57 Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net - Trích: Chuyện Nhà Báo; ...Hồ Hoàn Kiếm
CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO- Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO
Hơn hai mươi năm lăn lộn trong nghiệp chướng “viết lách” tôi đã tiếp xúc với khá nhiều nhà báo thuộc đủ các “đẳng cấp” khác nhau, nhưng người gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là Bửu Báo. Tôi gặp B.B (từ đây, xin cứ gọi tắt Bửu Báo là B.B cho tiện và cũng vì một lý do nữa là Bửu Báo rất khoái khi tôi gọi thế, chỉ vì một lần đến chơi với tôi, thấy có bức ảnh nhân vật nổi tiếng người Đức Béc-tôn Brếch, Báo nói người này hơi giống mình và xin luôn bức ảnh đó về…) khi tôi đang thịnh còn B.B thì đang ở vào thuở “hàn vi”. Lúc ấy, tôi đang phụ trách công tác xuất bản và một tờ tạp chí của Sở Văn hóa thông tin một tỉnh lớn (giờ đã tách thành hai tỉnh), có thể nói cũng là “quan to” vì nó tương đương với một nhà xuất bản và một tờ tạp chí ở một tỉnh phát triển mạnh và sớm. B.B lúc đó đang làm nhân viên của phòng văn hóa thông tin một huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, “vùng biên ải”. Tôi vì “chán đời” mà bỏ đất Thủ đô vân du bốn phương nên đã gặp B.B lần đầu ở tận chốn thâm sơn cùng cốc vùng biên ải và không hiểu sao, số phận tôi lại liên quan với B.B …
Lần ấy tôi đi cùng hai nhà sưu tầm văn hóa dân gian đến huyện thì gặp B.B. Lúc đó, chúng tôi vào trụ sở của phòng văn hóa thông tin huyện thì thấy vắng tanh vắng ngắt như vào một cái miếu cổ bỏ hoang lâu ngày. Chúng tôi tính bỏ đi bỗng nghe có tiếng rì rầm phát ra từ một căn phòng đóng cửa. Tôi tiến lại gõ cửa, khoảng năm phút sau, một thanh niên cao to bước ra, khép hai cánh cửa lại sau lưng. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh ta đã vồn vã nói :
- Chào các anh ! Em là Báo, Bửu Báo. Phòng đã nhận được điện báo các anh sẽ tới từ ba bốn ngày. Ông trưởng phòng bị trúng gió nằm ở nhà, giao nhiệm vụ cho em thường trực ở đây đón các anh…Mời các anh vào phòng khách.
Khi đã an tọa trong phòng khách, tôi đưa giấy tờ cho Báo, Báo mới liếc qua liền nói :
- Em biết tên anh từ ngày anh mới chuyển về tỉnh cơ. Chả là ông bố em phụ trách công việc của các anh ở trên tỉnh mà . Em đã tính đến gặp anh để xin làm đệ tử, nhưng chưa kịp thì ổng đã đầy em tới vùng biên ải này !...
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Vậy cậu là con ông cháu cha hả ? Ông nào vậy ?
- Anh chẳng cần biết ông ấy làm gì cho mệt óc. Vả lại, theo như em biết thì các sếp trên tỉnh không thích anh đâu. Vì tỉnh người ta yên tĩnh, đúng theo kiểu tỉnh lẻ, tự nhiên anh về làm náo động cả lên, bày ra những việc “kiểu trung ương” như thế, chẳng ai quen được đâu !...
- Thế chẳng lẽ một cơ quan văn hóa thông tin mà suốt ngày, thậm chí suốt đêm chỉ chơi bài “tiến lên” và sáng xỉn chiều say ? Đâu có được !
- Thế mà vẫn được đó anh ơi ! Ngay bây giờ nếu anh sang văn phòng ủy ban sẽ thấy cán bộ phòng em và cả các phòng khác đang tụ tập chơi bài “tiến lên” và nhậu tới bến mới thôi ! Nhưng đó là chuyện nhỏ, kệ họ. Bây giờ ta bàn chuyện ta. Các anh đã quá bộ về tới đây, Báo này xin phục vụ từ A tới Z. Nhưng bù lại, anh cũng phải giúp em một việc. Tính em ưa sòng phẳng, nói thẳng nói thiệt, nhất là khi em được biết anh cũng là đại lãng tử, chơi được, có đúng không ?
Không để tôi trả lời, B.B đi ra cái phòng đóng cửa lúc nãy dắt vào một người phụ nữ trên dưới ba mươi tuổi, ấn ngồi xuống ghế và nói :
- Xin giới thiệu với các anh, đây là chị Xiu Hoa, phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã. Chị Xiu Hoa sẽ duyệt luôn kế hoạch công tác của các anh với huyện, duyệt luôn cả phí hỗ trợ các anh nếu cần, sẽ đi với các anh xuống xã. Chị Xiu Hoa tuy là người dân tộc nhưng đã được ra thủ đô Hà Nội học nhiều thứ nên rất hiểu và nhiệt tình với công việc của các anh !...
Chỉ sau mười phút, “kế hoạch hành động” của chúng tôi ở huyện đã được Xiu Hoa ủng hộ, hưởng ứng tối đa. Khi Xiu Hoa đưa hai nhà sưu tầm đến chỗ ăn nghỉ, B.B nói:
- Em và anh tuy lần đầu gặp mặt nhưng em nghĩ rằng chúng ta đã gặp nhau từ kiếp trước
- Cậu lém thế ? – Tôi nhìn thẳng vào B.B nói.
- Em đâu dám lấy vải thưa che mắt thánh, múa rìu qua mắt thợ! Nhưng em xin nói hai câu này, nếu anh chịu thì ta bắt tay kết nghĩa huynh đệ, còn nếu anh thấy không đúng thì em xin tự cắt lưỡi làm thằng câm suốt đời. Thú nhất, nhìn tướng anh, em biết anh thuộc loại đại lãng tử, vân du bốn biển không yên chốn nào. Chỉ hai năm nữa anh sẽ đi khỏi tỉnh này thôi. Và , năm năm nữa, anh sẽ gặp hạn, lúc đó người cứu anh sẽ là…Bửu Báo này!...Nhìn thần sắc anh, em biết là anh vừa giật mình ! Có đúng không anh ?
- Trời đất !...Cậu còn trẻ tuổi mà nói đúng như một chiêm tinh gia có tiếng ở Hà Nội đã nói với tôi trước khi tôi bỏ Hà Nội đi !...Còn câu thứ hai?
- Câu thứ hai là tiếp nối câu thứ nhất. Năm năm nữa, chính cái lúc anh gặp hạn lại là lúc em phất to. Nếu đúng như tử vi của em thì lúc đó em sẽ làm Sếp một tờ báo, ở chốn phồn hoa đô hội hẳn hoi chứ không phải ở tỉnh lẻ như anh. Ngay bây giờ, trong đầu em đã hình dung công việc lúc đó sẽ triển khai như thế nào, và anh sẽ đảm đương phần việc nào cho em!...Nói thế, người tầm thường không hiểu sẽ cho là em bốc phét và xấc láo với anh. Còn anh, em tin là anh cũng biết xem tướng, anh hãy nhìn tướng em và xét xem lời em nói thế nào?
- Tớ đã quan sát rất kỹ tướng mạo cậu ngay từ khi mới gặp…
- Nhìn ánh mắt anh là em biết anh đang “hành nghề” xem tướng người nói chuyện với mình!
- Cậu có cái mũi cực quý, gọi là “huyền đởm tỵ”, mũi như trái mật treo, tất cuộc đời sẽ phú quý, gặp nhiều may mắn, nhiều khi không làm mà vẫn có ăn !... Cũng có thể nói mũi cậu là mũi “phục tê quán đính”, nếu như ngày xưa có thể làm tới quan thượng phẩm. Còn nếu thời nay, làm sếp một tờ báo thì cũng là thường… Kéo áo lên tớ coi cái bụng chút xíu !
- B.B kéo áo lên, tức thì tôi kinh ngạc thốt lên:
- “Tễ khả nạp quất”…Cực quý, cực quý !...Cậu tuy đang bị đày nơi thâm sơn cùng cốc nhưng sống như đế vương. Cậu tất phải là con cháu bậc vua chúa đời xưa !
- Tôi vừa dứt lời, B.B đã rút trong túi quần rộng thùng thình ra một xếp tiền đưa tôi và nói:
- Mặc dù em biết anh thuộc loại coi đồng tiền như cái rác nhưng đây là “nhuận bút” của những lời anh vừa nói. Còn lát nữa, em xin đãi anh một chầu bia với đặc sản núi rừng, anh sẽ nhớ đời!...Trước khi đi, em xin múa hầu anh bài quyền Ngọc Trản để anh thấy em đúng là con cháu vương tướng ngày xưa, văn võ song toàn !
- Dứt lời, B.B cởi phăng áo, múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu :
“Ngọc Trản ngân đài
Tả hữu tấn khai
Hồi thập tự
Liệng diệp liên ba
Đả sát túc…”
Trên đường đi, B.B nói : “Tuy hiện tại em chỉ là thằng nhân viên quèn, nhưng bà phó chủ tịch ban nãy là bồ, còn ông phó chủ tịch thì đánh bài “tiến lên” với em chỉ cháy túi, luôn nợ em vài trăm . Cho nên, em điều khiển hai vị này không khác gì chủ tịch huyện, tức cũng xấp xỉ uy quyền vương hầu ngày xưa. Gặp anh ở đây, em nghĩ đến chuyện Lưu Bang gặp Hàn Tín. Nhưng anh giúp em thì rất dễ dàng, chẳng vất vả khó nhọc như Hàn Tín đâu. Anh chỉ cần đăng cho em dăm bài trên tờ Tạp chí của anh, in giúp em vài cuốn sách. Còn cái bằng Đại học Báo chí thì em lấy dễ như lấy đồ trong túi. Ta phải chuân bị đầy đủ điều kiện tối thiểu, thời cơ đến là a lê hấp !...
B.B còn nói cho tôi rất loằng ngoằng về “cây gia phả” của các vua nhà Nguyễn, nhưng tôi cũng quên luôn B.B thuộc chi nào, nhánh nào của dòng giống vua nhà Nguyễn vì các vua nhà Nguyễn lắm vợ nhiều con quá ! Tối hôm đó, B.B dẫn tôi đi uống “bia ôm” (lúc đó, thuật ngữ bia ôm chưa phổ cập trong đời sống xã hội). Nhìn cung cách ăn chơi của B.B, tôi thầm nghĩ đúng là ăn chơi kiểu đế vương !...
* * *
Hai năm sau, đúng lúc tôi đang tiến hành làm ăn lớn thì gặp chuyện phiền toái về viết lách, tôi tự xin thôi việc đi một mạch về Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống giang hồ một trăm phần trăm. Ba năm đầu, phải làm thuê làm mướn đủ kiểu, kể cả làm thợ, không dính gì đến văn chương báo chí. Tuy thế, công việc cũng vừa sức và đủ tiền xài lai rai. Nhưng đến năm thứ tư đúng là “họa vô đơn chí”, tai họa chẳng bao giờ đi riêng lẻ mà luôn có “bạn đồng nghiệp” ! Nợ nần chồng chất như chúa Chổm, tôi đã tính chuyện chết quách đi cho rồi thì bất ngờ gặp lại B.B. Hôm đó, tôi đang đạp xích lô lòng vòng quanh mấy cái nhà hàng lớn để kiếm khách thì thấy một ông khách to béo, ăn mặc theo mô-đen Việt kiều ngoắc tôi lại. Tôi cho xe cặp sát ông ta thì ông khách đã nắm chặt lấy tay tôi la lớn :
- Trời đất ơi ! Anh hùng tuyệt bút như tiên sinh mà đến nông nỗi này sao ?
- Trời !... – Tôi cũng giật mình la lên – B.B đó à ?
Sau phút hàn huyên, tôi chở B.B về nhà B.B . Đó là một cái nhà kiểu biệt thự, diện tích khoảng gần năm trăm mét vuông tọa lạc ở cuối một con hẻm lớn vùng ven đô…
B.B nói với tôi :
- Cái nhà này là em nhờ lộc của vợ. Em lấy vợ có tướng “ngọc đới yêu vi” cực quý, vượng phu ích tử không ai bằng ! Còn em, đang chuẩn bị nhậm chức phó Tổng biên tập cho một tờ báo ngành, thực chất là Tổng. Cái mốt bây giờ là làm báo cho các ngành mới có ăn, còn làm báo thuần văn chương như các anh ngày trước là “xưa rồi Diễm ơi!”…Nhưng em lại muốn anh làm cái việc rất xưa ấy cho tờ báo của em !
- Thế là sao?- Tôi ngạc nhiên, hỏi.
- Anh thường hay nói rằng muốn tiến lên hiện đại thì trước hết phải hiểu kỹ truyền thống đó sao? Bây giờ em nói ngắn gọn thế này: Anh đi ôm về đây cho em tất cả các loại báo chí cũ, càng cũ càng hay. Sau đó công việc của anh sẽ là “hiện đại hóa” cái đống báo cũ đó. Em nghĩ rằng anh chỉ phẩy tay là xong! Thời gian chuẩn bị “chiến trường” của chúng ta còn ba tháng nữa, quá ư rộng rãi !
- Các công đoạn khác từ A đến Z cậu đã chuẩn bị đến đâu rồi ?
- Anh quên rằng em đã chuẩn bị từ năm năm trước à ? Nhân gặp lại cố nhân, em sẽ kêu “dàn tướng sĩ” của em tới đây ta lai rai một chập để anh quan sát chúng nó và “tham mưu” cho em trong cái việc sắp xếp đội hình này !
Nói rồi B.B ấn số máy điện thoại di động một hồi, đoạn nói:
- Chỉ sau mười phút nữa chúng nó sẽ tới. Em nói trước với anh là em chỉ thu nạp những thằng đang sa cơ lỡ vận, có vậy chúng mới ơn mình và trung thành với mình. Đại loại như là em nuôi một đàn chó săn ấy !
- Thế tớ cũng là một trong những con chó trung thành của cậu à ?
- Đâu có ! Đời nào thằng em này lại dám hỗn láo với ông anh như thế! Cái ơn dìu dắt em từ ngày còn ở nơi rừng xanh núi bạc của anh có bao giờ em quên và bao giờ đền đáp hết được? Ngoài cái việc “khai thác vốn cổ” ra, anh còn phải có trọng trách với em như là Khổng Minh với Lưu Bị ấy chứ. Về chức danh, anh sẽ là ‘Trợ lý Tổng biên tập”, đương nhiên là lúc em bận bịu này nọ, anh điều hành công việc cho em !
- Này, nghe cậu nói cũng bùi tai đấy. Nhưng nói thật, lâu ngày không rờ đến chuyện viết lách, tớ sinh lười nhác rồi. Vả lại, tớ đã thề “quăng bút”, đoạn tuyệt với Nàng Thơ rồi !
- Trời đất ơi! Anh là người am hiểu tướng số mà anh quên rằng “viết lách” nó là cái “nghiệp chướng” sao? Riêng đối với anh, chuyện này càng nặng. Anh không bao giờ thoát khỏi cái “nghiệp chướng” này đâu! Em đã có cách rồi: em sẽ tuyển cho anh một nũ thư ký tuyệt vời , cô nàng sẽ đốt lại ngọn lửa đã tắt trong anh !...Còn bây giờ, em sẽ kêu một cô nàng “mát-xa” loại nhà nghề đến giúp anh giãn gân cốt sau bao ngày lao động chân tay vất vả !...
B.B nói rồi lại ấn số điện thoại…Đúng sau mười phút gọi cho dàn tướng sĩ, năm người, cùng một lúc, đã tới. B.B giới thiệu tôi với họ và giới thiệu họ với tôi: - Đây là “Sáu bụng bự”, con có biệt danh là “Thùng phi” vì có thể uống hết một thùng phi bia hơi ! Trước đây, Sáu làm chủ một đại lý bia lớn, có tài kinh doanh tiếp thị. Hỗ trợ cho Sáu bụng bự là “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, đảm trách công việc chạy quảng cáo cho tờ báo của chúng ta. Tôi xin nhắc lại, báo chí bây giờ sống khỏe là nhờ vào quảng cáo, cho nên chúng tôi xin được sống nhờ vào tài năng “diệt giám đốc” của Cô Ba ! Còn đây là cặp bài trùng Lý toét – Xã xệ, hai cây bút phóng sự chủ lực của báo ta. Lý toét và Xã vệ cứ phóng bút thoải mái như thời còn làm cho báo phường, báo quận, đã có sư phụ tuyệt bút đây làm cái việc “đánh bóng, mạ kền” trước khi bài viết lên báo ! Còn nhân vật thứ năm, nhìn bên ngoài có vẻ dị dạng, xấu xí nhưng tài ba thì vào loại đệ nhất đô thành, bàn tay bé nhỏ thế kia nhưng có thể nắm trong tay tất cả các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy và in ấn của cả khu vực miền Nam này ! Báo của chúng ta có thể in hàng triệu bản mà không bao giờ lo thiếu giấy !...
Mọi người nâng ly bia mừng buổi gặp mặt …Trong khi uống bia và nghe “ngũ hổ tướng quân” của B.B nói huyên thuyên về kế hoạch tác chiến của mình, tôi chú ý quan sát kỹ từng người một để tìm hiểu xem tại sao họ lại được B.B tín nhiệm và liệu họ có làm khynh đảo được thị trường báo chí như B.B ao ước hay không ? Sáu bụng bự uống bia quả là tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra, duy có một chi tiết khiến tôi lấy làm lạ là chốc chốc, Sáu lại nặn trứng cá ở trên mặt và cho luôn vào mồm nhai như không ! Còn “Cô Ba dũng sĩ diệt Giám đốc”, tuy không vào loại tuyệt thế giai nhân nhưng tất cả các “bộ phận” trên người cô đều như đang “bốc lửa” sẵn sàng “thiêu đốt” bất cứ đấng nam nhi quân tử nào. Cô Ba uống bia nhỏ nhẹ và có một động tác thường xuyên là cúi xuống ngửi nách mình rồi lấy khăn lạnh lau nách ! Thấy vậy, tôi nói nhỏ với B.B rằng cô này có tướng “sú hương” cực xấu, không thể làm việc đối ngoại được, nhưng B.B bảo, cô Ba có tới mười cái cực xấu nhưng lại có một cái cực tốt là tướng “song long nhiễu nguyệt”, đó là tướng “thập trọc nhất thanh”, một cái cực tốt kia sẽ xóa bỏ được mười cái cực xấu ! Quan sát kỹ hai nhân vật Lý toét và Xã vệ, quả là một cặp bài trùng hiếm có : Lý toét (gọi là Lý toét vì người này cận nặng) có cái dáng ký giả ở mọi cử chỉ, dạng mạo, còn Xã xệ “to cao đen hôi” như một võ sĩ quyền Anh người da đen, hai người mà cộng hưởng với nhau thì tuyệt ! Hai người này vừa ăn uống vừa hí hoáy ghi chép cái gì đó đúng phong cách phóng viên tác nghiệp. Tôi nhoài người tới cụng ly và liếc nhanh vào cuốn sổ tay của họ thì giật mình kinh ngạc vì nhìn thấy trên sổ tay của Lý toét kín đặc chỉ toàn chữ A, còn trên sổ tay của Xã xệ thì chữ gì ngoằn ngoèo như chữ Camphuchia và to như quả trứng gà !...Nhân vật thứ năm quả là dị tướng, sơ bộ có thể xếp vào loại tướng “Bát tiểu”, là quý cách, gặp vận có thể phú quý hết chỗ nói !
Điều bất ngờ lớn đối với tôi là cả năm người này đều rất sẵn tiền trong người và qua cung cách, nói năng thì họ xài “tiền tấn” chứ không phải đếm từng đồng như người bình thường. Khi B.B hô mọi người gom tiền mua cho tôi một căn nhà ở tạm thì chỉ sau năm phút, trong tay tôi đã có một cục tiền đô, trị giá khoảng hơn hai mươi cây vàng 24K ! Chưa biết sau này B.B và các chiến tướng làm ăn ra sao, nhưng cứ bằng vào việc đối xử với một anh trắng tay như tôi như thế, đủ để nói rằng cái “E-kíp” này rất mạnh, bởi tôi vẫn thường nghĩ, thời nào cũng thế, có tiền mua tiên cũng được !...
* * *
Tôi đang cặm cụi làm cái việc mà B.B đã giao cho thì bất ngờ nhận được tin bố tôi đột ngột qua đời. Tôi phải bay ra Hà Nội chịu tang bố. Trong dịp này, tôi gặp lại một người bạn học cũ hiện đang dạy ở một trường đại học. Tôi khoe chuyện làm báo với B.B thì người bạn nãy rũ ra cười, chảy cả nước mắt và nói :
- Trời đất ơi, cái thằng Báo ấy nó đã lên tới ngạch sếp rồi cơ à ? Ngày xưa, tớ dạy nó ở lớp tại chức đại học báo chí, nó có học hành gì đâu, chỉ ngồi sờ mó mấy cô gái đa tình thôi à ! Tớ nghĩ nó sẽ phất nhưng là phất nhờ làm chủ quán bia ôm cơ chứ !
- Thì nó cũng có dưới tay mấy quán chứ đâu phải một quán !
- Ờ…nó được cái tài “sát gái” và biết đâu tài làm báo mới phát lộ cũng nên ! Nhưng theo tớ, cậu không nên đi theo “phò giúp” nó làm gì vì cậu không phải cái “típ” như nó. Cậu phải làm cái gì đó liên quan tới đất đá…
- Đi buôn bán địa ốc thì mình không đủ tài, còn đi tìm đá quý thì không có võ để chống lại bọn đầu gấu trấn lột…
- Cậu nói tới đá quý, tớ chợt nhớ tới một ông chú họ, xưa đã từng là tướng đặc công, hiện đang làm chủ một công ty vàng bạc đá quý. Ông ta cần viết lại cuộc đời oanh liệt của mình. Để tớ liên lạc với ông ta rồi giới thiệu cậu
Theo lời khuyên của người bạn học, tôi không trở lại gặp B.B nữa mà chui vào thư viện đọc tất cả những sách báo nói về bộ đội đặc công vì tôi muốn có một chút hiểu biết về binh chủng đặc biệt tinh nhuệ này trước khi tiếp xúc với ông tướng đặc công về hưu kia. Mê mải trong thư viện, thời gian trôi qua bên ngoài rất nhanh. Thấm thoát đã hơn một năm trôi qua, người bạn tôi vẫn chưa liên lạc được với ông tướng đặc công. Tôi tính ra hè đường đánh máy thuê kiếm sống qua ngày thì bất ngờ gặp Sáu bụng bự. Sáu lôi tôi vào quán bia và nói :
- Báo vẫn ra đều kỳ nhưng chẳng ma nào mua, các đại lý đều trả lại hết. Cứ cung cách này thì đến sập tiệm. Em ra chuyến này để tiếp xúc các sếp ở một tờ báo khác, nếu thuận buồm xuôi gió, em sẽ làm trưởng đại diện cho họ ở trong ấy !
- Thế cậu bỏ B.B à ? Cùng “dựng cờ lập nghiệp” với nhau cơ mà ?
- Nhưng hắn du côn lắm, ngày nào cũng đá đít, bạt tai em như là đánh đầy tớ ! Không hiểu sao em lại nhịn được như thế ? Nhưng mối tình này cũng phải đến lúc chia tay !
Sáu bụng bự nâng ly bia lên cụng với tôi, tôi chợt giật mình khi thấy trên miệng ly bia, lẫn vào trong đám bọt đang tan dần là những viên trứng cá mà Sáu vừa nặn ra khi đang nói chuyện với tôi ! Tôi không nhịn được, nói :
- Sao cậu ăn uống dơ bẩn thế?
- Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ ! Anh quên câu nói đó à? – Nói rồi Sáu làm một hơi cạn li rồi nói tiếp – Nếu anh khó khăn thì vào làm cho B.B đi, hắn vẫn nhắc anh luôn và không giận anh đâu. H ắn bảo cái số của anh như thế. Còn nếu không, anh chờ một thời gian nữa, em nhận chức mới rồi, sẽ lấy anh làm Phó, nếu anh vui vẻ ô kê !
Sáu bụng bự vừa dứt lời thì B.B đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống kèm với tiếng nói:”A! Thằng phản thùng! Tao cứu mày khỏi tù mục xương mà mày trả ơn thế hả?”. Và rồi B.B hét lên như diễn viên tuồng rồi múa tít mù bài quyền Ngọc Trản, mồm thì đọc vang lên những câu thiệu: “Ngọc Trản ngân đài – Tả hữu tấn khai – Hồi thập tự - Liệng diệp liên ba – Đả sát túc…”, tới câu “Đả sát túc” thì tôi thấy Sáu bụng bự bay ra cửa quán bia như một quả bóng !...
Sau đó, B.B nhẹ nhàng cầm tay tôi dắt ra khỏi quán bia và nhỏ nhẹ nói:”Chỗ này không phải chỗ người có chí lớn lui tới!...Ông anh giang hồ mê chơi quên quê hương quá rồi đó! Cô thư ký riêng của anh chờ anh mỏi mắt! Sao anh nỡ đối xử với người đẹp như vậy?”… Không biết B.B còn nói gì nữa không vì tôi có cảm giác như mình đang bước đi trên một tầng mây xốp rất lớn !...Tôi định rút tay ra khỏi tay B.B để bay theo một đám mây màu vàng, nhưng có tiếng ai đó nói văng vẳng bên tai tôi:”…Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”. Trời ơi, lại là cái ông Vũ Bằng, hình như ông ấy cứ “theo dõi” tôi hoài kể từ khi tôi đọc cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của ông! Nghĩ đến đây, tôi đành để mặc cho B.B dắt đi!...
Cuối năm Tý, TP.HCM
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: Phongdiep.net
nguồn: Phongdiep.net
Home >> Nội dung website >> KẾT NỐI >> Đường Văn
TỪ VĂN MIẾU ĐẾN HỒ HOÀN KIẾM
TỪ VĂN MIẾU ĐẾN HỒ HOÀN KIẾM
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1.
Ở Hà Nội có nhiều di tích văn hóa - lịch sử lớn, song có hai nơi gắn bó với tôi rất bền chặt và tôi đã gửi vào đó rất nhiều kỷ niệm không thể phai mờ, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm. Có rất nhiều lý do để người ta gắn bó với một vùng đất, một địa danh nào đó và sự gắn bó của tôi với Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm cũng có rất nhiều lý do, trong đó có ba lý do quan trọng nhất là:
1/ Nhà bố mẹ tôi ở đường Giảng Võ, mà tôi thì làm việc ở Viện Văn học (Từ năm 1978 đến năm l980), nên ngày ngày tôi phải đi làm (đi bộ) trên tuyến đường Giảng Võ – Cát Linh – Văn Miếu – Nguyễn Thái Học – Tràng Thi – Hồ Hoàn Kiếm – Lý Thái Tổ (Viện Văn học);
2/ Lý do thứ hai là cả hai địa danh này đều có Rùa. Tôi đã đứng ngắm hàng giờ Rùa Văn Miếu cũng như Rùa Hồ Hoàn Kiếm, bởi từ nhỏ tôi đã thích loài linh vật này, lớn lên càng thích hơn bởi nó hợp với tính cách tôi “Chậm mà chắc!”, tôi thích luôn cả những người có tướng cách “Quy bối” – Tướng Rùa, đây là quý tướng, những người có tướng Rùa làm quan ở đâu thì con dân được nhờ!
3/ Lý do thứ ba để tôi gắn bó với Văn Miếu và Hồ Hoàn Kiếm là bởi có một người con gái Hà Thành rất đặc biệt…Truyện ngắn này viết về người con gái Hà Thành đó…
2.
Như vừa nói trên, “Tuyến đường Đau khổ” của tôi có đi qua phố Tràng Thi, ở đó có Thư viện Quốc gia là nơi tôi thường vào đọc sách từ thời còn là sinh viên. Thư viện của Viện Văn học cũng khá đủ sách phục vụ công tác nghiên cứu, song đến Thư Viện Quốc gia vẫn là cái thú riêng của không ít người làm công tác nghiên cứu văn học nói riêng và văn hóa - khoa học nói chung. Tôi thuộc diện của những người “Coi thư viện là nhà”, không những ban ngày mà cả ban đêm cũng chui vào Thư viện, ăn trưa, thường là cả ăn chiều ở Thư viện thì không gọi là nhà thì gọi là gì?
Đến Thư viện Quốc gia còn có một đối tượng, tuy không nhiều nhưng bao giờ cũng có, đó là những học sinh phổ thông Hà Nội (nhà ở gần Thư viện) sắp thi vào Đại học và những người Hà Nội đi “chinh chiến” đó đây giờ được trở về muốn thi vào Đại học. Người con gái mà tôi nói rất đặc biệt tên gọi Tiểu Hà, là học sinh phổ thông nhưng kỳ thi trước vì lý do đặc biệt phải bỏ thi, nên năm sau thi lại, gọi là “Thí sinh tự do”, cũng thường vào đọc sách, ôn thi ở Thư viện. Và chính tại đây – Thư viện Quốc gia – tôi đã gặp Tiểu Hà…
3.
Bữa ăn trưa của tôi (và phần lớn những người khác thời đó – mà người ta gọi là “thời Bao cấp”) tại Thư viện thường là một cái bánh mỳ (không nhân hoặc có nhân – tùy người) hoặc cơm nắm cơm đùm đạm bạc, có vài người còn huy động cả binh chủng “ngô khoai sắn”,(và nếu ở tại Cơ quan cũng thế). Chúng tôi ăn trưa ở những băng ghế đá ngoài sân Thư viện, khá rộng và cũng đẹp như Công viên. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi thì ăn xong chỉ thấy đói hơn lúc chưa ăn! Để giải quyết vấn đề này, tôi thường tới thùng nước công cộng của Thư viện uống cho tới lúc bụng căng như bụng cóc!...
Hình như có người “theo dõi” việc sài nước của công quá trớn đó của tôi, và một lần tôi vừa uống xong gần chục ca nước thì có tiếng nói sau lưng: “Thái quá bất cập! Anh mà uống nước nhiều như thế rất có hại!” Tôi giật mình quay lại và càng kinh ngạc hơn khi trước mặt tôi là một cô gái có khuôn mặt rất giống với nhân vật Ac-si-nha trong phim “Sông Đông êm đềm” (dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Sô-lô-khôp) mà tôi rất có ấn tượng khi xem bộ phim này…Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì cô gái biến mất, trước khi biến mất còn để lại cho tôi một “nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt”! Không biết cô gái cười vì cái gì, chắc là bộ dạng của tôi lúc đó tức cười lắm?
Cô gái có khuôn mặt rất giống nhân vật Ac-si-nha đó chính là Tiểu Hà, cô gái Hà thành rất đặc biệt mà tôi đã nói ở trên!
Tiểu Hà đặc biệt vì ba lý do: 1/ cái tên Tiểu Hà gợi cho ta một cô bé xinh xắn, nho nhỏ nhưng cô lại già trước tuổi có đến gần chục tuổi, vì thế tôi hơn Tiểu Hà gần chục tuổi nhưng tôi có cảm giác như ngang tuổi nhau! 2/ Tiểu Hà đã cùng mẹ chăm sóc người bố nằm một chỗ suốt 5 năm trời rồi lại một mình chăm sóc song thân năm năm nữa khi mẹ cô cũng không thể đi lại được! 3/ Nhà nghèo, lại phải chăm sóc bố, mẹ bệnh tật nhưng Tiểu Hà rất chăm học và có một sự hiểu biết rất sâu rộng, mặc dù cô mới tốt nghiệp Trung học, chưa thi vào đại học, nhưng thực ra cô đã tự học xong chương trình bộ môn Lịch sử của Đại học Sư phạm…
4.
Theo thói quen, trưa hôm sau, tôi lại uống căng một bụng nước! Lần này thì cô gái tới nhẹ nhàng cầm lấy cái ca khỏi tay tôi và nói: “Anh không được uống nước nhiều như thế, máu anh sẽ bị loãng và tai biến sẽ ập đến bất cứ lúc nào!” Trời đất! Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy! Tôi thoáng hoảng sợ và chắc điều đó thể hiện rõ trên nét mặt tôi và khiến cô gái mỉm cười – lại là nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt!...Tôi đang lúng túng không biết nói gì thì một ông thầy học của tôi ở Khoa Văn ĐHTH tới uống nước, thấy tôi đứng trước cô gái thì nói: “Cậu quen Tiểu Hà đấy à?” Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời ra sao thì cô gái – Tiểu Hà nói: “Dạ! Ngày nào em tới Thư viện cũng gặp anh ấy đang uống nước!...” Ông thầy cười, nói: “Thì ra là người quen cả! Cô Hà đánh máy xong tập bản thảo ấy chưa? Có bản thảo mới , mai tới nhà tôi lấy nhé!...” Khi ông thầy đi rồi, Tiểu Hà nói: “Em vẫn thường đánh máy thuê kiếm tiền. Ông thầy của anh nhiệt tình kiếm bản thảo cho em lắm, anh có ông thầy thật là tốt bụng, tính giá cao hơn những người khác!” Tôi lại thêm ngạc nhiên về Tiểu Hà!...
Có nhiều người tới thùng nước công cộng uống nước, chúng tôi đi ra khoảng sân rộng, tiếp tục nói chuyện về đề tài đánh máy. Tôi nói với Tiểu Hà: “Kiếm tiền bằng đánh máy chữ phải siêu lắm vì tiền công rất rẻ mạt. Bà Chung đánh máy ở cơ quan tôi đánh máy cả mười ngón tay, nghe cứ như mưa rào, mà mỗi ngày cũng chưa tới ba chục trang! Tiểu Hà đánh máy kiếm tiền đã lâu chưa, mỗi ngày được bao nhiêu?” Hà cười nhỏ nhẹ, nói: “Em đã phải đánh máy kiếm tiền năm năm rồi, từ khi mẹ em nằm liệt giường. Cả bố và mẹ em đều làm nghề dạy học, đều đánh máy thuê kiếm tiền như một nghề thứ hai!... Giờ đối với em là nghề chính!” Lần này thì tôi ngạc nhiên hết sức bởi với tôi, tự nuôi mình mình mà cũng thấy khó khăn, trong khi Tiểu Hà lại phải gánh một gánh nặng ngoài sức tưởng tượng!...
Thế là từ đó, tôi gặp những bạn học cũ đang làm việc ở các nhà xuất nhận bản thảo về đưa cho Hà đánh máy. Đánh máy cho nhà xuất bản thì tiền công rẻ hơn đánh máy cho cá nhân nhưng có đều và được đọc sách trước thiên hạ! Chính điều thú vị có màu sắc lãng mạn đó đã giúp cô gái có thêm sức mạnh và lòng kiên nhẫn để ngày ngày đêm đêm ngồi bên máy chữ ghép những con chữ vô hồn thành cuộc đời với biết bao sắc màu, âm thanh kỳ ảo!... Lúc đó, tôi cũng thường đánh máy chữ nhưng chỉ ở trình độ “mổ cò” và đánh máy bài viết của mình mà thôi. Vì thế, khi nhìn Tiểu Hà đánh máy, tôi thấy không khác gì nghệ sĩ đàn piano! Chính cái cảm giác đó đã giúp tôi “tiến bộ” rất nhanh về tốc độ đánh máy và chỉ sau một tháng “học mót” cách đánh máy của Hà, tốc độ đánh máy của tôi không thua các tay thợ chuyên nghiệp, nghe tiếng máy chữ cũng như …mưa rào mùa hạ!
5.
Nhà Tiểu Hà ở ngay trên đường Quốc Tử Giám, phía bên phải nếu tính cho người đang đi vào Văn Miếu. Dãy phố này trước đây yên tĩnh dưới những tán cây bàng mát vào mùa hè, buồn về mùa đông, sau này người ta mới mở hàng quán buôn bán ì xèo và nhiều nhất là những đại lý vé số. Con đường qua nhà Tiểu Hà nằm trên tuyến đường tôi vẫn ngày ngày đi qua, như đã nói trên. Song, từ khi quen biết Tiểu Hà, con đường này là điểm dừng thứ hai của tôi sau Thư viện Quốc gia, và cũng là điểm dừng khá lâu. Bởi những lúc rảnh rỗi, thường là viết xong một bài nghiên cứu gì đó, tôi lại tự thưởng cho mình được đến …ngắm Tiểu Hà! Gọi là ngắm nhưng thực ra tôi thường làm một việc gì đó phụ giúp công việc đánh máy của Tiểu Hà, chẳng hạn như đọc cho Tiểu Hà đánh máy, sửa lỗi bản đã đánh máy, hoặc những lúc Tiểu Hà phải chăm sóc bố, mẹ thì ngồi vào bàn gõ máy chữ như …điên!
Tôi đến nhà Tiểu Hà càng thường xuyên hơn khi nói chuyện với ông bố của Tiểu Hà (sức khỏe ông rất kém nên rất ít nói chuyện với khách đến nhà), tôi mới được biết ông đã từng là giáo viên của trường Phổ thông cấp 2 – 3 Lương Ngọc Quyến khi còn dạy học ở Thái Nguyên. Năm 1961, gia đình tôi ở Thị xã Thái Nguyên, tôi học lớp Năm ở trường này, còn ông chỉ dạy ở khối cấp Ba. Tuy thế, từ đó tôi vẫn gọi ông là thầy và phụ với Tiểu Hà trong việc chăm sóc ông. Ông bố Tiểu Hà là một thanh niên Hà Nội gốc, học giỏi và đầy nhiệt huyết. Tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm, ông đã tình nguyện đi dạy ở miền Núi, một phong trào rất sôi động của Thanh niên Thủ đô lúc đó đã để lại dấu ấn trong bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ Bùi Minh Quốc: Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy / Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường!…Ông đã đi hầu hết những huyện miền núi đầy gian khổ của tỉnh Thái Nguyên như Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai…Ai đã ở Thái Nguyên đều biết câu ca buồn: Những người lử khử, lừ khừ /Chẳng ở Đại Từ thì ở Võ Nhai – đó là nói về những người bị bệnh sốt rét! Và chàng thanh niên Hà Nội bố của Tiểu Hà bây giờ đã không thoát được căn bệnh “lưu truyền” đó, chuyển về thị xã Thái Nguyên được vài năm thì bệnh tái phát, trầm trọng hơn, suýt lấy mạng ông! Vợ ông, cũng là con gái Hà Nội, cũng là giáo viên đã đồng hành với ông “trên từng cây số”, tuy không dính bệnh sốt rét như chồng nhưng do cuộc sống kham khổ và khóc thương chồng nhiều mà sức khỏe suy kiệt dần!...
Những lúc đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, ông bố của Tiểu Hà rất thích bàn luận về các nhân vật lịch sử nổi tiếng cổ kim Đông Tây…
Nghe ông nói chuyện, lịch sử như sống lại rất sinh động, với đủ sắc màu vừa rất thực lại cũng rất kỳ ảo! Chẳng hạn như ông bảo, Tại sao La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp không chịu ra giúp Tây Sơn Nguyễn Huệ? Tại vì ông đã biết Tử Vi của Nguyễn Huệ, Huệ đoản mệnh. Còn việc Huệ ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh” thì không đánh cũng thắng bởi đối thủ đã tự hủy diệt!...Hoặc có một nhân vật lịch sử “công nhiều mà tội cũng không đáng chết” nhưng lại nhận cái chết bi thảm là Nguyễn Hữu Chỉnh!...Chỉnh phò giúp Nguyễn Huệ khi mới ra Bắc, lại “mai mối mát tay” cho Huệ với công chúa Ngọc Hân, đó là một kỳ nữ của Bắc Hà, đáng lẽ phải được ghi công đầu, vậy mà…bị “thay ngựa giữa đường”!...Không chỉ hiểu sâu sắc về lịch sử, ông giáo còn là một nhà thơ chưa xuất đầu lộ diện. Ông gần như thuộc hết các nhà thơ lớn của Việt Nam và thế giới, ông đã làm rất nhiều thơ nhưng hầu như không còn giữ bản viết tay nào, bởi ông nói, những cái gì đáng nhớ thì nó sẽ ở mãi trong đầu ông! Song, những lúc ông muốn đọc thơ của ông cho tôi nghe thì sức khỏe ông lại có vấn đề! Thật đáng tiếc!...
6.
Việc tôi đến nhà Tiểu Hà dày hơn đã gặp phải một “lực cản” hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Kề sát nhà của Tiểu Hà là một nhà Đại lý vé số. Đứng tên chủ đại lý vé số và cũng thường ngồi bán vé số là một người khó đoán tuổi, có cái lưng nổi một cục to tướng, mà người ta gọi là “Lưng gù”. Tôi thường không nhìn qua nhà Lưng gù vì chỉ muốn mau chóng vào gặp Tiểu Hà. Một hôm, tôi nhận được tờ giấy học trò, có viết mấy dòng như sau: “Kính gửi Thạch Tiên sinh! Tôi đã điều tra kỹ lý lịch Tiên sinh, biết Tiên sinh đang làm việc ở Viện Văn học, một cơ quan Nhà nước danh giá. Tiên sinh là người đọc sách Thánh hiền, vậy mong Tiên sinh xử sự như một người có văn hóa: Bông hoa Tiểu Hà đã “có chủ”, chính là Tôi - Lưng gù tật nguyền đáng thương! Xin Tiên sinh đừng lui tới nhà Tiểu Hà nữa! Chúc Tiên sinh mọi sự tốt lành! Ký tên: Lưng gù Quadimodo!” Đọc đến chữ cuối cùng, tôi như chân tay rụng rời! Hắn tự nhận là Quadimodo có nghĩa là hắn đã yêu Tiểu Hà từ lâu, đơn phương nhưng quyết liệt! Rõ ràng là tôi không thể “đấu súng” với hắn, “sự nghiệp” của tôi mới bắt đầu, chẳng lẽ chỉ “Bùm” một cái là tan thành mây khói!
Tôi đưa ngay lá thư của Lưng gù cho Tiểu Hà, Tiểu Hà nhìn tôi dở khóc, dở cười, lúng túng một hồi rồi mới nói được: “Xem chừng Lưng gù này còn dữ dội, mãnh liệt hơn cả Quadimodo trong tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà Paris”! Có chuyện này là em chưa kể cho anh nghe, nhân đây em xin nói luôn: Ngay từ khi mẹ em bị bệnh nặng, Lưng gù đã cho bà Mối mai sang xin cưới em và nói sẽ phụng dưỡng bố mẹ em thật tốt cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời! Em thật bất ngờ và rất sợ, nhưng không biết làm thế nào? Bố, mẹ đều bảo khất đến khi nào em thi đỗ vào Đại học sẽ bàn tới chuyện đó. Đây chỉ là kế hoãn binh tạm thời chứ chưa có cách nào dứt khoát. Lưng gù vui vẻ nhận lời và ngày ngày “canh chừng” em như Cai ngục! Hễ ai tới nhà em nhiều và có ý tán tỉnh yêu đương là hắn gửi giấy dọa giết. Hắn cũng định dọa giết anh nhưng bố em bảo anh là học trò cũ của ông hồi ở Thái Nguyên nên hắn mới viết thư giọng điệu nhẹ nhàng, lịch sự như vậy đấy!” May mà tôi đã biết kỹ Quadimodo trong tiểu thuyết nên bình tĩnh suy nghĩ về Quadimodo có thực ở cuộc đời này. Nghĩ đến nát óc không tìm ra được một kế sách nào khả thi, trừ kế cuối cùng trong cái “cẩm nang” Tam thập lục kế: Tẩu vi thượng sách! Nhưng Tẩu như thế nào thật không đơn giản bởi tình cảm của tôi với Tiểu Hải mới ở giai đoạn “Tình trong như đã mặt ngoài còn e !” mà thôi!...
Tôi buồn quá, và bỗng phát hiện ra rằng có quá nhiều chuyện thường chỉ có ở trong tiểu thuyết lại cứ đeo bám tôi hoài! …Tôi đem chuyện Quadimodo hỏi ông Đỗ Văn Hỷ, chuyên gia về văn học Trung Quốc của Viện, cũng rất giỏi Tử vi tướng số, thì ông Hỷ nói: “Anh hùng không qua được ải Mỹ nhân! Nếu cậu tự cho mình là anh hùng thì sẽ chết vì người đẹp, còn nếu cậu là tiểu nhân thì cậu sẽ thắng cái anh chàng Quadimodo Lưng gù đó!” Tôi nói: “Anh nói thế cũng như chưa nói gì? Vấn đề là em có nên tiếp tục đeo bám cô nàng hay “nhường” cho thằng Lưng gù?” Ông Hỷ cười: “Tớ làm sao mà trả lời thay cho cậu được? Thần Tử Vi đứng trước Thần Ái tình cũng bó tay chào thua khi bị Mũi tên vàng của Thần Ái tình bắn trúng!” Nghe ông Hỷ nói vậy, tôi chán nản hết sức, đi bách bộ từ Văn Miếu tới Hồ Hoàn Kiếm đến chục lần mà vẫn chưa nghĩ ra một ý hay nào! Khi tới trước cổng Thư viện Quốc gia, nhìn vào trong sân, thấy Tiểu Hà đang ngồi trên một băng ghế đá như chờ đợi ai, tôi vội đi vào. Lúc tôi vừa ngồi xuống bên cạnh Tiểu Hà như mọi lần thì người nổi da gà khi thấy ở trên một băng ghế đá khác khuất sau một lùm cây, Quadimodo Lưng gù đang ngồi thu lu bất động, mắt nhìn về phía chúng tôi lạnh băng!...
7.
Trưởng Ban Lý luận của tôi có người bạn làm cấp Trưởng phòng ở Sở Văn hóa – TT tỉnh Khánh Hòa, bạn học của tôi cũng làm ở đó, vì thế ông muốn tổ chức cho cả Ban đi Nha Trang, theo “chính danh” là đi thực tế cơ sở. Những năm đầu giải phóng mà tổ chức được một chuyến đi dài ngày vào Miền Nam nói chung (Nha Trang nói riêng) là rất kỳ công…Lúc đó, các thành phố ở miền Nam nói chung và thành phố biển Nha Trang nói riêng vẫn là “vùng đất lạ” đối với người miền Bắc, vì thế việc đi Nha Trang một tháng trời đã giúp tôi “lùi xa mà nhìn rõ hình thế núi non”, tức nhìn lại “vấn đề Lưng gù” một cách tỉnh táo và sáng suốt. Cuối cùng, sau đúng một tháng ở Nha Trang, tôi đã rút ra được cách đối nhân xử thế trong trường hợp phải đối mặt với “vấn đề Lưng gù”: cứ để sự việc phát triển, vận động một cách tự nhiên, không can thiệp thô bạo! Cụ thể hơn là chờ thời gian trả lời! Câu này cũng là một luận điểm quan trọng trong Lý luận văn học nói riêng và văn hóa – nghệ thuật nói chung: Thời gian là vị quan Tòa công minh nhất!...
Và quả nhiên, Thời gian đã đưa cho tôi một đáp án thật…phũ phàng: Khi chuyến tàu Thống Nhất từ Nha Trang vừa về tới Hà Nội, tôi chưa về nhà ngay mà tới nhà Tiểu Hà (Từ Ga Hà Nội về nhà tôi ở Giảng Võ thì đi qua đường phố có nhà của Tiểu Hà) thì chỉ thấy hai người y tá mặc áo Blu trắng toát đang canh chừng bố và mẹ của Tiểu Hà! Những hình ảnh như thế quá quen thuộc đối với tôi (bố mẹ tôi đều làm nghề Y và thường là gia đình tôi ở luôn trong khu tập thể của Bệnh viện) và như báo tin cho tôi biết rằng: bệnh tình của song thân Tiểu Hà có vấn đề! Tôi chưa kịp hỏi gì thì một cô Y tá đưa cho tôi một mảnh giấy. Tôi mở ra và đọc ngay: “Gửi anh Th.!...Em không thể cưỡng lại định mệnh, tức phải cưới Lưng gù để anh ta lo hậu sự cho song thân! Chúng ta không nên gặp nhau nữa! Em: Tiểu Hà!” Khi thấy tôi đã đọc xong thì cô Y tá nói: “Thực ra bố mẹ của Tiểu Hà đã chết, nhưng chưa phát tang để tiến hành “Cưới chạy tang”, mọi người đang làm đám cưới ở nhà hàng Phú Gia!... Anh có vào chào hai ông bà thì vào đi rồi về ngay! Tiểu Hà có nhờ tôi nói thêm với anh như vậy!...”
Tôi không còn nhớ cảm giác của mình lúc đó như thế nào, nhưng chắc là bộ mặt vốn đã khá nhàu nát của tôi lúc đó kỳ dị lắm, khiến cho cô Y tá nói xong thì bật khóc! Không biết cô Y tá khóc vì thương cảm cho tôi hay cho Tiểu Hà?
8.
Ngay ngày hôm sau, tôi cho tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân của tôi vào cái ba-lô Con Cóc từ thời đi lính còn giữ lại và đến thẳng phòng làm việc của tôi ở Viện Văn học, tức đêm đêm tôi sẽ ngủ ngay trên bàn làm việc. Và thế là từ đó, tôi không còn ngày ngày đi trên tuyến đường từ đường Giảng Võ qua Văn Miếu Quốc Tử Giám đến Hồ Hoàn Kiếm để tới cơ quan ở đường Lý Thái Tổ nữa! Tuyến đường vừa mới như là mạch máu trong cơ thể bỗng chốc trở thành “Con đường đau khổ”!
Thời gian lại đem đến cho tôi một đáp án mới của cuộc đời: Tôi không làm việc ở Viện Văn học nữa mà chuyển về Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật ở đường Đê La Thành (đối diện với Nhạc viện Hà Nội). Như thế tuyến đường Từ Văn Miếu đến Hồ Hoàn Kiếm có thể được xóa đi vĩnh viễn, tôi sẽ thoát khỏi sự ám ảnh vì cứ phải cố tránh “Con đường đau khổ” mỗi khi đi từ cơ quan ở Lý Thái Tổ về nhà ở Giảng Võ! Nhưng thực ra, sự ám ảnh này không hề buông tha tôi và cứ như là “ngựa quen đường cũ”, thỉnh thoảng đôi chân vạn dặm của tôi lại vô tình (hay cố ý) đưa tôi đi qua nhà Tiểu Hà. Và sự đời trớ trêu ở chỗ, lần nào tôi đi ngang qua nhà Tiểu Hà cũng đều nhìn thấy Nàng, nhưng trong những cảnh huống khiến trái tim tôi thêm tan nát, chẳng hạn như cảnh tượng sau: Tiểu Hà vừa đi làm về , còn đứng ngoài hiên, thì người chồng Lưng gù đã từ bàn vé số bật dậy, nhanh như vượn, nhào tới ôm chặt lấy Tiểu Hà rồi hôn hít lên khắp người Tiểu Hà, không chừa chỗ nào!...
Sài Gòn, 2008-2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net
|
Xem thêm:
THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - PHONGDIEP.NET :: PHONGDIEP.NET
Ông đốt đi (Nhật kí nhân viên văn phòng - truyện ngắn của Phong Điệp) ... THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu thuyết mini của Đỗ Ngọc Thạch (tiếp theo và hết) ...THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - PHONGDIEP.NET :: PHONGDIEP.NET
THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG - Tiểu thuyết mini của Đỗ Ngọc Thạch (chương 1- 3 ...57 Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net:
2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
9.TƯỢNG NHÀ MỒ 10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO 51.NGƯỜI MẸ VÀ NHỮNG ĐỨA CON 52.CÔ GÁI VÙNG CAO 53.SƯ PHỤ CỦA SƯ PHỤ VÀ SƯ PHỤ
54. HÀNH BINH THẦN TỐC 55. LÁ THƯ TUYỆT MỆNH;
56. ĐÁM MÂY HÌNH TRÁI TIM - Đỗ Ngọc Thạch; 57. TÌNH YÊU BÃO TÁP - Đỗ Ngọc Thạch'Bỏng mắt' với siêu mẫu Anh thế hệ 9X
TPO - Chân dài 9X Alexina Graham đã có những khoảnh khắc không thể "nóng" hơn trên Revue De Modes #22 (Pháp). Thân hình gợi cảm cùng những đường cong chuẩn khiến người xem ngây ngất.
Thực ra bà chủ nhà trọ, có cái tên rất đẹp là Thiên Hà, đã "tái xuất giang hồ” trăm phần trăm, có nghĩa là bà đã trở lại ngôi vị Tú Bà với Nhà hàng Bồng Lai. Việc bà mối mai Liễu cho ông chủ tịch Phường - Ngày đăng: 16/04/2011. Lần đọc: 3278 . Cập nhật bởi: DiepAnhMãi đến "Nửa đêm giờ Tý canh ba”, những người khách cuối cùng mới khật khưỡng rời khỏi nhà hàng Bồng Lai- một nơi du hý của những khách VIP, ẩn sâu trong một con hẻm sâu hun hút. - Ngày đăng: 16/04/2011. Lần đọc: 3361 . Cập nhật bởi: DiepAnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét