Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Từ Chi - "một hiện tượng, một sự kiện dân tộc học" - Đỗ Ngọc Thạch



Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 2
http://tamnhin.net/Thumbnail2.ashx?url=%2FUploaded%2Ftrikhanguyen%2FImages%2Fthieu+nu+muong.jpg&w=240&h=160&mode=cropphụ nữ Mường
 
Chân dung

Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 1  - Đỗ Ngọc Thạch

Giáo sư Nguyễn Từ Chi (1) là một nhà dân tộc học hàng đầu của thế kỷ 20 ở Việt Nam, là chuyên gia về người Mường và làng xã người Việt. Ông còn được biết đến như một nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả, biên tập viên, một người thầy đáng kính.
Năm 2000, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2, cho bốn công trình: “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ” (1984), “Hoa văn Mường” (1978), “Hoa văn các dân tộc Djarai-Bhana” (1986) và “Người Mường ở Hòa Bình” (viết nhiều năm, công bố hoàn chỉnh 1995). Ngoài ra ông còn có nhiều công trình viết chung, nhiều công trình đăng trên các tạp chí chuyên ngành có khám phá độc đáo, nhiều sách và ấn phẩm dịch. Với công trình viết bằng tiếng Pháp “Vũ trụ quan Mường” (La Cosmologie Mương, Paris, 1997) ông được giới dân tộc học ở nước ngoài, nhất là ở Pháp coi như chuyên gia số một về người Mường. Giáo sư George Condominas (*) nhận định về ông: “Nếu con người bác học khiến ta phải khâm phục thì con người vừa khiêm tốn vừa uyên bác mà không kiểu cách, có óc hài hước, sâu sắc trong ngôn từ và trong hội họa, thoải mái trong cách ăn mặc - đã thu hút lập tức và lâu bền cảm tình của người khác”. Nhiều kiến giải sắc sảo và nhiều giai thoại đặc biệt về cách sống “ngoài lề” của ông vẫn được bè bạn, học trò truyền tụng như những huyền thoại.
*       
Từng “chu du” sang Pháp nghiên cứu và tham gia đoàn chuyên gia trợ giúp giáo dục cho các nước châu Phi, nhưng “mảnh đất thiêng” của Từ Chi là làng quê VN, là những vùng đất xa xôi nhưng có sự cư trú của người Mường. Ông sớm tìm hiểu thuyết cấu trúc luận của người Pháp để về ứng dụng vào việc nghiên cứu những hoa văn trên cạp váy người Mường. Những phát hiện của ông là minh chứng sinh động về tính bản địa của nền văn hóa Đông Sơn, góp phần khẳng định vai trò chủ nhân quan trọng của cư dân Việt - Mường với nền văn hóa này.
Những kết quả nghiên cứu của Từ Chi là sản phẩm của tinh thần lao động khoa học nghiêm túc chân chính. Coi “Dân tộc học là học dân”, Từ Chi đề cao tính chủ thế và quan điểm bản địa như một nguyên tắc nghiên cứu dân tộc học của mình. Những di sản để lại còn cho thấy một Từ Chi gắn bó mật thiết với cuộc sống và những sinh hoạt dân dã của người Mường, đến độ chính ông cũng bị “Mường hóa”, trở thành một “ông già Mường ra tỉnh” trong mắt bạn bè và đồng nghiệp.
Ông được bạn bè, đồng nghiệp và những thế hệ học trò nhớ đến bởi những cống hiến đối với ngành dân tộc học cùng đức tính khiêm nhường, hóm hỉnh và giản dị chứ không phải bằng những vinh quang và danh vọng hào nhoáng. Vượt lên tất cả những khốn khó của đời thường, Từ Chi được coi là nhà dân tộc học hàng đầu VN thế kỷ XX. Với sự giới thiệu của cố giáo sư Trần Quốc Vượng (2), ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm 4 công trình nghiên cứu dân tộc học: “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ”, “Hoa văn Mường”, “Hoa văn các dân tộc Giarai - Bana”, “Người Mường ở Hòa Bình”. Đến đây cũng cần có cái “mở ngoặc” để nói cho rõ: Giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết về nhà dân tộc học Nguyễn Đức Từ Chi từ tết Đoan Ngọ năm Ất Hợi (2 - 6 - 1995). Bài chưa kịp đăng thì cuối năm đó Giáo sư Từ Chi đã qua đời vì cơn đau tim đột ngột. Đây là bài viết đầu tiên khẳng định toàn diện những giá trị lớn lao của những công trình nghiên cứu dân tộc học của GS Từ Chi và GS Vượng cũng nhiệt tình đề nghị Nhà nước vinh danh GS Từ Chi, lời chúc cuối bài của Giáo sư Trần Quốc Vượng đã thành sự thật: Giáo sư Từ Chi đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Do tính chất quan trọng của bài báo của GS Trần Quốc Vượng, xin giới thiệu nguyên văn bài báo này cùng bạn đọc:
“Xưa tôi hay mời giáo sư Từ Chi dạy cho sinh viên Khoa Sử ĐHTH Hà Nội. Tôi với ông hay đi điền dã, nhưng đều là nhân học và hay trò chuyện học thuật với nhau. Ông là người đi nhiều, đọc rộng, có quan cảm điền dã minh mẫn, thích nắm bắt cái cụ thể song đồng thời lại có những nhận xét sắc sảo, có sức khái quát hóa cao sâu… Nay hàng tháng, hàng năm tôi vẫn đi điền dã khảo cổ học, folklore học, còn cụ Từ mấy năm nay ở nhà chữa bệnh, đọc sách, viết lách đôi chút… Mỗi khi đi điền dã về, tôi thường đến chơi thăm Viện Đông Nam Á, ngồi hầu chuyện cụ Từ, GSTS Phạm Đức Dương, bao giờ cũng có ít nhiều vị học giả trẻ. Tôi hay nói chuyện lan man, trên trời dưới biển, những phát hiện lý thú nho nhỏ của mình, thỉnh thoảng lại xin ý kiến cụ. Cụ vẫn ham nghe, ham hỏi, và khi trả lời tôi, bao giờ cũng dè dặt, thận trọng, khiêm cung, song cũng có lúc khá là khẳng định, đặc biệt không bao giờ nói xấu ai khi người ấy vắng mặt. Khen nhiều, chê ít, mà cũng không hẳn là chê, ông cụ chỉ nêu những ý kiến mình nhận định khác vị học giả này, ông GS nọ… Tôi tuổi dương nam, mệnh “Sơn đầu hỏa” thích lập lòe nơi sườn núi thấp, ông cụ tuổi âm nam, mệnh “Hải trung kim”, thích dìm cái quý chìm dưới biển sâu, ai biết thì biết, ai không hay biết thì tùy! Ông cụ gần như suốt đời là nhân viên, tổ viên, thư ký, biên tập viên… gần về hưu (mười năm nay rồi) mới được phong chức danh khoa học Phó giáo sư.
Danh bất xứng kỳ tài, kỳ đức, lương bổng bất xứng công việc làm, thế mà ông cụ vẫn vui lòng chịu đựng, đáng mặt người đảng viên cộng sản chân chính, được anh em, bè bạn, người ít tuổi hơn, lớp trẻ… nể vì, kính phục.
Đi làm chuyên gia ở Ghinée từ cuối thập kỷ 50, về già đi Paris ở cuối thập kỷ 80, quần áo sang không thiếu và không phải không biết ăn diện, nhưng bạn bè xin, ông cụ cho, tặng cả, ăn mặc lúc nào cũng có vẻ lôi thôi. Thiệt vì bạn cả tinh thần và vật chất khá nhiều, nhưng gần như chẳng bao giờ kêu ca, ngược lại ông cụ cũng được bạn bè, lớp trẻ giúp đỡ khá nhiều.
Dòng họ Nguyễn Đức vốn gốc họ Trần. Khi tôi biết, hỏi ông, ông bảo: Nghe ông chú ruột Nguyễn Đổng Chi nói vậy, ông muốn biết rõ thì đến hỏi các em tôi, các ông Huệ Chi, Du Chi ấy… Có một bút hiệu ông hay dùng là Trần Từ, có thể là do ý thức “trở về nguồn cội”.
Ông xuất thân từ một gia đình trí thức yêu nước. Ông nội là cụ Nguyễn Hiệt Chi, tức Đầu xứ Thuận, từng có chân sáng lập Công ty Liên Thành và trường Dục Thanh ở Phan Thiết (Bác Hồ có dạy ở trường này một thời gian); ông chú là cụ Nguyễn Hàng Chi, người cầm đầu phong trào Duy Tân và chống thuế quan ở Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt và xử tử.
Thân phụ ông là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (nối dõi Kinh Dinh Vương), đã từng làm công cán ở Kontum, ở quần đảo Hoàng Sa, làm thứ trưởng Bộ Y tế thành viên chính phủ Cụ Hồ hồi đầu kháng chiến 9 năm. Chú ruột ông là GS Nguyễn Đổng Chi (nối dõi Phù Đổng Thiên Vương), một nhà văn hóa học tài danh.
Thế còn cái tên Từ Chi, nó có ý nghĩa gì? Hỏi ông, ông chỉ cười; tôi hỏi các em ông (Huệ Chi, nối dõi Nguyễn Huệ; Du Chi, nối dõi Nguyễn Du) thì họ bảo: Tên anh Từ Chi là có ý nghĩa nối dõi thiền sư Từ Đạo Hạnh!.
Hậu thân của Từ Đạo Hạnh, theo huyền tích của GS Từ sẽ là ai đây? Có thể là một học trò nào đó của ông chăng? Ông có hiểu biết về đạo Phật và thường hay đàm đạo về Phật học, chùa Phật với anh bạn trẻ hơn 13 tuổi, PGS Trần Lâm Biền. Nhưng ông học trường dòng (Providence) ở Huế - đồng môn, đồng canh tuế, đồng châu quận nữa với các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc. Ông gia nhập Đảng Cộng sản rất sớm khi là cậu tú tài xung phong Nam tiến (1946- 1947). Song khi trò chuyện với ông, tôi vẫn có cảm giác là ông khâm phục Jésus Christ và chịu ảnh hưởng một phần giáo lý Thiên chúa.
Thân mẫu của ông thuộc hoàng phái Nguyễn. Sau giải phóng (1975), ông hay vào Huế. Tìm hiểu mỹ thuật Huế - Nguyễn, ông vẫn cho rằng nghệ thuật Nguyễn đẹp trong dáng vẻ tàn phai của nó. Ông có nhiều bạn bè, học trò ở Huế và dù sinh sống ở Hà Nội đã hơn bốn chục năm, khi về già ông cụ Từ thường nói một giọng đặc Huế. Ông có một phát kiến đặc sắc về quan hệ nguồn cội và sự giống nhau cả về tên gọi và kết cấu giữa món ăn Mường và món ăn Huế, và giải thích điều đó rất tài tình…
Theo tôi, ông là chuyên gia lớn nhất nước ta hiện nay về nguồn nghiên cứu Mường. Ông được người Mường kết nghĩa anh em. Ông cũng có ý thức - đầu thập kỷ 60 ông đã nói điều này với tôi - từ việc nghiên cứu Mường “trở về” soi sáng việc nghiên cứu Việt. Ông đã đi riêng/chung với tôi ở các xã giáp ranh Mường Việt, Hương Sơn (Đục Khê, Yến Vĩ…) rồi ở quanh vùng Hà Nội và Đông Nam Đoài Bắc (Ngọc Hà, Cổ Loa, Bằng Liệt - Thanh Liệt, Tiên Du, Phật tích, Mê Linh, Lâm Thao…) để cuối cùng cho ra mắt bạn đọc trong ngoài nước cuốn sách “để đời” Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền thống. Ở trung du Bắc Bộ, thì ông cặp bồ với PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng, ở Kontum- Gialai ông lại cặp bồ với PTS Ngô Văn Doanh, ở châu thổ Bắc Bộ thì đã có Bùi Xuân Đính “hộ tống” và “tiếp nối” ông…
Ông chỉ có một người bạn đời, duyên kết từ châu Phi xa xôi, nhưng bạn làm việc, đặc biệt bạn trẻ hơn ông thì ông “có” rất nhiều: họ hầu ông, giúp việc ông, học ông rồi… sẽ “tiếp nối” ông…
Bởi tư duy tự nhận - vừa khiêm tốn vừa có chút cố tình - rằng ông chỉ “biết chút ít” về Mường, thật ra lĩnh vực tìm hiểu và nghiên cứu tộc người của ông đã không ngừng mở rộng, từ Việt đến Thái, Xing Mul… Tây Bắc, Ba Na, Jarai.. Tây Nguyên, từ làng quê đến đô thị (Phố Hiến, Huế…), từ các “trũng” châu thổ và việc trồng trọt đến các lĩnh vực siêu nhiên tâm linh “cõi sống” và “cõi chết”. Việc phát hiện “vũ trụ luận 3 tầng 4 thế giới” của ông ở tộc Mường liên hệ với biểu tượng vũ trụ Đông Sơn qua trống đồng Ngọc Lũ là những thành tựu khoa học “độc sáng”.
Kỳ vọng nghiên cứu của ông còn rất nhiều, nhưng rồi… “lực bất tòng tâm”. May thay, ông cũng đã kịp “gợi ý” về một số đường hướng “tiếp cận” nhân văn học khác cho những nhà nghiên cứu trẻ tuổi hơn, trong đó có kẻ ngu hèn này…
Nhân dịp ông vừa vượt qua tuổi cổ lai hy, tôi chân thành kính chúc ông sức khỏe và mong ông vẫn còn đóng góp vào nền Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia - Quốc tế!
(Bài đã đăng trên Xưa và Nay, số 81, tháng 11 - 2000; đăng lại ngày 21/02/2006).
*
Trong giới Dân tộc học, GS Từ Chi được coi như  một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học”. Sự vinh danh này có hơi muộn, tức sau khi ông “thoát tục” tới cõi vĩnh hằng, nhưng dù sao, muộn còn hơn không. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông (1995-2005), Tạp chí
Dân tộc & Thời đại ( ra ngày 30-11-2005) trân trọng giới thiệu lại với độc giả bài viết trang trọng của Chu Thái Sơn (3), đã được in trên Dân tộc & Thời đại số 19 (bộ cũ), phát hành tháng 10 năm 1995 (tr.11 - 12) với nhan đề: “Vĩnh biệt Nhà Dân tộc học thông thái Nguyễn Đức Từ Chi” (nhan đề mới: Từ Chi: một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học) - động thái này của  Dân tộc & Thời đại như là một sự tạc bia đá sự vinh danh nhà dân tộc học Từ Chi, dường như muốn bù đắp lại sự nghiệt ngã của “số phận” đối với ông trước đó, như G. Condominas - GS. người Pháp - bạn ông đã viết về ông: “Quả thật trong nhiều thập kỷ anh không có vị trí chính thức trong việc nghiên cứu, tự coi mình như nhà dân tộc học nghiệp dư”. Còn giờ đây là những lời vinh danh trang trọng:
“Nhớ đến Từ Chi là chúng ta nhớ đến một nhà dân tộc học thông thái, một nhà khoa học chân chính. Ông hiểu sâu, biết rộng, có những phát hiện bất ngờ và độc đáo nhưng luôn luôn khiêm nhường và giản dị, giản dị đến mức hòa lẫn, khiêm nhường tới độ khó nhận ra. Trong nghiên cứu, cũng như từ suy tư cho đến hành động, ông rất cẩn trọng nhưng không sa vào cầu toàn. Ông có nhiều ý kiến riêng, tư liệu phong phú và lập luận vững chắc, nhưng không bài xích ai, không quyết liệt phủ định ai, không ngăn chặn dòng chảy trong tư duy khác. Nếu như có ai đó đã một lần chối bỏ ông, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi ân hận khi nhận ra tâm hồn thánh thiện và lòng độ lượng của ông. Chả thế, trong lễ tang, Gs. Phan Ngọc đã phụng tặng ông một đôi câu đối còn âm vang mãi: “Bể học dẫu vô cùng, sự nghiệp ấy sẽ ghi cùng sông núi, cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhân cách này vẫn sống giữa anh em”.
“... Ông là chuyên gia lớn nhất nước ta hiện nay về nghiên cứu Mường, nhưng phải thấy cứu cánh của ông trong việc nghiên cứu Mường là để soi tỏ xã hội người Việt. Chẳng thế mà công trình “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ” đã xuất hiện như là một thu hoạch chính của ông về toàn bộ quá trình tìm hiểu mọi mặt ở xứ Mường.
Như thế, Nguyễn Đức Từ Chi đã cho chúng ta nhận biết một hướng nghiên cứu lớn của dân tộc học Việt Nam ; đồng thời, cũng cho chúng ta nhận biết một phương pháp nghiên cứu dân tộc học Việt Nam mà người nước ngoài không có điều kiện để thực hiện. Rõ ràng trong nghiên cứu, đối với ông là không thể lẫn lộn giữa phương tiện với cứu cánh được, mặc dù cái gì cũng quan trọng cả, quan trọng đến mức bình thường thôi - như cách nói của ông.
 
Vào những tuần lễ cuối cùng, trước khi ông về cõi vĩnh hằng, ông vẫn say sưa kể, vẫn nhất quán và vẫn rất minh triết để nói với bạn bè, với những thế hệ đằng sau về dân tộc học nước nhà, về những điều ông đã thấy và cả những điều ông còn chưa rõ, mặc dù phần nhiều là những điều ông nói lại những suy tư, trăn trở từ nhiều năm trước. Có lẽ điều mà còn ít người biết đến, đó là nhà dân tộc học tài danh Nguyễn Đức Từ Chi, đã từ lâu, vẫn canh cánh bên lòng về những phương pháp nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam có hiệu quả cho người Việt Nam chúng ta.
Giờ đây, ông đã từ bỏ chúng ta ở lại phía sau, song chúng ta vẫn có thể kiếm tìm được những bài học bổ ích trong các di cảo là các tác phẩm dân tộc học dài - ngắn của ông còn để lại đây đó.
…Nhà dân tộc học Từ Chi không còn nữa, nhưng sự nghiệp của ông, những thành tựu trong nghiên cứu của ông, đạo đức và tình cảm của ông vẫn còn gắn kết với chúng ta, gắn kết với nền dân tộc học nước nhà mãi mãi. Nói đến Nguyễn Đức Từ Chi là nói đến một tính cách rất riêng, một nhân cách rất Người; là nói đến một nhiệt huyết mà trầm lắng, một bút pháp uyên áo; là nói đến những kết quả hừng lên trong nghiên cứu. Và tất cả những cái đó đã hợp thành một hiện tượng, một sự kiện lớn: “Từ Chi” trong dân tộc học!”.
*
Trưng bày Từ Chi - nhà dân tộc học: Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông (1995-2005), Hội Dân tộc học VN phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức cuộc trưng bày giới thiệu về nhà dân tộc học danh tiếng Từ Chi, từ ngày 10 - 10 - 2005 đến hết ngày 10 - 11 - 2005 tại BTDTH VN, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy - Hà Nội.  Đây là cuộc trưng bày đầu tiên về chân dung một nhà khoa học ở nước ta. Thông qua hàng trăm hiện vật giấy được lấy từ di cảo và đồng nghiệp, học trò của Từ Chi cung cấp, khách tham quan có cơ hội hiểu biết thêm về sự nghiệp, cuộc đời của nhà khoa học uyên bác nhưng sống rất mực giản dị này - con người được bạn bè quý mến gọi là “Nhà dân tộc học hành khất” hay “Ông ăn mày nói tiếng Tây rất giỏi”.
Toàn bộ di cảo của giáo sư Nguyễn Đức Từ Chi đã được chuyển từ Viện Nghiên cứu Đông nam Á đến bảo tàng Dân tộc học để bảo quản như một di sản dân tộc học trong lễ bàn giao vào sáng ngày 22-10-2004. Trong đó có một số tập di cảo tiêu biểu như:
1. Tài liệu Mường và hoa văn Bana ở Bình Thạnh
2. Tài liệu điền dã Mường và Tây Nguyên (có bộ ảnh minh họa nhà mồ Tây nguyên)
3. Tài liệu về Mường và Cổ Loa
4. Cơ sở điền dã về tài liệu ruộng đất Mường
5. Nguyên bản Mo "Đẻ đất đẻ nước" do Quách Bảo, Quách Giao và Bùi Thiện dịch
6. Các đế quốc châu Phi; Bản dịch dân tộc học đại cương
7. Tài liệu về Trung Quốc và dân tộc Cơ tu
8. Ảnh Giarai, Bana, một số bài viết về Rồng và nhạc cụ Việt Nam ...

Kể từ khi giáo sư Từ Chi tạ thế năm 1995, đến 2005 là gần 10 năm, toàn bộ tài liệu, di cảo, bản thảo.... của ông được Viện nghiên cứu Đông Nam Á lưu giữ. Đến năm 2005, cả gia đình của GS Từ Chi và Viện nghiên cứu Đông Nam Á đều đồng ý trao lại cho bảo tàng Dân tộc học quản lý. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - giám đốc bảo tàng Dân tộc học ghi nhận kho tư liệu, di cảo của GS Từ Chi là một tài sản quý giá vô cùng - là di sản dân tộc học hiếm hoi của nước nhà được tích góp từ công lao trong mấy chục năm nghiên cứu và làm việc của một giáo sư đầu ngành dân tộc học. Di sản của cố giáo sư Từ Chi bao gồm hàng chục nghìn trang tư liệu. Quý giá nhất là những tư liệu về dân tộc học.
Hiện di cảo của GS Từ Chi còn rất nhiều các sơ đồ, ký họa dân tộc học về công trình kiến trúc, công cụ lao động, trang phục các dân tộc... của người Mường. Ông cũng còn rất nhiều bản thảo ghi chép về người Việt ở đồng bằng Bắc bộ với các kiến trúc nhà ở và các công trình tôn giáo, tình hình ruộng đất và phong tục tập quán...
Ngoài ra, cả cuộc đời nghiên cứu dân tộc học của giáo sư Từ Chi còn để lại nhiều tài liệu về các dân tộc Tây Nguyên: Gia rai, Bana, Cơ tu... kể cả các dân tộc Tày, Thía ở phía Bắc. Trong quá trình 3 năm giảng dạy ở châu Phi, giáo sư Từ Chi cũng nghiên cứu về "Các đế quốc Châu Phi" và "Bản dịch dân tộc học đại cương". Một khối lượng lớn các bài báo, bài nghiên cứu, bài giảng dạy của giáo sư, tư liệu ảnh và cả một bản dịch Kinh Dịch từ Trung Quốc cũng được tập hợp trong dịp này.
Ông Phạm Ðức Thành - Viện trýởng viện nghiên cứu Ðông Nam Á nhận xét: tất cả di cảo của giáo sư Từ Chi là bằng chứng cho việc nghiên cứu lao động khoa học và mẫu mực. Giáo sư đã để lại cho lớp nghiên cứu thế hệ trẻ một phương pháp nghiên cứu nói chung và kỹ thuật điền dã tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác trong việc ghi chép, lưu giữ tư liệu. Ông Thành xác nhận, ở VN hiện nay, các công trình nghiên cứu của giáo sư Từ Chi về dân tộc học, Việt Nam học và địa - văn hóa vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều người nghiên cứu đi sau đã "đứng trên vai" ông nhưng lại thường không dẫn nguồn một cách nghiêm túc. Ông Thành cũng nêu nhận định rằng dưới tác động của thời tiết và môi trường, những di cảo tư liệu đa số bằng giấy của giáo sư Từ Chi đã bắt đầu hư hỏng, các trang bản thảo viết từ thời giấy của ta còn kém chất lượng đã bắt đầu rời ra từng mảnh. Mặt khác, công tác phân loại có hệ thống các tư liệu này để nghiên cứu và bảo quản đòi hỏi mất nhiều thời gian. Do đó, biện pháp tối ưu là chuyển giao cho bảo tàng Dân tộc học, để bảo quản đúng phương pháp và có kế hoạch phổ cập đến công chúng và kể cả phục vụ cho giới nghiên cứu.
Trước mắt, bảo tàng Dân tộc học sẽ trở lại một số vùng mà giáo sư Từ Chi đã đến làm việc trong quá trình điền dã để "gặp lại những người mà cụ Từ Chi đã làm việc, để ghi lại những gì bà con còn nhớ đến giáo sư, cũng như tranh thủ điền dã tiếp, làm nốt những gì giáo sư chưa kịp làm, hoặc chí ít cũng để cho cán bộ bảo tàng có được sự hình dung về công việc điền dã của một giáo sư đáng kính".
Khi nhìn lại cuộc sống của nhà khoa học chân chính ấy, người ta không khỏi mủi lòng khi thấy quá đạm bạc và nghèo đói. Con cháu của ông có mặt trong buổi trưng bày “Từ Chi - nhà dân tộc học” không cầm nổi nước mắt trước những hiện vật và tư liệu gợi nhớ lại những ngày tháng khổ hạnh của bậc tiền bối. Bà Lê Thị Từ Hạnh, cháu gọi ông bằng cậu, cho biết: “Những vật bất ly thân của cậu tôi là một chiếc túi may bằng những mảnh vải ghép, một chiếc xe rách tơi tả, một chiếc điếu cày, một cặp lồng cơm có ít lạc rang, dưa và cá mè nấu rau muống. Cậu tôi suốt ngày mang theo một đôi dép đã vẹt một góc, gót chân phải để ra ngoài”.
Không màng danh vọng, không chức, không quyền, ý nghĩa lớn nhất của sự tồn tại đối với ông dường như chỉ là khoa học. Triển lãm còn trưng bày những dòng chữ viết tay đầy xúc động của ông: “Xin gửi anh bản Le bambou mà Viện Thông tin qua anh đặt tôi dịch ra tiếng Việt. Đề nghị anh báo cáo với đồng chí phụ trách mấy việc sau: 1, Tổng số chữ trong bản dịch 5.656 từ Việt. 2, Xin thanh toán cho càng sớm càng tốt. Lý do: Đói. 3, Mà thanh toán bằng giá nào chứ như giá cũ thì bỏ bố tôi. Thân mến/ Từ”.
Đoạn bút tích này được ông Lê Vĩnh (hiện đang sống ở Pháp, từng công tác tại Viện thông tin của VN) lưu giữ suốt mấy chục năm qua, mới trao lại cho bảo tàng khi biết có cuộc trưng bày về Từ Chi. Đọc đoạn bút tích này mới thấy hết hoàn cảnh khó khăn, gian khổ và điều kiện thiếu thốn của cuộc sống trước đây mà Từ Chi phải chịu đựng và khắc phục để sống và làm khoa học, nhưng lại làm rất thành công, rất xuất sắc.
Khi còn sống mong ước duy nhất của ông là “có hai chiếc áo, một chiếc mặc trên người, khi mở tủ ra chỉ còn chiếc kia, khỏi phải lựa chọn!”. Đời ông, hầu như đi làm khoa học bằng tay trái, chứ bây giờ các nhà khoa học chỉ ngồi chờ dự án, có kinh phí tài trợ mới làm, mà đi nghiên cứu theo kiểu “chuồn chuồn đạp nước”!
Có thể nói, trên mọi mặt đời sống, Từ Chi là người kiên định, chẳng mấy quan tâm đến chức quyền, danh vị. Ông sống một cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn, ăn mặc xuyềnh xoàng. GS. Phạm Đức Dương (4) nhớ lại: “Anh thường mặc chiếc áo chàm, đeo một chiếc túi vải bên hông, râu tóc để dài lơ thơ, trông như một ông già người dân tộc thiểu số. Có lần, anh bị người bảo vệ ở một trường Đại học không cho vào cũng chỉ vì bộ dạng “nhà quê” này”. “Từ Chi luôn khoác trên vai một chiếc túi may bằng vải ghép, trong đó có vài tập bản thảo và cái điếu cày ngắn không chứa nước. Ông còn xách theo chiếc cặp lồng vài ngăn, trong đó bà Tuất để sẵn cơm, ít hạt lạc rang, ít dưa và món thường xuyên nhất là cá mè nấu xâm xấp với rau muống”.
PGS-TS. Ngô Văn Doanh (5), một người bạn vong niên thân thiết của GS Từ Chi nhớ lại:
 Hồi đó 2 ông bà Từ Chi sống rất vất vả. Khi tôi học ở Liên Xô, nhân dịp anh Phạm Đức Dương sang công tác trở về Hà Nội, tôi gửi cho ông Từ một chiếc quạt tai voi, về sau chắc cũng bán lấy tiền tiêu đỡ” …
*
Từ Chi là một nhà dân tộc học điền dã mẫu mực. Với ông, dân tộc học là học dân. Sống với người Mường (Hòa Bình) hàng chục năm để thu thập tư liệu, ông học nói tiếng địa phương, trò chuyện với người dân, gây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiết với các gia đình người Mường. Tất cả những điều học hỏi và quan sát được ông ghi chép cặn kẽ, viết thành những mô tả chi tiết trong các quyển sổ tay điền dã. Hết quyển 1 đến quyển 2, rồi quyển thứ … 30…để rồi có được những di cảo như chúng ta được chiêm ngưỡng trong triển lãm này!
 *
GS George Condominas trong  Lời giới thiệu cuốn La cosmologie Muong, Pa-ri, 1997 đã viết những dòng trân trọng:
"Nhà nghiên cứu độc đáo này, đầy tính độc lập, đầy tài năng, như tôi chứng kiến trong vòng hai chục năm cuối đời ông, được mọi người ngưỡng mộ, bạn bè và đồng nghiệp yêu mến"...
"Từ Chi mang sẵn trong mình phẩm chất của một con người thực địa: một tinh thần cởi mở, vì mọi người, một tính cách tò mò khám phá, có thể nói là về mọi phương diện, sử dụng một cách thuần thục ngôn ngữ của người địa phương".
PGS. Phan Ngọc (6), bạn đồng tuế với GS Từ Chi còn nhớ cả những ngày ấu thơ của bạn mình:
... "Ngay từ bé tôi đã thấy Từ có cái gì có vẻ bất cần. Từ được giáo dục chu đáo và Tây phương hơn chúng tôi (...). Chiều thứ 5 nào cậu cũng theo thày dạy vẽ là họa sĩ Phạm Đăng Trí lên các lăng để vẽ"...
 ... "Từ giỏi nhất trường về tiếng lóng Pháp (...), cho nên phải nói các học giả Pháp rất mê Từ, một con người uyên bác nhưng nói năng có một cá tính gây gổ"...
 Nói về Phong cách, nhân cách của GS Từ Chi thì :
Điều đặc biệt nhất ở Từ Chi, theo tôi, là rất mực khiêm tốn, và không nói xấu ai bao giờ” (TS. Nguyễn Thị Minh Thái)
Điều lớn lao nhất tôi học được ở ông là niềm say mê, phải gọi là đam mê, đối với nghiệp dân tộc học. Điều sâu sắc nhất về nhân cách tôi học được ở ông là lòng bao dung với cuộc đời” (TS. Thu Nhung Mlô).
"Trong túi mình lúc nào cũng phải có 4 thứ: một bản thảo đang viết, một quyển sách đọc dở, một bài biên tập chưa xong, và một bản dịch chưa hoàn thành. Có như vậy, ở đâu mình cũng làm được việc, chán việc này có thể đổi qua việc khác” - lời Từ Chi, Bùi Xuân Đính (7) nhắc lại.
 *
Trong bức phác họa chân dung trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học của họa sỹ Trần Duy (8), Từ Chi toát lên vẻ phóng khoáng, cởi mở với mái tóc xõa, áo mở phanh, quần ta, phơi bụng, 2 tay buông xuôi. Trần Duy giải thích: “Từ Chi là vậy, rộng mở với đời, chẳng có gì giá trị trên người ngoài một tấm lòng”. Hồi tưởng về người bạn thân thiết của mình, Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Đức Dương tâm sự: “Tưởng niệm về anh Từ có bao nhiêu điều phải bộc bạch, vì cuộc đời anh, nếu ta biết dỡ bỏ lớp bụi trần bên ngoài, ta sẽ đi sâu vào một thế giới thánh thiện, một di sản đáng giá”. Quả vậy, trong suốt thời gian mười mấy năm làm cán bộ nghiên cứu dân tộc học tại Viện Sử học và Viện Dân tộc học Việt Nam, Từ Chi không có tài sản gì đáng giá trong nhà ngoài mấy quyển sách và một số đồ dùng thiết yếu do bạn bè hoặc học trò tặng. Nhưng ông không mấy quan tâm về cuộc sống nghèo khổ luôn thiếu thốn của mình mà dồn hết tâm huyết vào nghiên cứu dân tộc học. Từ Chi không bao giờ ngồi yên một chỗ. Người đương thời thường thấy ông trong bộ dạng râu tóc xõa dài, bận áo chàm cũ cùng vật bất ly thân khoác vai là chiếc túi, bên trong đựng vài tập bản thảo đang viết, một quyển sách đang đọc dở, một bài biên tập chưa xong, một bản dịch chưa hoàn thành và cái điếu cày không chứa nước, lúc ông ở Viện nghiên cứu Đông Nam á, lúc ở tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, khi lại ở quán cà phê vừa trò chuyện với mọi người, vừa làm việc. Có thời gian ông lên Hòa Bình ăn, ở với đồng bào Mường mấy tháng liền để điền dã, nghiên cứu. Sau thời gian thực địa và làm việc nghiêm túc, Từ Chi đã hoàn thành công trình “Hoa văn Mường” - một trong 4 công trình nghiên cứu được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh , bao gồm “Người Mường ở Hòa Bình” “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ”, “Hoa văn các dân tộc Giarai- Ba na”. Trong công trình “Hoa văn Mường”, từ việc phân tích, so sánh những môtíp hoa văn và đặc điểm bố cục các đồ án trang trí, Từ Chi đã khám phá ra mối liên hệ tương đồng giữa hoa văn trên cạp váy phụ nữ Mường với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn hàng nghìn năm trước. Đồng thời, ông cũng khám phá ra mạch văn hóa nghệ thuật Đông Sơn vẫn chảy trong nghệ thuật trang trí hoa văn thổ cẩm Thái và thổ cẩm cư dân bản địa Tây Nguyên. Đây cũng là một minh chứng sinh động cho tính bản địa của nền văn hóa Đông Sơn và cứ liệu củng cố quan điểm khoa học cho rằng tổ tiên cư dân Việt - Mường là một chủ nhân quan trọng của nền văn hóa này.
Những công trình khoa học của Từ Chi đã được ghi nhận như là di sản vô giá cho ngành dân tộc học.

*

Trong số những người anh em với Từ Chi thì GS Nguyễn Huệ Chi (9) ở Viện Văn học là thành đạt hơn cả. Bài viết Từ Chi - Anh tôi của Huệ Chi là một chân dung văn học độc sáng về Từ Chi. Ở đây, tôi chỉ xin giới thiệu vài điểm chính yếu.
Nói về giá trị khoa học của những công trình nghiên cứu dân tộc học của GS Từ Chi, Huệ Chi viết: …Theo ý kiến của giới nghiên cứu dân tộc học trong nước và nhiều nhà dân tộc học nước ngoài, Nguyễn Từ Chi là một trong số rất ít tên tuổi được xếp ở hàng đầu của ngành dân tộc học Việt Nam mà công trình để lại, tuy không nhiều và không có gì đồ sộ, nhưng còn có sức khơi mở lâu dài, về thực tiễn và lý thuyết cũng như về phương pháp luận. Tích cực kế thừa nhà Mường học nổi tiếng Jeanne Cusinier (**) , nhưng không lặp lại mọi thao tác trên con đường của người đi trước, ông đã vươn tới những đóng góp bổ sung mới mẻ so với Cusinier. Vũ trụ luận người Mường của ông, được viết bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp, vốn nâng cấp từ một tiểu luận in trên báo, chung quy chỉ chưa đầy 100 trang, vậy mà đến nay vẫn khiến nhiều bạn đọc say mê thích thú, bởi không ít phát hiện bất ngờ mà nó chứa đựng. Công trình bất hủ ấy không chỉ dẫn dắt ta đi qua 12 đêm lễ tang cổ truyền của người Mường tuần tự, tỷ mỉ, dựa trên các bản tang ca được làm sống lại chủ yếu bằng phương pháp vấn thoại hồi cố; nó còn giúp ta hình dung một cách thật sinh động con đường dằng dặc, vòng vèo, đưa tiễn các tinh linh người chết, qua đó hiện dần lên quan niệm vũ trụ ba tầng, bốn thế giới nhìn theo trục dọc, với rất nhiều khuếch đại thu nhỏ hoặc đảo ngược kỳ lạ trong cấu trúc giữa các “cõi sống và cõi chết” ấy, và mối liên kết giữa hai xã hội mường ma và mường người nhìn theo trục ngang - mà ma là xạ ảnh “âm tính” của cá nhân con người, của một tộc người cùng cội nguồn với người Việt, mà về cảm quan hữu thức còn bóc tách ra được những nét tinh ròng, chưa bị pha tạp hoặc ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc. Cạp váy Mường cũng chỉ 100 trang, nhưng nhìn trong tư duy liên kết với các loại môtip hình học và môtip động vật của hoa văn Thái, Tày, hoa văn Bhanar, Djarai và xa hơn đến cả hoa văn Trống Đồng Đông Sơn, lại là một bức tranh tổng thể về ký ức văn hóa mang nét đặc trưng của cả một vùng rộng lớn trên lãnh thổ Việt Nam, khai triển từ thoáng đến rậm, từ dải đến ô vuông xếp chéo cho đến ngôi sao tám cánh, và di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, được in dấu, bảo lưu và khúc xạ qua nhiều thời đại, nó tạo nên hồi âm của một bản sắc đã khá ổn định, đi suốt chiều sâu lịch sử hàng mấy ngàn năm. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ cũng viết bằng song ngữ Việt Pháp và cũng chẳng dày hơn hai cuốn trên, là một khung quy chiếu mẫu mực về mọi mối quan hệ xã hội phức tạp chằng chéo của nền kinh tế tiểu nông dân tộc Kinh, xoay quanh một chuỗi vận hành quanh co, không ngừng tái sinh, lộn kiếp đầu thai như trong truyện cổ, của quá trình tư hữu hóa ruộng đất dưới các hình thức khác nhau, được định vị từ nhiều bình diện, trên nhiều môi trường địa lý, và bằng nhiều lát cắt lịch sử từ quá khứ cho đến hiện tại, nhờ đấy người khác có thể dựa vào để mở rộng, soi chiếu cho vô số mô hình cụ thể riêng rẽ ở các cơ tầng, vùng miền khu biệt của xã thôn Việt Nam. v.v… Có thể nói Nguyễn Từ Chi đã vận dụng được một kiến thức uyên bác trong một bút pháp thuần khiết, biểu cảm, rất giàu so sánh và liên tưởng, nhằm trình bày những hiện tượng dân tộc-nhân loại học bác tạp nhất dưới một hình thức thật giản dị, khiến cho những điều ông gợi lên hàm chứa nhiều lời giải sâu sắc mà không hề đóng cứng, cũng không rơi vào sáo ngữ từ chương. Văn ông có cái ma lực của những chân lý luôn luôn dưới hình thức ẩn tàng, như những giả thuyết làm việc, làm người ta ngạc nhiên, và bị cuốn hút. Gần đây, trong dịp sang dự một hội nghị quốc tế ở Hà Nội, ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học, Tổng thống Pháp J. Chirac đã đánh giá Nguyễn Từ Chi cùng Nguyễn Văn Huyên (10) là hai nhà dân tộc học được học giả Pháp kính nể.
…Về mặt tính cách, tôi còn rất muốn nói đến cái tính “khái” đôi khi quá mức đến thành “xẵng” của Từ Chi, không phải không làm nhiều người gần ông khó chịu. Chính tôi một lần đã phải “chịu trận” khi ông sùng sục nổi giận vô duyên cớ trước một lời khen nồng nhiệt của mình về một gương “người tốt việc tốt” nào đấy mà ông biết đích chỉ là “chuyện hão” còn tôi thì ở tuổi ngây thơ nên chưa biết gì. Ngay người bạn đồng lứa Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn (9*) cũng vì khuyên ông nên bớt “bi quan” trước câu nói hài hước chua chát của ông: “Nous sommes ratés” (chúng ta đều là đồ bỏ) mà bị ông mắng té tát, sau này G. Condominas biết chuyện, cố gắng hòa giải trong một lần đi điều tra điền dã chung với hai người, dù thế ông vẫn không chấp nhận xóa “khoảng cách” cho đến tận lúc nhắm mắt…
…Thế nhưng trong bấy nhiêu điều muốn nói về ông, có một điều gần như chưa ai nói mà theo tôi, có thể giúp hé mở một phương diện khác lạ của con người Nguyễn Từ Chi: ông là một người sớm nhạy cảm với những bế tắc của con đường nghiên cứu khoa học xã hội chính thống ở Việt Nam. Sự nhạy cảm này bắt nguồn từ một năng khiếu cũng khá đặc biệt, ấy là nhận thức tỉnh táo của ông về mọi chuyển động âm thầm của thời cuộc, hay đúng hơn là một nhãn quan minh mẫn về chính trị. Kể từ năm 1963, sau hai năm làm chuyên gia giáo dục và mải mê điền dã dân tộc học ở Guinée và một số nước trên hai bờ con sông Niger của châu Phi, trên đường trở về ghé qua Moskva khoảng một tuần lễ, khi gặp lại người thân, ông đã có một nhận xét khiến nhiều người trong gia đình sửng sốt: “Mô hình xã hội chủ nghĩa xem ra không ổn rồi, vì nó sans humanité (không “người”…)… Chúng tôi đâu có thể hiểu nổi khía cạnh nghiêm chỉnh trong nhận xét có vẻ hơi bồng bột của người anh của mình, thậm chí còn hoài nghi cả trí tuệ sắc bén của ông, cho rằng nó tư biện. Đáp lại chúng tôi, ông không tranh cãi, nhưng kể từ đấy, ông đã âm thầm chọn cho mình một hình thức nghiên cứu “nghiệp dư”, “tay trái” (thoát khỏi hệ thống quản lý của nhà nước) và một lối sống mà như Giáo sư Phan Ngọc sau này đã nói - con người ngoài lề.
 …Nhưng về những phán đoán thời cuộc mà tôi đã nói thì không liên quan gì đến phương diện sống riêng tư có vẻ tầm phào ấy. Trái lại ở đây ông tỏ rõ cái tri giác tinh tường của một người nhìn trước mọi sự và nhìn mọi sự với một xác tín khác người. Chính vì cái nhìn có tiên lượng rất xa như thế nên ông phải chịu nhiều tai vạ, mặc dù đã rất khéo giấu mình dưới lốt “bụi đời” - ăn mặc nhếch nhác, tóc tai bù xù… để người khác bớt đặt vào “tầm ngắm”. Trong cuộc đời nghiên cứu, ông từng bị các cơ quan “tuyên văn giáo huấn” gọi là trường phái tư sản, chỉ nghiên cứu những thứ vụn vặt, hình thức vô bổ như “cạp váy Mường” mà không đi vào những đề tài xã hội thời sự có ích lợi cho việc tuyên truyền đường lối quan điểm của Ðảng. Vì thế, để có thể công bố được công trình tâm huyết, ông đã phải dùng phương thức “carnaval” hay “đeo mặt nạ”, đổi nhan đề từ Cạp váy Mường sang Hoa văn Mường (1978), lại phải đem hết các luận chứng so sánh với kiến giải của học giả phương Tây “ém” xuống phần chú thích. Mãi về sau khi sách được Hội Khoa học lịch sử tái bản nhằm mừng 70 năm ngày sinh của ông, mặc dù đã rất yếu, ông vẫn kỳ công ngày đêm khôi phục lại bản thảo cũ. Nhưng đã trễ, sách ra thì Từ Chi vừa mất, không kịp nhìn thấy diện mạo đứa con tinh thần đúng như mong ước của mình.
…Ông cũng từng phải xê dịch hết từ cơ quan này đến cơ quan khác, mỗi lần xê dịch đều là một “sự cố” dính dáng đến chủ kiến học thuật của ông, và do không muốn phải thay đổi chủ kiến, ông chấp nhận ra đi, nghĩa là phải hy sinh. Tôi chỉ xin dẫn một trường hợp mà tôi biết rõ nhất, ấy là cái lần vào năm 1972, ông đang công tác tại Viện Dân tộc học. Năm đó cả Ủy ban Khoa học xã hội phải đi sơ tán lên Hà Bắc để tránh đợt không kích trở lại của Mỹ. Một hôm, nhân thì giờ rỗi rãi, Viện Dân tộc học nẩy ra ý mời ông thuyết trình về một học thuyết của phương Tây, một học thuyết nào đó đang thuộc loại “thời thượng” mà ai cũng biết ông rất sành và có điều kiện ra nước ngoài, lại rất chịu đọc, còn người khác thì tuy có nghe đồn nhưng hoàn cảnh trong nước không làm sao được tiếp xúc với tài liệu. Ông chọn đề tài là thuyết cấu trúc của Lévi-Strauss. Ông nói quá hấp dẫn nên hết ngày thứ nhất lại nói thêm ngày thứ hai, hết ngày thứ hai lại phải kéo sang ngày thứ ba. Nhưng cuối ngày thứ ba thì “sự cố” xấy ra. Ông ĐL, Bí thư Đảng ủy Ủy ban Khoa học xã hội từ Hà Nội bỗng lên chỗ sơ tán thăm anh em. Thấy mọi người tụ tập đi nghe Từ Chi giảng khiến cho viện nào viện ấy vắng ngắt, ông Bí thư hơi ngạc nhiên, bèn dò hỏi. Và khi biết chuyện thì ông nổi trận lôi đình. Chao ôi! Đang đánh Mỹ mà đi tuyên truyền học thuật tư sản. Thật là chuyện tày trời. Ông cho đình ngay cuộc nói chuyện, bắt lãnh đạo Viện Dân tộc học phải “báo cáo”, và mời Từ Chi lên cho ông gặp. Anh tôi đã im lặng, không phản ứng gì nhưng từ chối cuộc gặp, ngay sau đó làm đơn xin đi cơ quan khác. Nhờ người bạn liên tài Cao Huy Đỉnh (9**) thu xếp nên ông về Viện Mỹ thuật, được ít lâu không chịu nổi phong cách độc đoán của ông thủ trưởng Viện ấy, lại phải nhờ đến Cao Huy Đỉnh để chuyển sang Hội Văn nghệ dân gian, rồi ít lâu nữa chuyển dịch một lần thứ ba sang làm biên tập viên tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật của Bộ Văn hóa, nơi dừng chân cuối cùng của ông.
 …Đọc nhiều truyện truyền kỳ của Trung Quốc và Việt Nam, tôi thường hình dung Nguyễn Từ Chi như một loại hình nhân vật “tàng tàng” khá quen thuộc trong môi trường huyền thoại của xã hội phương Đông, loại người lưỡng phân nửa ăn mày nửa đạo sĩ, nửa tục nửa tiên, có hành tung khó hiểu, nhiều lúc như trẻ con (nhưng mấy ai đã ăn đứt được cái “túi khôn” trong bấy nhiêu hành vi tưởng là trẻ con ấy); có ngôn ngữ lạ lùng, ngỡ nói quàng mà kỳ thực hàm chứa sự nhìn xa thấy rộng, sâu sắc tuyệt vời. Có những điều ông tâm sự với tôi, đến nay tôi đang chiêm nghiệm mà chưa dám thổ lộ cùng ai, tuy vậy trong lòng vẫn thắc thỏm chờ thời điểm “phát sáng” của những ý tưởng nén trong ngôn từ súc tích của ông mà tôi tin là chân lý.
Phải nói, tạng người của Từ Chi, tư chất mềm mỏng/cứng cỏi song hành ở ông, ít nhiều hình như có bắt nguồn từ trong gia đình, pha trộn cả với cái “gàn” của xứ Nghệ. Bố ông, Nguyễn Kinh Chi, một Bác sĩ có tiếng của miền Trung, là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và Thứ trưởng Bộ Y tế hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, từng có viễn kiến chặt rừng cây quinquina ở Lâm Đồng đem ra khu IV ngay từ cuối năm 1945 để dự phòng làm thuốc quinine chữa sốt rét cho bộ đội, cũng như cho di chuyển an toàn Bệnh viện hiện đại nhất của Huế ra Nghệ An trước khi Pháp đánh vào Thừa Thiên, lại có công xây dựng Xưởng dụng cụ y tế ở Liên khu IV, làm ra ống tiêm và máy dập thuốc viên, việc vô cùng khó khăn thời đó. Vào năm 1953, gặp phong trào cải cách ruộng đất, xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, ông viết đơn xin ra Đảng (khi vào Đảng năm 1946 ông không hề chủ động xin, và mấy lần từ chối, đã được bố tôi kể rõ trong bài Văn tế sống anh trai nhân ngày sinh nhật anh 85 tuổi). Không được chấp nhận, ông lại viết đơn năm lần bảy lượt xin từ chức Thứ trưởng, lấy cớ mẹ già vừa mất, gia đình lâm cảnh khó khăn muốn trở về Nghệ - Tĩnh giúp đỡ vợ con, cuối cùng được đồng ý. Cũng vậy, chú ruột Nguyễn Từ Chi, năm 1978 được sự ủy thác của Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đứng ra xây dựng Viện nghiên cứu Hán Nôm do ông làm Viện trưởng. Nhưng khi Viện vừa bắt đầu rõ dần mặt mũi với những dự án có tầm xa rộng (1981), đứng trước cái mâu thuẫn nan giải giữa việc cơ quan vừa phải êm thắm những “bùng nhùng” trong Chi bộ vừa phải khởi động công việc chuyên môn, giữa việc ưu tiên cho quyền lợi của một số Đảng viên có uy thế mà học thuật kém cỏi và yêu cầu phải đào tạo, bổ nhiệm một đội ngũ có thực chất, bảo đảm sự sống còn của chuyên ngành, thấy mình lực bất tòng tâm, ông đã lặng lẽ làm đơn xin rút chức Viện trưởng rồi đổi sang làm một chuyên viên của Viện Văn hóa dân gian. Quá trình hình thành nên cốt cách của Từ Chi như ông đã có - một hình bóng thấp thoáng xa gần của kiểu người Bùi Giáng giữa miền Bắc xã hội chủ nghĩa - xét cho cùng âu cũng có cơ duyên, cội rễ, chứ không phải ngẫu nhiên.
Còn tiếp
Đỗ Ngọc Thạch
ngày đăng: 18-12-2010


Chân dung

Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 2  - Đỗ Ngọc Thạch

Một số điểm “đặc sáng” ở GS Từ Chi.
GS Từ Chi nổi tiếng trước hết là vì giỏi tiếng Pháp, mặc dù cho tới cuối năm 1989, đã ở tuổi 64 ông mới có cơ hội sang Pháp, nơi có những nhà nhân học lớn ảnh hưởng sâu đậm đến ông và ông cũng hấp dẫn mạnh mẽ các đồng nghiệp; nơi GS. George Condominas, người bạn 20 năm của ông, đánh giá cao về sự uyên bác, tính phong phú, coi ông là một bác học lớn của Việt Nam. Theo GS Phan Ngọc, từ thuở nhỏ, khi còn theo học trường trung học Pellerin ở Huế, "Từ giỏi nhất trường về tiếng lóng Pháp (...), cho nên phải nói các học giả Pháp rất mê Từ, một con người uyên bác nhưng nói năng có một cá tính gây gổ"...
Lần sang Pa-ri này là theo lời mời của Trường Cao học về khoa học xã hội Pháp và Nhà Việt Nam . Những buổi thuyết trình của GS Từ Chi về váy Mường, thày mo Mường, nông thôn Việt Nam, phong tục thờ mặt trời, làm cho nhiều người trong giới nghiên cứu ở Pháp nể phục. Người ta "mê" cả cái duyên kể chuyện cùng khả năng diễn giải một vấn đề nghiêm túc bằng lối dí dỏm của ông. Nhiều thính giả, nhất là những trí thức người Việt Nam ở Pa-ri, ngưỡng mộ ông đặc biệt. Nếu chỉ đọc mấy chữ  “Cạp váy Mường”, sẽ không mấy ai người chú ý. Nhưng khi nghe GS Từ Chi thuyết trình thì người ta như bước sang một “thế giới khác”. Sau đây là một đoạn văn của GS Từ Chi về Cạp váy Mường:
“Cạp váy là bộ phận khăng khít của nữ phục Mường. Người Mường gọi nó là “Klốôc wặt” (trốc váy, đầu váy)… Cạp váy không chỉ là một bộ phận trang phục. Nó còn chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường.
Cũng có thể nói là vị trí “duy nhất”. Quả vậy trên toàn bộ địa bàn Mường không tìm đâu ra những điêu khắc phẩm trên mặt phẳng như ở châu Ðại Dương, hay những tượng tròn như ở châu Ðại Dương và ở Tây Nguyên. Khác với ngôi nhà cổ truyền của người Kinh, ngôi nhà Mường - kể cả nhà ở của Lang (quý tộc trong xã hội cũ) - hoàn toàn không có những công trình chạm khắc trên kèo, trên xà, trên đấu... cũng như trên mặt ván. Nhà ở của người Mường gần với nhà ở của người Thái hơn, cùng một kết cấu với nhà ở của người Thái. Nhưng ngôi nhà Mường không có trang trí ở hai đầu nóc, không có cái “khau cút” (...) xiết bao ngoạn mục của ngôi nhà Thái. Người Mường không có cột lễ, không có tượng mồ, không có tranh thờ (...) Ðồ đan lát của họ nói chung, không những thô hơn nhiều so với đồ đan lát của người Thượng ở Tây Nguyên hay người Xá ở Tây Bắc, mà còn rất hiếm hoa văn trang trí. Nếu có - trong vài trường hợp lẻ tẻ - thì đấy chỉ là những hình trám hay ô vuông xếp chéo khá là sơ sài. Trang phục của nam giới hoàn toàn thiếu hoa văn thêu hay hoa văn dệt. Kể ra, nếu rà thực kỹ, cũng có thể tính thêm những nét khắc (vụng và rối rắm) trên vỏ dao của người phụ nữ, những đồ án hình học (đơn điệu và không phải là của riêng dân tộc Mường) ở hai đầu chiếc gối, và thảng hoặc vài chiếc khăn thêu (thường chỉ thấy trên tay con gái nhà quý tộc (...) Như vậy, có thể xem cạp váy là bằng chứng phổ biến, độc đáo và hùng hồn nhất còn sót lại cho đến ngày nay về nghệ thuật tạo hình cổ truyền của dân tộc Mường, một nền nghệ thuật có lẽ vốn phong phú hơn thế nhiều. (Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người: Liên kết xuất bản của NXB Văn Hóa Dân Tộc và Tạp chí Văn Hóa - Nghệ Thuật, Hà Nội, 2003, tr. 109-110).

Nghiên cứu hoa văn trên cạp váy người Mường là  một trong những đóng góp khoa học quan trọng của Từ Chi. Từ việc phân tích, so sánh những mô-típ hoa văn và đặc điểm bố cục các đồ án trang trí, ông khám phá ra mối liên hệ đáng tin cậy giữa hoa văn Mường ngày nay với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn hàng ngàn năm trước. Đồng thời, ông cũng thấy mạch nghệ thuật Đông Sơn vẫn chảy trong nghệ thuật trang trí của cả người Thái và cư dân bản địa Tây Nguyên. Đó là một minh chứng sinh động về tính bản địa của nền văn hóa Đông Sơn, và là cứ liệu củng cố quan điểm khoa học cho rằng tổ tiên cư dân Việt - Mường là một chủ nhân quan trọng của nền văn hóa này. Khi nghiên cứu hoa văn, Từ Chi cũng đồng thời muốn tìm hiểu vũ trụ luận của người Mường. Bằng tri thức uyên thâm và sự nghiên cứu điền dã công phu, công trình Hoa văn Mường tuy không đồ sộ, nhưng có giá trị lớn. Dù ông rất khiêm tốn và dù sự nhận chân về nó lúc đầu có trắc trở, nhưng cuốn sách này của ông đã gây tiếng vang rộng, ở cả nước ngoài.
Điểm “đặc sáng” có lẽ sáng nhất, thiết thực nhất của GS Từ Chi là ở chỗ ông được giới “viết lách” coi là “Người biên tập mẫu mực”.
 Dù biên tập bài cho ai, "ông Từ" cũng đọc kỹ để hiểu tư liệu và ý tứ của tác giả một cách thấu đáo. Ông thường trực tiếp gặp gỡ trao đổi với người viết về bản thảo của họ và về sự biên tập của mình. Ông Lưu Hùng (11) ở Bảo tàng Dân tộc học VN nhớ lại: Một lần, đầu năm 1992, khoảng 9 giờ sáng chủ nhật, thấy "ông Từ" đạp xe đến nhà. Té ra ông đang biên tập bài viết của ông Hùng để in vào tạp chí Nghiên cứu Đông Nam á. Theo từng trang bản thảo đã sửa chữa chằng chịt nhưng dễ theo dõi, "ông Từ" hỏi lại những chỗ còn chưa rõ, lý giải về từng câu từng chữ đã sửa, kiểm tra từng ý diễn đạt lại... Lần ấy, hơn 4 giờ liền mới rà soát xong bài viết (26 trang), chỉ thỉnh thoảng ông dừng lại hút điếu thuốc lào.
Qua tay ông, bản thảo khi được in trở nên mạch lạc hơn, chặt chẽ hơn, hay hẳn lên. Tác giả thì thấy may mắn được làm việc cùng ông trên bài viết và trưởng thành lên về cách viết. Còn ông, với cái đức khiêm nhường dường như bẩm sinh, ông thường cười vui và nhận rằng mình cũng học được những điều bổ ích mỗi khi biên tập một bản thảo cho người khác. (Về cung cách biên tập độc đáo của GS Nguyễn Từ Chi, xin xem Truyện ngắn Ký ức làm báo - Đỗ Ngọc Thạch).
*
Tôi muốn kết thúc bài viết có tính chất tưởng niệm này về GS Từ Chi nhân 85 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của ông bằng chính Quan niệm, tuyên ngôn của ông:
"Người trí thức không dừng lại ở vô thức của mình, mà còn  nhìn  vào cuộc sống bao quanh mình, để tự vấn và tìm cách tự đáp"...
... "từ những sự kiện nằm ngay trong dòng cuộc sống đang trôi qua, cố ngược nguồn về quá khứ với hy vọng góp phần soi sáng thêm một tình hình hiện đại"...
 Khi đọc lại những dòng này, tôi thấy hình ảnh quen thuộc của ông hiện ra: một ông già râu tóc lòa xòa, khuôn mặt lúc đăm chiêu, lúc như cười một mình, đang lệt xệt bước đi trên con đường lầm bụi từ Đê La Thành đổ dốc xuống khuôn viên của viện Văn hóa nghệ thuật…Tại sao ông lại đi lệt xệt? Vì đôi dép của ông đã hỏng và ông đang phải đeo mộc cái “túi càn khôn” khổng lồ và xách một bộ cạp lồng đồ ăn cũng nặng chịch!...(Hết)
 Sài Gòn, tháng 12-2010
----

Chú thích:
(*) George Condominas (1920-?): Là nhà dân tộc học người Pháp, vào các năm 1948, 1949, lúc ấy còn là một thanh niên 28 tuổi, để nghiên cứu về dân tộc M'nông Gar, G.Condominas đã đến làng Sar Luk, nay thuộc xã Krông Nô, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc, sống chung với đồng bào M'nông Gar 2 năm liền để quan sát, ghi chép, nghiên cứu về cuộc sống của họ. GS George Condominas đã viết  Lời giới thiệu cuốn La cosmologie Muong của GS Từ Chi, Pa-ri, 1997.
(**) Jeanne Cuisinier (1890 - 1964): là một nhà dân tộc học Pháp, chuyên gia về “Mường học”: Les Muong: Géographie humaine et sociologie. (Các Mường: Nhân Địa lý và Xã hội). Paris : d'Ethnologie, 1946 (Travaux et Mémoires de l'Institut d'Ethnologie 45) Dân tộc học, 1946 (tác phẩm và Hồi ức của Viện Dân tộc học 45).
 (***) Lévi-Strauss: Claude Lévi- Strauss (1908-2009) , là một nhà nhân học lớn với sự nghiệp trước tác đồ sộ, người được xem là cha đẻ của cấu trúc luận. Philippe Descola, người kế nhiệm Lévi-Strauss ở cương vị giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhân học xã hội tại Collège de France, cho rằng “Lévi-Strauss là nhà nhân học vĩ đại nhất thế kỷ 20, nhà lý luận xuất sắc nhất trong lĩnh vực xã hội nhân văn.”
Cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, những công trình của Claude Lévi-Strauss đã mở ra trào lưu cấu trúc luận trong học thuật Pháp, rồi phương Tây. Những ý tưởng, tinh thần và một phần phong cách của Lévi-Strauss đã ảnh hưởng đến GS Từ Chi ngay từ khi ông làm việc ở Ghi-nê. Trở về Việt Nam , nhiệt tình chia sẻ tri thức đã thôi thúc ông trình bày về lý thuyết này với đồng nghiệp. Những ý tưởng mới lạ và tài thuyết trình của ông đã hấp dẫn nhiều người, nhưng thời ấy việc truyền đạt ý tưởng học thuật phương Tây không khỏi dẫn đến những hiểu lầm cho ông.
Tuy nhiên, nghiên cứu vũ trụ quan người Mường của ông, thông qua phân tích tìm ra các biểu tượng và "giải mã" ý nghĩa trong nghi lễ tang ma, đã thể hiện rõ dấu ấn tư duy cấu trúc. Phân tích biểu tượng hoa văn cạp váy và phát hiện của ông về mối quan hệ lịch sử giữa văn hóa Mường với văn hóa Đông Sơn cũng vậy. Trong những bài giảng cho học trò, ông tiếp tục theo đuổi lý thuyết dân tộc học phương Tây này.
(1) Nguyễn Từ Chi (1925-1995): (hay “ông Từ”, “cụ Từ”, “bác Từ”, “anh Từ”, như bạn bè và học trò thường gọi) là một nhà dân tộc học, dịch giả, biên tập viên và một người thầy. Tên thường gọi: Từ Chi, bút danh khác: Trần Từ. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Đức Từ Chi, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1925 tại Đồng Hới, Quảng Bình, thuộc dòng họ Nguyễn Đức ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là một một dòng họ Nho học nổi tiếng. Ông nội ông là Nguyễn Hiệt Chi, một sĩ phu Duy Tân, đồng sáng lập ra Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Người em ông nội là Nguyễn Hàng Chi, cũng là một chí sĩ Duy Tân, cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh và bị chính quyền thực dân Pháp xử chém năm 1908. Bố ông là Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế thời kháng chiến chống Pháp và Đại biểu Quốc hội khóa I-IV). Chú ruột là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi.
Thuở nhỏ, ông theo học trường trung học Pellerin ở Huế, đậu Tú tài toàn phần Ban Triết học văn chương năm 1945. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Việt Minh, làm biên tập viên tờ Tin tức Tuyên truyền Trung Bộ; rồi gia nhập Đoàn quân Nam tiến; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại mặt trận Nam Trung Bộ tháng 10 năm 1946. Năm 1948, ông là Chính trị viên Trung đội Trinh sát E80. Từ năm 1950, ông là Chính trị viên Đại đội Trinh sát mang phiên hiệu nói trên. Năm 1953, sau khi tham gia chiến dịch “Giảm tô” và “Cải cách ruộng đất” ở một vài nơi với nhiệm vụ là “Thư ký đội”, ông được giải ngũ, được điều ra Việt Bắc làm công tác biên tập cho Thông tấn xã VN.
Năm 1957 ông vào học Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 2, chuyên ngành Dân tộc học. Sự lựa chọn này của ông, như ông thường nói với bạn bè lúc sinh thời là một kiếm tìm thích hợp nhất với lứa tuổi, cá tính và hoàn cảnh của ông lúc bấy giờ. Mà cũng từ đấy, ông đã dành hầu như tất cả tâm lực còn lại cho cuộc hành trình có định hướng trong dân tộc học. Sau khi tốt nghiệp năm 1960, ông về làm nghiên cứu ở Viện Sử học, tổ Dân tộc học. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, ông được cử sang Guinée làm chuyên gia về giáo dục. Tại đây ngoài thời gian giảng dạy, ông còn nghiên cứu nhiều đến tư liệu dân tộc học châu Phi và liên tục đi điền dã để xây dựng luận án Phó tiến sĩ dân tộc học châu Phi với đề tài về Đế quốc Gao, tức Đế quốc Song hai Tây Phi. Nhưng khi về nước, đề tài này đã không được chấp thuận. Tuy nhiên, ông đã làm được việc khác, rất trọng đại: Khi làm việc tại Ghi-nê, Từ Chi gặp bà Nguyễn Thị Tuất (1934 - 2002), một phụ nữ Việt Nam lưu lạc nơi đất khách quê người. Đem lòng cảm thương, ông đã tìm mọi cách vượt qua nhiều khó khăn thử thách không dễ vượt nổi thời đó để đưa được bà Tuất hồi hương về với gia đình, và kết nghĩa tào khang. Hai ông bà vui sống trong thanh đạm cho tới cuối đời. Họ không có con.

Nói về mối tình của Từ Chi với bà Tuất, Họa sĩ Trần Duy nói: “Anh Từ Chi thường ví những gì anh phải vượt qua để đưa chị Tuất về nước như qua "3 biển 4 núi" của nhà Phật. Trong cuộc hôn nhân này, anh thật là một người cao thượng và hy sinh” . Còn GS-TS. Phạm Đức Dương thì kể lại: “Có lần tôi đi công tác nước ngoài về, đem biếu anh Từ một bao thuốc lá Mallboro. Mở ra, anh ngập ngừng không hút. Cất vào túi, anh cười: "Cái này phải đem về cho bà Tuất, chắc là bà ấy sẽ vui lắm" (...). Trước khi nhắm mắt, anh Từ chỉ có một điều băn khoăn là lo cho chị Tuất".
 Sau khi về nước cuối năm 1963, ông được phân công làm việc ở Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ. Năm 1966, ông được điều trở lại công tác tại Tổ Dân tộc học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam  được thành lập từ Tổ Dân tộc học của Viện Sử học. Đến năm 1972, ông chuyển công tác làm biên tập viên cho Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật, với mong muốn có thể tự túc làm nghiên cứu dân tộc học. Giáo sư Pháp George Condominas đã viết về ông: “Quả thật trong nhiều thập kỷ anh không có vị trí chính thức trong việc nghiên cứu, tự coi mình như nhà dân tộc học nghiệp dư”. Điều mà trong thời gian làm công tác chính thức không làm được, thì với tư cách nhà nghiên cứu nghiệp dư, ông đã thực hiện được. Năm 1979-1980, ông được mời sang Pháp trình bày tại Đại học Sorbonne Paris về những kết quả nghiên cứu của mình về người Mường. Ghi nhận những kết quả đó, năm 1984, ông được Nhà nước Việt Nam phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 1987, ông được nghỉ hưu ở tuổi 62. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục là cộng tác viên thân tín của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Tạp chí Đông Nam Á, Viện Dân tộc học, Tạp chí Dân tộc học, Trường Viết văn Nguyễn Du, NXB Ngoại văn, Bảo tàng Con người (Musée de I’ Homme) của Pháp ở Paris... Ông cũng tham gia làm ủy viên của nhiều Hội đồng chấm luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) và Hội đồng xét giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm của Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu không nghỉ, ông qua đời lúc 17 giờ 30 ngày 15 tháng 10 năm 1995, tại bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, để lại nhiều dự án dân tộc học đang còn dang dở. Công trình nghiên cứu của GS Từ Chi để lại, tuy không nhiều và không đồ sộ, nhưng những nghiên cứu của ông có giá trị khoa học cao, nhất là cụm bốn công trình đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Hoa văn Mường, Hoa văn các dân tộc Giarai - Bana, Người Mường ở Hòa Bình. Ngoài 4 tập trên, có thể kể thêm một số sách đã xuất bản như: Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, NXB. Văn Hóa Dân Tộc và tạp chí Văn Hóa - Nghệ Thuật, Hà Nội, 2003; Truyện Cổ Năm Châu, tập 3: Châu Phi;  NXB Văn hóa Thông tin , 10-2001 ; Tác giả: Nguyễn Từ Chi-Ngô Văn Doanh;
 (2) Trần Quốc Vượng (1934-2005) là một giáo sư, nhà sử học Việt Nam. Ông sinh tại Hải Dương, nhưng quê quán ở Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam . Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cùng với Phan Huy Lê (2*), Đinh Xuân Lâm (2**) năm 1956 ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). 1956-1980 ông là Cán bộ giảng dạy Cổ sử Việt Nam, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; 1959 ông là Trưởng nhóm/ Trưởng môn Khảo cổ học, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; 1980-1993 ông là Giáo sư, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; 1989-2005 ông trở thành Nhà giáo ưu tú, Giám đốc Trung tâm Liên Văn hóa - Lịch sử Khoa Sử, Đại học Tổng hợp; Ông được xem là một trong Tứ trụ của sử học Việt Nam đương đại (Lâm, Lê, Tấn, Vượng), tức gồm các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn (2***) và Trần Quốc Vượng. Theo lời giải thích của chính ông, đó là chuyện huyền thoại có lẽ hình thành vào cuối thập kỷ 1960, khi cả bốn ông đều nổi tiếng học giỏi. Ra trường vào giữa thập kỷ 1950, ba ông “Lâm, Lê, Vượng” học cùng khóa, còn ông "Tấn" học sau (thủ khoa năm 1957). Sau đó, theo lệnh của khoa, ông và giáo sư Hà Văn Tấn góp sức xây dựng ngành Khảo cổ học của khoa Sử, vì sau năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì ngành Khảo cổ Việt Nam hầu như chỉ còn là con số 0, không có một nhà khảo cổ học nào. Ông đã lên lớp đầu tiên về Khảo cổ học Việt Nam niên khóa 1959 - 1960, cùng với sự giúp đỡ tư liệu của giáo sư Hà Văn Tấn.

(2*) Phan Huy Lê (sinh năm 1934) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam , Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam : Khóa II (1990–1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005) và khóa V (2005-2010). Quê xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam . Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng (1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy. Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); giải thưởng nhà nước (năm 2000). Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996). Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.
(2**) Đinh Xuân Lâm (sinh năm 1925- ) là một trong những người góp công đầu xây dựng Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại VN, phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN khóa IV, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt. Ông sinh tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình quan nhà Nguyễn. Từ nhỏ ông theo song thân ra sinh sống và trưởng thành ở Thanh Hóa (Cha ông là Tri huyện Yên Định), gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Sau khi đỗ thành chung, ông học Trường Quốc học Huế và tốt nghiệp tú tài toàn phần ban Triết học văn chương. Sau Cách mạng tháng Tám, 1945, ông là một trong những thầy giáo trung học đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Năm 1954, ông được chuyển thẳng lên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Văn khoa, đồng môn với Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng. Tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giáo sư Lâm là tác giả của hơn 200 công trình nghiên cứu khoa học. Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1980 và Giáo sư năm 1984, ngành Sử học. Cùng với Giáo sư Nguyễn Lân, ông là một trong hai người ngành Sử đầu tiên được Nhà nước Việt Nam tôn vinh phong tặng Nhà giáo Nhân dân và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
(2***) Hà Văn Tấn (sinh năm 1937) là một nhà sử học, khảo cổ học VN. Ông sinh tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử-Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy. Gắn bó với nghề dạy học suốt nửa thế kỷ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cũng là người sáng lập bộ môn Phương pháp luận sử học ở khoa Sử trường ĐHTH Hà Nội. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Khảo cổ học. Giáo sư Hà Văn Tấn đã công bố 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, khảo cổ học. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 về khoa học.
(3) TS Chu Thái Sơn, nhà dân tộc học, ủy viên BCH trung ương Hội Dân tộc học VN. Chủ biên bộ sách Việt Nam - các dân tộc anh em (NXB Trẻ), là bộ sách đầu tiên về tất cả các dân tộc VN có tính hệ thống kiểu mỗi cuốn sách một dân tộc. Đã xuất bản: Người HMÔNG,  NXB Trẻ, 2005. Tác giả: Chu Thái Sơn; Người Si La , NXB Trẻ, 2005. Tác giả: Chu Thái Sơn; Người Khơ Mú, NXB Trẻ, 2006. Tác giả: Chu Thái Sơn. Vi Văn An; Người Nùng, NXB Trẻ, 2006. Tác giả: Chu Thái Sơn. Hoàng Hoa Toàn.
 (4) Phạm Đức Dương (sinh năm 1930, tại làng Đông Thái, Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh): là một chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học ở Việt Nam . Sau hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường Lào, năm 1959 ông nhập học tại khoa Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp khóa 4 vào năm 1963. Do thành tích học tập xuất sắc, ông được cử sang Liên Xô học và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 1970. Ông được phong chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học năm 1991. Từ 1970 - 1973, Trưởng phòng Ngữ âm - Ngôn ngữ dân tộc, Viện Ngôn ngữ học. Từ 1975-1995: Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Ủy ban Khoa học xã hội VN. Ông là một trong những thành viên sáng lập và xây dựng viện từ những ngày đầu tiên. Từ 1990 - 1995, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á; thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Sciences Socienles. Từ 1995 - 2000, Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam - Đông Nam Á ngày nay. Từ 1980 - 2005, Giáo sư kiêm nhiệm Khoa Ngữ văn - trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học - trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội. Từ 1980 - 2000: là ủy viên Hội đồng học hàm Nhà nước, chuyên ngành Ngôn ngữ học.
 Theo Giáo sư Phạm Đức Dương, trong một chuyến thám sát khá lâu ở mấy tỉnh cao nguyên miền Trung vào cuối những năm 1980, ông và nhiều nhà khoa học đã được Nguyễn Từ Chi nêu ba điều dự báo nghiêm chỉnh: 1. Rừng Tây Nguyên sẽ sớm bị phá trụi theo cách làm ăn của người Việt vốn là cư dân đồng bằng châu thổ, dựa trên phương thức canh tác cổ truyền là khai thác gỗ quý và các loại lâm thổ sản mà không mấy quan tâm đến bảo vệ rừng; 2. Người Việt lên Tây Nguyên ngày càng đông (78-80%) đã và sẽ chiếm hết những vùng đất thuận lợi của người Thượng, đẩy bà con dân tộc vào những lũng sâu tận đáy rừng. Đấy là nguy cơ tiềm tàng của những xung đột Kinh-Thượng thường trực nén sâu trong tâm tư người dân tộc, hễ có điều kiện là thế nào cũng bùng nổ; 3. Việc phát động “phong trào chống mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới” vô tình đẩy đức tin “Thần-Giàng” và đời sống tâm linh ra khỏi cuộc sống người Thượng, trong khi cán bộ miền xuôi “nói nhiều mà làm được quá ít”, khiến “nghe theo Đảng cái tai nó no nhưng cái bụng nó đói”, cộng thêm với cách ứng xử áp đặt làm đồng bào cảm thấy bị coi khinh, thế tất mảnh đất tâm linh bị hụt hẫng, trống chỗ, trước sau cũng bị đạo Tin Lành thế chân. “Ba cảnh báo quan trọng đó đều không được các cơ quan Đảng, Nhà nước có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương quan tâm xử lý, hoặc xử lý vụng về, non nớt, thiếu cơ sở khoa học. Đến nay những cảnh báo trên đã thành hiện thực, gây nên sự xáo động bất lợi về mọi mặt làm chúng ta đau đầu, bối rối và đang tìm mọi cách để “ngăn chặn”! Thật đáng tiếc cho những đề xuất khoa học từ rất sớm của Giáo sư Từ Chi!” (Xem Phạm Đức Dương. Nguyễn Đức Từ Chi (1925-1995)- một nhà nhân học xuất sắc. Bài viết năm 2003, in trong cuốn Những cuộc đời những trang thơ nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia; NXB. Khoa học xã hội, 2003).
(5) Ngô Văn Doanh  (sinh năm 1949, tại Hà Nội): là một nhà nghệ thuật học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã có nhiều công trình về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm về văn hóa Chăm Pa, Tây Nguyên.  Từ năm 1974 làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội VN. Năm 1984 làm luận án Tiến sỹ về Lịch sử nghệ thuật tại Liên bang Nga. Từ năm 1994 đến nay ông là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Từ năm 1999 - 2006: ông kiêm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
(6) Phan Ngọc: (sinh năm 1925) quê Yên Thành, Nghệ An. Là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học và là nhà nghiên cứu văn hóa VN. Từ 1955-1958 là phụ giảng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ học (ông là tổ trưởng đầu tiên), đồng thời kiêm nhiệm giảng viên Văn học Trung Quốc, Lý luận văn học tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Do có liên quan tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm, ông không được trực tiếp giảng dạy nữa mà chuyển sang làm nhân viên dịch thuật khoa Văn. Từ 1980-1995 ông là chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện KHXH VN, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1992. Cụm công trình về văn hóa VN của ông gồm “Văn hóa Việt Nam , cách tiếp cận mới” (1994) và “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều”(1985) được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.
(7) TS Bùi Xuân Đính: nhà Dân tộc học. Tác giả một số sách như: Các làng khoa bảng Thăng Long -Hà Nội;  NXB Chính trị quốc gia, 10-2004; Bùi Xuân Đính-Nguyễn Viết Chức. Bùi Xuân Đính: Tiến Sĩ Nho Học Thăng Long Hà Nội : NXB Thanh Niên ; 2005, tái bản 2010.
(8) Họa sĩ Trần Duy: một trong những “tên tuổi” của Nhóm Nhân văn-Giai phẩm, chơi thân với Từ Chi từ ngày còn ở Huế và đã từng cùng Từ Chi vẽ ảnh cụ Hồ làm tài liệu tuyên truyền trong Cách mạng tháng Tám (ông hé lộ cho biết Từ Chi rất có năng khiếu hội họa, nhiều ký họa của anh thật xuất thần), cũng là người lo thu xếp kiếm nhà cho Từ Chi ở phố Nguyễn Thượng Hiền sau khi Từ Chi tìm cách đưa được chị Tuất từ Guinée về Hà Nội…
(9) Nguyễn Huệ Chi, sinh năm 1938, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam cổ, trung và cận đại, nguyên trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại của Viện Văn học, nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1984. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi còn được biết đến với các bút danh: Phương Tri, Huệ Chi, Cánh Hồng, Hy Tuệ. Năm 2009, cùng với nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, ông khởi xướng trang mạng Bô xít Việt Nam .

(9*) Đặng Nghiêm Vạn (sinh năm 1930): Chức danh: Giáo sư; Từ 1963 đến 1967 công tác tại Khoa Sử Trường ĐHTH Hà Nội. GS Đặng Nghiêm Vạn được coi là nhà dân tộc học hàng đầu ở VN, nguyên P. Viện trưởng Viện Dân tộc học và Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo.

 (9**) Gs Cao Huy Đỉnh (1927-1975): là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian VN. Quê làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông là sinh viên khóa I khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó được cử đi học hai năm ở Ấn Độ. Trong kháng chiến chống Pháp ông là giáo viên văn trường Phổ thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ 1956 đến 1957 ông là trợ lý giảng dạy Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1959, ông công tác tại Viện Văn học, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ nghiên cứu viên, Trưởng phòng Văn học nước ngoài (1959-1965), Trưởng phòng văn học dân gian (1965-1973). Năm 1973, ông là Trưởng ban Ban nghiên cứu Đông - Nam Á, tiền thân của Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Ủy ban Khoa học xã hội VN ( nay là Viện Khoa học Xã hội VN ). Ông từng tham gia sáng lập Hội Văn nghệ dân gian VN và được bầu làm Phó Tổng thư ký Hội. Năm 1996 ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình có đóng góp xuất sắc. Ngày 3 tháng 4 năm 1975 ông mất do mắc bệnh hiểm nghèo, giữa lúc tài năng đang độ chín.
Tác phẩm đã xuất bản: Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ (1964); Người anh hùng làng Gióng (1969).Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (1974). Thơ R.Tago (cùng dịch với La Côn, 1961). Sơkuntơla (dịch, kịch Ấn Độ, 1961); Mahabharata (sử thi Ấn Độ,): Đồng dịch giả với Phạm Thủy Ba (1979).Văn hóa Ấn Độ (1993); Truyện cổ Ấn Độ (dịch, 1996); Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn (Đồng tác giả với Nguyễn Đổng Chi, Đặng Nghiêm Vạn) (1969).Truyện cổ dân gian Ấn Độ: Đồng dịch giả (1996). Tập truyện ngắn hiện đại Ấn Độ của Pơrem Chân đơ (cùng dịch với Bùi Phụng).
 (10) GS. TS. Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) là một nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa VN. nguyên quán tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Thân phụ ông là công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp và mất khi ông mới 8 tuổi, mẹ làm nội trợ. Năm 18 tuổi, ông và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng được gia đình cho đi Pháp du học. Ông học tú tài rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne. Trong thời gian nghiên cứu Tiến sĩ ở Pháp, ông dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương. Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và luận án phụ "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai bản luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan.
Năm 1935 ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại Trường Bưởi (trường Bảo hộ), Ban Tú tài bản xứ. Năm 1936 ông kết hôn với tiểu thư Vi Kim Ngọc, con gái Tổng đốc Thái bình Vi Văn Định. Năm 1938 ông tham gia Hội truyền bá chữ quốc ngữ và chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác cổ với chức danh Ủy  viên thường trực, năm 1941 ông là Ủy  viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông dương. Năm 1938, ông giúp thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại trường Đại học Luật Hà Nội. Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Sau khi cuộc CM/8 thành công, ông được cử giữ chức Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. Tháng 11 năm 1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục) của Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1975 dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản VN. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa 2 đến khóa 7, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .

(11) Lưu Hùng: TS. Lưu Hùng tác giả cuốn sách “Góp phần tìm hiểu Văn hóa Cơ - tu”, NXB KHXH Hà Nội, 2006. Cuốn sách chứa đựng nguồn tư liệu phong phú được tích lũy qua nhiều chuyến nghiên cứu điền dã của tác giả, góp phần làm gia tăng hiểu biết trên nhiều phương diện về dân tộc Cơ - tu ở nước ta, một dân tộc có vốn văn hóa truyền thống lâu đời và đặc sắc, với những khía cạnh khoa học lý thú mà đến nay vẫn chưa khám phá được nhiều…Ngoài Lời nói đầu và Phụ lục, sách gồm các phần sau: Vài nét giới thiệu chung về tộc người Cơ - tu; Đôi nét về lịch sử; Làng và nhà cửa; Họ hàng và hôn nhân; Phương thức kiếm sống; Phong tục trong chu kỳ đời người; Tín ngưỡng - Tôn giáo.

(hết)
Đỗ Ngọc Thạch
Ngày đăng: 18.12.2010


Váy Mường được gọi là Wẳl. Váy Mường được chia làm hai phần chính. Phần đầu váy hay thường gọi là cạp váy, được tính từ hông lên. Phần từ hông trở xuống mắt cá chân là phần thân váy.
Mô tả ảnh.
Phần đặc biệt và đẹp nhất của váy Mường chính là phần cạp váy. Phần này do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau. Phần trên cùng người Mường gọi là Rang trên, có hoa văn trang trí là hoa văn hình học (hình thoi hoặc hình vuông), có chiều rộng gần 20 cm. Rang trên có màu sắc chủ yếu là màu đen và trắng. Tiếp theo là Rang dưới, được dệt với màu đỏ và vàng nổi trên nền đen với hoa văn hình động vật như: con rồng, con hươu (hươu đứng, hươu quỳ), con công, con phượng v.v. có các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng. Phần cuối cùng của cạp nối với thân váy gọi là cao. Cao váy rộng từ 10 cm đến 15 cm được dệt các sọc màu, mỗi sọc to nhỏ khác nhau. Có sọc mang hoa văn hình học, có sọc mang hoa văn hình cây cách điệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét