Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Nhớ Long thành xưa - Tiểu luận của Đỗ Ngọc Thạch

Ảnh riêng
NHỚ LONG THÀNH XƯA
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước về chính trị và văn hóa. Những người dân Thăng Long, nhất là tầng lớp Nho gia thi sĩ - những người mẫn cảm và “cả nghĩ” - bị rơi vào một cảm giác mất mát, hụt hẫng rất lớn (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 27/09/2010. Lần đọc: 945 . Cập nhật bởi: DiepAnh
NGUYỄN DU VÀ TRĂNG…
Trong Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có bài Ký Huyền Hư tử (Gửi Huyền Hư tử) rất đáng chú ý. Lâu nay người ta vẫn cho rằng Huyền Hư Tử là tên hiệu một người bạn của Nguyễn Du, không rõ tên thật là gì (Đỗ Ngọc Thạch ) - Ngày đăng: 22/09/2010. Lần đọc: 1249 . Cập nhật bởi: DiepAnh
LONG THÀNH CẦM GIẢ CA - BÀI CA BUỒN VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI CA NỮ
Trước khi có những bài ca hào hùng về Hà Nội như Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, chúng ta đã có những bài ca bi hùng về Hà Nội như Hà Nội chính khí ca , Hà Nội thất thủ ca …và một bài ca buồn về Hà Nội là Long thành cầm giả ca (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 17/09/2010. Lần đọc: 1630 . Cập nhật bởi: DiepAnh




HỒNG HÀ NỮ SĨ - HỒNG NHAN ĐA TRUÂN
như một định mệnh, Hồng Hà nữ sĩ của chúng ta bị câu thơ mở đầu này vận vào số phận một cách nghiệt ngã: Hồng nhan đa truân! Quả là rất đa truân: Bà Điểm kết hôn với Nguyễn Kiều, lúc đó là năm 1743, Bà Điểm đã 39 tuổi.(Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 13/09/2010. Lần đọc: 718 . Cập nhật bởi: DiepAnh
BẠCH VÂN CƯ SĨ TRẠNG TRÌNH
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cao sự trong sạch của tâm hồn con người, lên án thói đời tráo trở, vụ lợi, chà đạp lên thủy chung, tình nghĩa. Thơ ông, do vậy, nặng về nhân tình thế thái, triết lý đạo làm người.(Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 09/09/2010. Lần đọc: 946 . Cập nhật bởi: DiepAnh
NHỚ LONG THÀNH XƯA- Đỗ Ngọc Thạch

NHỚ  LONG  THÀNH XƯA
Đỗ Ngọc Thạch
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước về chính trị và văn hóa. Và Cố đô đất Bắc trở nên hoang tàn!... Những người dân Thăng Long, nhất là tầng lớp Nho gia thi sĩ - những người mẫn cảm và “cả nghĩ” -  bị rơi vào một cảm giác mất mát, hụt hẫng rất lớn! Đó chính là “sự kích hoạt” đối với Bà Huyện Thanh Quan (1) và kiệt tác Thăng Long thành hoài cổ ra đời. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường (a)
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương (b)
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,(c)
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,(d)
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.(e)

Chú thích:
(a)    Hí trường: Sân khấu.
(b)    Tinh sương: Tinh là sao, sương là sương giá. Mấy tinh sương là mấy năm.
(c)    Thu thảo: Cỏ mùa thu.
(d)    Tịch dương: Mặt trời lúc chiều tối.
(e)    Đoạn trường: Đứt ruột, ý nói đau đớn.
Bài Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan ngay lập tức đã làm xao động những tâm hồn đang bị “đổ nát”, “hoang phế” của người Thăng Long thành và được xếp vào loại kiệt tác thi ca cho đến tận thời hiện đại! Nhận định về Thăng Long thành hoài cổ và những bài thơ khác của Bà Huyện Thanh Quan, các nhà phê bình, nghiên cứu văn học loại đại gia đều có những lời phán xét thỏa đáng. Ví dụ như Dương Quảng Hàm: Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện ( Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất bản năm 1968 ;tr. 396-397). Hoặc Thanh Lãng (Bản lược đồ Văn học Việt Nam, quyển thượng, tr. 798,  NXB Trình bày, không ghi năm xuất bản): Thơ Bà Huyện Thanh Quan đầy chất thơ. Lời thơ của bà điêu luyện, gọt giũa, đẹp như một bức tranh cổ. Hoặc nữa là  sự phân tích kỹ và sâu của Phạm Thế Ngũ (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển hai), tr. 288, 290 và 294. Quốc học tùng thư xuất bản, không ghi năm xuất bản): “Nhiều nhà phê bình đã đưa ra thuyết Bà Huyện Thanh Quan mang nặng tấm lòng thương tiếc nhà Lê, thuyết ấy không phải là vô căn cứ. Cái tâm trạng hoài Lê ấy, cũng là tâm trạng chung của nhiều nho sĩ Bắc Hà sau ngày thống nhất...Nhưng nói là nhớ tiếc cái chính trị của mấy ông vua thời Lê mạt thì không đúng. Bà hướng về một quá khứ mà có lẽ bà cũng không tường tận lắm, và bà cũng chưa thọ hưởng được ân huệ gì; nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình...Vì thế thái độ hoài Lê của bà cũng như nhiều nho sĩ đồng thời không có tính cách chính trị, mà chỉ có tính cách tâm tình...Về mặt nghệ thuật: chữ dùng khéo, chọn lọc, thích đáng, đối rất chỉnh, rất thần tình, ý hàm súc, lời trau chuốt, gọn, đẹp...Cho nên thơ bà rất được các nho gia xưa yêu chuộng, ngâm nga...Thơ luật đời Nguyễn Sơ, ở tác phẩm của hai nữ sĩ là Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, như vậy quả đã tiến đến cao độ mỹ diệu. Thơ Hồ Xuân Hương thiên về Nôm mà bóng bẩy, duyên dáng. Thơ Bà Huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát, nhẹ nhàng. Hồ Xuân Hương đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện một hình thức bác học. Bà Huyện Thanh Quan đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại, cùng với tinh túy của Đường thi...”.
Từ điển Văn học (bộ mới) (Nhiều tác giả, NXB Thế giới, 2004) đã khẳng định: Thơ bà thường viết về thiên nhiên, phần lớn là vào lúc trời chiều, gợi lên cái cảm giác vắng lặng và buồn bã. Cảnh bà miêu tả trong những bài thơ giống như những bức tranh thủy mặc, chấm phá…Hơn nữa, nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình. Tình cảm của bà thường là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại. Do vậy, người ta gọi bà là nhà thơ hoài cổ. Thơ bà còn được chú ý vì một lẽ nữa, đó là nghệ thuật hết sức điêu luyện. Ở đó, niêm luật đều luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu...
Bức tranh thủy mặc của Bà Huyện về Thăng Long thành thời vàng son là sự hoài niệm da diết, là nỗi lòng thương nhớ không nguôi của Bà nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được chứ không thể nhìn thấy được! Rất may là có những nhà thơ khác có thể thay Bà Huyện mà vẽ bức tranh đó thật chi tiết với đủ sắc màu. Đó là Quan Trạng Nguyễn Giản Thanh (2) với Phụng thành xuân sắc phú và danh sĩ Nguyễn Huy Lượng (3) với Tụng Tây hồ phú.

Bài Phụng thành xuân sắc phú chính là bài thi để tranh giải Trạng Nguyên của Nguyễn Giản Thanh và Hứa Tam Tỉnh (4). Trong cuộc “tỉ thí” này, bài phú của Tam Tỉnh viết bằng chữ Hán còn bài phú của Giản Thanh viết bằng chữ Nôm đã được cả Mẫu hậu và Vua chấm cao điểm hơn bài phú của Tam Tỉnh nên Giản Thanh đã giành được giải Trạng nguyên (5):

Phụng thành xuân sắc phú

Ngao từ chia cực (a) .
Phụng đã xây thành (b),
Sum một chốn y quan lễ nhạc,
Vầy một nơi văn vật thanh danh.
Trời đượm khí xuân, sắc tươi tốt khắp hòa thế giới,
Nước mừng thịnh trị, thế vững vàng chống cột thần kinh(c).

Nhớ xưa:
Cõi giữa bang trung.
Đứng trên thượng quốc.
Đỉnh Tản sơn hùm chiếm Tây Nam,
Dòng Nhị thủy rồng chầu Đông Bắc,
Nghìn dặm giang sơn đặt hiểm, tượng đã có danh;
Bốn mùa cảnh vật đều xuân, hoa càng thêm sắc.

Từng thấy:
Đòi nơi nghễu ngật,
Mấy chốn lạ lùng.
Chín bức lâu đài ngọc chúc,
Ngàn lần la ỷ cẩm lung.
Chợ chợ, nhà nhà, trăm dáng tựa đồ bôi tám bức,
Thành thành thị thị, muôn tử chen thức ánh ngàn hồng.

Trong thời:
Điện ngọc thâm nghiêm,
Cửa vàng ngang ngửa.
Liễu Chương Đài (d) mây ngọc dờn dờn,
Đào thượng ủy má hồng rỡ rỡ.
Địch phượng (e) lầu kia mới thổi, lòng nguyệt dễ xui.
Trống rồng điểm nọ lại thôi (g) nhị hoa đua nở,

Ngoài thời:
Chợ Hòe (h) đầm ấm,
Phố ngọc tần vần.
Trai lanh lẹ đá cầu vén áo,
Gái éo le rủ yếm dôi quần.
Khách Trường An (i) cưỡi ngựa xem hoa, rợp đường tử mạch (k).
Chàng công tử ngự xe trương tán, rạng mực thanh vân (l).
Lành thay:
Vận mở thái hòa,
Đường thông chức cống (m)
Đền xuân vầy họp hây hây,
Cõi thọ bước lên thong thỏng.
Nẻo họp châu xa, ngọc bạch, dân mến về chầu;
Tộ mừng bàn thạch, Thái Sơn (n), thế bề khôn động.
Nước yên vững đặt âu vàng,
Đất thịnh vốn chưng thành Phụng.

Vậy mới hay:
Thành Phụng ấy chốn yêu, chốn lạ,
Sắc xuân này đường tốt, đường thanh.
Dầu chẳng có "sắc xuân" đua tốt,
Sao cho nên "thành phụng" nổi danh?
Hướng bốn phương cùng họp đất này, giữa chưng thiên hạ;
Hòa mỗi chốn đều làm đô đấy, ngăn được thế hình.

Song le:
Có xuân tượng bởi có thành,
Cậy hiềm chẳng bằng cậy đức.
Tuy đã nhiều non nhiều nước, mạnh thửa (o) thành trì;
Sao bằng lấy nghĩa lấy nhân, bền làm phong vực.

Những thấy:
Đời đời thành Phụng ấy,
Kiếp kiếp sắc xuân này,
Con con cháu cháu dõi truyền đến chưng muôn vạn ức.


Chú thích:

(a). Ý nói cương vực bờ cõi được phân định rõ ràng.

(b).
Phụng thành
: Đời Xuân Thu (Trung Quốc), con gái Tần Mục Công là nàng Long Ngọc khi thổi sáo chim phượng sà xuống đậu đầy ở Cấm thành (nơi vua ở), chỗ ấy bèn được gọi là Đan Phượng thành. Đời sau theo đó gọi kinh đô là Phượng thành hay Phụng thành. Ở Việt Nam, từ đời Trần, thành Thăng Long còn được gọi là Phụng thành. Sử có chép vua Trần sai đội quân Tứ Tượng sửa sang lại Phụng Thành.

(c). Thần kinh: Kinh đô.

(d). Chương Đài: Tên một đường phố trong thành Trường An, kinh đô của Trung Quốc đời Tây Hán. Ở đây chỉ đường phố kinh đô Thăng Long. Chữ "Liễu Chương Đài" trong câu không liên quan gì đến khúc Chương Đài Liễu của Hàn Hoành đời Đường.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đoạn diễn ta nỗi lòng nhớ thương quê hương và tình nhân của nàng Kiều lúc ở lầu xanh, có câu:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
Khi về hỏi Liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!
"Chương Đài" là tên một con đường ở thành Trường An bên Tàu. "Hỏi Liễu Chương Đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương Đài. Đây có nghĩa là hỏi thăm tình nhân cũ (tức nàng Kiều).
Sở dĩ có nghĩa ấy do điển tích ở tình sử:
Đời nhà Đường, Hàn Hoành tuổi trẻ nổi tiếng là một người tài danh. Nhà nghèo kiết, lấy một nàng kỹ nữ họ Liễu ở Chương Đài.
Mấy năm sau, quan Tiết độ sứ ở châu Thanh là Hầu Hy Dật mến tài, tâu vua xin Hàn Hoành làm người giúp việc. Bấy giờ, đương lúc nhiễu loạn, Hàn không dám đem Liễu đi theo, để nàng ở lại kinh đô, định chờ dịp tiện sẽ về đón. Nhưng trải qua ba năm trời, Hàn vẫn không về đón được. Nhân lấy vàng đựng vào một cái túi gởi về cho Liễu, kèm theo một bài thơ:

Liễu ơi, hỡi Liễu Chương Đài,
Ngày xưa xanh biếc, hỏi nay có còn?
Ví tơ buông vẫn xanh rờn,
Hay vào tay khác, khó còn nguyên xưa!
Nguyên văn:
Chương Đài Liễu! Chương Đài Liễu!
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Túng sử trường điều tự cựu thùy,
Dã ưng phan chiết tha nhân thủ.
Liễu được thơ cũng đáp lại:
Xanh non cành liễu đương tươi,
Năm năm luống để tặng người biệt ly.
Thu sang quyện lá vàng đi,
Chàng về biết có còn gì bẻ vin!
 (Bản dịch của Trúc Khê)
Nguyên văn:
Dương liễu chi, phương chi tiết,
Khả hận niên niên tặng ly biệt.
Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
Túng sử quân lai khởi kham chiết!
Lời thơ trao đổi thành một điềm gở báo trước.
Một thời gian, Hàn được trở về triều, tìm Liễu không thấy đâu cả. Dò hỏi tin tức, thì ra Liễu đã bị viên tướng Phiên rất có công trạng với triều đình tên Sa Tra Lợi thấy nàng có sắc đẹp nên cướp mất. Nàng bấy giờ được luyến ái hơn hết cả mọi phòng. Hàn buồn bã vô cùng, nỗi nhớ thương không sao khuây được.
May có một tráng sĩ trẻ tuổi tên Hứa Tuấn thương xót tình cảnh của Hàn, tìm mẹo cứu được Liễu. Bấy giờ vợ chồng được xum họp đầm ấm như xưa.
(e). Địch phượng: Địch là ống sáo. Phượng: xem chú thích (b): Phụng thành.

(g). Theo sách Nam trác yết cổ lục thì Đường Minh Hoàng nhân một buổi sớm mùa xuân thấy cây liễu cây hạnh đang muốn nở hoa, liền sai đánh trống thúc giục, và làm ra khúc hát "xuân quang hảo". Được một lát thấy liễu và hạnh đều đã hé nở hoa. Do đó có chữ "thôi hoa cổ", là trống giục hoa nở. Thôi nghĩa là thúc giục.

(h). Chợ Hòe: Chữ hán là Hòe Thị. Theo sách Tam phụ hoàng đồ, cách kinh đô bảy dặm có chợ Hòe, trồng hàng mấy trăm cây hòe, tỏa bóng mát, nhưng không có nhà cửa. Cứ đến ngày rằm, mùng một, học trò đem thổ sản ở địa phương mình, sách vở và nhạc khí đến đây ngồi dưới cây hòe họp chợ và trao đổi với nhau.

(i). Trường An: Kinh đô nhà Tây Hán. Đời sau thường dùng để chỉ kinh đô nói chung.

(k). Đường tử mạch: Đường đi ở các phố trong kinh đô.

(l). Thanh Vân: Chỉ người có địa vị cao.

(m). Đường thông chức cống: Xưa các nước chư hầu theo định kỳ phải về kinh đô nộp cống cho Thiên tử, gọi là chức cống. Đường thông chức cống: là bốn phương bình yên không có loạn lạc đường về kinh đô thông suốt. Các địa phương và lân quốc cống hiến phẩm vật tấp nập.

(n). Tộ: Phúc của quốc gia. Ý trong bài muốn nói mừng ngôi vua vững như tảng đá lớn và núi Thái Sơn.

(o). Thửa: Ấy, còn có khi dùng làm tiếng đưa đẩy trong câu cổ.

*
Bài Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng được xem là kiệt tác của thể phú và có lẽ chưa có tác phẩm nào giành được những lời khen tặng nhiệt tình như thế này:
 “Có thể nói, trước và sau Nguyễn Huy Lượng, chưa hề có một tác phẩm nào viết về non sông đất nước Thăng Long Hà Nội hay đến thế, đẹp đến thế. Chỉ với một danh tác ấy cũng đủ xếp Nguyễn Huy Lượng vào hàng những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Thăng Long”;  “Áng văn Nôm trác tuyệt tân kỳ, dân Hà thành hồi ấy gọi là “Phú ông Lựợng” trong khi đổ xô đi tìm mua bản chép tay này… Người ta mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên. Nhớ câu chuyện ở Trung Quốc đời Tần, có Tả Tư viết bài Tam đô phú rất nổi tiếng. Người ở kinh đô Lạc Dương tranh nhau chép bài phú này, khiến giấy trở nên khan hiếm và giá  đắt vọt lên”.(Xem: Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, NXB Lao động, tái bản lần 3 năm  2009, trang 312).   
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. Tụng Tây Hồ phú
Lạ thay cảnh Tây hồ !
Lạ thay cảnh Tây hồ !
Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi,
Nghe rằng đây đá mọc một gò 

Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng đại trạch, 
Sau Kim Ngưu  do vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô 

Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc,
Cảnh ngầm in tinh chử, băng hồ 
Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo,
Hình lượn lượn uốn vòng trăng bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò ,
Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc,
Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa.
Áng đất phơi mỏ phượng còn in, kể rằng đài thượng nguyệt 
Vũng nước hút hàm rồng chẳng cạn, người gọi trản trung tô 
Tòa thạch tháp nọ nơi tiên để báu,
Chôn thổ đôi kia chỗ khách chôn bùa.
Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ
Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa.
Kề bến nọ, quán Thiên Niên lớp lớp
Cảnh ngàn kia, ghềnh Vạn Bảo nhấp nhô
Ṭa Kim Liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in vùng tĩnh phạn 
Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhận sẵn thú Nghi, Vu 
Dấu Bố Cái rêu in nền phủ 
Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa 

Trông mơ màng dường đỉnh Thứu  nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích,
Nghe phảng phất ngỡ động Đào mai nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o .
Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút ,
Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ì ồ ,
Rập rềnh cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm,
Thanh lảnh đầu hồ Cổ ngựa tháp cao tăng còn hé cửa tò vò.
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng 
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi canh ghẹo hai phường dệt gấm 
Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.
Cầm ve gẩy lầu thư ánh ỏi,
Mõ cuốc khuya án kệ rì rù.
Gò Châu Long khi ngọn gió đưa quanh, hồi thú cổ thẳng kề bên mái Trúc
Non Phục Tượng lúc vầng trăng hé nửa, tiếng hàn châm nghe cách giải sông Tô 
Người ngoạn cảnh thẩn thơ đòi đoạn,
Khách thâu nhàn lai láng từng khu.
Mảnh áo tơi lốp xốp trong mưa, ca Thanh Thảo quyến đàn trâu gã Nịnh 
Con thuyền trúc lân la trước gió, khúc Thương Lương đưa gánh củi chàng Chu 
Vầy cuộc ẩn, mọi nghề chẳng thiếu,
Mượn thú vui bốn bạn gồm no.
Cảnh Khán Sơn  chưa gác cột cờ, lòng thơ đã bôi hồi ban lãnh thỏ 
Làng Võng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô.
Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát,
Người Hy Hoàng song bắc ngáy phi pho.
Bến giặt tơ người vốc nước còn khuya, gương thiềm đựng trong tay lóng lánh,
Vườn hái nhị kẻ giày sương hãy sớm, túi xạ rơi dưới gót thơm tho .
Ngang thành thị, ghé yên hà một thú,
Dọc phố phường, tung phong nguyệt hai kho.
Gió hiu hiu dòng Nhị thủy đưa lên, lồng hơi mát tới chùm hoa khóm trúc
Trăng vằng vặc mái Tam Sơn rọi xuống, đớp bóng trong từng lũ cá, đàn cò.

Phong cảnh cũ nhiều nơi thắng lãm,
Triều đại xưa mấy lớp thanh ngu.
Tựa bóng hoa đặt quán quan ngư, kia đời Gia Khánh
Đè mặt sóng đem đường dụ tượng, nọ thuở Kiền Phù 
Trải Trần trước đã nhiều phen xe ngựa,
Tới Lê sau càng lắm độ tán dù .
Trộm nhớ thiên bát vịnh du hồ, trong tỷ hứng cũng ngụ lời quy phúng,
Lại nhớ khúc liên ngâm thưởng nguyệt, lúc tiếu đàm thường thỏa ý giao phu.
Tòa đá nọ hãi ghi câu canh họa,
Dòng nước kia dường nổi chén tạc thù .

Năm sau từ nổi bụi tiêu tường ba thước nước khôn cầm màu hiệu khiết,
Buổi ấy cũng góp phần tang hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khô .
Hình cây, đá, mưa trôi gió giạt,
Sắc hoa, chim, mây vẩn sương mù.
Chốn tri đàm lâm bợn vẻ thanh quang, xuôi ngược những vẫy đuôi khoa đẩu 
Nơi phạn vũ để che màu sảng lãng, dọc ngang treo mắc võng tri thù 
Hương cổ miếu đôi chòm lạnh lẽo,
Đèn viễn thô mấy ngọn lù mù.
Kênh đâu đâu đều chảy đến trung sa, lầu túc điểu gió còn sớm quạt,
Sen chốn chốn đã bay về Tây Vực vũng du ngư nguyệt hãy tối mò.
Kêu trị, loạn, đau lòng con đỗ vũ 
Gọi công, tư, mỏi miệng cái hà mô 
Lũ cây mây lầm tưởng bóng nghê, thơ Thất nguyệt thở than cùng mục thụ 
Khách điếu nguyệt biếng tìm tăm cá, chữ Tam mô bàn bạc với tiều phu
Nghe xóm nọ rù rì ve nhặng ,
Ngắm ghềnh kia thấp thoáng trai cò.
Thú cao lưu chếch mác thế cờ, người nhạo thủy ôm cầm khi rạng quế,
Màu yên cảnh bâng khuâng hồn rượu, khách đăng đài gác bút buổi bay ngô
Chiêu phong vị xem dường quạnh quẽ,
Dấu đồ thư ngắm hãy mơ hồ.
Dưới cầu vồng nước chảy mênh mông, đường xưa đưa ngựa,
Trên thành trĩ đá xây lởm chởm, bến cũ gọi đò.

Trước cố cung treo nửa mảnh gương loan, vừng trăng he hé,
Sau cổ tự gửi mấy phong da ngựa, đám cỏ lù rù.
Lớp canh dịch người xưa man mác,
Vẻ tiêu lương cảnh cũ thẹn thò.
Áng phồn hoa vì cảnh muốn phô người, người trải khi vật đổi sao dời, cảnh phải chiều người buổi ấy,
Trời thanh lãng có người mến cảnh, cảnh có sẵn nước trong trăng sáng, người nên phụ cảnh này ru ?

Vầng trăng nọ buổi tròn buổi khuyết;
Ngọn nước kia nơi hoắm, nơi nhô
Tới Mậu Thân từ rõ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch;
Qua Canh Tuất  lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu 
Vũng trì chiểu nước dần dần lặng;
Nơi đình đài hoa phới phới đua.
Chốn bảy cây, còn mấy gốc lăng vân, chẳng tùng bách cũng khoe hình thương lão;
Nơi một bến đã đóng đoàn hý thủy, tới uyên ương đều thỏa tính trầm phù.
Vẻ hoa thạch châu thêu, gấm dệt,
Tiếng trùng cầm, ngọc gõ, vàng khua.
Bãi cỏ non trâu thả, ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi;
Làn nước phẳng kình trầm, ngạc lặn, ao Hán nào mấy trẻ reo hò
Mặt đất đùn này thóc, này rau, rầu lòng Cô Trúc,
Mặt nước chảy nọ dòng, nọ bến, mặc chí Sài, Do.
Cây quán kia còn đứng dậy thần uy, đoàn Mán tới dám khoe lời “Tây hữu” 
Sen chùa nọ lại bay về Phật cảnh, lũ Ngô về từng niệm chữ Nam mô.

Dấu linh dị rành rành vẫn sáng,
Mạch hậu nhân dằng dặc bao rò.
Mặt thành xưa đem lại thế kim thang, đất xây phẳng lặng;
Cánh hàn cũ sửa ra hình chỉ trụ đá xếp xô bồ.

Ghé vùng danh nẻo lợi bấy lâu, cảnh tuy rằng nhỏ;
So nước trí non nhân mấy chốn, cảnh đã chi thua.
Trải mấy thu từng tựa bóng tàn xanh, thâu cảnh đã vào trong vũ trụ.
Song nghìn dặm đã xa vời bệ tía, góp cảnh còn gọi chốn biên ngu,

Tuy thú vị đã giãi bày ra đó
Sóng thanh dung còn trang điểm lại cho.

Nay mừng
Trời phù chính thống,

đất mở hoành mô.
Quyền tạo hóa tóm vào trong động tác;
Khi càn khôn vận lại trước đô du
Nền hoàng thành đặt vững Long Biên, ngôi bắc cực muôn phương đều cùng hướng;
Nền bắc trạch xây kề Ngưu chử, cảnh Tây hồ trăm thức lại phương phu 
Chòm hủ thảo chưa qua tuần đom đóm,
Ánh tường vân đà cách độ tua rua.
Ngắm nguyệt, chiêm từ cấn tượng bốn hào, ống âm dương đà quét bụi;
Xem tuế luật đến Di tân bảy tấc, lò thiên địa mới bay tro
Cơ vãng phục lạnh thôi lại ấm;
Lẽ doanh thâu bớt đã lại bù.
Dưới lục âm vừa sinh khí nhất dương vạn phẩm đã nhờ ơn khôn tạo;
Trên cửu đạo lại tề ngôi thất chính, bốn mùa đều theo hướng đẩu khu.
Hương khâm kính xông miền hiệu đãng 
Rượu cung kiền thấm cõi linh u.
Áng năm mây bày ngọc bạch đôi hàng, thảo mộc hãy ca công Thang, Vũ;
Vang chín bệ nổi tiêu thiều mấy khúc, điểu thú đều vũ đức Đường, Ngu.
Vẻ hoa lẩn dấu cờ năm thức,
Mặt nước in bóng giáo ba ngù.
Trước huân phong phảng phất cung đàn, làn thâm thủy muốn vái lên ngũ bái,
Dưới ngọ nhật vang lừng tiếng trúc, hình viễn sơn mong rạp xuống tam hô.
Lễ nhạc ấy nghìn thu ít thấy,
Phong cảnh này mấy thuở nào so.
Trên dưới đều rồng mây cá nước phải duyên, giọt vũ lộ tươi đôi hàng uyên lộ;
Gần xa cũng bờ cõi non sông một mối, tấm đan thành dung khắp lũ nghiêu sô

Hơi yêu mị quét dưới cờ thanh đạo,
Áng tường quang tuôn trước ngọn huyền lô.
Rặng đầu gềnh người mượn chữ vu viên răn loài hồng nhạn;
Ca cuối vũng kẻ ngâm tại chử, nhủ lũ ê phù.
Lời ca ngợi, tưởng ngồi trong Chu Nhã 
Điệu ngâm nga, nghe đứng giữa Nghiêu cù

Ngẫm nay đà vui thú tạc canh, đành chốn chốn cũng ca đồng vũ tẩu;
Nhớ trước đã thỏa loài động thực, hẳn đâu đâu đều bặt quỷ êm hồ.
Nay lệnh tiết đã tin điềm thái lãng;
Xin thánh nhân càng ghín chữ dự du 
Ngọn nguồn tuôn ràn rụa mái kia ghềnh, đàn chiếu thủy chia dòng Kinh, Vị;
Chòm cỏ mọc tần vần bên nọ miếu, trống thôi hoa rẽ khóm huân, do
Nhận giá sắc, xét dân phong cần, nọa;
Ngắm phong quang, soi vật tính thanh, ô.
Chốn chiểu đài, xem cá nhảy chim bay, thâu sĩ lộ nơi thông nơi trệ;
Miền thôn ổ, lắng chim kêu gà gáy, lượng nhân gian nơi háo, nơi trù.
Tinh u uẩn khắp bày trên thị thính,
Hiệu trị bình đành sắp dưới tề tu.
Nơi mạch kia dân tựa, ấy làm trời, hang chuột ẩn há chừa nơi cỏ khuất.
Bờ liễu nọ kẻ xây, đà vững đất, lỗ kiến đùn khôn chuyển buổi nguồn xô
Đem phong cảnh lại một bầu chi nhỏ,
Mở thái bình ra bốn bể mới to.

Tôi nay
Hổ mình thiển lậu,
Dại trí sơ thô
Dư một kỷ yên bề hu lịch
Ngoài năm tuần thẹn bóng tang du.
Trước phượng đàn đứng sánh hàng loan, trông hồ cảnh tiến một chương ly ngữ 
Bên ngự đạo ngửa trông vừng nhật, nổi thanh sơn mừng muôn kỷ dao đồ.

Sài Gòn, tháng 9-2010
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
(1) Bà Huyện Thanh Quan (? -?), tên thật: Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây, Hà Nội. Cha bà là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ Lưu Nghị (1804 -1847) tự là Nguyên Uẩn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Chồng bà làm quan trải đến chức Bát phẩm Thư lại bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi).
Dưới thời vua Minh Mạng, bà được vời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi. Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời.
Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện gồm những bài sau:1. Thăng Long thành hoài cổ; 2. Qua chùa Trấn Bắc; 3. Qua Đèo Ngang; 4. Chiều hôm nhớ nhà; 5. Nhớ nhà; 6. Tức cảnh chiều thu; 7. Cảnh đền Trấn Võ; 8. Cảnh Hương sơn.
Giai thoại về Bà Huyện Thanh Quan:
1.Kẻo mai nữa già: Lúc ông huyện Thanh Quan (Lưu Nghi) đi vắng, có một cô gái tên là Nguyễn Thị Đào đã đệ đơn lên trình bày rằng chồng cô đã ruồng bỏ cô để xin được ly dị, lấy chồng khác. Vì thương cảm, Bà Huyện Thanh Quan đã thay chồng phê đơn bằng mấy câu thơ:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!
Hay chuyện, chồng cô Đào kiện quan trên. Quan ăn của đút, giáng chức ông huyện Thanh Quan.
2.Làm trâu thì làm: Có một ông đỗ hương cống tới xin mổ trâu để giỗ bố. Lúc bấy giờ, triều đình đã ban lệnh hạn chế mổ trâu, để phát triển việc canh nông. Cảm động trước hiếu hạnh của ông này mà chồng thì đi vắng, Bà Huyện Thanh Quan đã cầm bút phê vào đơn câu thơ:
Người ta thì chẳng được đâu
"Ừ " thì ông Cống làm trâu thì làm.
Biết bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông cũng vui vẻ ra về.
Một số bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
 
Đền Trấn Vũ

Êm ái chiều xuân tới Trấn đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi chiêu mộ, chuông gầm sóng
Một vũng tang thương, nước lộn trời
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây, chín rõ mười.

Cảnh chiều hôm   
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn ?

Cảnh thu
Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang sơn, say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt, nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

Chùa Trấn Bắc  
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Ai đi qua đó chạnh niềm đau
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu

Chiều hôm nhớ nhà
Vàng toả non Tây bóng ác tà
Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác, chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà
Còi mục gác trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước dường ngao ngán
Mấy kẻ chung tình có thấy là ?

Qua đèo Ngang
  
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

(2)  Nguyễn Giản Thanh (1482-?): thường được gọi là Trạng Me; là trạng nguyên khoa thi Đoan Khánh (1508), đời vua Lê Uy Mục. Ông là con của tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm (1453-?), người làng Ông Mặc (tục gọi làng Me) huyện Đông Ngàn (nay là Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh.

Ông làm quan nhà Lê đến chức Hàn lâm viện Thị thư kiêm Đông các Đại học sĩ. Sau đó, lại ra làm quan với nhà Mạc và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) để cầu phong cho Mạc Đăng Dung. Khi trở về, ông được thăng Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá. Khi mất được tặng tước hầu.

Giai thoại

Lúc Nguyễn Giản Thanh còn đi học, thầy học là Đàm Thuận Huy (2*), thấy học trò sắp ra về thì trời đổ mưa to, học trò không về được, thầy bèn ra vế đối để thử tài học trò:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách).
Nguyễn Giản Thanh liền đối lại là:
Sắc bất ba đào dị nịch nhân (Cái sắc đẹp của phụ nữ, không phải là làn sóng nổi, nhưng dễ nhận chìm người).
Thầy Đàm Thuận Huy nói: “Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp”.
Tương truyền, Nguyễn Giản Thanh chỉ đậu bảng nhãn còn Hứa Tam Tỉnh (làng Ngọt) đậu trạng nguyên. Trong buổi lễ ra mắt vua, các tân khoa phải làm một bài phú dâng tặng vua và hoàng thái hậu (mẹ của vua). Hoàng thái hậu thấy Hứa Tam Tỉnh dung mạo xấu xí thì không ưng lắm, trong khi đó Nguyễn Giản Thanh khuôn mặt khôi ngô thanh tú nên bà muốn nhắc ông lên làm trạng nguyên. Vua vì muốn chiều lòng mẹ nên đánh giá bài phú của Nguyễn Giản Thanh cao hơn và trao danh hiệu trạng nguyên cho ông. Do đó dân gian có câu Trạng (làng) Me đè trạng (làng) Ngọt
(2*) Đàm Thuận Huy (1463-1526), một đại công thần triều Lê.  Ông người làng Hương Mạc (Từ Sơn - Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ năm 28 tuổi (1490) triều Lê Thánh Tông, làm quan tới Thượng thư Bộ Lễ, Tán trị công thần.
(3)Nguyễn Huy Lượng (?-1808): Là văn thần cuối đời Hậu Lê, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, sau dời sang làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Ông đỗ Hương cống, làm quan nhà Lê chức Phụng Nghi, một chức quan nhỏ trong bộ Lễ. Sau làm quan nhà Tây Sơn, đóng góp nhiều công sức với chức Hữu thị lang bộ Hộ (nên thường gọi là Hữu hộ Lương, tước Chương Lĩnh Hầu).
Năm Nhâm Tuất (1802), triều Tây Sơn sụp đổ, ông bị bắt. Ít lâu, ông được nhà Nguyễn thu dụng, làm Tri phủ Xuân Trường. Rồi bị giết trong một trường hợp bức tử vào năm 1808 (theo tác giả bộ Minh đô sử).
Tác phẩm: Sáng tác của Nguyễn Huy Lượng đều viết bằng chữ Nôm, thường là thể phú:Tụng Tây hồ; Văn tế trận vong tướng sĩ; Bình Tây khúc; Cung oán thi; Hồi loan khúc.
Tụng Tây hồ là một trong các bài phú chữ Nôm có nghệ thuật gồm 86 liên, dụng ý trong bài phú của ông là lấy phong cảnh đẹp của Tây Hồ mà mô tả và ngợi khen nhà Tây Sơn với ngôn từ sinh động đầy thi ảnh, sau cùng là dự tán tụng công đức nhà Tây Sơn.
Phạm Thái (1777-1813) viết Chiến tụng tay hồ phú (Đánh lại bài Phú ca tụng hồ Tây): Đây là một bài phú họa lại 85 vận của bài Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng. Mục đích của ông là có ý đả phá nhà Tây sơn, một triều đại mà ông Lượng đang suy tôn. Theo GS. Thanh Lãng, thì bài này thực có tính cách kỳ khu quá đáng. Tác giả đã lạm dụng những kinh, những điển, phải là người thông thuộc sử sách Tàu mới hiểu nổi. Lời văn chứa đầy nỗi căm phẫn, hậm hực đối với nhà cầm quyền đương thời (Tây Sơn), biểu lộ rõ ràng lòng thương tiếc nhà Lê.
 GS Nguyễn Lộc nhận xét “Chiến tụng Tây Hồ phú làm ra dưới thời Nguyễn Quang Toản, Bùi Đắc Tuyên là thời kỳ nhà Tây Sơn đã đi sâu vào con đường phong kiến hóa, có thể Phạm Thái đã ghi lại được một số nét hiện thực nào đó của xã hội đương thời. Nhưng những nét hiện thực ấy trong bài phú không có giá trị độc lập của nó nữa vì tác giả dùng nó để phục vụ cho mục đích đen tối của mình. Vì vậy mà bài phú không có giá trị gì”.
(4)  Hứa Tam Tỉnh (1481-?): người xã Như Nguyệt, huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục, từng được cử đi sứ (năm 1516) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau, ông ra làm quan với nhà Mạc, lại được cử đi sứ sang nhà Minh. Khi trở về, ông được thăng Thượng thư Bộ Lại, hàm Thiếu bảo, tước Đôn Giáo bá, về trí sĩ.

(5)Xin xem thêm: :: PHONGDIEP.NET ::Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch: TRẠNG ME ĐÈ TRẠNG NGỌT

  (hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét