Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Một số bài thơ của Ngải Thanh - Lê Quang Trường (2)


Ngải Thanh (1910-1996)


Một số bài thơ của Ngải Thanh

(Rút từ bài viết tại đường Link này:

Phong cách thơ Ngãi Thanh và những ảnh hưởng từ phái tượng trưng

khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/.../index.php?...phong-cach...thanh...Bản lưu
Phong cách thơ Ngãi Thanh và những ảnh hưởng từ phái tượng trưng. Lê Quang Trường. Email In. LÊ QUANG TRƯỜNG (*). Ngải Thanh tên thật là Tưởng Hải ...Một số bài thơ của Ngải Thanh:

1. ĐẠI YỂN HÀ – BẢO MẪU CỦA TÔI
Đại Yển Hà, là bảo mẫu của tôi.
Tên bà là tên một ngôi làng nơi bà sinh ra,
Bà là người nuôi trẻ,
Đại Yển Hà, là bảo mẫu của tôi.

Tôi là con trai của một địa chủ,
Cũng là con của Đại Yển Hà
Lớn lên từ dòng sữa của Đại Yển Hà.
Đại Yển Hà nhờ nuôi dưỡng tôi mà nuôi dưỡng gia đình mình,
Và tôi, bú sữa của người nên được nuôi nấng,
Đại Yển Hà, bảo mẫu của tôi.

Đại Yển Hà, hôm nay nhìn tuyết con lại nhớ đến người:
Nấm mồ xanh cỏ của người vùi trong tuyết phủ,
Hàng rau phỉ của người úa chết nơi đầu hiên chốn xưa khép cửa,
Mảnh vườn cả trượng vuông của người bị cầm cố,
Chiếc ghế đá trước nhà người mọc lấp rêu xanh,
Đại Yển Hà, hôm nay nhìn tuyết con lại nhớ đến người:
Người ôm ấp, vỗ về con bằng bàn tay rộng lớn;
Sau khi người nhen bếp xong,
Sau khi người phủi những bụi than trên tạp dề,
Sau khi người nếm cơm canh đã chín,
Sau khi người mang bát tương đen đặt trên chiếc bàn đen,
Sau khi người vá xong quần áo của những đứa con bị gai góc nơi sườn non làm rách,
Sau khi người băng bó xong bàn tay của bé con bị dao rựa cắt,
Sau khi người bắt giết từng con rận trên những chiếc áo của chồng con,
Sau khi người cầm quả trứng gà đầu tiên của ngày hôm nay,
Người ôm ấp, vỗ về con bằng bàn tay rộng lớn.
Tôi là con trai của địa chủ,
Khi tôi uống cạn sữa của mẹ Đại Yển Hà,
Tôi được cha mẹ sinh tôi nhận lại về nhà.
Ôi Đại Yển Hà, vì sao người khóc?

Tôi làm người khách mới ngay trong nhà cha mẹ tôi!
Tôi sờ những đồ dùng gia đình sơn đỏ chạm hoa,
Tôi sờ những hoa văn sắc vàng trên giường ngủ mẹ cha,
Tôi ngơ ngác nhìn tấm biển treo đầu mái nhà với những chữ “Thiên luân tự lạc” mà tôi không biết,
 Tôi mân mê những cúc áo vỏ sò và tơ áo mới vừa thay,
Tôi nhìn đứa em gái chẳng hề quen nằm trong lòng mẹ,
Tôi ngồi yên trên chiếc ghế sưởi vừa mới sơn,
Tôi nhai cơm nếp trắng xay giã đến ba lần,
Nhưng, tôi lại lo lắng không yên! Bởi tôi
Tôi làm người khách mới ngay trong nhà cha mẹ tôi!

Đại Yển Hà, vì cuộc sống,
Sau khi bà vắt cạn dòng sữa của mình,
Bà bắt đầu làm việc với đôi tay từng ôm ấp tôi;
Bà mỉm cười, giặt đồ của chúng tôi,
Bà mỉm cười, xách rổ rau đến chiếc ao đã đóng băng bên làng,
Bà mỉm cười, xắc củ cải trắng thành những mảnh vụn,
Bà mỉm cười dùng tay khuấy cám cho heo ăn,
Bà mỉm cười, quạt lửa lò nướng thịt,
Bà mỉm cười, mang trên vai chiếc sọt tròn chứa đậu và lúa mì đến sân phơi,
Đại Yển Hà, vì cuộc sống,
Sau khi bà vắt cạn dòng sữa của mình,
Bà lao động, với đôi tay đã từng ôm ấp tôi.

Đại Yển Hà, rất yêu đứa con nuôi của bà,
Trong những lễ tết, vì nó, bà bận bịu cắt những chiếc bánh nếp đông.
Vì nó, thường lặng lẽ đi đến nhà bà ở bên làng,
Vì nó, đi đến bên bà gọi một tiếng “mẹ”,
Đại Yển Hà, treo bức tranh Quan Vân Trường xanh xanh đỏ đỏ mà nó vẽ trên bức tường bên bếp,
Đại Yển Hà sẽ ngợi khen con trai bà với những người hàng xóm,
Đại Yển Hà từng mơ giấc mơ không thể nói cùng ai:
Trong giấc mơ, bà uống rượu cưới của con trai bà,
Ngồi trên nhà kết đèn hoa rực rỡ,
Và đứa con dâu xinh đẹp thân thiết gọi “mẹ”
…………
Đại Yển Hà, rất yêu quý đứa con nuôi của mình!

Đại Yển Hà, khi giấc mơ còn chưa tỉnh thì bà đã mất,
Khi bà mất, đứa con nuôi không ở bên,
Khi bà mất, người chồng thường đánh mắng bà cũng rỏ lệ khóc,
Năm đứa con, ai cũng khóc thương,
Khi bà mất, vẫn thì thào gọi tên đứa con nuôi của bà,
Đại Yển Hà, đã mất rồi,
Khi bà mất, đứa con nuôi không ở kề bên.

Đại Yển Hà, đã ngậm lệ đi xa!
Với những khinh khi suốt bốn mươi năm trong nhân thế,
Với bao nỗi đớn đau khôn kể của đời nô lệ,
Với cỗ quan tài 4 đồng và mấy bó rơm,
Với mảnh đất mấy thước đủ lấp một cỗ quan tài,
Với chút tro tàn của một nắm tiền giấy,
Đại Yển Hà, đã ngậm lệ đi xa.

Đây là những điều Đại Yển Hà không biết:
Người chồng nát rượu của bà đã chết,
Thằng con lớn thì làm thổ phỉ,
Đứa thứ hai chết trong khói lửa đạn bom,
Đứa thứ ba, đứa thứ tư, thứ năm
Sống qua ngày trong tiếng chửi la của địa chủ và thầy thợ.
Còn con, con viết lời chú nguyện cho thế giới đầy những bất công này.
Khi con trở về quê hương sau bao năm phiêu bạt,
Trong sườn non, trên đồng ruộng,
Khi những anh em gặp nhau, còn thân thiết hơn cả sáu bảy năm trước!
Đấy, đấy là những điều, Đại Yển Hà trong giấc ngủ ỉm im
Chưa bao giờ biết!

Đại Yển Hà, hôm nay, đứa con nuôi của người ở trong ngục,
Viết bài thơ ca tụng dâng người,
Dâng cho linh hồn của người dưới lòng đất
Dâng cho đôi tay luôn đón lấy ôm ấp con,
Dâng cho bờ môi người đã hôn con,
Dâng cho khuôn mặt sạm đen hiền hậu của người,
Dâng cho bầu sữa người từng nuôi nấng con,
Dâng cho những người con của người, những anh em của con,
Dâng cho tất cả
Những bảo mẫu như Đại Yển Hà và những đứa con của họ trên mặt đất này,
Dâng cho Đại Yển Hà đã thương yêu con như những đứa con của mình.

Đại Yển Hà,
Con là đứa con
Đã lớn lên bằng dòng sữa của người,
Con kính trọng người,
Yêu quý người!
Một sáng đầy tuyết, ngày 14-01-1933
2. CUỘC ĐỐI THOẠI CỦA THAN ĐÁ
AY.R

Ngươi ở đâu?

Tôi ở trong núi sâu hằng vạn năm
Tôi ở trong nham thạch hằng vạn năm

Tuổi của ngươi…

Tuổi tôi còn hơn cả tuổi của núi non
Còn hơn cả tuổi của nham thạch

Từ bao giờ người lại trầm mặc như thế?

Từ những năm khi loài khủng long thống trị trong rừng sâu
Từ những năm vỏ trái đất lần đầu tiên chấn động

Ngươi đã chết trong nỗi oán hận thâm sâu thế ư?

Chết ư? Không, không, tôi vẫn sống…
Xin hãy cho tôi mồi lửa, hãy cho tôi mồi lửa!
3XUÂN
Mùa xuân đã đến
Những cánh đào Long Hoa nở rộ
Hoa nở trong những đêm
Trong những đêm lổ loang vết máu
Những đêm ấy không một ánh sao
Những đêm ấy gió thổi rào rào
Những đêm ấy vẳng tiếng khóc nghẹn của người goá phụ
Nhưng trên mảnh đất cổ xưa này
Như con thú đói khát sẵn sàng
Hút máu của những người trẻ tuổi
Hút máu con của những người ngoan cường
Rồi qua mùa đông dằng dặc
Trải qua mùa băng tuyết
Trải qua một thời thiếu thốn vô hạn
Những vết máu ấy, vết máu lổ loang
Trong đêm huyền thoại
Trong đêm mịt mờ của phương đông
Rộ nở vô số nụ hồng
Điểm xuyết mùa xuân tràn khắp Giang Nam

Có người hỏi: Xuân từ đâu đến?
Tôi bảo: Đến từ những nấm mồ nơi ngoại thành.
Tháng 4-1937
4. TUYẾT RƠI TRÊN ĐẤT TRUNG QUỐC
Tuyết rơi trên đất Trung Quốc
Lạnh lẽo đang bủa vây Trung Quốc
Gió,
Tựa người đàn bà đau thương
Đuổi theo vướng víu
Giơ móng vuốt lạnh lẽo
Níu kéo vạt áo người đi đường,
Bằng lời nói xa xưa như mảnh đất này
Cứ than van chẳng ngừng một khắc….

Từ trong khu rừng kia
Chiếc xe ngựa vội vã
Người nông dân Trung Quốc
Đội chiếc mũ da
Dầm trong giá tuyết
Người muốn đi đâu?

Rằng tôi
Cũng là hậu duệ của những người nông dân
Từ khuôn mặt của người
Hằn lên những vết nhăn đau khổ
Ta biết
Biết chắc rằng
Những đắng cay bao tháng năm trên thảo nguyên
Của mọi người
Còn tôi
Cũng chẳng sướng vui gì
--- nằm trên những con sóng khổ đau
Giữa dòng sông thời gian
Đã bao lần nuốt ta rồi cuốn đi
Trôi giạt và giam cầm
Mất đi những tháng ngày quý báu
Của tuổi thanh xuân
Cuộc sống của tôi
Cũng tiều tuỵ như của các bạn

Tuyết rơi trên khắp đất Trung Quốc
Lạnh lẽo bủa vây lấy Trung Quốc…

Theo dòng sông đêm đầy tuyết
Chiếc đèn dầu nhỏ đang từ từ di chuyển
Trong chiếc thuyền mui đen cũ nát
Ánh sáng hắt ra,
Người gục đầu
Đang ngồi kia là ai?
A!
Cô gái trẻ tóc bồng mặt lấm
Có phải chăng
Nhà em
Là nơi ấm êm và hạnh phúc
Bị kẻ thù tàn ác
Thiêu huỷ rồi chăng?
Có phải
Cũng trong một đêm như thế này
Em mất đi vòng tay chở che của người đàn ông
trong hãi sợ chết chóc
em đã bị kẻ thù chơi trò thích dao vào mặt?

Ôi, đêm nay lạnh lẽo thế này
Biết bao
người mẹ già của ta
Co ro ở nơi chẳng phải nhà mình
Như những kẻ ngoại bang
Chẳng biết vòng xe ngày mai
Sẽ lăn trên con đường ra sao…

Con đường Trung Quốc
Cũng gập ghềnh như thế
Cũng lầy lội như thế.

Tuyết rơi trên khắp đất Trung Quốc
Lạnh lẽo bủa vây lấy Trung Quốc…
Xuyên qua thảo nguyên đêm đầy tuyết
Những toà thành kia bị lửa đạn cắn nát
Biết bao những người trồng trọt sinh sống trên mảnh đất kia
Mất đi những đàn gia súc
Mất đi ruộng đất phì nhiêu
Trong những ngõ hẻm nhơ bẩn và cuộc sống tuyệt vọng
Đầy những:
Cánh tay run rẩy
Dang ra kêu cứu
Trong bầu trời u ám
Của vùng đất đói khát.

Những khổ đau và tai ương của Trung Quốc
Như đêm tuyết lan rộng và kéo dài!

Tuyết rơi trên khắp đất Trung Quốc
Lạnh lẽo bủa vây lấy Trung Quốc…

Trung Quốc,
Trong bóng đêm ta không một ngọn đèn
Viết những câu thơ vô lực
Có chút nào sưởi ấm lòng người chăng?
Đêm 28-10-1937
5. TÔI YÊU MẢNH ĐẤT NÀY
Nếu tôi là một chú chim,
Tôi cũng nên cất tiếng hót ca:
Mảnh đất chịu nhiều mưa gió bão bùng vùi dập này,
Những dòng sông mãi cuộn trào niềm bi phẫn của chúng tôi,
Những con gió thổi bay niềm oán hận,
Và bình minh mềm mại khôn cùng nhô lên từ giữa cánh rừng kia…
------ rồi tôi chết,
Cả lông cánh cũng mục nát trên mảnh đất này.

Sao trong mắt tôi thường ứa lệ?
Vì tôi yêu sâu nặng mảnh đất này.
17-11-1938
6. CÁ HOÁ THẠCH
  1. Động tác nhanh nhẹn sao,
Sức lực mạnh mẽ sao,
Vọt lên trong hoa sóng,
Biển cả lặn chìm sâu;

Chẳng may gặp cơn phun trào núi lửa,
Cũng có khi là địa chấn,
Mi mất cả tự do,
Chịu vùi chôn cùng tro bụi.

Trải mấy triệu năm,
Người thăm dò địa chất,
Thấy mi trong lòng nham thạch,
Vẫn còn sống động nguyên hình.

Nhưng mi lặng im,
Cả lời thở than cũng bặt,
Vảy vây dẫu còn nguyên vẹn,
Lại chẳng thể động thân;

Mi lặng trơ tuyệt đối,
Chẳng phản ứng gì với thế giới xung quanh,
Chẳng nhìn thấy trời và nước,
Và chẳng nghe tiếng sóng bạc cuộn trào.

Lặng nhìn mảnh hoá thạch,
Kẻ khờ kia cũng hiểu một điều:
Nếu tách rời vận động,
Thì sự sống chẳng còn.

Muốn sinh tồn phải đấu tranh,
Trong đấu tranh ta vượt lên phía trước,
Dẫu có chết đi,
Cũng phát hết năng lượng một lần.
Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

Phong cách thơ Ngãi Thanh và những ảnh hưởng từ phái tượng trưng

khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/.../index.php?...phong-cach...thanh...Bản lưu
Phong cách thơ Ngãi Thanh và những ảnh hưởng từ phái tượng trưng. Lê Quang Trường. Email In. LÊ QUANG TRƯỜNG (*). Ngải Thanh tên thật là Tưởng Hải ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét