hữu Tiến còn là một tác giả về các danh nhân, thi sĩ ViệtNam;
Viết báo: Năm 1917, ở trong Ban biên tập tạp chí Nam phong, khảo cứu, biên soạn, dịch thuật về văn hoá, văn học Việt Nam và Trung Quốc, suốt 17 năm. Nguyễn Hữu Tiến là một trong những người đầu tiên sưu tầm, chọn lọc thơ văn cổ Việt Nam, đăng báo. Có chương giảng về luật làm thơ, đủ các thể, kèm theo 100 bài mẫu, hợp thành cuốn Cổ xúy nguyên âm (1917). Ông còn giữ mục "Nam âm thi văn khảo biện", "Tồn cổ lục", "Việt Nam tổ quốc túy ngôn", bước đầu nghiên cứu các tác gia Việt Nam: Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê (Nam Phong, 1929).
Một số tác phẩm chính: Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa (1925): soạn chung, là tác phẩm đầu tiên về loại hợp tuyển. Giai nhân di mặc (1917): Lần đầu giới thiệu sự tích và thơ Hồ Xuân Hương (NXB Đông Kinh ấn quán, Hà Nội); Lối văn thơ nôm (NXB Đông Kinh ấn quán, Hà Nội).Tuồng: Đông A song phụng (1916). Biên dịch:Vũ trung tùy bút củaPhạm Đình Hổ (8), đăng trên Nam Phong tạp chí (1927-1928). Nho giáo:Mạnh Tử quốc văn giải thích (1924 - 31); Luận ngữ quốc văn giải thích (1931 - 33), cùng soạn với Nguyễn Đôn Phục (9); Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu (**).
Trương Hán Siêu (?-1354), tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, là một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, kiệt tác văn chương nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là bài Bạch Đằng giang phú được lưu truyền đến nay. Bạch Đằng Giang phú là một kiệt tác trong văn chương cổ ViệtNam, được coi là “Thiên cổ hùng văn”. Về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm thể hiện đỉnh cao của tài hoa viết phú. Về nội dung tư tưởng, Bạch Đằng Giang phú là áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tráng chí chất ngất, cùng tinh thần tự hào dân tộc và hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc khi nhìn nhận nguyên nhân thành công của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.
Đỗ Ngọc Thạch
Sài Gòn, tháng 9-2010
----
Chú thích:
(1) Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương - Hội - Đình) ở Bắc Kỳ. Năm 1915, kỳ thi Hương tại Nam Định được coi như kỳ thi Nho học cuối cùng ở Bắc kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt. Ngày 18-9-1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ quốc ngữ(1*) vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học.
(1*) Chữ Quốc Ngữ , viết tắt là Quốc Ngữ, là hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latinh (cụ thể là trực tiếp từ chữ cái Bồ Đào Nha) thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ - 4 dấu tạo ra các âm mới, và năm dấu còn lại dành cho thể hiện thanh điệu của từ. Hai loại dấu phụ có thể được viết cùng trên một chữ cái nguyên âm.
Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon, Pháp; mất năm 1660 tại Ispahan, Ba Tư) đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630). Ông là người có công rất lớn trong việc La-mã hoá tiếng Việt (nhiều tác giả gọi là La-tinh hóa. Thực ra mẫu tự chữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu tự chữ Roman chứ không phải là chữ La-tinh). Kế tục công trình của những người đi trước là các tu sĩ Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, v.v. trong việc La-mã hóa tiếng Việt, Alexandre de Rhodes đã xuất bản “Bài giảng giáo lý Tám ngày” đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn từ điển Việt - La - Bồ đầu tiên vào năm 1651 tại Rome. Hệ thống chữ viết tiếng Việt dùng chữ cái La-mã này được chúng ta ngày nay gọi là “chữ quốc ngữ” (chữ viết của quốc gia).
(2) Trần Tế Xương (1870-1907): bút danh Tú Xương, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định).
(3) Nguyễn Văn Vĩnh (hiệu: Tân Nam Tử; 1882-1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn VN đầu TK 20. Ông quê ở xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội.
Ông học Trường Thông ngôn, lần lượt làm thư ký ở các Tòa Công sứ Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh và Tòa Đốc lý Hà Nội. Năm 1906, ông được cử đi dự hội chợ ở Marseille, trở về với quyết tâm truyền bá quốc ngữ, ông xin thôi việc, mở nhà in, làm chủ bút nhiều tờ báo: Đại Nam đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và một số tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (Tờ báo của chúng ta), Notre Revue (Tạp chí của chúng ta), l’Annam nouveau (An Nam mới).
Ông đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ quát tiếng Việt qua tờ Đăng Cổ Tùng Báo (1907), tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ tại miền Bắc. Đáng kể nhất là việc khuyến khích dùng chữ Quốc Ngữ qua tờ Đông dương Tạp chí (1913). Ngoài ra, ông còn nhiều công trình dịch thuật văn học như dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ tích Perrault, kịch Molière từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bảng dịch Truyện Kiều sang Pháp văn của ông rất đặc sắc. Ngoài việc là bản dịch đầu tiên, tất cả những điển tích, điển cố vay mượn của Trung Hoa đều được ông chú thích đầy đủ bằng tiếng Pháp.
Nguyễn Văn Vĩnh là người luôn lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh. Vì thế chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương chẳng ưa gì ông. Tòa báo của ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch biên. Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó năm 1936 vì sốt rét. Người ta tìm thấy xác ông nằm trong một chiếc thuyền độc mộc trên một dòng sông ở Sepole. Trong tay ông lúc đó vẫn còn nắm chặt một cây bút và một quyển sổ ghi chép: Ông đang viết dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp “Một tháng với những người tìm vàng”. Khi đoàn tàu chở chiếc quan tài mang thi hài ông Vĩnh về đến ga Hàng Cỏ, hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chờ trong một sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông - con người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của mình đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân.
(4) Ban Biên tập Đông Dương tạp chí gồm có:
Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936)
Thượng Chi Phạm Quỳnh (1892-1945)
Bưu Văn Phan Kế Bính (1875-1921)
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)
Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941)
Nguyễn Bá Trác (1881-1945)
Thân Trọng Huề (1869-1925)
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947)
Nguyễn Đỗ Mục (1866-1948)
Lệ Thần Trần Trọng Kim (1882-1953)
Phạm Duy Tốn (1883-1924)
Trong đó, Phan Kế Bính khảo cứu văn học, văn hóa, phong tục và danh nhân đất nước. Trần Trọng Kim phụ trách mảng tân học cùng Phạm Duy Tốn; Tản Đà chiếm riêng một mục trong tân học; Nguyễn Văn Vĩnh dịch một số tác phẩm xuất sắc của Pháp như thơ ngụ ngôn Lafontaine, kịch của Molière, tiểu thuyết của Balzac.
Năm 1913, lần đầu tiên bài thơ ngụ ngôn của La.J.De Lafontaine "Con Kiến và con Ve sầu" được đăng trên tạp chí, sau được đông đảo bạn đọc yêu thích.
(5) Tạp chí Nam Phong đã xuất bản bằng hai thứ chữ (chữ Quốc ngữ và chữ Nho) làm trung hòa trên con đường hòa nhập văn hóa Á - Âu;Phạm Quỳnh đã kính cáo bạn đọc tại số đầu tiên ra ngày 1 tháng 7 năm 1917.
Việc thành lập tạp chí Nam Phong là chủ trương của chính phủ Liên bang Đông Dương do toàn quyền Albert Sarraut đề xướng với mục tiêu đẩy mạnh vai trò văn hóa và chính trị của nhà nước Bảo hộ. Kinh phí của báo là do chính phủ trang trải. Cùng đứng tên là Giám đốc Sở Mật thám Đông Dương Louis Marty.
Đồng thời với việc cho ra báo Nam Phong ở ngoài Bắc thì ở Nam Kỳ Toàn quyền Sarraut cũng cho phát hành báo Tribune Indigène cũng một mục đích[4] nhưng khác với tờ Nam Phong in bằng tiếng Việt, tờ Tribune Indigène chỉ dùng tiếng Pháp.
Tạp chí Nam Phong thu hút được nhiều nhân sĩ, học giả, nhà văn, nhà thơ có tên tuổi cộng tác như: Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Nguyễn Bá Học,Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Duy Tốn,Trần Trọng Kim, Tương Phố, Tản Đà, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Nam Trân…
(6) Phạm Quỳnh: Phạm Quỳnh (1892 - 1945): là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu làThượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.
(9) Nguyễn Đôn Phục (? - 1954): tự là Hi Cán, hiệu là Tùng Vân, nguyên quán tỉnh Thanh Hoá, sau ra định cư ở làng La Nội, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), không rõ năm sinh. Thuở nhỏ ông theo Hán học, đỗ Tú tài năm 1906 rồi không thi cử gì nữa. Ông cộng tác với các báo Nam phong, rồi Tri Tân của Nguyễn Tường Phượng (9*) trong nhiều năm. Phần lớn tác phẩm của ông đều đăng trên 2 tạp chí trên.
(9*) Nguyễn Tường Phượng: (1899 - 1974) tự là Kỳ Sơn, biệt hiệu Mai Lâm, bút danh Tiên Đàm. Trong văn giới quen gọi là Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng ; quê làng Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân trong một gia đình Nho học, những năm lên 10 ông bắt đầu học chữ Hán, sau đó chuyển sang học tiếng Pháp. Năm 1920 đỗ cao đẳng Tiểu học (Thành Chung), năm 1929 đỗ Tú tài Pháp - Việt. Sau khi tốt nghiệp tú tài ông ra đời làm việc tại Tòa sứ Thanh Hóa, sau đó thi nhập ngạch tri huyện (vì Pháp biệt lệ ai có bằng Tú tài đã làm việc tại các tòa bố, không cần có bằng cử nhân luật cũng được dự thi) được bổ dụng tri huyện Thạch Thành. Khi làm tri huyện bất bình với lề lối quan trường, ông từ chức về Hà Nội làm nghề dạy học, nghiên cứu văn học, viết báo.
Năm 1936 ông làm việc tại ngân hàng Hà Nội, cùng thời điểm này ông cùng Hoàng Thúc Trâm, Phan Mạnh Danh... sáng lập tạp chí Tri Tân, ông giữ chân chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí này cho đến năm 1945.
Tác phẩm chính:
Luận ngữ quốc văn giải thích (cùng soạn với Nguyễn Hữu Tiến), Hà Nội, Imprimerie Tonkinoise, 1935
Mạnh Tử quốc văn giải thích (cùng soạn với Nguyễn Hữu Tiến), Nhà xuất bản Trung Bắc tân văn
Đằng vương các tự diễn nôm, Nam phong, 1933
Vấn đề quốc văn, Nam phong, số 126, 1928
(*) xin đọc thêm 2 truyện trong Nam Hải Dị Nhân:
NGÔ SOẠN
Ngô Soạn tự là Tử Văn, người huyện An Dũng, phủ Lạng Thương, có khí thái cương trực ghét kẻ gian phi, người ta thường khen là người thẳng tính.
Cạnh làng ấy có một cái đền, xưa nay linh ứng lắm. Tự khi cuối nhà Hồ, quân Tàu sang xâm chiếm, ở xứ ấy thành nơi chiến trường. Có tên bộ tướng của Mộc Thạnh là Thôi Bách Hộ chết trận ở đấy thành ra yêu quái, lắm người khuynh gia bại sản để cầu cúng mà không yên.
Ngô Tử Văn thấy vậy tức lắm, tắm gội khấn trời mà đốt cái đền ấy. Tử Văn đốt xong trở về, nghe trong mình hơi khác, rồi thì rùng mình nhức đầu, nổi cơn sốt rét mà người thì mê mẩn bàng hoàng. Chợt trông thấy một người to lớn lực lưỡng, đội mũ mặc áo, ra dáng người Tàu, tự xưng là Cư sĩ, bắt phải làm đền lại miếu khác, không có thì gặp họa.
Tử Văn không nói gì, cứ ngồi nghiễm nhiên như không.
Người Tàu nói rằng: - Âm ti địa ngục chẳng xa gì đâu, nếu không làm lại đền cho ta, ta sẽ lôi ngươi đến ngục ấy! – Nói xong đi ngay.
Chiều hôm ấy Tử Văn lại thấy một người áo vải mũ thâm, cách điệu khoan hòa, đi từ từ vào trong thềm, chào nói rằng:
- Tôi là Cư sĩ đây, nghe ông làm được việc sướng quá nên tôi đến mừng.
Tử Văn ngạc nhiên nói rằng: - Mới rồi người mặc áo khách, tự xưng là Cư sĩ, có phải là thần thổ địa này không? Sao bây giờ cụ lại xưng là Cư sĩ.
Ông cụ ấy nói rằng:
- Hắn là tướng bại trận ở bên Tàu, hồn nhờ gửi bên nước Nam ta, chiếm lấy đền miếu của tôi mạo tên họ tôi, gian giảo độc ác, trên thì dối gạt cả trời, dưới ngược với dân, phàm các sự yêu quái, là tự hắn cả, chớ không phải tôi làm điều gì. Tôi là Ngự sử thời vua Lý Nam đế, chết vì việc nước, được phong ở đây, giúp dân hộ chúng đã hơn nghìn năm nay, có điều gì hung dữ như nó đâu. Vì tôi hở cơ không giữ gìn, bị nó đánh đuổi đi, hiện tôi phải nương nhờ ở đền thần Tản Viên đã mấy năm nay rồi.
Tử Văn nói:- Nếu như thế sao không kêu với Thiên đình, mà chịu bỏ chức vị đi nhờ chỗ khác? Ông già nói:
- Thế lực nó lai láng, khó lòng lay động được nó. Tôi muốn đi kêu, thì nó dùng trăm chiều ngăn trở tôi. Các thần từ bên cạnh, tham của đút lót, tranh nhau đi nhận cho nó, bụng tôi không tỏ giải được lên, cho nên phải nhịn nhục thế này.
Tử Văn hỏi: - Nó hung dữ thế, có hại được tôi không?
Ông già nói: - Nó đang muốn cam tâm với ông, thế nào nó cũng kiện ở dưới âm ti. Tôi xin dò chuyện nó, lại bảo cho ông biết để mà tìm phương lo liệu, kẻo mà chết oan. Khi nào âm ti có tra hỏi, thì ông cứ lấy lời tôi làm chứng, nếu nó không chịu, thì xin hỏi đến đền Tản Viên, như thế thì không cãi được nữa.
Tử Văn vâng lời. Đến đêm, bệnh lại nặng thêm, mơ thấy hai tên quỉ sứ, bắt điệu đem đi đến một dinh phủ lớn, ngoài có tường sắt cao chừng vài mươi trượng. Hai tên quỉ sứ vào bẩm, rồi ra bảo rằng: “Tội anh nặng lắm, không có phép nào tha được”. Nói xong, vẫy tay xua sang mặt bắc. Mặt ấy, có con sông to, trên sông bắc một dịp cầu dài, ước hơn nghìn bộ, sông đen như mực, mùi tanh hôi, khí lạnh buốt đến tận xương. Hai bên cầu có vài vạn quân dạ xoa, mắt xanh tóc đỏ mặt mũi dữ tợn. Hai tên quỉ sứ lấy trạc to trói Tử Văn, điệu ra đường ấy.
Tử Văn kêu to lên rằng: - Tôi là người thẳng tính trên dương gian, có tội lỗi gì, xin bảo cho biết, không nên bắt oan uổng thế này. Sực nghe trên điện có tiếng truyền rằng:
- Thằng ấy nó cứng cổ lắm, nếu không phân đoán cho rõ tội, thì sao nó chịu? Vậy thì hãy đem nó vào đây. Hai tên quỉ sứ mới dẫn Tử Văn vào cửa phủ, thì đã thấy người áo khách đang kêu ở ngoài sân. Diêm vương quở mắng Tử Văn rằng:
- Cư sĩ kia hắn là người trung thần đời trước, có công với nước. Thượng đế phong cho hắn được hưởng cúng tế ở một phương. Mày là thằng học trò, sao dám ngạo ngược mà đốt đền của hắn? Thế là mày làm nên tội, còn cãi được nữa không?
Tử Văn kể lại đầu đuôi như lời ông già nói trước, rạch ròi minh bạch, không lúng túng câu nào. Người khách đứng nguyên đơn kêu rằng:
- Nó ở chốn vương phủ này, mà còn nỏ mồm cãi cọ, gây sự phao vu, huống chi một cái đền hoang của tôi, thì nó còn sợ gì mà chẳng đốt?
Tử Văn lại kêu rằng: - Đại vương nếu không tin lời tôi, xin hỏi đến thần Tản Viên thì đủ biết hư thực. Tôi nhược bằng nói sai, xin cam chịu tội.
Người khách thấy viện chứng đã có ý sợ, mới quì xuống tâu rằng:
- Thư sinh kia thực là ngây dại, tội là đáng lắm, nhưng điện hạ đã quở mắng nó, cũng đủ răn nó rồi, vậy xin ngài rộng dong cho nó, để tỏ cái lượng nhân từ của ngài, bất tất phải tra cứu cùng kiệt làm gì nữa. Diêm vương nghe nói, biết ý, mới quát lên rằng:
- Nếu như thế thì tội tại mày rồi, luật gian dối còn đủ cả đây, sao mày dám xuất nhập nhận tội? Lập tức sai người đến núi Tản Viên xét hỏi tường tận, quả hợp hết với lời Tử Văn.
Diêm vương giận lắm, bảo các phán quan rằng: - Các ngươi chia giữ các tòa, mỗi người coi một việc, nên phải cầm lòng công bình, thưởng phạt cho đích đáng. Thế mà sao còn để cho bọn gian giảo nó dối trá được. Ấy là ở đây còn thế, huống chi đời Hán, Đường, bán quan mua tước, cái tệ còn nói làm sao cho xiết!
Lập tức sai lấy gông sắt đóng gông và lấy miếng gỗ tròn nhét vào miệng người khách, áp điệu vào ngục cửu u, còn Tử Văn thì tha cho về.
Diêm vương bảo với Cư sĩ rằng: - Tử Văn kia nó có công trừ được hại cho dân, phàm các đồ cùng tế mồng năm ngày tết, ngươi nên xẻ một nửa mà chia cho hắn.
Tử Văn về đến nhà, thì chết đã hai ngày rồi mới hồi lại. Tử Văn kể chuyện ấy cho người làng biết, người làng mua gỗ chữa lại đền Cư sĩ. Mà ngôi mả của người khách, tự nhiên trụt đất, xương cốt bật cả lên trên. Sau một tháng nữa, Tử Văn lại mơ thấy Cư sĩ bảo rằng:
- Lão phu được về miếu cũ, là công của ông cả, không biết lấy gì mà báo được ơn ấy. Hiện nay đền Tản Viên có khuyết một viên phán quan, tôi hết sức để tiến cử ông vào chức ấy. Diêm vương đã ưng cho rồi, xin đem việc ấy để báo cái ơn trước. Người ở đời xưa nay ai chẳng chết, nhưng chết mà tỏ được cái tiếng là hơn, vậy xin ông ghi nhớ cho, nếu chậm nửa tháng nữa thì có người tranh mất đấy. Tử Văn mừng rỡ nhận lời, dặn hết công việc cửa nhà, rồi tự nhiên vô bệnh mà mất.
Về sau, người huyện Đông Quan biết Tử Văn, một buổi sớm gặp khi mưa dầm, trông thấy quân quan trẩy đi đông lắm, mà có tiếng quát tháo dẹp đường để xe phán quan đi. Trông lên trên xe thì là Tử Văn. Tử Văn cũng chắp tay có ý chào hỏi, như không nói câu gì, cứ đi ào ào như gió.
Đến giờ con cháu nhà ấy vẫn còn sự tích truyền lại.
NHỊ KHANH
Từ Đạt người ở Khoái Châu (Hưng Yên), làm quan ở huyện Đông Quan. Gần đấy có quan Thiêm thư là Phùng Lập Ngôn. Hai người đi lại chơi bời với nhau thân thiết lắm. Phùng có con trai tên là Trọng Quì, Từ có con gái tên là Nhị Khanh, hai bên trai tài gái sắc, tốt lứa đẹp duyên, mới kết duyên Châu Trần với nhau.
Nhị Khanh tuy còn ít tuổi, nhưng về làm dâu nhà họ Phùng, hiền hậu hòa thuận, ai cũng khen là người nết na. Trọng Quì tính hay chơi bời, Nhị Khanh khuyên ngăn mãi không được.
Năm sau, gặp khi ở tỉnh Nghệ lắm giặc cướp, triều đình cần một quan cai trị giỏi để bổ vào. Các đình thần ghét Phùng Lập Ngôn là người thẳng tính, có ý muốn hại ngầm, mới cử Lập Ngôn vào chức ấy.
Lập Ngôn sắp lên tỉnh nhận nhiệm sở, mới bảo với Nhị Khanh rằng: - Đường đất xa xôi, ta không muốn cho con đi theo, vậy thì con hãy tạm ở nhà, đợi khi nào trời đất yên bình, thì sẽ cho con về với chồng con.
Trọng Quì thấy vợ không đi, có ý ngần ngại, cũng muốn ở nhà, Nhị Khanh bảo rằng: - Nay cha vì nói thẳng mà người ta ghét, tuy bổ vào chỗ quan cao, mà kỳ thực đưa vào nơi đất chết. Muôn dặm ba đào, hai thân mưa nắng, chàng không đi thì ai là kẻ sớm trưa hầu hạ? Vậy thì chàng phải đi theo, chớ có vì tôi mà bỏ mất đạo hiếu.
Trọng Quì bất đắc dĩ phải theo cha mẹ đến Nghệ, để Nhị Khanh ở lại Đông Quan. Không được bao lâu, cha mẹ đẻ nàng Nhị Khanh mất cả. Nhị Khanh đem mả về táng ở phủ Khoái, rồi thì ở nương nhờ với người bà cô họ là là Lưu thị.
Bấy giờ có người quan võ họ Bạch, nguyên là cháu ngoại Lưu thị, thấy nàng Nhị Khanh có nhan sắc, muốn lấy làm vợ, nói với Lưu thị để dỗ hỏi nàng Nhị Khanh.
Nhị Khanh nghe Lưu thị nói thì sợ hãi lắm, bảo riêng với người vú già rằng:
- Ta còn nhẫn nhục đến giờ, là vì có chàng họ Phùng còn đó, nếu không còn thì ta chết theo rồi, chứ không khi nào ta mặc áo xiêm của chồng ta, mà đi làm đỏm cho người khác, mụ ở nhà ta đã lâu, nên nhớ ân tình chủ cũ, vào Nghệ gọi về cho ta.
Người vú vâng lời. Bấy giờ đang lúc loạn lạc đường sá khó khăn, người vú già cố sức tìm vào đến Nghệ, hỏi thăm thì ai cũng nói rằng: “Quan Tuyên phủ Lập Ngôn đã mất rồi, gặp phải con trai chơi bời, cửa nhà sa sút mất cả”. Người vú đi ra đường, gặp Trọng Quì ở trong chợ. Trọng Quì đem về chỗ ở, thì chỉ còn một túp nhà tranh, bốn bề bỏ trống, mà đồ đạc chỉ có cái bàn cờ, bộ ấm chén uống rượu, và con gà chọi, con chó săn mà thôi.
Trọng Quì bảo người vú rằng: - Ta vì đường sá xa xôi không sao về được, tuy ở chỗ này, nhưng lúc nào cũng nhớ đến nhà.
Người vú cũng nói cả chuyện đầu đuôi ở nhà.
Trọng Quì mới định ngày về. Khi về đến nhà, hai vợ chồng li biệt lâu ngày, nay lại xum họp, ân ái biết là dường nào. Nhưng Trọng Quì đã quen thói chơi bời với người lái buôn là Đỗ Tam. Trọng Quì thì tham của nhà Đỗ Tam. Đỗ Tam thì tham nhan sắc của vợ Trọng Quì, mới rủ nhau rượu chè cờ bạc, định lừa lẫn nhau.
Trọng Quì đánh bạc thường thường hay được. Nhị Khanh can rằng:
- Lái buôn tính hay lừa lọc, chớ nên chơi bời với hắn nữa, bây giờ tuy được của nó, rồi sau cũng thua hết với nó mà thôi.
Trọng Quì không nghe. Một hôm, Đỗ Tam họp bạn đánh bạc, bỏ ra trăm vạn quan tiền. Trọng Quì muốn vay. Đỗ Tam bắt phải viết giấy lấy nàng Nhị Khanh làm cược. Trọng Quì quen mui hay được, tưởng chừng chẳng đến nỗi thua, mới viết giấy cam kết với Đỗ Tam. Uống rượu rồi đánh bạc, Trọng Quì thua luôn ba tiếng, hết sạch cả tiền, gọi vợ bảo rằng:
- Tôi vì nghèo ngặt, phải lụy đến nàng, nay đã trót lỡ thế này, dù hối lại cũng không kịp. Thôi nàng hãy ở lại đây với ông ấy, không mấy bữa tôi sẽ đem tiền đến chuộc.
Nhị Khanh biết thân không thoát khỏi tay nó, mới nói với Đỗ Tam rằng:
- Bỏ chỗ nghèo theo chỗ giàu, thiếp còn ngại gì, mà cũng là duyên trời tiền định, ví dù chàng mà có bụng yêu đến thiếp, thì thiếp cũng xin hầu hạ chăn đệm như ở với chồng trước. Nhưng thiếp hãy xin một chén rượu, để biệt chồng cũ, và về nhà từ giã với con một đôi lời.
Đỗ Tam mừng lắm, sai rót vài chén rượu đưa cho. Nhị Khanh uống rồi về nhà ôm hai con ra vỗ vào lưng mà bảo rằng:
- Cha con bạc tình, không nương tựa được vào đâu, thôi thì các con ở lại với cha con, mẹ không mặt mũi nào bỏ con mà đi với người khác nữa.
Nói rồi tự vẫn. Đỗ Tam chờ mãi không thấy đến, cho người gọi thì nàng ấy đã chết rồi. Trọng Quì thương tiếc vô cùng, tự bấy giờ mới ăn năn, chừa chơi bời, nhưng sinh kế mỗi ngày một kém, sớm tối nhờ người, nhân có người bạn cũ làm quan ở Qui Hóa, mới đem con sang đấy để nương nhờ. Đi đến nửa đường, mỏi mệt lắm, nghỉ ở dưới gốc cây bàng, bỗng nghe có tiếng trên không gọi rằng: - Có phải chàng Phùng đấy không? Nếu chàng còn nhớ ân tình cũ, thì đến ngày ấy chờ tôi ở trong đền bà Trưng Vương, chớ coi cõi âm là khác.
Trọng Quì nghe rõ ràng tiếng nàng Nhị Khanh, ngẩng lên trông thì chỉ thấy đám mây đen bay về phương bắc. Trọng Quì nghĩ lấy làm lạ, y hẹn đến ngày vào đền. Khi đến nơi thì bóng chiều đã xế, phong cảnh đìu hiu, chỉ có tiếng chim kêu ríu rít trên cây cổ thụ, tình cảnh buồn rầu, muốn về thì trời đã tối, mới nằm nghỉ ở trong nhà tả mạc. Cuối canh ba nghe ti tỉ có tiếng khóc, trước còn xa sau đến gần, trông mập mờ thấy rõ mặt thì chính là nàng Nhị Khanh.
Nhị Khanh bảo Trọng Quì rằng: - Từ khi thiếp mất đi, Thượng đế thương tình cho giữ riêng một đền, coi về việc tấu sớ, không lúc nào rỗi mà thăm được chàng. Bữa trước nhân có việc đi làm mưa, xảy gặp chàng cho nên gọi mà hẹn, nếu không có dịp ấy thì không bao giờ được gặp nhau.
Trọng Quì hỏi: - Nàng hẹn tôi đến đây có việc gì vậy?
Nhị Khanh nói: - Thiếp thường được hầu cạnh Ngọc hoàng có nghe các tiên nói chuyện rằng: “Vận nhà Hồ đã hết, đến năm Bính tuất có việc binh đao, chết hại hơn 20 vạn người, ai mà không vun trồng cây đức, thì sợ mắc vào nạn ấy. Bao giờ có chân nhân họ Lê khởi lên thì mới yên”. Vậy chàng cố dạy hai con, phải vững lòng mà theo ông ấy, thì thiếp chết cũng được cái tiếng về sau.
Hai vợ chồng chuyện trò đến gần sáng mới ly biệt. Trọng Quì từ khi ấy hết sức dạy bảo hai con, cho đến lúc thành người. Đến khi vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa trong Lam Sơn, hai con mộ quân vào theo, về sau cùng làm đến Thị nội, bây giờ ở phủ Khoái, con cháu nhà ấy vẫn còn thịnh.
(Hết)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét