Truyện ngắn | ||||||||
Kén vợ kén chồng Đỗ Ngọc Thạch | ||||||||
Vợ chồng ông Lê Vu và bà Trần Thị Vi chưa tới bốn mươi tuổi nhưng đã rất thành đạt về nhiều mặt. Sau khi cùng làm Luận án Thạc sĩ, thì ông từ chức Trưởng Phòng Nông nghiệp Huyện được thăng lên chức Phó chủ tịch Huyện, còn bà từ Phó Phòng Nông nghiệp lên ngồi vị trí cũ của chồng, - cũ người mới ta .Hai người vốn cùng học trường Đại học Nông nghiệp, bà học sau ông hai khóa, bạn bè thấy tên hai người mà ghép lại với nhau thì rất hay – Vi Vu -, ( có nhạc sĩ nào đó đã đưa hai từ này vào lời ca - …gió chiều vi vu…ú ù ú u…), nên đã trêu chọc mà gán ghép hai người với nhau. Chuyện giỡn thành thiệt, hai người nên vợ nên chồng! Song ít người biết được rằng, khi mới sinh ra, người cha của Lê Vu, lúc đó đang làm Chánh Văn Phòng Ủy ban Huyện, muốn con mình sau này làm Vua (thực ra người cha cũng luôn thích làm vua - Mộng Đế Vương) nên đã đặt tên con là Vua! Sau, có một ông Thầy của Lê Vu nói với cha Lê Vu: “Ngày nay mà vẫn còn ôm Mộng Đế Vương thì không có gì là xấu nhưng không hợp thời! Vì thế, nên ẩn tàng chứ không nên lộ liễu quá, cần sửa chữ Vua thành chữ Vu, khi gặp thời cơ, điều kiện chín muồi thì lại thêm chữ A vào để thành Vua cũng chưa muộn!”. Người cha của Lê Vu nghe theo, vì thế cậu bé Lê Vua chỉ “Làm Vua” có chín năm, tức đến năm mười tuổi thì đổi tên thành Lê Vu! Về đường con cái, hai vợ chồng Vi – Vu cũng khá mãn nguyện với hai đứa con sinh đôi, một nam, một nữ, con trai là anh đặt tên là Võ, con gái là em đặt tên là Văn, có ý muốn các con toàn tài – văn võ song toàn. Lúc còn tuổi nhi đồng, tức từ một đến năm tuổi, hai anh em Võ, Văn xinh xắn như một cặp Thiên Thần, ai gặp cũng muốn ôm hôn chùn chụt. Khi lớn khoảng chục tuổi thì đẹp rực rỡ như Kim Đồng, Ngọc Nữ đứng bên cạnh Quan Âm Bồ Tát, những người làm cha mẹ nhìn thấy mà thèm! Khi hai anh em Võ, Văn học tới lớp Mười thì hiện rõ là những trang nam thanh, nữ tú, ai nhìn thấy cũng không thể kìm lòng ham muốn! Nhiều bậc cha mẹ đã tới ướm hỏi cho con mình, nhiều “Ong, Bướm đã rập dìu trước ngõ”!... Vì thế, khi hai anh em Võ, Văn lên lớp Mười một, hai vợ chồng Vi – Vu quyết định lấy vợ, gả chồng cho các con, kẻo “đêm dài lắm mộng”!... * Hầu như ngày nào, câu chuyện kén vợ, kén chồng cho các con cũng là đề tài “Đối thoại” của vợ chồng Vi – Vu! Vu thường nói với vợ: “Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, đó là công việc quan trọng hàng đầu của những người làm cha làm mẹ chúng ta lúc này! Đành rằng bây giờ không còn như ngày xưa là “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nhưng chúng ta không thể đoạn tuyệt với truyền thống của cha ông, có nghĩa là chúng ta không áp đặt con cái phải lấy ai, cưới ai nhưng con cái muốn cưới ai, lấy ai thì chúng ta phải “Ký duyệt” cuối cùng! Vả lại, chỉ có…”. Người vợ liền ngắt lời: “Lần nào ông cũng đọc bài “Diễn văn” ấy mà không biết chán à? Đây có phải là Hội trường của Ủy ban ND Huyện đâu mà cái cảm hứng đọc “Diễn văn” của ông cứ bùng phát như thế? Tôi muốn ông nói thẳng vào trọng tâm: Cái cô nàng Tuyết Lê mà bà mối kiếm cho thằng Võ có duyệt được không?”. Vu nói ngay: “Nhìn tổng quát thì tạm được: gia thế tương đương, hình thức quá đẹp nhưng nội dung thì hơi đuối: không chịu học hành mà chỉ mải ăn diện! Nhưng…”. Bà vợ cướp lời: “Thế thì phải nói là “Không được” chứ sao lại là “Tạm được”? Ông quên câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” à? Chọn con dâu là chọn con người nết na, thùy mị, chăm học, chăm làm chứ không phải là chăm trưng diện! Dẹp đám này ngay! Cứ để các ông chọn vợ cho con trai là hỏng hết! Chuyển vụ đó sang cho tôi, ông nhận vụ chọn con rể, tức chọn chồng cho con gái!”. Vu ngập ngừng một lát thì nói: “Thôi được, giao việc chọn con dâu cho bà, khoán trắng luôn, không cần hỏi ý kiến tôi nữa, đúng là “Lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy vợ”! Vậy việc bà mai mối dắt cậu “Thiếu gia” con trưởng của “Đại gia” Địa ốc đó cho con gái cưng của tôi thế nào rồi?”. Bà vợ nói ngay: “Thiếu gia” với chả “Đại gia”! Đúng là cái bà mai mối chỉ nhìn con người qua đồng tiền! Ai đời Thiếu gia là sinh viên Đại học Quốc gia năm thứ ba mà khi tôi hỏi “Người anh em của Vua Lê Lợi là ai?” thì nó nói là Lê-nin!”. Vu bật cười rồi nói: “Tưởng gì chứ những chuyện như thế ở đâu cũng có! Bà đừng có đòi hỏi ai cũng phải biết chuyện Vua Lê! Mà bà thử nghĩ xem, Vua Lê có giúp gì chúng ta làm ăn phát tài, thăng quan tiến chức? Thôi để cái vụ “Thiếu gia” con “Đại gia” Địa ốc đó lại cho tôi. Quan chức như tôi bây giờ phải liên kết với giới doanh nhân, nhất là các Đại gia Tỷ phú!”… Những lần “trao đổi”, “bàn bạc” về chuyện lấy vợ, gả chồng cho hai đứa con sinh đôi Võ và Văn của vợ chồng Vi – Vu bao giờ cũng kết thúc bằng việc thay đổi nhiệm vụ chính của mỗi người như vậy, nhưng đến lần sau thì không thể kết thúc mà lại thay đổi lại nhiêm vụ chính của mỗi người: tức người chồng lại nhận việc kiếm vợ cho con trai và người vợ lại nhận việc kiếm chồng cho con gái! Việc đổi đi đổi lại như thế diễn ra suốt cả năm hai anh em Võ và Văn học lớp Mười một mà vẫn chưa có kết quả. Thực ra, việc lấy vợ gả chồng cho hai con của vợ chồng Vi – Vu chưa ngã ngũ vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, là do hai bậc cha và mẹ không bao giờ thống nhất được tiêu chuẩn bởi mỗi người có một “gu thẩm mỹ” không hề giống nhau. Khi người bố chọn vợ cho con trai thì thường chỉ nhìn vào nhan sắc, thân hình của người con gái, giống như câu tục ngữ “Mua trâu xem xoáy, lấy vợ xem mông”; còn người mẹ chọn vợ cho con trai thì lại chỉ chăm chăm vào cái Nết bởi nó đánh chết cái Đẹp, nó sẽ đem đến cho mẹ chồng một nàng dâu thảo! Cũng như thế, khi chọn chồng cho con gái, người mẹ rất kỵ những người thô bạo, có tướng tá vũ phu bởi lo cho đứa con gái yếu đuối của mình sẽ bị hành hạ đến chết; trong khi đó người cha thì lại cần một chàng rể tráng kiện đầy chất Nam nhi để có thể phò giúp Nhạc phụ trong những cuộc chinh chiến ác liệt của trường đời! Vì thế, sự đòi hỏi của người cha và người mẹ đối với Chàng rể hoặc Nàng dâu là rất khó thống nhất, trừ phi đối tượng là người hoàn thiện, kiểu như văn võ song toàn, tài đức vẹn toàn! Song, kiểu người như thế có bói cũng không ra, bởi đã có câu “Nhân vô thập toàn”, không bao giờ sai!... Bên cạnh việc “loạn chuẩn” trong việc kén chọn dâu, rể, còn có một nguyên nhân rất “tế nhị” là: khi chọn con dâu cho con trai, người cha (hoặc mẹ) thường bị đứng “nhầm chỗ”, tức không đứng ở vị trí người cha (hoặc mẹ) mà lại đứng ở vị trí của người con và lập tức bị đối tượng “thu hết hồn vía”! Hầu như lần nào cũng thế, khi mải mê “quan sát đối tượng” kỹ càng, xét nét đến từng xăng-ti-mét, ông Vu luôn bị các “đường cong” trên thân hình “bốc lửa” của “con dâu tương lai” cuốn hút không thể cưỡng lại! Cũng giống như việc các cán bộ Thanh tra cấp cao của Chính phủ đi thanh tra ở các nơi, bị “ma lực của đồng tiền” cuốn hút, không thể cưỡng lại mà nhận hối lộ, Xếp Nhất của Thanh tra Chính phủ đã “thanh minh” cho thuộc cấp của mình rằng, họ là cán bộ Thanh tra, nhưng họ cũng là Con Người, tránh sao được những cám dỗ, nhất là “ma lực của đồng tiền”! Trong vụ “chọn nàng dâu” cho con trai của ông Vu cũng vậy, đứng trước sự quyến rũ của một cơ thể trẻ trung tràn đầy nữ tính, ông Vu cũng chỉ là một “thằng người đàn ông” thì làm sao mà tránh khỏi việc bị cám dỗ để quên đi vị trí người cha của mình mà chuyển từ việc chọn con dâu thành việc chọn người tình cho mình!... Những tưởng việc bị cám dỗ chỉ xảy ra với ông Vu, nhưng chuyện này nó không chừa bất cứ ai, khi đó là một con người có giới tính, như bà Vi. Bà Vi thường bị cuốn vào chuyện “ái tình lòng thòng” một cách rất “tự nhiên khách quan” (chứ không “chủ quan, chủ động” như ông chồng), tức khi đối tượng “không làm chủ được bản thân” trước thân hình cũng không kém phần bốc lửa của bà “mẹ vợ tương lai”, bà cũng thích “nhắm mắt đưa chân” xem thử “Con Tạo xoay vần tới đâu”? * Tới năm anh em Võ và Văn học lớp Mười hai, ông Vu nghe nói đã có quyết định lên chức Chủ tịch Huyện, chỉ còn thiếu một chữ ký duyệt nữa là xong. Vì thế, vợ chồng Vi – Vu quyết tâm thúc đẩy việc lấy vợ, gả chồng cho con để đúng với vận số “Song hỷ long môn” mà Tử vi đã khẳng định rõ như ban ngày!... Biết được mối quan tâm của ông Vu, ông thầy giáo, người đã từng giúp cha ông Vu đổi tên Lê Vua thành Lê Vu, đến nói với ông Vu: “Tôi vẫn theo dõi vận số của cậu từ đó đến giờ, nhìn chung là tốt, hanh thông mọi bề. Nay là thời điểm bước ngoặt lớn, tôi sẽ giúp cậu thúc đẩy quá trình thăng tiến nhanh hơn, vì chuyện này không nên để kéo dài, “Đêm dài lắm mộng”!”. Vu hỏi thúc đẩy như thế nào thì ông Thầy nói: “Vận hội mới sẽ đến nhưng không phải của Trời cho, càng không phải của nhặt được, mà phải là sự chiếm đoạt được, giành giật được thì mới chắc, mới bền! Nhân vật sẽ ký duyệt cho cậu cái chức Chủ tịch Huyện kia cũng có hai người con, một trai một gái…Vậy ông hãy làm thông gia với Nhân vật đó, phải bằng mọi cách để cậu là thông gia. Đó gọi là kế một mũi tên bắn hai đích!”. Ông Vu nghe nói thì vỗ đùi đen đét và cứ tự mắng mình là ngốc, là dốt, có thế mà không nghĩ ra! Thế mới sinh ra cái nghề “Quân sư” chứ! Vợ chồng Vi – Vu lập tức nhờ hai bà chuyên nghề mai mối, đã thành lập hẳn Công ty Dây Tơ Hồng, chuyên trách về dịch vụ mai mối, từ A tới Z. Tức người đến Công ty Dây Tơ Hồng, sau khi đặt cọc tiền Dịch vụ mai mối thì chỉ việc ngồi chờ đúng ngày lành tháng tốt là đi…động phòng hoa chúc! * Lại nói tới hai anh em sinh đôi Võ và Văn. Thực ra, việc vợ chồng ông Vu bà Vi kén vợ gả chồng cho hai đứa con Võ và Văn bất thành còn có một nguyên nhân rất quan trọng là do chính hai anh em Võ và Văn không hề “cộng hưởng” với việc làm đó của cha và mẹ! Tức mỗi khi tiếp xúc với các “đối tượng”, hai anh em Võ và Văn không hề bộc lộ cảm xúc, tức trái tim của hai anh em lúc đó luôn “đóng cửa”! Vì sao lại như vậy? Chỉ có chính họ mới có thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác: bởi họ đã “chót yêu nhau từ trong bụng mẹ”! Mới thoạt nhìn thì mối tình này bất bình thường và xã hội không chấp nhận chuyện hai anh em ruột yêu nhau! Nhưng nếu nghĩ đến câu “Chuyện gì cũng có thể xảy ra” thì có thể hiểu được. Ngay từ trong bụng mẹ cho đến lúc này, Võ và Văn luôn xoắn xuýt bên nhau như hình với bóng. Nhìn hai anh em sinh đôi xoắn xuýt bên nhau không rời, không ai nghĩ rằng bên trong đó là Tình yêu! Và thực ra, chỉ tới khi hai vợ chồng ông Vu bà Vi xúc tiến việc kiếm vợ, gả chồng cho hai anh em Võ và Văn thì giữa họ mới thực sự nảy sinh Tình yêu Nam – Nữ nồng nàn, cháy bỏng như những người yêu nhau khác! Ban đầu, họ chỉ sợ “mất nhau”, về sau, họ ngày càng gắn bó khăng khít và quyết không rời nhau ra!... Khi thấy cha và mẹ, tức vợ chồng ông Vu bà Vi, nhờ Công Ty Dây Tơ Hồng mai mối với hai người con của ông “Quan Thượng cấp” nào đó, Văn nói với Võ: “Không thế lực nào có thể chia lìa chúng ta! Anh mau nghĩ cách đối phó đi!”. Võ nói: “Chúng ta là phận làm con, không thể ra mặt chống đối cha mẹ! Em có biết câu “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” không?”. Văn đã nước mắt lưng tròng, nói : “Đi trốn? Nhưng chúng ta biết trốn đi đâu? Làm sao mà sống? Em không thể sống kiểu bụi đời vạ vật được!”. Võ âu yếm an ủi Văn, dịu dàng nói: “Em là lá ngọc cành vàng, sao lại có thể sống bụi đời chứ! Chúng ta sẽ thuê khách sạn ở Đà Lạt, chỉ một tháng là có thể quay về nhà coi như không có chuyện gì xảy ra! Tiền bạc cho việc này anh đã chuẩn bị xong xuôi, ngày mai là chúng ta có thể “mất tích” được rồi!”… * Khi đám cưới được cử hành, chỉ sau khi Võ và Văn “mất tích” chưa tới một giờ đồng hồ, ông Vu bà Vi bàng hoàng, ngơ ngẩn khi mới phát hiện ra hai chuyện hệ trọng: 1/ cả chú rể Võ và cô dâu Văn đã “mất tích”, và 2/ cả cô dâu Lan và chú rể Hồng (con của vị Thượng cấp) đều là người bị bệnh tâm thần phân liệt, tuy không đập phá nhưng cứ nhớ nhớ, quên quên, ngơ ngơ ngẩn ngẩn! Theo như dự kiến, nhà ông Vu cao rộng (bốn tầng lầu trong khuôn viên hai trăm mét vuông) nên ông vừa đón dâu cho con trai, vừa cho ở Rể. Vì thế, khi chú rể và cô dâu của chủ nhà “mất tích” thì không thể có giải pháp nào khác ngoài việc chính ông Vu và bà Vi phải là người thế mạng! Chuyện này được giữ kín chỉ ông Vu và bà Vi biết, vì chẳng có ai dám “dòm ngó” vào chuyện “kết thông gia” này và “ông bà thông gia” của ông Vu bà Vi sau khi tiễn hai đứa con ngớ ngẩn “lên đường” thì cũng không có thời gian ngó ngàng đến chúng nữa, vì thực ra từ lâu đã là như thế! Đúng như kế hoạch “mất tích” của anh em Võ và Văn, sau một tháng du lịch chán chê ở Đà Lạt, họ trở về nhà, nhưng không thể coi như không có chuyện gì xảy ra! Vậy chuyện gì đã xảy ra? Mối quan hệ của sáu người (ông Vu, bà Vi, hai anh em Võ và Văn, hai anh em Hồng và Lan) trong cái nhà này sẽ như thế nào? Muốn trả lời những câu hỏi đó một cách thấu tình đạt lý, phải nhờ đến thể loại Tiểu thuyết, bởi đó là những câu hỏi vượt quá khuôn khổ của một Truyện ngắn này. * Có một chi tiết rất ngắn gọn, có thể đưa vào Truyện ngắn này để phần nào nói về cái “kết thúc có nhiều hậu” của câu chuyện: Mỗi lần ông Vu và bà Vi ân ái với nhau thì cả hai anh em Hồng và Lan đều xuất hiện , Hồng thì kéo bà Vi ra và nói: “Trả vợ cho tôi!”, còn Lan thì kéo ông Vu về mình và nói: “Trả chồng tôi nào, chồng của tôi chứ!”…/. Sài Gòn, 2009-2010 | ||||||||
Đỗ Ngọc Thạch | ||||||||
Ngày đăng: 07.01.2010 | ||||||||
| ||||||||
|
Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011
Kén vợ kén chồng - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét