Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Giai điệu mùa hè ;...Mùa Thi...- Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Ký ức mùa thi; Giai điệu mùa hè...


Con gái viên Đại Úy (truyện ngắn)


KÝ ỨC  MÙA  THI 
GIAI  ĐIỆU  MÙA  HÈ 


Thiếu nữ e ấp mùa hoa phượng


KÝ ỨC  MÙA  THI

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH


Nói đến chuyện thi cử của thời học sinh, đối với tôi không có gì đặc biệt bởi với bất kỳ ở cấp học nào và với bất cứ hình thức thi cử nào, tôi cũng đều đi qua một cách nhẹ nhàng, hoặc nói theo kiểu so sánh thì nó đều dễ như ăn kẹo! Và thú thật, không hiểu sao, tôi chưa bao giờ chú ý săn đón, dò tìm xem trong những kỳ thi cử ấy mình được bao nhiêu điểm như các bạn cùng học khác. Lúc mới phát hiện ra điều này, tôi cứ nghĩ đó là do mình có máu lãng tử, bất cần đời, không coi cái gì là quan trọng cả. Song, một người bạn vong niên của tôi là Bác sĩ Thần kinh có bằng cấp rất cao thì lại nói: “Đó là do cậu điếc không sợ súng, mù không sợ chói… Nói tóm lại, cậu là một cá tính chưa hoàn chỉnh.Ví dụ, người ta phải đấu tranh, giành giật rất dữ dội cho mọi thứ quyền lợi của mình, còn cậu lại ngại chen lấn, xô đẩy! Hoặc người ta phải chạy đua từng giây từng phút để giành được trái tim người đẹp và quyết tử để bảo vệ tình yêu, còn cậu thì chỉ biết xây mộng tưởng trên những sợi tóc người đẹp để rơi hoặc mùi hương người đẹp còn vương lại! Khi có được người yêu rồi, có kẻ tham lam muốn chiếm đoạt thì cậu lại không những không “giữ thành” mà còn “dâng thành cho giặc”! Còn nữa, người ta phải có kế hoạch, chiến lược cho con đường thăng tiến của mình, còn cậu thì cứ bình chân như vại, đi một bước tính một bước như người mộng du!”. Tôi cho đó là đúng nên cứ mặc kệ xem sao, với lại mình làm sao mà chỉnh sửa lại được nữa? Tôi không nuối tiếc vì đã bỏ qua những cơ hội ngàn vàng và thấy nhẹ người khi có cảm giác như mình đã đứng ngoài mọi sự sám dỗ, mọi dục vọng. Tuy nhiên, Tạo hóa lại không buông tha khi cứ bắt tôi phải can dự vào những số phận nghiệt ngã, khiến tôi tiến thoái lưỡng nan. Chẳng hạn như lần tôi đi coi thi Đại học vào một mùa thi khá nóng như mùa thi năm 2010 này!
Những ngày từ giữa tháng năm trời thường xuyên nóng tới 37-38 độ C và vào những ngày đầu tháng 6 năm 2010 này, Nha Khí tượng còn dự báo sẽ tới 40 độ C và có thể hơn! Đã nóng lại bị cúp điện bất tử!... Song, bất chấp mọi trở ngại của thời tiết, dường như cả xã hội đang “Nóng” lên cùng mùa thi! Còn với tôi, mỗi khi mùa thi đến, tôi lại như đi ngược thời gian để về với mùa thi năm 1973, khi tôi còn đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Tổng hợp Hà Nội. 
Tôi cũng không hiểu tại sao mấy người sinh viên chúng tôi lại được điều vào tận Huyện Q ở tận Nghệ An để coi thi đại học tại một điểm thi là một trường Huyện. Thời tôi còn trẻ (và phải cho tới ngoài 50 tuổi), dù đi đâu, làm gì, khi nhận được lệnh của cấp trên là tôi chấp hành ngay mà không cần biết lý do cũng như mục đích này nọ. Cái đặc điểm này ở con người tôi có lẽ là do tôi phải sống trong nếp sống quân sự ngay từ trong bụng mẹ và lớn lên lại nhập ngũ, phải thuộc Mười lời thề quân nhân, mà Lời thề thứ Hai có ý phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, phải thực hiện mệnh lệnh đó nhanh chóng và chính xác! Vì thế, tôi bao giờ cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chính cái sự “Làm tốt” đó đã khiến tôi phải ân hận suốt đời. Lần coi thi này có chuyện như thế. 
Như chúng ta đều biết, người coi thi có nhiệm vụ duy nhất là không để thí sinh vi phạm những qui chế của thi cử, thi cử phải nghiêm túc! Từ khi còn ngồi trên tàu hỏa từ Hà Nội vào Thành phố Vinh (Nghệ An), chúng tôi đều nghĩ chuyện thi cử này sẽ trôi qua tốt đẹp, chẳng có gì phải lo nghĩ và chuyến đi này của chúng tôi sẽ chỉ là một chuyến du lịch thú vị khi được đến một huyện ven biển của tỉnh Nghệ An thơ mộng: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ… Song, những gì diễn ra trong ba ngày coi thi ở vùng duyên hải này không hề bình yên!
Trước ngày coi thi, tôi và người bạn tên Minh ăn cơm chiều xong thì đi dạo ra bờ biển. Ra khỏi làng một đoạn khoảng một trăm mét thì tới rừng phi lao vừa dài vừa rộng, gió thổi rì rào tạo nên những chuỗi âm thanh bất tận. Anh chàng Minh là người rất đa tình, cứ nói hoài cái câu “Lẩy Kiều” này: “Trước sau nào thấy bóng người / Phi lao năm ngoái còn cười gió đông”. Tôi bảo: “Dân ở đây thưa thớt thì làm gì có người! Đừng có nghĩ đây là hàng phi lao ở sau khu ký túc xá!”.Nhưng, tôi vừa dứt lời thì có hai cô gái bất ngờ xuất hiện, chỉ cách chúng tôi khoảng chục mét, cứ như là hai cây phi lao tu luyện thành tinh đã hóa thành! Vừa nhìn thấy hai cô gái, Minh vừa cười vừa nói: “Ai bảo không có người? Đây không phải là Tiên nữ giáng trần thì là Hồ ly hay sao? Là ai thì cũng tốt!”. Nói rồi Minh đi tới bên hai cô gái, nhanh như gió! 
Chỉ sau khoảng năm phút, anh chàng Minh đa tình kia đã biến mất cùng một cô gái, trước khi biến mất còn quay lại nháy mắt ra hiệu cho tôi, ý nói: nhào dô! Cô gái còn lại cứ đứng bên gốc phi lao nhìn tôi có vẻ ngượng ngùng, có vẻ như muốn nói gì mà khó nói! Chốc chốc cô gái lại gạt những sợi tóc bay lòa xòa trên mặt, để lộ rõ một khuôn mặt trái xoan, hơi buồn nhưng đôi mắt sáng lấp lánh. Thấy vậy, tôi lại gần và hỏi: “Cô muốn nói gì thì cứ nói đi! Ở đây không có ai đâu mà phải mắc cỡ!”. Tôi nói vậy chứ thực ra cũng thoáng lo sợ với ý nghĩ: Nếu cô gái này là cây phi lao thành tinh thì tôi biết làm sao? Nghĩ vậy bởi tôi đã nghe câu chuyện về một anh chàng thư sinh bị một yêu tinh phi lao trêu ghẹo đến nỗi cứ ôm lấy cây phi lao mà hôn, máu mê đầy mặt mà không hồi tỉnh! Cô gái thấy tôi nói xong thì cứ đứng yên vẻ nghi ngại thì bật khóc! Lúc đầu thì khóc thút thít, sau thì to dần như là đứa trẻ bị đánh đòn! Thấy cô gái khóc như vậy, tôi phát hoảng, tính bỏ chạy thì như là biết được suy nghĩ của tôi, cô gái thôi khóc và chạy ào tới bên tôi, nắm chặt lấy cánh tay tôi và nói: “Anh đừng bỏ đi! Hãy nghe em nói, hãy cứu giúp đứa con gái tội nghiệp là em đây! Em xin anh, em xin anh hãy cứu em!”. Cô gái quỳ xuống bãi cát, định cúi lạy van xin như trong phim người ta vẫn hay làm. Không hiểu sao tôi lại thoáng nghĩ, hay là cô gái đang diễn tuồng cải lương gì đây? Song tôi gạt bỏ ngay ý nghĩ đó và khẳng định hẳn là cô gái đang gặp sự biến gì đó cần có người cứu giúp. Tôi liền kéo tay cô gái lên và nói: “Cô đứng lên rồi nói đi đã, cô đang gặp chuyện gì?”. Cô gái không đứng lên mà lại khóc, vừa nói vừa khóc: “Anh mà không giúp em thì em sẽ chết!”. Nghe thấy chữ “Chết” tôi giật mình và nói to: “Chết là chết thế nào? Không nói rõ mà cứ khóc lóc thế thì tôi biết giúp thế nào?”. Cô gái liền đứng lên và nói: “Anh đồng ý giúp em rồi phải không? Vậy thì em sẽ nói rõ cho anh nghe!”. Rồi cô gái lấy vạt áo lau khô nước mắt và nói: “Kỳ thi này mà em thi trượt thì bố em bắt em làm vợ ông chủ tịch xã để gán nợ. Ông chủ tịch xã đó khỏe và dữ như trâu điên, ba người vợ trước đã chết thê thảm ngay trên giường ông ta! (...) Em sợ lắm!...Nếu anh không làm bài giúp em thì em sẽ trượt!”. Tôi chưa hết ngạc nhiên về cái ông chủ tịch xã có tướng sát vợ kia thì lại ngạc nhiên về cái sự nhờ làm bài thi hộ “thẳng thắn” như thế của cô gái! Tôi nói ngay: “Tôi đi coi thi mà lại làm bài thi hộ thì đâu có được! Cô nhờ ai đi, tôi sẽ làm ngơ mà không bắt thì được chứ tôi không thể phạm tội trắng trợn như thế được!”. Cô gái thôi hẳn thổn thức, nói nhỏ mà rất rõ ràng, mạch lạc: “Em đã hỏi kỹ về anh mới dám nhờ. Anh có thể làm cả Toán, cả Văn. Em còn biết thời anh còn đi học, các kỳ thi anh chỉ làm hết nửa thời gian! Anh chỉ nhón tay là cứu được cả đời em, em xin anh!...Em sẽ đội ơn anh suốt đời!”. Tôi vụt nhớ đến câu “Biết luật mà phạm luật” thì sẽ bị xử tội rất nặng, rồi chuyện thời xưa cái ông nhà thơ bậc thánh Cao Bá Quát suýt bị chặt đầu vì sửa bài cho sĩ tử! Tôi liền nói lại câu vừa nói: “Cô đi nhờ người khác, tôi sẽ làm ngơ thì được chứ nhất định không thể biết luật mà phạm luật!”. Cô gái bỗng ôm chặt lấy tôi mà khóc nức nở, nước mắt  cô gái ướt sũng cả ngực áo tôi! Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà lúc đó lòng tôi lại “sắt đá” như thế: tôi nhẹ nhàng gỡ tay cô bé ra và đi nhanh ra khỏi vạt rừng phi lao đang vặn mình trong gió… 
Sáng hôm sau, khi điểm danh thí sinh, phòng thi của tôi thiếu những năm người, trong đó có tới bốn nữ. Vì chưa kịp biết tên cô gái ở vạt rừng phi lao tối hôm trước nên tôi cũng không biết trong bốn nữ sinh bỏ thi có cô gái đó không? Nhưng tôi còn nhớ rất rõ khuôn mặt của cô gái nên đi dạo hết các phòng thi để tìm xem có cô gái ðó không nhýng cũng không thấy! Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định cô gái đó là một trong bốn cái tên đã bỏ thi ở phòng thi của tôi! Tự nhiên, một cảm giác buồn và trống rỗng chế ngự trị trong tôi suốt mấy ngày coi thi, khiến tôi chẳng thiết quan sát phòng thi cũng như nhắc nhở những thí sinh chép bài của bạn hoặc chép tài liệu lộ liễu! Cứ mỗi khi nhắm mắt lại, khuôn mặt đẫm lệ của cô bé lại hiện ra trước mặt! Tôi chỉ biết cầu cho cô bé đừng gặp điều gì tệ hại, hoặc lại cầu cho ông bố của cô gái bỏ ý định bắt con gái lấy cái ông chủ tịch xã có tướng sát thê, rồi tôi lại cầu cho ông chủ tịch xã kia bỗng nhiên bị tai nạn cọc đâm vào “hạ bộ” không lấy vợ được nữa!...
Hết nhiệm vụ coi thi, anh bạn tên Minh đó quê ở thị trấn Đô Lương nên có xin phép đoàn công tác tranh thủ về quê vài ngày, thầy giáo phụ trách đồng ý ngay. Vì thời gian ở bộ đội, tôi cũng đóng quân ở Đô Lương khá lâu nên Minh rủ tôi đi cùng cho có bạn đường, tôi đồng ý ngay. Khi tới nhà Minh, cơm no rượu say rồi Minh mới nói: “Sao ông anh “máu lạnh” thế? Người ta sắp chết mới nhờ cứu giúp mà lại từ chối? Từ chối cả tấm thân kỳ diệu mà Tạo hóa đã ban cho Trinh nữ thì không thể hiểu được?”. Tôi còn biết nói gì mà chỉ cảm thấy ân hận, bèn hỏi: “Có phải cô bé đã bỏ thi phải không?”. Minh nói ngay: “Thi cử cái gì nữa! Ngay hôm sau đã phải làm vợ thằng cha trâu điên ấy rồi!”. Tôi lặng người đi và có cảm giác như chính mình bị con trâu điên ấy húc vào ngực và hất tung lên trời!... 
Thị trấn Đô Lương của anh bạn Minh là vùng đồi đất đỏ liên hoàn gần giống như mấy huyện của tỉnh Sơn Tây ngoài Bắc, cũng là nơi đơn vị Ra-đa của chúng tôi đóng quân lâu vì có thể tận dụng điểm cao là các đỉnh đồi để đặt máy phát sóng. Tôi có trở về mấy nơi đã từng đóng quân nhưng không gặp “người quen” nào cả vì người thì đi lấy chồng, người thì đi học, người thì đã hy sinh, v.v…Thì ra tất cả những gì tôi đã tưởng tượng ra, cầu mong nó như thế như thế đều là ngược lại, thật phũ phàng, thật nghiệt ngã và cũng rất chân thực! Tuy nhiên, vẫn có một cô gái tên Tâm nhờ tôi chuyển lá thư và đồ vật kỷ niệm gì đó cho Trung sĩ Khang vốn là Tiểu đội trưởng cũ của tôi, hiện là sĩ quan ở Bộ Tư lệnh Ra-đa, đang đóng quân ở hà Nội. Cô Tâm này vẫn hy vọng anh chàng Khang kia quay về Đô Lương đón cô lên xe hoa!... 
Ở nhà Minh chơi được hai ngày thì tôi nói với Minh: “Cái đất Đô Lương này toàn đồi núi nên có vẻ nóng hơn vùng duyên hải. Hay là tớ đi xuống mấy huyện Nghi Lộc, Diễn Châu chơi và thăm lại mấy nơi đóng quân ngày xưa… Ba ngày nữa ta sẽ hẹn gặp nhau ở Ga Vinh rồi cùng về Hà Nội!”. Minh đồng ý ngay và còn nói nửa đùa nửa thật: “Nhớ đến thăm mộ cô gái ở rừng phi lao nhé!”. Tôi định nói câu gì đó đại loại như cô bé ấy không thể chết dễ dàng như thế được, hoặc người chết phải là thằng chồng đã hại chết ba đời vợ mới là lẽ công bằng…song lại nghĩ: mình có nói gì thì cũng vô nghĩa vì sự việc tốt hay xấu thì đã xảy ra rồi. Nghĩ thế tôi vội vàng ra đường cái vẫy ô tô đi nhờ về chỗ coi thi… 
Thật may cho tôi là có một xe “Din ba cầu” của một đơn vị Ra-đa cũng đang đóng quân ở Đô Lương có nhiệm vụ chạy về Thành phố Vinh cho tôi đi nhờ. Đơn vị Ra-đa này là đơn vị mới được thành lập, nhưng khi nói chuyện với người lái xe thì anh ta đều quen biết mấy người lái xe ở đơn vị cũ của tôi, thậm chí có người còn rất thân. Tức tôi đã gặp được “Bạn của bạn” thì cũng là bạn. Thế là anh bạn lái xe đưa tôi về tận sân trường nơi tôi đã coi thi mấy ngày trước!...
Sân trường ngày nào đông vui tấp nập ríu rít tiếng học trò giờ sao mà vắng lặng đến rợn người. Tôi cũng không thể biết được một cách rõ ràng tâm trạng của mình lúc đó ra sao mà có lúc tưởng như không biết mình đến đây làm gì? Và rất có thể tôi sẽ rơi vào tình trạng “mất trí nhớ” đó nếu như cô gái tôi đã gặp ở vạt rừng phi lao mà sau đó “biến mất” cùng anh bạn Minh, bỗng đột ngột xuất hiện ngay trước mặt tôi! Tôi nhận ra ngay và vội hỏi: “Cô bé bạn của cô đâu rồi?”. Cô gái nói nhỏ nhưng rất rõ: “Con Nụ thật đáng thương! Đáng lẽ nó không chết nếu anh chịu giúp nó! Nhưng cuối cùng thì…Nó chết rồi! Sau khi cưới năm ngày thì nó chết, chết thảm ngay trên giường ngủ của chồng nó!...Bây giờ anh muốn gặp thì tôi dẫn ra mộ nó! Trước khi chết một ngày, nó bảo muốn tìm gặp anh, nhưng tôi bảo thà chết còn hơn là nhờ anh! Có lẽ nó đã chuẩn bị đi tìm anh nhưng rồi lại nghe theo lời tôi!...”. Cô gái còn nói gì nữa, hình như là hơi nhiều, trên suốt quãng đường dẫn tôi ra thăm mộ cô gái tên Nụ… 
Tôi cứ nghĩ là mộ của Nụ ở nghĩa trang của xã nhưng tôi sững sờ, bàng hoàng khi cô bạn của Nụ dẫn tôi tới vạt rừng phi lao đó, và nấm mộ của Nụ rất đơn sơ, cỏ mới mọc xanh còn xen lẫn cỏ úa, đặt đúng nơi tôi đã gặp Nụ buổi tối trước ngày thi Đại học đó, đúng nơi mà Nụ đã hết lời nhờ tôi cứu giúp nhưng tôi đã không giúp gì cả! Tôi nhìn nấm mộ Nụ một lúc thì cứ như là phim thần thoại, lớp đất có cỏ ở trên nấm mộ biến mất, và trên bãi cát bên những cây phi lao, Nụ đang nằm khóc tức tưởi!... 

Sài Gòn, cuối tháng 5-2010
Đỗ Ngọc Thạch 
Chọn áo tắm để sexy trên biển, Thời trang, thoi trang, thời trang, thoi trang tre, ao tam, bikini, do boi

GIAI  ĐIỆU  MÙA  HÈ

Truyện ngắn ĐỖ NGỌC THẠCH


Mỗi khi mùa hạ tới, tôi lại nhớ đến nhà thơ Heinrich Heine (1797-Paris 1856) với bài thơ TRONG THÁNG NĂM KỲ DIỆU : Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra /Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha.

Không phải ngẫu nhiên mà với nhà thơ Heinrich Heine mùa hạ lại kỳ diệu như vậy và cũng như vậy, tôi thấy mùa hạ thật kỳ diệu bởi mùa hạ đó, tôi đã gặp em…
Sau bốn năm tại ngũ, quân lực Trung đoàn gọi tôi lên và nói: “Cho cậu lựa chọn một trong hai : đi học trường sĩ quan Ra-đa hoặc trở về trường Đại học cũ! Tôi chọn ngay cái thứ hai, thế là tôi được trở về trường cũ. Nhưng lúc đầu, những người ở Bộ Đại học bắt chúng tôi phải tham gia thi như những thí sinh tự do khác (lúc này khối học sinh Trung học Phổ thông đã thi xong) bởi chuyện này chưa có tiền lệ và lúc chúng tôi nhập ngũ thì những người hứa là sau này, khi xuất ngũ sẽ được trở về lớp cũ, trường cũ, tức nơi ra đi lên đường chiến đấu, là những thầy giáo ở Trường chứ không phải mấy người trên Văn phòng Bộ Đại học! (Sau này, sát tới ngày khai giảng năm học mới, Bộ Trưởng Tạ Quang Bửu mới ký quyết định là tất cả sinh viên nhập ngũ, khi xuất ngũ đều được về tiếp tục học tại lớp cũ, trường cũ  mà không phải thi lại nữa – lúc đó chúng tôi đã thi xong được một tuần).  
Khi Bộ Đại học nói chúng tôi phải tham gia dự thi như những thí sinh tự do thì tuy bực mình vì thấy người ta thất hứa, nhưng chúng tôi cũng không lo ngại gì vì mặc dù đã bốn năm không rờ đến đèn sách, nhưng khi lật mở đống tài liệu ôn thi ra thì thấy như là mới xa những chuyện học hành này vài ba ngày mà thôi! Và chúng tôi lao vào chuyện học hành rất hăm hở, tràn đầy cảm hứng! (Khi nói “Chúng tôi” là tôi và hai người bạn nữa, ở Khoa Lý, cùng nhập ngũ và cùng trở về đợt này, là Sơn Lộ và Xuân Hùng, gia đình đều đang ở Hà Nội). 
Khi ôn thi, tôi, Hùng và  Lộ thường đến thư Viện Quốc gia ở phố Tràng Thi. Chúng tôi chọn cái bàn ở góc trong cùng phía bên phải, và ngồi ở ba cái ghế phía cuối bàn. Ngồi ở đây sẽ yên tĩnh tuyệt đối vì không có ai đi lại sau lưng. Ngồi đọc sách mà chốc chốc lại có người đi qua, đi lại sau lưng thì thật là bất ổn! Tuy nhiên, có điều “bất ổn” khác ở ngay trước mặt. Ba cái ghế cuối bàn phía đối diện với chúng tôi, bỗng xuất hiện ba cô gái, chỉ sau chúng tôi nửa ngày. Có hai điều đặc biệt: Thứ nhất, ba cô gái đều mặc quân phục, một cô quân phục hải quân, một cô quân phục bộ binh còn cô thứ ba là quân phục bộ đội biên phòng, song phù hiệu trên ve áo đều là binh chủng thông tin, chắc hẳn các cô đều là lính báo vụ (VTĐ). Điều đặc biệt thứ hai là cả ba cô gái đều hao hao giống nhau: khuôn mặt trái xoan, mắt biếc môi hồng, má lúm đồng tiền, nụ cười rất duyên cùng mái tóc dài đen nhánh khiến cho ai mới nhìn đều tưởng đó là ba nàng Tiên hạ giới! 
Mới nhìn qua tài liệu sách vở mà ba cô gái đang đọc thì có thể đoán rằng các cô cũng đang ôn thi đại học, không phải khối A như chúng tôi mà là khối C. Kỷ luật trong Thư viện là tuyệt đối im lặng nên cả ba  chúng tôi cùng im lặng quan sát ba cô gái và tất nhiên là phải làm việc của mình. Song, dường như không hẹn mà gặp, cả ba chúng tôi đều bị các cô gái thu hút và làm việc của mình thì ít mà mải mê quan sát các cô gái thì nhiều! Sau khoảng một giờ, chúng tôi cùng ra ngoài giải lao. Khi ngó vào, chúng tôi vẫn thấy các cô gái miệt mài đọc sách thì lấy làm lạ và cùng trở vào. Khi ngồi xuống ghế, tôi thấy một mảnh giấy trước mặt có ghi mấy chữ: “Học thi thì phải tập trung / Đừng có mơ tưởng lung tung làm gì / Hẹn ngày bái tổ vinh qui / Muốn gì được nấy, thích gì cũng cho!”. Tôi nhìn sang cô gái đối diện, cô ta vẫn im lặng đọc sách, nhìn vào khuôn mặt cô gái thì thấy bình lặng như mặt hồ thu, nhưng nhìn xuống cổ áo của bộ quân phục hải quân thì thấy như có sóng biển dâng trào! Tôi nhìn qua hai người bạn của mình thì không thấy động tĩnh gì, không biết hai người có nhận được mảnh giấy như của tôi hay không? Tôi lẳng lặng gập mảnh giấy lại và cho vào túi áo, định bụng lúc ra về sẽ hỏi. Nhưng khoảng nửa giờ sau thì hai người bạn của tôi về trước, nói là có việc quan trọng…
Ba bốn ngày nữa trôi qua, vẫn chưa có gì mới, tức chúng tôi vẫn chưa có dịp để nói chuyện với ba cô gái ngồi đối diện. Hùng và Lộ đã tìm mọi cách để tiếp cận đối tượng nhưng đã ba lần đứng trước mặt ba cô gái mà lúng búng không biết nói gì! Tôi nghĩ có lẽ chỉ có cách “viết thư” là dễ dàng thực hiện nhất. Song Hùng và Lộ nhất quyết sẽ “nói chuyện” bằng được nên chỉ có tôi là chọn phương án viết thư! Nhưng khi nghĩ sẽ viết gì thì quả là khó! Qua hai ngày nữa mà tôi chưa nghĩ ra nội dung của bức “tình thư”! Đến cuối ngày thứ hai, tôi qua phòng đọc báo. Liếc qua tờ Văn Nghệ thì thấy giới thiệu một chùm thơ tình của nhà thơ Đức Henric Hainơ, đó là những bài thơ ngắn gọn, súc tích nhưng chan chứa cảm xúc. Tôi liền chép ngay bài thơ Tháng Năm của Henric Hainơ với bản dịch của nhà thơ Hoàng Trung Thông:Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra / Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu  / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha.
Ngày hôm sau, tôi đã cài được tờ giấy có bài thơ “Trong tháng Năm kỳ diệu” vào chồng sách vở của cô gái Hải quân. Tôi hồi hộp quan sát “đối tượng” thì thấy kín như bưng, có vẻ như cô gái chưa đọc bài thơ do chưa nhìn thấy tờ giấy? Song, đến cuối giờ chiều thì tôi đã nhận được sự “phản hồi”: khi giải lao trở vào, trước mặt tôi là một tờ giấy có mấy câu lục bát: Học Toán mà lại mê thơ / Hàm số sẽ hóa giây tơ có ngày / Toán thì có đáp số ngay / Còn thơ thì sẽ lơ mơ suốt đời!...Có vẻ như cô gái muốn nói đừng có thơ thẩn làm gì, hãy chính xác như Toán học? Tôi nghĩ có lẽ cô gái không thích thơ nên đành “án binh bất động”, song cứ băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ một cô gái có dáng vẻ thơ mộng như thế mà lại không thích thơ? Không lẽ nào?
Song, ngay ngày hôm sau, tôi đã có đáp án. Lúc ra nghỉ giải lao ở vườn cây của Thư viện, chúng tôi thấy ba cô gái đang ngồi trên một băng ghế đá, cùng xúm vào đọc một tờ báo. Chúng tôi liền ngồi xuống một băng ghế cạnh đó và nghe thấy một cô nói: “Nga Nga sao mà mau lẹ thế, mới có thấy mặt mà đã phải lòng người ta rồi. Lại còn làm thơ tặng người ta nữa chứ! Mà sao không gửi thẳng cho người ta lại gửi đăng báo?”. Cô thứ hai nói: “Thiên Nga nói người thì phải nhìn lại mình chứ, em còn le nặng lẹ hơn ấy chứ! Ngay hôm đầu tiên đã viết tên cái anh chàng Xuân Hùng ấy vào hết mấy cuốn vở rồi phải không? Trong Nhật ký của em mấy hôm nay thế nào cũng viết về anh ta?”. Cô gái Thiên Nga định nói thì cô gái tên Nga Nga nói át đi: “Thôi, các chị đừng châm chọc nhau nữa. Mà hãy cầu mong cho tất cả chúng ta gặp được người tình trong mộng. Em thấy cái anh chàng Sơn Lộ của chị Hằng Nga muốn nói gì đó với chị, sao chị không bật đèn xanh đi? Chúng ta đều đã gần tới tuổi “Băm” rồi chứ đâu còn trẻ con!”. Hình như cái câu cuối nói về tuổi “Băm” của cô gái có tên Nga Nga đã khiến cho cả ba người cùng lặng đi, đến nỗi có vẻ như chúng tôi đều nghe thấy tiếng đập của ba trái tim ba cô gái! 
Không hiểu sao, tôi lại rất bạo dạn, bước tới chào hỏi rất nhã nhặn ba cô gái đều có tên Nga đó và hỏi mượn tờ báo. Thì ra đó là tờ báo Phụ Nữ, ở trang giữa có đăng bài thơ “Trở lại mùa thi – mùa hoa phượng” của tác giả Nga Nga. Trên bài thơ có lời đề tặng “Tặng những người lính từ chiến trường trở về và tặng riêng Ua!”. Tôi giật mình nghĩ, sao cô gái lại biết tên mình? Và tôi lại phải giật mình tiếp khi cô gái đến sát bên tôi, hỏi: “Em định hỏi tại sao tên anh lại là Ua mà không có dịp! Vậy anh hãy nói đi, cái tên Ua có ý nghĩa gì?”. Rõ ràng đây là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau mà cô gái nói với cung cách như là chúng tôi đã từng nói chuyện với nhau từ lâu! Tôi quay sang ngó nhanh hai người bạn thì ra họ và hai cô gái kia cũng đã đang nói chuyện với nhau từ bao giờ! Tôi thấy tự tin và bình tĩnh nói: “Bài thơ của Nga Nga rất hay, tôi rất thích! Cô có thể tặng tôi luôn tờ báo này nhé?”. Cô gái mỉm cười, nói bằng cái giọng thật là êm ái: “Được thôi, nhưng anh phải trả lời câu hỏi vừa rồi đi đã?”. Tôi nói như máy vì câu hỏi này đã có tới hàng ngàn người hỏi: “Mới đọc lên thì cái tên Ua chẳng có nghĩa gì cả, lại khó phát âm vì tôi họ Uông, Uông Ua, nghe cứ như tiếng ễnh ương, ếch nhái lúc trời mưa! Nhưng xuất xứ của cái tên Ua thì lại không đơn giản. Ông nội tôi nói thích tôi làm Vua nên đặt tên là Vua. Nhưng khi làm giấy khai sinh, Ủy ban Xã không cho đặt tên như vậy nên bắt bỏ chữ “V” đi. Khi đi học, cô giáo bảo cho mượn tạm chữ “C” thành ra Cua cho dễ đọc. Có thầy giáo khác lại bảo cho mượn chữ “Đ” thành ra Đua, tức thi đua học giỏi!...”. Tôi còn định nói nữa thì Nga Nga nói: “Từ giờ Nga sẽ cho anh mượn tạm hai chữ “N” để đọc thành Nu Na, tức là chữ mở đầu một bài đồng dao “Nu Na nu nống…”, anh có thích không?”. Chút xíu nữa thì tôi reo lên vì tôi đã có một cái tên thật là hay: Uông Nu Na! Tôi đang đầu óc lãng đãng mây trôi thì Nga Nga đưa tôi một cuốn sổ loại nhỏ và nói: “Cho anh mượn cuốn sổ những bài thơ yêu thích này của Nga Nga, trong đó có cả thơ của Henric Hainơ, Becton Brest, Sanđo Petôphi, Byrơn, A. Puskin, Lecmôntôp, L.Aragôn,v.v…Còn nếu anh thích những nhà thơ Việt Nam thì Nga Nga sẽ đưa cho cuốn sổ khác!”. Thì ra Nga Nga rất mê thơ và đã đọc rất nhiều thơ, chẳng như tôi, chỉ biết mấy nhà thơ trong sách giáo khoa đã học! 
Một tuần liền sau đó, cứ đến giờ giải lao là sáu người chúng tôi lại ra hai băng ghế đá của vườn cây của Thư viện để trò chuyện. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển nhưng không bao giờ nói chuyện học thi như thế nào vì bên nam thì thi khối A (Toán Lý Hóa), còn bên nữ thì thi khối C (Văn Sử Địa), làm sao mà giúp gì được cho nhau. Tôi chắc ba cô gái học rất giỏi và sẽ thi đỗ, quả nhiên cả ba đều là học sinh giỏi văn hồi Phổ thông Trung học. Còn với chúng tôi, chuyện thi cử còn dễ hơn lấy đồ trong túi. Mặt khác, chúng tôi đã là sinh viên rồi thì việc phải thi lại như thế này thật trái lẽ thường, thế nào cũng sẽ có quyết định không phải thi nữa. Song quyết định đó phải một tuần sau khi chúng tôi thi xong mới có! Sao không để năm sau hãy ra quyết định ấy bởi vì cả ba người chúng tôi đều đạt điểm tối đa! Cũng như thế, cả ba cô gái tên Nga đều đậu thủ khoa vào trường Đại học Sư phạm: Nga Nga vào Khoa Văn, Thiên Nga vào khoa Sử, còn Hằng Nga lại vào Khoa Địa! (Ba cô gái tên Nga là ba chị em con dì, con già, tức ba người mẹ là ba chị em ruột, thảo nào giống nhau như thế). 
Còn một tuần nữa thì tới ngày nhập học, sáu người chúng tôi hẹn nhau sáu giờ tối đến Thư viện Quốc gia rồi sẽ đi ăn bánh tôm Hồ Tây, rồi sẽ bơi thuyền trên Hồ Tây, như thế thì tha hồ mà bày tỏ tình yêu, nhất là khi chỉ có hai người trên thuyền giữa Hồ Tây mênh mông bát ngát! Nhưng khi đến Thư Viện Quốc Gia thì Hằng Nga lại bị trẹo chân (do đi guốc cao gót) nên chúng tôi lại ra chỗ mấy băng ghế đá ở vườn cây ngồi nói chuyện. Chúng tôi nói chuyện gì không nhớ hết nhưng khi tôi nhìn đồng hồ thì đã chín giờ tối. Lúc đó, Thư viện đã vãn người, trong vườn cây chẳng còn ai ngoài sáu người chúng tôi. Rất tự nhiên, chúng tôi tách ra thành ba đôi, ngồi ở ba băng ghế khác nhau. Cái băng ghế của tôi chỉ cách băng ghế của Hằng Nga và anh bạn Sơn Lộ hai mét, cho nên tôi nghe khá rõ hai người đã nói với nhau những lời yêu tha thiết và đã hôn nhau nồng nàn, rất nhiều, rất lâu… Vậy mà không hiểu sao, tôi và Nga Nga vẫn ngồi cách nhau tới một mét và tôi đang nghe Nga Nga đọc những bài thơ mới viết của cô. Hình như Hằng Nga thấy rõ “tình trạng xa cách” của chúng tôi nên cô đã tới bên tôi nói nhỏ: “Ngồi gần vào, cầm tay rồi hôn đi, kẻo sau này sẽ không bao giờ được gặp nó nữa đâu!”. Nghe Hằng Nga nói vậy, tôi hoảng sợ và có cảm giác như Nga Nga của tôi sẽ bay đi mất! Thế là tôi ngồi xích lại gần và cầm lấy tay Nga Nga. Khi tôi và Nga Nga đã tay trong tay thì tôi nghe Nga Nga nói nhỏ: “Anh hôn em đi, nhưng phải thật nhẹ nhàng!”. Nghe Nga Nga nói xong nửa câu tôi đã tai ù mắt hoa nên đâu còn nghe rõ phần sau của câu nói, liền ôm chặt lấy cô gái mà hôn như điên dại. Song, trong lúc cuồng si đó, tôi cũng còn khá tỉnh táo để nghe thấy tiếng kêu của Nga Nga “Ối!...”, rồi Nga Nga ngất lịm đi trong tay tôi! Hình như tiếng kêu đó của Nga Nga cũng đến tai Hằng Nga, lập tức cô này chạy sang chỗ tôi, đỡ Nga Nga nằm xuống băng ghế, nhẹ nhàng xoa bóp vùng ngực Nga Nga và nói với tôi: “Được rồi, chỉ lát nữa là nó sẽ bình thường thôi. Sao nó chưa nói với anh à, trong ngực nó còn hai viên bom bi, một viên nằm sát kề tim, không lấy ra được. Nếu vận động mạnh sẽ bi đau vùng ngực!”. Nghe Hằng Nga nói mà tôi choáng váng! Ôi, sao tôi lại ngốc thế, người mình yêu bị những vết thương hiểm nghèo như thế mà không hay biết gì? Chỉ khoảng ba phút sau, Nga Nga đã trở lại bình thường, nhìn tôi cười nói: “Nga làm cho anh sợ phải không? Yên tâm đi, Nga không sao đâu!”. Nga nói xong thì nép vào ngực tôi, bàn tay cô mân mê những ngón tay tôi, khiến tôi như bị tan ra thành sương khói!
Cách ngày nhập học ba ngày, tôi tới nhà hai người bạn lính nhưng đều không có nhà. Tôi đi lòng vòng quanh Hồ Gươm không biết mấy vòng rồi chui vào Thư Viện. Tới chỗ chúng tôi vẫn ngồi học thi mọi khi thì đã có ba người đang ngồi đọc sách . Chỗ ba cô gái tên Nga vẫn còn trống. Tôi sang ngồi trên cái ghế Nga Nga vẫn ngồi, suy nghĩ mông lung. Chợt hai cô gái Hằng Nga và Thiên Nga xuất hiện, đi nhanh đến bên tôi nói nhỏ: “Đến bệnh viện thăm Nga Nga ngay!”. Trên đường đi, hai cô gái tên Nga không nói gì, vì quãng đường từ Thư viện đến Bệnh viện Việt Đức cũng rất ngắn. Khi chúng tôi vào tới phòng điều trị thì Nga Nga đang thiếp ngủ, khuôn mặt cô gái như một đám mây nhỏ, mỏng manh, kỳ ảo!... Thì ra Nga Nga mới thực hiện xong ca mổ ghép thận cho người bố! Khi tỉnh ngủ, nhìn thấy tôi, Nga Nga bỗng cười rất tươi và khẽ nói: “Nu Na đọc cho em nghe bài thơ “Trong tháng năm kỳ diệu” của Hainơ đi! Em rất thích bài thơ đó và thực ra, em đã bị Nu Na chinh phục ngay từ khi tặng em bài thơ đó!”. Tôi nhẹ nắm bàn tay Nga Nga (từ sau lần Nga Nga bị ngất xỉu vì tôi hôn quá mạnh, tôi luôn nhẹ nhàng hết sức mỗi khi chạm vào người Nga Nga), rồi đọc khẽ: Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra / Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu  / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha… 
Trong khi tôi đọc, tôi thấy đôi mắt Nga Nga thật đẹp, lung linh ánh sáng và không hiểu sao, khi tôi đọc xong thì từ đôi mắt ấy, nhẹ nhàng  lăn ra hai giọt lệ, như hai viên ngọc trai! 
Đôi mắt của Nga Nga cứ ám ảnh tôi suốt một tuần liền và tôi có cảm giác như sẽ có điều gì đó bất an! Và cái cảm giác bất an kia đã thành sự thật khi một hôm, lại là cả hai cô gái Hằng Nga và Thiên Nga, đến báo cho tôi biết: Đến Viện Mắt thăm Nga Nga đi, nó vừa làm phẫu thuật ghép giác mạc cho bà mẹ nó rồi!... Lần này thì tôi quả là bị ù tai hoa mắt thật sự, xem chừng còn dữ dội hơn cái lần đơn vị tôi bị bọn máy bay cường kích hải quân Mỹ AD-4, AD-6 oanh tạc trúng trận địa! 
Khi tôi đến Viện Mắt thì Nga Nga đã tỉnh táo hoàn toàn, đang cười nói gì đó với mấy cô Y tá. Thấy tôi tới, sau khi nắm nhẹ lấy bàn tay tôi, Nga Nga nói: “Mấy hôm nay em bỗng muốn đọc thơ mà không đọc được, lại chẳng có ai có thể đọc cho em nghe!”. Tôi thấy như có ai bóp mạnh tim mình, đau nhói, mắt tôi bỗng nhòa lệ mà sao thấy khô khốc, nóng bỏng. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy các ngón tay mềm mại của Nga Nga và đọc: …Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha….
Trở lên trên là toàn bộ câu chuyện của anh bạn Uông Ua kể cho tôi nghe. Câu chuyện của Uông Ua có nhiều điểm giống với chuyện trở về đi học của tôi, chỉ khác là thời gian của tôi là vào tháng Mười, đang đỉnh điểm mùa mưa lũ, nước sông Hồng lên cao chưa từng thấy và có khả năng Hà Nội sẽ thành biển nước. Còn chuyện của Uông Ua là vào tháng Năm – Tháng năm kỳ diệu! Song, Uông Ua lại nhờ tôi viết và đứng tên tác giả chứ nhất định không chịu đứng tên. Hỏi mãi thì Uông Ua mới nói: “Nếu tôi viết và đứng tên thì tôi phải lấy lại cái tên ông Nội đặt cho là Vua. Chắc là bây giờ người ta vẫn chưa chịu cho đặt tên như thế!”. Tôi lại hỏi ba cô gái tên Nga, đặc biệt là Nga Nga hiện nay thế nào, thì Uông Ua nói, không nên truy hỏi đến cùng như thế! 

Sài Gòn,tháng 6-2010 
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: newvietart.com
ČESKÁ MISS 2013, hoa hậu CH Séc, Monika Leová


Dòng Sông Ám Ảnh
Đỗ Ngọc Thạch
Ông Tiền Đạo, tính đến nay (năm 2011) đã 75 tuổi (ông sinh năm 1936) nhưng thân thể còn rất tráng kiện, mới thoạt nhìn ai cũng nghĩ ông chưa tới “Thất thập cổ lai hi”! Cuộc đời của ông đầy sóng gió với đủ kiểu “ba chìm bảy nổi”, nếu viết hồi ký về ông thì 1.000 trang sách cũng chưa bõ bèn gì! Là bạn vong niên với ông đã hơn ba chục năm, nhưng khi tôi dụ ông viết hồi ký, tất nhiên là tôi làm “chắp bút” (ông Đạo có thân hình cao lớn như khủng long, chân tay dài loằng ngoằng không thích hợp với việc cầm bút) thì ông nói: “Cuộc đời người ta phải đến giai đoạn cuối mới có nhiều chuyện đáng nói. Mà tôi thì phải sống tới hơn 90 tuổi, bây giờ đã viết hồi ký thì còn quá sớm!”. Tôi lại dụ ông là viết tiểu thuyết về ông, tức ông chỉ làm “nguyên mẫu” một phần, còn hư cấu là chính, thì ông nói: “Tiểu thuyết thì lại càng phải chờ đến lúc sắp chết mới viết. Cậu quên câu nói “Chết là hết chuyện” à? Nhưng nếu cậu viết truyện ngắn về tôi thì được, tôi sẽ kể cho cậu vài mẩu ngắn liên quan đến con sông quê tôi”.

*

Ông Đạo mỗi khi đứng trước một con sông nào đó thì thường lẩm nhẩm bài hát Làng quan họ quê tôi rồi nói: “Làng tôi là một làng quan họ ở bên con sông Cầu thơ mộng. Tuổi thơ của tôi thật bất hạnh, không được sống ở làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn mà bị trôi dạt tới xứ người. Nhưng sau này, khi được trở về sống ở làng một thời gian, những bài ca quan họ, những bài hát mới về làng quan họ như là đã cho tôi được sống lại tuổi thơ. Tôi không có mối tình đầu nhưng người đàn bà đầu tiên của tôi hát quan họ hay đến mê hồn. Mỗi khi nghe mấy câu hát Ngồi tựa mạn thuyền, tôi như bị dòng nước cuốn đi, nhấn chìm. Rồi ông khẽ hát, như một Liền Anh:

Ngồi rằng ngồi tựa (có mấy) mạn thuyền
là ngồi tựa (có hơ) mạn thuyền
(ấy mấy) đêm (là) đêm hôm qua
Ngồi rằng (là) ngồi tựa (có mấy)
mạn thuyền là ngồi
tựa (có hơ) mạn thuyền
Trăng in (là in) mặt nước cũng có
(a) càng nhìn (là) càng
nhìn non nước càng xinh…
                          
Sau này, con gái tôi cũng có giọng hát mê hồn như mẹ nó, khi nó hát bàiLàng quan họ quê tôi thì người nghe cứ ngơ ngẩn như mất hồn! Rồi ông giả giọng con gái mà hát, nghe cũng nao lòng:

Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh
Ngang lưng làng quan họ xanh xanh
Làng quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ
Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao, người ơi
Nón quai thao nói gì người ơi.
Người ơi, làng quan họ quê tôi.
Giữa đình hồ bán nguyệt, chị Cả tựa mạn thuyền
Anh Hai ngồi bẻ lái, quan họ về mà là về trao duyên
Ấy quan họ về, mà là về trao duyên ơ hơ....

Dòng sông quê tôi đẹp là thế, nên thơ nên nhạc là thế nhưng với tôi, nó lại ẩn chứa một nỗi buồn vô hạn, nỗi buồn ấy cứ ám ảnh tôi suốt đời, không chịu buông tha, bởi ngay từ khi mới một tháng tuổi, tôi đã bị đem thả trôi sông!

*
Nhà tôi thuộc loại trung nông lớp trên (theo cách phân chia giai cấp thời chống Pháp), bố tôi có tới bốn bà vợ. Ba bà vợ trước, bà nào cũng có tới ba bốn con nhưng sinh con gái một bề. Điều đó khiến bố tôi quyết lấy thêm bà vợ thứ tư, quê tôi gọi là bà Bốn, để sinh con trai nối dõi. Quả là bố tôi có tướng “đa thê”, ông chẳng phải mất công nhờ mai mối kiếm tìm mà “Ông Trời” đã “cho không” ông bà vợ thứ tư, tức bà Bốn. Bà Bốn, tức mẹ tôi, vốn là con gái của quan tri huyện ở tỉnh bên. Một lần, quan tỉnh kinh lý qua huyện, nhìn thấy cô con gái quan huyện xinh đẹp như tiên nữ giáng trần thì đòi cưới làm thiếp. Cô con gái quan huyện chỉ có cách “Tẩu vi thượng sách”, đó là cách cuối cùng trong tam thập lục kế mà rất nhiều người đã dùng. Nhưng cô gái con quan huyện mới tới tuổi trăng tròn lẻ, chưa hề có kinh nghiệm trường đời, biết trốn đi đâu? Và thế là cô cứ nhìn phía trước mà chạy, chạy được hai ngày thì tới trước cửa nhà bố tôi, rồi ngất xỉu! Khi tỉnh lại, cô gái con quan tri huyện lập tức trở thành bà Bốn. Vì sợ quan tỉnh truy lùng nên bố tôi phải giấu thân phận người vợ thứ tư, nói là con gái một nhà buôn ở Hà Nội.

Trở lại chuyện tôi bị thả trôi sông khi mới một tháng tuổi. Hôm đó là ngày lễ đầy tháng của tôi. Vì tôi là con trai duy nhất của bố tôi (ba bà vợ trước đã có mỗi người ba cô con gái, tức tôi đã có chín người chị cùng cha khác mẹ) nên ngày lễ đầy tháng làm rất lớn, cỗ bàn ê hề, khách khứa đông nghẹt… Tiệc rượu đang náo nhiệt thì có người nói với bố tôi: “Thằng con ông có quý tướng “Bàn chân đạp thất tinh” tức chân mệnh thiên tử. Nhưng lá tử vi của nó rất lạ, nghĩ mãi cũng vẫn là cái số “giết cha lấy mẹ”, mà người Tây dương gọi là “Mặc cảm Ê-đíp”. Tôi thấy không thể xem thường chuyện này!”. Bố tôi nói: “Tuần nay, đã có ba người nói với tôi như vậy, nhưng khi tôi hỏi có hóa giải được không thì đều bó tay. Còn ông thì thế nào?”. Người kia nói: “Tôi làm cái nghề tử vi tướng số này đã ba đời, nhưng đây lần đầu tiên tôi băn khoăn. Lý ra, tướng ông không có con trai, cho nên vì vợ ông sinh con trai mới ra cái sự éo le này. Theo tôi thì phải tuân theo cái bản mệnh của ông, tức không nên giữ đứa con này. Ông chỉ cần trả nó cho Thiên Địa, sẽ không có chuyện gì xảy ra”. Bố tôi vốn đã đoán ra chuyện mẹ tôi đã có thai tôi khi làm vợ ông nên nghe theo lời người kia, bí mật cho người đem tôi đi thả trôi sông…

Chuyện tôi trôi trên sông như “Củi một cành khô lạc giữa dòng” như thế nào thì không thể kể lại được vì lúc đó tôi đã biết gì? Tôi chỉ được mẹ nuôi tôi kể lại rằng: khi bà đang nhặt củi ở bãi sông thì thấy cái hòm gỗ đựng tôi dạt vào bờ. Khi bà mở hòm ra thì thấy tôi vẫn còn đang nằm ngủ bên một gói tiền lớn… Hẳn là mẹ đẻ tôi đã để gói tiền vào đó để nếu tôi không chết mà có ai vớt được thì có tiền mà thay bà nuôi tôi?

Bố mẹ nuôi tôi rất nghèo, hai ông bà sống bằng những thứ nhặt được ở bãi sông, chủ yếu là củi gỗ trôi dạt về từ trên thượng nguồn, thỉnh thoảng thì mò cua bắt ốc dọc bãi sông. Hai người đã có tới ba đứa con nhưng đều bị nước lũ cuốn đi trong những lần bơi ra sông vớt gỗ trôi. Vì thế, khi nhặt được tôi trong cái thùng gỗ cùng với một gói tiền lớn, hai người mừng rú, thôi không sống bên bãi sông nữa mà vào trong làng mua đất làm nhà…

Ông Nội tôi, tức bố đẻ của bố nuôi tôi là một ông đồ nghèo, vừa mở lớp dạy chữ Nho tại nhà vừa kê đơn bốc thuốc chữa bệnh. Khi bố nuôi tôi đem tôi và gói tiền lớn đến gặp ông Nội thì ông nói: “Trời giúp làng ta rồi!”. Liền sau đó, ông nội dùng một nửa số tiền để dựng một ngôi nhà lớn, tám gian, hai trái, một nửa dùng làm lớp học, một nửa dùng làm nhà thuốc. Chỉ sau nửa năm, căn nhà vừa làm lớp học vừa làm nhà thuốc của ông nội đã nổi tiếng khắp vùng: ai cần chỗ học cho con cái hoặc chữa bệnh thì đều bảo nhau đến “Nhà Tám gian”. Khi tôi lên mười tuổi, tức năm 1946, nổ ra cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, làng tôi thuộc vùng chiến sự. Trong một trận càn của quân Pháp, “Nhà Tám gian” bị đốt cháy thành tro, chỉ còn trơ cái nền nhà!

Bố mẹ nuôi tôi lại đưa tôi ra sống ở căn lều nhỏ nơi bãi sông, nơi hai người vẫn ở trước khi có tôi. Lần trở lại bãi sông này, bố mẹ nuôi tôi không làm cái việc nhặt củi ở bãi sông nữa mà làm nghề chở đò ngang. Thực ra, hai ông bà được chính quyền cách mạng giao cho nhiệm vụ lập một cái trạm giao liên ở bến sông này. Chính vì thế mà tôi được tiếp xúc với một số cán bộ kháng chiến thường qua lại trạm giao liên của bố nuôi tôi. Một lần, có một người cán bộ nói với bố mẹ nuôi tôi: “Thằng bé con nhà ông tướng tá rất tráng kiện, học lại giỏi, còn nhỏ mà đã đọc chữ Nho như người Tàu. Tôi muốn cho nó vào học ở trường Thiếu sinh quân, nó sẽ trở thành một sĩ quan xuất chúng!”. Thế là sau đó tôi được gửi đi học ở Trung Quốc, rồi Liên Xô, tất cả gần mười năm trời. Khi tôi trở về nước (năm 1956) thì đất nước đã hòa bình. Tôi được điều về làm việc ở một trường quân sự, công việc là phụ giúp (trợ lý) cho một sư phụ già biên soạn giáo trình khoa học quân sự, huấn luyện võ thuật và sử dụng vũ khí cho các học viên.

*
Nhân lúc rảnh rỗi, tôi xin nghỉ phép tới bến sông tìm bố mẹ nuôi. Cả hai ông bà đều đã già, gần tám mươi rồi, tóc bạc phơ như các vị đại tiên trên thiên đình nhưng sức khỏe còn rất tốt. Tôi hỏi sao không vào làng ở cho an toàn, hai người đều nói: “Ở đây thì còn được gặp được các anh chị con. Cách vài ngày, cứ vào khoảng nửa đêm về sáng là các anh chị con lại hiện lên trên mặt sông, nói chuyện với bố mẹ cứ như hồi còn sống!”. Tôi nghĩ đó chỉ là ảo giác nhưng cũng muốn chứng kiến cảnh bố mẹ nuôi tôi gặp và nói chuyện với ba người con đã chết đuối như thế nào. Nhưng chờ mãi, ba ngày trôi qua mà không thấy gì. Tới ngày thứ tư, tôi bừng tỉnh sau một giấc ngủ mê mệt thì đã bốn giờ sáng. Không thấy bố mẹ nuôi đâu, tôi chạy ra bãi sông thì thấy dấu chân hai người còn hằn rõ, rất nhiều, rất mới. Nhìn ra mặt sông chỉ thấy một màn sương mờ ảo. Chắc hẳn là cả hai ông bà đã được ba người con đón đi rồi?

Lòng buồn hết sức, tôi đi ngược dòng sông, với suy nghĩ là sẽ tìm gặp người mẹ đẻ… Tôi cứ men theo bờ sông mà đi như một đứa trẻ trong chuyện cổ tích vì thực ra lúc đó tôi không thể hình dung được con đường tôi đang đi nó như thế nào và đâu là cái đích mà tôi sẽ dừng lại? Càng đi, tôi càng thấy cái truyện cổ tích “Đi tới nơi vô tăm tích tìm một vật vô danh” thật là kỳ lạ, sao nó lại vận vào tôi? Mải suy nghĩ mông lung, tới một bãi sông kia, tôi thấy có một cái bè nứa, trên bè chất đống tre nứa và lá cọ, đang bị mắc cạn. Người chủ bè và hai người thợ bè nữa, dường như đã bó tay, ngồi nghỉ trên bãi cát. Thấy tôi, người chủ bè đứng dậy chào hỏi niềm nở và nói: “Quả đúng như thần linh báo mộng, hôm nay tôi sẽ gặp được Thiên tướng nhà trời cứu giúp!”. Nói rồi người chủ bè kể vắn tắt tình hình và nói: “Cậu là người có cốt cách phi phàm như thần tướng nhà trời. Nhờ cậu kéo cái bè ra khỏi bãi cạn chắc dễ dàng như trở bàn tay!”. Thực ra, tôi cũng chưa biết đích xác sức lực của mình như thế nào bởi chưa bao giờ tôi phải dùng hết sức lực của mình, nên khi nghe người chủ bè nói vậy, tôi nghĩ cứ thử xem sao. Khi tôi vừa vận công lực lấy hết sức đẩy cái bè ra khỏi bãi cạn thì thật không ngờ, cái bè lao ra tới giữa dòng sông như cái bè chuối đồ chơi của trẻ con!...

Khi chia tay, người chủ bè nói: “Cậu vừa có sức khỏe phi phàm vừa có tướng cách đại quý. Tuy nhiên, có chuyện sẽ xảy ra lại không hợp với đạo đức, lễ giáo của người Việt ta. Đó là cái số “giết cha lấy mẹ” của cậu mà người Tây phương gọi là “Mặc cảm Ê-đíp”. Cậu đã nghe ai nói về chuyện này chưa?”. - “Tôi đã nghe không chỉ một lần, nhưng tôi không tin! Vậy theo ông, có cách nào tránh được không?” - “Tài ba không qua số phận! Tuy nhiên, cậu thử xoay chiều đổi hướng đánh lạc quỷ thần xem sao? Tức là ban đầu cậu định đi đâu, làm gì thì bây giờ làm ngược lại!” - “Vậy thì không được, tôi phải đi lên thượng nguồn, mẹ đẻ của tôi chắc chắn đang ở trên đó!” - “Thôi được, chỉ có điều cậu đừng bao giờ dùng hết sức lực!”. Nghe chủ bè nói vậy, tôi cười thầm: “Tôi không dùng hết sức lực thì làm sao đẩy được cái bè khổng lồ ra khỏi bãi cạn?”. Người chủ bè đi rồi, tôi lại men theo bờ sông, nhằm phía thượng nguồn mà bước tới, bất kể bờ sông là những bãi cát mịn tuyệt đẹp hay là những bãi sình lầy phải lội bì bõm!

Khi tôi tới một bãi cát đẹp như tranh, tính bơi lội tắm rửa một lúc cho mát mẻ rồi tìm đường vào làng kiếm cái ăn, bởi trời đã gần trưa, thì bất ngờ một con đò nhỏ xuất hiện trước mặt. Trên đò là một cô gái cực kỳ xinh đẹp, đang hát:

Ngồi rằng (là) ngồi tựa (có mấy)
mạn thuyền là ngồi
tựa (có hơ) mạn thuyền
Trăng in (là in) mặt nước cũng có
(a) càng nhìn (là) càng
nhìn non nước càng xinh…

Tôi tiến lại phía cô gái, định hỏi khúc sông này là ở đâu thì cô gái cất tiếng cười khanh khách rồi biến mất như thần tiên! Tôi nghĩ có lẽ mình đã đói mệt nên hoa mắt mà thôi chứ thực ra chẳng có cô gái nào cả! Tuy nhiên, tôi cũng đoán ra rằng tôi đã tới địa phận đất Kinh Bắc, tức sắp tới Làng Quan họ quê tôi!

*

Đi được một ngày, lúc hoàng hôn ập xuống, tôi mới thấy chân tay mỏi rã rời. Tôi ngồi nghỉ trên một bãi cát bên sông, nhìn ra mặt sông thấy huyền ảo kỳ lạ. Thật bất ngờ, cả bố và mẹ nuôi tôi cùng hiện ra trên mặt sông và mẹ nói, tôi nghe rất rõ: “Bố và mẹ đã gặp các anh chị con rồi, ai cũng được Long Vương trọng dụng nên bố mẹ được tiếp đón rất đàng hoàng, con không phải lo. Việc con phải lo bây giờ là lấy vợ đi, “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” không thể khác được!”. Mẹ tôi nói xong thì cả hai người cùng biến mất! Chẳng lẽ đây là điềm báo tôi sắp có vợ?

Tôi còn đang ngơ ngác dõi tìm hình ảnh của bố mẹ nuôi tôi thì nghe có rất nhiều tiếng chân người chạy thình thịch, như là rất gần. Tôi vội nấp vào một bụi cây bên bờ sông thì đã thấy ba người, mới nhìn hình dạng đã rõ là lục lâm thảo khấu, vác ba cái bao tải chạy tới chỗ bãi cát tôi vừa ngồi và cùng quẳng ba cái bao tải xuống bãi cát rồi ngồi thở dốc!

Khoảng ba phút sau, một thằng nói: “Đắng miệng quá! Giờ có vài ly cho ấm bụng rồi nhấm nháp cái món “Thịt mỹ nhân” thì hay quá!”. Thằng khác nói ngay: “Chờ về tới nhà thì tha hồ hưởng lạc, ở đây không an toàn!”. Thằng thứ ba hưởng ứng: “Đại ca nói đúng đấy, chúng ta đi thôi”. Ba thằng kia vừa đứng dậy thì có tiếng nói đàn bà từ trong một cái bao tải vang lên: “Thả tôi ra!...Tôi sắp chết ngạt rồi thì còn hưởng lạc cái gì!”. Một thằng liền mở dây buộc cái bao tải có tiếng nói, tức thì một người đàn bà hiện ra. Trong bóng chiều mờ ảo, vóc dáng của người đàn bà thật tuyệt đẹp. Và đặc biệt là một mùi hương quyến rũ lập tức lan tỏa bãi sông, bay cả vào nơi bụi cây có tôi đang ẩn nấp. Ba thằng kia như là bị choáng ngợp trước vẻ hấp dẫn của người đàn bà, trố mắt đứng nhìn khoảng một phút rồi như là cùng một lúc nhào vào người đàn bà, như hổ vồ mồi! Không hiểu sao, tôi bật dậy, lao vút ra đứng trước ba thằng kia chỉ khoảng hai mét và thét lớn: “Dừng lại!...”. Ba thằng kia thốt giật mình nhưng nhanh chóng trấn tĩnh và nhất tề lao vào tôi cũng như hổ vồ mồi!

Trong thời gian học ở trường sĩ quan, tôi đã được học nhiều tuyệt chiêu của võ thuật Thiếu Lâm nên ba thằng cướp tép riu kia đều bị tôi đánh gục tức khắc và tiện tay quẳng hết chúng xuống sông nhờ Long Vương trị tội. Khi chỉ còn mình tôi và người đàn bà vừa chui ra từ trong bao tải, tôi không biết nói gì mà bị sức cuốn hút của vẻ đẹp đàn bà và mùi hương mê hồn điều khiển “từ A đến Z”…

Cho đến lúc tôi hoàn toàn tỉnh táo,  nhận ra sự tồn tại của mình ở trên cõi đời này (có vẻ như người đàn bà kia vừa đưa tôi tới đảo Bồng Lai nơi tiên giới) thì chân trời phía đằng Đông đã ửng hồng. Một đêm huyền ảo vừa trôi qua? Tôi nhìn qua bên cạnh, thấy người đàn bà nằm duỗi thẳng người, đầu gối lên hai bàn tay đan vào nhau, mặt ngước lên bầu trời cao vòi vọi, miệng mấp máy như người đang nói trong giấc mơ? Nhưng thực ra người đàn bà đã tỉnh giấc từ lâu và khi thấy tôi tỉnh dậy thì xoay người, quàng tay qua ngực tôi hôn như mưa lên mặt tôi rồi nằm đè lên người tôi. Tôi lại bị người đàn bà đưa tới đảo Bồng Lai…

Khi bình minh đã xua tan hết bóng đêm thì người đàn bà chui ra từ bao tải kia mới nói với tôi bằng tiếng nói của người trần gian và như đã sắp đặt xong xuôi số phận của tôi: “Cậu đúng là anh hùng vô địch như dũng sĩ Asin trong thần thoại Hy Lạp. Cậu là ân nhân cứu mạng của tôi thì bây giờ là phu quân của tôi. Chồng tôi mới bị bọn cướp sát hại, tôi không thể một ngày không có chồng! Giờ tôi đưa cậu về nhà, chúng ta sẽ bái đường thành thân đàng hoàng!”. Tôi muốn nói ra ý định đi tìm mẹ của mình thì người đàn bà như là muốn xua đi mọi ý nghĩ, dự tính trong đầu tôi và kéo tôi đi nhanh như gió…

*
Khi chúng tôi đứng trước một cái cổng xây bằng gạch lớn, kiểu nhà của các địa chủ thời xưa, người đàn bà nói “Tới rồi” và đập vào cánh cổng rầm rầm. Phải đến ba phút sau, cánh cổng mới bật mở và ba người đàn ông lực lưỡng, tay cầm kiếm xuất hiện như tướng nhà trời. Người đứng giữa có vẻ như là ông chủ (mà đúng là như vậy) nhìn tôi bằng cái nhìn nảy lửa và ra lệnh ngắn gọn cho hai người kia: “Giết!”. Tức thì hai người kia lao tới tôi như mũi tên. Tôi tránh mũi đâm của hai người kia không khó khăn gì và xoay người tung hai cú đá liên tiếp. Thấy hai người kia nằm sõng xoài dưới đất, người có dáng ông chủ xông tới nhằm đầu tôi mà bổ thẳng. Thấy đối phương sát khí ngút trời như là muốn lấy mạng tôi, tức thì tôi dùng một tuyệt chiêu của Thiếu Lâm, tránh nhát chém và xoay người điểm huyệt đỉnh đầu của đối phương.

Thì ra ông chủ nhà chỉ bị bọn cướp đánh trọng thương và người đàn bà chui ra từ bao tải chính là bà vợ thứ tư của ông chủ nhà, tức bà Bốn, tức mẹ đẻ của tôi! Nhưng tôi chỉ được biết điều này vào hai mươi năm sau đó, trước khi người vĩnh biệt cơi trần và khi con gái của tôi và người đàn bà chui ra từ bao tải đó đã hai mươi tuổi!

Sài Gòn, cuối tháng Tư, 2011
Đỗ Ngọc Thạch

nguồn: vanchuongviet.org
  • Hai Á hậu Việt Nam rạng rỡ khoe nhan sắc

    Á hậu Việt Nam,, Á hậu Dương Tú Anh, Á hậu Ngọc Oanh
    Thứ Năm, 04/04/2013
    TPO - Nhìn hai Á hậu VN Nguyễn Thị Ngọc Oanh và Dương Tú Oanh, không ai nghĩ họ cách xa nhau hơn 10 tuổi. Tú Anh đẹp rạng ngời của một thiếu nữ mới lớn, còn Ngọc Oanh lại đằm thắm, gợi cảm.
  • Thu Minh khoe vòng một gợi cảm đầy táo bạo

    Thu Minh, váy ren, vòng một, sexy lady
    Thứ Tư, 03/04/2013
    TPO - Đã khá lâu giọng ca Yêu mình anh mới khoe cơ thể gợi cảm cùng vòng một đẫy đà sau khi bị nhắc nhở về chuyện ăn mặc hở hang. Lần này cô gợi cảm nhưng tinh tế hơn nhiều.
  • Vân Hugo đọ vẻ gợi cảm với Vân Á hậu

    Thụy Vân, Thanh Vân, Vân Hugo, Á hậu Việt Nam
    Thứ Ba, 02/04/2013
    TPO - Hai cô gái xinh đẹp này đều đang sở hữu hai quý tử, và đúng là 'gái một con trông mòn con mắt', nhan sắc của họ ngày càng nồng nàn và gợi cảm hơn rất nhiều.
  • Hoa hậu, Á hậu Việt Nam đọ sắc

    Mai Phương Thúy, Thụy Vân, Tú Anh, Hoa hậu Việt  Nam
    Thứ Sáu, 29/03/2013
    TPO - Hoa hậu Mai Phương Thúy, Á hậu Thụy Vân, Á hậu Tú Anh cùng gặp nhau tại một sự kiện. Ba cô gái mỗi người một vẻ đẹp làm choáng ngợp những người có mặt trong chương trình.
  • Ngắm Monika Leová gợi cảm cùng bikini

    ČESKÁ MISS 2013, hoa hậu CH Séc, Monika Leová
    Thứ Hai, 25/03/2013
    TPO - Dù không giành được ngôi vị cao nhất, nhưng những gì Monika Leová làm được đã được cộng đồng người Việt tại CH Séc cũng như người Việt ở khắp nơi trên thế giới vô cùng tự hào.
  • Top 10 mỹ nữ xinh đẹp nhất màn ảnh Hàn

    Mỹ nữ Hàn, Kim Tae Hee, Song Hye Kyo, Top 10 mỹ nhân
    Thứ Bảy, 23/03/2013
    TPO - Vừa qua, một trang web có uy tín đã tổ chức bình chọn top 10 mỹ nhân xinh đẹp nhất màn ảnh Hàn Quốc. Tất cả những ứng viên này không những chỉ xinh đẹp mà còn rất tài năng.
  • Thanh Hằng chân dài khoe ảnh cách đây 10 năm

    Thanh Hằng, siêu mẫu, hoa hậu, người mẫu, Hoa hậu Việt Nam qua ảnh
    Thứ Ba, 19/03/2013
    TPO - Fan đã quen thuộc với hình ảnh Thanh Hằng với vai trò một người mẫu trên sàn catwalk sẽ rất bất ngờ khi được chiêm ngưỡng hình ảnh cô đội vương miện hoa hậu trên đầu.
  • Ngọc Hân, Hồng Quế xinh như mộng giữa thiên nhiên

    Ngọc Hân, Hồng Quế, Hoa hậu, người mẫu, tiểu thư, công chúa, váy hoa
    Thứ Hai, 18/03/2013
    TPO - Hoa hậu Việt Nam 2010 và người mẫu Hồng Quế mặc những mẫu đầm hoa mát mắt và trang điểm, làm tóc theo kiểu cổ điển rất yêu kiều, khoe sắc giữa vườn hoa ngát hương.
  • Miss Philippines vào Top 5 Hoa hậu đẹp nhất 2012

    Miss Philippines, Globalbeauties, Miss Grand Slam, Janine Tugonon, Vu Văn Hà
    Thứ Hai, 18/03/2013
    TPO - Bảng xếp hạng Miss Grand Slam của trang web uy tín về sắc đẹp Globalbeauties đang ngày càng gay cấn và đã lộ diện Top 5 Hoa hậu đẹp nhất thế giới năm 2012.
  • Mai Phương Thúy, Dương Tú Anh đọ chân dài sexy

    Mai Phương Thúy, Hoa hậu Việt Nam, Dương Tú Anh, á hậu
    Thứ Sáu, 15/03/2013
    TPO - Cùng tham dự một sự kiện tại TP. HCM vào tối qua 14-3, Hoa hậu Việt Nam 2006 và Á hậu Dương Tú Anh cùng diện váy ngắn khoe làn da trắng ngần và đôi chân dài nuột nà vô cùng gợi cảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét