73 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vanchuongviet.org
Trích: Giai điệu Mùa hè; Bạn học Đại học
73 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạchtrên vanchuongviet.org
Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng (truyện ngắn)
Đại gia và siêu mẫu chân dài(truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Đầu năm xuất hành : về quê(truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)- 10
Băng nhân (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Bà chủ quán và Cô nhà báo tập sự (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn) - 20
Báo hiếu (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Ca trực đêm giao thừa (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Có một hậu duệ của nhà Hậu Lê (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Cô gái mặc áo blu trắng(truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Cô Tấm và Quả thị (truyện ngắn)
Chương trình Operation baby lift (truyện ngắn)- 30
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Chúa Trịnh - Ngày Tàn…(truyện ngắn)
Chuyện người hỏng thi (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Chuyện tình của thị mầu(truyện ngắn)
Con gái viên Đại Úy (truyện ngắn)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn) - 40
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn) - 50
Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về(truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Người hành nghề đao phủ(truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (Phần 2) (truyện ngắn)
Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Huyện (truyện ngắn) - 60
Nhật Ký của Một Cô Giáo Trường Làng (truyện ngắn)
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (phần 1) (truyện ngắn)
Những người muôn năm cũ(truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Tứ Đại Đồng Đường (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)- 70
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Võ trạng nguyên truyện (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn) - 73
Ảnh khỏa thân tắm bồn của Angela Phương Trinh sẵn sàng "đốt mắt" người hâm mộ.
Giai Điệu Mùa Hè | |
Mỗi khi mùa hạ tới, tôi lại nhớ đến nhà thơ Henric Hainơ với bài thơTrong tháng năm kỳ diệu: Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra /Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha.Không phải ngẫu nhiên mà với nhà thơ Henric Hainơ mùa hạ lại kỳ diệu như vậy và cũng như vậy, tôi thấy mùa hạ thật kỳ diệu bởi mùa hạ đó, tôi đã gặp em…
*
Sau bốn năm tại ngũ, quân lực Trung đoàn gọi tôi lên và nói: “Cho cậu lựa chọn một trong hai : đi học trường sĩ quan Ra-đa hoặc trở về trường Đại học cũ! Tôi chọn ngay cái thứ hai, thế là tôi được trở về trường cũ. Nhưng lúc đầu, những người ở Bộ Đại học bắt chúng tôi phải tham gia thi như những thí sinh tự do khác (lúc này khối học sinh Trung học Phổ thông đã thi xong) bởi chuyện này chưa có tiền lệ và lúc chúng tôi nhập ngũ thì những người hứa là sau này, khi xuất ngũ sẽ được trở về lớp cũ, trường cũ, tức nơi ra đi lên đường chiến đấu, là những thầy giáo ở Trường chứ không phải mấy người trên Văn phòng Bộ Đại học! (Sau này, sát tới ngày khai giảng năm học mới, Bộ Trưởng Tạ Quang Bửu mới ký quyết định là tất cả sinh viên nhập ngũ, khi xuất ngũ đều được về tiếp tục học tại lớp cũ, trường cũ mà không phải thi lại nữa – lúc đó chúng tôi đã thi xong được một tuần).
Khi Bộ Đại học nói chúng tôi phải tham gia dự thi như những thí sinh tự do thì tuy bực mình vì thấy người ta thất hứa, nhưng chúng tôi cũng không lo ngại gì vì mặc dù đã bốn năm không rờ đến đèn sách, nhưng khi lật mở đống tài liệu ôn thi ra thì thấy như là mới xa những chuyện học hành này vài ba ngày mà thôi! Và chúng tôi lao vào chuyện học hành rất hăm hở, tràn đầy cảm
hứng! (Khi nói “Chúng tôi” là tôi và hai người bạn nữa, ở Khoa Lý, cùng nhập ngũ và cùng trở về đợt này, là Sơn Lộ và Xuân Hùng, gia đình đều đang ở Hà Nội).
Khi ôn thi, tôi, Hùng và Lộ thường đến thư Viện Quốc gia ở phố Tràng Thi. Chúng tôi chọn cái bàn ở góc trong cùng phía bên phải, và ngồi ở ba cái ghế phía cuối bàn. Ngồi ở đây sẽ yên tĩnh tuyệt đối vì không có ai đi lại sau lưng. Ngồi đọc sách mà chốc chốc lại có người đi qua, đi lại
sau lưng thì thật là bất ổn! Tuy nhiên, có điều “bất ổn” khác ở ngay trước mặt. Ba cái ghế cuối bàn phía đối diện với chúng tôi, bỗng xuất hiện ba cô gái, chỉ sau chúng tôi nửa ngày. Có hai điều đặc biệt: Thứ nhất, ba cô gái đều mặc quân phục, một cô quân phục hải quân, một cô quân phục bộ binh còn cô thứ ba là quân phục bộ đội biên phòng, song phù hiệu trên ve áo đều là binh chủng thông tin, chắc hẳn các cô đều là lính báo vụ (VTĐ). Điều đặc biệt thứ hai là cả ba cô gái đều hao hao giống nhau: khuôn mặt trái xoan, mắt biếc môi hồng, má lúm đồng tiền, nụ cười rất duyên cùng mái tóc dài đen nhánh khiến cho ai mới nhìn đều tưởng đó là ba nàng Tiên hạ giới!
Mới nhìn qua tài liệu sách vở mà ba cô gái đang đọc thì có thể đoán rằng các cô cũng đang ôn thi đại học, không phải khối A như chúng tôi mà là khối C. Kỷ luật trong Thư viện là tuyệt đối im lặng nên cả ba chúng tôi cùng im lặng quan sát ba cô gái và tất nhiên là phải làm việc của mình. Song, dường như không hẹn mà gặp, cả ba chúng tôi đều bị các cô gái thu hút và làm việc của mình thì ít mà mải mê quan sát các cô gái thì nhiều! Sau khoảng một giờ, chúng tôi cùng ra ngoài giải lao. Khi ngó vào, chúng tôi vẫn thấy các cô gái miệt mài đọc sách thì lấy làm lạ và cùng trở vào. Khi ngồi xuống ghế, tôi thấy một mảnh giấy trước mặt có ghi mấy chữ: “Học thi thì phải tập trung / Đừng có mơ tưởng lung tung làm gì / Hẹn ngày bái tổ vinh qui / Muốn gì được nấy, thích gì cũng cho!”. Tôi nhìn sang cô gái đối diện, cô ta vẫn im lặng đọc sách, nhìn vào khuôn mặt cô gái thì thấy bình lặng như mặt hồ thu, nhưng nhìn xuống cổ áo của bộ quân phục hải quân thì thấy như có sóng biển dâng trào! Tôi nhìn qua hai người bạn của mình thì không thấy động tĩnh gì, không biết hai người có nhận được mảnh giấy như của tôi hay không? Tôi lẳng lặng gập mảnh giấy lại và cho vào túi áo, định bụng lúc ra về sẽ hỏi. Nhưng khoảng nửa giờ sau thì hai người bạn của tôi về trước, nói là có việc quan trọng…
*
Ba bốn ngày nữa trôi qua, vẫn chưa có gì mới, tức chúng tôi vẫn chưa có dịp để nói chuyện với ba cô gái ngồi đối diện. Hùng và Lộ đã tìm mọi cách để tiếp cận đối tượng nhưng đã ba lần đứng trước mặt ba cô gái mà lúng búng không biết nói gì! Tôi nghĩ có lẽ chỉ có cách “viết thư” là dễ dàng thực hiện nhất. Song Hùng và Lộ nhất quyết sẽ “nói chuyện” bằng được nên chỉ có tôi là chọn phương án viết thư! Nhưng khi nghĩ sẽ viết gì thì quả là khó! Qua hai ngày nữa mà tôi chưa nghĩ ra nội dung của bức “tình thư”! Đến cuối ngày thứ hai, tôi qua phòng đọc báo. Liếc qua tờ Văn Nghệ thì thấy giới thiệu một chùm thơ tình của nhà thơ Đức Henric Hainơ, đó là những bài thơ ngắn gọn, súc tích nhưng chan chứa cảm xúc. Tôi liền chép ngay bài thơ Tháng Năm của Henric Hainơ với bản dịch của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra / Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha.
Ngày hôm sau, tôi đã cài được tờ giấy có bài thơ “Trong tháng Năm kỳ diệu” vào chồng sách vở của cô gái Hải quân. Tôi hồi hộp quan sát “đối tượng” thì thấy kín như bưng, có vẻ như cô gái chưa đọc bài thơ do chưa nhìn thấy tờ giấy? Song, đến cuối giờ chiều thì tôi đã nhận được sự
“phản hồi”: khi giải lao trở vào, trước mặt tôi là một tờ giấy có mấy câu lục bát: Học Toán mà lại mê thơ / Hàm số sẽ hóa giây tơ có ngày / Toán thì có đáp số ngay / Còn thơ thì sẽ lơ mơ suốt đời!...Có vẻ như cô gái muốn nói đừng có thơ thẩn làm gì, hãy chính xác như Toán học? Tôi nghĩ có lẽ cô gái không thích thơ nên đành “án binh bất động”, song cứ băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ một cô gái có dáng vẻ thơ mộng như thế mà lại không thích thơ? Không lẽ nào?
Song, ngay ngày hôm sau, tôi đã có đáp án. Lúc ra nghỉ giải lao ở vườn cây của Thư viện, chúng tôi thấy ba cô gái đang ngồi trên một băng ghế đá, cùng xúm vào đọc một tờ báo. Chúng tôi liền ngồi xuống một băng ghế cạnh đó và nghe thấy một cô nói: “Nga Nga sao mà mau lẹ thế, mới có thấy mặt mà đã phải lòng người ta rồi. Lại còn làm thơ tặng người ta nữa chứ! Mà sao không gửi thẳng cho người ta lại gửi đăng báo?”. Cô thứ hai nói: “Thiên Nga nói người thì phải nhìn lại mình chứ, em còn le nặng lẹ hơn ấy chứ! Ngay hôm đầu tiên đã viết tên cái anh chàng Xuân Hùng ấy vào hết mấy cuốn vở rồi phải không? Trong Nhật ký của em mấy hôm nay thế nào cũng viết về anh ta?”. Cô gái Thiên Nga định nói thì cô gái tên Nga Nga nói át đi: “Thôi, các chị đừng châm chọc nhau nữa. Mà hãy cầu mong cho tất cả chúng ta gặp được người tình trong mộng. Em thấy cái anh chàng Sơn Lộ của chị Hằng Nga muốn nói gì đó với chị, sao chị không bật đèn xanh đi? Chúng ta đều đã gần tới tuổi “Băm” rồi chứ đâu còn trẻ con!”. Hình như cái câu cuối nói về tuổi “Băm” của cô gái có tên Nga Nga đã khiến cho cả ba người cùng lặng đi, đến nỗi có vẻ như chúng tôi đều nghe thấy tiếng đập của ba trái tim ba cô gái!
Không hiểu sao, tôi lại rất bạo dạn, bước tới chào hỏi rất nhã nhặn ba cô gái đều có tên Nga đó và hỏi mượn tờ báo. Thì ra đó là tờ báo Phụ Nữ, ở trang giữa có đăng bài thơ “Trở lại mùa thi – mùa hoa phượng” của tác giả Nga Nga. Trên bài thơ có lời đề tặng “Tặng những người lính từ chiến trường trở về và tặng riêng Ua!”. Tôi giật mình nghĩ, sao cô gái lại biết tên mình? Và tôi lại phải giật mình tiếp khi cô gái đến sát bên tôi, hỏi: “Em định hỏi tại sao tên anh lại là Ua mà không có dịp! Vậy anh hãy nói đi, cái tên Ua có ý nghĩa gì?”. Rõ ràng đây là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau mà cô gái nói với cung cách như là chúng tôi đã từng nói chuyện với nhau từ lâu! Tôi quay sang ngó nhanh hai người bạn thì ra họ và hai cô gái kia cũng đã đang nói chuyện với nhau từ bao giờ! Tôi thấy tự tin và bình tĩnh nói: “Bài thơ của Nga Nga rất hay, tôi rất thích! Cô có thể tặng tôi luôn tờ báo này nhé?”. Cô gái mỉm cười, nói bằng cái giọng thật là êm ái: “Được thôi, nhưng anh phải trả lời câu hỏi vừa rồi đi đã?”. Tôi nói như máy vì câu hỏi này đã có tới hàng ngàn người hỏi: “Mới đọc lên thì cái tên Ua chẳng có nghĩa gì cả, lại khó phát âm vì tôi họ Uông, Uông Ua, nghe cứ như tiếng ễnh ương, ếch nhái lúc trời mưa! Nhưng xuất xứ của cái tên Ua thì lại không đơn giản. Ông nội tôi nói thích tôi làm Vua nên đặt tên là Vua. Nhưng khi làm giấy khai sinh, Ủy ban Xã không cho đặt tên như vậy nên bắt bỏ chữ “V” đi. Khi đi học, cô giáo bảo cho mượn tạm chữ “C” thành ra Cua cho dễ đọc. Có thầy giáo khác lại bảo cho mượn chữ “Đ” thành ra Đua, tức thi đua học giỏi!...”. Tôi còn định nói nữa thì Nga Nga nói: “Từ giờ Nga sẽ cho anh mượn tạm hai chữ “N” để đọc thành Nu Na, tức là chữ mở đầu một bài đồng dao “Nu Na nu nống…”, anh có thích không?”. Chút xíu nữa thì tôi reo lên vì tôi đã có một cái tên thật là hay: Uông Nu Na! Tôi đang đầu óc lãng đãng mây trôi thì Nga Nga đưa tôi một cuốn sổ loại nhỏ và nói: “Cho anh mượn cuốn sổ những bài thơ yêu thích này của Nga Nga, trong đó có cả thơ của Henric Hainơ, Becton Brest, Sanđo Petôphi, Byrơn, A. Puskin, Lecmôntôp, L.Aragôn,v.v…Còn nếu anh thích những nhà thơ Việt Nam thì Nga Nga sẽ đưa cho cuốn sổ khác!”. Thì ra Nga Nga rất mê thơ và đã đọc rất nhiều thơ, chẳng như tôi, chỉ biết mấy nhà thơ trong sách giáo khoa đã học!
*
Một tuần liền sau đó, cứ đến giờ giải lao là sáu người chúng tôi lại ra hai băng ghế đá của vườn cây của Thư viện để trò chuyện. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển nhưng không bao giờ nói chuyện học thi như thế nào vì bên nam thì thi khối A (Toán Lý Hóa), còn bên nữ thì thi khối C (Văn Sử Địa), làm sao mà giúp gì được cho nhau. Tôi chắc ba cô gái học rất giỏi và sẽ thi đỗ, quả nhiên cả ba đều là học sinh giỏi văn hồi Phổ thông Trung học. Còn với chúng tôi, chuyện thi cử còn dễ hơn lấy đồ trong túi. Mặt khác, chúng tôi đã là sinh viên rồi thì việc phải thi lại như thế này thật trái lẽ thường, thế nào cũng sẽ có quyết định không phải thi nữa. Song quyết định đó phải một tuần sau khi chúng tôi thi xong mới có! Sao không để năm sau hãy ra quyết định ấy bởi vì cả ba người chúng tôi đều đạt điểm tối đa! Cũng như thế, cả ba cô gái tên Nga đều đậu thủ khoa vào trường Đại học Sư phạm: Nga Nga vào Khoa Văn, Thiên Nga vào khoa Sử,
còn Hằng Nga lại vào Khoa Địa! (Ba cô gái tên Nga là ba chị em con dì, con già, tức ba người mẹ là ba chị em ruột, thảo nào giống nhau như thế).
Còn một tuần nữa thì tới ngày nhập học, sáu người chúng tôi hẹn nhau sáu giờ tối đến Thư viện Quốc gia rồi sẽ đi ăn bánh tôm Hồ Tây, rồi sẽ bơi thuyền trên Hồ Tây, như thế thì tha hồ mà bày tỏ tình yêu, nhất là khi chỉ có hai người trên thuyền giữa Hồ Tây mênh mông bát ngát! Nhưng khi đến Thư Viện Quốc Gia thì Hằng Nga lại bị trẹo chân (do đi guốc cao gót) nên chúng tôi lại ra chỗ mấy băng ghế đá ở vườn cây ngồi nói chuyện. Chúng tôi nói chuyện gì không nhớ hết nhưng khi tôi nhìn đồng hồ thì đã chín giờ tối. Lúc đó, Thư viện đã vãn người, trong vườn cây chẳng còn ai ngoài sáu người chúng tôi. Rất tự nhiên, chúng tôi tách ra thành ba đôi, ngồi ở ba băng ghế khác nhau. Cái băng ghế của tôi chỉ cách băng ghế của Hằng Nga và anh bạn Sơn Lộ hai mét, cho nên tôi nghe khá rõ hai người đã nói với nhau những lời yêu tha thiết và đã hôn nhau nồng nàn, rất nhiều, rất lâu… Vậy mà không hiểu sao, tôi và Nga Nga vẫn ngồi cách nhau tới một mét và tôi đang nghe Nga Nga đọc những bài thơ mới viết của cô. Hình như Hằng Nga thấy rõ “tình trạng xa cách” của chúng tôi nên cô đã tới bên tôi nói nhỏ: “Ngồi gần vào, cầm tay rồi hôn đi, kẻo sau này sẽ không bao giờ được gặp nó nữa đâu!”. Nghe Hằng Nga nói vậy, tôi hoảng sợ và có cảm giác như Nga Nga của tôi sẽ bay đi mất! Thế là tôi ngồi xích lại gần và cầm lấy tay Nga Nga. Khi tôi và Nga Nga đã tay trong tay thì tôi nghe Nga Nga nói nhỏ: “Anh hôn em đi, nhưng phải thật nhẹ nhàng!”. Nghe Nga Nga nói xong nửa câu tôi đã tai ù mắt hoa nên đâu còn nghe rõ phần sau của câu nói, liền ôm chặt lấy cô gái mà hôn như điên dại. Song, trong lúc cuồng si đó, tôi cũng còn khá tỉnh táo để nghe thấy tiếng kêu của Nga Nga “Ối!...”, rồi Nga Nga ngất lịm đi trong tay tôi! Hình như tiếng kêu đó của Nga Nga cũng đến tai Hằng Nga, lập tức cô này chạy sang chỗ tôi, đỡ Nga Nga nằm xuống băng ghế, nhẹ nhàng xoa bóp vùng ngực Nga Nga và nói với tôi: “Được rồi, chỉ lát nữa là nó sẽ bình thường thôi. Sao nó chưa nói với anh à, trong ngực nó còn hai viên bom bi, một viên nằm sát kề tim, không lấy ra được. Nếu vận động mạnh sẽ bi đau vùng ngực!”. Nghe Hằng Nga nói mà tôi choáng váng! Ôi, sao tôi lại ngốc thế, người mình yêu bị những vết thương hiểm nghèo như thế mà không hay biết gì? Chỉ khoảng ba phút sau, Nga Nga đã trở lại bình thường, nhìn tôi cười nói: “Nga làm cho anh sợ phải không? Yên tâm đi, Nga không sao đâu!”. Nga nói xong thì nép vào ngực tôi, bàn tay cô mân mê những ngón tay tôi, khiến tôi như bị tan ra thành sương khói!
*
Cách ngày nhập học ba ngày, tôi tới nhà hai người bạn lính nhưng đều không có nhà. Tôi đi lòng vòng quanh Hồ Gươm không biết mấy vòng rồi chui vào Thư Viện. Tới chỗ chúng tôi vẫn ngồi học thi mọi khi thì đã có ba người đang ngồi đọc sách . Chỗ ba cô gái tên Nga vẫn còn trống. Tôi sang ngồi trên cái ghế Nga Nga vẫn ngồi, suy nghĩ mông lung. Chợt hai cô gái Hằng Nga và Thiên Nga xuất hiện, đi nhanh đến bên tôi nói nhỏ: “Đến bệnh viện thăm Nga Nga ngay!”. Trên đường đi, hai cô gái tên Nga không nói gì, vì quãng đường từ Thư viện đến Bệnh viện Việt Đức cũng rất ngắn. Khi chúng tôi vào tới phòng điều trị thì Nga Nga đang thiếp ngủ, khuôn mặt cô gái như một đám mây nhỏ, mỏng manh, kỳ ảo!... Thì ra Nga Nga mới thực hiện xong ca mổ ghép thận cho người bố! Khi tỉnh ngủ, nhìn thấy tôi, Nga Nga bỗng cười rất tươi và khẽ nói: “Nu Na đọc cho em nghe bài thơ “Trong tháng năm kỳ diệu” của Hainơ đi! Em rất thích bài thơ đó và thực ra, em đã bị Nu Na chinh phục ngay từ khi tặng em bài thơ đó!”. Tôi nhẹ nắm bàn tay Nga Nga (từ sau lần Nga Nga bị ngất xỉu vì tôi hôn quá mạnh, tôi luôn nhẹ nhàng hết sức mỗi khi chạm vào người Nga Nga), rồi đọc khẽ:Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra / Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha…
…Trong khi tôi đọc, tôi thấy đôi mắt Nga Nga thật đẹp, lung linh ánh sáng và không hiểu sao, khi tôi đọc xong thì từ đôi mắt ấy, nhẹ nhàng lăn ra hai giọt lệ, như hai viên ngọc trai!
Đôi mắt của Nga Nga cứ ám ảnh tôi suốt một tuần liền và tôi có cảm giác như sẽ có điều gì đó bất an! Và cái cảm giác bất an kia đã thành sự thật khi một hôm, lại là cả hai cô gái Hằng Nga và Thiên Nga, đến báo cho tôi biết: Đến Viện Mắt thăm Nga Nga đi, nó vừa làm phẫu thuật ghép giác mạc cho bà mẹ nó rồi!... Lần này thì tôi quả là bị ù tai hoa mắt thật sự, xem chừng còn dữ dội hơn cái lần đơn vị tôi bị bọn máy bay cường kích hải quân Mỹ AD-4, AD-6 oanh tạc trúng trận địa!
Khi tôi đến Viện Mắt thì Nga Nga đã tỉnh táo hoàn toàn, đang cười nói gì đó với mấy cô Y tá. Thấy tôi tới, sau khi nắm nhẹ lấy bàn tay tôi, Nga Nga nói: “Mấy hôm nay em bỗng muốn đọc thơ mà không đọc được, lại chẳng có ai có thể đọc cho em nghe!”. Tôi thấy như có ai bóp mạnh tim mình, đau nhói, mắt tôi bỗng nhòa lệ mà sao thấy khô khốc, nóng bỏng. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy các ngón tay mềm mại của Nga Nga và đọc: …Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha….
*
Trở lên trên là toàn bộ câu chuyện của anh bạn Uông Ua kể cho tôi nghe. Câu chuyện của Uông Ua có nhiều điểm giống với chuyện trở về đi học của tôi, chỉ khác là thời gian của tôi là vào tháng Mười, đang đỉnh điểm mùa mưa lũ, nước sông Hồng lên cao chưa từng thấy và có khả năng Hà Nội sẽ thành biển nước. Còn chuyện của Uông Ua là vào tháng Năm – Tháng năm kỳ diệu! Song, Uông Ua lại nhờ tôi viết và đứng tên tác giả chứ nhất định không chịu đứng tên. Hỏi mãi thì Uông Ua mới nói: “Nếu tôi viết và đứng tên thì tôi phải lấy lại cái tên ông Nội đặt cho là Vua. Chắc là bây giờ người ta vẫn chưa chịu cho đặt tên như thế!”. Tôi lại hỏi ba cô gái tên Nga, đặc biệt là Nga Nga hiện nay thế nào, thì Uông Ua nói, không nên truy hỏi đến cùng như thế!./.
Sài Gòn, tháng 6-2010
| |
Đỗ Ngọc Thạch |
Bạn học đại học | |
Khi con người ta bước qua tuổi 60, tức ở tuổi “lên lão”, tức bước vào nhóm “Người cao tuổi” VN thì coi như đã hết hi vọng “Hồi xuân”, hết hi vọng “Làm lại cuộc đời”! Lúc ấy, người ta thường không sống với thực tại mà sống với ký ức, nhất là đối với những người có nhiều biến động thời tuổi trẻ! Chính sự hoạt động của ký ức đã giúp cho những người “Lên Lão” được thực hiện những chuyến du hành vào quá khứ, những chuyến tốc hành đi ngược thời gian, sống lại những quãng thời gian tưởng chừng như chẳng bao giờ trở lại! Sở dĩ tôi không bị “Lão hóa”, tức mắc những căn bệnh của người già bởi tôi luôn luôn thực hiện những chuyến du hành vào quá khứ và nhiều khi ở lại đó khá lâu nhất là quãng thời gian cắp sách đến trường!
Tôi đã viết nhiều truyện ngắn về thời kỳ học Trung học Phổ thông mà chưa có cái nào về thời gian học đại học khiến cho mấy người bạn học đại học của tôi trách cứ: “Đó mới là giai đoạn có nhiều ý nghĩa quan trọng quyết định số phận cả đời người. Còn những chuyện thời đánh bi đánh đáo, những người bạn thời cởi truồng là chuyện con nít, chẳng có trọng lượng gì cả, người ta quên hết rồi, Delete khỏi bộ nhớ rồi!”. Tôi nghĩ chưa vội tranh luận với bạn mà mở “kho lưu trữ” của thời kỳ này xem thế nào đã vì dù sao cũng đã trên dưới 40 năm, làm sao nhất thời nhớ hết!
*
Khi nhớ về bạn học đại học, tôi cứ bị ám ảnh bởi hai điều: 1/ Tại sao tôi đã học qua hơn mười trường Trung học Phổ thông mà khi lên học Đại học không gặp lại một ai cùng học thời Trung học, mà ở Đại học, tôi học ở những ba lớp (năm 1966 học tại Lớp Toán Cơ, Khoa Toán, Trường ĐHTH HN, năm 1970 tiếp tục học tại Khoa Toán sau 4 năm đi lính, từ 1971 đến 1975 học tại Lớp Văn, Khoa Ngữ Văn, Trường ĐHTH HN) khác nhau chứ đâu chỉ một lớp một trường? 2/ Ở cả ba lớp Đại học, tôi đều phải chứng kiến (hoặc nghe tin) những cái chết thương tâm của những người bạn học và điều lạ lùng là những người bạn này đều là những người bạn rất tốt? (Những người bạn đã chết đó là:1- Khoa Toán 1966: Phan Xuân Vỹ; 2-Khoa Toán 1970: Nguyễn Văn Thạc; 3-Khoa Văn 1971-1975: Lê Văn Thụy, Nguyễn Huy Cừ, Nguyễn Quốc Minh, Phạm Thị Huyền, Nguyễn Thế Hùng).
Ngày đầu tiên trên chuyến tàu tốc hành trở về quá khứ 40 năm trước (chính xác là 44 năm trước, tức năm 1966, khi tôi rời Hải Phòng tới Khoa Toán sơ tán tận huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên), người đầu tiên tôi gặp là Phan Xuân Vỹ. Không phải là cậu trai trẻ Vỹ vừa mới rời trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng huyện Đức Thọ mà là anh chàng Vỹ đang là Cán bộ giảng dạy tại Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa nhìn thấy Vỹ mặt mày tươi tỉnh, đầu chải rẽ ngôi, áo sơ mi trắng cổ cồn bỏ trong cái quần simili mới may xanh biếc để đến chỗ hẹn với người yêu…, tôi ào tới toan ôm chầm lấy Vỹ thì thoắt cái đã thấy Vỹ thay đổi y phục như trong tiết mục ảo thuật: Vỹ đang dơ tay chào tôi theo kiểu quân sự và toàn thân xanh màu lá trong bộ quân phục mới toanh! Đây cũng chính là những hình ảnh quen thuộc đối với tôi trong 4 năm tại ngũ nên theo phản xạ tự nhiên, tôi dơ tay chào lại. Chào xong, tôi định tiến lại nắm lấy hai cánh tay Vỹ thì cũng như là phép ảo thuật: anh tân binh Vỹ biến mất mà thay vào đó là xác Vỹ nằm bất động trên cái cáng, toàn thân mọng nước và những cửa ngõ đi vào bên trong cơ thể đều đang rỉ máu! Vĩ đã nằm dưới cái hút nước ấy làm gì suốt một ngày một đêm? Và trong tư thế đang nằm bất động đó, Vỹ đột ngột biến mất như lúc xuất hiện! Rút cục, tôi không nói được gì với Vỹ và Vỹ cũng chưa nói gì.
Ngày thứ hai, rút kinh nghiệm ngày thứ nhất, tôi viết sẵn cái địa chỉ mà tôi muốn tới rồi để lên mặt bàn: Xã Đầm Mây, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Song, khi tôi ấn nút con tàu ngược thời gian thì lại không phải là Đầm Mây, có căn nhà tranh nhỏ nhắn, yên bình nơi tôi trọ học mà lại tới đúng lúc trên một đoạn đường đổ dốc của vùng đồi huyện Đại Từ, tôi đang ngồi trên cái xe thiếu nhi Liên Xô, chở anh bạn Nguyễn Vũ Sơn, và cả hai đang xuống dốc…không phanh! Kết quả là cả hai cánh tay tôi, cả hai đầu gối tôi đều tóe máu vì bị chà sát xuống đường rất mạnh! Vũ Sơn cũng không nhẹ hơn tôi và chúng tôi nhìn nhau không nói nên lời! Tuy nhiên, chính vì có vết thương đó mà cô bạn cùng lớp có cái tên rất hay là Thanh Thanh đã chăm sóc vết thương cho tôi rất tận tình! Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự mềm mại của bàn tay con gái!
*
Những ngày tiếp theo sau đó, “con tàu tốc hành ngược thời gian” đều đưa tôi về địa chỉ Đầm Mây. Tôi và Nguyễn Vũ Sơn cùng trọ ở trong nhà một người dân “bản địa”. Chủ nhà đang tại ngũ, là Hải Quân, đang đóng quân ở Hải Phòng. Ở nhà chỉ có người vợ gần ba mươi tuổi và hai đứa con, một gái, là chị mới 10 tuổi, một trai, là em mới 8 tuổi. Người mẹ và hai đứa con sống bằng nghề hái măng, là một công việc khá phổ biến ở vùng rừng núi này. Trước đây, hái măng giỏi cũng không đủ ăn mà phải làm thêm những việc khác như như trồng khoai sắn, rau cải, bầu bí trên nương rẫy hoặc chăn nuôi gia cầm. Nhưng, từ khi có trường Đại học sơ tán về đây, măng trở thành món hàng có giá bởi bao nhiêu măng ở chợ đều không đủ cho các bếp ăn sinh viên, bởi canh măng (thứ đến là canh rau cải, canh bầu bí, canh củ sắn) là món ăn chủ lực và phải công nhận rằng đó cũng là một món ăn khoái khẩu của người Việt ở mọi nơi!
Khi chúng tôi nhập học là tháng 9, tức cuối Thu, đầu Đông, trời đã bắt đầu lạnh. Mà nói đến mùa Đông giá lạnh không thể không nói đến câu thơ “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế / Gió qua rừng đèo Khế gió sang…”. Cái rét tuy thế cũng không đáng ngại: chỉ cần mặc quần áo ấm và quá rét thì đốt đống lửa giữa nhà là ổn. Người miền núi thường đốt lửa suốt ngày trong nhà chính là để chống rét. Cái rét có người bạn đồng hành rất nguy hiểm là cái đói. Hai từ “Đói rét” thường đi liền nhau: đã rét thì thấy đói và đã đói thì càng rét! Có lẽ chính vì thế mà “cơm no áo ấm” là ước nguyện muôn đời của người lao động và đó cũng chính là mục tiêu đầu tiên và chính yếu của mọi cuộc cách mạng xóa bỏ sự áp bức, bóc lột!
Nếu có ai hỏi bất kỳ một người nào đã từng qua cuộc đời sinh viên rằng điều gì để lại ấn tượng mạnh nhất thì sẽ nhận được câu trả lời ngắn gọn chỉ có một từ: Đói! Chỉ một từ này thôi nhưng nó chứa đựng tất cả mọi vấn đề của cuộc sống sinh viên và nó sẽ có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào thời gian và địa điểm nó tồn tại! Chẳng hạn như khi ở khu sơ tán Đầm Mây này, “hình hài” đặc trưng của nó là chén cơm vơi vơi và tô canh măng lõng bõng (hoặc được thay đổi luân phiên là canh rau cải, canh bầu bí, canh củ sắn…như đã nói trên). Hoặc như sau này, vào năm 1972, khi tôi trở lại cuộc đời sinh viên và lại đi sơ tán (ở Hà Bắc rồi Hà Nam), thì “hình hài” phổ biến của nó có màu sắc “miền xuôi” là lưng cơm “gạo Mậu” (đã hôi, chớm mốc và còn độn khoai, sắn) và tô canh mồng tơi bơi giữa bí bầu và mấy quả cà muối không thể mặn hơn! Các chàng trai, cô gái đang ở độ “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” mà ăn uống như thế thì làm sao mà “vực được đạo”?
Song, muốn nói gì thì nói, cuối cùng thì mọi chuyện cũng sẽ trôi qua bởi bánh xe thời gian không bao giờ ngừng quay! Vấn đề là ở chỗ người ta vượt qua mọi sự ấy như thế nào? Mỗi người theo cách riêng của mình, song chung qui lại đều gặp nhau ở chữ “Nhẫn”: “Kiên trì và nhẫn nại /Không chịu lùi một phân / Vật chất tuy đau khổ / Không nao núng tinh thần”. Lúc đó, lúc ở Khoa Toán Đầm Mây, tuy tôi còn rất “xa lạ” với văn chương nhưng tôi đã học được sự chịu đựng qua những câu thơ đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tôi còn học được ở cả ca dao thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà tôi không bao giờ quên: “Thằng Tây chớ cậy chân dài / Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày / Thằng Tây chớ cậy béo quay / Chạy ba cây số là mày bở hơi / Chúng tao thức bốn đêm rồi / Ăn cháo ba bữa chạy mười tám cây / Bây giờ tao gặp mày đây / Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao!”…Quả là phi thường!
Song, nếu thiếu một thứ, rất quan trọng, thì chúng ta sẽ không thể qua nổi cái sự “thử thách” đó của Tạo hóa: đó là Tình bạn! Khi ta thấy giá lạnh, Tình bạn sưởi ấm. Khi ta thấy đói lòng, Tình bạn là chén rượu tình không bao giờ vơi cạn!
Mỗi sáng thức dậy, lúc còn nhỏ sống ở nhà với gia đình, tôi được giao nhiệm vụ dậy sớm làm bữa ăn sáng cho cả nhà. Thường là luộc khoai, sắn hoặc rang cơm nguội, nấu cơm mới. Bữa ăn sáng là một nhu cầu không thể thiếu. Vì thế, tới khu sơ tán Đầm Mây này, tôi phải làm quen với cách sống mới: sáng sáng lên lớp với cái bụng rỗng! Quả là rất khó thích nghi với cung cách này: chỉ ngồi khoảng gần nửa giờ là cái bụng bắt đầu réo sôi! Hình như là tôi nghe thấy cả tiếng réo sôi của những người khác! Và sau đó thì mắt hoa, đầu váng, tai ù…cố định thần cũng không biết là thầy giáo đang nói gì! Và, hết buổi học thì mọi người ngơ ngác nhìn nhau không hiểu chuyện gì đã xảy ra! Có lẽ chỉ có gần chục người là vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chắc chắn là buổi sáng đã ăn gì đó hoặc có “tài nhịn đói bẩm sinh”! Tình trạng như vậy diễn ra khoảng ba ngày, thì sang buổi sáng thứ tư, vừa tỉnh dậy, tôi thấy có mùi gì thơm thơm như lạ như quen. Nhìn lên đống sách vở (để trên một cái chõng tre tự tạo) tôi thấy một đĩa khoai luộc, có hai củ khá to, còn đang bốc hơi nóng! Tôi vừa định gọi Vũ Sơn dậy thì anh chàng dường như đã đánh hơi thấy “mùi lạ” và bật ngay dậy, vươn cánh tay vượn ra cầm lấy một củ khoai rồi…ăn ngon lành! Tôi thì phải đi đánh răng xúc miệng xong mới có thể ăn gì được. Khi quay vào thì Vũ Sơn đã ăn xong một củ khoai luộc và nói: “Chắc mày ăn không hết củ khoai kia đâu, bẻ cho tao một nửa, sao hôm nay đói quá mà khoai ai luộc ngon thế?”. Tôi bẻ cho anh chàng háu đói non nửa củ khoai và nói: “Không biết bà Tiên nào đã để đĩa khoai ở đây? Ăn mà không biết ai cho thì thật khó nuốt!”. Vũ Sơn lấy cái điếu thuốc lào, rít một hơi “tụt nõ”, khoan khoái nhả khói rồi mới nói: “Tao với mày có số quý nhân phù trợ, cứ ăn đi, khỏi phải nghĩ ngợi gì cả!”. Nghe Sơn nói vậy, tôi cũng yên tâm, nhưng liên tục sau đó vẫn có những đĩa khoai luộc (có hôm thì là ngô, sắn, lại có cả bánh chưng bánh giò nữa) xuất hiện thì tôi quyết định phải tìm cho ra “Quý nhân phù trợ” kia là ai? Thực ra thì tôi không thể phát hiện ra vì lúc đĩa khoai luộc xuất hiện là lúc chúng tôi ngủ say nhất! Chỉ tình cờ một buổi sáng chủ nhật, tôi và hai người bạn khác là Trúc và Kiên đi chơi chợ Ký Phú thì nhìn thấy Thanh Thanh và Vượng đang ngồi chọn mua khoai với số lượng lớn! Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn hai cô bạn này đã thường đem những đĩa khoai luộc sang cho chúng tôi.
Ngay tối hôm chủ nhật đó, tôi qua nhà trọ của hai cô bạn gái thì thấy Thanh Thanh đang rửa khoai. Tôi nói ngay: “Thì ra những đĩa khoai từ đây mà bay qua chỗ chúng tớ!”. Thanh Thanh cười rất duyên, nói như gió thoảng: “Cậu thật là kém, ăn khoai mà không biết ai luộc khoai sao?”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Làm sao mà biết được?”. Thanh Thanh lại cười và nói như đùa như thật: “Cậu nhìn cho kỹ nhé, tớ đang phải dùng cả hai bàn tay để chà sát rất mạnh vào củ khoai, như thế mùi bàn tay tớ sẽ còn lại mãi ở củ khoai và khi cậu ăn khoai thì phải nhận ra chứ?”. Tôi ngớ người và thầm nghĩ: “Có thế mà không biết, thật là ngốc”. Và sáng hôm sau, khi vừa nhìn thấy đĩa khoai, hít một hơi thật mạnh, tôi đã nhận ra ngay ở bên trong cái mùi thơm của củ khoai luộc là mùi bàn tay kỳ ảo của cô bạn gái!
Sau đó, tôi và Vũ Sơn quyết định vào rừng kiếm củi để bán cho nhà bếp lấy tiền góp vào “kho khoai sắn” của hai người bạn gái, không thể để cho họ cứ nuôi mình như…nuôi con vậy! Khi tôi và Vũ Sơn vừa tới cửa rừng thì bất ngờ thấy Thanh Thanh hiện ra y hệt như Nàng Tiên hiện ra như trong chuyện cổ tích! Vũ Sơn hỏi: “Cậu đi đâu đấy? Không sợ rắn cắn hổ vồ à?”. Thanh Thanh cười khanh khách: “Người sợ rắn cắn hổ vồ phải là các cậu chứ: người thì chân què, người thì bạch diện thư sinh trói gà không chặt! Tớ đi bảo vệ các cậu đấy!”. Tôi và Sơn đều không tự ái vì câu nói của Thanh Thanh vì…nghe đã quen! Ngược lại, chúng tôi cảm thấy vui vì được bạn gái “quan tâm” đặc biệt như thế! Chúng tôi tiến sâu vào rừng và lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe một cô gái xinh đẹp hát trong rừng và hát rất hay! Dường như không phải Thanh Thanh hát mà những bản nhạc rừng đang ngân lên khi trầm khi bổng, khi êm đềm khi réo rắt! Những bài hát được chúng tôi yêu cầu hát lại liên tục hôm đó là “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Chiếc khăn Piêu”, “Bóng cây Kơ-nia”, “Bài ca trong hang đá”… nhất là bài “Bài ca trong hang đá” viết cho phim “Vợ chồng A Phủ”:…Rừng núi kia có…hai người yêu nhau!... Dường như tiếng hát kỳ diệu của Thanh Thanh đã biến tôi từ một anh chàng bạch diện thư sinh “trói gà không chặt” trở thành một tiều phu thực thụ: tôi chặt củi như điên và khi bó lại được những năm bó, phải để lại trong rừng hai bó, ngày mai vào vác về!
*
Thực ra, tôi và Vũ Sơn không hề yếu đuối như cô bạn Thanh Thanh lầm tưởng. Tôi và Vũ Sơn còn đi kiếm củi ba lần nữa và chỉ ngừng khi anh bạn tên Vàng, quản lý nhà bếp nói: “Từ từ thôi, nhà bếp không có tiền mua củi nữa đâu! Sắp tới có khi phải bắt buộc mỗi người đóng góp một bó củi mỗi tuần!”. Trời ơi, thế là hết đường kiếm ăn rồi sao?
Tôi và Vũ Sơn còn có một kỷ niệm khá mạo hiểm nữa là đi bộ, tất nhiên là băng rừng vượt suối như người vùng cao bản địa, từ huyện Đại Từ qua huyện Phú Lương, vừa đi vừa về gần trăm cây số! Trường Đại học Y Dược Hà Nội đang sơ tán ở huyện Phú Lương. Vũ Sơn có cô bạn gái đang học năm thứ nhất, còn tôi có người chị cả đang học năm thứ ba. Thế là vào một ngày chủ nhật, chúng tôi rủ nhau băng rừng vượt suối qua huyện Phú Lương. Khi hai người đã lọt vào đại ngàn ngút mắt không một bóng người, tôi thoáng thấy ớn lạnh và nói với Vũ Sơn: “Rừng sâu kể cũng đáng sợ đấy chứ? Kể chuyện gì hay hay cho đỡ sợ đi? Hay là kể chuyện về ông bố mày đã viết “Bỉ vỏ” như thế nào, chuyện có thật hay bịa?”. Vũ Sơn làm ra vẻ như đang suy nghĩ gì đó rồi nói: “Tao cũng dự định sẽ viết truyện phiêu lưu mạo hiểm kiểu như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” ấy nhưng là chuyện về núi rừng, lấy núi rừng Yên Thế làm bối cảnh! Cái huyện Tiên Sơn nơi tao ở cũng đẹp lắm, thật là sơn thủy hữu tình!”. Nói rồi Vũ Sơn kể tôi nghe câu chuyện về một chàng trai là kỹ sư địa chất, bị lạc trong rừng sâu và gặp chín chín tám mốt kiếp nạn như thầy trò Đường Tam Tạng trong Tây Du ký!... Khi tới đoạn chàng kỹ sư địa chất gặp một bản làng toàn đàn bà con gái thì thật là bất ngờ, chúng tôi đã tới khu sơ tán của trường Đại học Y Dược từ lúc nào! Chúng tôi như lạc giữa một rừng Tiên nữ vì ở trường Đại học Y Dược, sinh viên chủ yếu là nữ chứ không như ở Khoa Toán của chúng tôi chỉ có năm cô gái mà thôi. Đó là Vượng, Thanh, Lan, Hải và Mậu – Ngũ Long công chúa!
*
Sau này, khi tôi từ quân ngũ trở về tiếp tục học tại Khoa Toán (năm 1971) thì các bạn của tôi ở Đầm Mây dạo ấy đã ra trường. Vũ Sơn về làm việc ở một Đoàn Địa chất thuộc Liên Đoàn Địa chất VN, cứ như là có điềm báo trước khi ở trong rừng hôm ấy, Vũ Sơn đã kể cho tôi nghe chuyện về anh chàng Kỹ sư địa chất bị lạc trong rừng! Không biết sau này Vũ Sơn có viết truyện đường rừng không, tôi cũng chưa hỏi lại!
Ở lại Khoa Toán làm cán bộ giảng dạy có Lê Tiến Tam và Phan Xuân Vỹ. Hai người ở trong khu tập thể giáo viên Khoa Toán trong khu Mễ Trì. Sau này, tôi có đến ở cùng phòng với Vỹ một thời gian cho vui. Và cái chết oan nghiệt đã đến với Vỹ khi Vỹ nhập ngũ và bị chết đuối ở nơi huấn luyện tân binh!...Bộ môn Toán học Xác suất mất đi một nhà Toán học trẻ có nhiều triển vọng, gia đình Vỹ mất đi một người con hiếu thảo, những người bạn chúng tôi mất đi một người bạn rất trung thực, nhiệt tình!
*
Tuy sau này tôi chuyển sang học ở Khoa Văn và làm công tác nghiên cứu về văn học, nghệ thuật, rồi làm báo, chẳng còn dính dáng gì đến Toán học nhưng những ký ức về Khoa Toán và những người bạn ở Khoa Toán luôn trở đi trở lại trong ký ức của tôi, cứ như là vừa mới xảy ra, thậm chí như là đang xảy ra. Một lần, một người bạn già thấy tôi hay nói tới Khoa Toán và những người bạn Khoa Toán thì nói: “Lá số Tử vi của cậu rất giống với lá số Tử vi của cái anh bạn Phan Xuân Vỹ ấy! Cậu thoát chết trong gang tấc tới ba lần chính vì cậu đã hoán cải được số mệnh bằng việc chuyển từ Khoa Toán sang Khoa Văn đó!”. Nghe ông bạn già nói mà giật mình! Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ân hận vì đã chuyển từ Khoa Toán sang Khoa Văn, vẫn thấy rằng, sai lầm lớn nhất của tôi trong đời là bỏ Khoa Toán sang Khoa Văn!./.
Sài Gòn, tháng 3-2010
| |
Đỗ Ngọc Thạch |
nguồn: vanchuongviet.org
Chuyện Sao - Người mẫu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét