15 Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net - Trích: Ký ức Hà Nội; Chuyện Nhà Báo
KÝ ỨC HÀ NỘI- Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
KÝ ỨC HÀ NỘI
Tuổi thơ đi rồi mãi mãi lìa xa
Chẳng còn bao giờ mong trở lại
Tim vẫn hát điệu vần kh ôn cưỡng lại
Tình yêu như sao trời mọc trên đầu ta!...
Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô, gia đình tôi chuyển về Hà Nội, từ chiến khu. Bố tôi làm việc ở Bệnh viện quân đội 108 (còn gọi là bệnh viện Đồn Thủy) nuôi cả nhà, gồm mẹ tôi và năm chị em. Lúc đó, tôi chưa tới mười tuổi nên không thể nhớ lại được bố mẹ tôi đã xoay trở ra sao để nuôi một đàn con chúng tôi ăn học giữa chốn thị thành này. Tôi cũng không có ý thức gì về sự giàu nghèo vì cho tới lúc này, tôi vẫn chưa biết mặt mũi đồng tiền nó như thế nào !
Gia đình tôi ở nhờ trong nhà một người bạn học cũ của bố tôi, ở phố Nguyễn Lai Thạch. Chủ nhà nhường toàn bộ phần lầu một , thoáng mát , rộng rãi. Tuy nhiên, chính vì ở trên lầu mà cái cầu thang đã trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với tôi : vì không quen đi cầu thang mà mỗi ngày phải lên xuống cái cầu thang ấy hàng chục lần, nên tôi thường bị té ngã đủ kiểu ! Ấy là chưa kể tôi còn thường bị bố tôi đánh lăn từ đầu cầu thang xuống tới chân cầu thang ! (Sau này, tôi không còn oán bố tôi về chuyện này nữa vì tôi biết rằng bố tôi là người tính nóng, mà tôi thì hay làm hỏng việc và thường là không thực hiện đúng những quy định do bố tôi đặt ra, chẳng hạn như làm vỡ phích nước, khi bố tôi đi làm về mà vẫn chưa nấu cơm xong…). Nhưng tôi lại phải cảm ơn cái chuyện ngã cầu thang này vì nhờ tôi bị ngã gãy tay mà tôi đã có một người bạn đặc biệt.
Năm đó (1955), tôi đang học lớp Một. Vào năm học được một tháng thì tôi bị ngã cầu thang và phải nghỉ học gần mười ngày. Tới ngày nghỉ thứ ba thì Nhung – lớp trưởng, được cô giáo giao nhiệm vụ đến giúp tôi chép bài và hướng dẫn tôi học, để khỏi bị đứt đoạn. Nhưng cả Nhung và cô giáo đều không biết rằng hồi còn ở chiến khu, tôi đã học xong toàn bộ chương trình lớp Một, vì khi đó, mẹ tôi là cô giáo tiểu học và đã cho tôi học “dự thính” ! Khi về Hà Nội tôi mới đủ tuổi vào lớp Một nên phải xin vào học lại từ lớp Một. Thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên, Nhung cũng đã tự học xong chương trình lớp Một, nhưng là do chị Nhung dạy tại nhà. Thế là việc học bài chuyển thành những buổi đọc truyện thật là thú vị đối với tôi. Nhung nói nhà Nhung có một tủ sách rất lớn được truyền lại từ ông nội Nhung (đã đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn), đến bố Nhung, một bác sĩ đã tốt nghiệp khóa đầu của trường đại học Y – Dược Hà Nội. Chính là nhờ Nhung tôi đã biết thế giới kỳ ảo của truyện Cổ tích, Thần thoại từ Việt Nam, Trung Quốc cho đến An-đec-xen, Grim…
Việc Nhung dắt tôi vào thế giới kỳ ảo của Cổ tích, Thần thoại thật là thú vị đối với tôi, nhưng còn thú vị, tuyệt vời hơn là việc Nhung đã tình nguyện là hướng đạo dẫn tôi đi khắp Hà Nội 36 phố phường !
Lần đầu tiên, Nhung dẫn tôi đến hồ Hoàn Kiếm và kể cho tôi nghe chuyện vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Thần Rùa. Trong khi tôi đang mải suy nghĩ xem Thần Rùa đã để thanh gươm ấy ở đâu thì Nhung nói :
- Giá như khi giặc Pháp sang xâm lược nước ta, Thần Rùa cũng cho mượn Gươm ấy thì nước ta đã không bị chúng đô hộ gần một thế kỷ !...
Tôi nói ngay : - Giặc Pháp có nhiều súng đạn, gươm thì làm sao đánh lại ?
- Ừ nhỉ !... – Nhung nói khẽ và buông một hơi thở nhẹ.
Tôi thấy mình như bị một lực vô hình nhấc bổng lên cao rồi ném mạnh xuống hồ. Tôi lặn hụp một hồi thì cảm thấy như là bị chuột rút. Tôi vẫn còn tỉnh táo để nhận ra một bàn tay nhỏ đã túm tóc tôi kéo vào bờ !...
Nhung hỏi, sau khi tôi đã trở lại bình thường :
- Sao bạn lại nhảy xuống hồ ?
- Tôi định lặn xuống tìm thanh gươm của Thần Rùa ! – Đúng là trong đầu tôi có ý nghĩ như vậy !
- Trời ơi ! – Nhung tròn mắt nhìn tôi – bạn không biết bơi mà sao lại liều như vậy?
- Tôi bơi giỏi ấy chứ! – Tôi cười to và nói liền một mạch - Ở quê tôi có sông Thao, tôi đã bơi qua sông rồi bơi trở lại. Đó là chuyện bình thường. Bạn có biết câu “Sông Thao nước đục người đen – Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về” không?Quê tôi đẹp và nên thơ lắm. Nhưng khi được biết câu “Mịt mù khói tỏa ngàn sương – Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” tôi lại thấy Hà Nôi của bạn chắc là đẹp hơn ?
Không phải đợi lâu, Nhung dẫn tôi đến Hồ Tây. Đứng trước mặt hồ, một cảm giác kỳ lạ dâng trào trong tôi và tôi đã nhảy ào xuống hồ từ lúc nào. Sau khi lặn một hơi, tôi nổi lên và sải tay bơi ra giữa hồ. Được một lát, tôi ngoảnh lại thì thấy Nhung đang đứng yên lặng bên bờ hồ, mắt dõi theo tôi. Bơi được khoảng gần một trăm mét, tôi dừng lại và chợt nghĩ:”Thử lặn xuống xem có báu vật gì không?”. Thế là tôi lặn một hơi dài. Quả nhiên, không lâu la gì, tôi đã tìm thấy một cái đồng hồ bỏ túi và một miếng ngọc bội. Tôi tặng Nhung miếng ngọc bội và giữ lại cái đồng hồ (Nhưng ngay ngày hôm sau, cái đồng hồ đã bị bố tôi tịch thu !). Chúng tôi còn trở lại hồ Tây hai lần nữa, cũng có nhiều chuyện đáng nhớ mãi nhưng chưa thể kể hết ra đây được !...
Tôi ở Hà Nội chưa được một năm, chưa kịp đi xem hết những kỳ quan của Hà Nội thì gia đình tôi chuyển về Hà Đông (bố tôi được điều động về làm việc ở quân y viện 103). Ở Hà Đông được một năm thì bố tôi lại được điều động về quân y viện 109 ở Vĩnh Yên. Ở Vĩnh Yên cũng chưa được một năm thì gia đình tôi lại chuyển về Hà Nội (bố tôi đã chuyển ngành và đang chờ Bộ y tế sắp xếp công tác). Lần này , gia đình tôi ở nhờ một trại chăn nuôi bò sữa vùng ngoại ô, có cái tên rất hay : Lương Yên. Đây là khu lao động, hầu hết là dân nghèo. Vì thế, phòng mạch của bố tuy đông bệnh nhân nhưng thu nhập chỉ vừa đủ sống (đa phần chữa bệnh không lấy tiền). Công việc ở phòng mạch rất nhiều (có đủ các loại bệnh, riêng công việc giải phẫu – chỉ có tiểu phẫu – thì nhiều không ngờ : ngày nào cũng ngót nghét chục ca) nhưng người làm chỉ có ba : bố tôi, mẹ tôi (đã là y tá) và tôi. Vì tôi bận làm việc như thế cho nên thời gian để gặp Nhung thật là hiếm hoi. Chỉ đến khi Nhung xin chuyển về trường Lương Yên học cùng lớp với tôi (lớp 4), thì chúng tôi mới được gặp nhau thường xuyên – dĩ nhiên ! Những giờ kiểm tra một tiết hoặc cả buổi, chúng tôi chỉ làm bài trong mười phút là xong và nộp bài cho thầy giáo rồi dắt nhau tung tăng khắp phố phường ! Những ngày tháng đó thật là đẹp và có thật nhiều kỷ niệm nhớ đời. Tôi chỉ xin kể ra đây một kỷ niệm “đòn đau nhớ đời” !
Lần ấy, khi tôi và Nhung đang đứng xem giới thiệu chương trình kịch mục trước cửa Nhà hát Lớn thì thật bất ngờ, chiếc mô-bi-lét của bố tôi đỗ xịch ngay sát người tôi mới biết ! Kết quả là tôi bi một trận đòn “thập tử nhất sinh” cùng với bao lời kết tội của bố tôi, trong những tội đó có một từ mà lần đầu tiên tôi được nghe : luyến ái bất chính ! Khi nghe bố tôi nói như thế, tôi nghĩ : đúng là tôi và Nhung rất thân nhau, rất thích gần nhau, nhưng yêu thì chắc là từ đây tôi sẽ yêu Nhung .
Tôi chưa kịp nói với Nhung về những suy nghĩ của mình thì gia đình tôi chuyển lên Thái Nguyên – bố tôi được giao nhiệm vụ làm giám đốc bệnh viện Khu Gang thép Thái Nguyên. Tính lại, chúng tôi chỉ cùng được học bên nhau học kỳ 1 của lớp 4, nhưng bù vào đó, Nhung đã dẫn tôi đi khắp lượt Hà Nội 36 phố phường . Sau này, khi trở lại sống ở Hà Nội lần thứ ba, tôi đã bắt tay vào viết cuốn Hà Nội ký sự, nhưng rồi bỏ dở vì nghĩ có lẽ mình không qua nổi những văn tài đã viết rất hay về Hà Nội như Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài…Lần ra đi này của gia đình tôi cũng thật là cập rập, dĩ nhiên là tôi không thể chia tay với Nhung.Tới Thái, tôi đã viết thư ngay cho Nhung, gửi cả về nhà và địa chỉ lớp học, nhưng dù tôi có gửi thêm gần chục lần nữa, cũng không hề có thư hồi âm của Nhung !...
Ở Thái Nguyên được một năm rưỡi, gia đình tôi lại chuyển chỗ ở : đi một mạch từ Thái Nguyên về thành phố biển Hải Phòng ! Bố tôi lại chuyển đổi công tác (chưa phải là lần cuối) : về làm giám đốc Viện điều dưỡng A ở Hải Phòng ! Lúc chiếc xe tải chở gia đình tôi từ Thái Nguyên về qua Hà Nội, chỉ nghỉ có một đêm, tôi muốn đi tìm gặp Nhung nhưng tôi không có một kẽ hở thời gian nào : mẹ tôi đã đẻ thêm ba cậu con trai, từ năm 1955 đến năm 1960, (lúc đó là đầu năm 1961) và việc trông coi ba đứa em nhỏ tôi phải làm gần hết, không khác gì một nhũ mẫu thực thụ ! Không thể diễn tả hết cảm giác của tôi lúc đó : thấy như là Nhung ở rất gần đâu đây mà không gọi được, không tới được !...
Thế là lại phải qua đi năm năm nữa tôi mới được gặp lại Nhung. Ấy là lúc tôi học xong lớp mười Phổ thông và có giấy gọi vào khoa Toán trường Đại học Tổng hợp. Nhận được giấy gọi, tôi đi Hà Nội ngay. Đoạn đường “tang-bo” khá dài (thời gian này – l966, máy bay Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc, cầu Phú Lương trên đường số 5 bị hỏng nên tàu hỏa không thể đi qua) nhưng tôi đi như bay, như là có cánh mọc dưới chân như nhân vật Hecmet trong thần thoại Hy Lạp.! Gặp lại Nhung sau sáu năm xa cách, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Nhung đã là một thiếu nữ 18 tuổi cực kỳ xinh đẹp, không thua kém các hoa hậu thời nay bất kỳ điểm nào ; Nhung cũng tốt nghiệp phổ thông trung học như tôi nhưng với điểm cao tuyệt đối mà bây giờ gọi là Thủ khoa, đặc biệt với môn Toán, suốt 10 năm học phổ thông, Nhung luôn đạt điểm cao nhất ; điều bất ngờ thứ ba gây sốc rất mạnh đối với tôi là Nhung không được gọi vào đại học vì lí lịch : Ông nội là quan lại thời phong kiến, bố là tư sản, có một ông chú đang làm việc trong chính quyền Sài Gòn và một ông chú đang sống ở Pháp ! Tôi không nói được lời nào để an ủi Nhung hay đại loại như vậy, chỉ vò đầu bứt tai và cảm thấy như mình có lỗi ! Nhưng Nhung lại an ủi tôi và tỏ ra rất bình thản (hay đúng là Nhung chỉ tỏ ra bình thản ở bề ngoài ?). Nhung nói nhỏ nhẹ :
- Bạn nên tới trường ngay đi. Đường xa và bom đạn không biết đâu mà lường ! Tôi sẽ đưa bạn tới tận nơi học !...
Trời ơi ! Nghe Nhung nói mà tôi như sắp òa khóc ! Tôi muốn thời gian ngừng lại, trái đất ngừng quay và tốt nhất là quay ngược lại cái thời Nhung dắt tôi đi lang thang khắp 36 phố phường Hà Nội ! Trong đầu tôi vụt hiện lên nào là Hồ Gươm cổ tích, Hồ Tây bâng khuâng, hồ Thuyền Quang mơ mộng, Ô Quan Chưởng trầm mặc, Ô Đông Mác lầm bụi, Ô Chợ Dừa nhộn nhịp…, nào là những con đường ào ào lá đổ, những hàng cây đào Nhật Tân kiên nhẫn đứng đợi xuân về, nào là cây cầu Long Biên già nua nhưng vẫn cố gồng mình cho đoàn người, đoàn xe qua lại không ngớt…
Cuối cùng thì tôi cũng không thể không đối diện với thực tại : tôi đi học, còn Nhung, Nhung sẽ đi đâu ? làm gì ? Nhung không trả lời tôi mà giục tôi lên đường . Quả là con đường sẽ đi rất xa : Khoa Toán của trường ĐHTH sơ tán ở tận huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên (tôi có duyên nợ gì với Thái Nguyên đây ?). Đi tàu từ thị xã Thái Nguyên đến ga Quán Triều là hết đường sắt, phải đi bộ tiếp đến Đại Từ, và điểm cuối cùng là thôn Đầm Mây – chắc là chỗ chúng tôi học ở tít trên chín tầng mây !...
Suốt quãng đường đi bộ, con đường đồi núi dài hun hút và vắng teo, Nhung hết đọc thơ, bình thơ rồi lại kể chuyện cổ kim đông tây cho tôi nghe. Tôi không ngờ Nhung đọc thơ và bình thơ thật tuyệt vời, nhất là những bài thơ tình của Aragon viết tặng Ensa do Nhung tự dịch từ nguyên bản tiếng Pháp . Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn thuộc những câu thơ ấy và nó hiện ra trong đầu tôi cùng với hình ảnh Nhung đang đọc lên lúc ấy : “Tất cả những gì về anh nhờ em anh mới biết – Trời đã đứng trưa, ngày cũng sắp qua rồi – hạnh phúc không phải ngọn đèn nơi quán nhỏ - anh cầm tay em trong cuộc đời đau khổ - mà con người chưa hiểu nghĩa chung đôi…”
Con đường dài hun hút và vắng teo ấy cuối cùng cũng ở sau lưng chúng tôi ! Tôi sợ phải chia tay với Nhung. Một nỗi sợ không có hình hài nhưng nó làm tim tôi như ngừng đập ! Và có lẽ Nhung biết rất rõ điều ấy nên Nhung đã đồng ý để tôi đưa Nhung trở lại thị xã Thái Nguyên. Và rồi cuối cùng, tôi đã đưa Nhung trở lại Hà Nội. Chúng tôi quyết định sẽ đi lang thang khắp Hà Nội một lần nữa, một ngày một đêm, rồi tôi sẽ đi Thái Nguyên, tới huyện Đại Từ và cuối cùng là cái làng Đầm Mây heo hút kia !
Khắp Hà Nội là một không khí sẵn sàng chiến đấu đánh trả bọn “Thần Sấm”, “Con Ma” của “Không lực Hoa Kỳ”. Trên đường Thanh Niên bên Hồ Tây, nơi có hàng ghế đá và những cây liễu rủ tóc thướt tha – nơi hẹn hò yêu đương của những đôi lứa – sừng sững những khẩu pháo phòng không đang sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Trên sân thượng ở các nhà cao tầng, những khẩu súng máy 14,5 li và 12,7 li và cả súng trường CKC cũng đang vươn nòng sẵn sàng chiến đấu !... Một ý nghĩ thoáng vụt đến :tôi muốn đi chiến đấu, tôi sẽ xông pha nơi bom lửa bão đạn, chứ không thể tìm đến một nơi an toàn tít tận cái làng Đầm Mây hẻo lánh trên miền núi rừng kia để mà ngồi học, nhất là Nhung lại không được đi học nữa ! (Ý nghĩ bất chợt ấy chỉ ba tháng sau đã trở thành sự thật !...)
Bấy giờ là tháng Chín – Mùa Thu. Tôi và Nhung cứ đi lòng vòng mà không định rõ rằng sẽ đi đến đâu ? Khi tôi thấy đôi chân mỏi rời thì cũng là lúc chúng tôi đang đứng trước Văn Miếu. Chúng tôi đã đến Văn Miếu nhiều lần vì ông nội Nhung có tên trong tấm bia đá tiến sĩ, mỗi khi nhớ ông nội Nhung lại đến đây…Tôi nói với Nhung :
- Giá như bây giờ là Mùa Xuân thì hay quá, mình muốn đến nhìn hoa đào đón Mùa Xuân như thế nào ?
- Mùa Thu Hà Nội có nhiều điều kỳ diệu lắm. Mình có cảm giác rằng chính Mùa Thu đã làm cho Hà Nội đẹp một cách huyền ảo. Vả lại riêng mình, trong bốn mùa ở Hà Nội, mình thích Mùa Thu nhất, bởi Mùa Thu dài nhất, bí ẩn nhất…- Nhung nói nhỏ.
- Và buồn nhất – Tôi nói chen ngang – Tiếng Thu là âm thanh buồn vô hạn : “Con nai vàng ngơ ngác – đạp trên lá vàng khô”…
Nhung xác nhận :
- Đó cũng là một biểu hiện lãng mạn của Mùa Thu, nhưng người ta chìm đắm vào đó nhiều quá, thái quá bất cập. Mình thích Mùa Thu nhất không phải vì Mùa Thu buồn mà vì lẽ khác. Bạn cứ thử nghĩ xem, tại sao chỉ có Thiên Thu mà không có thiên Xuân, thiên hạ, thiên đông ? Thiên Thu (ngàn năm) là một khái niệm thời gian không có giới hạn…Mình cứ bị ám ảnh bởi một câu thơ nói về cái chết của một chú bé lính kèn : “Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây yên giấc ngàn Thu…” Đó là cái vĩ đại, cái kỳ diệu trong cái bé nhỏ. Loài người tồn tại được là nhờ điều đó !
Tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó trong suy nghĩ của Nhung, nó như đôi cánh của Thiên Thần đang bay trên thinh không kỳ ảo. Vì cứ mải đuổi theo đôi cánh Thiên Thần ấy mà tôi quên hết những gì định nói với Nhung trong ngày hôm nay. Cuối cùng, tôi lại nói một câu rất vu vơ :
- Thiên Thu ? Đúng rồi ! “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, hồi ở Hải Phòng, vì đánh nhau mà mình bị giam ở đồn công an mất một ngày, đúng là dài bằng cả ngàn năm !
Nhung mỉm cười rồi chợt buông một hơi thở nhẹ và nói :
- Mình rất muốn được học ở Khoa Toán như bạn, nhưng cái số mình là nó vậy, biết làm sao. Điều mong ước duy nhất của mình lúc này là bạn sẽ học thật tốt, sẽ trở thành một nhà toán học như trước đây chúng mình đã hằng mơ ước. Bạn thắp hương cầu khấn ông nội mình đi, ông sẽ phù hộ độ trì cho bạn…
Chúng tôi cùng cầu khấn ông nội của Nhung. Tôi nhìn tấm bia Tiến sĩ mà như thấy cảnh tôi vinh quy bái tổ, N
hung e lệ đón tôi trong tiếng pháo nổ vạn sắc hồng ! Nhưng, kỳ lạ thay, con Rùa dưới tấm bia như là đang bò đi, mới có vài bước chân mà đã mất hút ! Tôi giật mình nhìn sang Nhung, Nhung vẫn đang lầm rầm khấn điều gì đó ! Tôi không nghe rõ tiếng Nhung vì không hiểu sao tôi nghe thấy tiếng lá rơi rất kỳ lạ, rất to như là tiếng bom nổ ! Và điều đó không sai, máy bay Mỹ đang ném bom ở đâu đó, không xa lắm, tiếng còi báo động của Thành phố vang lên!...
Đoạn kết :
Đoạn kết thật bi thương, nhưng không thể khác đi được ! Tháng Mười năm 1970 tôi được trở về tiếp tục học tại khoa Toán sau bốn năm là lính Ra-đa thuộc lực lượng Phòng không – Không quân. Lúc này, trường Đại học không phải đi sơ tán như hồi tôi mới nhập học nữa. Khoa Toán của tôi học ở khu Thượng Đình. Nói chung là rất tốt, không có gì phải phàn nàn !
Gặp lại Nhung, chúng tôi đều rất mừng . Tôi thầm cảm phục Nhung đã có bản lĩnh vững vàng để đi qua biến cố lớn của cuộc đời. Nếu là tôi, tôi đã gào thét, đã buông thả và có lẽ sẽ trở thành một kẻ chán đời, bất lực. Trong suốt bốn năm qua, Nhung đã tham gia rất tích cực trong đội cấp cứu cơ động của Thành phố. Với tư chất thông minh bẩm sinh, với sự say mê học hỏi qua tủ sách Y học và sự hướng dẫn nhiệt tình , chu đáo của người bố, kiến thức cũng như thực hành về Y học của Nhung không thua kém bất kỳ một bác sĩ chuyên khoa giỏi nào. Nhung đã cùng đội cấp cứu cơ động cứu sống rất nhiều người trong những đợt oanh tạc liên tục từ ngày này qua ngày khác của máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt này…Với việc trở lại Khoa Toán của tôi, Nhung đã khiến tôi bất ngờ vô cùng : Nhung tặng tôi toàn bộ số sách giáo trình của bốn năm học của một sinh viên khoa Toán mà tôi sẽ phải dùng đến . Ngày tháng mua sách được ghi ở trang đầu từ năm 1967 đến 1970. Thì ra trong khi tôi đang mất hút ở chiến trường, Nhung đã mua sách theo chương trình và tự học xong toàn bộ. Lúc đưa sách cho tôi, Nhung chỉ nói ngắn gọn : “Trong thời gian bạn ở chiến trường , mình đã học thay bạn. Giờ bạn đã trở về, trả lại cho bạn đó !” . Tôi không biết nói sao, chỉ biết lao vào những Ma trận kỳ ảo, những Chuỗi số dài vô tận của toán học… Song, một điều bất ngờ đến kinh hoàng , đến nỗi cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa tin là nó đã xảy ra là : trong một lần cứu hai em bé bị nước cuốn trôi ngay sát cầu Long Biên, Nhung đã bị cuốn vào một cái hút nước. Phải mất nửa ngày, hai người thợ lặn mới tìm thấy Nhung !... Đó là ngày l0-l0-1971!...
…Nhung nằm đó, bất động…Tay Nhung đang cầm miếng ngọc bội mà tôi đã tặng Nhung ở Hồ Tây năm xưa…Tôi vụt nhớ đến câu thơ có hai chữ “Thiên Thu” mà Nhung đã đọc cho tôi nghe rất nhiều lần: “ Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây an giấc ngàn Thu “…Và tôi đã đọc lên cho Nhung nghe, một lần, hai lần, ba lần, đọc hoài !...
Đỗ Ngọc Thạch
Phongdiep.net
|
CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO- Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO
Hơn hai mươi năm lăn lộn trong nghiệp chướng “viết lách” tôi đã tiếp xúc với khá nhiều nhà báo thuộc đủ các “đẳng cấp” khác nhau, nhưng người gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là Bửu Báo. Tôi gặp B.B (từ đây, xin cứ gọi tắt Bửu Báo là B.B cho tiện và cũng vì một lý do nữa là Bửu Báo rất khoái khi tôi gọi thế, chỉ vì một lần đến chơi với tôi, thấy có bức ảnh nhân vật nổi tiếng người Đức Béc-tôn Brếch, Báo nói người này hơi giống mình và xin luôn bức ảnh đó về…) khi tôi đang thịnh còn B.B thì đang ở vào thuở “hàn vi”. Lúc ấy, tôi đang phụ trách công tác xuất bản và một tờ tạp chí của Sở Văn hóa thông tin một tỉnh lớn (giờ đã tách thành hai tỉnh), có thể nói cũng là “quan to” vì nó tương đương với một nhà xuất bản và một tờ tạp chí ở một tỉnh phát triển mạnh và sớm. B.B lúc đó đang làm nhân viên của phòng văn hóa thông tin một huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, “vùng biên ải”. Tôi vì “chán đời” mà bỏ đất Thủ đô vân du bốn phương nên đã gặp B.B lần đầu ở tận chốn thâm sơn cùng cốc vùng biên ải và không hiểu sao, số phận tôi lại liên quan với B.B …
Lần ấy tôi đi cùng hai nhà sưu tầm văn hóa dân gian đến huyện thì gặp B.B. Lúc đó, chúng tôi vào trụ sở của phòng văn hóa thông tin huyện thì thấy vắng tanh vắng ngắt như vào một cái miếu cổ bỏ hoang lâu ngày. Chúng tôi tính bỏ đi bỗng nghe có tiếng rì rầm phát ra từ một căn phòng đóng cửa. Tôi tiến lại gõ cửa, khoảng năm phút sau, một thanh niên cao to bước ra, khép hai cánh cửa lại sau lưng. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh ta đã vồn vã nói :
- Chào các anh ! Em là Báo, Bửu Báo. Phòng đã nhận được điện báo các anh sẽ tới từ ba bốn ngày. Ông trưởng phòng bị trúng gió nằm ở nhà, giao nhiệm vụ cho em thường trực ở đây đón các anh…Mời các anh vào phòng khách.
Khi đã an tọa trong phòng khách, tôi đưa giấy tờ cho Báo, Báo mới liếc qua liền nói :
- Em biết tên anh từ ngày anh mới chuyển về tỉnh cơ. Chả là ông bố em phụ trách công việc của các anh ở trên tỉnh mà . Em đã tính đến gặp anh để xin làm đệ tử, nhưng chưa kịp thì ổng đã đầy em tới vùng biên ải này !...
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Vậy cậu là con ông cháu cha hả ? Ông nào vậy ?
- Anh chẳng cần biết ông ấy làm gì cho mệt óc. Vả lại, theo như em biết thì các sếp trên tỉnh không thích anh đâu. Vì tỉnh người ta yên tĩnh, đúng theo kiểu tỉnh lẻ, tự nhiên anh về làm náo động cả lên, bày ra những việc “kiểu trung ương” như thế, chẳng ai quen được đâu !...
- Thế chẳng lẽ một cơ quan văn hóa thông tin mà suốt ngày, thậm chí suốt đêm chỉ chơi bài “tiến lên” và sáng xỉn chiều say ? Đâu có được !
- Thế mà vẫn được đó anh ơi ! Ngay bây giờ nếu anh sang văn phòng ủy ban sẽ thấy cán bộ phòng em và cả các phòng khác đang tụ tập chơi bài “tiến lên” và nhậu tới bến mới thôi ! Nhưng đó là chuyện nhỏ, kệ họ. Bây giờ ta bàn chuyện ta. Các anh đã quá bộ về tới đây, Báo này xin phục vụ từ A tới Z. Nhưng bù lại, anh cũng phải giúp em một việc. Tính em ưa sòng phẳng, nói thẳng nói thiệt, nhất là khi em được biết anh cũng là đại lãng tử, chơi được, có đúng không ?
Không để tôi trả lời, B.B đi ra cái phòng đóng cửa lúc nãy dắt vào một người phụ nữ trên dưới ba mươi tuổi, ấn ngồi xuống ghế và nói :
- Xin giới thiệu với các anh, đây là chị Xiu Hoa, phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã. Chị Xiu Hoa sẽ duyệt luôn kế hoạch công tác của các anh với huyện, duyệt luôn cả phí hỗ trợ các anh nếu cần, sẽ đi với các anh xuống xã. Chị Xiu Hoa tuy là người dân tộc nhưng đã được ra thủ đô Hà Nội học nhiều thứ nên rất hiểu và nhiệt tình với công việc của các anh !...
Chỉ sau mười phút, “kế hoạch hành động” của chúng tôi ở huyện đã được Xiu Hoa ủng hộ, hưởng ứng tối đa. Khi Xiu Hoa đưa hai nhà sưu tầm đến chỗ ăn nghỉ, B.B nói:
- Em và anh tuy lần đầu gặp mặt nhưng em nghĩ rằng chúng ta đã gặp nhau từ kiếp trước
- Cậu lém thế ? – Tôi nhìn thẳng vào B.B nói.
- Em đâu dám lấy vải thưa che mắt thánh, múa rìu qua mắt thợ! Nhưng em xin nói hai câu này, nếu anh chịu thì ta bắt tay kết nghĩa huynh đệ, còn nếu anh thấy không đúng thì em xin tự cắt lưỡi làm thằng câm suốt đời. Thú nhất, nhìn tướng anh, em biết anh thuộc loại đại lãng tử, vân du bốn biển không yên chốn nào. Chỉ hai năm nữa anh sẽ đi khỏi tỉnh này thôi. Và , năm năm nữa, anh sẽ gặp hạn, lúc đó người cứu anh sẽ là…Bửu Báo này!...Nhìn thần sắc anh, em biết là anh vừa giật mình ! Có đúng không anh ?
- Trời đất !...Cậu còn trẻ tuổi mà nói đúng như một chiêm tinh gia có tiếng ở Hà Nội đã nói với tôi trước khi tôi bỏ Hà Nội đi !...Còn câu thứ hai?
- Câu thứ hai là tiếp nối câu thứ nhất. Năm năm nữa, chính cái lúc anh gặp hạn lại là lúc em phất to. Nếu đúng như tử vi của em thì lúc đó em sẽ làm Sếp một tờ báo, ở chốn phồn hoa đô hội hẳn hoi chứ không phải ở tỉnh lẻ như anh. Ngay bây giờ, trong đầu em đã hình dung công việc lúc đó sẽ triển khai như thế nào, và anh sẽ đảm đương phần việc nào cho em!...Nói thế, người tầm thường không hiểu sẽ cho là em bốc phét và xấc láo với anh. Còn anh, em tin là anh cũng biết xem tướng, anh hãy nhìn tướng em và xét xem lời em nói thế nào?
- Tớ đã quan sát rất kỹ tướng mạo cậu ngay từ khi mới gặp…
- Nhìn ánh mắt anh là em biết anh đang “hành nghề” xem tướng người nói chuyện với mình!
- Cậu có cái mũi cực quý, gọi là “huyền đởm tỵ”, mũi như trái mật treo, tất cuộc đời sẽ phú quý, gặp nhiều may mắn, nhiều khi không làm mà vẫn có ăn !... Cũng có thể nói mũi cậu là mũi “phục tê quán đính”, nếu như ngày xưa có thể làm tới quan thượng phẩm. Còn nếu thời nay, làm sếp một tờ báo thì cũng là thường… Kéo áo lên tớ coi cái bụng chút xíu !
- B.B kéo áo lên, tức thì tôi kinh ngạc thốt lên:
- “Tễ khả nạp quất”…Cực quý, cực quý !...Cậu tuy đang bị đày nơi thâm sơn cùng cốc nhưng sống như đế vương. Cậu tất phải là con cháu bậc vua chúa đời xưa !
- Tôi vừa dứt lời, B.B đã rút trong túi quần rộng thùng thình ra một xếp tiền đưa tôi và nói:
- Mặc dù em biết anh thuộc loại coi đồng tiền như cái rác nhưng đây là “nhuận bút” của những lời anh vừa nói. Còn lát nữa, em xin đãi anh một chầu bia với đặc sản núi rừng, anh sẽ nhớ đời!...Trước khi đi, em xin múa hầu anh bài quyền Ngọc Trản để anh thấy em đúng là con cháu vương tướng ngày xưa, văn võ song toàn !
- Dứt lời, B.B cởi phăng áo, múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu :
“Ngọc Trản ngân đài
Tả hữu tấn khai
Hồi thập tự
Liệng diệp liên ba
Đả sát túc…”
Trên đường đi, B.B nói : “Tuy hiện tại em chỉ là thằng nhân viên quèn, nhưng bà phó chủ tịch ban nãy là bồ, còn ông phó chủ tịch thì đánh bài “tiến lên” với em chỉ cháy túi, luôn nợ em vài trăm . Cho nên, em điều khiển hai vị này không khác gì chủ tịch huyện, tức cũng xấp xỉ uy quyền vương hầu ngày xưa. Gặp anh ở đây, em nghĩ đến chuyện Lưu Bang gặp Hàn Tín. Nhưng anh giúp em thì rất dễ dàng, chẳng vất vả khó nhọc như Hàn Tín đâu. Anh chỉ cần đăng cho em dăm bài trên tờ Tạp chí của anh, in giúp em vài cuốn sách. Còn cái bằng Đại học Báo chí thì em lấy dễ như lấy đồ trong túi. Ta phải chuân bị đầy đủ điều kiện tối thiểu, thời cơ đến là a lê hấp !...
B.B còn nói cho tôi rất loằng ngoằng về “cây gia phả” của các vua nhà Nguyễn, nhưng tôi cũng quên luôn B.B thuộc chi nào, nhánh nào của dòng giống vua nhà Nguyễn vì các vua nhà Nguyễn lắm vợ nhiều con quá ! Tối hôm đó, B.B dẫn tôi đi uống “bia ôm” (lúc đó, thuật ngữ bia ôm chưa phổ cập trong đời sống xã hội). Nhìn cung cách ăn chơi của B.B, tôi thầm nghĩ đúng là ăn chơi kiểu đế vương !...
* * *
Hai năm sau, đúng lúc tôi đang tiến hành làm ăn lớn thì gặp chuyện phiền toái về viết lách, tôi tự xin thôi việc đi một mạch về Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống giang hồ một trăm phần trăm. Ba năm đầu, phải làm thuê làm mướn đủ kiểu, kể cả làm thợ, không dính gì đến văn chương báo chí. Tuy thế, công việc cũng vừa sức và đủ tiền xài lai rai. Nhưng đến năm thứ tư đúng là “họa vô đơn chí”, tai họa chẳng bao giờ đi riêng lẻ mà luôn có “bạn đồng nghiệp” ! Nợ nần chồng chất như chúa Chổm, tôi đã tính chuyện chết quách đi cho rồi thì bất ngờ gặp lại B.B. Hôm đó, tôi đang đạp xích lô lòng vòng quanh mấy cái nhà hàng lớn để kiếm khách thì thấy một ông khách to béo, ăn mặc theo mô-đen Việt kiều ngoắc tôi lại. Tôi cho xe cặp sát ông ta thì ông khách đã nắm chặt lấy tay tôi la lớn :
- Trời đất ơi ! Anh hùng tuyệt bút như tiên sinh mà đến nông nỗi này sao ?
- Trời !... – Tôi cũng giật mình la lên – B.B đó à ?
Sau phút hàn huyên, tôi chở B.B về nhà B.B . Đó là một cái nhà kiểu biệt thự, diện tích khoảng gần năm trăm mét vuông tọa lạc ở cuối một con hẻm lớn vùng ven đô…
B.B nói với tôi :
- Cái nhà này là em nhờ lộc của vợ. Em lấy vợ có tướng “ngọc đới yêu vi” cực quý, vượng phu ích tử không ai bằng ! Còn em, đang chuẩn bị nhậm chức phó Tổng biên tập cho một tờ báo ngành, thực chất là Tổng. Cái mốt bây giờ là làm báo cho các ngành mới có ăn, còn làm báo thuần văn chương như các anh ngày trước là “xưa rồi Diễm ơi!”…Nhưng em lại muốn anh làm cái việc rất xưa ấy cho tờ báo của em !
- Thế là sao?- Tôi ngạc nhiên, hỏi.
- Anh thường hay nói rằng muốn tiến lên hiện đại thì trước hết phải hiểu kỹ truyền thống đó sao? Bây giờ em nói ngắn gọn thế này: Anh đi ôm về đây cho em tất cả các loại báo chí cũ, càng cũ càng hay. Sau đó công việc của anh sẽ là “hiện đại hóa” cái đống báo cũ đó. Em nghĩ rằng anh chỉ phẩy tay là xong! Thời gian chuẩn bị “chiến trường” của chúng ta còn ba tháng nữa, quá ư rộng rãi !
- Các công đoạn khác từ A đến Z cậu đã chuẩn bị đến đâu rồi ?
- Anh quên rằng em đã chuẩn bị từ năm năm trước à ? Nhân gặp lại cố nhân, em sẽ kêu “dàn tướng sĩ” của em tới đây ta lai rai một chập để anh quan sát chúng nó và “tham mưu” cho em trong cái việc sắp xếp đội hình này !
Nói rồi B.B ấn số máy điện thoại di động một hồi, đoạn nói: -Chỉ sau mười phút nữa chúng nó sẽ tới. Em nói trước với anh là em chỉ thu nạp những thằng đang sa cơ lỡ vận, có vậy chúng mới ơn mình và trung thành với mình. Đại loại như là em nuôi một đàn chó săn ấy !
- Thế tớ cũng là một trong những con chó trung thành của cậu à ?
- Đâu có ! Đời nào thằng em này lại dám hỗn láo với ông anh như thế! Cái ơn dìu dắt em từ ngày còn ở nơi rừng xanh núi bạc của anh có bao giờ em quên và bao giờ đền đáp hết được? Ngoài cái việc “khai thác vốn cổ” ra, anh còn phải có trọng trách với em như là Khổng Minh với Lưu Bị ấy chứ. Về chức danh, anh sẽ là ‘Trợ lý Tổng biên tập”, đương nhiên là lúc em bận bịu này nọ, anh điều hành công việc cho em !
- Này, nghe cậu nói cũng bùi tai đấy. Nhưng nói thật, lâu ngày không rờ đến chuyện viết lách, tớ sinh lười nhác rồi. Vả lại, tớ đã thề “quăng bút”, đoạn tuyệt với Nàng Thơ rồi !
- Trời đất ơi! Anh là người am hiểu tướng số mà anh quên rằng “viết lách” nó là cái “nghiệp chướng” sao? Riêng đối với anh, chuyện này càng nặng. Anh không bao giờ thoát khỏi cái “nghiệp chướng” này đâu! Em đã có cách rồi: em sẽ tuyển cho anh một nũ thư ký tuyệt vời , cô nàng sẽ đốt lại ngọn lửa đã tắt trong anh !...Còn bây giờ, em sẽ kêu một cô nàng “mát-xa” loại nhà nghề đến giúp anh giãn gân cốt sau bao ngày lao động chân tay vất vả !...
B.B nói rồi lại ấn số điện thoại…Đúng sau mười phút gọi cho dàn tướng sĩ, năm người, cùng một lúc, đã tới. B.B giới thiệu tôi với họ và giới thiệu họ với tôi: - Đây là “Sáu bụng bự”, con có biệt danh là “Thùng phi” vì có thể uống hết một thùng phi bia hơi ! Trước đây, Sáu làm chủ một đại lý bia lớn, có tài kinh doanh tiếp thị. Hỗ trợ cho Sáu bụng bự là “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, đảm trách công việc chạy quảng cáo cho tờ báo của chúng ta. Tôi xin nhắc lại, báo chí bây giờ sống khỏe là nhờ vào quảng cáo, cho nên chúng tôi xin được sống nhờ vào tài năng “diệt giám đốc” của Cô Ba ! Còn đây là cặp bài trùng Lý toét – Xã xệ, hai cây bút phóng sự chủ lực của báo ta. Lý toét và Xã vệ cứ phóng bút thoải mái như thời còn làm cho báo phường, báo quận, đã có sư phụ tuyệt bút đây làm cái việc “đánh bóng, mạ kền” trước khi bài viết lên báo ! Còn nhân vật thứ năm, nhìn bên ngoài có vẻ dị dạng, xấu xí nhưng tài ba thì vào loại đệ nhất đô thành, bàn tay bé nhỏ thế kia nhưng có thể nắm trong tay tất cả các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy và in ấn của cả khu vực miền Nam này ! Báo của chúng ta có thể in hàng triệu bản mà không bao giờ lo thiếu giấy !...
Mọi người nâng ly bia mừng buổi gặp mặt …Trong khi uống bia và nghe “ngũ hổ tướng quân” của B.B nói huyên thuyên về kế hoạch tác chiến của mình, tôi chú ý quan sát kỹ từng người một để tìm hiểu xem tại sao họ lại được B.B tín nhiệm và liệu họ có làm khynh đảo được thị trường báo chí như B.B ao ước hay không ? Sáu bụng bự uống bia quả là tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra, duy có một chi tiết khiến tôi lấy làm lạ là chốc chốc, Sáu lại nặn trứng cá ở trên mặt và cho luôn vào mồm nhai như không ! Còn “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, tuy không vào loại tuyệt thế giai nhân nhưng tất cả các “bộ phận” trên người cô đều như đang “bốc lửa” sẵn sàng “thiêu đốt” bất cứ đấng nam nhi quân tử nào. Cô Ba uống bia nhỏ nhẹ và có một động tác thường xuyên là cúi xuống ngửi nách mình rồi lấy khăn lạnh lau nách ! Thấy vậy, tôi nói nhỏ với B.B rằng cô này có tướng “sú hương” cực xấu, không thể làm việc đối ngoại được, nhưng B.B bảo, cô Ba có tới mười cái cực xấu nhưng lại có một cái cực tốt là tướng “song long nhiễu nguyệt”, đó là tướng “thập trọc nhất thanh”, một cái cực tốt kia sẽ xóa bỏ được mười cái cực xấu ! Quan sát kỹ hai nhân vật Lý toét và Xã vệ, quả là một cặp bài trùng hiếm có : Lý toét (gọi là Lý toét vì người này cận nặng) có cái dáng ký giả ở mọi cử chỉ, dạng mạo, còn Xã xệ “to cao đen hôi” như một võ sĩ quyền Anh người da đen, hai người mà cộng hưởng với nhau thì tuyệt ! Hai người này vừa ăn uống vừa hí hoáy ghi chép cái gì đó đúng phong cách phóng viên tác nghiệp. Tôi nhoài người tới cụng ly và liếc nhanh vào cuốn sổ tay của họ thì giật mình kinh ngạc vì nhìn thấy trên sổ tay của Lý toét kín đặc chỉ toàn chữ A, còn trên sổ tay của Xã xệ thì chữ gì ngoằn ngoèo như chữ Camphuchia và to như quả trứng gà !...Nhân vật thứ năm quả là dị tướng, sơ bộ có thể xếp vào loại tướng “Bát tiểu”, là quý cách, gặp vận có thể phú quý hết chỗ nói !
Điều bất ngờ lớn đối với tôi là cả năm người này đều rất sẵn tiền trong người và qua cung cách, nói năng thì họ xài “tiền tấn” chứ không phải đếm từng đồng như người bình thường. Khi B.B hô mọi người gom tiền mua cho tôi một căn nhà ở tạm thì chỉ sau năm phút, trong tay tôi đã có một cục tiền đô, trị giá khoảng hơn hai mươi cây vàng 24K ! Chưa biết sau này B.B và các chiến tướng làm ăn ra sao, nhưng cứ bằng vào việc đối xử với một anh trắng tay như tôi như thế, đủ để nói rằng cái “E-kíp” này rất mạnh, bởi tôi vẫn thường nghĩ, thời nào cũng thế, có tiền mua tiên cũng được !...
* * *
Tôi đang cặm cụi làm cái việc mà B.B đã giao cho thì bất ngờ nhận được tin bố tôi đột ngột qua đời. Tôi phải bay ra Hà Nội chịu tang bố. Trong dịp này, tôi gặp lại một người bạn học cũ hiện đang dạy ở một trường đại học. Tôi khoe chuyện làm báo với B.B thì người bạn nãy rũ ra cười, chảy cả nước mắt và nói :
- Trời đất ơi, cái thằng Báo ấy nó đã lên tới ngạch sếp rồi cơ à ? Ngày xưa, tớ dạy nó ở lớp tại chức đại học báo chí, nó có học hành gì đâu, chỉ ngồi sờ mó mấy cô gái đa tình thôi à ! Tớ nghĩ nó sẽ phất nhưng là phất nhờ làm chủ quán bia ôm cơ chứ !
- Thì nó cũng có dưới tay mấy quán chứ đâu phải một quán !
- Ờ…nó được cái tài “sát gái” và biết đâu tài làm báo mới phát lộ cũng nên ! Nhưng theo tớ, cậu không nên đi theo “phò giúp” nó làm gì vì cậu không phải cái “típ” như nó. Cậu phải làm cái gì đó liên quan tới đất đá…
- Đi buôn bán địa ốc thì mình không đủ tài, còn đi tìm đá quý thì không có võ để chống lại bọn đầu gấu trấn lột…
- Cậu nói tới đá quý, tớ chợt nhớ tới một ông chú họ, xưa đã từng là tướng đặc công, hiện đang làm chủ một công ty vàng bạc đá quý. Ông ta cần viết lại cuộc đời oanh liệt của mình. Để tớ liên lạc với ông ta rồi giới thiệu cậu !
Theo lời khuyên của người bạn học, tôi không trở lại gặp B.B nữa mà chui vào thư viện đọc tất cả những sách báo nói về bộ đội đặc công vì tôi muốn có một chút hiểu biết về binh chủng đặc biệt tinh nhuệ này trước khi tiếp xúc với ông tướng đặc công về hưu kia. Mê mải trong thư viện, thời gian trôi qua bên ngoài rất nhanh. Thấm thoát đã hơn một năm trôi qua, người bạn tôi vẫn chưa liên lạc được với ông tướng đặc công. Tôi tính ra hè đường đánh máy thuê kiếm sống qua ngày thì bất ngờ gặp Sáu bụng bự. Sáu lôi tôi vào quán bia và nói :
- Báo vẫn ra đều kỳ nhưng chẳng ma nào mua, các đại lý đều trả lại hết. Cứ cung cách này thì đến sập tiệm. Em ra chuyến này để tiếp xúc các sếp ở một tờ báo khác, nếu thuận buồm xuôi gió, em sẽ làm trưởng đại diện cho họ ở trong ấy !
- Thế cậu bỏ B.B à ? Cùng “dựng cờ lập nghiệp” với nhau cơ mà ?
- Nhưng hắn du côn lắm, ngày nào cũng đá đít, bạt tai em như là đánh đầy tớ ! Không hiểu sao em lại nhịn được như thế ? Nhưng mối tình này cũng phải đến lúc chia tay !
Sáu bụng bự nâng ly bia lên cụng với tôi, tôi chợt giật mình khi thấy trên miệng ly bia, lẫn vào trong đám bọt đang tan dần là những viên trứng cá mà Sáu vừa nặn ra khi đang nói chuyện với tôi ! Tôi không nhịn được, nói :
- Sao cậu ăn uống dơ bẩn thế?
- Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ ! Anh quên câu nói đó à? – Nói rồi Sáu làm một hơi cạn li rồi nói tiếp – Nếu anh khó khăn thì vào làm cho B.B đi, hắn vẫn nhắc anh luôn và không giận anh đâu. H ắn bảo cái số của anh như thế. Còn nếu không, anh chờ một thời gian nữa, em nhận chức mới rồi, sẽ lấy anh làm Phó, nếu anh vui vẻ ô kê !
Sáu bụng bự vừa dứt lời thì B.B đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống kèm với tiếng nói:”A! Thằng phản thùng! Tao cứu mày khỏi tù mục xương mà mày trả ơn thế hả?”. Và rồi B.B hét lên như diễn viên tuồng rồi múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu: “Ngọc Trản ngân đài – Tả hữu tấn khai – Hồi thập tự - Liệng diệp liên ba – Đả sát túc…”, tới câu “Đả sát túc” thì tôi thấy Sáu bụng bự bay ra cửa quán bia như một quả bóng !...
Sau đó, B.B nhẹ nhàng cầm tay tôi dắt ra khỏi quán bia và nhỏ nhẹ nói:”Chỗ này không phải chỗ người có chí lớn lui tới!...Ông anh giang hồ mê chơi quên quê hương quá rồi đó! Cô thư ký riêng của anh chờ anh mỏi mắt! Sao anh nỡ đối xử với người đẹp như vậy?”… Không biết B.B còn nói gì nữa không vì tôi có cảm giác như mình đang bước đi trên một tầng mây xốp rất lớn !...Tôi định rút tay ra khỏi tay B.B để bay theo một đám mây màu vàng, nhưng có tiếng ai đó nói văng vẳng bên tai tôi:”…Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”. Trời ơi, lại là cái ông Vũ Bằng, hình như ông ấy cứ “theo dõi” tôi hoài kể từ khi tôi đọc cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của ông! Nghĩ đến đây, tôi đành để mặc cho B.B dắt đi!...
Cuối năm Tý, 1996 - TP.HCM
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: Phongdiep.net
“CHÂN DÀI” DA NÂU QUYẾN RŨ CỦA VICTORIA’S SECRET (22/4)
45 TUỔI, SIÊU MẪU ĐAN MẠCH VẪN ĐẸP QUYẾN RŨ (20/4)
THIÊN THẦN ÁO TẮM KHOE THÂN NÓNG BỎNG (14/4)
VẺ GỢI CẢM NGỌT NGÀO CỦA CỰU "THIÊN THẦN" MIRANDA KERR (14/4)
VẺ ĐẸP NGỌT NGÀO CỦA TÂN HOA HẬU THÁI LAN (12/4)
NGẮM KIM TAE HEE TƯƠI TRẺ, XINH ĐẸP (11/4)
CHÂU TÚ NA ĐẦY KHIÊU KHÍCH TRÊN TẠP CHÍ NAM GIỚI (11/4)
MỸ NHÂN U50 CHUNG LỆ ĐỀ GỢI CẢM TỪNG CENTIMET (9/4)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét