Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Bạn vong niên - Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch

BẠN  VONG  NIÊN

Truyện ngắn của ĐỖ NGỌC THẠCH

Trong tất cả các loại bạn (bạn đồng học, bạn hàng xóm – đồng hương, bạn chiến đấu – đồng đội, bạn đồng nghiệp,v.v…) thì bạn vong niên (bạn không cùng tuổi) là đặc biệt hơn cả. Đặc biệt vì tuy không có chữ “đồng” (cùng) nhưng lại có duyên với nhau. Chữ “duyên” này rất quan trọng, bởi nếu không có duyên thì dù có rất nhiều chữ “đồng” cũng bỏ đi: Vô duyên đối diện bất tương phùng! 
Không phải ai cũng có được người bạn vong niên tâm đầu ý hợp hoặc tuyệt vời đến độ như Bá Nha – Tử Kỳ. Tôi thật là có duyên khi có được người bạn vong niên rất tâm đầu ý hợp, chỉ cần nháy mắt là hiểu nhau ngay chứ không cần phải nói qua nói lại dài dòng văn tự.
Người bạn vong niên ấy của tôi có ba điểm đặc biệt: 1/ Cùng tuổi với bố tôi, tuổi Tý (sinh năm1924) nên được đặt tên là Tý, vì trùng tên với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nên sau đổi thành Ty Sắc; 2/ Là bố của bạn chiến đấu của tôi, tên là Tý, cái tên lẽ ra là của ông bố Ty Sắc; 3/ Thể lực rất tốt và có lẽ sẽ sống tới ngoài trăm tuổi!  
Tôi biết ông Ty Sắc khi tôi và con trai ông cùng một đơn vị bộ đội Ra-đa từ năm 1966, tức lúc đó ông mới 42 tuổi, đang ở vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Song, tôi chỉ được tiếp xúc với ông đúng ba lần, mỗi lần một ngày, khi đi cùng với người con trai ông tranh thủ về thăm gia đình. Lúc đó, bố mẹ tôi còn ở Hải Phòng, con đường từ Hà Nội về Hải Phòng (đường số 5) lúc đó phải “tăng-bo” đoạn qua cầu Phú Lương cho nên tôi không thể về Hải Phòng được. Sang giữa năm 1967,  đơn vị tôi chuyển vào chiến trường Khu Bốn, lúc đó đã nổi tiếng là “Đất Lửa” với những cái tên mới nghe đã thấy như là lửa đang táp vào mặt: Cầu Hàm Rồng, Chuông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Bến Phà Linh Cảm, Quảng Bình Lửa đỏ, Vĩnh Linh đất thép, v.v… Những lần tiếp xúc ban đầu ấy, hình như ông Ty Sắc đang rất bận bịu công việc ở cơ quan ông (một cơ quan quan trọng, mà ông thì đang là một cán bộ chủ chốt, cấp Vụ trưởng, Cục trưởng gì đó), cho nên tôi và ông chỉ trao đổi với nhau rất ít , thậm chí người con trai ông cũng không mấy khi ngồi nói chuyện riêng với nhau. Khi tôi hỏi người con trai ông Ty Sắc, tức anh bạn Tý của tôi, rằng tại sao bố con lại có vẻ như không khoái nhau lắm? Anh bạn Tý nói, bất cứ lúc nào, hễ nói chuyện với con cái là ông Ty Sắc lại quay về những bài học về luân lý, đạo đức, mà vẫn nói lại y chang như những lần trước nên con cái rất ngại “chạm mặt” ông, thậm chí khi có ông cùng ăn cơm với cả nhà (ông có tới sáu người con), ai cũng lo ăn cho thật nhanh để thoát thân khỏi bữa “cơm độn” bài giảng của ông bố!

Sang năm 1969, tức qua chiến dịch Mậu Thân bi hùng, tình hình chiến sự toàn cục có vẻ lắng dịu, lúc đó đơn vị tôi đang đóng quân ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Một hôm, thủ trưởng Đại đội gọi Tôi lên Ban Chỉ huy Đại đội, nói: “Về việc đồng chí Tý hy sinh, trợ lý chính sách của Trung đoàn chắc đã giải quyết, nhưng là người của Đại đội ta, tôi vẫn muốn Đại đội trực tiếp đến gia đình của đồng chí Tý để làm công tác thương binh-liệt sỹ cho thật chu đáo. Vì thế, đại đội quyết định cử đồng chí đến gia đình đồng chí Tý thăm hỏi gia đình và làm lễ truy điệu cho đồng chí Tý. Nhớ là phải làm thật long trọng. Điều này chắc tôi không cần phải nói nhiều! Tất nhiên đồng chí có thể tranh thủ về thăm gia đình ở Hải Phòng ba ngày!”. Tôi nhận lệnh mà không có ý kiến gì. Còn có ý kiến gì được nữa?
Về cái chết của Tý, thật là bi thảm. Đó là một ngày vào mùa Đông, cuối năm 1968, khi đơn vị tôi đang đóng quân ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, rất gần các điểm nóng lúc đó như bến phà Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc. Hôm đó, đơn vị chúng tôi bị oanh tạc dữ dội. Đang mở máy chiến đấu thì máy phát sóng (đặt trên ụ đất cao) bị trúng một quả tên lửa. Chỉ hai phút sau thì một tốp cường kích của hải quân Mỹ, loại AD-4 và AD-6, bay từ ngoài biển vào ném bom trúng cả trận địa Ra-đa của chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi vẫn còn ngồi trong xe hiện sóng. Có nhiều quả bom rơi xung quanh ụ đất để xe hiện sóng. Mỗi lần bom nổ gần, Xe hiện sóng lại nảy lên tưng tưng, các bộ phận của xe hiện sóng coi như bị hỏng hoàn toàn. Hết đợt oanh tạc thứ nhất, chúng tôi được lệnh ra khỏi xe hiện sóng, tản vào các hầm trú ẩn. Thực ra xung quanh nơi chúng tôi đặt xe máy, tức trận địa Ra-đa, chỉ có vài hố tránh bom cá nhân, không thể là chỗ tránh bom tốt hơn là trong xe hiện sóng, bởi cả cái xe hiện sóng được đặt trong một ụ đất lớn hình chữ U, cao mét rưỡi. Chỉ khi quả bom rơi trúng vào bên trong ụ đất hình chữ U đó, tức trúng xe hiện sóng thì mới…tiêu đời! Vì thế, tôi nói với Trung đội trưởng là nên ngồi lại trong xe hiện sóng, chờ thật yên mới ra. Nhưng Trung đội trưởng không nghe mà vẫn ra lệnh ra khỏi xe hiện sóng, tức ra khỏi ụ đất. Lúc đó, tôi đang ngồi ở vị trí trắc thủ số 1, ở trong cùng, sát chỗ ngồi của Trung đội trưởng. Ở vị trí ngoài cùng là trắc thủ số 3, rồi vào trong là trắc thủ số 2. Mỗi một ca trực ban chiến đấu chỉ có ba trắc thủ và Đài trưởng, tức Trung đội trưởng. Tý đang ngồi ở vị trí trắc thủ số 3, tức ngoài cùng, tức gần cửa ra vào của xe hiện sóng. Hình như Tý đã nghe ý kiến của tôi đề nghị không nên ra ngoài vội, nên chần chừ chưa đi ra mở cửa. Thấy vậy, Trung đội trưởng quát lên: “Đồng chí Tý, đứng dậy! Tất cả thứ tự đi ra ngoài!”. Nói vậy có nghĩa là Tý sẽ ra trước, sau đó đến trắc thủ số 2, rồi đến tôi và cuối cùng là Trung đội trưởng, bao giờ cũng là như vậy, mỗi khi tắt máy, hết ca trực ban. Song, khi Tý mở cửa thùng xe hiện sóng, vừa nhảy xuống đất thì có tiếng bom rít xé không khí, rồi là bom nổ như pháo Tết, đất trời mù mịt!...Khi tan khói bụi và không còn tiếng gầm rú của động cơ máy bay, chúng tôi ào ra ngoài thì thấy Tý nằm trên vũng máu, trên ngực có tới ba mảnh bom găm vào, phần còn ở ngoài chìa ra như vây cá mập! Thương thay bạn Tý của tôi, đã tắt thở từ bao giờ! 
Khi tôi về tới nhà Tý thì dường như cả nhà chưa ai biết gì về cái chết của Tý, dù đã gần ba tháng. Có vẻ như giấy báo tử của trung đoàn chưa về tới nơi. Quả nhiên là như vậy, vì chỉ một ngày sau thì trợ lý chính sách của trung đoàn xuất hiện (Trung đoàn bộ lúc đó cũng đang đóng quân ở một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An cho nên chưa thể đi ngay được, và đã chậm chân hơn Đại đội, tức trợ lý chính sách Trung đoàn đến sau tôi một ngày). Song, sự có mặt của trợ lý Trung đoàn đã làm cho buổi lễ truy điệu Tý rất long trọng, đàng hoàng bởi Trợ lý Trung đoàn rất “quen tay” làm việc này, còn với tôi, tôi cũng chưa biết phải làm như thế nào?
Lễ truy điệu Tý là vào đầu năm 1969. Thế mà đúng 30 năm sau, tức vào năm 1999, tôi mới có dịp gặp lại ông Ty Sắc, lúc đó ông đã 75, nghỉ hưu đã 15 năm và đang sống ở Sài Gòn với người con trai út. Thì ra khi tôi xuất ngũ, trở về tiếp tục đi học ở Hà Nội vào năm 1970 thì ông được điều về làm việc ở mấy tỉnh Khu 4 cũ, cho nên tôi đến nhà cũ ông ở Hà Nội đã không gặp. Sau năm 1975, ông được điều vào Miền Nam cho đến lúc nghỉ hưu.Lúc gặp lại ông Ty Sắc cũng thật bất ngờ và đặc biệt. Hôm đó, tôi đến một cơ sở Bưu điện trên đường Bà Huyện Thanh Quan để mua báo (chỉ ở cơ sở Bưu điện này mới có bán một số tờ báo in ở Hà Nội như tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn, tờ Người Hà Nội của Hội VN Hà Nội…). Mua báo xong, tôi sang bên kia đường uống cà phê. Mới ngồi được năm phút thì có một xích lô chở một ông già dừng lại ngay cạnh chỗ tôi đang ngồi, rồi ông già ngồi xích lô cãi lộn với người đạp xích lô. Lý do cãi nhau rất thường tình: do không dứt khoát giá cả từ đầu nên người đạp xích lô đòi 15 ngàn, nhưng ông già ngồi xích lô chỉ chịu trả 10 ngàn! Thấy hai người cãi nhau đến hồi gay cấn và có vẻ như sắp đấu quyền, tôi bèn đến đưa cho người xích lô 15 ngàn và nói: “Ông già này là người quen của tôi, tôi trả giùm cho ông ta! Ông đi được rồi!”. Người đạp xích lô nhanh tay cầm ngay 15 ngàn rồi nhảy lên xích lô đạp đi. Tôi quay sang ông già ngồi xích lô thì ông già nói: “Tôi đâu phải người quen của cậu? Thằng cha xích lô đó cà chớn, đã nói 10 ngàn mới đi, lúc đến đây lại xin thêm 5 ngàn, không cho thì làm ầm ĩ lên! Tôi đang nghĩ cách trị nó thì cậu lại xen vào là sao? Như thế là dung túng cho cái xấu!”. Tôi định nói gì đó đại loại là “Tứ hải giai huynh đệ”, không nên “huynh đệ tương tàn” chỉ vì 5 đồng bạc vụn thì ông già tròn mắt nhìn tôi rồi nắm chặt lấy cánh tay tôi mà la lớn: “Trời đất ơi! Cậu là bạn của thằng Tý con nhà tôi, đúng không?”. Chỉ sau một phút, tôi đã nhận ra ngay đó chính là ông Ty Sắc!
Sau vài phút hàn huyên, ông Ty Sắc nói: “Cậu ngồi chờ tớ vào Bưu Điện mua mấy tờ báo rồi ta sẽ nói chuyện nhiều”. Tôi ngồi chờ tới gần 10 phút mà chưa thấy ông Ty Sắc quay ra, liền đi vào BĐ xem sao. Thì ra ông Ty Sắc đang “đấu khẩu” với cô nhân viên BĐ, lý do rất đơn giản: Giá tờ báo là 2,8 ngàn, ông Ty Sắc đưa 3 ngàn, nhưng cô nhân viên BĐ không có 2 trăm trả lại. Ý cô nhân viên BĐ là ông Ty Sắc phải chịu thiệt 2 trăm mà mua tờ báo với giá 3 ngàn. Nhưng ông Ty Sắc nhất định đòi lại 2 trăm. Thế là cô nhân viên BĐ không bán báo nữa mà muốn đuổi ông Ty Sắc đi. Song ông Ty Sắc không chịu đi và bắt buộc cô nhân viên BĐ phải bán tờ báo với đúng giá 2,8 ngàn! Tôi là người thường mua báo lẻ nên cũng đã gặp chuyện này rất nhiều lần, bèn đến chỗ chị Trạm Trưởng, đưa 3 ngàn nói bán cho tôi tờ báo đó. Xong, tôi đến bên ông Ty Sắc nói: “Tờ báo này tôi cũng đã mua rồi, ông khỏi mua nữa, tôi chỉ đọc qua rồi sẽ cho ông!”. Ông Ty Sắc cầm tờ báo, nhìn tôi rồi nói: “Cậu lại vào vai người hào hiệp nữa hả? Thôi được, hôm nay tôi đang vui vì gặp lại bạn cũ, tha cho cái cô nhân viên Bưu Điện đó lần này!”. Khi quay đi, ông Ty Sắc còn lừ mắt sỉa ngón tay về phía cô nhân viên Bưu Điện như có ý nói: Tha cho lần này nhưng lần sau sẽ biết tay!
Ra khỏi cửa BĐ, ông Ty Sắc nói: “Hôm nay tôi mới lĩnh lương hưu, chúng ta sẽ đi nhà hàng làm một chầu túy lúy mừng ngày gặp mặt, không say không về!”. Tôi liền dẫn ông Ty Sắc đến một nhà hàng loại bình dân ở phố Kỳ Đồng, có món lẩu cá lóc rất ngon. Ngon tới mức ông Ty Sắc cứ khen lấy khen để và ăn uống như rồng cuốn, tôi phải kêu thêm cái lẩu thứ hai. Khi đã ấm bụng và là ngà say, ông Ty Sắc mới nói “thiệt tình”: “Nói thiệt tình với cậu, cuộc đời tôi lên voi xuống chó đều kinh qua, cao lương mỹ vị cho đến cám heo cũng từng nếm trải. Nếu đã có câu “nhân sinh thất thập cổ lai hi” thì sống như thế là đã quá thọ! Vậy thì lẽ ra chẳng còn tiếc nuối gì nữa! Vậy mà tôi vẫn thấy mình sống mà như chưa được sống vì còn thiếu một thứ rất quan trọng. Đó là… Nếu cậu nói trúng, kiếp sau tôi xin cắp roi theo hầu cậu suốt đời!”. Tôi nói ngay: “Làm gì có kiếp sau. Tôi cũng không thích có lính hầu, mất tự do. Tôi xin nói ngay đáp án mà không cần lãnh thưởng. Đó là…”. Ông Ty Sắc vội ngăn tôi lại và nói nhanh: “Khoan đã! Giờ tôi với cậu cùng viết vào lòng bàn tay!”. Tôi viết ngay chữ “Tình Yêu”, song lại gạch chữ “Yêu” đi và viết chữ “Bạn” thay thế. Viết xong, tôi thấy ông Ty Sắc vẫn ngồi thừ người thì hỏi: “Có phải ông đang băn khoăn giữa hai thứ phải không? Theo tôi thì đó chính là vì ông thiếu cả hai thứ đó chứ không phải chỉ là một!”. Ông Ty Sắc trố mắt ngạc nhiên hỏi: “Tại sao cậu lại biết tôi đang lưỡng lự giữa hai thứ như thế, chẳng lẽ cậu có thể đi guốc trong bụng tôi?”. Tôi cười và nói như đùa: “Thì tôi suy bụng ta ra bụng người thôi chứ làm sao mà đi guốc trong bụng ông được! Có phải ông đã thiếu cả hai chữ này?”. Tôi xòe bàn tay ra cho ông Ty Sắc xem thì ông lặng người đi đến ba phút rồi mới thong thả nói: “Chữ “Bạn” thì tôi vừa mới tìm thấy! Đó chính là cậu. Từ giờ cậu sẽ là bạn của tôi chứ không phải thằng Tý con của tôi! Còn chữ “Yêu” thì có lẽ không còn thời gian nữa, người ta không thể cải lão hoàn đồng!”. 
Sau lần tái hồi ông Ty Sắc đó, chúng tôi đã trở thành đôi bạn thực sự. Gia đình người con trai út mà ông đang cùng ở rất vui khi biết cái kết quả này. Vợ chồng người em út đều gọi tôi bằng “Bác” rất thành tâm. Cậu con trai út của ông Ty Sắc ngẫu nhiên cũng cùng tuổi với người em trai út của tôi và thêm một sự trùng hợp kỳ lạ là cùng học bên Tiệp Khắc (cũ), chỉ khác là em trai tôi học bên quân sự còn con trai út ông Ty Sắc học bên dân sự. Một hôm, người con trai út ông Ty Sắc nói với tôi: “Từ ngày bác đánh bạn với bố cháu, cháu thấy bố cháu khởi sắc hẳn ra: sức khỏe rất tốt, tính tình cũng rất vui nhộn, không còn cái cảnh suốt ngày ngồi đọc đủ các thứ báo rồi lại “cãi lộn một mình”, thực ra là cãi lộn với tác giả của những bài báo kia! Trăm sự cháu nhờ cả vào bác, cháu sẽ trả công bác hậu hĩnh!”. Tôi gạt đi, nói: “Cậu đúng là nhà kinh doanh, cái gì rồi cũng qui thành tiền cả! Tôi chơi với bố cậu là do duyên số, ai bảo tôi là bạn của anh cậu? Tôi nghĩ có thể làm cho bố cậu vui tuổi già là làm cho anh cậu dưới suối vàng an tâm rồi! Cậu khỏi phải băn khoăn gì bởi chơi với bố cậu tôi cũng thấy vui lắm, bởi nếu không thì cũng suốt ngày ngồi viết lăng nhăng tốn công mệt xác mà chẳng đi đến đâu!”. Cậu con trai út nắm chặt tay tôi rồi nói rất trịnh trọng: “Dù sao cháu cũng phải đội ơn bác nhiều lắm. Còn chuyện này nữa không biết có nên nói với bác không?”. Tôi nói ngay: “Tôi không thích kiểu ngập ngừng như thế! Có chuyện gì thì cứ nói toạc móng heo ra đi. Tôi vừa là vai anh cậu, vừa là vai bố cậu, cậu còn ngại ngùng nỗi gì?”. Người con trai út ông Ty Sắc hít một hơi dài, sau đó từ từ thở ra rồi nói rõ từng tiếng như là sợ tôi đã bị nghễnh ngãng: “Như bác đã biết thì thực ra bố cháu rất khao khát Tình yêu. Thú thực với bác, bố cháu chưa biết Tình yêu là gì! Việc bố cháu lấy mẹ cháu là do mai mối mà hai người hình như cũng chưa bao giờ nói chuyện yêu đương. Khi còn sống, mẹ cháu cũng đã “tâm sự” với cháu điều này, hai vợ chồng đều thoát ly, mỗi lần gặp nhau là chỉ làm bổn phận vợ chồng rồi lại mỗi người mỗi ngả. Mẹ cháu cũng có người yêu cùng cơ quan, nhưng vì phải giữ đạo vợ chồng mà phải hy sinh Tình yêu! Nhưng bố cháu thì hình như chưa yêu ai, hoặc như nếu có người đàn bà nào yêu bố cháu đơn phương thì cũng không dám bộc lộ vì bố cháu luôn là cán bộ lãnh đạo của cơ quan, không thể lăng nhăng được!”. Tôi nghe mà sốt cả ruột, bèn ngắt lời: “Cậu nói ngắn gọn xem nào, rút cục cậu muốn tôi làm gì?”. Người con trai bỗng cười rất tươi và nói nhanh: “Xin bác tha lỗi, nói về chuyện Tình yêu, cháu không thể nói gọn trong một hai chữ! Song nói về việc cháu nhờ bác thì có thể nói ngắn gọn là bác tìm giúp bố cháu một người bạn tình sống nốt quãng đời còn lại!”. Tôi định nói sao không đến mấy cái “Trung tâm kết bạn – làm quen” sẽ có kết quả sau vài ba ngày thì người con trai út như là biết tôi định nói gì, chặn tôi lại và nói: “Cháu cũng đã tìm đủ mọi cách nhưng đều không được mãn nguyện vì “vừa gặp gỡ đã thấy mầm ly biệt”! Cháu được biết bác rất “mát tay” trong chuyện này nên mới nhờ bác, xin bác đừng từ chối!”. Tôi từ chối làm sao được trước cái sự vừa nói nhờ vừa đeo việc vào tay mình! Ba ngày liền sau buổi nói chuyện đó, tôi và ông Ty Sắc luôn cặp kè bên nhau “Khi chén rượu, khi cuộc cờ / Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”! Ngày cuối cùng, ông Ty Sắc bỗng đưa cho tôi xem hai cuốn sổ loại lớn và rất dày rồi trịnh trọng nói: “Đây là một tập thơ nhan đề “Bài thơ cuộc đời” gồm 100 bài và một tập tiểu thuyết nhan đề “Một trăm năm của thời tôi sống” gồm 24 chương. Cậu đọc kỹ rồi cho nhận xét. Sẽ có “Nhuận đọc” rất xứng đáng!”. Cầm hai cuốn sổ thấy nặng tay và bỗng nhiên nhớ lại lúc trẻ tuổi tôi hay tập tạ tay. Hồi ức được ba phút thì câu nói “Khởi thủy là hành động” vụt hiện ra và một ý nghĩ xuất hiện: Phải hành động quyết liệt mới có kết quả tốt đẹp! Tức thì tôi đi tìm cậu con trai út ông Ty Sắc …
Chiếc xe du lịch hạng trung 15 chỗ ngồi chở 15 người của ba gia đình thuê chung đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, đến chỗ đường vắng (xung quanh toàn đồi chè bát ngát rồi đến cà phê bạt ngàn) thì bị một toán cướp chặn đường. Toán cướp bắt tất cả tới một đồi hoang, chẳng có chè và cà phê mà chỉ toàn cây hoang dại, nhìn xung quanh chỉ thấy những núi cùng non. Sau khi tra xét một hồi, chúng giữ lại ông Ty Sắc và một bà tên gọi Hồng Lam, nguyên giám đốc cấp Sở của một tỉnh, đã nghỉ hưu, khoảng ngoài sáu mươi tuổi, rồi thả cho những người trên xe về nhà lấy tiền chuộc người.
Ông Ty Sắc và bà Hồng Lam bị nhốt trong một căn nhà gỗ đơn sơ nhưng rất chắc chắn. Chờ tới hai ngày mà người nhà của hai con tin chưa thấy đem tiền tới chuộc, ông Ty Sắc và bà Hồng Lam đã bàn với nhau một kế hoạch thoát hiểm táo bạo và họ đã thành công mỹ mãn…
Một tuần sau ngày thoát hiểm, đám cưới của ông Ty Sắc, một người vợ chết sớm và bà Hồng Lam, một người chồng chết sớm, được cử hành trọng thể. Khách dự đám cưới đông vô kể, ai cũng khen đẹp đôi, chỉ tiếc là họ gặp nhau hơi muộn! Song lại có câu “Muộn còn hơn không”, chẳng có gì mà phải tiếc!
Từ ngày ông Ty Sắc có vợ, chúng tôi ít gặp nhau hơn trước bởi “cảm hứng sáng tạo” của ông bùng phát dữ dội. Suốt ngày ông Ty Sắc ngồi bên máy vi tính bởi ông đang viết cuốn tiểu thuyết thứ hai mà lại là đề tài Tình yêu thuần túy. Bà vợ vừa làm nhiệm vụ sửa lỗi chính tả vừa là nhà phê bình đầu tiên. Tuy cũng có nhiều lúc tranh luận gay gắt nhưng nói chung bao giờ họ cũng tìm được tiếng nói chung, đó là hãy để Tình yêu lên tiếng!

Thỉnh thoảng, người con trai út ông Ty Sắc cứ gọi điện thoại hỏi tôi đã biết ông Ty Sắc thoát hiểm như thế nào chưa? Song tôi không muốn hỏi nhiều bởi ông Ty Sắc bảo đó là một trong những chỗ hay nhất của cuốn tiểu thuyết, cho nên phải chờ đọc khi cuốn tiểu thuyết in xong! Cũng vậy, thỉnh thoảng ông Ty Sắc lại muốn cùng tôi đi điều tra xem băng cướp kia ở đâu, ai là đầu sỏ? Song, tôi lại phải tìm mọi lý do để lảng tránh bởi nếu ông Ty Sắc mà biết đó là do tôi và con trai út ông là đạo diễn dàn dựng thì tức là đã làm triệt tiêu trí tưởng tượng của ông khi đưa chi tiết hai người bị bắt làm con tin vào cuốn tiểu thuyết! 
Sài Gòn , tháng 6-2010
Đỗ Ngọc Thạch

http://dankeu.com/Data/Tinh%20Gia-02(1).jpg Đoạn kết của Truyện ngắn...
http://www.fordesigner.com/imguploads/Image/cjbc/zcool/coolphoto/20080722/1216698178.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét