Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Huyền thoại Lý Toét; Trạng Me...

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch- Trích: Huyền thoại Lý Toét; Trạng Me...


Giá vàng đang đối mặt sức ép giảm không nhỏ - Ảnh: Bloomberg.
truyen ngan do ngoc thach


Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vannghechunhat.net:

TƯỚNG SÁT PHU

satphuMột buổi sáng cuối Xuân đầu Hạ, hai chú tiểu của chùa Pháp Vân ra mở cổng chùa thì thấy một cái bọc nhỏ đặt trong một cái hộp giấy cứng không có nắp đậy, trong cái bọc đó là một đứa bé gái khoảng một tháng tuổi, đang thiếp ngủ ! Mười ba năm sau, đứa bé gái bị cha mẹ bỏ vào nhà chùa đó đã trở thành một thiếu nữ mắt phượng mày ngài, mặt trái xoan, dáng dấp thanh tú.

Cô gái Sơn Tây và anh lính binh nhì

congaisontaySơn Tây từ xa xưa đã là phên giậu của kinh đô Thăng Long . “Vùng đất Sơn Tây nẩy một ông / Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hung  /Sông Đà núi Tản ai hun đúc ?/ Bút thánh câu thần sớm vãi vung…”– ông này là ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, thi sĩ quái kiệt củahai thế kỷ, là một trong số ít những ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời văn chương Việt Nam ở thế kỷ 20.

Huyền thoại Lý toét

nha_ba_kienLàng Tứ Thủy là một Làng cổ của xã Thanh Thủy, một vùng đồng chua nước mặn. Một năm cấy hai vụ thì "Chiêm chua, Mùa thối”. Đó là bài hát buồn muôn thuở về cảnh vật Làng quê.

Con gái viên đại úy

hoasim1.“Tên khai sinh của tôi là Cầm Tịnh . Họ Cầm là một họ lớn của người Thái Tây Bắc, bỏ chữ Cầm tôi cũng tiếc lắm, nhưng tôi vẫn thích được gọi là Thanh Tịnh hơn, bởi vì được mang tên nhà thơ là một vinh dự lớn không dễ gì có được !” – đó là câu tự giới thiệu khi có ai đó hỏi : “ Nhà thơ Thanh Tịnh là người xứ Huế sao ông lại nói giọng Bắc ?”

Cô Dâu Gặp Nạn

Nghe nói Trần Thị Thương Huyền là hậu duệ của Công Chúa Huyền Trân (*) nên đám cưới của Thương Huyền và Lê Tiền Tài sẽ rất đông người tới dự.


trích:

Huyền thoại Lý toét

nha_ba_kienLàng Tứ Thủy là một Làng cổ của xã Thanh Thủy, một vùng đồng chua nước mặn. Một năm cấy hai vụ thì "Chiêm chua, Mùa thối”. Đó là bài hát buồn muôn thuở về cảnh vật Làng quê. Còn về con người, đi khắp Làng, nhìn ai cũng thấy che cái khăn sùm sụp trên mặt vì bệnh đau mắt. Bệnh đau mắt cũng có ở mọi nơi, nhưng thỉnh thoảng mới có, gọi là dịch; chẳng hạn như Dịch đau mắt đỏ! Nhưng ở Làng Tứ Thủy, bệnh đau mắt diễn ra thường xuyên, quanh năm suốt tháng với rất nhiều "thể loại” như đau mắt đỏ, đau mắt hột, mắt lông quặm, viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, v.v… nên đã tàn phá đôi mắt của con người Làng Tứ Thủy thành mắt toét, vì thế, Làng Tứ Thủy còn có tên gọi là Làng Mắt Toét! Con gái Làng Mắt toét có câu ca để "Thanh minh” cho sự Toét mắt của mình như sau: Toét mắt là tại hướng đình/ Cả Làng mắt toét chứ mình em đâu! Mấy ông Thầy Địa Lý thì bảo "Toét mắt” không phải tại "Hướng Đình” mà tại "Long mạch”, tức nguồn nước. Thực ra, nguồn nước chỉ là phương tiện truyền bệnh, tức khi bệnh phát tán thì hệ thống ao hồ dày đặc và rất dơ bẩn giúp cho bệnh lây lan rộng khắp cả Làng!

Người Làng Mắt Toét cho dù có đi đâu, có được cái may mắn chữa khỏi bệnh Mắt Toét thì cũng không thể xóa hết "dấu vết” của "Một thời Toét Mắt”, tức nhìn kỹ vào mắt của người Làng Mắt Toét, ta vẫn có thể nhận ra những "vết sẹo nhỏ” do con mắt đã bị tổn thương!

*

Ở Việt Nam , dưới thời Phong kiến và Pháp thuộc, Lý Trưởng là Cường hào cai trị một xã. Lý Trưởng là chức quan cai trị nhỏ nhất trong hệ thống cai trị của giai cấp thống trị, không phải trải qua các kỳ thi cử như Quan Huyện, Quan Phủ trở lên. Là chức quan nhỏ nhất nên việc bổ nhiệm chức danh Lý Trưởng là do các Quan Thượng cấp quyết định (Quan Phủ hoặc Quan Huyện) và thường rất tùy tiện và có thể là "món hàng” kẻ bán người mua. Chuyện "mua Quan bán Tước” chủ yếu là diễn ra ở chức quan này, rất công khai. Đương nhiên các chức quan cấp Huyện, Phủ cũng có thể mua bán nhưng phải giao dịch qua "Chợ Đen” bởi việc bổ nhiệm được "Công khai” là phải lấy những người đã đỗ đạt. 

Lý Trưởng xã Thanh Thủy có tên là Nhãn, là người Làng Tứ Thủy, tức "Làng Mắt Toét”. Phàm đã là người Làng Tứ Thủy thì phải trải qua "Toét Mắt”, cũng như đã là người ở các huyện Miền Núi như Đại Từ, Võ Nhai (Thái Nguyên) thì dứt khoát phải kinh qua bệnh Sốt Rét! Có điều lạ là bệnh Mắt Toét cũng có "đẳng cấp”, tức người càng có quyền hành, chức tước lớn càng có "cường độ Toét” cao hơn! Cứ như là độ nặng, nhẹ của Mắt Toét là đẳng cấp của phẩm hàm, huân huy chương! Chính vì thế, người dân ở "Làng Mắt Toét” không chủ động, tích cực chữa trị khi bị "Mắt Toét” mà ngược lại, thấy ai gọi thầy thuốc về nhà họ còn đuổi đi và nói: "Thần Trùng đã nhập vào rồi thì để yên cho Ngài ngự, chọc giận Ngài là Ngài cho nổ con ngươi ra đó!”. Và hầu như ai cũng nghĩ là khi nào khỏi thì tự nhiên nó khỏi! (Suy nghĩ này cũng đúng một phần, song chỉ ở những thể nhẹ và sức đề kháng của cơ thể có mắt nhiễm bệnh phải thật mạnh…).

Khi Lý Trưởng còn là học trò, cậu được cho về Hà Nội trọ học và có lúc đã mơ ước trở thành thầy thuốc, nên cậu đã tìm đọc khá kỹ những tài liệu của các thầy thuốc người Pháp về cái bệnh "truyền đời” của Làng là bệnh Mắt Toét. Cậu có thể nói vanh vách cho dân Làng Tứ Thủy về bệnh "Mắt Toét” là do Đau Mắt Đỏ và Mắt Hột. Khi mới tìm hiểu về bệnh "Mắt Toét” của Làng mình, cậu học trò Nhãn suy nghĩ mãi hai điều: 1/ Tại sao Làng mình lại có bệnh "Mắt Toét” lưu truyền dai dẳng như thế? 2/ Phải tìm cách chữa trị tận gốc, tiệt nọc cái bệnh "Mắt Toét” cho Làng Tứ Thủy. Việc làm đầu tiên mà cậu học trò Nhãn làm là biên soạn, viết lại rõ ràng "Những điều cần biết” về bệnh Mắt Toét rồi đem về Hà Nội thuê in thành những tờ giấy gập đôi lại thành như bốn trang giấy của cuốn vở học trò. Thường là sau những buổi thuyết trình về bệnh "Mắt Toét” ở bất cứ một tốp người, đám người nào do cậu Nhãn chủ động tụ tập hoặc nhân một buổi ngẫu nhiên gặp đám đông, cậu Nhãn đều phát cho mỗi người một tờ giấy có in "Những điều cần biết về bệnh Mắt Toét”! Vì thế, chỉ sau nửa năm, hầu như nhà nào ở Làng Tứ Thủy cũng có "Tờ rời” về bệnh Mắt Toét! Nội dung "Tờ rời” ấy như sau:

"Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh Viêm kết mạc, là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở mọi thời gian trong năm. Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virut. Triệu chứng ban đầu của bệnh chỉ là ho, sốt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ... Bệnh đau mắt đỏ được lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân (khăn mặt), nguồn nước. Bệnh đau mắt đỏ nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu chữa trị không dứt điểm sẽ bị viêm, loét giác mạc. Để phòng ngừa bệnh cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác.

Mắt hột là Viêm Kết mạc-giác mạc mãn tính, đặc điểm là hình thành những hột và những tổn thương sẹo ở mắt. Mắt hột rất dễ phát triển và lây lan, là một trong những bệnh gây mù lòa và mù hẳn nhiều nhất. Bệnh thường xảy ra nhiều ở vùng nông thôn do điều kiện vệ sinh kém. Và một trong những biểu hiện biến chứng của mắt hột ta thường thấy và gọi nôm na là bị "Mắt Toét": Trụi lông mi, mắt ướt, bờ mi sưng mọng đỏ.

Bệnh mắt hột biểu hiện rất đa dạng, đa hình, có những trường hợp nhẹ nhàng không cần điều trị cũng tự khỏi, nhưng đôi khi rất nặng nề và nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa. Thông thường có hai thể: thể nhẹ và thể nặng.

- Thể nhẹ: (còn gọi là mắt hột đơn thuần) tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp biểu mô kết mạc và dừng lại ở đó. Bệnh nhân chỉ ngứa mắt, xốn mắt, mỏi mắt, đôi khi hay chảy nước mắt. Thể này không để lại di chứng và không gây mù. Bệnh có thể tự khỏi nếu không bị tái nhiễm.

- Thể nặng: xâm nhập xuống cả những lớp sâu bên dưới của mắt. Biểu hiện bệnh trầm trọng, nặng nề và kéo dài, không thể tự khỏi nếu không được chữa trị tốt. Có thể gây nhiều biến chứng, và có thể dẫn đến mù lòa. Thông thường mắt hột có thể gây ra các biến chứng sau đây:

- Viêm kết mạc mãn tính: làm cho mắt đỏ, lèm nhèm quanh năm.

- Sạn vôi kết mạc: Do các ổ loét trên kết mạc đọng vôi vào chất tiết bã hình thành, nhìn giống như hạt cát có màu trắng đục, lúc đầu nằm ở sâu về sau trồi dần lên. Khi chớp mắt các sạn vôi này cọ sát làm cộm mắt rất khó chịu.

- Lông quặm, lông siêu (hình lông quặm): là tình trạng lông mi bị xiêu vẹo, biến dạng, quặp vào như bàn chải chà vào giác mạc gây tổn thương, trầy sướt giác mạc gây sẹo lồi trên giác mạc, làm mờ đục giác mạc, loét giác mạc, nguy hiểm hơn nếu kết hợp với tình trạng nhiễm trùng sẽ gây viêm mủ nhãn cầu phải khoét bỏ mắt hoặc làm teo mắt và gây mù. Có ba mức độ quặm là: Lông mi dọa chạm vào giác mạc, Lông mi đã chạm vào giác mạc và Lông mi chạm nhiều vào giác mạc, quét trên bề mặt giác mạc.

- Viêm sụn mi: là tình trạng dày lên, xơ hóa, làm biến dạng sụn mi.

- Loét giác mạc: bệnh nhân có tình trạng đau mắt, nhức mắt, sợ ánh sáng… bệnh nặng sẽ làm biến dạng giác mạc gây loạn thị, đục giác mạc và dẫn đến mù lòa.

- Bội nhiễm: Khi bị bệnh mắt hột, mắt của bệnh nhân sẽ sưng, giác mạc bị tổn thương, giảm khả năng chống chọi với những thâm nhập từ bên ngoài, dễ bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi và cả nhiễm vi nấm, những tác nhân này sẽ dẫn đến viêm giác mạc, loét giác mạc, nặng có thể gây mù lòa.

- U hột của bệnh mắt hột: u hột ở vùng rìa lan vào đồng tử và có khi có cả trên toàn bộ giác mạc.

- Loạn thị: do sạn vôi và các sẹo mắt hột cọ sát lâu ngày trên giác mạc làm giác mạc gồ ghề, lởm chởm, sai lệch đường đi của ánh sáng vào mắt gây loạn thị, giảm thị lực.

- Khô mắt, khô giác mạc: do các ống tuyến bị teo, giảm tiết dịch. Mắt trắng khô như mắt tượng, mờ hẳn. Khô mắt có thể dẫn tới tình trạng loét giác mạc, thủng giác mạc và gây mù mắt.

- Viêm tuyến lệ, tắc ống dẫn lệ: làm mờ mắt, chảy nước mắt sống”.

Kèm theo nội dung trên là hình vẽ các dạng "Mắt Toét”, ai xem lần đầu cũng đều kinh hãi!...

Còn các Già Làng, người thì phải thừa nhận: "Gần sáu, bảy chục năm nhìn thấy Mắt Toét, sống chung với Mắt Toét, đã từng trải qua Mắt Toét, vậy mà khi đọc "Tờ rời” của cậu Nhãn thì cứ như là lần đầu tiên biết về Mắt Toét!”; người thì nói: "Mình bị Toét Mắt mấy chục năm mà đọc "Tờ rời” của cậu Nhãn cứ như lạ như quen!:,v.v…

*

Cậu Nhãn Tuy nổi tiếng là người chăm học, hiểu biết nhiều, đặc biệt là về bệnh "Mắt Toét” nhưng bao nhiêu những lần thi cử mà cậu tham dự đều không đậu. Người ta chỉ có thể giải thích lý do thi trượt hoài của cậu Nhãn bằng câu "Học tài, thi phận”. Và cứ như một sự sắp đặt, cậu Nhãn thôi không lao theo chuyện Lều chõng thi cử nữa mà miệt mài nghiên cứu chữa bệnh Mắt Toét cho người Làng Tứ Thủy. Và cũng chỉ sau một năm, kể từ ngày cậu Nhãn đi "Thuyết giảng” cho dân Làng Tứ Thủy rồi phát "Tờ rời” về bệnh Mắt Toét, cậu đã trở thành một "Danh y” chuyên trị bệnh Mắt Toét! Song có điều rất đặc biệt là những bệnh nhân của cậu Nhãn là người ở các Làng lân cận trong vùng thì khỏi bệnh nhanh và không tái nhiễm bệnh, còn là người Làng Tứ Thủy thì phần lớn là "Tái nhiễm bệnh”! Điều này khiến cho cậu Nhãn không thể bỏ qua câu nói lưu truyền "Toét Mắt là tại hướng đình” và cậu bắt đầu hướng sự chú ý của mình vào vị trí cũng như "Hướng Đình” và "Địa thế” của Làng Tứ Thủy…

Cậu Nhãn cũng được nghe một số người giải thích đình làng là phải quay về hướng Nam nhưng thực tế lại không phải như vậy. Có rất nhiều những ngôi đình không quay về hướng Nam mà nó chỉ quay về hướng có con sông, tức theo thuyết phong thủy thì trước mặt của kiến trúc Đình là trường lưu thủy và phải chọn thế đất để cất đình là bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ, phía sau là Hắc Quy, trước có án (Châu Tước).

Như vậy là khi xây cất đình làng, vấn đề không phải là hướng mà là thế đất có hợp phong thủy không, có hội đủ các yếu tố về phong thủy không…

Khi chuyên tâm vào tìm hiểu chuyện Địa thế của Làng Tứ Thủy, cậu Nhãn bỗng phát hiện ra rằng Làng Tứ Thủy có thế "Ngọa Hổ tàng Long”, vì thế có chuyện "Mắt Toét” thì cũng chẳng sao, bởi sự đời đâu có "vẹn cả đôi đường” mà được bề này thì mất bề kia, đó là "Luật bù trừ” của Tạo Hóa vậy!

Chính khi cậu Nhãn không chuyên vào việc chữa bệnh Mắt Toét nữa thì lại có hai con bệnh vào "loại sộp” tới xin chữa: đó là Quan Tri Huyện đương nhiệm và Quan Huyện Phu nhân!

Phải nói qua về cách chữa bệnh Mắt Toét của cậu Nhãn. Mặc dù cậu Nhãn tìm hiểu về bệnh "Mắt Toét” qua những tài liệu của người Pháp, thời đó còn rất hiếm hoi, nhưng cậu lại không chữa bệnh theo cách "Tây Y” (sẽ rất tốn kém) mà chữa bệnh Mắt Toét theo cách riêng của mình, tức do cậu tự nghĩ ra! Chẳng hạn một cách chữa như sau: cho một con chó (đã được huấn luyện rất kỹ) liếm sạch hai con mắt toét cho khô rồi lấy nước Long Nhãn (ép ra từ cùi quả Nhãn Lồng) nhỏ vào hai con mắt hai lần, cách nhau một khắc (mười lăm phút), sau đó tĩnh dưỡng một ngày, là xong. Rất nhiều người khỏi nhờ cách chữa này, nếu không hợp với cách này thì chuyển sang cách khác! Nói chung, đối với người bệnh nào thì dùng cách nào là hoàn toàn do sự mách bảo của "cảm giác” chứ không hề có một công thức (đơn thuốc) cứng nhắc có sẵn!... Nếu có ai tò mò hỏi tại sao cậu lại nghĩ ra những cách chữa bệnh "không giống ai” như thế thì cậu thì thầm: "Đó là do Đại Tiên Thần Y Thái Thượng Lão Quân mách bảo, chứ ta làm sao nghĩ ra nổi!”…

Lại nói về Quan Huyện đương nhiệm. Quan Huyện là người Làng Tứ Thủy đã hai đời. Tuổi trẻ của Quan Huyện được theo cha sang Pháp công cán gần hai năm và khi về nước đã đem theo một bà vợ người Pháp. Bà vợ người Pháp này chẳng phải danh gia vọng tộc gì và về hình thức thì không đẹp, nhưng khi về xứ An Nam thì lại có giá cao hơn ở chính Quốc rất nhiều và cũng vì thế mà chồng bà được nhận chức Quan Tri Huyện rất thuận lợi. Quan Huyện rất ít khi về Làng mà không hiểu sao, lần nào về Làng thì lập tức bị… nhiễm bệnh Mắt Toét. Lần ấy, cả Quan Huyện và bà vợ Đầm Tây cùng về Làng ăn giỗ và cùng bị đau mắt rất nặng! Chợt nhớ đến lời đồn về tài chữa bệnh Mắt Toét của cậu Nhãn, liền cho người đến nói: "Nếu cậu chữa khỏi bệnh cho Quan Huyện và Bà Huyện người Tây thì sẽ được nhậm chức Lý Trưởng!”. Lúc đầu, cậu Nhãn cũng không thích thú chuyện làm Lý Trưởng và cũng ngại chữa bệnh cho quan lại, sợ không khỏi thì lôi thôi! Nhưng người "sư gia” của Quan Huyện rất giỏi thuyết phục nên cậu đã nhận lời và không ngờ chỉ ba  ngày sau, cả Quan Huyện và Bà Huyện đều khỏi, đôi mắt Quan Huyện  lại sáng lấp lánh và đôi mắt Bà Huyện lại sáng long lanh! Đương nhiên, sau đó cậu Nhãn nhận chức Lý trưởng ngay vì Lý Trưởng cũ đã quá già yếu! Từ đây, người Làng không gọi là Cậu Nhãn nữa mà gọi là Lý Nhãn. Được hai tháng thì Lý Nhãn nhiễm bệnh đau mắt rất nặng, chữa bằng mọi cách đều không khỏi, vì thế dân Làng gọi là Lý Nhãn Toét, tức Lý Mắt Toét, gọi tắt là Lý Toét!...

*
Lý Nhãn cứ suy nghĩ mãi không hiểu tại sao từ ngày nhận cái chức quan Lý Trưởng bé như hạt vừng này mà lại bị toét mắt, bèn đi hỏi mấy thầy Tướng số, Tử vi. Không hẹn mà gặp, thầy nào cũng nói như nhau: Không có nhỏ sao có lớn, cứ chịu khó tích tiểu thành đại, thế nào cũng có ngày làm chức quan to như cái Đình! Nghe thì không sai nhưng tin thì khó tin. Đang băn khoăn thì có người mách nước: Quan Tỉnh có người vợ yêu cực kỳ xinh đẹp, mà chủ ở đôi mắt, vừa long lanh như giọt sương mai, vừa sắc như dao cau! Người vợ đó của Quan Tỉnh đã ba năm liền giữ ngôi Hoa khôi mắt đẹp! Nay ta bí mật đem "Trùng Toét Mắt” tới thả vào khăn lau mặt của vợ Quan Tỉnh, tất nhiễm bệnh Mắt Toét! Đến lúc ấy… Lý Nhãn cho là diệu kế liền nghe theo. Quả nhiên, khi Quan Tỉnh bỗng thấy mắt người vợ yêu của mình đỏ như mắt cá chầy thì hoảng sợ vô cùng! Có người nói nên kêu Lý Nhãn tới chữa, liền cho người tới gọi ngay! Lý Nhãn khấp khởi mừng thầm, nghĩ bụng: Lần này ta phải chủ động ra yêu sách đòi chức Quan Huyện nếu chữa khỏi mắt cho Quan Tỉnh phu nhân! Lý Nhãn dắt theo con chó chuyên "làm sạch mắt” đi ngay!

Khi Lý Nhãn tới nơi thì bệnh của vợ Quan Tỉnh đã rất nặng. Quan Tỉnh thấy Lý Nhãn thì mừng quýnh, nói: "Đôi mắt của Bà Lớn nhà ta là nơi ánh sáng của Nhật Nguyệt hội tụ, mặt hồ thu cũng không sánh được! Vậy mà… Vì thế, nếu nhà ngươi chữa khỏi, xin xỏ điều gì ta cũng cho toại nguyện!”. Lý Nhãn liền "hành nghề” ngay, sau khi đã nhận được lời hứa là sẽ cho nhậm chức Quan Tri Huyện nếu lấy lại được vẻ đẹp như trước của đôi mắt của người vợ yêu của Quan Tỉnh. Trong nghề Y, tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra với bất cứ ai, cho dù là Danh Y. Và lần này thì xảy ra với Lý Nhãn: Khi Lý Nhãn cho con chó "làm sạch mắt” người bệnh thì con chó đã nuốt luôn cả hai con ngươi của Hoa Khôi Mắt đẹp!...

Sau "sự kiện” đó, nhờ có tiền lo lót Quan Tòa, Lý Nhãn chỉ bị kết án ngồi tù năm năm. Những tưởng là sẽ chết rũ trong tù, nhưng Lý Nhãn lại gặp may: Ở trong tù, có rất nhiều tù nhân bị toét mắt, cả mấy lính canh và Cai Ngục cũng không thoát khỏi mắt toét. Và Lý Nhãn đã chữa khỏi mắt toét cho Cai Ngục và mấy người lính canh không khó khăn gì! Chính vì thế, chỉ sau một năm là "Thượng khách” ở trong tù, Lý Nhãn được ra tù!

Ra tù, Lý Nhãn đã mất chức Lý trưởng, đương nhiên. Lý Nhãn đang bơ vơ không biết làm gì thì có một người cùng Làng, là bạn học từ thời để chỏm, đang hành nghề chữa bệnh Mắt ở Phố Huyện, tìm gặp và nói: "Tôi nghe nói về cái vụ con chó của ông nuốt gọn hai con ngươi đôi mắt của người vợ yêu  Quan Tỉnh rồi! Nay tôi muốn ông làm chính cái việc "nuốt con ngươi” đó cho Phòng Mạch của tôi ở Phố Huyện!”. Lý Nhãn ngớ người, hỏi: "Thế là thế nào? Ông lại muốn tôi đi tù nữa hay sao?”. Người bạn cười nói: "Không phải con ngươi nào cũng nuốt mà chỉ nuốt những con ngươi đã bị hỏng, thay vì phải múc bỏ đi, gây đau đớn cho người bệnh thì cho con chó của ông nó nuốt chửng! Người bệnh sẽ không đau đớn mà chỉ có cảm giác "Nhột” một cái mà thôi! Như thế mà ông chưa hiểu sao?”. Lý Nhãn nghe vậy thì cười chảy nước mắt, hồi lâu mới nói được: "Cách chữa bệnh của ông thật là quái chiêu, tôi xin theo phò giúp!”. Thế là từ đó, Lý Nhãn chuyên lo việc điều khiển con chó của mình làm cái việc "Nuốt con ngươi”. Một thời gian sau, con chó chết, Lý Nhãn miễn cưỡng phải làm thay. Lúc đầu còn dụt dè, chỉ nửa tháng sau thành quen rồi…nghiện, tức ngày nào không có con ngươi hỏng để mà… nuốt thì Lý Nhãn coi như chưa ăn uống gì!...

*
…Khi hệ thống chính quyền mới được thiết lập, cái chức Lý Trưởng không còn nữa. Nhưng không vì thế mà người ta đã quên ngay Lý Trưởng Lý Nhãn, tức Lý Nhãn Toét, tức Lý Mắt Toét, tức Lý Toét! Song khi muốn hỏi gặp Lý Toét thì không phải ai cũng biết. Chỉ có những người mang ơn Lý Toét chữa mắt toét thì mới biết Lý Toét đang ở đâu. Đó là trên bàn thờ dòng họ của Chủ tịch UBND Xã Thanh Thủy: tấm ảnh truyền thần cỡ 40x60 cm, là hình bán thân của một người đầu đội khăn xếp, khuôn mặt không có gì đặc biệt, chỉ khác thường ở chỗ cái kính dâm (kính mát) quá to đã che hết đôi mắt của người trong ảnh, khiến cho người ta không thể nhận ra người trong ảnh thờ là ai? Nếu có ai tò mò, gặng hỏi ông Chủ tịch UBND Xã Lý Nhã thì ông nói nhỏ: "Lại thắp nhang cho ông cụ Lý Nhãn nhà tôi đi! Ông thiêng lắm, cầu gì thì cầu nhưng chỉ được một điều mà thôi!”. Khi người khách tới thắp nhang cho ông Lý Nhãn xong, lẩm nhẩm cầu khấn xong, ông Lý Nhã thường hỏi "Vừa cầu gì đấy?”, thì đều được nghe câu trả lời: "Tôi cầu không bị toét mắt!”… Khi nghe nói vậy, ông Lý Nhã chợt thấy ngứa mắt, liền đưa tay lên gỡ cái kính dâm ra, dụi mắt một hồi rồi lẩm bẩm: "Ông có thiêng thì phù hộ cho tôi lên chức Phó chủ tịch Huyện, có bị toét mắt cũng chẳng sao!”…

Sài Gòn, Tháng 1-2010

Đỗ Ngọc Thạch 

nguồn: vannghechunhat.net


Trạng Me đè trạng Ngọt

Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh.
Hứa Tam Tỉnh thuở nhỏ học rất giỏi nhưng gia cảnh nghèo túng, dung mạo thì xấu xí, thấp lùn lại đen đủi. Tài học của Tam Tỉnh nổi tiếng cả trấn Kinh Bắc thời ấy. Cùng thời với Tam Tỉnh, có Nguyễn Giản Thanh là người ở làng Me (tên chữ là Hương Mặc), xã Minh Đức, huyện Tiên Sơn cũng tỉnh Bắc Ninh. Tài học của Giản Thanh cũng nổi tiếng trong trấn nhưng trong bụng Giản Thanh rất kiêng nể Tam Tỉnh. Kỳ thi Hội khoa Mậu Thìn đời vua Lê Uy Mục (1508), hai người cùng đi thi. Qua các kỳ thi Hội rồi thi Đình, bài của họ Hứa đều xuất sắc hơn bài của họ Nguyễn. Các quan chấm thi đều nhất trí là lấy Hứa Tam Tỉnh đỗ đầu, tức Trạng nguyên, còn Nguyễn Giản Thanh đỗ thứ hai tức Bảng nhãn, và người đỗ thứ ba tức thám hoa là Nguyễn Hữu Nghiễm.
Ba vị đỗ cao được tiếp kiến Long nhan. Lúc đó, bà Kinh Phi (mẹ vua) cũng có mặt, nhìn thấy Giản Thanh mặt mũi sáng sủa đẹp trai hơn cả thì liền chỉ Giản Thanh mà hỏi quan chủ khảo: “Người này chắc là Trạng nguyên?” Quan chủ khảo không muốn phật ý mẹ vua nên lúng túng, đoạn chỉ cả vào Giản Thanh và Tam Tỉnh mà tâu rằng: “Hai người này tài học ngang nhau nên chúng tôi chưa biết lấy ai đỗ Trạng. Xin mẫu hậu và Hoàng thượng phán xét”. Vua cũng biết là văn tài của Tam Tỉnh hơn Giản Thanh nhưng ngó thấy bà Kinh phi đang nhìn Giản Thanh với ánh mắt long lanh đắm đuối thì vì muốn chiều lòng mẹ nên mới ra thêm bài phú Phụng thành xuân sắc (cảnh mùa xuân ở kinh đô) để xét tài cao thấp.
Giản Thanh nghĩ, nếu làm bằng chữ Hán thì sẽ không thể cao xa thâm thúy bằng Tam Tỉnh, chi bằng làm bằng chữ Nôm, hình ảnh bóng bẩy, câu văn yểu điệu tất mẫu hậu sẽ hiểu được và thích thú. Tức thì Giản Thanh ứng khẩu đọc liền một mạch:
Chợ hòe đầm ấm, phố ngọc tần vần,
Trai lanh lẹ đá cầu vén áo;
Gái éo le rủ yếm dôi quần.
Khách Tràng An cưỡi ngựa xem hoa, rợp đường tử mạch;
Chàng công tử ngự xe trương tán, rạng mực thanh vân.
Bà Kinh phi nghe đọc mà miệng cười phấn chấn, má ửng đỏ như gái dậy thì, mắt lấp lánh như ánh thu ba… Đàm đạo một hồi, vua lại thấy Giản Thanh là người phủ Từ Sơn – quê ngoại của mình nên đẹp lòng lắm, truyền lấy Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, còn Tam Tỉnh lùi xuống hàng bảng nhãn. Biết chuyện này, nho sĩ kinh Bắc phẫn nộ lắm, làm vè chê Giản Thanh là “mạo Trạng nguyên”, nghĩa là “Trạng nguyên mặt”, vì đẹp trai mà được đỗ trạng, đồng thời cũng có nghĩa là “Trạng giả mạo”, thực không xứng đáng. Còn Hứa Tam Tỉnh, tuy không được đỗ Trạng nguyên nhưng người đời vẫn thường gọi ông là Trạng Ngọt (tức ông Trạng làng Ngọt – tên chữ là Vọng Nguyệt – bên bờ sông Như Nguyệt).

*   *
Hứa Tam Giang cùng tiểu đội trắc thủ ra đa với tôi gần một năm. Sau khi Trung đoàn gọi đi học về kỹ thuật rađa nhưng lại hoãn, bèn giữ tôi ở lại Trung đoàn bộ làm giáo viên văn hóa, thế là tôi xa anh bạn Hứa Tam Giang từ đó. Cuối năm 1970 tôi trở về trường tiếp tục đời sinh viên… Sau này, khi là sinh viên văn khoa, tôi được cử về làng Ngọt để sưu tầm văn học dân gian, có dò hỏi tung tích anh bạn Hứa Tam Giang nhưng bặt vô âm tín. Bù vào đó, tôi được nghe kể về ông cố nội của Hứa Tam Giang mà rất ít người biết. Sau cái buổi chấm trạng nguyên bằng mặt vừa nói trên, có một chuyện kín nơi hậu cung mà rất hiếm người biết, bởi nó thuộc loại “Thâm cung bí sử”. Chuyện như sau:
Trước khi vinh quy bái tổ, ông trạng Giản Thanh tổ chức một đại tiệc khao các quan trường, bạn hữu ở kinh đô. Tiệc tàn thì bà Kinh Phi cùng hai con thị nữ tới. Thấy quan Trạng đã ngà ngà men say, bà Kinh Phi nói: “Khỏi bày tiệc làm gì. Ta đến đây vì bài phú Phường thành xuân sắc của quan Trạng đó. Tả cảnh xuân mà khơi dậy tình xuân tưởng đã tắt trong lòng ta. Thật là thần thi!” Giản Thanh nói: “Mẫu hậu quá khen! Văn của hạ thần lọt vào được tai của mẫu hậu thật là may lắm thay!” Mẫu hậu cười, nói: “Ta thích nhất câu Trai bảnh bao đá cầu vén áo. Gái éo le rủ yếm, rớt quần! Văn chương chớ bóng bẩy hào hoa mà phải tự nhiên như nhiên mới thiêu đốt được lòng người tình xuân lai láng!” Giản Thanh nói: “Kẻ hạ thần xin lĩnh ý!” Mẫu hậu vừa cười vừa nhìn quan trạng đắm đuối, nói: “Quan trạng làm thơ đá cầu, tất biết đá cầu chớ? Ta muốn xem quan trạng đá cầu!” Giản Thanh hứng chí, đá cầu như rồng bay phượng múa! Mẫu hậu mười phần thích thú, nói: “Trai bảnh bao đá cầu vén áo, quan trạng phải cởi bỏ áo quần lụng thụng đi đá cầu mới ngoạn mục!” Giản Thanh vừa cởi bỏ áo quần, tức thì mẫu hậu nhào tới ôm chầm lấy, miệng nói: “Ôi! người đẹp của ta! Tình xuân của ta!” Hai đứa thị nữ thấy vậy hốt hoảng kêu lên: “ Trạng Me đè mẫu hậu” rồi ù té chạy ra ngoài .
Sau này, cái câu “Trạng Me đè mẫu hậu” lọt ra ngoài, mẫu hậu nổi giận sai cắt lưỡi hai con thị nữ và truyền cho quan trạng Giản Thanh phải sửa lại câu nói đó. Không hiểu quan trạng Giản Thanh bày mưu tính kế ra sao, nhưng sau đó thấy lưu truyền câu chuyện như sau: Trước kia, có thầy địa lý nổi tiếng tên gọi Tả Ao đã từng xem đất nhà Hứa Tam Tỉnh ở làng Ngọt và nói đây là đất phát Trạng nguyên. Đến khi qua làng Me của Nguyễn Giản Thanh thấy ngôi mộ tổ nhà Giản Thanh thì lại nói: “Đất ngôi này cũng phát trạng”. Mọi người lấy làm lạ, hỏi: “Lẽ nào một khoa lại có hai trạng?” Tả Ao tiên sinh nói: “Trạng Me đè trạng Ngọt”, rồi rũ áo bỏ đi. Không ai tin, nhưng đến khi Giản Thanh vinh quy bái tổ, người ta mới chịu tài Tả Ao và mặc dù Hứa Tam Tỉnh không được đỗ Trạng dân làng vẫn gọi ông là Trạng Ngọt.
Sự tích Trạng Me đè Trạng Ngọt được lưu truyền rộng rãi cho đến tận bây giờ. Còn câu nói Trạng Me đè mẫu hậu thì hầu như không ai biết!
Xin được miễn bình luận về câu chuyện trên, tôi xin kể tiếp về  Hứa Tam Phong - ông cố nội của Hứa Tam Giang kẻo cái truyện ngắn này sẽ vượt quá khuôn khổ quy định, vì còn phải dành phần kể về cuộc đời đầy phong ba, đầy éo le, nghiệt ngã của Hứa Tam Giang nữa.
Đến đời ông Hứa Tam Phong thì những đặc điểm của ông Trạng Ngọt đã phát triển đến tột đỉnh: gia cảnh cực kỳ bần hàn, diện mạo, hình dung cực kỳ quái dị (nếu theo như sách tướng thì đó là một trong bốn quý tướng: Thanh – Kỳ – Cổ – Quái) và thiên tư thì cực kỳ thông minh, mẫn tiệp.
Diện mạo ông Hứa Tam Phong xấu xí đến mức mỗi khi đi ra đường ông phải đội khăn che mặt, chỉ để hở hai con mắt sáng như sao, cuối vầng mắt thật sắc như dao cắt (sách tướng nói người có mắt như thế dễ nổi tiếng về đường văn chương!). Năm 12 tuổi, Hứa Tam Phong đã theo học hết các ông thầy danh tiếng của nho sĩ Bắc Hà thời đó. Các ông thầy dạy Hứa Tam Phong đều bái phục cậu bé sát đất và đều thú nhận không còn chữ để dạy cậu bé có thiên tư tuyệt vời này nữa. Khoa thi năm đó, nghe nói nhà vua treo bảng cầu hiền, việc chấm thi sẽ rất gắt gao, cậu bé Hứa Tam Phong đội khăn che mặt lều chõng đi thi, quyết đem lại tiếng thơm cho dòng họ. Nhưng, đêm hôm trước ngày thi, Hứa Tam Phong đang ngủ trong nhà trọ thì có một vị công tử lẻn vào, dựng Tam Phong dậy và nói: “Ta chính là con của quan Trạng Giản Thanh, mẫu thân ta chính là bà Kinh Phi! Ta thi đã nhiều khoa mà chưa đậu, nhưng cái số của ta sẽ đỗ đầu khoa thi này. Trời đã xui ta gặp nhà ngươi. Ngươi không thể tránh được mệnh trời. Vậy ngày mai, ngươi cứ viết bài nhưng phải ghi tên ta. Còn nhà ngươi, cầm lấy túi tiền này và phải đi thật xa, nếu không ta sẽ cho đi chầu ông bà ông vải!” Nói xong, vị công tử nọ ấn túi tiền vào tay Hứa Tam Phong, tay kia rút ra thanh kiếm sáng loáng kề vào cổ cậu bé! Sáng hôm sau, người ta thấy cậu bé đội khăn vào dự thi nhưng khi nộp quyển xong thì không ai biết cậu bé ấy đi đâu. Dân làng Vọng Nguyệt phái người đi bốn phương tìm kiếm nhưng vô hiệu. Thời gian trôi đi, hình ảnh cậu bé Hứa Tam Phong chỉ còn là ký ức của mọi người. Có một người biết Hứa Tam Phong đi đâu, chính là vị công tử nọ, sau đó là quan trạng. Quan trạng cử hai vệ sĩ thân tín bám gót Hứa Tam Phong, dặn là đến nơi hoang vắng thì sẽ hạ thủ cậu bé, lột lấy da mặt đem về làm bằng. Nhưng sau ba ngày đóng giả làm khách lữ hành bám theo Hứa Tam Phong, hai vệ sĩ này động lòng trắc ẩn, không những không nỡ giết cậu bé mà còn hộ tống cậu vào tận vùng đất mới Đồng Tháp Mười sinh sống. Hai người vệ sĩ ấy tên họ là gì, họ đã sống với nhau ở miền Nam xa xôi ra sao, họ có lập được những kỳ tích nào không, đó còn là cả một bí ẩn! Chỉ biết là năm mươi năm sau, trên sông Như Nguyệt đoạn làng Vọng Nguyệt, người ta thấy một ông lão đánh cá sống đơn độc trên một chiếc thuyền nhỏ, thân mình đầy những vết thương chằng chịt, mặt được che bằng chiếc khăn Hồng Lĩnh. Từ khi có ông lão, khúc sông Như Nguyệt này tiệt hẳn nạn trộm cướp, nạn chết đuối vì sông nước cũng không còn, Hà Bá cũng phải kiêng nể ông lão đánh cá cô độc này. Một vài ông già trong làng Vọng Nguyệt chợt nhớ lại hình ảnh cậu bé Hứa Tam Phong năm mươi năm về trước, cố tìm cách để hỏi chuyện ông lão, nhưng ông lão nói là không hề biết Hứa Tam Phong là ai, ông lật khăn cho các cụ già làng xem khuôn mặt đầy những vết chém của gươm đao, không ai đã có thể khẳng định đó là khuôn mặt của cậu bé Hứa Tam Phong ngày trước. Nhưng đêm đêm, vào những lúc trăng thanh gió mát, người nào thính tai đều nghe thấy từ khúc sông vẳng lên tiếng đọc thơ trầm hùng. Vì đã có truyền thuyết võ tướng Trương Hống đọc thơ Lý Thường Kiệt ở khúc sông Như Nguyệt này mà đánh tan quân Tống cho nên người ta nghĩ là hồn ông Trương Hống còn linh thiêng, vẫn còn đọc thơ để kêu gọi nhân chúng đứng dậy đánh giặc cứu nước. Nhưng, có một người biết đích xác không phải Trương Hống đọc thơ mà chính là ông lão đánh cá đọc thơ. Người đó là cô Hạnh, con một ông đồ nghèo ở trong làng, là người đẹp không chỉ nhất làng mà cả trấn Kinh Bắc không ai có thể sánh nổi!
Năm ấy, cô Hạnh vừa đúng độ tuổi trăng tròn lẻ, không chỉ nhan sắc tuyệt trần mà cầm kỳ thi họa đều tinh thông không ai bằng. Tiếng đồn cô Hạnh đến tai quan huyện. Lập tức, quan huyện cho người tới dạm hỏi làm vợ bé! Ông đồ nghèo kinh hoàng, chỉ biết đấm ngực kêu trời! Cô Hạnh bủn rủn chân tay, khóc hết nước mắt! Đêm ấy, cô Hạnh đi ra bờ sông, đứng trước một cái hút. Chỗ này, nghe nói sâu ngàn trượng, biết bao sinh linh oan khuất, khổ đau đã trầm mình nơi đây? Đúng lúc cô Hạnh nhìn đăm đăm vào mặt nước loang loáng ánh trăng thì vang lên giọng thơ trầm bổng, não nùng, như là từ cõi xa xăm vọng về:
Dòng sông chở sầu hoài đâu hết
Khói sóng trên sông đẫm lệ người
Anh hùng đâu tá, dòng nước siết?
Liệt nữ tìm chi dòng nước trôi
Cô Hạnh giật mình, nhìn quanh quất chỉ thấy mặt sông mờ mịt khói sóng, tịnh không có một bóng người, vậy mà tiếng thơ vẫn ngân vang vô tận! Tiếng thơ như thấm vào từng mao mạch của cô Hạnh, khiến cô rùng mình, thảng thốt. Cô nhắm mắt lại rồi lao đầu xuống hút nước!  
Từ lúc cô gái xuất hiện bên hút nước, ông lão đánh cá đã nhìn thấy cả. Đúng lúc cô gái lao xuống thì từ trên con thuyền nhỏ đậu khuất trong một lùm cây ven sông, ông lão cũng bật người lao xuống nước như một con chim bói cá. Ông lão đã vật lộn với dòng nước xoáy và đưa được cô gái lên thuyền.
Khi đã tỉnh lại, nhìn thấy ông lão đánh cá che mặt, cô Hạnh nói với ông mà như nói với người hư ảo: “Ông lão đánh cá cô độc đấy ư? Ông cứu tôi làm gì? Tôi đã quyết hiến thân cho Hà Bá còn hơn phải sống trong hang hùm miệng sói!” Ông lão nhẹ nhàng nói: “Cô nương nên tìm cách khác, sao lại hủy hoại tấm thân non trẻ đang giá ngàn vàng như vậy? Cô nương không tiếc công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ sao?” Mắt Hạnh trào lệ, cô nghẹn ngào nói:”Nhưng tôi sắp rơi vào tay bọn quỷ dữ!” “Tôi sẽ cứu cô nương – ông lão bình thản nói: “Cô nương muốn tôi đưa tới đâu, tôi sẽ cố gắng hết sức để cô nương được bảo toàn”. Cô Hạnh nhìn đăm đăm vào tấm khăn che mặt của ông lão đánh cá rồi đột ngột nói: “Ông lão, ông có phải là cậu bé Hứa Tam Phong thần đồng ngày xưa không?” Ông lão ngập ngừng một lát rồi nói nhanh, tiếng ông như gió thoảng: “Thưa cô nương, chính phải! Tôi là Hứa Tam Phong!” Cô Hạnh giật mình, lấy hai tay ôm mặt, đoạn từ từ bỏ tay ra, nhìn ông lão chăm chú, nói: “Thì ra chính ông là Hứa Tam Phong! Tại sao ông bỏ làng xóm ra đi, năm mươi năm mới trở lại mà không cho ai biết?” “Chuyện của tôi dài lắm. Tôi bị người ta cướp đoạt mất nghề văn nên chuyển sang nghề võ. Vì nhớ quê hương mà trở về, song nghĩ mà hổ thẹn với tổ tiên nên không dám lộ diện” – ông lão nói rồi khóc nấc, toàn thân ông rung lên như sóng nước! Hồi lâu, cô Hạnh nói: “Họ Hứa nhà ông có còn người nối dõi không? Nghe nói mặt ông xấu xí lắm? Cho tôi coi được không?” Ông lão nói: “Xin cô nương đừng coi, cô nương sẽ chết khiếp vì bộ mặt như quỷ Dạ Xoa của tôi!”, Hạnh nói dịu dàng: ”Tôi chỉ sợ bọn mặt người nhưng lòng dạ là quỷ ma. Ông ngồi xích lại gần đây, mở khăn ra cho tôi được nhìn thấy mặt người mà tôi ngưỡng mộ văn tài từ lâu!” Ông lão ngần ngừ rồi giật tấm khăn che mặt ra, ông nghĩ cô gái sẽ rú lên kinh hãi như bao cô gái khác khi nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của ông. Nhưng ông hoàn toàn bất ngờ khi thấy cô Hạnh chỉ thoáng giật mình, khẽ nhắm mắt lại rồi mở ra nhìn ông chăm chú, ánh mắt lung linh như ngọc… Cánh tay trần của cô trắng ngà dưới ánh trăng huyền ảo, ngực cô chuyển động như sóng nước theo từng hơi thở mạnh. Tấm chăn chiên ông đắp cho cô đã trễ xuống, để lộ ra khuôn ngực mềm mại, đang tỏa hương thơm trinh bạch. Ông nhắm mắt lại, vội quay mặt đi toan đứng dậy thì cô gái đã vươn tay ra, ôm lấy đầu ông ép mạnh vào bộ ngực nóng rực của mình mà nói: “Ôi, ước gì tôi được đổi bộ mặt của tôi cho ông! Hứa Tam Phong! Yêu tôi đi… tôi sẽ đẻ cho ông một đứa con trai! Ông cần phải có con nối dõi!” Ông Hứa Tam Phong cảm thấy mình như đang bồng bềnh trên những tầng mây trắng xốp! Hồi lâu, Hứa Tam Phong mới định thân trở lại, ông nghe tiếng nói như lửa cháy, như nước reo bên tai: “Ông yêu tôi đi… Tôi sẽ đẻ cho ông một đứa con trai thật đẹp! Sau đó, ông hãy đưa mẹ con tôi đến một làng chài ven biển, gửi tôi ở đấy… Biển bao dung và những ngư dân tốt bụng sẽ cho tôi lánh nạn”. Hứa Tam Phong vội nói: “Tôi xin đội ơn cô nương!”, nhưng tiếng nói của ông đã tan đi trong hơi thở thiên thần của cô gái!
*
*   *
Hứa Tam Giang chính là hậu duệ của cậu bé được sinh ra và lớn lên ở ngã ba sông đó. Khuôn mặt Hứa Tam Giang được thừa hưởng sắc đẹp của cô Hạnh và sức khoẻ thì được thừa hưởng của người che mặt - ông lão đánh cá trên sông Như Nguyệt. Còn trí thông minh đặc biệt là của  Trạng Ngọt truyền lại. Song, Hứa Tam Giang lại bị cái tật oái oăm: nói lắp! Mà tật nói lắp (cà lăm) của anh lại khá nặng! Chính cái tật nói lắp đã khiến anh gặp rất nhiều phiền toái, thậm chí rất nghiêm trọng…
Đặc điểm chính của công việc trắc thủ Rađa là thông báo các số liệu về mục tiêu (tức máy bay Mỹ) lên chỉ huy sở, tức người trắc thủ phải nói rõ ràng, rành mạch như phát thanh viên truyền hình. Đó là một khó khăn “bất khả kháng” đối với Hứa Tam Giang. Các thủ trưởng đại đội đã quyết định điều Hứa (từ đây nói tắt là Hứa cho tiện) xuống tiểu đội nuôi quân. Nhưng mỗi khi máy móc trục trặc, trung đội trưởng máy P.40 (trong đội hình chiến đấu của bộ đội rađa, cứ mỗi một máy rađa thì biên chế một trung đội, một đại đội Rađa thường gồm có ba máy rađa, tức ba trung đội…) lại phải chạy xuống nhà bếp để cầu cứu anh chàng Hứa. Nói vậy có nghĩa là Hứa có năng khiếu đặc biệt về máy móc. Hứa nhìn vào mạng lưới dây nhợ chằng chịt của máy rađa như người nhạc sĩ nhìn vào bản nhạc, như người họa sĩ nhìn vào bức tranh. Nói nôm na, khi Hứa làm việc với máy móc cứ như người nhạc sĩ tấu nhạc, như người họa sĩ vung bút! Nhưng sự đời éo le, nghiệt ngã lại nhắm thẳng vào Hứa mà thể hiện… Một lần, Hứa đang phụ trách một chảo cơm khổng lồ thì trung đội trưởng máy rađa P.40 chạy xuống bếp cầu cứu Hứa: máy rađa bị trục trặc đúng lúc có lệnh mở máy tăng cường (bạn đọc có thể hiểu nôm na là tinh hình đang rất căng thẳng, máy bay Mỹ đang bay vào rất nhiều, toàn bộ hệ thống máy rađa của chúng ta đã huy động hết mà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chiến đấu). Hứa chạy lên máy cùng trung đội trưởng… Nghiệt nỗi là lúc đó, tiểu đội anh nuôi chỉ có mình Hứa trực ban làm nhiêm vụ. Khi Hứa theo Trung đội trưởng đi sửa máy rađa thì cái nhà bếp thành vô chủ! Điều đó cực kỳ không an toàn! Và sự cố đã xảy ra: cả chảo cơm khổng lồ bị cháy thành tro cùng cái nhà bếp! May mà chỗ đặt nhà bếp ở rìa làng nên không ảnh hưởng tới ai!. . .
Về vụ cháy nhà bếp này, chính trị viên đại đội đòi kỷ luật nặng ngay tức thì, nhưng “án trảm” vừa mới phát ra thì đại đội trưởng cho người tới báo: Cuộc không chiến ban nãy, trên bầu trời phía Tây Thủ đô Hà Nội, không quân ta đã bắn rơi tại chỗ bốn chiếc “Con ma” (F-4H: tiêm kích hải quân Mỹ), trong đó có sự hợp đồng tác chiến rất kịp thời của máy rađa P.40, do đó cấp trên quyết định thưởng huân chương chiến công cho máy rađa P.40! Tuy thế, chính trị viên chỉ giảm mức án đối với chàng Hứa chứ không cho “trắng án” như đề nghị của đại đội trưởng!
Những “tai nạn” na ná như cái vụ cháy nhà bếp vừa nói xảy ra khá nhiều đối với chàng Hứa… Dường như anh chàng Hứa này phải vác trên vai một cái “món nợ đời” quá nặng! Trong những ngày “phiêu bạt giang hồ” ở Sài Gòn, ngẫu nhiên tôi đã gặp lại Hứa Tam Giang: anh chàng đang làm chủ một lò bánh ngọt ở quận Năm!. . . Câu chuyện phải tạm dừng ở đây vì từ khi gặp lại Hứa Tam Giang, một cuốn tiểu thuyết bộ ba đã hình thành khá rõ, và nhân vật chính là anh bạn Hứa Tam Giang của tôi!
Đỗ Ngọc Thạch 
nguồn: vannghechunhat.net

Ngắm Kim Tae Hee tươi trẻ, xinh đẹp





Ngôi sao Hollywood khỏa thân khoe vẻ đẹp tuyệt mỹ vì... trái đất

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét