Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Chờ - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

http://phongdiep.net/images/chandung/thu%20vien/do%20ngoc%20thach.jpg

C H Ờ

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH
Vào năm 1972, khi tôi vào học năm thứ hai của Khoa Ngữ Văn (trường ĐH Tổng hợp Hà Nội) thì chúng tôi sơ tán về xã Châu Minh, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc. Những ngày đầu năm học, cả lớp học quân sự (khoảng 2 tuần), còn tôi và hai người nữa, đều đã từng là quân nhân cho nên không phải dự học quân sự mà thầy Đỗ Đức Hiểu, Chủ nhiệm Khoa lúc đó, giao cho nhiệm vụ đón tiếp sinh viên năm thứ nhất. Chúng tôi đặt trạm đón tiếp ở Chợ Chờ, khi có sinh viên mới đến thì xem giấy gọi, đánh dấu vào bản danh sách có sẵn rồi dắt người sinh viên mới đến đó vào chỗ ở, cũng thuộc xã Châu Minh. Vì là thời chiến, bom đạn khắp nơi nên các sinh viên từ bốn phương không phải đến đúng ngày ghi trong giấy gọi mà mỗi ngày lác đác dăm ba người, phải hơn một tuần mới hết! Trong những ngày nằm chờ các sinh viên mới đến nhập học ở Chợ Chờ, tôi không khỏi ngạc nhiên về sự trùng hợp giữa nhiệm vụ mình làm và cái địa danh mà mình ở: Nằm chờ sinh viên mới ở chợ Chờ!

Nhà chủ mà chúng tôi ở nhờ và đặt trạm đón tiếp có bốn người con, hai người con trai đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, hai cô con gái, cô chị tên Hà, mới học hết THPT năm ngoái nhưng không đi học tiếp Đại học mà phải ở nhà chăm sóc bố mẹ vì cả hai người đều đã già yếu, trái gió trở trời là lại ốm đau. Cô em, tên Bắc, mới mười sáu tuổi, đang học lớp chín. Cả hai chị em đều rất xinh đẹp theo đúng kiểu con gái Kinh Bắc! Những lúc rảnh rỗi, hai chị em thường hát Quan họ cho chúng tôi nghe và kể cho tôi nghe về cái Chợ Chờ quê hương.

Ngày xưa, hăm bảy tháng chạp là phiên chợ tết cuối năm ở chợ Chờ. Đó là một phiên chợ rất đặc biệt vì đây là phiên chợ cuối cùng của một năm và là phiên chợ tết chủ yếu dành cho lũ trẻ con. Vào ngày đó tất cả trẻ con của tổng Chờ và các vùng lân cận sẽ được được đi chơi chợ tết. Sở dĩ có tên gọi Chợ Chờ là bởi từ xa xưa, mỗi lần người dân Kinh Bắc đi làm ăn buôn bán ở bên kinh thành Thăng Long, đều phải vượt sông Cầu, đi qua một bến sông có tên là bến Đò Lo. Xung quanh bến đò rất vắng vẻ, hoang vu, bọn cướp thường lộng hành. Chính vì thế trước khi qua bến đò, họ đã đợi chờ nhau ở khu vực đông dân cư, đủ thành một tốp năm bảy người mới cùng nhau qua sông. Chỗ đợi chờ nhau đó có tên Làng Chờ. Còn những người đi buôn bán, trước khi qua sông cũng buôn qua bán lại với người dân địa phương ở đó mà dần dần hình thành nên Chợ Chờ.

Nhạc sĩ Huy Du là một người đa cảm, chỉ chữ Chờ đã viết thành ca khúc làm nao lòng người:

Chợ Chờ em vẫn chờ ai
Để bâng khuâng câu hát tháng năm dài anh đi
Chợ Chờ ơi em đợi chờ ai
Có phải quê em sau bao mùa đánh giặc
Đất nghìn năm Hà Bắc trái tim luôn thầm nhắc
Này Yên Phong, mảnh đất quê mình xứ Bắc còn ghi
Giặc Tống giặc Nguyên phơi xác đầy đồng
Ngày hội khao quân bên chợ Chờ, chợ Núi
Câu hát đợi chờ, sao anh chẳng đến
Để bến đò chờ thành bến đò lo
Nước chảy lơ thơ, mãi đến bây giờ ...

Vào những buổi chiều, khoảng từ bốn giờ trở đi, trạm đón tiếp của chúng tôi không có việc, tức vào giờ này, không có sinh viên mới đến nhập học nữa. Có lẽ chẳng ai lại muốn đến chỗ ở mới vào lúc nhập nhoạng, tối tăm. Cho nên, vào những buổi chiều là khoảng thời gian chúng tôi được sống đúng như những người đã nằm chờ ở chợ Chờ xa xưa!

Tôi thường đi dạo dọc con đường dẫn ra bến đò Lo. Cảnh vật ở đây không còn hoang vu như thời xưa song cũng khá vắng vẻ bởi lúc này đang là thời chiến, thỉnh thoảng vẫn dội về những tiếng bom rền ở cả bốn phương trời xa… Một lần, tới bến đò Lo vào khoảng năm, sáu giờ chiều, tôi thấy một họa sĩ già đang đứng trước giá vẽ. Trên mặt tranh là cảnh hoàng hôn của bến đò Lo đang vẽ dở dang. Người họa sĩ như là đang đưa cái hoàng hôn của bến đò vào bức tranh, không phải là một khoảnh khắc nào đó của hoàng hôn ở bến đò mà là hoàng hôn đang từ từ xâm nhập bến đò, khiến cho ta có cảm giác như hoàng hôn đang chậm chạp đi qua bến đò và muốn đưa cái bến đò hoang vu này vào bóng đêm huyền ảo! Khi người họa sĩ già ngừng vẽ, ông ta liền nói với tôi: “Cậu là người xem tranh của ta đầu tiên, lại ở đúng cả địa điểm và thời gian bức tranh hoàn thành. Vậy cậu hãy nói cảm nhận của mình về bức tranh này! Xin cứ nói thẳng, nói hết, ta rất cần như vậy!”. Tôi không định nói nhưng lại buột mồm: “Tôi có cảm giác bức tranh của ông chưa làm ông mãn nguyện, nó như còn thiếu một cái gì đó!”. Người họa sĩ già chụp lấy tay tôi rồi nói: “Cậu nói rất đúng! Tôi đã vẽ gần một trăm bức “Bến đò Lo hoàng hôn” này rồi mà vẫn chưa thấy ưng ý. Đúng là như còn thiếu một cái gì đó ta chưa thể hiện được trong tranh!”. Nói rồi ông mời tôi về nhà ông chơi để xem những bức tranh “Bến đò Lo hoàng hôn” khác.

Ông họa sĩ già tên là Thảo, đã gần sáu mươi tuổi, là người sinh sống ở Chợ Chờ này đã từ lâu đời. Vừa ngồi xuống bàn trà của ông Thảo, trong khi ông Thảo đang pha trà thì từ trong buồng, một ông già bước ra. Vừa nhìn thấy ông già , tôi giật mình kinh ngạc khi thấy ông già này giống ông Thảo kỳ lạ, chỉ khác là tóc đã bạc trắng như các vị đại tiên trên thượng giới. Ông Thảo nói với tôi: “Đây là cha tôi, tên Hiếu, đã hơn tám mươi tuổi rồi!”. Ông Hiếu nở nụ cười phúc hậu chào tôi rồi ngồi xuống bàn trà. Tôi đã từng gặp những trường hợp cha và con rất giống nhau nhưng chưa có ai giống nhau như hai cha con ông Hiếu – Thảo. Tôi cùng cha con ông Hiếu, Thảo uống xong hai tách trà thì ông Hiếu nói với tôi: “Tôi biết các anh đến Chợ Chờ này để đón sinh viên từ mấy ngày nay, tính qua gặp các anh để nhờ một việc. Hôm nay gặp rồi thì thật là may!”. Tôi hỏi ông Hiếu muốn nhờ việc gì thì ông nói: “Tôi có thằng cháu nội, tên là Cầu, tức con của bố Thảo nó đây, hiện nó đang học ở trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nhưng tôi muốn xin cho nó chuyển sang Khoa Văn của các anh. Không biết phải làm như thế nào?”. Tôi nói ngay: “Thưa bác, việc đó không khó, chỉ cần viết đơn xin chuyển trường, Hiệu trưởng trường MTCN ký vào rồi tới gặp Thầy Chủ nhiệm Khoa của chúng cháu là thầy Đỗ Đức Hiểu, hiện cũng đang sơ tán về Huyện Yên Phong này. Thầy Hiểu sẽ hỏi chuyện và sẽ ra cho một đề thi về văn học. Nếu làm tốt thì thầy sẽ ký nhận rồi về lại Trường MTCN làm thủ tục chuyển trường!”. Ông Hiếu gật gù rồi nói: “Tức là phải kiểm tra khả năng về việc học văn của nó?”. Tôi nói: “Dạ, đúng vậy. Chính cháu trước cũng đang học ở Khoa Toán, khi muốn chuyển sang Khoa Văn cũng đã phải đi qua các bước như thế!...Vậy cho cháu hỏi thêm, em Cầu có năng khiếu gì về văn chương không?”. Ông Thảo nói: “Cái đó khỏi lo! Thực ra ngay từ đầu nó đã muốn thi vào Khoa Văn các cậu đấy chứ! Nhưng lúc ấy, tôi lại bắt nó thi vào trường MTCN! Tất cả là tại tôi, không nên bắt nó làm theo ý mình!”. Tôi nói thêm với ông Thảo rằng làm lại cũng chưa muộn và sẽ không có khó khăn gì. Hai cha con ông Hiếu, Thảo dường như rất vui, kêu người nhà làm cơm và mời tôi uống rượu Làng Vân nổi tiếng. Được nửa tiệc rượu thì ông Hiếu mời tôi vào xem phòng tranh của ông. Tranh của ông Hiếu chủ yếu là tranh phong cảnh và xoay quanh đề tài Quan Họ. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có tới gần một trăm bức chưa hoàn thành về bến đò Lo, và tôi kinh ngạc thật sự khi sang xem phòng tranh của ông con, tức ông Thảo, cũng có gần một trăm bức vẽ bến đò Lo!...
Khi tôi trở về nhà trọ của mình, tức Trạm đón tiếp sinh viên mới, thì đã gần nửa đêm. Tôi uống rượu Làng Vân đã nhiều lần và có một điều lạ là không bao giờ say, lần này cũng vậy! Có lẽ rượu ngon là không thể say, bởi say mèm (và ói mửa nữa) thì làm sao biết hết cái sự ngon của rượu!

Chủ nhà trọ của tôi dường như là chưa ngủ. Cô gái út chủ nhà đang hát bài “Chợ Chờ em vẫn chờ ai?” , nghe mà muốn hóa đá! Tôi cứ băn khoăn mãi với ý nghĩ, không biết hai cha con ông Hiếu, Thảo đang tìm kiếm điều gì trong cái buổi hoàng hôn của bến đò Lo? Khi cô con gái của chủ nhà ngừng hát bài “Chợ Chờ em vẫn chờ ai?” thì một ý nghĩ vụt hiện trong đầu: muốn tìm cái điều bí ẩn của bến đò Lo hoàng hôn, hãy đến một vài bến đò khác, khi ấy bến đò Lo sẽ hiện ra cái bí ẩn kia !

Sáng hôm sau, tôi đến ngay nhà cha con ông Hiếu, Thảo và nói cái ý nghĩ ấy của mình. Ông Hiếu, rồi cả ông Thảo, ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Chiều nay chúng ta đến bến sông Như Nguyệt xem sao?”. Buổi chiều, tôi tới nhà cha con ông Hiếu, Thảo thì người nhà nói hai người đã đi được hai mươi phút. Tôi lại thả bộ ra bến đò Lo thì thật là kinh ngạc khi thấy một người thanh niên trẻ tuổi, giống hệt ông Thảo đang đứng bên giá vẽ. Tôi khẳng định đây hẳn là anh chàng tên Cầu, là con của ông Thảo, đang học ở trường Mỹ thuật Công nghiệp. Khi lại gần hỏi chuyện thì quả nhiên là anh chàng Cầu, anh ta đang vẽ dở bức tranh “Bến đò Lo hoàng hôn”!

Khác với người cha là ông Thảo, anh chàng Cầu không hỏi tôi nhận xét về bức tranh anh đang vẽ mà lại hỏi tôi về…thơ! Nào là tôi có làm thơ không, có thích nhà thơ nào của đất Kinh Bắc không và anh chàng đọc cho tôi nghe ba bài liền của các nhà thơ đương đại viết về Quan họ, về đất Kinh Bắc! Xem ra anh chàng Cầu này có vẻ mê đắm Nàng Thơ hơn là vẽ tranh, tôi liền hỏi: “Cậu có thể nói về mối liên hệ giữa hội họa và thi ca không?”. Dường như tôi đã gãi đúng chỗ ngứa của anh chàng Cầu, anh ta nói như reo lên: “Đúng rồi, anh vừa nói tới mối liên hệ giữa hội họa và thi ca, ở đó thơ đã thể hiện rõ đặc trưng của nó: họa là thơ nhìn thấy, thơ là họa cảm thấy! Có đúng không? À, có câu nói rất hay, rất ngắn gọn về điều này, không hiểu tại sao nhất thời em quên mất? Anh có thể nhắc lại cho em không?”. Tôi nói ngay: “Thi trung hữu họa!”. Anh chàng Cầu lại reo lên: “Đúng rồi! Trong thơ có họa! Các nhà thơ quả là những họa sĩ tài ba, họ không cần dùng những hộp màu đắt tiền mà vẫn vẽ lên được những bức tranh tuyệt vời! Chính vì thế mà em muốn đi học Tổng hợp Văn như các anh để trở thành nhà thơ!”. Tôi nói ngay: “Đi học Tổng hợp Văn có thể thôi chứ chưa chắc trăm phần trăm trở thành nhà thơ, nếu như không được Nàng Thơ để mắt tới thì sẽ vỡ mộng!”. Anh chàng Cầu nắm chặt tay tôi nói: “Ông nội em đã nói chuyện của em muốn chuyển về học ở Khoa Văn với anh rồi đó! Anh hãy giúp em nhé! Em xin bái anh làm Sư phụ!”. Nói rồi sụp lạy tôi lia lịa! Tôi vội đỡ anh chàng Cầu lên và nói: “Cậu làm thế tôi tổn thọ đấy! Thôi được, tôi sẽ giúp cậu trong khả năng của tôi. Trước tiên tôi dẫn cậu đi gặp thầy Chủ nhiệm Khoa Đỗ Đức Hiểu, nếu thầy OK thì ta sẽ làm các bước tiếp theo!”.

Tôi dẫn anh chàng Cầu đến ngay chỗ thầy Đỗ Đức Hiểu. Trên đường đi, anh chàng Cầu đọc cho tôi nghe mấy bài thơ lẻ và tôi thật sự bất ngờ khi anh ta đọc chương mở đầu Trường ca “Chợ Chờ quê tôi”. Nhìn chung, thơ của anh chàng Cầu đã “sạch nước cản” và ý tứ vừa rất phóng túng vừa trĩu nặng cảm xúc. Tôi còn nhớ mấy câu như: Chợ Chờ - em chờ đợi ai / Để cho tôi hóa thành người mộng mơ / Con đò lạc giữa đôi bờ / Tôi thì lạc giữa đôi bờ môi em…
Sáng hôm sau, như mọi ngày, tôi vào chợ mua vài thứ về nấu ăn. Lúc tới chỗ bán thịt thì thật bất ngờ, tôi đã gặp cô Na, vợ của anh chàng Cầu đang đứng trước phản thịt. Trên phản thịt lúc đó chỉ còn mấy cục xương và một ít thịt vụn. Vừa nhìn thấy tôi, cô Na cười rất tươi và nói: “Anh chờ một lát sẽ có thịt mới!” (Lại là chữ Chờ! ). Cô Na vừa nói xong thì có hai cô gái khiêng một con lợn tới, khoảng năm mươi ki-lô-gam. Và tôi lại bị bất ngờ, khi hai cô gái đó chính là chị em cô Hà con chủ nhà trọ của tôi. Điều bất ngờ chưa chịu dừng lại và tôi như là bị thôi miên khi chứng kiến ba cô gái vừa chọc tiết con lợn, cạo lông, pha thịt…tất cả chưa tới ba mươi phút! Tôi chỉ kịp định thần khi cô Na đưa cho tôi xâu thịt tươi ngon và miệng cũng cười rất tươi: “Cân thịt này em biếu anh để tạ ơn anh đã giúp chồng em tới gặp thầy Chủ nhiệm Khoa Văn của anh! Gọi là của ít lòng nhiều!”. Tôi định nói lời từ chối và lấy tiền ra trả thì cô Na đã như là đang múa dao trước một tảng thịt lớn! Hai chị em cô Hà nhìn thấy điệu bộ lúng túng đó của tôi thì cười khanh khách rồi cô chị nói: “Em vừa nhìn thấy có mấy người đưa con tới nhập học đấy! Anh mau về tiếp họ đi!”. Tôi còn biết làm gì hơn là …nghe theo!

Quả nhiên, buổi sáng hôm đó có tới tám sinh viên mới, đi cùng cả người nhà tới Trạm đón tiếp khiến chúng tôi phải tíu tít tiếp khách. Có một ông là cha của cô con gái đến nhập học, sau khi uống trà thì bỗng nói: “Cái tên Chờ này thật là có nhiều ý tứ. Từ xa xưa người ta đã phải chờ và đến bây giờ các anh lại phải chờ! Vì vậy, tôi bỗng muốn được tham gia vào cái sự chờ đợi này! Tôi có đề nghị này: Chắc phải vài ngày nữa học sinh mới tới đủ và chính thức nhập học. Trong khi các anh chờ cho đủ số học sinh tới nhập học thì cho tôi ở đây chơi với con tôi vài ngày, chờ khi nào chính thức khai giảng thì tôi xin về. Chắc không sao chứ?”. Tôi nói ngay: “Bác cứ ở lại với con bao lâu cũng không sao, chỉ sợ người ở nhà chờ tin bác mà sốt ruột!”. Ông Phụ huynh cười khà khà rất sảng khoái rồi nói: “Đó, thế là cả người ở nhà tôi cũng được tham gia vào cái sự chờ đợi này! Thế thì tôi phải đi tìm hiểu kỹ cái Chợ Chờ này xem nó thế nào rồi tôi sẽ sáng tác một vở chèo về nó! Thú thật với anh, tôi là diễn viên chèo của đoàn chèo Hải Phòng, chưa hề có ý định viết kịch bản, nhưng không hiểu sao bỗng nổi hứng sáng tác kịch bản!”. Nghe đến đó thì tôi không thể “bình thường hóa vấn đề” được nữa, phải xem xét lại từ đầu: cái chữ Chờ kia nó có ma lực gì mà khiến cho người ta phải “lao tâm khổ tứ” nhiều như thế?

Tiếng hát của cô gái út chủ nhà từ phía sau vọng lên, ngân nga một cách kỳ lạ, cắt ngang ý nghĩ của tôi:

Chợ Chờ em vẫn chờ ai
Để bâng khuâng câu hát tháng năm dài anh đi…

Sài Gòn, tháng 3-2010
Đỗ Ngọc Thạch

http://d3.violet.vn/uploads/previews/blog/730584/phanrangngayve.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét