57 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net - Trích: Từ Văn Miếu...
TỪ VĂN MIẾU ĐẾN HỒ HOÀN KIẾM- Đỗ Ngọc Thạch
TỪ VĂN MIẾU ĐẾN HỒ HOÀN KIẾM
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1.
Ở Hà Nội có nhiều di tích văn hóa - lịch sử lớn, song có hai nơi gắn bó với tôi rất bền chặt và tôi đã gửi vào đó rất nhiều kỷ niệm không thể phai mờ, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm. Có rất nhiều lý do để người ta gắn bó với một vùng đất, một địa danh nào đó và sự gắn bó của tôi với Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm cũng có rất nhiều lý do, trong đó có ba lý do quan trọng nhất là:
1/ Nhà bố mẹ tôi ở đường Giảng Võ, mà tôi thì làm việc ở Viện Văn học (Từ năm 1978 đến năm l980), nên ngày ngày tôi phải đi làm (đi bộ) trên tuyến đường Giảng Võ – Cát Linh – Văn Miếu – Nguyễn Thái Học – Tràng Thi – Hồ Hoàn Kiếm – Lý Thái Tổ (Viện Văn học);
2/ Lý do thứ hai là cả hai địa danh này đều có Rùa. Tôi đã đứng ngắm hàng giờ Rùa Văn Miếu cũng như Rùa Hồ Hoàn Kiếm, bởi từ nhỏ tôi đã thích loài linh vật này, lớn lên càng thích hơn bởi nó hợp với tính cách tôi “Chậm mà chắc!”, tôi thích luôn cả những người có tướng cách “Quy bối” – Tướng Rùa, đây là quý tướng, những người có tướng Rùa làm quan ở đâu thì con dân được nhờ!
3/ Lý do thứ ba để tôi gắn bó với Văn Miếu và Hồ Hoàn Kiếm là bởi có một người con gái Hà Thành rất đặc biệt…Truyện ngắn này viết về người con gái Hà Thành đó…
2.
Như vừa nói trên, “Tuyến đường Đau khổ” của tôi có đi qua phố Tràng Thi, ở đó có Thư viện Quốc gia là nơi tôi thường vào đọc sách từ thời còn là sinh viên. Thư viện của Viện Văn học cũng khá đủ sách phục vụ công tác nghiên cứu, song đến Thư Viện Quốc gia vẫn là cái thú riêng của không ít người làm công tác nghiên cứu văn học nói riêng và văn hóa - khoa học nói chung. Tôi thuộc diện của những người “Coi thư viện là nhà”, không những ban ngày mà cả ban đêm cũng chui vào Thư viện, ăn trưa, thường là cả ăn chiều ở Thư viện thì không gọi là nhà thì gọi là gì?
Đến Thư viện Quốc gia còn có một đối tượng, tuy không nhiều nhưng bao giờ cũng có, đó là những học sinh phổ thông Hà Nội (nhà ở gần Thư viện) sắp thi vào Đại học và những người Hà Nội đi “chinh chiến” đó đây giờ được trở về muốn thi vào Đại học. Người con gái mà tôi nói rất đặc biệt tên gọi Tiểu Hà, là học sinh phổ thông nhưng kỳ thi trước vì lý do đặc biệt phải bỏ thi, nên năm sau thi lại, gọi là “Thí sinh tự do”, cũng thường vào đọc sách, ôn thi ở Thư viện. Và chính tại đây – Thư viện Quốc gia – tôi đã gặp Tiểu Hà…
3.
Bữa ăn trưa của tôi (và phần lớn những người khác thời đó – mà người ta gọi là “thời Bao cấp”) tại Thư viện thường là một cái bánh mỳ (không nhân hoặc có nhân – tùy người) hoặc cơm nắm cơm đùm đạm bạc, có vài người còn huy động cả binh chủng “ngô khoai sắn”,(và nếu ở tại Cơ quan cũng thế). Chúng tôi ăn trưa ở những băng ghế đá ngoài sân Thư viện, khá rộng và cũng đẹp như Công viên. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi thì ăn xong chỉ thấy đói hơn lúc chưa ăn! Để giải quyết vấn đề này, tôi thường tới thùng nước công cộng của Thư viện uống cho tới lúc bụng căng như bụng cóc!...
Hình như có người “theo dõi” việc sài nước của công quá trớn đó của tôi, và một lần tôi vừa uống xong gần chục ca nước thì có tiếng nói sau lưng: “Thái quá bất cập! Anh mà uống nước nhiều như thế rất có hại!” Tôi giật mình quay lại và càng kinh ngạc hơn khi trước mặt tôi là một cô gái có khuôn mặt rất giống với nhân vật Ac-si-nha trong phim “Sông Đông êm đềm” (dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Sô-lô-khôp) mà tôi rất có ấn tượng khi xem bộ phim này…Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì cô gái biến mất, trước khi biến mất còn để lại cho tôi một “nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt”! Không biết cô gái cười vì cái gì, chắc là bộ dạng của tôi lúc đó tức cười lắm?
Cô gái có khuôn mặt rất giống nhân vật Ac-si-nha đó chính là Tiểu Hà, cô gái Hà thành rất đặc biệt mà tôi đã nói ở trên!
Tiểu Hà đặc biệt vì ba lý do: 1/ cái tên Tiểu Hà gợi cho ta một cô bé xinh xắn, nho nhỏ nhưng cô lại già trước tuổi có đến gần chục tuổi, vì thế tôi hơn Tiểu Hà gần chục tuổi nhưng tôi có cảm giác như ngang tuổi nhau! 2/ Tiểu Hà đã cùng mẹ chăm sóc người bố nằm một chỗ suốt 5 năm trời rồi lại một mình chăm sóc song thân năm năm nữa khi mẹ cô cũng không thể đi lại được! 3/ Nhà nghèo, lại phải chăm sóc bố, mẹ bệnh tật nhưng Tiểu Hà rất chăm học và có một sự hiểu biết rất sâu rộng, mặc dù cô mới tốt nghiệp Trung học, chưa thi vào đại học, nhưng thực ra cô đã tự học xong chương trình bộ môn Lịch sử của Đại học Sư phạm…
4.
Theo thói quen, trưa hôm sau, tôi lại uống căng một bụng nước! Lần này thì cô gái tới nhẹ nhàng cầm lấy cái ca khỏi tay tôi và nói: “Anh không được uống nước nhiều như thế, máu anh sẽ bị loãng và tai biến sẽ ập đến bất cứ lúc nào!” Trời đất! Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy! Tôi thoáng hoảng sợ và chắc điều đó thể hiện rõ trên nét mặt tôi và khiến cô gái mỉm cười – lại là nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt!...Tôi đang lúng túng không biết nói gì thì một ông thầy học của tôi ở Khoa Văn ĐHTH tới uống nước, thấy tôi đứng trước cô gái thì nói: “Cậu quen Tiểu Hà đấy à?” Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời ra sao thì cô gái – Tiểu Hà nói: “Dạ! Ngày nào em tới Thư viện cũng gặp anh ấy đang uống nước!...” Ông thầy cười, nói: “Thì ra là người quen cả! Cô Hà đánh máy xong tập bản thảo ấy chưa? Có bản thảo mới , mai tới nhà tôi lấy nhé!...” Khi ông thầy đi rồi, Tiểu Hà nói: “Em vẫn thường đánh máy thuê kiếm tiền. Ông thầy của anh nhiệt tình kiếm bản thảo cho em lắm, anh có ông thầy thật là tốt bụng, tính giá cao hơn những người khác!” Tôi lại thêm ngạc nhiên về Tiểu Hà!...
Có nhiều người tới thùng nước công cộng uống nước, chúng tôi đi ra khoảng sân rộng, tiếp tục nói chuyện về đề tài đánh máy. Tôi nói với Tiểu Hà: “Kiếm tiền bằng đánh máy chữ phải siêu lắm vì tiền công rất rẻ mạt. Bà Chung đánh máy ở cơ quan tôi đánh máy cả mười ngón tay, nghe cứ như mưa rào, mà mỗi ngày cũng chưa tới ba chục trang! Tiểu Hà đánh máy kiếm tiền đã lâu chưa, mỗi ngày được bao nhiêu?” Hà cười nhỏ nhẹ, nói: “Em đã phải đánh máy kiếm tiền năm năm rồi, từ khi mẹ em nằm liệt giường. Cả bố và mẹ em đều làm nghề dạy học, đều đánh máy thuê kiếm tiền như một nghề thứ hai!... Giờ đối với em là nghề chính!” Lần này thì tôi ngạc nhiên hết sức bởi với tôi, tự nuôi mình mình mà cũng thấy khó khăn, trong khi Tiểu Hà lại phải gánh một gánh nặng ngoài sức tưởng tượng!...
Thế là từ đó, tôi gặp những bạn học cũ đang làm việc ở các nhà xuất nhận bản thảo về đưa cho Hà đánh máy. Đánh máy cho nhà xuất bản thì tiền công rẻ hơn đánh máy cho cá nhân nhưng có đều và được đọc sách trước thiên hạ! Chính điều thú vị có màu sắc lãng mạn đó đã giúp cô gái có thêm sức mạnh và lòng kiên nhẫn để ngày ngày đêm đêm ngồi bên máy chữ ghép những con chữ vô hồn thành cuộc đời với biết bao sắc màu, âm thanh kỳ ảo!... Lúc đó, tôi cũng thường đánh máy chữ nhưng chỉ ở trình độ “mổ cò” và đánh máy bài viết của mình mà thôi. Vì thế, khi nhìn Tiểu Hà đánh máy, tôi thấy không khác gì nghệ sĩ đàn piano! Chính cái cảm giác đó đã giúp tôi “tiến bộ” rất nhanh về tốc độ đánh máy và chỉ sau một tháng “học mót” cách đánh máy của Hà, tốc độ đánh máy của tôi không thua các tay thợ chuyên nghiệp, nghe tiếng máy chữ cũng như …mưa rào mùa hạ!
5.
Nhà Tiểu Hà ở ngay trên đường Quốc Tử Giám, phía bên phải nếu tính cho người đang đi vào Văn Miếu. Dãy phố này trước đây yên tĩnh dưới những tán cây bàng mát vào mùa hè, buồn về mùa đông, sau này người ta mới mở hàng quán buôn bán ì xèo và nhiều nhất là những đại lý vé số. Con đường qua nhà Tiểu Hà nằm trên tuyến đường tôi vẫn ngày ngày đi qua, như đã nói trên. Song, từ khi quen biết Tiểu Hà, con đường này là điểm dừng thứ hai của tôi sau Thư viện Quốc gia, và cũng là điểm dừng khá lâu. Bởi những lúc rảnh rỗi, thường là viết xong một bài nghiên cứu gì đó, tôi lại tự thưởng cho mình được đến …ngắm Tiểu Hà! Gọi là ngắm nhưng thực ra tôi thường làm một việc gì đó phụ giúp công việc đánh máy của Tiểu Hà, chẳng hạn như đọc cho Tiểu Hà đánh máy, sửa lỗi bản đã đánh máy, hoặc những lúc Tiểu Hà phải chăm sóc bố, mẹ thì ngồi vào bàn gõ máy chữ như …điên!
Tôi đến nhà Tiểu Hà càng thường xuyên hơn khi nói chuyện với ông bố của Tiểu Hà (sức khỏe ông rất kém nên rất ít nói chuyện với khách đến nhà), tôi mới được biết ông đã từng là giáo viên của trường Phổ thông cấp 2 – 3 Lương Ngọc Quyến khi còn dạy học ở Thái Nguyên. Năm 1961, gia đình tôi ở Thị xã Thái Nguyên, tôi học lớp Năm ở trường này, còn ông chỉ dạy ở khối cấp Ba. Tuy thế, từ đó tôi vẫn gọi ông là thầy và phụ với Tiểu Hà trong việc chăm sóc ông. Ông bố Tiểu Hà là một thanh niên Hà Nội gốc, học giỏi và đầy nhiệt huyết. Tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm, ông đã tình nguyện đi dạy ở miền Núi, một phong trào rất sôi động của Thanh niên Thủ đô lúc đó đã để lại dấu ấn trong bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ Bùi Minh Quốc: Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy / Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường!…Ông đã đi hầu hết những huyện miền núi đầy gian khổ của tỉnh Thái Nguyên như Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai…Ai đã ở Thái Nguyên đều biết câu ca buồn: Những người lử khử, lừ khừ /Chẳng ở Đại Từ thì ở Võ Nhai – đó là nói về những người bị bệnh sốt rét! Và chàng thanh niên Hà Nội bố của Tiểu Hà bây giờ đã không thoát được căn bệnh “lưu truyền” đó, chuyển về thị xã Thái Nguyên được vài năm thì bệnh tái phát, trầm trọng hơn, suýt lấy mạng ông! Vợ ông, cũng là con gái Hà Nội, cũng là giáo viên đã đồng hành với ông “trên từng cây số”, tuy không dính bệnh sốt rét như chồng nhưng do cuộc sống kham khổ và khóc thương chồng nhiều mà sức khỏe suy kiệt dần!...
Những lúc đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, ông bố của Tiểu Hà rất thích bàn luận về các nhân vật lịch sử nổi tiếng cổ kim Đông Tây…
Nghe ông nói chuyện, lịch sử như sống lại rất sinh động, với đủ sắc màu vừa rất thực lại cũng rất kỳ ảo! Chẳng hạn như ông bảo, Tại sao La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp không chịu ra giúp Tây Sơn Nguyễn Huệ? Tại vì ông đã biết Tử Vi của Nguyễn Huệ, Huệ đoản mệnh. Còn việc Huệ ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh” thì không đánh cũng thắng bởi đối thủ đã tự hủy diệt!...Hoặc có một nhân vật lịch sử “công nhiều mà tội cũng không đáng chết” nhưng lại nhận cái chết bi thảm là Nguyễn Hữu Chỉnh!...Chỉnh phò giúp Nguyễn Huệ khi mới ra Bắc, lại “mai mối mát tay” cho Huệ với công chúa Ngọc Hân, đó là một kỳ nữ của Bắc Hà, đáng lẽ phải được ghi công đầu, vậy mà…bị “thay ngựa giữa đường”!...Không chỉ hiểu sâu sắc về lịch sử, ông giáo còn là một nhà thơ chưa xuất đầu lộ diện. Ông gần như thuộc hết các nhà thơ lớn của Việt Nam và thế giới, ông đã làm rất nhiều thơ nhưng hầu như không còn giữ bản viết tay nào, bởi ông nói, những cái gì đáng nhớ thì nó sẽ ở mãi trong đầu ông! Song, những lúc ông muốn đọc thơ của ông cho tôi nghe thì sức khỏe ông lại có vấn đề! Thật đáng tiếc!...
6.
Việc tôi đến nhà Tiểu Hà dày hơn đã gặp phải một “lực cản” hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Kề sát nhà của Tiểu Hà là một nhà Đại lý vé số. Đứng tên chủ đại lý vé số và cũng thường ngồi bán vé số là một người khó đoán tuổi, có cái lưng nổi một cục to tướng, mà người ta gọi là “Lưng gù”. Tôi thường không nhìn qua nhà Lưng gù vì chỉ muốn mau chóng vào gặp Tiểu Hà. Một hôm, tôi nhận được tờ giấy học trò, có viết mấy dòng như sau: “Kính gửi Thạch Tiên sinh! Tôi đã điều tra kỹ lý lịch Tiên sinh, biết Tiên sinh đang làm việc ở Viện Văn học, một cơ quan Nhà nước danh giá. Tiên sinh là người đọc sách Thánh hiền, vậy mong Tiên sinh xử sự như một người có văn hóa: Bông hoa Tiểu Hà đã “có chủ”, chính là Tôi - Lưng gù tật nguyền đáng thương! Xin Tiên sinh đừng lui tới nhà Tiểu Hà nữa! Chúc Tiên sinh mọi sự tốt lành! Ký tên: Lưng gù Quadimodo!” Đọc đến chữ cuối cùng, tôi như chân tay rụng rời! Hắn tự nhận là Quadimodo có nghĩa là hắn đã yêu Tiểu Hà từ lâu, đơn phương nhưng quyết liệt! Rõ ràng là tôi không thể “đấu súng” với hắn, “sự nghiệp” của tôi mới bắt đầu, chẳng lẽ chỉ “Bùm” một cái là tan thành mây khói!
Tôi đưa ngay lá thư của Lưng gù cho Tiểu Hà, Tiểu Hà nhìn tôi dở khóc, dở cười, lúng túng một hồi rồi mới nói được: “Xem chừng Lưng gù này còn dữ dội, mãnh liệt hơn cả Quadimodo trong tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà Paris”! Có chuyện này là em chưa kể cho anh nghe, nhân đây em xin nói luôn: Ngay từ khi mẹ em bị bệnh nặng, Lưng gù đã cho bà Mối mai sang xin cưới em và nói sẽ phụng dưỡng bố mẹ em thật tốt cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời! Em thật bất ngờ và rất sợ, nhưng không biết làm thế nào? Bố, mẹ đều bảo khất đến khi nào em thi đỗ vào Đại học sẽ bàn tới chuyện đó. Đây chỉ là kế hoãn binh tạm thời chứ chưa có cách nào dứt khoát. Lưng gù vui vẻ nhận lời và ngày ngày “canh chừng” em như Cai ngục! Hễ ai tới nhà em nhiều và có ý tán tỉnh yêu đương là hắn gửi giấy dọa giết. Hắn cũng định dọa giết anh nhưng bố em bảo anh là học trò cũ của ông hồi ở Thái Nguyên nên hắn mới viết thư giọng điệu nhẹ nhàng, lịch sự như vậy đấy!” May mà tôi đã biết kỹ Quadimodo trong tiểu thuyết nên bình tĩnh suy nghĩ về Quadimodo có thực ở cuộc đời này. Nghĩ đến nát óc không tìm ra được một kế sách nào khả thi, trừ kế cuối cùng trong cái “cẩm nang” Tam thập lục kế: Tẩu vi thượng sách! Nhưng Tẩu như thế nào thật không đơn giản bởi tình cảm của tôi với Tiểu Hải mới ở giai đoạn “Tình trong như đã mặt ngoài còn e !” mà thôi!...
Tôi buồn quá, và bỗng phát hiện ra rằng có quá nhiều chuyện thường chỉ có ở trong tiểu thuyết lại cứ đeo bám tôi hoài! …Tôi đem chuyện Quadimodo hỏi ông Đỗ Văn Hỷ, chuyên gia về văn học Trung Quốc của Viện, cũng rất giỏi Tử vi tướng số, thì ông Hỷ nói: “Anh hùng không qua được ải Mỹ nhân! Nếu cậu tự cho mình là anh hùng thì sẽ chết vì người đẹp, còn nếu cậu là tiểu nhân thì cậu sẽ thắng cái anh chàng Quadimodo Lưng gù đó!” Tôi nói: “Anh nói thế cũng như chưa nói gì? Vấn đề là em có nên tiếp tục đeo bám cô nàng hay “nhường” cho thằng Lưng gù?” Ông Hỷ cười: “Tớ làm sao mà trả lời thay cho cậu được? Thần Tử Vi đứng trước Thần Ái tình cũng bó tay chào thua khi bị Mũi tên vàng của Thần Ái tình bắn trúng!” Nghe ông Hỷ nói vậy, tôi chán nản hết sức, đi bách bộ từ Văn Miếu tới Hồ Hoàn Kiếm đến chục lần mà vẫn chưa nghĩ ra một ý hay nào! Khi tới trước cổng Thư viện Quốc gia, nhìn vào trong sân, thấy Tiểu Hà đang ngồi trên một băng ghế đá như chờ đợi ai, tôi vội đi vào. Lúc tôi vừa ngồi xuống bên cạnh Tiểu Hà như mọi lần thì người nổi da gà khi thấy ở trên một băng ghế đá khác khuất sau một lùm cây, Quadimodo Lưng gù đang ngồi thu lu bất động, mắt nhìn về phía chúng tôi lạnh băng!...
7.
Trưởng Ban Lý luận của tôi có người bạn làm cấp Trưởng phòng ở Sở Văn hóa – TT tỉnh Khánh Hòa, bạn học của tôi cũng làm ở đó, vì thế ông muốn tổ chức cho cả Ban đi Nha Trang, theo “chính danh” là đi thực tế cơ sở. Những năm đầu giải phóng mà tổ chức được một chuyến đi dài ngày vào Miền Nam nói chung (Nha Trang nói riêng) là rất kỳ công…Lúc đó, các thành phố ở miền Nam nói chung và thành phố biển Nha Trang nói riêng vẫn là “vùng đất lạ” đối với người miền Bắc, vì thế việc đi Nha Trang một tháng trời đã giúp tôi “lùi xa mà nhìn rõ hình thế núi non”, tức nhìn lại “vấn đề Lưng gù” một cách tỉnh táo và sáng suốt. Cuối cùng, sau đúng một tháng ở Nha Trang, tôi đã rút ra được cách đối nhân xử thế trong trường hợp phải đối mặt với “vấn đề Lưng gù”: cứ để sự việc phát triển, vận động một cách tự nhiên, không can thiệp thô bạo! Cụ thể hơn là chờ thời gian trả lời! Câu này cũng là một luận điểm quan trọng trong Lý luận văn học nói riêng và văn hóa – nghệ thuật nói chung: Thời gian là vị quan Tòa công minh nhất!...
Và quả nhiên, Thời gian đã đưa cho tôi một đáp án thật…phũ phàng: Khi chuyến tàu Thống Nhất từ Nha Trang vừa về tới Hà Nội, tôi chưa về nhà ngay mà tới nhà Tiểu Hà (Từ Ga Hà Nội về nhà tôi ở Giảng Võ thì đi qua đường phố có nhà của Tiểu Hà) thì chỉ thấy hai người y tá mặc áo Blu trắng toát đang canh chừng bố và mẹ của Tiểu Hà! Những hình ảnh như thế quá quen thuộc đối với tôi (bố mẹ tôi đều làm nghề Y và thường là gia đình tôi ở luôn trong khu tập thể của Bệnh viện) và như báo tin cho tôi biết rằng: bệnh tình của song thân Tiểu Hà có vấn đề! Tôi chưa kịp hỏi gì thì một cô Y tá đưa cho tôi một mảnh giấy. Tôi mở ra và đọc ngay: “Gửi anh Th.!...Em không thể cưỡng lại định mệnh, tức phải cưới Lưng gù để anh ta lo hậu sự cho song thân! Chúng ta không nên gặp nhau nữa! Em: Tiểu Hà!” Khi thấy tôi đã đọc xong thì cô Y tá nói: “Thực ra bố mẹ của Tiểu Hà đã chết, nhưng chưa phát tang để tiến hành “Cưới chạy tang”, mọi người đang làm đám cưới ở nhà hàng Phú Gia!... Anh có vào chào hai ông bà thì vào đi rồi về ngay! Tiểu Hà có nhờ tôi nói thêm với anh như vậy!...”
Tôi không còn nhớ cảm giác của mình lúc đó như thế nào, nhưng chắc là bộ mặt vốn đã khá nhàu nát của tôi lúc đó kỳ dị lắm, khiến cho cô Y tá nói xong thì bật khóc! Không biết cô Y tá khóc vì thương cảm cho tôi hay cho Tiểu Hà?
8.
Ngay ngày hôm sau, tôi cho tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân của tôi vào cái ba-lô Con Cóc từ thời đi lính còn giữ lại và đến thẳng phòng làm việc của tôi ở Viện Văn học, tức đêm đêm tôi sẽ ngủ ngay trên bàn làm việc. Và thế là từ đó, tôi không còn ngày ngày đi trên tuyến đường từ đường Giảng Võ qua Văn Miếu Quốc Tử Giám đến Hồ Hoàn Kiếm để tới cơ quan ở đường Lý Thái Tổ nữa! Tuyến đường vừa mới như là mạch máu trong cơ thể bỗng chốc trở thành “Con đường đau khổ”!
Thời gian lại đem đến cho tôi một đáp án mới của cuộc đời: Tôi không làm việc ở Viện Văn học nữa mà chuyển về Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật ở đường Đê La Thành (đối diện với Nhạc viện Hà Nội). Như thế tuyến đường Từ Văn Miếu đến Hồ Hoàn Kiếm có thể được xóa đi vĩnh viễn, tôi sẽ thoát khỏi sự ám ảnh vì cứ phải cố tránh “Con đường đau khổ” mỗi khi đi từ cơ quan ở Lý Thái Tổ về nhà ở Giảng Võ! Nhưng thực ra, sự ám ảnh này không hề buông tha tôi và cứ như là “ngựa quen đường cũ”, thỉnh thoảng đôi chân vạn dặm của tôi lại vô tình (hay cố ý) đưa tôi đi qua nhà Tiểu Hà. Và sự đời trớ trêu ở chỗ, lần nào tôi đi ngang qua nhà Tiểu Hà cũng đều nhìn thấy Nàng, nhưng trong những cảnh huống khiến trái tim tôi thêm tan nát, chẳng hạn như cảnh tượng sau: Tiểu Hà vừa đi làm về , còn đứng ngoài hiên, thì người chồng Lưng gù đã từ bàn vé số bật dậy, nhanh như vượn, nhào tới ôm chặt lấy Tiểu Hà rồi hôn hít lên khắp người Tiểu Hà, không chừa chỗ nào!...
Sài Gòn, 2008-2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net |
SƯ PHỤ CỦA SƯ PHỤ VÀ SƯ PHỤ- Đỗ Ngọc Thạch
SƯ PHỤ CỦA SƯ PHỤ VÀ SƯ PHỤ
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1.
Thầy Mân dạy tôi hồi lớp Mười, còn Thầy Hân dạy tôi hồi Đại học. Thầy Mân chào thầy Hân là Thầy, vì khi học Đại học Ngoại ngữ, thầy Mân cũng học thầy Hân. Như thế, thầy Hân vừa là Thầy của Thầy tôi, tức Sư phụ của Sư phụ, và với tôi thì là Sư phụ, tức tôi gọi thầy Hân là Sư phụ hoặc Sư phụ của Sư phụ đều đúng!...
Là học trò mà viết về Thầy giáo của mình, theo lệ thường, là chỉ được viết ngợi ca, còn lại thì đều là bất kính, vô Lễ. Tuy nhiên, vì tôi cũng có hai năm làm Thầy giáo, mà học trò tôi ngày ấy, giờ cũng đã có học vị Tiến sĩ, gặp tôi vẫn lễ phép “Chào Thầy”, vì thế, nếu xét về quan hệ xã hội, thì tôi cũng là Đồng nghiệp với Sư phụ của tôi! Sở dĩ tôi phải “Vòng vo Tam Quốc” chút xíu vì những gì tôi viết về hai Sư phụ của tôi không thể xếp vào thể loại Tụng ca được dù tôi rất muốn như thế!
Năm tôi học lớp Mười (niên khóa 1965-1966), mặc dù đã 17, 18 tuổi nhưng tôi vẫn “vô tư” như trẻ con, tức không hề cân nhắc tính toán trong mọi hành động của mình. Chẳng hạn như tôi chỉ quan niệm đơn giản là học trò thì phải học giỏi, thế là đủ, ngoài ra không hề biết rằng, ngoài việc học, người học trò phải “trông trước, ngó sau” trong rất nhiều mối quan hệ của cái “môi trường” mà người học trò đó tồn tại. Chẳng hạn như có một chuyện “to bằng cái đình” đối với tôi là chuyện vào Đoàn Thanh niên. Tôi không hề biết rằng nếu không phải là Đoàn viên thì việc vào Đại học sẽ rất khó khăn, cũng như tôi không hề biết rằng những ai có lý lịch “đen” (con cái Tư sản, địa chủ, hoặc những người làm việc cho chính quyền Thực dân, phong kiến trước năm 1954) sẽ không được vào Đại học. Sau này nhìn lại lúc đó tôi mới hú vía, nếu tôi không đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, đã từng ở trong đội tuyển của Thành phố Hải Phòng tham dự thi học sinh giỏi Toán toàn quốc thì tôi đã “tiêu đời” – tức sẽ không được vào Đại học, vì tôi chưa là Đoàn viên! Thực ra, ngay từ khi cắp sách đến trường, trong “Từ điển học trò” của tôi không hề có những từ như điểm kém, lưu ban, thi trượt hay đại loại như thế! Tôi cũng không hiểu tại sao tôi đọc sách giáo khoa cũng thích thú như đọc truyện và cũng thuộc ngay như thuộc một bài thơ hay! “Kiểu tư duy” như thế này thật Nguy hiểm trong hai khu vực Tình yêu và Môi trường công tác khi trưởng thành! Có được sự nhận thức sơ đẳng như vậy là khi tôi đã… nghỉ việc theo chế độ “Một Cục”!
2.
Na là một cô gái rất xinh đẹp, có đôi mắt lúng liếng, nụ cười mê hồn sau làn môi mọng ướt như quả mận chín! Tôi chỉ có thể tả Na được như thế và cũng không biết có chính xác hay không bởi không bao giờ tôi dám nhìn thẳng vào mặt Na quá hai phút! Và chúng tôi cũng chỉ có cơ hội để đứng gần nhau, trao đổi dăm ba câu vu vơ vào ngày chào cờ thứ hai đầu tuần, bởi tôi đang học lớp Mười, còn Na học lớp Chín. Khi tập trung toàn trường, mỗi lớp chúng tôi đứng thành bốn hàng dọc (mỗi tổ một hàng dọc), tôi luôn đứng cuối hàng và Na cũng đứng cuối hàng, hai lớp, hai tổ của chúng tôi lại cạnh nhau nên tôi và Na đương nhiên là đứng cạnh nhau, chỉ cách một cánh tay! Tôi nhớ lần đầu tiên tôi và Na “quen nhau” là sau một tuần đầu tiên của năm học.
Sau khi chào cờ, thầy Hiệu trưởng nói về tình hình học tập tuần qua và mỗi lớp có một người đạt số điểm bình quân các môn cao nhất lớp sẽ được lên đứng dưới cột cờ để cả trường hoan hô (chúng tôi gọi đùa là được “Bêu dương” – thực ra chữ dùng chính xác là “Biểu dương”). Lúc ấy, tôi đang mải “nhìn trộm” đôi môi chín mọng như quả mận chín của Na thì Na bỗng quay sang tôi, tôi vội nhìn đi chỗ khác thì nghe thấy tiếng Na: “Bạn Thạch! Thầy Hiệu trưởng vừa đọc tên bạn kìa!” Tôi quay lại, nhìn nhanh vào mồm Na thì thấy ngay nụ cười mê hồn! Lúc ấy chắc là tôi ngơ ngác hay tương tự như thế nên Na phải nhắc lại câu nói vừa rồi, và mấy bạn ở lớp tôi cũng quay xuống giục tôi đi lên cột cờ! Lúc ấy tôi mới biết phải làm gì! Tôi nghĩ có lẽ sau lần ấy, tôi đã luôn luôn nghĩ về Na, hay nói cách khác là …yêu Na! Và tuần nào cũng vậy, bao giờ cũng phải là sau câu nói của Na, tôi mới “bừng tỉnh” và đi lên chỗ “Bêu dương”!
Tôi không thể nhớ chính xác giờ nào, ngày nào, tháng nào Thần Tình yêu đã bắn Mũi Tên Vàng “Xuyên táo” cả tôi và Na? Tôi cũng không thể nhớ chính xác lần đầu tiên tôi và Na đã hôn nhau như thế nào, hôn vào đâu trước hay chỉ nép vào nhau mà thôi! Tôi đã đọc được ở đâu đó câu thơ “Hải Phòng có mối tình đầu / Cái hôn vụng dại làm nhàu áo em!” và tôi đã thuộc luôn và cứ nghĩ, sao chỉ đơn giản như thế mà mình không làm nổi lấy một câu thơ để tặng Na - người yêu – Mối tình đầu của tôi! Khi tôi “ngứa tay” chép câu thơ đó đưa cho Na xem thì Na cười nói: “Bạn không cần tặng Thơ mình vẫn yêu bạn! Mình muốn bạn tặng mình cái hôn bằng môi bạn chứ không phải bằng thơ!” Nói rồi chúng tôi hôn nhau không muốn rời nhau ra!...
Đã không biết làm thơ, thì cũng có thể “Tạm tha”, nhưng vô tư đến mức không hề biết người mình yêu có “quan hệ” với những ai, nói nôm na là có những ai cũng yêu người mình yêu và người mình yêu “đáp lại” những tình cảm đó như thế nào, thì không thể tha thứ được! Tức đó là sai lầm lớn nhất của tôi trong cái vụ “Mối tình đầu” này!
Sau “Cái hôn đầu”, tôi và Na thường hẹn gặp nhau vào bảy, tám giờ tối trên bờ con mương thủy lợi có hàng phi lao thẳng tắp rất đẹp. Địa điểm mà chúng tôi hẹn gặp nhau nằm ở điểm giữa của khoảng cách từ nhà tôi đến nhà Na. Từ nhà tôi đến điểm hẹn hò phải đi qua trường học. Ở trường học có hai phòng dùng làm “Nhà Công vụ” cho một số thầy, cô giáo không phải là người địa phương, tức người ở nơi khác về trường làm giáo viên. Mỗi phòng có hai người – hai thầy giáo và hai cô giáo – vừa đúng “hai cặp đôi”, tức hai thầy giáo mà cưới hai cô giáo thì vừa đủ hai đám cưới. Mỗi lần đi đến chỗ hẹn, nhìn vào “Nhà Công vụ” thấy hai thầy giáo và hai cô giáo đang ngồi nói chuyện với nhau, tôi đều nghĩ thầm như vậy! Nhưng thực ra lại không phải vậy! Chỉ có một thầy và một cô sau này cưới nhau, còn một thầy, tức thầy Mân, dạy môn Tiếng Nga lớp tôi, không cưới cô giáo còn lại mà đòi cưới…Na!
Tôi chỉ được biết cái “tin sét đánh” ấy sau một tháng hẹn hò với Na. Hôm ấy hình như Na đến chỗ hẹn để “chia tay” tôi, cho nên vừa gặp nhau, Na đã hôn tôi nồng nàn…Cuối cùng thì Na nói: “Có lẽ từ nay, chúng ta sẽ không gặp nhau như thế này nữa!...” Tôi định nói thì Na đã che mồm tôi và nói liền một mạch: “Bạn đừng nói gì hết! Thầy Mân đã đến nhà mình “Cầu hôn”. Bố mẹ mình đã đồng ý! Mình không thể từ chối lời cầu hôn của thầy Mân vì nhiều lý do rất khó nói!...” Đúng là “Mặt đất tối sầm nếu không có Tình yêu!”…
3.
Tôi cố quên đi “Mối tình đầu” ngắn ngủi, cố quên đi cuộc “Cạnh tranh không bình đẳng” nhưng càng cố quên thì lại càng không thể nào quên!...Năm học trôi nhanh hơn đối với kẻ thất tình là tôi. Cuối năm, tôi thấy các bạn học lớp tôi cứ xì xào, săn đón về danh sách dự kiến đề nghị vào các trường Đại học của nhà trường gửi lên Ban tuyển sinh Đại học của Thành phố, rồi danh sách ấy gửi lên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, có thay đổi, rơi rụng gì không? Sau này, nghĩ lại tôi thấy ngạc nhiên về mình: Tại sao tôi không hề quan tâm đến chuyện đó? Mà ngày ngày, những lúc gió mát trăng thanh, tôi lại tha thẩn đi ra chỗ tôi và Na thường hẹn nhau lúc trước, để làm gì thì tôi cũng không biết?
Một buổi trưa, đúng giờ Ngọ, trời nhiều mây nên không hề có nắng, gió mát lạnh, tôi mang cần câu ra chỗ vẫn hẹn với Na bên con mương thủy lợi, dưới hàng phi lao rì rào gió thổi, ngồi…câu cá! Câu được hai con cá riếc thì Na đến ngồi cạnh tôi từ bao giờ, nhẹ nhàng không một tiếng động! Khi tôi giật mình nhận ra Na thì đã nằm gọn trong vòng tay của Na!...Sau khi trở lại trạng thái bình thường, Na nói: “Bạn có giấy gọi vào Đại học rồi! Khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chỉ có mình bạn thôi, oai nhất trường rồi nhé!”
Tôi nghĩ là Na nói đùa nên không quan tâm mà muốn hỏi Na là tại sao từ hôm nói chia tay là chia tay luôn, không thể gặp nhau nữa? Như là đọc được suy nghĩ của tôi, Na nói: “Hôm nay, bạn có giấy gọi vào Đại học rồi, mình mới có thể nói hết sự thật với bạn! Khi thầy Mân “tỏ tình” với mình, mình từ chối ngay và nói thật rằng mình đã yêu bạn, hai người đã có ước nguyền sâu nặng! Ḿnh thật không ngờ lời nói thật đó lại trở thành “điểm yếu” để thầy Mân tấn công vào! Thầy bảo, em phải từ bỏ mối tình dại dột này ngay và nhận lời tỏ tình của tôi, nếu không tôi sẽ gạt cậu ta ra khỏi danh sách đề nghị vào Đại học sắp gửi lên Sở Giáo dục, tôi có thể làm như vậy vì tôi là phó Ban Tuyển sinh của trường! Mình ngạc nhiên vô cùng, hỏi lại ngay: bạn ấy luôn học giỏi nhất lớp thì làm sao lại gạt ra khỏi danh sách? Thầy Mân cười nhạt, nói khẽ mà mình nghe váng cả tai: Vì cậu ấy không là Đoàn viên, mà đoàn viên là tiêu chuẩn bắt buộc thứ hai! Lúc ấy, mình như bị một cú đấm “nốc-ao” choáng váng! Thầy Mân thấy vậy thì nói : cho em năm ngày suy nghĩ, nếu còn yêu nhau thì cậu ta sẽ không được vào Đại học, nếu muốn cậu ta vào Đại học thì phải cưới tôi!
Trời ơi, tại sao lại có chuyện như vậy, tại sao số phận cuộc đời cậu lại nằm trong tay mình? Mình đem chuyện này nói hết với Mẹ, thì Mẹ mình nói: Thảo nào mẹ thấy thầy Mân thường hay tới nhà mình, lấy cớ này nọ, nhưng chỉ lần thứ ba là mẹ biết ông ta thích con! Nếu đã như vậy thì chỉ có một lựa chọn là phải nhận lời cưới ông ta. Nhưng con hãy nói là khi nào cậu ấy có giấy gọi vào Đại học thì mới đồng ý làm đám cưới! Như vậy là con đã góp phần cho việc vào đại học của người con yêu thêm chắc chắn! Nghe mẹ mình nói như vậy, mình thấy nhẹ cả người. Nhưng khi quyết định phải nói lời chia tay với cậu, mình thấy khó vô cùng, cuối cùng lại phải nhờ mẹ cố vấn cho!...Đã có giấy gọi vào Đại học nhưng nhà trường chưa công bố, không biết còn om lại làm gì? Đây là do thầy Mân nóng lòng muốn cưới mình nên đã lên Ban Tuyển sinh Thành phố lấy trước cho riêng cậu thôi đấy. Vì thế cậu đừng vội cho ai biết!” Khi Na lấy trong một cuốn vở ra cái giấy gọi vào Đại học đưa cho tôi, tôi mở ra xem nhanh, khi đọc thấy tên mình và tên trường Đại học thì lóng ngóng thế nào để tuột tờ giấy khỏi tay và một làn gió ào tới, đưa tờ giấy chao liệng xuống…dòng mương! Na với người theo bắt lại tờ giấy nhưng không được, suýt thì rớt xuống mương! Tôi vội kéo Na lại và ôm chặt, chỉ sợ Na trôi đi như tờ giấy kia!...
Khoảng năm phút sau thì có tiếng nói: “Thôi đủ rồi! Chia tay nhau thế là quá đủ!” Người nói câu đó chính là thầy Mân, thầy cầm tờ giấy gọi còn nhểu nước đặt xuống trước mặt Na và nói: “Giấy này không có tờ thứ hai đâu!”, rồi đi về phía trường! Cả tôi và Na đều giật mình, song Na thở mạnh một cái rồi đứng dậy, nói: “Chắc tờ giấy trôi tới cổng trường! Để một lát cho khô rồi bạn cầm về nhé!” Nói rồi Na đi nhanh như làn gió, thoáng cái đã không thấy đâu cả!...
Đám cưới của Na với thầy Mân được tiến hành sau ngày đó đúng mười ngày. Đó cũng là ngày những người có giấy gọi vào Đại học tụ tập tại nhà bạn Tuấn (có giấy gọi vào Khoa Lý, cùng trường ĐHTH với tôi, như vậy lớp Mười của tôi năm đó chỉ có hai người được vào trường Đại học Tổng hợp – Trường được coi là khó học nhất thời đó!) để ăn mừng, chia tay. Thì ra số người được gọi vào đại học không nhiều, sĩ số gần 50 mà chưa tới mười người được gọi. Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra Na vì yêu tôi mà đã hy sinh Tình yêu để tôi khỏi bị liên lụy, nói theo kiểu tiểu thuyết là “Chết vì Tình”!... Tuy nhiên, tôi cũng cùng đám bạn có giấy gọi ĐH đến chúc mừng đám cưới của thầy Mân, muốn gì thì gì, một người là Sư phụ của tôi, còn một người là Người tôi yêu!...
4.
Nhập trường được ba tháng thì tôi nhập ngũ, và tôi vẫn “vô tư” như xưa, không hề nghĩ con đường mình đang đi sẽ như thế nào, và tương lai sau này sẽ ra sao? Vèo một cái là bốn năm trôi qua, tôi lại trở về với Khoa Toán của trường ĐHTH, học ngay ở Khu Thượng Đình, Hà Nội chứ không phải ở chỗ sơ tán tận Đầm Mây (huyện Đại Từ, Thái Nguyên xa xôi). Các bạn học với tôi lúc mới nhập học trên khu sơ tán ngày xưa đã ra trường, có hai người ở lại Khoa làm cán bộ giảng dạy là Tam và Vĩ. Bạn học lớp Mười với Tôi là Tuấn học ở Khoa Lý ra trường về dạy ở Hải Phòng, trường ĐH Hàng Hải, rủ tôi về Hải Phòng chơi, nhớ đến Na, tôi đi ngay (gia đình bố mẹ tôi lúc này đã lại về Hà Nội). Nhưng về đến Hải Phòng, gặp lại mấy bạn lớp Mười cũ, ai cũng nói là không nên gặp Na nữa, Nàng đã có tới bốn đứa con với thầy Mân, mà thầy Mân giờ thường xuyên ở nhà, canh chừng vợ rất ngặt! Ấy vậy mà lúc tôi lên tàu về Hà Nội, lúc vừa ngồi xuống ghế thì thật là bất ngờ, Na đột ngột xuất hiện, ngồi xuống cạnh tôi rồi ôm chầm lấy tôi, khóc như mưa!...Khi tàu tới ga Hải Dương, Na mới đi sang tàu về lại Hải Phòng! Đó là lần cuối cùng tôi gặp Na!...Sau này, mỗi lần nhớ đến Na, tôi lại ra chợ mua hai quả na về…ăn!
Chương trình học của Khoa Toán lúc tôi trở lại Khoa, chủ yếu dựa vào sách của Liên Xô (Nước Nga cũ), vì thế, tiếng Nga đặc biệt cần thiết. Các bạn học lớp tôi lúc đó có một cách học Tiếng Nga thần tốc là học thuộc cuốn Từ Điển Nga-Việt. Có bạn chỉ sau hai tháng là “nuốt” cả cuốn Từ điển vào bụng! Tôi vừa cố nuốt Từ điển vừa nhờ một anh bạn thời lính đang học bên Đại học Ngoại ngữ, Khoa Tiếng Nga kèm thêm. Chưa được một tháng thì anh bạn nói: “Cùng dấu đẩy nhau, khác dấu hút nhau!...Bạn bè chơi với nhau thì vui nhưng học với nhau thì không ổn! Hai thằng mình cứ cặp kè hoài bọn con gái lớp tớ nó lại tưởng là chúng ta Đồng tính luyến ái! Vì vậy tớ mới tìm cho cậu một “cô giáo” rất giỏi Tiếng Nga, đang là sinh viên năm cuối, người cao to như vận động viên bóng chuyền, nếu Hà Nội có bị ngập lụt thì Nàng có thể cõng cậu mà thoát hiểm (Hà Nội đang bị đe dọa bởi nước sông Hồng đã mấy phen mấp mé bờ đê)!”.
Và có điều rất hay là Nàng trùng tên với tôi, cả hai chữ Ngọc Thạch!... Bạn tôi vừa dứt lời thì “Cô giáo” tiếng Nga xuất hiện, hẳn là bạn tôi đã có sự chuẩn bị từ trước! Và “Cô giáo” làm việc ngay như là ở trường Ngoại Ngữ! Sau nửa giờ đồng hồ “quần thảo” tôi không kịp thở (cô giáo không dùng tiếng Việt, chỉ nói tiếng Nga mà tôi nghe chỉ hiểu được một nửa, còn một nửa thì nghe như chim hót), cô giáo mới cười mỉm và nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng Việt cực hay, cũng như chim hót! Tôi thầm nghĩ, quả là anh bạn tôi rất giỏi chọn người, đó là kinh nghiệm của bốn năm làm việc ở Quân lực trong quân đội! Dường như anh bạn tôi coi việc chọn vợ cho tôi là nhiệm vụ chính, còn cô giáo tiếng Nga là nhiệm vụ thứ yếu! Quả là tính toán kỹ càng, một mũi tên bắn hai đích, khác hẳn bản tính vô tư của tôi, làm gì chỉ nhắm vào một mục đích mà thôi!...
Sau một tháng có cô giáo tiếng Nga, tôi đọc sách Toán tiếng Nga đã khá nhanh, cuốn Từ điển Tiếng Nga đã nuốt được đến vần L, nhưng đến chữ “Liu-bờ-liu” (Tôi yêu) thì thấy trong bụng không ổn! (Xin mở ngoặc là chuyện “Nuốt Từ điển” không phải là nghĩa bóng, mà là nghĩa đen, tức mỗi ngày xé ra một tờ, cảm thấy thuộc hết các từ trong đó thì nuốt luôn tờ giấy đó vào bụng! Giấy Từ điển Nga-Việt thời đó rất mỏng và trắng sạch, có thể ăn ngon lành nếu đói, mà sinh viên thời đó đói là chuyện hàng ngày! Việc nuốt Từ điển nó buộc ta phải thuộc Từ tiếng Nga như tiếng Việt, sau này không được ỷ lại vào Từ điển, có thể nói nó giống như việc Tào Tháo dùng binh, thường đóng quân, hạ trại quay lưng ra bờ sông, miệng vực chứ không dựa lưng vào núi cao như lệ thường, khi lâm trận quân sĩ buộc phải cố mà đánh lui quân địch vì không có chỗ tháo chạy!)!
Khi Cô giáo biết chuyện tôi nuốt Từ điển thì cười nói: “Học hành không nên gây căng thẳng, làm theo như mấy nhà Nho thời xưa buộc tóc lên xà nhà để không ngủ gật, thức mà học thâu đêm không phải là cách của người làm khoa học trường kỳ! Như anh đang nuốt Từ điển, nếu thấy dạ dày không ổn thì nên ngừng lại, tôi sẽ giúp anh cách học có hiệu quả! Anh vừa nuốt đến chữ “Liu-bờ-liu” chứ gì? Tôi sẽ hướng dẫn anh dịch bài thơ “Tôi yêu Em” của nhà thơ A. Puskin. Chúng ta không chỉ tập dịch sách Toán học mà phải học cả cách dịch sách văn học. Nền văn học Nga và cả Nga Xô-viết là một nền văn học Khổng lồ!”. Thế là từ đó, cô giáo tiếng Nga của tôi dạy tôi dịch cả thơ Puskin, Lec-môn-tôv, Ê-xê-nhin,v.v…
5.
Sau hai tháng có cô giáo Tiếng Nga, anh bạn tôi nói đã đến lúc phải Cầu hôn ngay kẻo Đêm dài lắm mộng, uổng công anh ta thiết kế tốn kém bao công sức!...Nỗi lo của anh bạn tôi quả là có lý, bởi vật quý dễ vỡ, báu vật dễ bị mất trộm! Đúng hôm anh bạn tôi thiết kế một chuyến đi Hồ Tây bơi thuyền rồi ăn đặc sản Bánh Tôm thì cô giáo tiếng Nga nói: “Em đâu còn bụng dạ nào mà đi ăn bánh Tôm Hồ Tây với các anh!” Hỏi vì sao thì cô giáo nói: “Việc ra trường làm ở đâu, bố em đã lo xong từ nửa năm rồi, Sở Giáo dục Hà Nội đã đồng ý nhận. Vậy mà vừa rồi lại nghe nói em phải nhận công tác ở Thủy Điện Hòa Bình!”, nói xong thì bật khóc! Tôi và anh bạn đều ngớ người! Tôi nói liều: “Để tôi về hỏi bố tôi xem có thể xin về Bộ Y tế được không!” Và ngay ngày hôm sau, tôi về nhà nói với bố tôi thì bố tôi nói: “Bây giờ nội bộ lãnh đạo của Bộ đang năm bè bảy mối, những chuyện như thế không ai dám quyết. Phải chờ một thời gian nữa cho sóng yên gió lặng đã!” Tôi nói lại tình hình như vậy thì anh bạn tôi nói: “Thế thì phải chờ chứ làm sao?
Nhưng tớ vẫn lo Đêm dài lắm mộng!”. Quả nhiên, Đêm dài lắm mộng! Ba ngày sau, cô giáo tiếng Nga cho biết: ông bố cô đã nhờ người chạy thì có một chỗ cực kỳ thơm, đó là về dạy tiếng Nga ở Khoa Toán của tôi, và người nhận giúp là ông thầy Hân, hiện đang là giáo viên dạy tiếng Nga của Khoa Toán, tức là thầy giáo tiếng Nga của tôi. Thì ra ông thầy Hân có biết “cô giáo” do mấy năm trước còn dạy ở bên trường ĐH Ngoại ngữ, đã dạy cô ở năm thứ nhất và đã từng “tỏ tình” với cô. Ông thầy Hân nói sẽ xin cho “cô giáo” về Khoa Toán nhưng với điều kiện cô phải là vợ của ông!...
Điều kiện như thế đối với các cô sinh viên năm cuối của các trường Đại học ở Hà Nội đã quá quen thuộc nên anh bạn tôi thở dài mà nói rằng: “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng! Bây giờ cậu là Chu Du còn ông thầy Hân là Gia Cát Lượng, cậu chịu thua đi thôi! Mà cũng tại tớ, đáng lẽ ngay từ khi giới thiệu cô giáo với cậu, phải tham mưu cho cậu thực hiện kế sách “Gạo nấu thành cơm” thì có phải hay hơn không!”. Tôi nói ngay: “Đừng tiếc than mà làm gì! Trong cuộc đua ở “Đấu trường Ái tình” tớ luôn thủ sẵn “Con cờ chiến bại” nên quen rồi!”. Bạn tôi phá ra cười rồi bày bàn cờ, nói: “Bây giờ tớ với cậu chơi một ván cờ định mệnh, nếu cậu thắng tớ sẽ làm mặt dày mai mối lần nữa, dẫn cậu tới bà chị họ hàng xa, thuộc loại lá ngọc cành vàng, nhà giàu cỡ Thạch Sùng, cậu chỉ việc cơm no bò cưỡi!”. Tôi nói ngay: “Vậy thì còn dài dòng gì nữa, tớ sẽ chấp cậu một xe!”
Người bạn tôi không nói gì, cậy thế hơn quân, xua quân sang hà thả sức tàn sát mà không ngờ rằng tôi đã cho một tổ thám tử lẻn vào tận hậu cung bắt sống tướng sĩ của anh ta! Bị thua trong nháy máy, anh bạn tôi phải dẫn tôi tới nhà bà chị họ hàng xa để gặp người lá ngọc cành vàng! Khi tới nơi thì nhà vắng vẻ làm sao, nhấn chuông một lúc mới có một người Osin chạy ra nói qua lỗ cánh cổng sắt to đùng: “Bà chủ, ông chủ đưa cô chủ đi chuyển đổi giới tính ở nước ngoài rồi! Một tháng nay, cô chủ bỗng giở chứng cứ đòi làm con trai!”…
Hình như cái bà Osin còn nói gì nữa nhưng anh bạn tôi đã lôi tôi đi và nói: “Ta đi làm mấy chén cuốc lủi rồi đi mua quà mừng đám cưới của Thầy giáo cậu cưới “Cô giáo” của cậu! Không thể xem thường chuyện này được!” Quả nhiên, chỉ ba ngày sau chúng tôi nhận được Thiệp cưới , chỉ trước ngày cưới một ngày. Tới ngày cưới, anh bạn tôi đi cùng người yêu sắp cưới, trông rực rỡ hơn cả cô dâu – chú rể, còn tôi, cô người yêu anh bạn cũng kiếm cho tôi được một “bạn nhảy” đúng mốt và nhờ thế mà khi tới phần khiêu vũ của đám cưới, tôi không bị cô đơn! Song tôi vẫn bị cảm giác cô đơn xâm chiếm khi bất ngờ gặp thầy Mân ở đám cưới này, người đã cưới Na – mối tình đầu của tôi. Thì ra thầy Mân từng là học trò của thầy Hân ở Đại học Ngoại Ngữ, tức thầy Hân là Sư phụ của Sư phụ của tôi – tức thầy Mân, song, thầy Hân hiện đang là Sư phụ của tôi. Vì thế, tôi có hai cách để gọi thầy Hân: Sư phụ của Sư phụ, hoặc Sư phụ! Gọi cách nào cũng đúng!
Sài Gòn, 29-10-2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net |
Thân gái dặm trường - tiểu thuyết mini Đỗ Ngọc Thạch: 6 Chương :
THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - PHONGDIEP.NET ::PHONGDIEP.NET
phongdiep.net/... Đã lưu trong bộ nhớ cache... THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu thuyết mini của Đỗ Ngọc Thạch (tiếp theo và hết) ...:: PHONGDIEP.NET :: PHONGDIEP.NET :: - THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu ...
phongdiep.net/... Đã lưu trong bộ nhớ cacheTHÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu thuyết mini của Đỗ Ngọc Thạch (chương 1- 3) ...
nguồn: TPO
07:00 | 12/04/2013
Isabeli Fontana thoát y quảng cáo trang sức
TPO - Những hình ảnh mới nhất của siêu mẫu nóng bỏng Brazil - Isabeli Fontana thật gợi cảm đầy cuốn hút trong những shoot hình bán nude đầy táo bạo.
Gương mặt được thương hiệu Strolli lựa chọn để thực hiện chiến dịch quảng cáo bộ sản phẩm trang sức mới 2013 chính là chân dài nóng bỏng Brazil - Isabeli Fontana. Sở hữu gương mặt đẹp và thân hình đầy lôi cuốn là những điểm mạnh của siêu mẫu này, cùng chiêm ngưỡng:
THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - PHONGDIEP.NET :: PHONGDIEP.NET
Ông đốt đi (Nhật kí nhân viên văn phòng - truyện ngắn của Phong Điệp) ... THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu thuyết mini của Đỗ Ngọc Thạch (tiếp theo và hết) ...THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - PHONGDIEP.NET :: PHONGDIEP.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét