Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Quân sư - Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch

QUÂN  SƯ

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH


http://fs6.truongxua.vn/images/2010/11/10/20/23/6825a701-a301-4735-b8bc-ca277026f840.Jpeg
Gia Cát Khổng Minh - Quân sư tài ba

Không hiểu tại sao bố mẹ lại đặt tên con là Hữu Sự, tức muốn trong nhà luôn luôn “Có chuyện”? Quả nhiên, từ ngày ông con Hữu Sự ra đời, ông bố mặc dù được thăng quan tiến chức rất nhanh nhưng luôn luôn có chyện, tức phải tả xung hữu đột rất quyết liệt mới có thể tồn tại. Nhìn thấy người cha phải vất vả đấu đá đến u đầu mẻ tai mới giữ được “cái mũ ô sa”, người con cương quyết không nhận bất cứ một chức quan nào. Vì thế những người làm công tác nhân sự đã bố trí Hữu Sự vào những công việc không phải chức quan nhưng cũng chẳng phải làm lính, đó là làm công tác nghiên cứu tổng hợp, mới vào nghề thì gọi là nghiên cứu viên, lâu năm thì gọi là chuyên viên. Làm loại công việc này nói nhàn rỗi cũng đúng và nói bận bịu cũng đúng. Nói nhàn rỗi là với người làm biếng, sống chết mặc bay, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Nói bận bịu là với người đa mang, nhiễu sự, thích chẻ sợi tóc làm tư.
Tuy nhiên, làm cái nghề “chuyên viên” này cũng có khi một bước lên mây. Ấy là khi có một Sếp nào đó vì mến tài mà vời tới để hỏi kế sách “kinh bang tế thế”, tức bàn đại sự. Bởi người thời nay cũng như người thời xưa, khi đã nắm chuyện “quốc gia đại sự” trong tay thì liền nghĩ ngay tới động tác “Cầu hiền đãi sĩ”, giống như Lưu Bị ngày xưa, phải ba lần tới lều tranh (Tam cố thảo lư) để vời Gia Cát Lượng ra giúp gầy dựng lại cơ nghiệp nhà Hán. Khi ông Hữu Sự đang làm chuyên viên trong phòng nghiên cứu tổng hợp của một Sở không quan trọng tức Sở Văn hóa-Thông tin, thì được ông Quan Đại, đang làm phó chủ tịch phụ trách văn xã, vời đến hỏi chuyện quốc gia đại sự, nhưng ông Hữu Sự bắt chước Gia Cát Khổng Minh, không đến ngay mà lấy cớ vợ ốm con đau khất lần, nhắn lần thứ ba mới tới. Khi vừa gặp ông Hữu Sự, ông Quan Đại cười nói: “Có phải ông tự ví mình như Gia Cát Khổng Minh, mời ba lần mới tới? Như thế có phải là kiêu căng ngạo mạn quá không?”. Ông Hữu Sự nói ngay: “Tôi đâu dám kiêu căng ngạo mạn. Thời buổi bây giờ Tiến sĩ ở Anh, ở Mỹ, ở Nhật về vô khối. Họ mới là người có quyền kiêu căng. Tôi chỉ là anh đồ ở làng quê nghèo, ăn ngô khoai sắn mà tự học cho bằng thiên hạ, so với họ còn thua xa!”. Ông Quan Đại nói: “Không nhất thiết phải đi nước ngoài về mới là người giỏi. Người dốt thì đi nước ngoài vẫn dốt, người giỏi thì ở đâu cũng biết cách học hỏi để thành người tài. Tôi thuộc trường phái không phân biệt nội hay ngoại, xuất thân quyền quý hay bình dân, hễ cứ có nhiều ý tưởng thông minh, sáng tạo thì tôi quý trọng!”. Ông Hữu Sự nói: “Ông đúng là một vị vua anh minh! Tôi quả không nhìn nhầm người. Nếu ông không chê, tôi xin hết lòng khuyển mã, dẫu có phải trèo lên núi đao hay nhảy vào biển lửa cũng không từ nan!”. Ông Quan Đại cười ầm rồi nói: “Tôi đâu có bắt ông phải trèo lên núi đao hay nhảy xuống biển lửa mà chỉ cần ông chỉ vẽ cho vài đường đi nước bước trong thời kỳ điều binh khiển tướng của tôi. Có nghĩa là ông hãy làm quân sư cho tôi, giống như Quản Trọng(*)giúp Tề Hoàn Công đưa nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn Công được phong làm bá chủ chư hầu”. Nghe ông Quan Đại nói vậy, ông Hữu Sự gật gù nói: “Ông quả là người đã nhìn rõ thời cuộc: các tỉnh đều muốn tranh hùng xưng bá, mà tỉnh ta vừa nhỏ bé vừa nghèo nàn, tất cần phải có người làm vua biết dùng người như Tề Hoàn Công và người làm Quân sư giỏi như Quản Trọng. Nếu ông là Tề Hoàn Công thì tôi chính là Quản Trọng rồi đó!”. Nói rồi hai người cắt máu ăn thề, quyết đưa tỉnh nhà lên hàng bá chủ thiên hạ!
Kế sách đầu tiên mà ông Hữu Sự trình bày với ông Quan Đại xuất phát từ cái làm nên sự nổi tiếng của Quản Trọng là “chiến  lược không đánh mà thắng”. Mở đầu cuộc nói chuyện, ông Hữu Sự nói: “Nếu như ông muốn được làm bá chủ chư hầu như Tề Hoàn Công thì phải dùng “Chiến lược không đánh mà thắng” của Quản Trọng!”. Ông Quan Đại nói: “Tôi cũng đã đọc qua về chiến lược ấy của Quản Trọng nhưng thực tình vẫn chưa hiểu hết sự cao thâm của nó. Nhân tiện đây Quân sư hãy nói rõ hơn và chúng ta sẽ vận dụng chiến lược này như thế nào?” – “Rồi từ từ ông sẽ hiểu, nếu không sao lại có câu “Thâm Nho”? Còn chúng ta vận dụng chiến lược này như thế nào, hôm nay tôi chỉ xin nói vắn tắt như thế này: Nếu chúng ta cũng như các tỉnh khác lao vào sự nghiệp “Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo” thì thật là không tưởng, chẳng khác gì cái anh chàng Hiệp sĩ Don-ky-ho-te của Xec-van-tet lao vào chiến đấu với cái cối xay gió! Thay vì như các tỉnh khác làm náo động thôn quê yên bình bằng Thủy điện hoặc khu công nghiệp với những nhà máy khổng lồ, những nhà cao tầng vút trời xanh, chúng ta chỉ cần tập trung vào một việc là thu hút đầu tư nước ngoài, giao hết đất đai núi rừng cho họ rồi ngồi thu tiền cho thuê đất, thuê rừng, mặc kệ họ muốn làm gì thì làm! Như thế tức là “không làm mà cũng có ăn” có khác gì chiến lược “không đánh mà thắng” của Quản Trọng!”. Ông Quan Đại nghe nói xong thì như là từ bóng đêm bước ra nắng trưa hè, cầm tay ông Hữu Sự mà nói: “Ông đúng là Quản Trọng của ta!”, rồi cứ cầm tay nhau hồi lâu như thế mà không nói nên lời! 
Sau khi các hợp đồng cho thuê đất, thuê rừng với rất nhiều nước ngoài được ký kết, ông Quan Đại chỉ việc ngày ngày cùng với Hữu Sự “Khi chén rượu khi cuộc cờ / Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”!...
Thỉnh thoảng một năm đôi lần, Xuân Thu nhị kỳ, hai ông, một là chủ tịch Quan Đại, một là Quân sư Hữu Sự, lại cải trang đi vi hành ( một công ba việc: vừa kiểm tra tình hình “làm ăn” của các huyện vừa thăm hỏi dân tình bách tính, vừa du sơn ngoạn thủy). Đi khắp nơi, hai người đều thấy đồng ruộng khô cằn khi xưa giờ đã thành sân gôn mênh mông bát ngát, đồi trọc hoang sơ ngày nào giờ đã là những khu nhà lạ mắt với đủ các màu  cờ của các quốc gia siêu cường như Anh, Mỹ, Nhật, Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà lan…nhìn thật vui mắt, cứ như là đi xem triển lãm quốc tế! Vào các Huyện thì thấy Ủy ban Huyện nào cũng đông vui như ngày hội, mà hỏi ra thì họ đang tổ chức lễ hội thật: ngày nào cũng có, hai ngày một hội nhỏ, bốn ngày một hội vừa, một tuần một hội lớn tầm cỡ quốc gia! Ủy ban Huyện khăn đóng áo dài ra đón thượng quan cứ như chuyện ngày xưa! Tạt vào vài xóm làng vẫn còn thấy cây đa, giếng nước sân đình nhưng trẻ con không thấy bi bô học “A…cờ…a…ca…huyền cà… rổ cà, rá đỗ..” như ngày nào mà đang tập đánh vần tiếng Anh “Ây…bi…xi…Hê…lô…good…by”, ở chỗ khác thì đang học tiếng Nhật, tiếng Hàn! Trong đám trẻ con cởi truồng, thò lò mũi xanh đã thấy có mấy đứa tóc vàng, mũi lõ, có cả da đen xì như cột nhà cháy!...

Mỗi lần vi hành về, ông Quan Đại đều như là trong đầu chứa chất nhiều điều mà không nói thành lời. Ông Hữu Sự thấy vậy thì gặng hỏi, mãi tới lần thứ ba ông Quan Đại mới nói: “Tôi chỉ thấy có điều chưa vui, chưa mãn nguyện, đó là cuộc sống của bách tính vẫn chưa khá lên được! Bữa ăn của người dân vẫn là rau dưa khoai sắn…”. Ông Hữu Sự nghe vậy thì nói: “Vậy tôi xin hỏi: người ăn thịt cá ê hề nhưng sau đó say xỉn ói nôn ra hết và người chỉ ăn khoai sắn rau dưa nhưng đều chui vào bụng và được tiêu hóa toàn bộ, thì ai tốt hơn?” – “Dĩ nhiên là người không bị nôn ói tốt hơn!” – “Và thời buổi bây giờ, những thứ rau dưa gì đó không còn chỉ là đồ ăn của người nghèo, mà ở nhiều Nhà hàng, khách sạn Năm sao, nó là đặc sản đấy! Nếu ta thừa những thứ rau dưa đó thì đem đi đổi lấy thịt cá!” – “Thôi, khỏi phải đổi! Không khéo lại dính vi khuẩn H5N1 thì lợi bất cập hại!” – “Chúng ta hãy nhìn con trâu, con bò, con ngựa ở quê ta đó, mấy nghìn năm nay nó vẫn chỉ ăn cỏ đó thôi, sao lại gọi là khổ!” – “Đúng quá! Ông đúng là Quản Trọng của ta!”…
Mười năm sau ngày nhậm chức Chủ tịch tỉnh, ông Quan Đại học theo các nhà Nho xưa, xin cáo quan về quê, mặc dù chưa tới tuổi về hưu. Trước khi cáo quan, ông Quan Đại đã kịp trích một số tiền lớn thuộc tài sản cá nhân và huy động được thêm ba nhà tài trợ xây tặng trường Huyện quê nhà một trường THPT rất hoành tráng và hiện đại, to hơn cả trường của tỉnh (cũng do ông đã vận động các nhà tài trợ và Hội Khuyến học của tỉnh xây tặng). Ngày ông cáo quan về quê cũng là ngày khánh thành cơ sở mới của trường PTTH Huyện mang tên ông nhưng thêm chữ G để thành hai chữ trong khẩu hiệu mà cuộc đời làm quan của ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt: QUANG MINH CHÍNH ĐẠI.
Ông Quan Đại tới trường rất đúng giờ, sân trường đã đông nghẹt học sinh, hàng ghế đại biểu đã đầy đủ quan khách. Tới giờ khai mạc, Hiệu trưởng mời ông cắt băng khánh thành và phát biểu. Thay vì phát biểu như những người khác, ông Quan Đại đi xuống sân trường và muốn bắt tay chào tất cả các em học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng khi vừa đi vào trong đám đông học sinh, ông Quan Đại bỗng sững sờ kinh ngạc khi thấy tất cả các học sinh, nam cũng như nữ, đứa thì tóc vàng, đứa thì mắt xanh, đứa thì mũi lõ và đứa thì tóc xoăn tít và da đen như cột nhà cháy!...Ông Quan Đại đã ngất xỉu giữa đám đông học sinh lai đủ các sắc tộc trên thế giới đó!
Sau ngày khánh thành trường PTTH QUANG ĐẠI, ông Quan Đại bị bệnh mất trí nhớ hoàn toàn. Song, mỗi khi ông Hữu Sự, người Quân sư cũ của ông tới thăm, ông như là nhớ lại và tiến tới cầm lấy tay ông Hữu Sự mà nói: “Ôi, Quản Trọng của ta! Khanh đó ư!”, và chỉ một phút sau, từ hai khóe mắt của ông Quan Đại, lăn ra hai giọt máu như hai viên hồng ngọc! ./.

________________________________

Chú  thích:
(*) Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN) là một chính trị gia, nhà quân sựnhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (685 TCN). Tên ban đầu của ông là Di Ngô. Trọng là tên hiệu. Được Bảo Thúc Nha tiến cử, Tề Hoàn Công phong ông làm Tể tướng năm 685 TCN. Ông nổi tiếng với "chiến lược không đánh mà thắng"người Trung Hoa gọi là diễn biến hòa bình - đó là tấn công bằng mưu trí, trừng phạt và dùng kinh tế để giáo huấn.
Quản Trọng đã hiện đại hóa nước Tề thông qua việc tiến hành rất nhiều cải cách. Về mặt chính trị, ông tập trung hóa quyền lực và phân chia nước thành nhiều làng, mỗi làng tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Thay vì dựa vào giai cấp quý tộc để thu thuế như truyền thống trước kia, ông áp dụng tiền thuế trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã. Ông cũng phát triển một biện pháp lựa chọn người tài mới và có hiệu quả hơn. Dưới thời Quản Trọng, nước Tề chuyển từ chế độ quan liêu quý tộc sang chế độ quan liêu chuyên nghiệp.
Quản Trọng cũng đề xuất nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Ông đưa ra một biểu thuế thống nhất. Ông cũng sử dụng nguồn lực nhà nước để khuyến khích sản xuất muốisắt; các nhà sử học thường cho Quản Trọng là người đề xướng ra sự độc quyền nhà nước về hai mặt hàng này. Khi ông làm Tể tướng, nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn Công được phong làm bá chủ chư hầu.
Tề Hoàn Công rất khâm phục Quản Trọng, hơn nữa ông còn rất thẳng thắn, ông nói với Quản Trọng rằng: "Trẫm có tật hơi thích nữ sắc, điều này có tai hại gì đối với quốc gia không?" Quản Trọng trả lời: "Không, ham mê nữ sắc không gây tai hại gì cho quốc gia, không nghe lời khuyên của những bậc thánh hiền mới có hại cho quốc gia và thiên hạ." Ông nói cũng đúng, nếu một vị quốc vương không có khuyết điểm gì, thì sẽ không dùng người tốt, quốc vương điều gì cũng biết, mọi người sẽ không còn việc gì để làm nữa!
    Trong sách Quản tử, có nói một câu rất nổi tiếng của Quản Trọng:
    "Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
    Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
    Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
    Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã
    Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã
    Nhứt thu bách hoạch giả, nhân dã"
Có nghĩa là:
    "Kế một năm, chi bằng trồng lúa
    Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
    Kế trọn đời, chi bằng trồng nguời.
    Trồng một, gặt một, ấy là lúa
    Trồng một, gặt mười, ấy là cây
    Trồng một, gặt trăm, ấy là người" 
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng lại câu nói của Quản Trọng thành: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Sài Gòn, 2009-2010
Đỗ Ngọc Thạch

Xích Bích đại chiến. Xích Bích đại chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét