Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

...Phê bình văn học - Trương Đăng Dung



Những giới hạn của phê bình văn học


Nhà thơ Trương Đăng Dung. Ảnh: Thụy Phong
09/04/2013
NHỮNG GIỚI HẠN CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Trương Đăng Dung

 


Ở thời điểm này, chúng ta đã có độ lùi cần thiết để nhìn lại một số vấn đề đã và đang đặt ra cho phê bình văn học ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và ở Việt Nam hiện nay. Trước hết chúng tôi muốn nói đến quan niệm về phê bình khoa học và phê bình nghệ thuật. Thực ra quan niệm coi thường phê bình khoa học xuất hiện từ thời lãng mạn, ở châu Âu. Phê bình ấn tượng thời đó đã đạt tới đỉnh cao và không phải ngẫu nhiên Anatole France tuyên bố rằng phê bình văn học là nghệ thuật cộng với phiêu lưu, rằng nhà phê bình tốt là người kể lại những cuộc phiêu lưu tâm hồn đã được chiêm nghiệm của mình qua các tuyệt tác văn học! Các nhà phê bình ấn tượng thực ra đã chống lại quan điểm thực chứng của phê bình thực chứng, một xu hướng phê bình văn học chỉ biết đề cao mối quan hệ nhân quả, chủ yếu mô tả sự ra đời và môi trường ra đời của tác phẩm văn học mà không biết tiếp cận phẩm chất thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Từ đây lịch sử văn học tách ra làm hai loại phê bình văn học, đó là phê bình thực chứng (Xu hướng vận dụng phương pháp khoa học chính xác) và phê bình ấn tượng (một loại phương pháp mô tả ấn tượng thẩm mĩ). Ở một loạt nước Đông Âu trước đây, quá trình phân đôi này giữa lịch sử văn học và phê bình văn học đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ý thức văn học. Ở Hungari, đầu thế kỷ XX, đại bộ phận phê bình văn học hầu như trở thành một thể loại sáng tác mới, loại sáng tác nói về sáng tác, và đội ngũ phê bình văn học chiếm đa số là các nhà văn, nhà thơ. Như vậy phê bình ấn tượng đã có đất sống hồi đầu thế kỷ XX là do loại phê bình nghệ thuật này vừa là chỗ dựa vừa là nơi quảng bá có hiệu quả và kịp thời cho sự tiến bộ của văn học. Nhưng rồi chỉ với những ấn tượng chủ quan, phê bình ấn tượng không đủ sức bao quát hết những vấn đề lớn của sáng tác văn học, đã dẫn tư duy văn học đến với chủ nghĩa chủ quan đáng lo ngại.
Như vậy, việc đề cao một chiều tính khoa học (phi nhân hình hóa), hoặc tính nghệ thuật (nhân hình hóa) của phê bình văn học đều có nguy cơ dẫn đến sự phá vỡ thế cân bằng giữa hai yếu tố tương tác lẫn nhau là tính khoa học và tính nghệ thuật của phê bình văn học. Phi nhân hình hóa hoàn toàn sẽ tạo ra phê bình chính xác với việc hình thức hóa toàn bộ cấu trúc của tác phẩm văn học, đưa tác phẩm văn học đến với toán học. Nhân hình hóa hoàn toàn thì sẽ dẫn đến việc công bố những bản tường trình về các ấn tượng cá nhân, những tiểu luận trữ tình về các tác phẩm văn học. Hiện nay trên thế giới, người ta có xu hướng đi từ nhân hình hóa đến phi nhân hình hóa, và nhờ đó, tính chất khoa học của phê bình, của các phương pháp khoa học ngày càng được đề cao.
Vấn đề thứ hai mà chúng tôi muốn bàn đến ở đây là phê bình khách quan và phê bình chủ quan.
Phê bình khách quan xem xét tác phẩm theo hệ thống các chuẩn mực thẩm mĩ đã hình thành, được cộng đồng chấp thuận và bác bỏ những gì đối ngược với các chuẩn mực đó. Loại phê bình này thường đối sánh cái hệ thống của tác phẩm văn học với một hệ thống đã cho trước, rồi đưa ra lời phán xét trên cơ sở sự khác biệt được tìm thấy. Tuy vậy, sự bấp bênh và không ổn định của các chuẩn mực thẩm mĩ là yếu tố thường xuyên gây khó khăn cho phê bình khách quan, nhất là khi phê bình các tác phẩm văn học lớn, vì những tác phẩm văn học lớn thường thách thức và đặt lại hệ thống chuẩn mực đã hình thành từ trước.
Phê bình chủ quan thì lại không tuân theo các chuẩn mực, những ý kiến của nhà phê bình thường xuất phát từ sự trải nghiệm tác phẩm văn học một cách độc lập. Nhà phê bình chủ quan thường phán xét tác phẩm văn học một cách tự do, không chịu sự ràng buộc bởi hệ thống chuẩn mực nào cả. Phê bình chủ quan thường phát hiện và ủng hộ những nỗ lực đổi mới văn học, những thể nghiệm phá bỏ và tạo dựng hình thức nghệ thuật mới. Tuy vậy, phê bình chủ quan, với việc bác bỏ những chuẩn mực thẩm mĩ, dễ dẫn đến chủ nghĩa tương đối, làm cho các giá trị được phát hiện bị lệch khỏi hoạt động phê bình. Phê bình chủ quan, do đó, dễ rơi vào mô hình mô tả hay kể lể ấn tượng một cách đơn giản. Và một khi phê bình chủ quan gắn bó mật thiết với phê bình ấn tượng thì việc duy trì tính chất khoa học của phê bình văn học trở nên khó khăn hơn.
Trong thực tế, việc tiếp cận khách quan và chủ quan các sáng tác văn học đã có tác động đến toàn bộ lịch sử phê bình văn học. Khởi đầu, các nhà phê bình cổ điển và phê bình khai sáng ở châu Âu đã phán xét tác phẩm văn học theo những chuẩn mực cứng nhắc của chủ nghĩa cổ điển. Nhưng đến lượt nó, chủ nghĩa lãng mạn không chỉ làm khuấy động những tư tưởng đã hình thành của văn học mà cả ý thức văn học và các nguyên tắc phê bình nữa. Nó vứt bỏ sự phán xét văn học theo chuẩn mực và mở rộng không gian cho sự trải nghiệm cá nhân và phán xét chủ quan. Có thể nói, cuộc tranh giành vị thế giữa phê bình khách quan và phê bình chủ quan, sự thay thế vai trò lẫn nhau của hai loại phê bình này đã làm nên diện mạo của một số nền phê bình văn học ở các nước Đông Âu. Nhìn vào lịch sử phát triển của phê bình văn học, chúng ta thấy có sự điều chỉnh từ từ các chuẩn mực thẩm mĩ ở những nhà phê bình không tiếp cận tác phẩm văn học bằng những qui phạm bên ngoài, cứng nhắc, mà cố gắng rút ra các nguyên tắc chuẩn mực từ những tác phẩm lớn để xây dựng hệ thống giá trị mới cho văn học. Sự điều chỉnh những chuẩn mực, thậm chí sự phá vỡ những chuẩn mực là đòi hỏi chính đáng của nhà phê bình văn học, người vẫn tin rằng cái mới luôn luôn là thước đo của chất lượng thẩm mĩ. Phê bình văn học cần phải chú ý đến những tác phẩm biết từ bỏ các chuẩn mực thẩm mĩ đã cũ, vì bản chất của chuẩn thẩm mĩ là phải bị phá vỡ, bị vượt lên, chính trong sự phá vỡ thường xuyên các chuẩn mực đã có mà văn học có được sức mạnh đổi mới liên tục. Và việc phá vỡ các chuẩn mực đã hình thành sẽ kéo theo sự thay đổi cái hệ thống chuẩn mực đã đánh mất tính hiệu lực bằng một hệ thống khác. Thị hiếu nghệ thuật mới luôn luôn mang lại cái hệ thống chuẩn mực thẩm mĩ riêng. Nhà phê bình văn học lớn là người biết bảo vệ và khẳng dịnh những yếu tố mới của thị hiếu thẩm mĩ cá nhân hoặc thị hiếu thẩm mĩ cộng đồng qua những tác phẩm văn học mới xuất hiện, là người không chỉ biết phát hiện cái đẹp mà còn biết qui phạm hóa cái đẹp cho cả nền văn học.
Trong hoạt động phê bình văn học, để hình thành những chuẩn mực thẩm mĩ mới thì vai trò cá nhân của nhà phê bình cũng rất quan trọng. Và cái quyết định cá nhân nhà phê bình, bên cạnh thị hiếu thẩm mĩ, là trí tuệ, học vấn của anh ta. Ngay từ cuối thế kỷ XIX ở châu Âu, trong cuộc chiến giữa các nhà thực chứng chủ nghĩa và các nhà ấn tượng chủ nghĩa, người ta đều muốn khẳng định rằng các nhà phê bình thường xuyên phải trau dồi, phát triển thị hiếu thẩm mĩ của mình qua việc nghiên cứu các nhà cổ điển, rằng nhà phê bình càng có học vấn uyên thâm thì lại càng ít chủ quan trong việc phán xét tác phẩm văn học. Tức là thị hiếu thẩm mĩ riêng, tự thân nó chỉ mới là một trong những yếu tố chủ quan tổ chức sự phán xét tác phẩm. Việc thống nhất các ưu điểm của phê bình khách quan và phê bình chủ quan chỉ có hiệu quả thật sự nếu cả hai loại phê bình này có khả năng tác động như nhau lên nhà phê bình, nếu cả hai đều biết dựa vào thế giới quan, học vấn, đạo đức và thị hiếu của nhà phê bình ở một mức độ như nhau.
Chưa bao giờ xã hội Việt Nam có sự phân hóa sâu sắc như hiện nay giữa các tầng lớp trong xã hội trước các giá trị văn học. Đây là một sự thật mà chúng ta cần nhìn thẳng vào nó để có sự đánh giá đúng, tránh tình trạng hoang mang không cần thiết trước thực trạng đời sống văn học hiện nay. Công chúng tiếp nhận văn học ngày nay khác với công chúng trước năm 1985, người ta không còn đến với tác phẩm văn học như là đến với bản sao của hiện thực để xem các nhân vật trong tác phẩm có giống ngoài hiện thực, có “ngang tầm” hiện thực hay không mà chủ yếu để xem tác phẩm văn học nói gì về hiện thực, có tư tưởng mới gì về hiện thực. Trên cơ sở sự phân hóa tầm đón đợi trong tiếp nhận văn chương, đang hình thành các nhóm độc giả có thị hiếu thẩm mĩ khác nhau, lựa chọn và tiếp nhận các tác phẩm văn học cũng khác nhau. Rõ ràng đây là một đặc điểm không thể bỏ qua, nó thách thức nhà phê bình văn học khách quan và nhà phê bình văn học chủ quan trong việc đánh giá tác phẩm văn học. Nếu trước đây, xu hướng phê bình khách quan đóng vai trò chính, nhà phê bình đến với tác phẩm văn học với một thứ quyền uy đặc biệt, anh ta đại diện cho chuẩn mực thẩm mĩ chung đã được xác lập,  cho tất cả chỉ trừ không đại diện cho chính cá nhân nhà phê bình, để phán xét, đối sánh tác phẩm với hiện thực khách quan, rút ra bài học, quán triệt lập trường, khẳng định tác phẩm đúng hay sai, thì ngày nay phê bình văn học ở nước ta đang phải đối diện với những đòi hỏi mới từ phía các tầng lớp độc giả đã bị phân hóa. Độc giả ngày nay có nhu cầu khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của tác phẩm văn học, người ta không chỉ muốn tiếp cận nội dung tư tưởng mà cả những yếu tố khác làm nên tác phẩm văn học như một chỉnh thể. Liên quan đến điều đó là cách đánh giá tác phẩm văn học giữa các nhóm độc giả cũng khác nhau. Vậy trước thực trạng bạn đọc và yêu cầu đổi mới văn học hiện nay, chúng ta đánh giá theo những tiêu chí nào? Do sự phân hóa sâu sắc tầm đón đợi của người tiếp nhận (trong đó có nhà phê bình), những tiêu chí thẩm mĩ, tư tưởng và đạo đức thường xuyên bị vận dụng lẫn lộn cả trong thực tiễn và trong lí thuyết, và đây chính là mảnh đất tốt cho những đánh giá nhầm lẫn, không ít trường hợp, nói như T.S. Eliot, người ta phán xét tính văn học của một văn bản văn học nào đó bằng các tiêu chí thẩm mĩ, còn sự vĩ đại của một tác phẩm văn học lại được nhìn từ những tiêu chí ngoài thẩm mĩ. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, phê bình văn học ở Việt Nam cần kết hợp một cách tốt nhất những tiêu chí thẩm mĩ và những tiêu chí ngoài thẩm mĩ trong việc đánh giá tác phẩm văn học, mục đích cuối cùng là phải tạo ra được hệ thống giá trị mới và qui phạm hóa được hệ thống giá trị mới đó nhằm thay đổi cách đánh giá văn học.
Cái giới hạn lớn nhất mà phê bình văn học luôn luôn phải đối diện lại chính là văn bản văn học, đối tượng của nó. Nếu nói khoa học văn học thực hiện những thao tác vừa cụ thể vừa trừu tượng thì phê bình văn học có nhiệm vụ thực hiện những thao tác cụ thể đó. Phê bình văn học hướng đến việc nghiên cứu và đánh giá văn bản mà thực chất là muốn xác lập giá trị văn học của văn bản một cách cụ thể. Sự tồn tại của tác phẩm văn học không thể tách rời phẩm chất giá trị của nó. Nhưng giá trị của một tác phẩm văn học chỉ có được khi người ta đọc nó. Nghĩa là cơ sở của phê bình văn học là sự đối thoại với các văn bản văn học thông qua hoạt động đọc và hiểu chúng. Ngay từ đầu thế kỷ XX lí luận văn học hiện đại đã nhận ra sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, tiếp đến, những thành tựu của lí luận văn học hậu hiện đại đã phá vỡ những giới hạn của tư duy lí luận văn học hiện đại, với những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản văn học trong quan hệ với những yếu tố khác ngoài văn bản; phát hiện ra bên cạnh nghĩa đang tồn tại là nghĩa được thiết lập của văn bản văn học trong quá trình tiếp nhận. Như vậy, văn bản văn học ẩn chứa những thông điệp mang nhiều nghĩa khác nhau, luôn biến động và không thể khoanh vùng. Vì thế luôn luôn có cái gì đó thay đổi trong phương thức tồn tại của tác phẩm văn học liên quan đến người đọc, chính sự thay đổi này là nguồn gốc của những khác biệt về phương thức chiếm lĩnh thẩm mỹ tác phẩm văn học, về nghĩa và ý nghĩa của nó. Không có tác phẩm văn học nào tồn tại khép kín, với một vẻ mặt duy nhất dành cho tất cả mọi người đến với nó. Nhưng mỗi cách lí giải tác phẩm văn học đều phản ánh những yếu tố chủ quan (và cả những giới hạn) của nhà phê bình văn học trong việc đọc và hiểu tác phẩm văn học. Từ bản chất của nó, sự hiểu văn bản văn học luôn chứa đựng cái chưa xác định, cái bất ổn. Và văn bản văn học là cái mê cung của sự tạo nghĩa không ngừng, nói như Umberto Eco, “mọi tác phẩm, dù được sáng tạo theo thi pháp tất yếu nào cũng mở theo các kiểu đọc, mỗi kiểu đọc mang tới cho tác phẩm một đời sống mới từ một triển vọng nào đó theo thị hiếu cá nhân của người đọc”(2).
Những bất cập có tính truyền thống của phê bình văn học ở các nước xã hội chủ nghĩa Trung và Đông Âu trước đây và ở Việt Nam hiện nay phần lớn là do chưa thiết lập được những mối quan hệ tương hỗ thật sự hiệu quả bên trong hệ thống các khoa học văn học, cụ thể là mối quan hệ giữa phê bình văn học với lí luận văn học và lịch sử văn học. Sau năm 1945, phê bình văn học mácxít ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã được triển khai trên diện rộng, nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở nhiệm vụ tìm kiếm “những cấu trúc đồng đẳng” của hiện thực được phản ánh trong tác phẩm văn học theo tinh thần văn học phản ánh hiện thực “bằng các hình thức của đối tượng” (G. Lukács). Trong khi những thành tựu mới của sáng tác văn học đòi hỏi những phương thức tiếp cận mới như thi pháp, ngôn ngữ, phong cách... thì các nhà phê bình văn học chỉ mới nói lên những ấn tượng cá nhân theo một hệ qui chiếu từ những giá trị nằm ngoài văn học, thậm chí phi văn học. Một nền phê bình văn học không cần đến sự đa dạng của tư duy triết học và lí luận văn học, thậm chí dị ứng với những yếu tố hình thức, xa rời lịch sử văn hóa, đã dẫn đến quá trình báo chí hóa mà ở đó, nhà phê bình tuy có được công chúng nhất thời, nhưng lại đánh mất mối quan hệ trực tiếp, cần thiết vô điều kiện với tác phẩm văn học, xa rời bản nhiên và các giá trị bên trong làm nên chỉnh thể của tác phẩm văn học.
Trong một chuyên luận vừa mới được xuất bản(3), chúng tôi có viết rằng: đặc trưng  của mọi công việc nghiên cứu khoa học là sự triển khai, phân tích và tổng hợp đối tượng nghiên cứu. Muốn thực hiện được điều đó, mọi ngành khoa học đều phải tiếp cận đối tượng trên hai bình diện là kinh nghiệm và lí luận. Chính các mối quan hệ giữa cụ thể và trừu tượng, riêng và chung sẽ bổ sung những điểm nhìn từ các phía khác nhau đến một đối tượng chung nhất có tên gọi là tác phẩm văn học. Điều đó nói lên sự gắn bó, liên kết giữa lí luận văn học và nghiên cứu, phê bình văn học. Tuy nhiên, nếu hiểu sự gắn bó đó như là sự hòa trộn của ba ngành nghiên cứu này thì thật là sai lầm về nhận thức khoa học. Ở Việt Nam không biết từ bao giờ cụm từ lí luận - phê bình luôn đi với nhau và đương nhiên nhà phê bình cũng đồng thời là nhà lí luận và nhà lí luận cũng phải là nhà phê bình. Khi nói đến tình trạng yếu kém của nghiên cứu lí luận văn học, người ta cũng nghĩ luôn sự yếu kém đó là của phê bình văn học, và ngược lại. Do đó không một ngành khoa học nào tự ý thức rõ về sự yếu kém của mình. Lâu dần trong đời sống văn học ở nước ta xuất hiện hai đặc điểm: Một là người ta thậm chí không muốn chấp nhận những người làm lí luận thật sự, cho đó là kinh viện, trừu tượng, liên quan đến phương Tây, xa rời đời sống văn học, làm cho không ít những người làm lí luận tự rời bỏ “lãnh địa” của mình tham gia vào những công việc không đúng với sở trường của họ. Hai là các nhà phê bình không ý thức được sự nguy hiểm của một nền phê bình suy lí luận văn học. Một số nhà phê bình ít quan tâm đến những thành tựu của lí luận văn học, thậm chí dị ứng với lí luận văn học vì nó khó hiểu và nhất là nó có thể chỉ ra những điểm bất cập trong sự nghiệp của họ. Do không có được cái bản sắc riêng của đối tượng, lí luận văn học và phê bình văn học ở Việt Nam vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mỗi ngành, làm cho hai ngành khoa học này chẳng những không có được sức mạnh tương tác mà còn trở nên mờ nhạt và suy yếu như nhau. Như ở phần trên chúng tôi đã nói, ở phương Tây, sự gắn bó mật thiết của phê bình văn học với các trào lưu triết học và lí luận văn học đã làm nên một số trường phái phê bình văn học lớn. Ở nước ta, lí luận văn học chẳng những không có truyền thống, mà ngay cả chút ít vốn liếng tiếp nhận được từ hệ thống lí luận văn học mácxít cũng không được nghiên cứu, giới thiệu một cách bài bản và hệ thống, thậm chí có người không hề đọc các tác phẩm mĩ học mácxít của các nhà mỹ học lớn thực thụ, nhưng khi cần vẫn phê bình họ rất hồn nhiên. Còn các thành tựu của mĩ học và lí luận văn học phương Tây thì lại càng không được chú trọng đúng mức, với những gì vừa được dịch và giới thiệu trong những năm gần đây, chúng ta chưa thể nói là đã biết và hiểu lí luận văn học phương Tây một cách hệ thống. Trong tình hình này, nếu muốn nâng cao tính học thuật thì phê bình văn học của chúng ta biết dựa vào đâu?
Để kết thúc tham luận này, tôi xin phép trích một đoạn văn tôi viết cách đây 12 năm, trong bài Sự phát triển của văn học trong tương quan các giá trị: Đã có thời tôi không muốn trở thành nhà phê bình văn học, vì tôi không muốn các nhà văn bất tài phải buồn và đau khổ. Riêng sự bất tài của họ cũng đủ làm họ bất hạnh lắm rồi, ta có nên làm họ bất hạnh thêm? Tôi tự hỏi như vậy và với thời gian tôi đã hiểu chính tôi mới là kẻ bất tài trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phê bình văn học. Vì thế tôi rất cảm phục các nhà phê bình văn học có tài và trung thực. Vai trò của các nhà phê bình văn học rất quan trọng trong đời sống văn học. Văn học - như  một phần của nền văn hóa dân tộc - có thể bị “suy nhược”, “teo tóp”, thậm chí có thể bị giết chết vì những lí do nào đó. Các nhà phê bình văn học chân chính là những nhà văn hóa có khả năng “bắt mạch” và cứu sống nền văn học dân tộc. Lịch sử văn học của một số nước Đông Âu nửa đầu thề kỷ XIX đã chứng minh điều đó, khi lời tiên đoán của Herder về sự tiêu vong của một số nền văn hóa có thể sẽ trở thành hiện thực. Sáng tác văn học là một cuộc chơi tinh thần tinh túy nhất của con người. Phê bình văn học, với những đặc trưng riêng của nó, cũng là một cuộc chơi khám phá kì thú không thể thiếu được. Nếu lịch sử văn học không chỉ là lịch sử ra đời của các tác phẩm văn học mà còn là lịch sử tiếp nhận các tác phẩm văn học, thì phê bình văn học, một cách tất yếu, có vị trí quan trọng trong tiến trình đó. Các nhà phê bình văn học đích thực không phải là những nhà quảng cáo và càng không phải là những công chức thừa hành nhiệm vụ giám sát các tác phẩm văn học một cách máy móc, tôi chưa dám nói  là vụ lợi. Họ phải là những nhà khoa học có trái tim nghệ sĩ, giàu tâm huyết. Một xã hội có văn hóa và dân chủ là một xã hội biết nghe nhiều ý kiến khác nhau về mọi vấn đề, xã hội đó không thể chấp nhận những nhà phê bình văn học kém cỏi về học vấn và trí trá về nhân cách(4)1

Hà Nội, 5-2004

_______________
(1) G. Lukács: Những nhiệm vụ của phê bình văn học mácxít. (Trong sách Văn hóa Hungari - văn học Hungari. Nxb. Gondolat, Budapest, 1970.
(2) Umberto Eco: Tác phẩm mở. Nxb. Gondolat, Budapest, 1976; tr.55.
(3) Trương Đăng Dung: Tác phẩm văn học như là quá trình. Nxb. KHXH, H, 2004.
(4) Tạp chí Văn học, số 6-1993; tr.7.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, s.7/2004
Pi Uy


Hình ảnh gợi cảm táo bạo của phụ nữ Mỹ thập niên 1920

Hình ảnh gợi cảm táo bạo của phụ nữ Mỹ thập niên 1920

(Dân trí)- Những bức ảnh cổ được chụp từ thập niên 1920 cho thấy những khuôn hình táo bạo, khắc họa phụ nữ Mỹ trong những bộ trang phục và tư thế gợi cảm. Năm 1920 từng được xem là năm "giông bão" trong đời sống văn hóa ở Mỹ và phương Tây.
Xem tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét