Truyện ngắn | ||||||||
Chương trình Operation baby lift Đỗ Ngọc Thạch | ||||||||
Cẩm Lai là một cô gái sinh vào đầu năm, tháng 1 năm 1975. Đó là một cô gái có hình thức bên ngoài như người mẫu thời trang nhưng cô lại làm việc ở một nơi không hề dính dáng tới thời trang mà luôn kề cận với Tử Thần: đó là phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện trong thành phố. Khi mới ngoài hai mươi tuổi, Cẩm Lai đã một lần lên xe hoa nhưng vợ chồng chỉ sống với nhau được hai năm thì ly hôn vì Cẩm Lai bị bệnh đau tim, sinh đẻ sẽ nguy hiểm đến tính mạng, trong khi đó người chồng Cẩm Lai thuộc loại người thích con đàn cháu đống!...Đó là những gì tôi biết về Cẩm Lai, người hàng xóm cùng ngõ hẻm với tôi. Thực ra thì tuy là cùng ở trong một con hẻm, nhưng những người có xu hướng “Hướng nội” như tôi hầu như không biết mấy về những cư dân ở xung quanh mình. Tôi biết khá rõ và thi thoảng có tiếp xúc với Cẩm Lai vì vợ tôi trước cùng làm trong Bệnh viện với Cẩm Lai và cả ông bố - tên Hài và bà mẹ Cẩm Lai - tên Hà, - đều xấp xỉ tuổi tôi và cùng có sở thích chơi cờ Vua và thường “giao đấu” rất gay cấn nên thường qua mời tôi làm Trọng tài! Những ngày cuối tháng ba vừa rồi, ông Hài nói với tôi: “Đầu tháng tư này, vào khoảng mùng 2, sẽ có gần 100 người từng là trẻ babylift từ nhiều quốc gia trên thế giới đến Sài Gòn để tham dự cuộc đoàn tụ “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách” do cô Kim Browne, người Anh gốc Việt, tổ chức. Sau đó, khoảng sáng mùng 6, đoàn Babylift sẽ có buổi giao lưu gặp gỡ với bạn đọc báo Tuổi trẻ tại Tòa soạn báo Tuổi trẻ. Nếu anh quan tâm đến vấn đề Babylift hãy đi cùng chúng tôi! Sẽ có nhiều chuyện bất ngờ và thú vị!”. Tôi đồng ý ngay và nói: “Hình như hai người chưa bao giờ nói với tôi thật kỹ về “Chương trình Babylift”? Ông có thể nói rõ hơn cho tôi nghe về cái vụ này và theo suy nghĩ của ông, nó là một chương trình nhân đạo hay bên trong là một toan tính gì khác?”. Ông Hài trầm ngâm một hai phút rồi mới thong thả nói: “Tôi tuy là “người trong cuộc” của cái “Chương trình Babylift”này ((tiếng Anh: Operation Babylift), nhưng tôi chỉ là một nhân viên quèn nên không thể có phán xét gì về cái chương trình Babylift này. Và ngay sau chuyến bay đầu tiên, chuyến bay định mệnh C-5A đầy bi thảm, tôi đã thoát khỏi cái chương trình Babylift đó và muốn quên nó đi, muốn xóa nó khỏi ký ức!” – “Có những điều không thể xóa được và nó luôn là nỗi ám ảnh trong suốt quãng đời về sau!” – “Ám ảnh! Ông nói rất đúng, tôi luôn bị ám ảnh bởi tấn thảm kịch C-5A ấy! Thực ra thì đáng lẽ tôi đã mất mạng trong chuyến bay đầu tiên của chiếc vận tải cơ C-5A ấy bởi tôi là lái phụ. Song đến phút chót thì người ta lại thay bằng người khác và tôi được giao lái chính chuyến thứ hai… Là vận tải cơ lớn nhất thế giới thời điểm đó (có thể vận chuyển xe tăng và thậm chí cầu quân sự nặng 70 tấn), một chiếc Lockheed C-5A Galaxy được phái đến Sài Gòn trong sứ mạng Babylift từ căn cứ không quân Clark (Philippines) ngày 4-4-1975. Sau khi hơn 300 trẻ em và người lớn (trong đó có nhân viên Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn) được đưa lên máy bay, C-5A bắt đầu rời đường băng. Cất cánh khoảng 67 phút và cách Tân Sơn Nhất chừng 64 km, C-5A bắt đầu bốc cháy sau tiếng nổ to ở cửa sau (C-5A đáng lý chỉ nên chở không hơn 100 em, bởi chiếc vận tải cơ không đủ mặt nạ ôxy). Phi hành đoàn buộc phải quay lại Tân Sơn Nhất. Khi cách Sài Gòn khoảng 16 km, C-5A bắt đầu rơi, lướt đập vào bờ kè và gần như vỡ vụn! Chỉ có 170 người lớn và trẻ em sống sót với nhiều thương tích. Bà Hà và bé Cẩm Lai là hai người may mắn trong số 170 người sống sót sau thảm kịch đó. Thực ra tôi làm công tác cứu hộ cũng như những người khác, nhưng khi tôi thấy bà Hà đang bế bé Cẩm Lai đã ngất xỉu trên tay, bà nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ và nói giọng yếu ớt: “Anh hãy đưa hai mẹ con em đi khỏi chỗ chết chóc này, đi thật xa!”, rồi cũng ngất xỉu!”. Ông Hài nói tới đó thì bà Hà đi tới, ngồi xuống bên cạnh, rót nước cho chúng tôi và nói: “Chiến dịch Babylift” – di tản trẻ mồ côi Việt Nam từ Sài Gòn sang Mỹ và một số nước khác hồi tháng 4-1975 – đã được Tổng thống Gerald Ford bật đèn xanh theo yêu cầu của nhiều tổ chức Công giáo Mỹ”. Tuy là nhân viên lâu năm của Cô nhi viện An Lạc (*), tôi cũng chỉ biết về “Chiến dịch Babylift” ngắn gọn như vậy! Nhưng qua những câu chuyện với các Ma-xơ khác, tôi hiểu đây là một chương trình rất lớn và đầy bí mật, chúng tôi chỉ được biết phần công việc của mình ở giai đoạn đầu là chăm sóc bọn trẻ khi chúng đến nơi ở mới! Tôi ngạc nhiên là sau thảm kịch của chuyến bay đầu tiên C-5A, chiến dịch Babylift không hề suy chuyển và xem chừng còn được xúc tiến mạnh hơn.Từ ngày 4-4 đến 19-4-1975, với 30 chuyến bay được thực hiện, chiến dịch Babylift mang được chừng 2.000 em đến Mỹ và 1.300 em đến Canada, châu Âu và Úc. Sau này tôi mới được biết, chiến dịch Babylift có tham vọng lớn hơn những con số đó nhiều: mang 70.000 trẻ mồ côi Việt Nam ra khỏi Sài Gòn”. Bà Hà uống một ly trà rồi trầm ngâm, như nhìn vào nơi vô định, nói nhỏ: “Tôi những tưởng sẽ quên đi được cái quá khứ đau buồn ấy nhưng quả là không thể quên được. Tôi cũng muốn gặp lại những đứa trẻ hồi ấy dù lúc đó chúng chỉ là trẻ sơ sinh, đứa nào cũng bọc trong tã lót trắng tinh, số phận chúng thật mỏng manh như làn gió nhẹ ban mai… Và chục đứa, trăm đứa như một, không thể phân biệt được chúng với nhau. Nhưng cái cảm giác được nhìn thấy chúng đã là một người lớn thật kỳ lạ! Và mặc dù sẽ có nhiều chuyện buồn hơn chuyện vui, nhưng tôi vẫn muốn gặp lại chúng! À, cái cảm giác của tôi lúc gặp lại chúng hồi năm 2005 thật là lạ: tôi như là thời còn ở Cô nhi viện An Lạc và chúng thì như trở lại là những đứa trẻ sơ sinh!...Tại sao như thế, tôi cũng không hiểu! Vừa rồi, tôi có đọc một bài thơ ngắn của một đứa trẻ Babylift, thật là buồn. Đọc xong bài thơ, tôi cứ ngơ ngẩn hoài. Hình như tác giả là một cô gái. Tôi không còn nhớ tên tác giả nhưng thuộc ngay bài thơ:
Ngoài một số thành viên có mặt tại Việt Nam từ trước, những chuyến bay đầu tiên chở chín “trẻ babylift” hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM trong hai ngày 1 và 2-4-2010. Ông Hài và bà Hà đều “đi đón” những “trẻ Babylift” ở sân bay.Rồi 10 giờ sáng ngày 6-4-2010, vợ chồng ông Hài, bà Hà và Cẩm Lai tới chỗ tổ chức buổi gặp mặt giao lưu do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tôi cũng muốn đi cùng vợ chồng ông Hài nhưng đúng sáng mùng 6-4, đôi chân đã từng lên rừng xuống biển không biết mỏi của tôi bỗng nhiên giở chứng, không chịu nhúc nhích! Chiều tối, tôi qua nhà ông Hài bà Hà thì thấy ông Hài và Cẩm Lai đang ngồi nói chuyện với một người đàn bà trạc tuổi bà Hà và mới thoạt nhìn hao hao giống bà Hà. Còn bà Hà thì đang đi tới đi lui trong phòng, chốc chốc lại nói như là người tập thoại kịch. Điều kỳ lạ là những câu mà Hà đang “nói một mình” lại là những câu về “Chương trình Baby Lift”, chẳng hạn như: -Ngày 3-4-1975, Tổng thống Hoa Kỳ là Geral Ford đã ban hành chương trình Baby Lift Orphan, ra lệnh cho quân đội Mỹ phải đưa tất cả các trẻ em ở các viện mồ côi rời khỏi Việt Nam. Và tính từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 26 tháng tư, có tất cả 26 chuyến bay và 2548 đứa trẻ được đưa đến Hoa Kỳ. -Trong chiến dịch di tản đó, một điều vô cùng đáng tiếc đã xảy ra, một chiếc máy bay vừa cất cánh không bao lâu thì bị rơi ngay cạnh sông Sài Gòn khiến cho hơn phân nửa số người có mặt trên chuyến bay cùng với một số trẻ em mồ côi đã chết. -Theo tôi được biết thì lúc bấy giờ một cánh cửa hông máy bay bị trục trặc và viên phi công đã lo lắng lắm vì chuyện này, nhưng ông ta được lệnh vẫn tiếp tục cất cánh… Chỉ 15 phút sau, cửa sau máy bay bật ra và mặc dù trong tình trạng như thế, ông ấy vẫn cố gắng quay lại ngay Sài Gòn, tiếc thay, đã không còn điều khiển được nữa và máy bay đâm xuống một cánh đồng ở bên sông Sài Gòn. Trên chuyến bay đó, có 230 trẻ em và một số nhân viên, cùng vợ con của họ, phân nửa đã chết, khoảng 180 em. Chuyến bay đó là C-5A và bị rơi vào ngày 4 tháng 4 năm 1975. Khi thấy tôi tới nhà, ông Hài nói: “Bà Hà nhà tôi từ lúc về nhà đến nay, gần sáu mươi phút rồi, cứ chốc chốc lại “độc thoại” như thế, cứ như là không hề biết có chúng tôi đang ở bên cạnh! Tôi nghĩ phải đi gọi Bác sĩ Thần kinh tới xem thế nào?”. Nhưng Cẩm Lai nói ngay: “Cứ từ từ xem sao? Chắc mẹ con chỉ bị “chập mạch” một lúc là hết liền à! Chuyện này con đã gặp nhiều rồi!”. Nói rồi Cẩm Lai cầm lon nước ngọt trong tủ lạnh đưa cho bà Hà, bà mở lon nước rất bình thản, uống một hơi hết phân nửa lon nước cũng rất bình thản! Nhưng khi đưa lon nước còn lại cho Cẩm Lai xong thì … lại “độc thoại” như ban nãy! Ông Hài giới thiệu với tôi người đàn bà mà tôi mới thấy lần đầu: “Đây là Ma-xơ Loan, trước cùng làm một chỗ với bà Hà nhà tôi!”. Ma-xơ Loan nhẹ nhàng chào tôi rồi nói: “Khi mới gặp tôi, bà Hà và tôi cùng nhớ lại tấn thảm kịch của chuyến bay C-5A. Không hiểu sao, chúng tôi như là cùng ở giữa gần 200 đứa trẻ sơ sinh người bê bết máu, có rất nhiều đứa bị đứt lìa chân tay, cả đầu nữa! Chúng tôi cùng lịm đi như là bị hút vào cái “Lỗ đen” vũ trụ! … Ngay lúc này đây, cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy những đứa trẻ đó, lúc thì như là tôi đang gói cuộn chúng lại trong những tấm tã lót rồi đặt chúng nằm ngay ngắn trong những hộp giấy cac-ton, lúc thì thấy chúng bị hất văng tung tóe khắp nơi!...”. Tôi có cảm giác như Ma-xơ Loan sẽ sa vào tình trạng “Kể chuyện một mình” như bà Hà nếu như đúng lúc đó, bà Hà không đột ngột dừng “độc thoại” mà đi tới bên Ma-xơ Loan, nắm chặt lấy hai bàn tay Ma-xơ Loan mà nói: “Sơ hãy cứu lấy bọn trẻ! Hãy đưa chúng đi khỏi chỗ chết chóc này!”, rồi bà Hà ngất xỉu! Sáng hôm sau, tôi lại qua nhà ông Hài thì thấy ông đang ngồi uống rượu suông một mình. Còn bà Hà thì vẫn đi lại trong nhà và liên tục “độc thoại” như hôm qua. Tôi vừa định hỏi ông Hài xem Cẩm Lai đâu thì từ trong buồng vẳng ra tiếng đọc bài thơ hôm trước bà Hà mới đọc cho tôi nghe. Tôi nói với ông Hài: “Cẩm Lai thích bài thơ đó thế cơ à?”. Ông Hài cười méo mó: “Thích thì lại không có chuyện! Bây giờ nó cũng “đọc thơ” liên hồi như bà Hà vậy!”. Tôi giật mình và vụt nghĩ: Không biết ông Hài có thể giống như bà Hà và cô gái Cẩm Lai hay không? * Qua báo chí, tôi được biết có bộ phim Chiến dịch Babylift mà đạo diễn Trang Đài vừa làm xong, chuẩn bị trình chiếu trên truyền hình Úc SBS tháng sáu này. Bộ phim dài 52 phút của Trang Đài nhắm vào sự kiện này của chiến tranh vì như Trang Đài so sánh, chưa từng bao giờ có chuyện đưa trẻ em ra khỏi vùng chiến tranh như thế. Trang Đài nói: "Ngay cả sóng thần Indonesia người ta cũng không tổ chức di cư hàng loạt trẻ ra khỏi vùng thảm họa. Cả trong chiến tranh Iraq . Vậy mà điều đó đã xảy ra ở Việt Nam . Và giờ đây nhìn lại, tôi muốn đặt câu hỏi về tính phù phiếm của nó. Nó đã gây quá nhiều đau khổ". Trang Đài cũng rời khỏi Việt Nam năm 1975, thời điểm lịch sử của những "đứa trẻ Babylift". Rời Việt Nam khi còn quá nhỏ, nên dù có gia đình, Trang Đài cũng dễ đồng cảm với cảm giác trống vắng, cô đơn của những đứa “trẻ Babylift”. Bộ phim Chiến dịch Babylift hoàn tất. Trang Đài nói cô rất mừng vì đã chắp nối được những mảng bối cảnh lịch sử cho những đứa trẻ mồ côi của “chiến dịch Babylift”. Chúng có quyền được biết điều gì đã xảy ra vào những ngày tháng 4-1975, tại sao chúng bị bứt khỏi cội rễ của mình để sống ở một nơi xa lạ. Chắc chắn là nhiều đứa trẻ có cuộc sống tốt, thậm chí rất tốt, nhưng cũng không ít đứa “trẻ babylift” phải trải qua những sư giày vò tinh thần dữ dội, những cảm xúc pha trộn giữa sự bối rối, giận dữ, bị ghét bỏ... Trang Đài nói cô hi vọng sau bộ phim, những "đứa trẻ babylift" sẽ tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử và văn hóa đất nước ruột thịt của mình.Gần đây nhất, Trang Đài cho biết: "Tôi chưa thể hình dung phản ứng khán giả sẽ thế nào, nhưng khi chiếu cho một số "trẻ babylift" xem thử, họ khóc suốt bộ phim". * Khi tôi viết tới những dòng cuối của cái truyện ngắn này, tình trạng của bà Hà và Cẩm Lai vẫn chưa có gì biến chuyển. Tôi bảo ông Hài đã gọi Bác sĩ Thần kinh chưa thì ông Hài lại nói: “Bác sĩ Thần kinh cũng sẽ bó tay mà thôi! Theo tôi nghĩ, chỉ có một cách duy nhất là quay ngược thời gian trở lại ngày 1-4-1975 và không để cho Chương trình Baby Lift xảy ra!”. Sài Gòn, Tháng 4-2010 (*) Cô nhi viện An Lạc trước thuộc Biên Hòa, nay thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. | ||||||||
Đỗ Ngọc Thạch | ||||||||
Ngày đăng: 14.04.2010 | ||||||||
| ||||||||
|
Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011
Chương trình Operation baby lift - Đỗ Ngọc Thạch
Chương trình Operation baby lift
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét