Giá một cái hôn - Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
[12.10.2010 00:00]
|
|
Vài nét về tác giả: Nhà văn Đỗ Ngọc Thạch sinh ngày: 19 -5 - 1948. Quê: Phú Thọ. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội 1976 . Đã kinh qua: Bộ đội Rađa, Giáo viên, Cán bộ nghiên cứu Viện Văn học, Biên tập viên Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Báo Lao động Xã hội, Phụ trách Ban Biên tập Tạp chí Văn Nghệ GiaLai - Kon Tum, v.v... Viết nhiều thể loại: Phê bình Tiểu luận, Truyện ngắn, Thơ. Sách đã in: Quà tặng tuổi Hai mươi (Tập truyện ngắn - NXB Công an Nhân dân: Bản in năm 1994 gồm 8 truyện; Bản in năm 2005 gồm 26 truyện). Hiện sống tại TP.HCM. NBĐ đã đăng một số truyên của tác giả như: Bạn học lớp hai, Lấy vợ xấu. Xin giới thiệu với bạn đọc thêm một truyện khác của nhà văn: Giá một cái hôn.
GIÁ MỘT CÁI HÔN Hôn nhau là biểu hiện của tình yêu. Ông Kha biết như vậy. Thế mà cuộc đời ông đã sáu mươi nhăm tuổi rồi ông chưa hề hôn ai, ngay cả đối với vợ, người đàn bà gắn bó với ông suốt đời và ông yêu thương hơn ai hết. Vậy mà bây giờ, cái hôn ấy bỗng “từ trên trời rơi xuống” trúng ông, nó làm cho cuộc đời ông như có bão tố, nó làm ông buồn khổ vô cùng !...Ông đi lang thang trong thành phố đã vào đêm vắng, đi mãi như người mộng du. Chốc chốc, từng quãng thời gian của quá khứ lại hiện về rõ mồn một … *** Ông Kha thuộc dòng dõi lực điền chất phác. Ở làng ông, khi nói về gia đình ông, người ta đều hình dung hình ảnh những người thợ cày khỏe mạnh, hiền lành và tốt bụng. Riêng về chuyện “nam nữ”, dòng họ nhà ông nổi tiếng “lành như bụt”. Suốt cuộc đời ông cho đến lúc ấy, ông Kha không bao giờ đứng nói chuyện riêng với một người khác giới ở chỗ vắng, nhất là đêm hôm tối trời. Ông lấy vợ là do người ta mai mối, cha mẹ định liệu. Cho đến lúc cưới vợ, ông chưa hề đứng nói chuyện riêng với cô dâu tương lai chứ đừng nói đến chuyện cầm tay nhau rồi hôn nhau! Đêm tân hôn, ông “nhát” đến nỗi không dám nằm sát vào vợ. Mỗi khi có cảm giác vợ đụng vào người mình, ông lại xịch ra mép giường đến nỗi ngã xuống đất lúc nào không hay! Sau này, có con rồi ông cũng không bao giờ hôn vợ, ông thấy nó thế nào ấy! Nhiều lúc ông cứ nghĩ lẩn thẩn:”Tại sao người ta lại thích hôn nhau nhỉ? Mất vệ sinh quá! Nghe nói người ta còn hôn cả “cái ấy” của nhau nữa, thật là kinh khủng!”. Ông Kha có thói quen giữ sạch răng miệng từ bé: xúc miệng nước muối, đánh răng thường xuyên ngày ba lần sau bữa ăn. Vì thế, hàm răng ông cho đến bây giờ vẫn trắng bóc và đều tăm tắp! Lấy vợ được gần một năm thì ông đi bộ đội, lăn lộn hết chiến trường này đến chiến trường khác, hết thời đánh Pháp qua thời đánh Mỹ. Hơn bốn mươi năm chiến đấu, ông trở về với quân hàm đại tá và cái ba lô gọn gàng như ngày nhập ngũ. Vợ ông đã già, con cái đã lớn và đều đi làm ăn ở xa cả, vì quê ông làm nông nghiệp quần quật quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Hai vợ chồng già ở với nhau được gần một năm thì số tiền ông nhận được lúc giải ngũ cũng vừa hết. Hai vợ chồng ông bàn tính nát nước mà chưa ra kế sách gì để sống nốt quãng đời còn lại thì ông Kha nhận được thư của ông Khái, người bạn đời lính rất thân thiết của ông, mời vợ chồng ông ra thành phố làm việc trong cơ sở sản xuất đồ nhôm của ông Khái. Vợ chồng ông Kha đi liền. Cơ sở sản xuất đồ nhôm gia dụng của ông Khái hoạt động đã được ba năm, đặt địa điểm ở một khu đất khá rộng vùng ngoại vi thành phố. Lực lượng sản xuất chủ yếu là anh em thương binh, bộ đội giải ngũ, làm ăn nghiêm chỉnh và chịu khó nên có uy tín với khách hàng và nhanh chóng phát triển, thu nhập cao. Ông Khái giao cho ông Kha chức “Phó” chuyên trách công việc “đối nội” ở xưởng, còn ông Khái phải lo đi “đối ngoại”, thăm dò thị trường, ký kết những hợp đồng mới với các tỉnh lân cận. Vợ ông Kha thì lo cơm nước cho anh em thợ bữa trưa. Lương của hai vợ chồng tương đương với một giám đốc công ty hạng trung, cũng dư sống, còn có thể chi viện cho con cháu lúc khó khăn. Chỗ ở của vợ chồng ông là một căn phòng giản dị nhưng đầy đủ tiện nghi ở một góc trong cơ sở sản xuất. Nói chung, cuộc sống của vợ chồng ông Kha đã đi vào ổn định, đàng hoàng. Ông Kha chấp nhận cuộc sống như vậy và ông nghĩ sẽ gắn bó với cái cơ sở sản xuất nhôm này cho đến lúc sang thế giới bên kia. Hai năm trôi qua êm đẹp. Vợ chồng béo khỏe hẳn ra, nhất là vợ ông càng già càng đẹp lão: cơ thể gọn gàng, cân đối, mặc đồ đẹp vào, nhìn từ xa có người tưởng lầm là người mẫu thời trang !...
Những lúc rảnh rỗi ngồi xem ti-vi với nhau, một lần, chợt bà Kha nói:
- Này ông Kha! Trên ti-vi, người ta hôn nhau nhiều thế! Vậy mà ông chưa bao giờ hôn tôi cả!
- Bà này, già rồi mà còn nói vớ vẩn! Bà làm sao thế?
- Tôi chẳng làm sao cả! nhưng mà…
- Nhưng mà sao?
- Nhưng mà tôi nghe nói người ta yêu nhau là phải hôn nhau! Mà ông thì chưa bao giờ hôn tôi! Hay ông không yêu tôi!
- Tôi không yêu bà? Không yêu bà mà vợ chồng hòa thuận sống với nhau đến tận bây giờ? Bà cứ nói linh tinh. Người ta cười cho đấy!
- Cười hở mười cái răng! Người ta cười mặc kệ người ta! Tôi cứ thắc mắc tại sao ông không bao giờ hôn tôi? Vợ chồng lấy nhau đã hơn bốn mươi năm, tiếng là như vậy mà sống với nhau được bao nhiêu đâu! Ông đi biền biệt, vậy mà mỗi khi về phép, ông cứ nhìn tôi dửng dưng như không!...
- Thế bà muốn tôi phải thế nào? Về là ôm chầm lấy bà mà hôn như trên ti-vi à? Tôi không quen thế! Thôi, đừng nói chuyện vớ vẩn ấy nữa!
- Vớ vẩn cái gì? Ông vô tâm lắm! Tôi khổ với ông lắm!
- Khổ cái gì? Bà điên rồi! Thôi, tôi không nói chuyện với bà nữa! Nói rồi ông Kha đứng dậy, bỏ đi. Nhưng bà Kha đã ôm mặt khóc hu hu, khiến ông lúng túng không biết làm thế nào! Ông Kha đi lại gần bà, nói:
- Thế bây giờ tôi hôn bà nhé ?
- Ông cút đi! – Bà Kha vừa nói vừa đẩy ông ra – Tôi ghét ông lắm! Ông cút đi!
Ông Kha thấy vậy liền đi ra ngoài. Bà Kha bật khóc nức nở, thổn thức! Ông Kha đi lại bồn chồn ngoài sân, không biết làm thế nào! Giá như có ai đó mách cho ông rằng: “Ông hãy vào an ủi âu yếm bà ấy đi! Ông hãy hôn bà ấy đi! Bà ấy rất cần ông chứ không phải đuổi ông đi đâu !”… Ở đời không ai biết được chữ “ngờ”. Câu ấy lúc nào cũng đúng, ở mọi lĩnh vực. Cơ sở sản xuất nhôm gia dụng của ông Khái đang ăn nên làm ra như thế, những tưởng sẽ phát triển thành một công ty tư nhân lớn, ai ngờ lại bê bết và có nguy cơ sập tiệm! Mà nguyên nhân của nó lại rất vớ vẩn! Đầu đuôi như sau : Cậu Khải, con ông Khái, một cánh tay đắc lực của bố và sẽ kế nghiệp bố đưa cái cơ sở nhôm này lên tới đỉnh cao. Còn trẻ, nhưng cậu Khải đã có dấp dáng của một ông chủ cỡ bự. Chính vì vậy, cậu Khải cũng muốn như một số ông chủ khác: phải lấy vợ đẹp, cỡ hoa hậu! Và cậu đã lén bố tài trợ cho cuộc thi “Hoa hậu Đồng quê” - ứng cử dự thi phải là thôn nữ đồng quê trăm phần trăm. Với số tiền tài trợ lớn, cậu có chân trong ban giám khảo, tất nhiên! Có chân trong Ban giám khảo, cậu làm quen và trở thành người tình của Hoa hậu, đương nhiên! Đúng ngày cưới của cậu Khải với Hoa hậu đồng quê thì xảy ra việc động trời: Hoa hậu đồng quê, cô dâu chẳng thấy ra mắt khách khứa của đám cưới mà đã ẵm gọn toàn bộ số tiền trong két của cơ sở sản xuất nhôm lặn mất tiêu! Nhận được tin này, cậu Khải – chú rể hụt, còn chưa hết bâng khuâng bởi cái hôn hụt hơi với Hoa hậu đồng quê ngày hôm trước, cho nên chưa kịp rụng rời chân tay thì lại được thông báo tiếp: Cái cô nàng đã đoạt vương miện Hoa hậu đồng quê ấy chẳng phải là thôn nữ gì cả mà là “tiếp viên” của một khách sạn Mi-ni chuyên phục vụ nước ngoài đã năm năm nay và có tên trong danh sách mật của Ủy ban phòng chống Si-đa! Nghe đến đây thì cậu Khải, chú rể hụt, ông chủ tương lai không chịu nổi sức công phá dữ dội của tấn bi hài kịch đã phát điên, đập phá la hét ầm ĩ, kiến ông Khái phải cắn răng đến bật máu mà đưa cậu vào bệnh viện. Sau sự cố đó khoảng một tuần, ông Khái tuyên bố giải thể cơ sở sản xuất nhôm, thanh lý toàn bộ tài sản còn lại. Ông Khái để lại căn nhà cho vợ chồng ông Kha ở còn mình đưa vợ con lên vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm – cái nghề từ xa xưa dòng họ nhà ông đã làm nên cơ nghiệp không nhỏ. Trước khi đi Bảo Lộc, ông Khái nói với ông Kha: “Có người bảo mệnh tôi khắc kim, đụng vào cái anh sắp thép thế nào cũng mắc nạn, quả không sai. Nay tôi lên trước, công việc làm ăn mà khấm khá thì sẽ đón vợ chồng ông lên, ở với nhau cho vui lúc tuổi già này. Trước mắt, với số vốn tạm đủ mà vợ chồng ông có, ông nên mở quán nước sống tạm!...”. Hai người bịn rịn chia tay nhau, tình cảnh thật xúc động!...
* * * Nghĩ ngợi nhiều về chuyện tan vỡ của cơ sở nhôm, bà Kha sinh bệnh, suốt ngày nằm bệt ở nhà. Quán nước chưa mở đã dẹp, tiền thuốc thang cho bà Kha quá tốn kém, số tiền dành dụm được đã gần cạn. May mà ông Kha gặp lại một cậu lính cùng đơn vị cũ, hiện đang làm đội trưởng bảo vệ cho một khách sạn lớn, xin cho ông làm một chân trong đội bảo vệ, công việc cũng không vất vả gì, lương cũng khá. Ngày ngày, ông Kha đi làm, tối về lại thuốc thang chăm sóc vợ. Khi ông Kha hết sạch tiền thì cũng tới ngày nhận lương. Ông nghĩ thầm trong bụng rằng trời cũng còn thương vợ chồng ông . Hôm ấy trên đường từ khách sạn về nhà, ông đã gặp một chuyện bất ngờ :
Lúc ấy, trời đã sập tối. Đi tới một quãng phố vắng, ông bỗng nghe có tiếng gọi từ một gốc cây ven đường :
- Bố !...Bố Kha !
Chiếc xe đạp mi – ni của ông Kha chưa kịp dừng lại thì từ gốc cây, một cô gái chạy ra, giữ lấy ghi-đông và nói rối rít :
- Bố Kha ! Bố đi đâu đấy ? Bố có nhớ con không ?
- Tình đấy à ? Cháu làm gì ở đây thế ?
- Bố ơi, từ ngày cơ sở nhôm giải thể, con chẳng kiếm được việc làm ở đâu cả! Con phải ra đây…(khóc)
- Cháu làm gì ở đây? Sao lại khóc?
- Con phải ra đây đi khách ! Khổ lắm bố ơi, có hôm chẳng được đồng nào!
- Đi khách là gì ?
- Dạ, đi khách là làm tình với người ta ấy! (khóc)
- Trời đất! Thế cháu làm gái điếm à? Sao lại thế?
- Dạ…con khổ lắm bố ơi! Tiền nhà không đủ nạp, chủ nhà đòi đuổi ra đấy! Mà con còn mẹ già, em nhỏ ở nhà quê nữa, khổ lắm! Bố thương con đi, con sẽ đội ơn bố suốt đời! (khóc)
- Thôi đừng khóc nữa! Bố mới lĩnh lương bảo vệ đây, được bốn trăm ngàn, bố cho con một nửa! Con về quê với mẹ mà làm ruộng, đừng ở đây nữa!... Ông Kha móc túi túi lấy ra gói tiền, đưa cho cô gái một nửa rồi định đạp xe đi. Nhưng cô gái cứ nắm chặt lấy tay ông, khiến ông phải đứng xuống hè đường. Cô gái dắt xe dựa vào gốc cây đoạn kéo ông vào khuất phía trong, ôm ghì lấy ông. Cô gái làm nhanh quá, khiến ông Kha không kịp phản ứng gì, đến khi thấy cô gái ôm ghì lấy mình thì hoảng sợ, đẩy cô gái ra, nói:
- Cháu làm gì thế, Tình?
- Bố! Con cám ơn bố! Nhưng con đâu lấy tiền không của bố! Bố tốt với con thì con lại càng thương bố! Cô gái vừa nói vừa riết lấy cơ thể ông Kha, rồi cặp môi mọng nước, nóng hổi của cô gắn chặt vào mồm ông khiến ông bủn rủn cả chân tay…
Đến khi ông Kha bình tâm trở lại thì ông không thấy cái cô bé Tình ấy đâu nữa! Cả cái xe mi-ni của ông cũng không còn dựa ở gốc cây nữa! Ông giật mình bừng tỉnh, vội đưa tay vào túi quần sau. Ông run lên bần bật! Trời ơi, gói tiền còn hai trăm ngàn đồng của ông đã biến mất! Ông bỗng thấy miệng đắng ngắt rồi chợt như nhớ đến cái hôn của cô gái Tình, ông hét lên một câu gì đó rồi nôn thốc nôn tháo…
*** Cuộc sống của ông Kha và bà vợ đang bệnh sẽ rất bi đát nếu như không có sự xuất hiện rất đúng lúc của ông Khái. Ông Khái lên Bảo Lộc đúng như câu thành ngữ “Hổ về rừng”, cơ sở sản xuất chè “Thiên Lộc” của ông phát triển không ngờ, ông chuẩn bị thành lập Công ty TNHH Thiên Lộc thì nhớ đến người bạn già thật thà tốt bụng là ông Kha và đích thân về thành phố đón bạn. Cuộc hội ngộ thật xúc động và tràn ngập niềm vui…Đúng là ở hiền gặp lành! Lúc ngồi trên xe đi Bảo Lộc rồi, ông vẫn không quên được “cái hôn quái quỷ” của cô gái tên Tình, và ông có cảm giác như buồn nôn! Ông Khái thấy vậy thì nói:”Này, ông đã từng là Tư lệnh phó Lữ đoàn tăng thiết giáp mà mới ngồi lên xe đã buồn nôn là cớ làm sao?”. “Cớ làm sao ư? – ông Kha nghĩ thầm – Ông Khái sẽ không bao giờ hiểu được đâu! Đó là cái “Gót chân A-sin” của tôi đấy! Đến chết tôi sẽ không hôn bất cứ ai và sẽ không bao giờ có ai hôn được tôi!...”.
TP.HCM, l989-2009
Đỗ Ngọc Thạch
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét