Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

PBVH - Vị Trí và Chức Năng... - Đỗ Ngọc Thạch

 dovanluan
PHÊ BÌNH VĂN HỌC - VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG TRONG NỀN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tác giả Đỗ Ngọc Thạch chia sẻ cùng Phongdiep.net bài tiểu luận văn học - khai bút đầu xuân của mình. Xin cảm ơn tác giả Đỗ Ngọc Thạch và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc


PHÊ BÌNH  VĂN  HỌC  - 
VỊ TRÍ VÀ CHỨC  NĂNG  TRONG   NỀN  VĂN   HÓA NGHỆ THUẬT

Đỗ   Ngọc  Thạch

Trong đời sống nghệ thuật , một vài phát biểu  tùy hứng hoặc có lúc cực đoan của các nghệ sĩ lớn đã khiến cho định hướng thẩm định của phê bình trở nên phức tạp , thậm chí làm cho các nhà phê bình mất phương hướng ,dao động ,không biết  dựa vào cơ sở nào  trước  những  quan điểm ngược chiều  của những uy tín  lớn về một hiện tượng nghệ thuật nào đó . Chẳng hạn như cả C. Mác và Ph. Ăng-ghen đều đánh giá rất cao Sếch-xpia thì cây đại thụ Lép  Tôn-xtôi lại  nói thẳng thừng rằng Sếch-xpia  là nhà viết kịch tồi !  (Khi thi vào trường Điện ảnh  ban giám khảo hỏi V.  Súc-sin đã đọc Chiến tranh và hòa bình của Lép Tôn-xtôi chưa,  Súc-sin đã thản nhiên trả lời rằng chưa vì nó dài  dòng và không thích !).  Còn nói về phê bình văn học, người ta rất tán thưởng câu nói đã trở thành cách ngôn của nhà văn Anh  Ô-xca  Oai-đơ : “Nhà phê bình là một nghệ sĩ không thành đạt !” .Rồi chuyện nhà văn bậc thầy Phlô-be rất miệt thị các nhà phê bình . v.v…  đã dẫn đến chuyện  muôn thuở của đời sống nghệ thuật : các nhà văn , các nghệ sĩ sáng tác đua nhau công kích ,chửi rủa các nhà phê bình là “người gác cổng” ,“người ăn theo” v.v…
       Trước thực tế như vậy ,làm rối vấn đề như một vài ý kiến vừa nêu hoặc tranh cãi mà bất đồng ngôn  ngữ sẽ không giải quyết được gì, thậm chí dẫn đến sai lầm, dẫn đến tình trạng  “nhận xét sai lạc, các tác phẩm sâu sắc thương bị vứt bỏ, trái lại các tác phẩm nông cạn thường được ưa chuộng”  mà từ xa xưa , nhà phê bình văn học Lưu Hiệp (Trung Quốc) đã chỉ ra (Tri âm – Văn tâm điêu long). Chúng ta nên tham khảo phong cách khoa học của nhà vật lý thiên tài, nhà bác học xô-viết L.D. Lanđao là biến cái phức tạp thành cái đơn giản. Khả năng biết đơn giản hóa sự vật đã đem lại cho Lanđao danh hiệu cao quý: nhà phê bình khoa học đặc sắc (Lanđao còn rất am hiểu nghệ thuật và có những nhận xét rất chính xác và sâu sắc ).
 Ở đây,  chúng ta cần thấy rằng, cái thực tế oái oăm vừa nói đó chỉ là một  không khí giả tạo bao trùm lên hoat động phê bình như làn sương mù thường bao phủ trước bình minh. Song , thực tế đó đã gây nhiễu  không ít cho hoạt động  phê bình và sự phát triển của nó . Tại sao lại có không khí đối kháng  giữa sáng tác và phê bình ? Vấn đề là ở đâu ?  Theo tôi , điều cơ bản là hai bên không hiểu nhau :  Là “con một nhà”  ,là “ gà cùng một mẹ”  mà họ tưởng là người xa lạ !  Thậm chí nhà phê bình cũng chưa hiểu hết  mình là ai , “quê hương” chôn nhau cắt rốn ở đâu ? phải làm gì và làm như thế nào ?  và  rồi phê bình sẽ đi đến đâu ?  Trả lời những câu hỏi ấy không dễ dàng . Song không thể tìm lời đáp nếu không lấy đó làm xuất phát điểm cho sự suy nghĩ . 
Kết quả hệ thức bất định trứ danh của nhà vật lý thiên tài V.  Hâydenbéc có nói : “ Muốn xác định trạng thái tương lai của một hạt nào đó trong không gian cần phải biết đích  xác vị trí  và vận  tốc ban đầu của nó” .Và quan điểm của nhà bác học Laplát  là : “ Mọi hiện tượng trong thế giới đều được xác định chính xác bằng trạng thái quá khứ của nó”. Ý tưởng lớn đó của các nhà khoa học thiên tài như mách bảo chúng ta rằng, muốn gọi  đúng tên sự vật và tiên đoán được tương lai của nó, phải tìm ra nguồn gốc phát sinh của  nó.  Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi  sẽ tập trung vào việc trình bày về nguồn gốc phát sinh của bộ môn phê bình nghệ thuật,  xuất phát từ cơ chế vận hành của nó (chứ không phải lịch sử bộ môn phê bình), từ đó hy vọng  hé mở câu trả lời cho những vấn đề cần quan tâm .  Riêng đối với vấn đề “thể loại phê bình” chúng tôi sẽ trình bày vào dịp khác . Ở đây chỉ chú ý nhấn mạnh cơ sở nảy sinh của các hình thức phê bình qua đó đề xuất phần nào quan điểm về thể loại phê bình– một vấn đề phức tạp và chưa ngã ngũ hiện  nay .
                                      ***
   Tất cả những biểu hiện của hoạt động thẩm mỹ của con người mà chúng ta quen nói nôm na là “đời sống văn hóa- văn nghệ”  được bộ môn lý luận văn hóa  xác định trong một cấu trúc tổng thể theo một hệ thống với khái niệm văn hóa nghệ thuật – là một hệ thống, một thể thống nhất khép kín. Trong  hệ thống văn hóa nghệ thuật đó, có nhiều hệ thống phụ, hệ thống con, thể hiện cơ chế hoạt động của những lĩnh vực khác nhau của đời sống thẩm mỹ. Một trong những hệ thống phụ đó của văn hóa nghệ thuật là bộ môn phê bình nghệ thuật .
   Các hệ thống phụ trong cấu trúc của văn hóa nghệ thuật đều vận hành theo những quy luật đặc thù, có cơ chế hoạt  động riêng nhưng đều có mối quan hệ qua lại hữu cơ với nhau. Nếu chỉ nhìn vào qui luật đặc thù dễ dẫn đến những quan niệm cực đoan, phiến diện. Nếu bị những biểu hiện của mối quan hệ qua lại chồng chéo che lấp sẽ không nhìn rõ đặc trưng loại biệt của từng đối tượng quan sát. Vì thế, dưới đây chúng ta sẽ quan sát cơ chế hoạt động của một quá trình hoạt động nghệ thuật trong đó sẽ làm nổi rõ bộ môn phê bình nảy sinh từ đâu, nó có chức năng gì, tác động như thế nào vào quá trình này?
   1.Hình thái đầu tiên, công đoạn đầu tiên của một quá trình hoạt động nghệ thuật là sản xuất nghệ thuật (theo chữ dùng của C.Mac). Trong cơ chế sản xuất nghệ thuật hiện đại , bên cạnh “nhân vật chính” là nhà sáng tác còn có một “công cụ sản xuất” rất quan trọng là nhà biên tập. Nhiệm vụ lớn nhất của họ là thẩm định, đánh giá trước nhất tác phẩm nghệ thuật, giúp nhà sáng tác hoàn chỉnh tác phẩm  trước khi nó được ra mắt công chúng với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Trước đây, người ta ít chú ý đến bàn tay của nhà biên tập, dấu ấn lao động nghệ thuật của họ trong việc cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật. Phải nói rằng quá trình làm việc giữa nhà biên tập và nhà sáng tác diễn ra khá công phu và  đó chính là một biểu hiện của hoạt đông phê bình nghệ thuật. Hoat động phê bình ở “khâu yếu” này như thế nào, đến nay vẫn còn là “chuyện hậu trường”,chưa được chú ý nghiên cứu. Tuy vậy, cũng có thể nhận xét sơ bộ rằng, hoạt động phê bình đã có nhu cầu nảy sinh, nhu cầu tồn tại ngay từ khi tác phẩm nghệ thuật chuẩn bị ra đời, thậm chí nó còn thai nghén trong ý đồ sáng tác của nhà sáng tác.Ở khía cạnh khác có thể nói, đây chính  là cơ sở nảy sinh của kiểu phê bình tình cảm -  cá tính sáng tạo, chủ yếu dựa vào công việc bếp núc của nhà sáng tác mà nhà phê bình (hình thành từ trong đội ngũ nhà biên tập) nắm bắt tường tận. Những nhà phê bình này thiên về lý giải , phân tích tác phẩm trong quá trình “mang nặng đẻ đau” của nhà sáng tác, chú ý nhiều đến cuộc đời của nhà sáng tác và cố tìm mối quan hệ giữa tác phẩm và chính cuộc đời của nhà sáng tác. Kiểu phê bình này thường là tạo ra được những chân dung sinh động về nhà sáng tác hơn là sự “mổ xẻ” lạnh lùng  và khách quan tác phẩm của nhà sáng tác. Nói về quá trinh này của quá trình hoạt động nghệ thuật ta có thê thấy một ví dụ điển hình là mối quan hệ giữa Vũ Bằng và Lý Văn Sâm: Vũ Bằng là nhà biên tập có “con mắt xanh” và rất tận tình với các cây bút mới vào nghề nói chung. Lý Văn Sâm đã trở thành nhà văn danh tiếng là nhờ sự tận tình của nhà biên tập Vũ Bằng. Sau này, Lý Văn Sâm đã nói:”Không có Vũ Bằng  thì không có Lý Văn Sâm!”.
    2.Tác phẩm nghệ thuật ra đời, nó tồn tại trong đời sống thẩm mỹ với tư cách là một vật thể mang giá trị nghệ thuật. Giá trị này được quyết định bởi  nội dung tinh thần của nó và   phẩm chất của hình thức mang giá trị đó. Đồng thời nó cũng được qui định bởi tính chất của những nhu cầu xã hội và bởi  mức độ đáp ứng của tác phẩm đối với những nhu cầu ấy. Nói cách khác, giá trị nghệ thuật này tùy thuộc vào lý tưởng thẩm mỹ của thời đại (hệ tư tưởng chính thống của hoàn cảnh lịch sử - xã hội mà tác phẩm nghệ thuật ra đời). Vì thế, nó mang tính cụ thể - lịch sử và đương nhiên biến đổi theo biến động lịch sử-xã hội.Giá trị của tác phẩm nghệ thuật như thế nào? Điều này đòi hỏi phải có một thước đo đánh  giá nó. Thước đo này nằm trong lý tưởng thẩm mỹ của thời đại. Thước đo này là “công cụ thẩm mỹ” đặc biệt nhằm đánh giá giá trị tác phẩm nghệ thuật. Như vậy là từ trong bản thân tính chất của tác phẩm nghệ thuật nảy sinh nhu cầu tất yếu đánh giá giá trị tác phẩm nghệ thuật: đó là hoạt động  phê bình nghệ thuật. Như thế, nhà phê bình nghệ thuật chính là “công cụ thẩm mỹ” đặc biệt để một lần nữa xác định giá trị tác phẩm nghệ thuật khi nó tồn tại trong đời sống thẩm mỹ với tư cách là một vật thể mang giá trị nghệ thuật. Giá trị tự thân của tác phẩm nghệ thuật và sự đánh giá của nhà phê bình có trùng khớp hay không, đó là một công việc lớn cùa phê bình nghệ thuật.
Sự đánh giá này của hoạt động phê bình nghệ thuât mang tính chất tổng  quát và nó thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của thời đại, nhà phê bình nhân danh người phát ngôn cho tư tưởng  thẩm mỹ của thời đại, vì thế người ta thường nói đó là sự đánh giá có tính chất triết học, hoăc  triết mỹ. Đây chính là cơ sở nảy sinh kiểu phê bình triết học, có từ lâu với cách gọi “Phê bình triết học truyền thống” (hoặc còn gọi phê bình là “mỹ học vận động”) do V.G.Biêlinxki sáng lập ở Nga. Kiểu phê bình này thường nhìn tác phẩm dưới con mắt triết mỹ,chú ý nhiều tới việc  tìm ra sự phù hợp giữa tác phẩm và  thời đại với sự tồn tại của giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ (thực ra không thể tách bạch ra như thế !). Và như trên đã nói,giá trị này tùy thuộc vào lý tưởng thẩm mỹ của thời đại cho nên nó chỉ chấp nhận những tác phẩm nào “hợp gu” ,hợp “khẩu vị” với nó và đương nhiên, nó gạt ra ngoài những tác phẩm nào vượt quá “khuôn phép” mà nó – cái lý tưởng thẩm mỹ của thời đại – ngầm qui ước ! Vì thế ,khi thời đại có biến đổi, các tác phẩm có sự “đảo lộn” giá trị vì có sự “đảo lộn các thang giá trị” !...
     Như C. Mác nói  “tác phẩm nghệ thuật  - và mọi sản phẩm khác cũng thế - đều tạo ra một thứ công chúng sính nghệ thuật  và có khả năng thưởng thức cái đẹp”. ( C. Mác : Về văn học và nghệ thuật -  NXB  Sự thật . H.1997 ,tr.96). Công chúng nghệ thuật là nhóm người có trình độ cảm thụ những tác phẩm nghệ thuật. Việc hình thành công chúng nghệ thuật , từ tự phát đến tự giác, từ giáo dục nghệ thuật đến giáo dục thẩm mỹ . Ở một nền văn  hóa nghệ thuật phát triển cao, việc giáo dục nghệ thuật cũng như giáo dục thẩm mỹ (giáo dục nghệ thuật là một bộ phận hợp thành của hệ thống giáo dục thẩm mỹ) được chú trọng thì công chúng nghệ thuật càng phát triển ,nâng cao : nhạy cảm về nghệ thuật , am hiểu nghệ thuật , tức là có kiến thức về nghệ thuật mới có khả năng thưởng thức nghệ thuật , mới tiếp nhận được giá trị của tác phẩm nghệ thuật . Mà giá trị của tác phẩm nghệ thuật luôn luôn biến đổi và đa nghĩa , lại được “mã hóa” bằng cấu trúc nghệ thuật phức tạp, ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù, v.v… Việc tiếp nhận giá trị của tác phẩm nghệ thuật đối với công chúng không dễ dàng gì. Tác phẩm nghệ thuật như là có “lớp vỏ” đặc biệt bao bọc . Vì thế ,có thể nói, chính nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của công chúng đã làm nảy sinh nhu cầu giáo dục nghệ thuật một cách chủ động cho công chúng tiếp nhận hết giá trị của tác phẩm nghệ thuật . Điều này nảy sinh tất yếu bộ môn phê bình nghệ thuật :gồm những nhà phê bình  có trình độ , kiến thức nghệ thuật cao làm “phiên dịch” , “môi giới” giữa  công chúng với tác phẩm nghệ thuật . Đây cũng chính là cơ sở của kiểu phê bình chủ yếu dựa vào văn bản cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật : sự hiện diện của chính tác phẩm nghệ thuật thu hút sự chú ý của nhà phê bình . Kiểu phê bình này tập trung  vào việc phát hiện những cái “ ẩn tàng” , “ẩn ngôn” , “ý tại ngôn ngoại” trong những cấu trúc “ đa tầng” , “đa nghĩa” , “ đa thanh”  của tác phẩm nghệ thuật . Nhà phê bình cố gắng huy động năng lực thẩm mỹ dồi dào, sự nhạy cảm , tinh tế ngõ hầu nghe được những “tiếng lặng lẽ không tiếng” (tịch nhiên vô thanh) dù rất mỏng manh , hư ảo trong tác phẩm nghệ thuật !...
 3.Mặt khác , xét ở giác độ tâm lý tiếp nhận ,hoạt động cảm thụ của công chúng nghệ thuật đồng thời xảy ra với hoạt động đánh giá giá trị tác phẩm . Nói cách khác đánh giá giá  trị tác phẩm nghệ thuật là một nhu cầu tất yếu của cảm thụ nghệ thuật . Nhu cầu đánh giá này không chỉ dừng lại ở sự phản ứng trực tiếp (bản năng của trạng thái xúc cảm thẩm mỹ ) của công chúng nghệ thuật mà lan truyền , tích tụ thành  những “ làn sóng dư luận công chúng” . Làn sóng này tồn tại và phát triển trong đời sống thẩm mỹ đến độ nào đó sẽ nảy sinh thành nhu cầu phát ngôn thành những quan điểm thẩm mỹ . Điều này nảy sinh  tất yếu bộ môn phê bình nghệ thuật mà nhà phê bình là những đại biểu ưu  tú nhất của công chúng nghệ thuật . Việc chọn lọc những người tiếp nhận nghệ thuật có tài năng nhất  (theo cách nói của Xtanixlapxki ) -  những người vừa có một cảm quan nghệ thuật phát triển, tinh tế , được tôi luyện hẳn hoi lại vừa có khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ các ấn tượng và thể nghiệm nghệ thuật của mình . Những người này sẽ trở thành những nhà phê bình chuyên nghiệp . Chính vì thoát thai từ bộ phận ưu tú nhất của công chúng , những nhà phê bình này bao giờ cũng coi trọng hiệu quả của sự tác động thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật vào công chúng ,coi trọng mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật và công chúng, đươngnhiên không thể không có dấu ấn cá nhân của nhà phê bình. Đây chính là cơ sở của kiểu phê bình xã hội học: tình trạng tiếp nhận tác phẩm của công chúng thu hút sự chú ý của nhà phê bình. “Công chúng là vị quan tòa thông minh nhất” – câu nói nổi tiếng này là chỗ dựa vững chắc cho kiểu  phê bình xã hội học này. Lâu nay, người ta thường dè bỉu kiểu phê bình này  là “xã hội học dung tục” bởi bộ môn xã hội học nghệ thuật chưa phát triển, nhà phê bình chưa thực sự là đại diện của bộ phận công chúng ưu tú…
                                                     *   *   *
Đến đây, ta có thể hình dung được rằng: trong cơ chế vận hành của một quá trình hoạt động nghệ thuật gồm 3 bộ phận: sáng tạo nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật và cảm thụ nghệ thuật – ba hệ thống phụ của cấu trúc một quá trình hoạt động nghệ thuật – đều có những cơ sở nảy sinh, những nhu cầu tất yếu của sự có mặt của bộ môn  phê bình nghệ thuật.. Bộ môn phê bình nghệ thuật nảy sinh từ trong quá trình vận hành của ba hệ thống phụ đó và ngay lập tức quay  trở lại tác động vào quá trình vận hành  ấy. Như vậy có thể nói : Phê bình nghệ thuật là hệ thống phụ thứ tư của hệ thống văn hóa nghệ thuật – một thể thống nhất khép kín.
    Điều cần nhấn mạnh ở đây là: phê bình nghệ thuật là một cơ chế đặc thù của văn   hóa,nó là một bộ phận thiết yếu thuộc hệ thống văn hóa nghệ thuật, nó có chức năng tạo nên  cái “bình thông nhau”, cái cầu nối giữa cảm thụ nghệ thuật và sản xuất nghệ thuật, nó giải quyết nhiệm vụ xác định giá trị của tác phẩm nghệ thuật và do đó nó điều chỉnh định hướng tư tưởng và thẩm mỹ của sản xuất nghệ thuật. Đồng thời nó có khả năng tác động trở lại vào bản thân việc cảm thụ nghệ thuật, vào ý thức thẩm mỹ và cảm quan nghệ thuật của công chúng bởi vì nhà phê bình là người có thẩm quyền đại diện cho công chúng, người dẫn dắt công chúng trong lĩnh vực các giá trị nghệ thuật. Điều này qui định tính biện chứng của quan hệ qua lại giữa nhà phê bình và công chúng nghệ thuật.
   Chức  năng vừa nêu của phê bình nghệ thuật đã thể hiện rõ về nguyên tắc nó không thể lẫn lộn với các bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về nghệ thuật nhu mỹ học, lý luận nghệ thuật, xã hội học nghệ thuật, v.v…. Các bộ môn khoa học về nghệ thuật này không nảy sinh từ nhu cầu nội tại tất yếu của một quá trình hoat động nghệ thuật mà chúng quan sát, nhìn vào nền văn hóa này từ bên ngoài, từ thế giới của các khoa học nhằm triển  khai một cách toàn diện  sự quan tâm nhận thức của chúng về mọi hình thái tồn tại của tự nhiên và xã hội, do đó, toàn bộ nền văn hóa nghệ thuật, trong đó có cả phê bình nghệ thuật, đều nằm ở trong tầm bao quát của chúng với cái nhìn khách quan lạnh lùng của tư duy khoa học. Vì mối quan hệ giữa phê bình nghệ thuật và các khoa học nghiên cứu về nghệ thuật có nhiều mối quan hệ mật thiết nên lâu nay người ta vẫn xếp phê bình nghệ thuật vào khu vực các bộ môn khoa học về nghệ thuật như lý luận nghệ thuật, nghiên cứu nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật, v.v… Thậm chí người ta đã đặt câu hỏi : “Phê bình là khoa học haynghệ thuật?”, song sự trả lời tính nước đôi: Phê bình là bộ môn có hai quốc tịch, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật !...đã khiến cho câu chuyện chưa thể có hồi kết !...
                                                 *   *   *
    Qua việc trình bày cơ sở nảy sinh và chức năng của bộ môn phê bình nghệ thuật nói trên, ta thấy người làm phê bình nghệ thuật phải đồng thời đáp ứng được tất cả những yêu cầu đã nêu với những phẩm chất , trình độ,kiến thức, cảm thụ nghệ thuật, v.v… không thể ở mức bình thường!... Chính vậy mà Lưu Hiệp, nhà phê bình trác việt của Trung hoa cổ đại đã nói về phê bình nghệ thuật rằng: “Tri  âm  thực là khó thay. Cái âm thực là khó biết, người biết thực là khó gặp. Gặp được người tri âm ngàn năm mới có một lần” (Văn tâm điêu long).
Đ.N.T.
Phongdiep.net
Kiều Khanh

 Kiều Khanh và bóng...
---
Đã chỉnh sửa lại các lỗi của bài tiểu luận "Phê bình văn học - ..." (Đ.N.T)
 * Bản rút ngắn đăng trên Tuần báo Văn Nghệ: Đỗ Ngọc Thạch Một cơ chế đặc thù của văn hóa

dovanluan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét