ĐỖ ĐỨC HIỂU – NHÀ PHÊ BÌNH THI PHÁP HỌC
MƠ MỘNG VÀ SÁNG TẠO
(Tưởng nhớ Thầy nhân 55 thành lập khoa Ngữ Văn)
Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu sinh ngày 16.9.1924 tại Xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Trong đội ngũ những người thầy đầu tiên có công xây dựng ngành Ngữ Văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng có thời kỳ được gọi là Văn Khoa, Tổng hợp, giáo sư Đỗ Đức Hiểu thuộc thế hệ thứ hai, sau thế hệ các học giả hàng đầu của ngành Ngữ văn, gồm Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị...Nhắc đến thế hệ các nhà giáo, nhà nghiên cứu, trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và Ngữ văn nói riêng lúc bấy giờ, tại cái nôi Văn khoa - Tổng hợp, hẳn sẽ còn lâu lắm, chúng ta mới có đủ “giấy bút” để nói được hết công lao của họ. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu cũng thuộc số những tên tuổi “đáng giá” đó.
Tôi biết giáo sư Đỗ Đức Hiểu có phần hơi muộn, phải đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng có may mắn được gần gũi, học, làm việc, chia sẻ tâm sự, và nhờ thế mà hiểu được ít nhiều về ông. Quả thật không khó có thể hình dung lại ông ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, và cả phút cuối cùng phải vĩnh viễn xa ông. Ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, ông là người “đầy cá tính”. Gần như tất cả các thế hệ đồng nghiệp và học trò của ông đều dễ dàng hình dung ra một Đỗ Đức Hiểu thế này: gầy gò, xanh xao, đôi khi có cảm giác “thiếu sức sống”, ngồi gần nói chuyện với ai thì chỉ “thẽ thọt”, nhẹ nhàng, nhưng khi giảng bài thì giọng ông âm vang như sóng biển ngày lộng gió (ngồi ở phía cuối lớp vẫn có thể nghe được hết từng âm thanh rành rọt). Sức làm việc của giáo sư Đỗ Đức Hiểu thì thật sự phi thường. Thật khó ai có thể hình dung nổi, một người bị cắt tới hai phần ba dạ dày ngay từ tuổi thanh niên, hình hài chẳng khác nào một cây sậy, vậy mà vẫn đạp xe đều đặn, dù mưa hay nắng vẫn không hề sai giờ, từ 26 phố Hàng Bài vào ký túc xá Mễ Trì, nơi đóng đô của hai khoa Văn, Sử những năm 70, khi còn là phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn; đêm về, lại “còng lưng” xuống những trang sách (do mắt kém, phải đeo kính cận trên 5 điôp), để cho ra đời hàng ngàn trang viết âm vang sáng tạo cho nhiều thế hệ học trò. Những năm cuối đời do bệnh tật, giữa những cơn đau, tôi biết, giáo sư Đỗ Đức Hiểu vẫn đọc, làm việc, mặc dù, dường như đã đến lúc sức khoẻ không cho phép ông còn đủ minh mẫn để viết ra những ý tưởng sáng tạo của mình.
Đúng ra, nếu không có sự biến thiên của cuộc đời, cứ theo vào sự lựa chọn ban đầu, lẽ ra Đỗ Đức Hiểu phải trở thành một luật sư, hay nếu khác hơn một chút, ông đã là một công chức hành nghề luật. Đỗ tú tài năm 1943, ông vào học ban luật, cùng thế hệ với nhà văn Nguyễn Đình Thi, lúc đó học triết. Khá lâu sau này, cả hai, cuối cùng, cũng sẽ lựa chọn con đường văn chương, một bên, Đỗ Đức Hiểu, chọn giảng dạy và nghiên cứu; và bên kia, Nguyễn Đình Thi, chọn sáng tác. Cả hai đều giống nhau là không đi đến tận cùng sự lựa chọn ban đầu của mình. Kháng chiến bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, hai ông rời Trường Pháp lên chiến khu. Với Nguyễn Đình Thi, hình như một chút “máu nghề nghiệp” ban đầu vẫn còn theo đuổi ông cho đến tận những ngày đầu tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông đã viết khá nhiều công trình nghiên cứu triết học in trên một số báo, tạp chí lúc bấy giờ, còn Đỗ Đức Hiểu, hình như, sự lựa chọn ban đầu muốn trở thành luật sư, hay chí ít cũng là một công chức dính líu với luật, thế nhưng cuối cùng, ông không để lại bất cứ dấu vết nào. Ông giống nhà hài kịch Pháp thế kỷ XVII, Molière, người mà ông giành rất nhiều tâm huyết trong bộ giáo trình Lịch sử văn học Pháp, cũng từ bỏ lựa chọn ban đầu là nghề trạng sư, để dấn thân vào con đường nghệ thuật. Với Đỗ Đức Hiểu, một chút dấu vết nghề nghiệp ban đầu có chăng chỉ còn được bộc lộ phần nào qua cách ông trình bày hay diễn thuyết một vấn đề gì mà ông cho là tâm đắc; hay khi phải bộc lộ chính kiến phản bác một vấn đề gì mà ông không bằng lòng. Lúc đó, những lý lẽ của ông thật vô cùng sắc bén. Có lẽ, tất cả còn lại chỉ là như thế. Còn thì, văn chương dường như đã là một sự “lựa chọn định mệnh” với ông . Chính xác, từ ngay sau năm 1945, nghĩa là ngay sau khi rời giảng đường Luật, 19 Lê Thánh Tông, cho đến tận những ngày cuối đời, ông chỉ “đau đáu” với duy nhất với một con đường định sẵn - văn chương - khi là một nhà giáo gõ đầu trẻ ở Trường phổ thông trung học Phú Thọ; rồi Trường Lương Ngọc Quyến Thái Nguyên, lúc là giáo sư ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội; và có khi trong công việc một giáo sư Tây học với đúng nghĩa, dạy tiếng Pháp tận bên Nam Kinh, Trung Quốc; và lúc khác nữa, là công chức ban Tu thư của Bộ Giáo dục Đào tạo, tổ chức biên soạn sách giáo khoa phổ thông. Dù “viễn du” trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến như thế, tất cả mọi công việc của ông vẫn đều gắn bó “duyên nợ” với văn chương. Có lẽ vì thế về sau này, ta sẽ thấy một Đỗ Đức Hiểu luôn “quảng bác” trong sự nghiệp văn học của mình. Thật rất khó có thể xếp ông chỉ riêng vào một lĩnh vực chật hẹp nào đó. Chẳng hạn, nếu cho rằng ông là một chuyên gia có hạng về văn học phương Tây. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, bên cạnh những trang viết sắc sảo về mảng văn học này, ta còn bắt gặp không ít những trang viết tinh tế, sâu sắc của ông về văn học Việt Nam; thậm chí nhiều người cho rằng, ông phải là một chuyên gia về văn học Việt Nam mới đúng. Đành là như vậy, đã có thời kỳ, từ 1955 đến 1958, ông tham gia viết sách giáo khoa tại Ban Tu thư, Bộ giáo dục đào tạo, đồng thời cũng là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn, những nhà Tây học và Việt Nam học cự phách một thời, gồm Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn...dịch Những người khốn khổ, trong một thứ tiếng Việt thấm đẫm tinh thần Hugo, mà cũng rất Việt Nam. Còn nữa, đọc những trang viết của Đỗ Đức Hiểu, có lúc, người ta nhận ra trong đó kiến thức của một bậc hàn lâm, bởi lẽ, từ cách đặt vấn đề, lý giải vấn đề đến dẫn giải tư liệu, phân tích văn bản, ông không khác gì một giáo sư Pháp học thực sự; lại có khi, ông viết những trang văntrong trẻo, réo rắt như một “cậu học trò” phổ thông. Và thật khó “định giá” phẩm chất nào ưu thế hơn phẩm chất nào (?). Nhà giáo, người đồng nghiệp gần gũi và hiểu ông nhất trong nhiều năm, nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm, trong một bài viết ngắn sau khi ông qua đời, đã có một nhận xét rất chính xác rằng, ở ông “có lắm chấthugolien, rõ nhất là những tương phản: nhà Tây học và ông đồ, rụt rè và can đảm, tuổi già và suy nghĩ trẻ trung...”. Quả là phải rất hiểu ông mới rút ra được nhận xét tinh tế đó. Và đó chưa phải đã hết, tôi cho rằng, điều quan trọng hơn, cần phải làm rõ phẩm chất con người và công việc của ông như thế này: chính nhờ ở những đối nghịch, mà ông đồng thời cũng luôn là người không ngừng đổi mới. Đổi mới và sáng tạo là hai mặt thống nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Nếu nói đúng như các nhà triết học, sự vật chỉ có thể phát triển khi chứa đựng trong lòng nó những mặt đối lập. Soi sáng toàn bộ sự nghiệp của Đỗ Đức Hiểu, chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn điều đó.
Có thể khẳng định, Đỗ Đức Hiểu bắt đầu đến với văn chương chính bằng sự say mêvà trải nghiệm từ nền văn học dân tộc, văn học Việt Nam. Những năm cuối đời, trong tâm sự với nhà phê bình Trung Đức, ông viết: sau khi đã “viễn du” sang “tận trời Tây” lang thang bên Trường Giang, bên sông Tiền Đường, ngồi bên Tây Hồ, Tô Châu, Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải (thời gian tôi sang Đại học Tổng hợp Nam Kinh, dạy tiếng Pháp). Có khi tôi lang thang bên bờ sông Seine, trong vườn Luxembourg, ngồi ở ghế dưới tượng George Sand, có khi ngắm nhìn Mona Lisa ở Louvre, Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, Điện Panthéon (thời kỳ tôi sang trường Đại học Paris VII, nghiên cứu phương pháp viết lịch sử văn học Pháp)...”, ông lại trở về với mình, với những gì thân quen trong vườn văn chương dân tộc, để viết những điều tâm đắc thứ văn chương tiếng Việt thân yêu nhất của mình. Với văn học Việt Nam, thực ra, ông đã say mê và gắn bó với nó từ bé. Say mê văn học Pháp, nhưng Đỗ Đức Hiểu không bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nền văn chương này. Có lẽ, điều đó hoàn toàn dễ hiểu: Ông không được đào tạo thật sự chính quy. Ban đầu ông vốn là sinh viên luật. Mặc dù sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu văn học Pháp, gắn bó với ông gần năm chục năm trời( thành tựu quan trọng của ông cũng là ở mảng văn học này), nhưng phải đến năm 1958, khi rời Ban Tu thư về khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, vốn liếng về văn học Pháp, như ông nói, là do “tự đào tạo”. Trong khi đó, vốn kiến thức về văn học Việt Nam, ông đã tích luỹ nó từ rất lâu. Sinh ra trong một gia đình trí thức, yêu nghề dạy học, ông đã được người cha động viên và khích lệ rất nhiều. Từ tận đáy sâu tâm hồn mình, ông nhớ lại, tôi “ca hát” Ba năm trấn thủ lưu đồn...” Nàng Tô thị, Thiếu phụ Nam Xương, Mày ai trăng mới in ngần, Phấn thu hương cũ bội phần xót xa...”. Giáo sư Đặng Thị Hạnh, một đồng nghiệp khác cũng rất gần gũi và hiểu bậc “đàn anh” của mình, đã kể lại, lần đầu tiên gặp và dự giờ giảng của giáo sư Đỗ Đức Hiểu tại trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên, như sau: “Khi vừa chân ướt chân ráo về trường, tôi đã được dự một giờ dạy văn của anh Đỗ Đức Hiểu. Sau này, tôi sẽ cùng ở tổ bộ môn với anh nhiều năm, nhưng năm tháng trôi qua, từ lần gặp đầu tiên cho đến mấy chục năm sau, lúc anh ra đi, về diện mạo và tính cách, tôi thấy, hầu như anh không hề thay đổi,. Năm anh khoảng 75 tuổi, một cậu học sinh trường Tổng hợp gặp lại thầy, sau nhiều năm đã tuyên bố: “thầy vẫn trẻ như xưa, bởi từ xưa thầy đã già”. Có thể nói về anh bằng cách mượn câu thơ Tổ Hữu đã miêu tả một cô gái anh hùng nổi tiếng (anh “có tuổi hay không có tuổi”). Vào lớp cùng đồng nghiệp, ngồi xuống bàn cuối, tôi thấy một người đàn ông cao và gày nhom, mắt hay ngước lên trời, vẻ đầy cảm hứng. Nhưng khi anh bắt đầu giảng bằng cái giọng the thé (nhất là khi anh bốc lên) - điều đáng ngạc nhiên là giọng đó và vẻ đó không có gì nực cười - cả lớp im phăng phắc. Anh giảng về một bài thơ nổi tiếng – xưa, rất xưa - của Bà Huyện Thanh Quan, mà tên người (và tên phố) đều gợi lên một cái gì đó vừa đoan trang (về con người) vừa cao sang, thanh thoát (về thơ), thật buồn cười khi cái tên mượn từ nơi người chồng làm tri huyện lại hay hơn tên thật của bà. Sau này, trong một bài viết rất hay, anh Hiểu sẽ đối lập thơ Hồ Xuân Hương và thơ Thanh Quan: anh thích thơ Hồ Xuân Hương hơn! Nhưng ngay lúc đó tôi bị ấn tượng mạnh vì bước chuyển anh tiến hành từ ngôn từ nghệ thuật sang liên tưởng khái quát. Vào tuổi tôi lúc đó, đọc tiểu thuyết hay thơ, bao giờ tôi cũng chỉ có cảm nhận tức khắc về vẻ đẹp của ngôn từ và của nhân vật hay tình huống. Nghe anh Hiểu giảng, tôi bỗng nhận ra: lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương không chỉ là ánh hoàng hôn trên một phong cảnh mà còn là ẩn dụ về hoàng hôn của một thời đại. Tôi cũng hiểu cấu trúc thật quan trọng: tập hợp những từ có phần sáo mòn theo một kiểu nào đấy (ở đây là rất tỉnh lược) vẫn có thể dẫn đến những hiệu quả thật độc đáo. Đây chắc chắn là lần đầu tiên tôi bước chân vào rìa mép địa giới của cái được gọi là thi pháp...” (Cô bé nhìn mưa, NXB Phụ nữ, 2008).
Những kỷ niệm về giáo sư Đỗ Đức Hiểu của Đặng Thị Hạnh đã giúp ta hình dung được phần nào chí hướng khoa học của ông ngay từ những ngày đầu. Lúc đó, Đỗ Đức Hiểu, mới chỉ là một ông giáo dạy văn phổ thông. Những bài giảng văn đầu tiên lúc ấy về sau này sẽ được ông viết lại và cho in trong công trình Đổi mới phê bình văn học, năm 1993. Một cách chính xác hơn, bài viết Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương, trước đó một chút, ông đã công bố nó trên tạp chí Văn học (số 5 năm 1990), khiến giới nghiên cứu văn học Việt Nam lúc ấy trầm trồ. Trước đó, vì chưa hiểu hết ông, người ta chỉ hình dung về một Đỗ Đức Hiểu với biệt danh một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học phương Tây (có lẽ vì ông chính thức giảng dạy văn học phương Tây ngay từ những ngày đầu trở về khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội). Ông dịch Molière, Paul và Vierginie, biên soạn giáo trình Văn học Phục hưng Phương Tây in rô nê ô cùng với giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, viết chung giáo trình Văn học phương Tây (do NXB Đại học và THCN in năm 1963) với nhóm giảng viên Đại học Sư phạm, cùng đồng nghiệp Nguyễn Văn Khỏa. Ứng dụng Thi pháp học để phân tích thế giới thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, như Đỗ Đức Hiểu đã làm, lúc ấy là một sự “lạ”. Tuy, thật ra, từ một vài năm trước, những công trình ứng dụng thi pháp học của Trần Đình Sử, Lê Đình Kỵ, Phan Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh...trong nghiên cứu văn học Việt Nam đã từng xuất hiện. Thậm chí, một cách công bằng, ngay từ năm 1952, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai, cũng đã từng vận dụng thành công thao tác phân tích thi pháp học trong trường hợp Giảng văn Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Một số công trình khác nữa được dịch từ nước ngoài:Rabelais và nền văn hoá dân gian trung thế kỷ, Những vấn đề thi pháp tiểu thuyếtcủa Barkhtin, Hình thái học của truyện cổ tích của Propp…đã xuất hiện tại phòng Tư liệu khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội từ cuối những năm 60. Nghĩa là,việc vận dụng thi pháp trong nghiên cứu văn học ở nước ta, chí ít từ đầu những năm 60 đã không còn là điều quá mới mẻ. Mặc dù vậy, rường hợp Đỗ Đức Hiểu vẫn cứ gây cho người đọc đôi chút chút cảm giác lạ. Tại sao vậy?
Thi pháp hay Thi pháp học ở nước ta có thời kỳ rộ lên như một thứ mốt thời thượng (à la mode) tới mức giáo sư Đặng Thị Hạnh khi viết chuyên luận Tiểu thuyết Hugo, đã tâm sự với tôi rằng, bà rất ngại đặt phía trước đầu đề cuốn chuyên luận của mình hai chữ thi pháp. Tôi không nghĩ giáo sư Đỗ Đức Hiểu là người quá “kỹ tính” (như GS Đặng Thiị Hạnh) hay ưa chạy theo mốt (như một vài nhà phê bình khác). Nhưng, chắc chắn, ở bất cứ thời điểm nào, ông cũng yêu sự đổi mới, sáng tạo. Với Đỗ Đức Hiểu, đổi mới, sáng tạo là lẽ sống. Trong nghiên cứu văn học, dường như ông không bao giờ chịu đứng yên. Không chỉ đổi mới những gì đã có của người khác mà ông còn không ngừng đổi mới cả bản thân mình. Thật ra, những vấn đề về thi pháp hay thi pháp hiện đại về sau này, học trò, vì yêu quý thầy, muốn lưu giữ lại ở ông một chútlấp lánh, trẻ trung, thời thượng, mà đặt tên cho công trình tập hợp những bài viết có tính chất đổi mới từ hai công trình đã in trước đó (Đổi mới Phê bình văn học, NXB Mũi Cà Mau, 1993; Đổi mới đọc và bình văn, NXB Hội Nhà văn, 1999) là Thi pháp hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2000). Thế nhưng là người đủ tri thức và bản lĩnh, Đỗ Đức Hiểu không “ngây thơ” nghĩ rằng thi pháp học là một thứ “ngoáo ộp”, có thể thay đổi được tất cả mọi thứ trên đời, sử dụng nó thay thế được cho sự lao động sáng tạo . Với ông, thi pháp học “là một thành tựu lớn của khoa nghiên cứu văn học thế kỷ XX”. Là người đủ vốn ngoại ngữ để đọc lý luận từ trong nguyên bản, ông không bao giờ lợi dụng “thế mạnh” đó để làm phức tạp thêm một hướng nghiên cứu mới, tuy không lạ, nhưng ở thời điểm ấy, còn chưa quen thuộc với nhiều người. Phần viết về lý thuyết Thi pháp của ông có ưu điểm rất lớn là dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Ông định nghĩa “theo cách hiểu thông thường hiện nay trên thế giới, thi pháp, là phương pháp tiếp cận, tức là nghiên cứu, phê bình tác phẩm văn học, từ các hình thức biểu hiện bằng ngôn từ nghệ thuật, để tìm hiểu các ý nghĩa triết học, đạo đức học, lịch sử, xã hội học v.v...cấp độ nghiên cứu thi pháp học các hình thức nghệ thuật (kết cấu, âm điệu, nhịp câu, đối thoại, thời gian, không gian, cú pháp v.v...) yêu cầu đọc tác phẩm như một chỉnh thể, ở đó, các yếu tố ngôn từ liên kết chặt chẽ với nhau, hợp thành một hệ thống, để biểu đạt ý tưởng, tình cảm, tư duy, nhân sinh quan...tức là cái đẹp của thế giới con người (các phương pháp “truyền thống” trên thế giới, tức là trước đại chiến II – coi nhẹ hoặc bỏ qua chất liệu của văn chương làngôn từ, nên mắc một số sai lầm, có khi nghiêm trọng và không khai thác được những ý nghĩa đa dạng của tác phẩm). Điểm xuất phát của thi pháp là coi tác phẩm văn học là văn bản ngôn từ...” (Thi pháp hiện đại,NXB Hội Nhà Văn, 2000, tr10). Sở dĩ, tôi đã trích dẫn hơi dài một chút ở đây phần viết về thi pháp của Đỗ Đức Hiểu là bởi muốn chứng minh cho mọi người thấy được rằng ông đã tinh tế thế nào, trong việc biến một cái khó hiểu thành một điều dễ hiểu. Chỉ cần đọc mấy dòng định nghĩa của ông, chúng ta đã nhận ra rằng, thi pháp đâu phải là cái gì quá xa lạ, bí hiểm.Nó có thể là chính phưong pháp chúng ta đã từng làm từ bấy lâu nay. Thế nhưng, không phải không từng có những công trình Thi pháp học lúc bấy giờ được công bố khiến không ít người đọc hoang mang. Về điểm này, tôi cho rằng, Đỗ Đức Hiểu tuy không phải là một nhà lý thuyết sâu sắc, nhưng chắc chắn ông lại là một nhà ứng dụng tài tình. Ông hiểu rằng, sự đọc của con người là vô bờ, nếu không tìm được “chiếc gậy thần”, người ta không bao giờ có thể đi được tới bến. Tìm đến với nguồn tri thức nhân loại, Đỗ Đức Hiểu “xót xa khi thấy tầm vóc tí hon của bản thân mình, bên cạnh những Genette, Jakobson, Aueurbach...những nhà phê bình có những hiểu biết mênh mông, bát ngát, phê bình một nhà thơ Nga cổ bằng tiếng Slave cổ, phê bình Baudelaire bằng tiếng Pháp, nhà văn Woolf bằng tiếng Anh, rồi Schiller bằng tiếng Đức v.v... “Tự thấy mình bé nhỏ” nhưng không phải vì thế mà co lại trong cáivỏ bọc tí hon của mình. Trái lại, Đỗ Đức Hiểu luôn là người biết suy tư, mơ mộng. Thậm chí, đôi khi, tiềm năng mơ mộng và sáng tạo của ông vượt sang ranh giới của sự cực đoan. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu không có sự cực đoan đáng yêu đó, sẽ thật khó hình thành một Đỗ Đức Hiểu như chúng ta đã có hiện nay. Trong nghiên cứu khoa học nói chung và văn học nói riêng, cực đoan đôi khi cũng đồng nghĩa với sự sáng tạo. Có lẽ vì thế, mặc dù rất tự biết lượng sức mình trong các lĩnh vực cần quan tâm, nhưng riêng với việc đọc, nhất là đọc những cái mới, Đỗ Đức Hiểu không bao giờ tiếc thời gian và công sức. Ông tự nhủ “muốn hiện đại hoá bản thân mình, tôi phải có nhiều điểm nhìn, phải hiểu biết ngôn ngữ học, từ chương học, ký hiệu học, cấu trúc học, phân tâm học, triết học và hiểu biết nhiều nền văn hoá”. Đó là cáinền mà mỗi nhà nghiên cứu, dù phương Đông hay phương Tây, trong nước hay nước ngoài, đều phải tự trang bị cho mình. Là một nhà “Tây học” nhưng chưa bao giờ Đỗ Đức Hiểu xa rời cái nền dân tộc của mình. Ông thừa hiểu, nghiên cứu văn học nước ngoài, dù có tài ba đến bao nhiêu, là người Việt Nam, chúng ta luôn chỉ đi sau, “bắt chước”. Trong lĩnh vực lý thuyết, với khoa học xã hội, đặc biệt là văn chương, để phát minh được một ý tưởng gì đó mới mẻ, trên thế giới này, từ hàng trăm thế kỷ nay, liệu có bao người? Ngay cả ở nước Pháp, đất nước của những trào lưu lý thuyết mới, số những nhà lý thuyết tầm cỡ Roland Barthes, Foucault, Deleuse, Derrida, Lévy Strauss...hẳn chỉ trên dưới mười người. Vì thế, ông đã chọn đường đi của một con ong chăm chỉ, làm những việc bình dị bằng sự cần mẫn của một con người suốt đời chỉ biết bám riết lấy một công việc, xa lạ với nhiều thứ hấp dẫn khác xung quanh mình. Sự mơ mộng và sáng tạo lấp lánh trọng mọi công trình khoa học của ông. Tính đặc thù trong thành tựu của Đỗ Đức Hiểu cũng là rất rõ: trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, không quá đi sâu vào phần lý thuyết thi pháp, ông chỉ thăng hoa thực sự trong phần ứng dụng. Trong toàn bộ sự nghiệp của ông, phần lý thuyết thi pháp, đúng ra chỉ chiếm chừng ba mươi trang, mà chủ yếu ở đó, Đỗ Đức Hiểu cung cấp vừa đủ những kiến thức cơ bản cho bạn đọc hiểu được thế nào là thi pháp: Thi pháp thơ, thi pháp kịch, thi pháp tiểu thuyết, thi pháp phê bình...Còn lại, ông vận dụng nó chủ yếu cho việc khảo sát các nền văn chương (văn học Pháp, văn học Anh, văn học Hy lạp, văn học Việt Nam...), các hiện tượng, trào lưu văn học (văn học lãng mạn, văn học cổ điển, văn học công xã Paris...), thể loại văn học (thơ, kịch, tiểu thuyết), các tác giả và tác phẩm văn học (Molière, Sade, V.Hugo, Balzac, Hồ Xuân Hương, Nam Cao, Vũ Đình Liên, Vũ Trọng Phụng...). Còn lại, ông triển khai lý thuyết thi pháp trong phần ứng dụng vào các vấn đề cụ thể. Tôi cho rằng, những bài học Đỗ Đức Hiểu đem lại trong những trang viết của mình, về lý thuyết thi pháp, là hết sức cụ thể, thiết thực, rất gần gũi với triết lý giáo dục hiện nay. Học cái mới cái hay của người đương nhiên là rất quan trọng rồi, nhưng học nó để làm gì? Có thể ứng dụng được gì cho nền văn học dân tộc, thì hẳn còn quan trọng hơn. Thấm nhuần triết lý đó, Đỗ Đức Hiểu đã dành hết tâm huyết cho nó. Ông không đẩy người đọc vào cuộc chiến mê lộ thi pháp để chỉ nhằm thỏa mãn thú thời thượng của mình. Ông chỉ khao khát được trình bày các vấn đề sao cho dễ hiểu nhất. Chẳng hạn, về Đọc văn chương, ông chỉ tổng kết ngắn gọn trong bốn vấn đềĐọc văn chương là gì? Ai đọc? Đọc gì? Đọc thế nào?, từ đó, triển khai trên các trụcTác giả - Tác phẩm – Người đọc. Giải thích cho người đọc trên phương diện lý thuyết Đọc Văn chương là gì?, những kiến giải của Đỗ Đức Hiểu vừa rất hàn lâm, lại vừa dễ hiểu: “Đọc văn chương là tháo gỡ mã của các ký hiệu văn chương trong văn bản, là tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm thông qua các cấu trúc của văn bản (cốt truyện, kết cấu, nhân vật, đối thoại, không gian, thời gian...). Đọc là mã hoá cách đọc, là tổng hợp các khâu của việc đọc, cảm tưởng, phân tích, đối chiếu, tổng hợp, đánh giá v.v...là phát hiện và sáng tạo”(sách đã dẫn,tr 42). Những lý giải như thế, chúng ta có thể bắt gặp trong hầu khắp các vấn đề, bài viết, công trình, dù lớn hay nhỏ của ông. Một nhà nghiên cứu sâu sắc khi đọc bất cứ trang viết nào trong đó, hẳn không bao giờ nghĩ rằng, đó là những suy nghĩ hời hợt. Ngược lại, một người đọc “bình dân” (người ở thứ hạng thấp nhất trong các loại độc giả mà chính Đỗ Đức Hiểu phân loại trong loạt bài về Phê bình mới) hẳn cũng không cho rằng, đó là quá “cao siêu”. Đỗ Đức Hiểu luôn biết tôn trọng người đọc khi mang đến cho họ những tri thức, kiến giải à la portée de tous (trong tầm tay của tất cả mọi người). Với ông, tất cả những gì khi được viết ra trên trang giấy, đều phải rõ ràng, minh mạch, dễ hiểu. Đó là sự bền bỉ, rèn rũa và nỗi day dứt, băn khoăn trong suốt hơn năm mươi năm cầm bút của một người dạy học. Nữ đồng nghiệp rất gần gũi và hiểu biết ông trong nhiều năm, cùng cộng tác làm việc với ông trong không ít công trình, nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm, từng kể lại một câu chuyện nhỏ rằng “có lần, trước một bài viết rối rắm, trong khi nhiều người “sổ toẹt” không nề hà, anh (Đỗ Đức Hiểu – TH) nhũn nhặn, đắn đo: cậu ấy nói gì ấy nhỉ, tôi đọc bốn lần vẫn chưa hiểu ra”. Ấy là một cách phản ứng “lịch thiệp” của Đỗ Đức Hiểu với lối nghiên cứu văn chương “tắc tị, khoe chữ”, lòe người đọc. Đỗ Đức Hiểu không bao giờ lấy thế “bề trên”, “thâm niên” hay “cây đa, cây đề” để trùm lên che khuất những cây con phía dưới. Cũng lại một kỷ niệm khác của nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm, Nhớ Đỗ Đức Hiểu - dịch giả, kể lại rằng, có lần, mặc dù lúc ấy sức khoẻ đã rất yếu, khi được giao dịch Lời tựa Tấn trò đời của Balzac, băn khoăn với một chữ (nhưng là một chữ rất quan trọng): lueur,ánh sáng hay ánh sáng le lói trong mệnh đề của nhà văn được coi là chủ soái của Trường phái hiện thực Pháp. Tôi viết dưới ánh sáng của hai chân lý vĩnh cửu: Tôn giáo và nền Quân chủ (hay: Tôi viết dưới ánh sáng le lói...), mà ông cứ suy đi, nghĩ lại, nhất quyết không kết thúc bản dịch khi chưa tìm ra được chân lý cuối cùng. Ông đem băn khoăn của mình trao đổi với bậc “đàn em” Lê Hồng Sâm, nhưng lại là người, lúc ấy, đảm nhận vai trò chính, chủ biên bộ sách. Bấy lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu và dịch giả đã dịch chữ lueur sang tiếng Việt là ánh sáng, thế nhưng Đỗ Đức Hiểu lại muốn thay đổi lối hiểu cũ bằng cách sáng tạo thêm tính từ le lói, vì ông giải thích rằng, chữ lueur mà Balzac muốn ám chỉ ở đây là thứ ánh sáng le lói, là sự yếu ớt của nền Quân chủ và Tôn giáo Pháp, thời điểm này. Từng có năm mươi năm vật lộn với tiếng Pháp, nền văn hoá và văn học Pháp, Đỗ Đức Hiểu luôn nuôi giữ niềm tin và muốn khôi phục lại sự thật, sự chính xác cho các văn bản. Thế nhưng, khi nghe đồng nghiệp giải thích có lý, ông vẫn khiêm tốn nói: “Chị là chủ biên, tôi theo ý chị. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, vì ở nước Pháp thế kỷ XIX, tôn giáo và nền quân chủ không còn mạnh, không còn toả sáng rực rỡ như trong quá khứ, nên lueur ở đây có dụng ý chỉ trạng thái le lói, yếu ớt chăng?”. Không áp đặt, nhưng một khi vẫn còn băn khoăn trước một sự thật khoa học nào đó, Đỗ Đức Hiểu bao giờ cũng muốn tìm hiểu đến tận cùng. Bản tính trung thực của một nhà nghiên cứu không bao giờ cho phép ông dùng “xảo thuật” để che giấu sự hiểu biết. Là một câycổ thụ lâu năm, nhưng ông không che giấu sự bất cập, hữu hạn trong khao khát khám phá tri thức loài người của bản thân mình. Có lần, hồi còn hướng dẫn luận án cho tôi về nhà văn Albert Camus, người ông đã từng viết hẳn một chương trong cuốn sách cùng với một vài nhà văn khác nữa một số năm về trước, ông bộc bạch rất chân thành: “H này, nói thật với H là tôi chẳng hiểu Camus muốn viết gì trong đó cả”. Đó là ông nói về La Chute (Sa đoạ), cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn hiện sinh Camus, một cuốn sách ngắn (chỉ hơn một trăm trang), nhưng lại đầy bí ẩn, khó hiểu. Sau đó, ông đã phải bỏ rất nhiều thời gian đọc đi đọc lại cuốn sách này. Đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ lại được những trang viết nhằng nhịt của ông trên các trang giấy học trò về các cách hiểu cuốn tiểu thuyết của nhà văn Camus. Nhờ có những gợi ý của ông mà tôi đã hoàn tất được chuyên luận Tiểu thuyết Albert Camustrong bối cảnh tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX. Với Đỗ Đức Hiểu, nói như một học trò rất gần gũi và cũng là đồng nghiệp của ông, Phan Quý Bích, chân lý không bao giờ trừu tượng. Đó là phong cách nhất quán trong cả một cuộc đời dài dằng dặc hơn năm mươi năm trên con đường chinh phục tri thức nhân loại của nhà giáo, nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu. Nếu so sánh với một số đồng nghiệp cùng thời Đỗ Đức Hiểu tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đặc biệt là với các chuyên gia văn học Việt Nam, số lượng công trình để lại của ông có thể không nhiều. Do ông không chỉ “thâm canh” riêng trong lĩnh vực nào, mà trải rộng mối quan tâm ra tất cả những gì mình yêu thích, hoặc nữa, ông cho là đổi mới. Ông tâm sự với nhà nghiên cứu văn học Mỹ La Tinh, Trung Đức rằng: “Nghiên cứu văn học phương Tây còn phải hiểu biết, đến mức độ nào đó, văn học phương Đông. Loài người đang tiến tới một nền văn hoá toàn nhân loại, một nền văn học toàn nhân loại. Nó không bỗng nhiên mà có, nó là sự tổng hợp, bản giao hưởng giữa phương Đông và phương Tây, Bắc và Nam, Châu Phi đen và Châu Mỹ Anh-Điêng” (Tâm sự với anh Nguyễn Trung Đức, sách đã dẫn,tr. 393); và nỗi lo sợ nhất của ông là không “hiện đại hoá” được bản thân mình. Rồi còn cả nỗi lo biến mình thành một bản sao của người khác, hoặc nữa “biến người khác” (thế hệ học trò) thành bản sao của mình. Đỗ Đức Hiểu phiêu lưu vào khá nhiều “địa hạt” và gần như ở bất cứ “mảnh đất thâm canh” nào, ông cũng đều “gặt hái” được những mùa vàng. Bất cứ bài viết nào dù nhỏ nhất của ông cũng đều lấp lánh sự sáng tạo. Ông tự thú nhận, phải tới năm gần 60 tuổi, tức là quãng những năm 79, 80, ông mới có điều kiện tiếp xúc với Jakobson, Roland Barthes, Bachelard, Kristeva, Bakhtin, Genette, Aueurbach, Jules Lemaitre... Ông đọc mải miết các công trình mới lạ của các nhà nghiên cứu trên như một người “đói” lâu ngày, nay ngồi trước một mâm cỗ thịnh soạn. Phải có tới mười năm tích luỹ, bắt đầu từ những năm 90, những công trình thực sự đổi mới của Đỗ Đức Hiểu mới thực sự ra đời. Ông bắt đầu công bố một số bài viết, tuy chưa thật dài, cả văn học nước ngoài và văn học Việt Nam, trên Tạp chí Văn học. Có thể kể ra đây một số bài viết tiêu biểu như: Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Số 5.1990), Tiếng Thu, thi nhạc của Lưu Trọng Lư (số 1. 1992), Về Bakhtin (số 2. 1992), Vũ Đình Liên, nhà thơ của tình thương (số 4. 1993), Phê bình mới trong văn học Pháp (số 8, 1995), Đọc Bướm trắng của Nhất Linh (số 10. 1996), Đọc Đôi bạn của Nhất Linh (số 1, 1997), Bi kịch Vũ Như Tô (số 10, 1997), Mấy vấn đề về thi pháp kịch (số 2, 1998)...Trong thời điểm từ năm 1993 đến 1995, Đỗ Đức Hiểu công bố hai công trình được coi là quan trọng nhất của ông: Đổi mới phê bình văn học (NXB KHXH và Mũi Cà Mau, 1993) vàĐổi mới đọc và bình văn (NXB Hội Nhà Văn, 1999). Sở dĩ chúng tôi coi đây là hai trong số những công trình quan trọng nhất của Đỗ Đức Hiểu, vì phần lớn những bài viết trong cả hai cuốn sách trên đều được tập hợp lại trong cuốn thứ ba, xuất bản năm 2000, có tên Thi pháp hiện đại (NXB Hội Nhà văn). Chúng tôi không cho rằng, nói như thế có nghĩa là gạt ra ngoài cái mà ta cho là thành tựu không quan trọng khác của Đỗ Đức Hiểu. Tôi đánh giá cao những công trình này, bởi vì, chỉ bắt đầu từ đây, Đỗ Đức Hiểu mới thực sự triệt để trung thành với khuynh hướng thi pháp vốn là mặt mạnh nhất của ông. Phê bình theo nghĩa này, không còn dừng lại ở những khen, chê, bình phẩm nội dung mang tính xã hội học. Trong quan niệm của giới nghiên cứu Pháp, thuật ngữ phê bình (critique) ở đây còn bao hàm cả ý nghĩanghiên cứu. Chỉ cần điểm ra đây tên tuổi của một số nhà phê bình mà Từ điển Hachette xếp loại như Roland Barthes, Kristeva, G.Lanson, Bachelard, Lévis – Strauss, J. Sartre...chúng ta sẽ thấy việc lựa chọn trong sự đột phá mới mẻ của Đỗ Đức Hiểu là quan trọng thế nào. Nhà phê bình Đỗ Lai Thuý, coi Đỗ Đức Hiểu là “người đổi mới phê bình văn học”. Ở ông, đổi mới, nhưng không phải là nói ngược. Ông bám vào ngôn ngữ và văn bản, vận dụng các lý thuyết từ phê bình truyền thống (xã hội học, tâm lý học,tiểu sử học...) đến phê bình hiện đại (văn bản học, nhân chủng học, tâm phân học). Trong cuộc hành trình đi tìm chân lý, cuối cùng Đỗ Đức Hiểu đã lựa chọn được cho mình phương pháp tiếp cận tác phẩm văn chương khoa học nhất: dành ưu thế cho phương pháp phân tích văn bản, phân tích hình thức, nhưng không vì thế mà bỏ rơi yếu tố nội dung. Bởi vì cách tốt nhất, theo ông, để hiểu được nội dung, phải bắt đầu từ hình thức văn bản. Ý nghĩa đích thực của tác phẩm văn học toát ra từ đó. Ông giải thích về vị trí của những nhà phê bình lịch sử - qua trường hợp Lucien Goldmann rằng “người nghệ sĩ không cắt đứt với xã hội, nhà văn viết để thông tin với xã hội, tức là yêu cầu sự có mặt của xã hội, nhà văn biểu đạt nhân sinh quan của một nhóm người tồn tại dưới dạng tiềm năng, và nhà văn với trực giác, cảm xúc, tài năng của mình, cá thể hoá nhân sinh quan ấy bằng ngôn từ riêng của mình” (Sách đã dẫn, tr 54). Theo Đỗ Đức Hiểu, khuynh hướng phê bình ấy vẫn được coi là trường phái phê bình mới.
Ở thời điểm những năm 90, giới nghiên cứu nước ta hết sức cổ vũ, ủng hộ cho sự đổi mới trong nghiên cứu và phê bình văn học. Các nhà giáo và nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Phan Ngọc... mỗi người đều đã có những công trình riêng tạo nên ấn tượng trong đời sống nghiên cứu văn học đương thời. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ, tôi tin rằng, đều có mặt mạnh và nét độc đáo riêng, không giống nhau Trong khi Trần Đình Sử đào sâu vào thi pháp học về phương diện lý thuyết qua những công trình cả biên soạn và dịch thuật, Nguyễn Đăng Mạnh lại đi vào “thế giới nghệ thuật của nhà văn”; Hoàng Ngọc Hiến thì “say sưa” với sự kết hợp phê bình lý luận văn học và triết học, Lê Ngọc Trà qua công trình Lý luận văn học mới mẻ của mình lại đề xuất nên thay đổi căn bản lý luận văn chương, Phan ngọc thì giải thích văn học bằng ngôn ngữ học. Không quá đào sâu vào lý thuyết, Đỗ Đức Hiểu trong mười năm liền, từ 1990 đến 2000, nghĩa là ở thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đã đem đến cho giới nghiên cứu phê bình văn học một diện mạo hoàn toàn mới mẻ. Thật tiếc, ở những năm này, sức khoẻ của ông đã suy kiệt dần. Những cơn đau xen kẽ trong nhiều năm liền tuy không hề ngăn cản những mơ mộng, nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự đổi mới sáng tạo của ông.Dường như để giành giật với thời gian và tự đổi mới mình, để mình không còn là “kẻ xa lạ”, là “kẻ khác”, ông đã hì hục “đánh vật” với từng con chữ, cho ra đời những ý tưởng mới lạ. Ông “đào bới” Phố huyện của Thạch Lam để phát hiện ra những đốm sáng lấp lánh trong tâm hồn hai đứa trẻ, đối lập với cái tĩnh mịch, cô đơn, tăm tối nơi một làng quê nghèo. Ông phiêu lưu cùng chất thơ trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, coi mỗi chuyến ra đi đến một vùng đất lạ, mỗi sáng tạo, là “một cuộc sống mới”. Qua Lớp sóng ngôn từ của Vũ Trọng Phụng, ông đã tìm thấy ở Số đỏ,cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất của “ông vua phóng sự đất Bắc Kỳ”, một cuốn bách khoa các loại hình tiểu thuyết, tiểu thuyết châm biếm, tiểu thuyết triết lý, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết huyễn hoặc, tiểu thuyết picaresque, carnavalesque, gồm hàng chục phóng sự kế tiếp nhau với một không gian - thời gian quay cuồng” (Thi pháp hiện đại, tr.179); Ông “ngột ngạt” trongKhông gian Sống mòn của Nam Cao, đem đến cho tiểu thuyết Nhất Linh, nhà văn lãng mạn, một thời đã bị “đánh lên, đánh xuống” và bị các nhà nghiên cứu phê bình né tránh, một cái nhìn khách quan, trân trọng. Ông cũng là một trong số những người có tư tưởng mới mẻ trong việc đánh giá thành tựu của các nhà văn đổi mới đương thời như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài. Ông cũng hết sức trân trọng từng chút mới mẻ trong những trang viết đầu tiên của Đào Duy Hiệp, một học trò và cũng là đồng nghiệp của ông...Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, Đỗ Đức Hiểu đã thực sự hoà nhập vào không khí đổi mới của giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam ở thời điểm hội nhập với thế giới hiện đại.
Đến đây, chúng tôi cũng xin lưu ý, cần có cái nhìn tổng thể về những mơ mộng, sáng tạo của Đỗ Đức Hiểu trong việc tiếp cận với phê bình thi pháp học của ông, không nên chia tách, cô lập ông trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Nghĩa là, đừng cố công tách rời một Đỗ Đức Hiểu của giai đoạn này với Đỗ Đức Hiểu của giai đoạn kia; hoặc nữa không nên tách rời ông trong vai trò một nhà nghiên cứu phê bình với một công chức giáo dục ở Ban Tu thư, một Đỗ Đức Hiểu dịch thuật với một nhà giáo Đỗ Đức Hiểu. Chắc chắn, để đánh giá được chính xác và đầy đủ thành tựu của ông, cần phải nhìn ông trong sự tổng hoà của tất cả các mối quan hệ trên. Thậm chí cả những yếu tố mà chính bản thân ông tự nhận ra ở mình là một kẻ khác, không thừa nhận những trang viết của mình “có khi nhớ lại nhiều trang sách của tôi đã in, tôi ngạc nhiên: không phải mình và xót xa” “Thật xót xa, hai thời kỳ mình là mình, cách nhau gần bốn mươi năm trời đằng đẵng”. Tôi muốn nhắc đến ở đây công trình Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa công bố năm 1978 của Đỗ Đức Hiểu. Nhà nghiên cứu, học trò và đồng nghiệp của Đỗ Đức Hiểu, Phan Quý Bích, đã có một bài viết rất khách quan, chân tình về cuốn sách của người thầy mình. Tôi không nhắc đến ở đây nữa. Nhưng lại không thể không nhắc lại một điều rằng, một số nhà nghiên cứu Việt Nam ở hải ngoại, trong thời điểm đó, đã từng có ý kiến góp ý về sự thiếu công bằng của Đỗ Đức Hiểu với các nhà hiện sinh, ngay sau khi ông công bố cuốn sách này. Bản thân tôi, vì tôn trọng Thầy nên không bàn chi tiết cuốn sách đó ở đây. Trong trường hợp làm công trình Tuyển tập Đỗ Đức Hiểu cũng sẽ để bên ngoài cuốn sách đặc biệt đó. Đây là ý nguyện cuối đời của thầy. Nhưng vẫn phải khách quan thừa nhận rằng, hãy gạt ra ngoài một số ý kiến thiếu khách quan (do sự chi phối có tính lịch sử), còn lại Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa của Đỗ Đức Hiểu, cũng không nằm ngoài những thành tựu, đóng góp chung của ông. Ở thời điểm khi giới nghiên cứu nước ta còn vô cùng thiếu thốn thông tin với bên ngoài, sách vở tài liệu nghiên cứu văn học nước ngoài còn hết sức ít ỏi, chúng ta lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược, một công trình như là Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩavẫn là cần thiết. Tất nhiên, chính bản thân ông, khi đã có đủ thời gian nhìn lại mình, ông không hề chối bỏ sai lầm. Điều quan trọng hơn, ông đã có những lời tâm sự chân thành với lớp trẻ, trong đó có tôi, những điều đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi mới càng thấm thía “Tôi hiểu: Bạn hãy là bạn, dù bạn yêu mến tôi; chớ nghe theo ai, hãy giữ cá tính và tài năng riêng của mình, thế mới có thể sáng tạo; văn chương là sáng tạo. Bạn đừng đánh mất bản thân mình” (Trò chuyện với Trung Đức,Sđd, tr. 397). “Không đánh mất bản thân mình”, trong bất cứ lĩnh vực nào, Đỗ Đức Hiểu cũng đều để lại những dấu ấn cá tính. Ngay trong lĩnh vực dịch thuật, điều mà bấy lâu nay vẫn còn có người cho rằng, không cần nhiều lắm cá tính sáng tạo, nhưng thử hỏi, nếu đọc một bản dịch văn chương chỉ theo lối mot à mot, ai còn có thể tìm thấy được tình yêu văn chương? Ngay từ những năm trước 60, khi còn là thành viên nhóm Lê Quý Đôn, dịch Những người khốn khổ , Đỗ Đức Hiểu cùng nhóm Lê Quý Đôn đã biến những câu văn xuôi tiếng Pháp từ thế kỷ XIX của nhà văn Pháp Victor Hugo: Paris a un enfant/et la forêt a un oiseau/ L’oiseau s’appelle le moineau/ lenfant s’appelle le gamin thành đoạn văn xuôi tiếng Việt lấp lánh chất thơ: Paris có một đứa trẻ/ Khu rừng có một con chim/ Con chim là con chim sẻ/ Đứa trẻ là đứa nhóc con ? Hơn ai hết, chính nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm, người có rất nhiều cống hiến cho lĩnh vực dịch thuật, cụ thể là dịch tiếng Pháp, là người bắc cầu nối cho mối quan hệ Pháp-Việt (bà đã được chính phủ Pháp tưởng thưởng cho công lao đó bằng việc trao Huân chương Cành cọ hàn lâm) đã nhận xét rất đúng về phẩm chất và tài năng của Đỗ Đức Hiểu trong lĩnh vực này. Bà viết “Những đóng góp lớn trong lĩnh vực dịch thuật – cũng như lĩnh vực phê bình - của một nhà giáo yêu nghề đến như vậy, theo tôi, trước hết nhằm mục đích đào tạo. Không kể những truyện nổi tiếng dành cho thiếu nhi, các tác phẩm anh dịch thuộc một số tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học Pháp: Tartuffe, Anh ghét đời, Lão hà tiện của Molière (thế kỉ XVII), Paul và Virginie của Bernadin de Saint – Pierre (thế kỷ XVIII), kịch Marion Delorme và tiểu thuyết Những nguời khốn khổ (dịch chung) của V.Hugo (thế kỷ XIX)...Trong bộTuyển tác phẩm văn học Pháp song ngữ, do anh và tôi đồng phụ trách, anh chủ biên và dịch phần lớn tập II (thế kỉ XVII). Anh đã dịch những trang cuối cùng của đời mình vào dịp kỉ niệm 200 năm sinh Balzac, đó là Lời nói đầu bộ Tấn trò đời” (Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3, 2003). Về những “mơ mộng, sáng tạo” của ông, trong bản dịch cuối cùng này, chúng tôi đã ít nhiều đề cập ở trên. Đó cũng là lý do, mặc dù, phần dịch thuật của Đỗ Đức Hiểu, tuy không có dịp nhắc đến nhiều, nhưng nếu cần chọn lấy một bản dịch nào là tiêu biểu nhất của Đỗ Đức Hiểu, tôi vẫn muốn nêu ra ở đây bản dịch Lời nói đầu - Tấn trò đời, để giúp bạn đọc hiểu đươc đầy đủ hơn tư chất phê bình sáng tạo của ông.
Điểm cuối cùng nói đến Đỗ Đức Hiểu, tôi muốn nhắc đến “tính khả thi” và “ứng dụng” trong các công trình nghiên cứu thi pháp mơ mộng và sáng tạo của ông. Đặt Đỗ Đức Hiểu trong cái chung, việc ứng dụng thi pháp trong nghiên cứu văn học ở nước ta, đến thời điểm này, hẳn không còn mới mẻ gì, nhưng vẫn có cảm giác khá nhiều những công trình nghiên cứu thi pháp ở nước ta, vẫn còn nặng về lối dịch thuật. Và vì thế, một thời nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho rằng, lẽ ra, sự truyền bá học thuật của một số người cấp tiến phải mang đến hiệu quả tốt nhất cho giới nghiên cứu văn học nước nhà, thì ngược lại, theo ông, lại không được như mong muốn. Đa số các nhà văn, những bạn đọc trẻ là sinh viên văn học, thậm chí cả những nghiên cứu sinh của chúng ta, dường như vẫn còn rất khó khăn để hiểu được những điều mới mẻ trên. Trong khi đó, Đỗ Đức Hiểu lại có cách tiếp cận riêng hết sức hiệu quả của mình. Ông không đào quá sâu vào các khái niệm, các vấn đề mà ông cho rằng ở thời điểm ấy, chính bản thân mình cũng như khả năng tiếp nhận của người đọc Việt Nam, chưa thật chín. Vì thế ông dành tâm sức mổ xẻ các vấn đề thi pháp ứng dụng qua những bài viết ngắn về thơ, kịch, truyện và phê bình ở cả hai nền văn học phương Tây và Việt Nam. Người đọc nhờ thế sẽ có điều kiện để so sánh. Và còn nữa, để hiểu được đầy đủ hơn sự mơ mộng và sáng tạo của Đỗ Đức Hiểu, bạn đọc còn có thể tham khảo mảng bài viết Trò chuyện của ông. Thiết nghĩ, những ai cần đào sâu vào thế giới riêng tư của Đỗ Đức Hiểu, đọc những trang viết này là vô cùng bổ ích. Ở đó, Đỗ Đức Hiểu đã bộc bạch tận “tâm can” những suy nghĩ riêng tư của mình. Những năm cuối đời, khi tự hiểu được quỹ thời gian hạn hẹp của mình, Đỗ Đức Hiểu gần như không muốn giấu giếm bất cứ điều gì, mọi tâm sự của ông đều rất thật. Tâm sự với nhà văn Trung Đức, ông nói: “Từ tuổi nhỏ đến tuổi thanh niên, tôi được đào tạo có hệ thống ở các trường học Hà Nội; tôi tiếp xúc với lịch sử văn học Pháp từ năm mười ba, mười bốn tuổi. Thâm nhập vào tâm hồn tôi trước hết là những tư tưởng của Montaigne, Descartes “hãy nghi ngờ tất cả”, “đúng ở nơi này, sai ở nơi khác”, “biết mình biết cái gì” (Que sais-je?), “chỉ tin vào cái mình thấy, mình thực nghiệm được”. Có lúc ông nói: “Nhiều khi tôi ngạc nhiên về chính cuộc đời của mình. Như một truyền kỳ. Những cuộc phiêu lưu vô tận, một bi kịch kéo dài, tôi đánh mất bản thân mình”. Nhưng lúc khác, ông lại nói: “Tôi sung sướng đã kiên trì làm nghề dạy học hơn nửa thế kỷ nay, nguyện vọng của cha tôi và của tôi, tuy là cái nghề nghèo khổ và bị một số người coi rẻ, song bạn bè và đồng nghiệp biết quý trọng nhau, và một số sinh viên yêu quý….”. Theo dõi những phần viết khác nhau của Đỗ Đức Hiểu, dù về văn học Pháp, văn học Anh, văn học Hy Lạp hay văn học Việt Nam, ta đều thấy ảnh hưởng Pháp ở ông khá rõ. Đỗ Lai Thúy, nhà phê bình, rất gần gũi và hiểu biết ông những năm cuối đời, có nhận xét chính xác rằng: “Đỗ Đức Hiểu đã cùng lúc làm một cuộc hành trình kép: từ nghiên cứu đến phê bình và từ phương Tây về Việt Nam” (Đỗ Đức Hiểu - Người đổi mới phê bình văn học). Ở cuộc hành trình thứ nhất, chúng tôi sẽ lý giải sau, còn cuộc hành trình thứ hai, nhận xét của Đỗ Lai Thúy về Đỗ Đức Hiểu đúng nhưng chưa đủ. Quả thật, dường như trước khi đặt bút khai phá nét tinh hoa trong nền văn học dân tộc của mình, trước đó, Đỗ Đức Hiểu đều từng đã có sự khai phá và thử sức mình trong văn học Pháp. Chẳng hạn, vào thời điểm từ 1997, ông bắt đầu công bố loạt bài về Thi pháp kịch, rồi sau đó ứng dụng lý thuyết thi pháp kịch phân tích các trường hợp tiêu biểu trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Phú Tứ…Thế nhưng khoảng đầu những năm 90, thời kỳ đồng chủ biên bộ Lịch sử văn học Pháp đồ sộ mười một tập cùng Lê Hồng Sâm, với sự cộng tác của các đồng nghiệp ở trường đại học Paris 7, riêng Đỗ Đức Hiểu chịu trách nhiệm chính, gần như toàn bộ tập hai, Văn học cổ điển Pháp, trong đó có phần viết về hài kịch Molière. Phải thừa nhận rằng, cho đến thời điểm này, viết về người – hài lớn nhất thế kỷ cổ điển, không chỉ của văn học Pháp mà còn của văn học thế giới, chưa có ai viết mới và hay như Đỗ Đức Hiểu. Đó là tiền đề để ông có được công lực tốt nhất khám phá vẻ đẹp thực sự của một số nhà viết kịch Việt Nam. Ông vận dụng thi pháp đọc kịch của Anne Ubersfeld, so sánh Cornelle với Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Phú Tứ với Musset… Không chỉ thế, ông còn vận dụng những kiến thức của mình về kịch nô của Nhật Bản, loại hình kịch lãng mạn của Victor Hugo, kịch gián cách của Bertolt Brecht (Đức), kịch tượng trưng của Maeterlinck (Bỉ)… Nghĩa là, để có được những trang viết cô đúc, lấp lánh sáng tạo về kịch Việt Nam, Đỗ Đức Hiểu đã trải qua hàng chục năm tích lũy, nghiên cứu tri thức kịch nhân loại. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhớ rằng, trước khi trở thành người giảng dạy và nghiên cứu văn học phương Tây, Đỗ Đức Hiểu vốn là một nhà Việt Nam học. Ông đã từng dạy văn học Việt Nam ở bậc phổ thông, từng làm việc trong ban Tu thư của Bộ Giáo dục Đào tạo với vai trò biên soạn sách giáo khoa văn học Việt Nam cho bậc phổ thông trung học, là thành viên nhóm Lê Quý Đôn - một nhóm học thuật hết sức nổi tiếng lúc bấy giờ. Tương tự ở các phần viết Thi pháp thơ, Thi pháp truyện, Thi pháp phê bình, ta cũng dễ dàng bắt gặp sự kế thừa và sáng tạo của Đỗ Đức Hiểu trong việc tiếp thu tinh hoa văn học phương Tây đặc biệt là văn học Pháp. Chẳng hạn, nếu không có cuộc biến động trong Phê bình mới ở Pháp, tôi tin rằng, Đỗ Đức Hiểu khó có được những trang viết hay như thế về Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thịêp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài. Con đường từ nghiên cứu đến phê bình của ông như Đỗ Lai Thúy nhận xét, có vẻ như là một hành trình ngược (vì thông thường người ta đến với phê bình trước rồi mới chuyển sang nghiên cứu). Tuy nhiên với Đỗ Đức Hiểu, tôi cho rằng đó là hành trình hết sức tự nhiên. Bởi lẽ ông đến với văn chương trước hết với vai trò của một nhà giáo và một giáo sư đại học. Có thể vì hoàn cảnh khách quan của đất nước ta, phải đến tận đầu những năm đầu thập niên 90, mới có điều kiện đổi mới. Đến thời điểm này, Đỗ Đức Hiểu như được mở rộng đôi cánh và tầm nhìn, ông có dịp tiếp xúc trực tiếp với các giáo sư Pháp từ trường Đại học Paris 7, đến chính đất nước của Molière, Hugo, Balzac… đọc trực tiếp các công trình nghiên cứu mới nhất từ nguyên bản tiếng Pháp. Lúc này ông đã thực sự chín muồi. Tuy nhiên, oái oăm thay, đúng vào lúc này sức khoẻ của ông đã bắt đầu sa sút. Để có được những đóng góp kịp thời, Đỗ Đức Hiểu không còn sự lựa chọn nào tốt hơn con đường phê bình (bởi để có được những công trình nghiên cứu thực sự, người ta có khi phải mất đến hàng chục năm). Trong khi quỹ thời gian của ông chỉ còn rất ngắn. Ông phải giành giật lấy nó để mơ mộng và sáng tạo. Ba tập sách cuối cùng Đổi mới phê bình văn học (1993),Đổi mới đọc và bình văn (1999), Thi pháp hiện đại (2000), ra đời khi thế kỷ XX vừa khép lại. Nó là một bằng chứng khẳng định rằng, cho đến tận cuối đời, Đỗ Đức Hiểu, bao giờ cũng trăn trở đổi mới. Ông luôn luôn nhất quán trong những suy nghĩ vạch ra từ đầu, cho dù, có thời điểm sự đổi mới chưa thực sự làm cho ông hài lòng với chính mình. Nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân đã có những nhận xét tinh tế về Đỗ Đức Hiểu: “Những trang viết của ông in dấu những run rẩy, vừa quả quyết, vừa ngỡ ngàng của một nhà nghiên cứu đang muốn nghĩ về cái mới”. Có lẽ, để hiểu Đỗ Đức Hiểu rõ hơn, chúng ta hãy thử đọc và suy ngẫm cả những trò chuyện của ông với các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo và các đồng nghiệp của ông. Là thế hệhậu sinh thua kém rất nhiều bậc tiền bối của mình, không dám chủ quan cho rằng đã hiểu hết về ông – con người với bề sâu tâm hồn và trí thức thăm thẳm, tôi chỉ có thể viết đôi dòng tản mạn như trên về Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu. Hãy đọc chính ông để hiểu về ông.
Từ trái qua phải: GS Đỗ Đức Hiểu, NGƯT Lê Hồng Sâm và tác giả
(Ảnh Đào Duy Hiệp)
Mùa thu 2009-2011
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét