Sully Prudhomme
Sully Prudhomme(1839 - 1907): Nhà thơ Pháp, Giải Nobel Văn học 1901- là người đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel Văn học vì những giá trị văn chương xuất sắc, chủ nghĩa lý tưởng cao cả, nghệ thuật hoàn thiện và sự kết hợp độc đáo tình cảm và tài năng. Những lý tưởng nhân đạo của ông đã đưa thơ thoát khỏi bóng tối của chủ nghĩa bi quan.
I- Tiểu sử: Sully Prudhomme, tên thật là René Franoxois Armand Prudhomme, con của một thương nhân, sinh ngày 16 tháng 3 năm 1839 tại Paris. Năm nhà thơ tương lai vừa lên hai tuổi, bố ông qua đời, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông cùng mẹ và chị gái chuyển đến sống với một người chú. Từ bé ông học giỏi toán, sau tốt nghiệp trung học dự định vào Đại học Bách khoa để trở thành kĩ sư, nhưng vì mắc bệnh nặng về mắt nên phải từ bỏ ý định. Từ năm 1860, ông đã phải tự đi làm nhiều nghề kiếm sống, buổi tối về nghiên cứu triết học và làm thơ. Tập thơ đầu tay Tứ tuyệt và các bài thơ xuất bản năm 1865 dưới bút danh Sully Prudhomme (tên của bố ông) được đánh giá cao; sau đó ông gia nhập nhóm Thi Sơn (tiếng Pháp: Parnasse) và cho ra mắt các tập thơ về đề tài tình yêu (bị một cô gái từ chối, nhà thơ suốt đời sống độc thân) và về sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo.
Năm 1870, nổ ra chiến tranh Pháp - Phổ, ông tự nguyện gia nhập dân quân. Những túng thiếu, vất vả trong thời kỳ quân Phổ phong tỏa Paris khiến sức khỏe đã yếu của ông càng thêm trầm trọng, ông bị liệt và phải cắt hai chân sau khi cuộc phong tỏa chấm dứt. Trong thời kỳ chữa bệnh, ông vẫn viết thơ ái quốc (ấn tượng chiến tranh, 1870), cổ vũ thơ truyền thống, phản đối thơ tự do, chủ nghĩa tượng trưng, suy đồi (Di chúc thơ, 1900). Năm 1888 ông xuất bản trường ca Hạnh phúc, gồm 4000 câu thơ, khẳng định hạnh phúc có thể đạt được nhờ sự ham học hỏi, nhờ khoa học, nhờ lòng thiện và sự hy sinh. Năm 1901 S. Prudhomme là người đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel Văn học, nhưng ông không đến Thụy Điển được để nhận giải do bị bệnh nặng.
Đương thời S. Prudhomme là nhà thơ rất có tên tuổi và được kính trọng, nhưng ngày nay ông ít được biết đến, thậm chí ở Pháp. Ông là người đã lập ra giải văn học dành cho các nhà thơ trẻ bằng số tiền còn lại của giải Nobel mà ông được tặng.
* Tác phẩm:
- Tứ tuyệt và các bài thơ (Stances et poèmes, 1865), thơ.
- Thử thách (Les épreuves, 1866), thơ.
- Những phác thảo về Italia (Croquis Italiens, 1866-1868), thơ.
- Nỗi cô đơn (Les solitudes, 1869), thơ.
- Ấn tượng chiến tranh (Impression de la guerre, 1870), thơ.
- Nước Pháp (Le France, 1870), thơ.
- Định mệnh (Les destins, 1872), thơ.
- Loài hoa nổi loạn (La révolte des fleurs), thơ.
- Lòng dịu dàng hoài phí (Les vaines tendresses, 1875), thơ.
- Hạnh phúc (Le bonheur, 1888), trường ca.
- Công lý (La justice, 1888), thơ.
- Di chúc thơ (Le testament poétique, 1900), tiểu luận.
- Tôn giáo đích thực theo Pascal (La vraie religion selon Pascal, 1905), khảo luận.
- Vấn đề mục đích cuối cùng (Le problème des causes finale, 1906), khảo luận.
- Tâm lý của sự tự do lựa chọn (Psychologie du libre arbitre, 1906), khảo luận.
- Phiêu bạt (Les epaves, xuất bản năm 1908), thơ.
* Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt:
- Dưới trần gian (thơ), Quốc Vượng dịch, in trong Những áng thơ hay, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 1999.
- Những đôi mắt (thơ), Nguyễn Công Chương dịch, in trong Những áng thơ hay, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2000.
- Gửi những nhà thơ tương lai, ở cõi tục này (thơ), Bằng Việt dịch, in trong Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, Nxb Văn học 2005.
- Chiếc bình vỡ (thơ), Phạm Vũ Toản dịch: Hương sắc bốn phương, Nxb Hội Nhà văn, 2003.
- Bình vỡ, Những con mắt (thơ), Phạm Nguyên Phẩm dịch, in trong 100 bài thơ Pháp từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, 1998.
Tất cả hạnh phúc của mình có đều do hạnh phúc của mình cho - Sully Prudhomme
II. Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
Khi Alfred Nobel quyết định thực hiện món quà tặng khổng lồ của mình, món quà hiển nhiên được rất nhiều người quan tâm, sự nghiệp của cả cuộc đời khiến ông đề cao việc nghiên cứu tự nhiên và muốn trao giải thưởng cho những phát kiến thuộc một số lĩnh vực khoa học tự nhiên. Cũng vậy, khát vọng thế giới chủ nghĩa đã biến ông trở thành người biện hộ cho hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Ông cũng muốn dành một giải thưởng cho văn học, nhưng đặt nó sau khoa học, những lĩnh vực có sức hút mạnh nhất đối với ông.
Văn học phải biết ơn ông, bởi những nhà hoạt động văn chương cũng trở thành đối tượng được ông quan tâm đến. Người ta có thể chỉ rõ rằng văn học đứng sau cùng trong danh sách giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển là bởi một lý do rất chính đáng: văn học - bông hoa cao quý nhất của nền văn minh, có lẽ là thứ đẹp nhất nhưng cũng mỏng manh nhất, từ nay sẽ nở rộ trên mảnh đất của hiện thực. Trong bất cứ lĩnh vực nào, với những bông hoa tặng của thời hiện đại này, người đoạt giải cũng nhận được một giá trị vật chất vượt xa những bông violet vàng của thời xưa.
Giải thưởng Nobel dành cho văn học cũng có những vấn đề của nó. Văn học là một thuật ngữ có nội dung rất rộng và những quy chế của Quỹ Nobel đã quy định rất chính xác rằng cuộc tham gia tranh giải không chỉ riêng belles-lettres - văn chương sáng tác, mà bất kỳ tác phẩm nào có giá trị văn học, thông qua nội dung và hình thức của nó. Nhưng như vậy, phạm vi trao giải rất rộng và sẽ dẫn đến nhiều khó khăn. Nếu như việc quyết định sẽ trao giải cho ai trong số các nhà thơ theo trường phái trữ tình, sử thi hay bi kịch đã là khó khăn, thì nhiệm vụ còn khó khăn hơn nhiều nếu phải lựa chọn giữa một sử gia kiệt xuất, một triết gia thiên tài, và một nhà thơ vĩ đại. Đó là những đại lượng vô ước, nói theo cách của các nhà toán học. Nhưng ta có thể tự an ủi rằng, do giải thưởng được trao hàng năm, các tác giả xứng đáng được trao giải nhưng phải nhường vị trí đó cho một người khác ngang tài, có thể được nhận giải trong những năm sau.
Rất nhiều người xuất sắc đã được đề cử lên Viện Hàn lâm Thụy Điển cho giải thưởng văn học. Viện đã tổ chức một cuộc bình chọn thật cẩn thận. Trong số những tên tuổi nổi tiếng khắp toàn cầu và gần như ngang nhau về tài năng văn học, Viện quyết định chọn một người mà họ, theo nhiều quan điểm khác nhau, tin tưởng ông xứng đáng được nhận giải lần này. Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn học đầu tiên cho nhà thơ, triết gia Sully Prudhomme của Viện Hàn lâm Pháp.
Sully Prudhomme sinh ngày 16 tháng 3 năm 1839. Và năm 1865, ông đã nổi lên như một nhà thơ đỉnh cao với tác phẩm Tứ tuyệt và các bài thơ (Stances et poèmes). Sau tập thơ này là nhiều tác phẩm thơ ca, triết lý và mỹ học khác. Nếu trí tưởng tượng của những nhà thơ khác chủ yếu là hướng ra ngoài nhằm phản ánh cuộc sống và thế giới xung quanh, thì Sully Prudhomme lại có một bản tính hướng nội, vừa nhạy cảm vừa tinh tế. Trong thơ ông hiếm có những hình ảnh và tình huống thực của đời sống, mà chủ yếu là những hình ảnh và tình huống đóng vai trò tấm gương trầm tưởng thi ca. Tình yêu đối với những giá trị tinh thần, sự ngờ vực, nỗi sầu thảm mà không gì trên trần thế có thể xua tan được, đó là những chủ đề thường gặp trong thơ ông, những tác phẩm hoàn thiện về hình thức và mang vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc, trong đó không bao giờ có một từ thừa. Thơ ông mang màu sắc đa dạng, mặc dù hiếm khi mang giai điệu du dương nhưng lại cực kỳ uyển chuyển trong việc sáng tạo các hình thức phù hợp nhằm thể hiện những cảm giác và ý tưởng. Tao nhã, sâu sắc và u buồn, tâm hồn ông tự bộc bạch trong thơ, dịu dàng nhưng không ủy mị, lối phân tích buồn thảm gieo vào lòng độc giả một sự thông cảm u hoài.
Với sức lôi cuốn của cách diễn đạt tao nhã, bằng nghệ thuật tuyệt vời, Sully Prudhomme trở thành một trong những nhà thơ lớn nhất thời đại chúng ta. Một số bài thơ của ông là những viên ngọc bất hủ. Viện Hàn lâm Thụy Điển ít bị lôi cuốn bởi những bài thơ mang tính giáo dục và trừu tượng mà bị lôi cuốn nhiều hơn bởi những tác phẩm nhỏ mang chất trữ tình, những tác phẩm tràn đầy cảm xúc và chiêm nghiệm, những tác phẩm lôi cuốn người đọc bởi sự tao nhã, bởi chân giá trị của chúng và bởi sự kết hợp hiếm có giữa sự phản ánh tinh tế và tình cảm dồi dào.
Để kết luận, cần thiết phải nhấn mạnh một đặc điểm. Tác phẩm của Sully Prudhomme đã bộc lộ một óc luôn quan sát và tìm tòi không bao giờ ngơi nghỉ, một bộ óc đã tìm ra được - dường như đối với ông đó là giới hạn - rằng vận mệnh siêu nhiên của con người nằm ngay ở trong thế giới đạo đức, trong tiếng nói của lương tâm và trong mệnh lệnh cao quý và không thể chối từ của tinh thần trách nhiệm. Với quan điểm như vậy, Sully Prudhomme đã thể hiện tốt hơn hầu hết các tác giả khác những gì mà tác giả bản di chúc gọi là “khuynh hướng tinh thần trong văn học". Do đó, Viện Hàn lâm tin tưởng rằng mình đã hành động đúng theo tinh thần mà Nobel mong muốn, khi quyết định chọn Sully Prudhomme trong số rất nhiều nhà hoạt động văn học lừng lẫy để trao giải thưởng đầu tiên này.
Sully Prudhomme đã đồng ý nhận giải, nhưng thật không may, ông bị ốm nên không thể đến dự với chúng ta hôm nay. Vì lý do đó, tôi rất lấy làm vinh hạnh mời ngài Công sứ Pháp lên nhận phần thưởng và nhân danh Viện Hàn lâm Thụy Điển trao lại cho cho ông.
Thanh Loan dịch, Ngô Tự Lập hiệu đính
III- Tác phẩm: một số bài thơ của S. Prudhomme:
Gửi những nhà thơ tương lai
Hỡi thi sĩ đời sau, các anh có thêm bao kiến thức
Và sẽ viết bằng chất giọng đậm đà thêm
Sẽ mang đi xa hơn ngọn đuốc thơ ca nồng thắm
Vươn tới đích tận cùng, tới nguyên lý đầu tiên.
Khi thơ các anh hiến dâng cho mọi nghĩ suy kỳ vĩ
Thì chúng tôi đã yên nghỉ từ lâu dưới huyệt mộ rồi
Chẳng còn lại gì ngoài những mảnh tàn phai nguội lạnh
Từ làn môi đã khép yên, từ tác phẩm đã chôn vùi.
Nhưng hãy nghĩ về chúng tôi, từng ca ngợi tình yêu hoa cỏ
Trong thế kỷ tối tăm, đầy súng ống, giáo gươm,
Bao tiếng động chết người làm câm nín mọi tấm lòng cả nghĩ.
Hãy thương những bài ca từng run lên bao âu lo, báo động
Khi các anh sẽ đến thời được hạnh phúc hơn,
được thấu hiểu nhiều hơn
Để sẽ được viết lên những điều cao cả hơn
trong những bài thơ không còn nước mắt.
Bằng Việt dịch
Ở cõi tục này
Ở cõi tục này, hoa tử đinh hương không sống được,
Tiếng hót loài chim cứ cụt ngủn, ngắn dần.
Tôi cứ mơ mùa hè kéo dài ấm áp
Bao lâu cũng vẫn còn...
Ở cõi tục này, từng đôi môi vô vị lướt qua nhau
Cái hôn chẳng để lại vẻ dịu ngọt nào như nhung óng nuột,
Tôi cứ mơ những chiếc hôn đầy tràn hạnh phúc
Bao lâu cũng vẫn còn...
Ở cõi tục này, con người luôn luôn phải khóc than
Vì tình bạn không bền, vì tình yêu chóng nhạt,
Tôi cứ mơ những lứa đôi bền chặt
Bao lâu cũng vẫn còn...
Bằng Việt dịch
Giống nhau
Nếu em muốn biết được vì sao anh
Lại yêu em chân thành, tha thiết vậy?
Em yêu ạ, anh yêu em là bởi
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Ánh mắt em đầy hi vọng nhưng buồn
Tỏa ánh sáng chói ngời như tia chớp
Trong lòng em ngập tràn bao mơ ước
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Thân hình em kỳ diệu và mong manh
Như người đẹp thành Troy thuở trước
Vẻ lộng lẫy trên tóc mây, trên ngực
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Tình yêu chân thành, tha thiết cháy lên
Mỗi giây phút lời “yêu em” anh nói,
Nhưng em bước đi, không thèm ngoái lại
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Nguyễn Viết Thắng dịch
Giọt sương
Ta nhìn thấy, rất buồn bã trong mơ
Những giọt sương lấp lánh trên đồng cỏ
Bàn tay lạnh của đêm đen đã thả
Những giọt sương lên những cánh hoa.
Những giọt sương rơi xuống từ đâu vậy?
Không mây mù, nơi ấy chẳng hề mưa.
Thì ra trước khi lấp lánh trên hoa
Trong không khí sương đã từng run rẩy.
Những giọt lệ từ đâu trong đôi mắt?
Giữa trời xanh không một dấu vết buồn.
Thì ra trước khi ánh lên trong mắt
Dòng lệ đã từng ấp ủ trong tim.
Đời vẫn thế, bóng giấu mình trong ngực
Nước mắt mơ màng, run rẩy trong tim.
Và ngay cả những ngày vui, hạnh phúc
Những giọt lệ buồn vẫn cứ trào dâng.
Nguyễn Viết Thắng dịch
Những ánh mắt
Ánh mắt huyền xanh đẹp lạ lùng
Tia nhìn ưng ửng ánh vừng đông
Sầu trong huyệt mộ nằm say ngủ
Rạng rỡ ngoài kia rực ánh hồng.
Đêm dài tươi mát dịu ngày qua
Đắm đuối nhìn nhau mãi thiết tha
Lấp lánh khung trời sao sáng tỏ
Mắt nhung đen láy phủ đêm ngà.
Mắt chẳng nhìn nhau phải thế không?
Không, không... đâu thể xót xa lòng
Mắt ai khao khát phương nào đó
Tận cõi vô hình mãi ngóng trông.
Như những vì sao lặn giữa đêm
Biệt ly... vẫn ở với trời êm
Đôi tròng mắt khép lim dim ngủ
Nhưng chẳng bao giờ chết lặng im.
Ánh mắt huyền xanh đẹp dáng hồng
Bình minh vô tận vẫn hoài mong
Nồng say giấc ngủ trong mồ tối
Mắt nhắm nhưng mà vẫn ngóng trông.
Vương Ngọc Long phỏng dịch
Hora Prima
Tôi chào đón ngày khi còn chưa thức dậy
Bằng ánh sáng của mình ngày chạm đến thế kỷ tôi
Nhưng tôi chưa nhận ra sự tiếp xúc như vậy
Khi ngày nhìn hồn tôi xuyên qua giấc mơ đời.
Tôi nằm im trên giường, không cử động
Như pho tượng đá trên những nấm mồ
Trong đầu tôi những nghĩ suy rất sáng
Tràn ngập ánh mặt trời, tôi không mở mắt ra.
Tôi cảm thấy như trong ánh bình minh
Chào vầng dương, dàn đồng ca đang hát
Và trong tim tôi có tiếng hót của chim
Không thấy hoa, chỉ mùi hương ngào ngạt.
Ngoài thực tại, ngoài những điều lo lắng
Của cuộc đời, tôi cảm thấy như là
Rất ngọt ngào, tất cả niềm vui sướng
Không ngủ mà đang sống, tựa trong mơ.
Nguyễn Viết Thắng dịch
Chiếc bình vỡ
Mã tiên thảo trong bình khô héo
Bình đựng hoa, quạt chạm rạn rồi.
Quạt chỉ chạm nhẹ nhàng chút xíu
Chẳng nghe gì dù rất nhỏ thôi.
Nhưng vết rạn dù rằng rất nhỏ
Ngày lại ngày nó gặm thủy tinh
Gặm đích thực tuy không thấy rõ
Nhưng lâu ngày bình rạn nứt quanh.
Nước trong bình biến đi từng giọt
Nhựa nuôi hoa cứ cạn khô dần
Ai đâu ngờ sự tình chua xót
Chớ đụng vào kẻo nó vỡ tan.
Thường vậy, bàn tay người yêu dấu
Chạm con tim làm nó héo hon
Rồi tim lại tự mình rạn vỡ
Khiến đóa hoa ân ái không còn.
Ai nấy tưởng con tim nguyên vẹn
Vết thương tim tuy nhỏ nhưng sâu
Nó lớn dần và luôn khóc lén
Tim vỡ tan, xin chớ đụng vào.
Phạm Vũ Toản dịch
Sully Prudhomme(1839 - 1907): Nhà thơ Pháp, Giải Nobel Văn học 1901- là người đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel Văn học vì những giá trị văn chương xuất sắc, chủ nghĩa lý tưởng cao cả, nghệ thuật hoàn thiện và sự kết hợp độc đáo tình cảm và tài năng. Những lý tưởng nhân đạo của ông đã đưa thơ thoát khỏi bóng tối của chủ nghĩa bi quan.
I- Tiểu sử: Sully Prudhomme, tên thật là René Franoxois Armand Prudhomme, con của một thương nhân, sinh ngày 16 tháng 3 năm 1839 tại Paris. Năm nhà thơ tương lai vừa lên hai tuổi, bố ông qua đời, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông cùng mẹ và chị gái chuyển đến sống với một người chú. Từ bé ông học giỏi toán, sau tốt nghiệp trung học dự định vào Đại học Bách khoa để trở thành kĩ sư, nhưng vì mắc bệnh nặng về mắt nên phải từ bỏ ý định. Từ năm 1860, ông đã phải tự đi làm nhiều nghề kiếm sống, buổi tối về nghiên cứu triết học và làm thơ. Tập thơ đầu tay Tứ tuyệt và các bài thơ xuất bản năm 1865 dưới bút danh Sully Prudhomme (tên của bố ông) được đánh giá cao; sau đó ông gia nhập nhóm Thi Sơn (tiếng Pháp: Parnasse) và cho ra mắt các tập thơ về đề tài tình yêu (bị một cô gái từ chối, nhà thơ suốt đời sống độc thân) và về sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo.
Năm 1870, nổ ra chiến tranh Pháp - Phổ, ông tự nguyện gia nhập dân quân. Những túng thiếu, vất vả trong thời kỳ quân Phổ phong tỏa Paris khiến sức khỏe đã yếu của ông càng thêm trầm trọng, ông bị liệt và phải cắt hai chân sau khi cuộc phong tỏa chấm dứt. Trong thời kỳ chữa bệnh, ông vẫn viết thơ ái quốc (ấn tượng chiến tranh, 1870), cổ vũ thơ truyền thống, phản đối thơ tự do, chủ nghĩa tượng trưng, suy đồi (Di chúc thơ, 1900). Năm 1888 ông xuất bản trường ca Hạnh phúc, gồm 4000 câu thơ, khẳng định hạnh phúc có thể đạt được nhờ sự ham học hỏi, nhờ khoa học, nhờ lòng thiện và sự hy sinh. Năm 1901 S. Prudhomme là người đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel Văn học, nhưng ông không đến Thụy Điển được để nhận giải do bị bệnh nặng.
Đương thời S. Prudhomme là nhà thơ rất có tên tuổi và được kính trọng, nhưng ngày nay ông ít được biết đến, thậm chí ở Pháp. Ông là người đã lập ra giải văn học dành cho các nhà thơ trẻ bằng số tiền còn lại của giải Nobel mà ông được tặng.
* Tác phẩm:
- Tứ tuyệt và các bài thơ (Stances et poèmes, 1865), thơ.
- Thử thách (Les épreuves, 1866), thơ.
- Những phác thảo về Italia (Croquis Italiens, 1866-1868), thơ.
- Nỗi cô đơn (Les solitudes, 1869), thơ.
- Ấn tượng chiến tranh (Impression de la guerre, 1870), thơ.
- Nước Pháp (Le France, 1870), thơ.
- Định mệnh (Les destins, 1872), thơ.
- Loài hoa nổi loạn (La révolte des fleurs), thơ.
- Lòng dịu dàng hoài phí (Les vaines tendresses, 1875), thơ.
- Hạnh phúc (Le bonheur, 1888), trường ca.
- Công lý (La justice, 1888), thơ.
- Di chúc thơ (Le testament poétique, 1900), tiểu luận.
- Tôn giáo đích thực theo Pascal (La vraie religion selon Pascal, 1905), khảo luận.
- Vấn đề mục đích cuối cùng (Le problème des causes finale, 1906), khảo luận.
- Tâm lý của sự tự do lựa chọn (Psychologie du libre arbitre, 1906), khảo luận.
- Phiêu bạt (Les epaves, xuất bản năm 1908), thơ.
* Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt:
- Dưới trần gian (thơ), Quốc Vượng dịch, in trong Những áng thơ hay, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 1999.
- Những đôi mắt (thơ), Nguyễn Công Chương dịch, in trong Những áng thơ hay, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2000.
- Gửi những nhà thơ tương lai, ở cõi tục này (thơ), Bằng Việt dịch, in trong Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, Nxb Văn học 2005.
- Chiếc bình vỡ (thơ), Phạm Vũ Toản dịch: Hương sắc bốn phương, Nxb Hội Nhà văn, 2003.
- Bình vỡ, Những con mắt (thơ), Phạm Nguyên Phẩm dịch, in trong 100 bài thơ Pháp từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, 1998.
Tất cả hạnh phúc của mình có đều do hạnh phúc của mình cho - Sully Prudhomme
II. Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
Khi Alfred Nobel quyết định thực hiện món quà tặng khổng lồ của mình, món quà hiển nhiên được rất nhiều người quan tâm, sự nghiệp của cả cuộc đời khiến ông đề cao việc nghiên cứu tự nhiên và muốn trao giải thưởng cho những phát kiến thuộc một số lĩnh vực khoa học tự nhiên. Cũng vậy, khát vọng thế giới chủ nghĩa đã biến ông trở thành người biện hộ cho hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Ông cũng muốn dành một giải thưởng cho văn học, nhưng đặt nó sau khoa học, những lĩnh vực có sức hút mạnh nhất đối với ông.
Văn học phải biết ơn ông, bởi những nhà hoạt động văn chương cũng trở thành đối tượng được ông quan tâm đến. Người ta có thể chỉ rõ rằng văn học đứng sau cùng trong danh sách giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển là bởi một lý do rất chính đáng: văn học - bông hoa cao quý nhất của nền văn minh, có lẽ là thứ đẹp nhất nhưng cũng mỏng manh nhất, từ nay sẽ nở rộ trên mảnh đất của hiện thực. Trong bất cứ lĩnh vực nào, với những bông hoa tặng của thời hiện đại này, người đoạt giải cũng nhận được một giá trị vật chất vượt xa những bông violet vàng của thời xưa.
Giải thưởng Nobel dành cho văn học cũng có những vấn đề của nó. Văn học là một thuật ngữ có nội dung rất rộng và những quy chế của Quỹ Nobel đã quy định rất chính xác rằng cuộc tham gia tranh giải không chỉ riêng belles-lettres - văn chương sáng tác, mà bất kỳ tác phẩm nào có giá trị văn học, thông qua nội dung và hình thức của nó. Nhưng như vậy, phạm vi trao giải rất rộng và sẽ dẫn đến nhiều khó khăn. Nếu như việc quyết định sẽ trao giải cho ai trong số các nhà thơ theo trường phái trữ tình, sử thi hay bi kịch đã là khó khăn, thì nhiệm vụ còn khó khăn hơn nhiều nếu phải lựa chọn giữa một sử gia kiệt xuất, một triết gia thiên tài, và một nhà thơ vĩ đại. Đó là những đại lượng vô ước, nói theo cách của các nhà toán học. Nhưng ta có thể tự an ủi rằng, do giải thưởng được trao hàng năm, các tác giả xứng đáng được trao giải nhưng phải nhường vị trí đó cho một người khác ngang tài, có thể được nhận giải trong những năm sau.
Rất nhiều người xuất sắc đã được đề cử lên Viện Hàn lâm Thụy Điển cho giải thưởng văn học. Viện đã tổ chức một cuộc bình chọn thật cẩn thận. Trong số những tên tuổi nổi tiếng khắp toàn cầu và gần như ngang nhau về tài năng văn học, Viện quyết định chọn một người mà họ, theo nhiều quan điểm khác nhau, tin tưởng ông xứng đáng được nhận giải lần này. Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn học đầu tiên cho nhà thơ, triết gia Sully Prudhomme của Viện Hàn lâm Pháp.
Sully Prudhomme sinh ngày 16 tháng 3 năm 1839. Và năm 1865, ông đã nổi lên như một nhà thơ đỉnh cao với tác phẩm Tứ tuyệt và các bài thơ (Stances et poèmes). Sau tập thơ này là nhiều tác phẩm thơ ca, triết lý và mỹ học khác. Nếu trí tưởng tượng của những nhà thơ khác chủ yếu là hướng ra ngoài nhằm phản ánh cuộc sống và thế giới xung quanh, thì Sully Prudhomme lại có một bản tính hướng nội, vừa nhạy cảm vừa tinh tế. Trong thơ ông hiếm có những hình ảnh và tình huống thực của đời sống, mà chủ yếu là những hình ảnh và tình huống đóng vai trò tấm gương trầm tưởng thi ca. Tình yêu đối với những giá trị tinh thần, sự ngờ vực, nỗi sầu thảm mà không gì trên trần thế có thể xua tan được, đó là những chủ đề thường gặp trong thơ ông, những tác phẩm hoàn thiện về hình thức và mang vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc, trong đó không bao giờ có một từ thừa. Thơ ông mang màu sắc đa dạng, mặc dù hiếm khi mang giai điệu du dương nhưng lại cực kỳ uyển chuyển trong việc sáng tạo các hình thức phù hợp nhằm thể hiện những cảm giác và ý tưởng. Tao nhã, sâu sắc và u buồn, tâm hồn ông tự bộc bạch trong thơ, dịu dàng nhưng không ủy mị, lối phân tích buồn thảm gieo vào lòng độc giả một sự thông cảm u hoài.
Với sức lôi cuốn của cách diễn đạt tao nhã, bằng nghệ thuật tuyệt vời, Sully Prudhomme trở thành một trong những nhà thơ lớn nhất thời đại chúng ta. Một số bài thơ của ông là những viên ngọc bất hủ. Viện Hàn lâm Thụy Điển ít bị lôi cuốn bởi những bài thơ mang tính giáo dục và trừu tượng mà bị lôi cuốn nhiều hơn bởi những tác phẩm nhỏ mang chất trữ tình, những tác phẩm tràn đầy cảm xúc và chiêm nghiệm, những tác phẩm lôi cuốn người đọc bởi sự tao nhã, bởi chân giá trị của chúng và bởi sự kết hợp hiếm có giữa sự phản ánh tinh tế và tình cảm dồi dào.
Để kết luận, cần thiết phải nhấn mạnh một đặc điểm. Tác phẩm của Sully Prudhomme đã bộc lộ một óc luôn quan sát và tìm tòi không bao giờ ngơi nghỉ, một bộ óc đã tìm ra được - dường như đối với ông đó là giới hạn - rằng vận mệnh siêu nhiên của con người nằm ngay ở trong thế giới đạo đức, trong tiếng nói của lương tâm và trong mệnh lệnh cao quý và không thể chối từ của tinh thần trách nhiệm. Với quan điểm như vậy, Sully Prudhomme đã thể hiện tốt hơn hầu hết các tác giả khác những gì mà tác giả bản di chúc gọi là “khuynh hướng tinh thần trong văn học". Do đó, Viện Hàn lâm tin tưởng rằng mình đã hành động đúng theo tinh thần mà Nobel mong muốn, khi quyết định chọn Sully Prudhomme trong số rất nhiều nhà hoạt động văn học lừng lẫy để trao giải thưởng đầu tiên này.
Sully Prudhomme đã đồng ý nhận giải, nhưng thật không may, ông bị ốm nên không thể đến dự với chúng ta hôm nay. Vì lý do đó, tôi rất lấy làm vinh hạnh mời ngài Công sứ Pháp lên nhận phần thưởng và nhân danh Viện Hàn lâm Thụy Điển trao lại cho cho ông.
Thanh Loan dịch, Ngô Tự Lập hiệu đính
III- Tác phẩm: một số bài thơ của S. Prudhomme:
Gửi những nhà thơ tương lai
Hỡi thi sĩ đời sau, các anh có thêm bao kiến thức
Và sẽ viết bằng chất giọng đậm đà thêm
Sẽ mang đi xa hơn ngọn đuốc thơ ca nồng thắm
Vươn tới đích tận cùng, tới nguyên lý đầu tiên.
Khi thơ các anh hiến dâng cho mọi nghĩ suy kỳ vĩ
Thì chúng tôi đã yên nghỉ từ lâu dưới huyệt mộ rồi
Chẳng còn lại gì ngoài những mảnh tàn phai nguội lạnh
Từ làn môi đã khép yên, từ tác phẩm đã chôn vùi.
Nhưng hãy nghĩ về chúng tôi, từng ca ngợi tình yêu hoa cỏ
Trong thế kỷ tối tăm, đầy súng ống, giáo gươm,
Bao tiếng động chết người làm câm nín mọi tấm lòng cả nghĩ.
Hãy thương những bài ca từng run lên bao âu lo, báo động
Khi các anh sẽ đến thời được hạnh phúc hơn,
được thấu hiểu nhiều hơn
Để sẽ được viết lên những điều cao cả hơn
trong những bài thơ không còn nước mắt.
Bằng Việt dịch
Ở cõi tục này
Ở cõi tục này, hoa tử đinh hương không sống được,
Tiếng hót loài chim cứ cụt ngủn, ngắn dần.
Tôi cứ mơ mùa hè kéo dài ấm áp
Bao lâu cũng vẫn còn...
Ở cõi tục này, từng đôi môi vô vị lướt qua nhau
Cái hôn chẳng để lại vẻ dịu ngọt nào như nhung óng nuột,
Tôi cứ mơ những chiếc hôn đầy tràn hạnh phúc
Bao lâu cũng vẫn còn...
Ở cõi tục này, con người luôn luôn phải khóc than
Vì tình bạn không bền, vì tình yêu chóng nhạt,
Tôi cứ mơ những lứa đôi bền chặt
Bao lâu cũng vẫn còn...
Bằng Việt dịch
Giống nhau
Nếu em muốn biết được vì sao anh
Lại yêu em chân thành, tha thiết vậy?
Em yêu ạ, anh yêu em là bởi
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Ánh mắt em đầy hi vọng nhưng buồn
Tỏa ánh sáng chói ngời như tia chớp
Trong lòng em ngập tràn bao mơ ước
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Thân hình em kỳ diệu và mong manh
Như người đẹp thành Troy thuở trước
Vẻ lộng lẫy trên tóc mây, trên ngực
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Tình yêu chân thành, tha thiết cháy lên
Mỗi giây phút lời “yêu em” anh nói,
Nhưng em bước đi, không thèm ngoái lại
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Nguyễn Viết Thắng dịch
Giọt sương
Ta nhìn thấy, rất buồn bã trong mơ
Những giọt sương lấp lánh trên đồng cỏ
Bàn tay lạnh của đêm đen đã thả
Những giọt sương lên những cánh hoa.
Những giọt sương rơi xuống từ đâu vậy?
Không mây mù, nơi ấy chẳng hề mưa.
Thì ra trước khi lấp lánh trên hoa
Trong không khí sương đã từng run rẩy.
Những giọt lệ từ đâu trong đôi mắt?
Giữa trời xanh không một dấu vết buồn.
Thì ra trước khi ánh lên trong mắt
Dòng lệ đã từng ấp ủ trong tim.
Đời vẫn thế, bóng giấu mình trong ngực
Nước mắt mơ màng, run rẩy trong tim.
Và ngay cả những ngày vui, hạnh phúc
Những giọt lệ buồn vẫn cứ trào dâng.
Nguyễn Viết Thắng dịch
Những ánh mắt
Ánh mắt huyền xanh đẹp lạ lùng
Tia nhìn ưng ửng ánh vừng đông
Sầu trong huyệt mộ nằm say ngủ
Rạng rỡ ngoài kia rực ánh hồng.
Đêm dài tươi mát dịu ngày qua
Đắm đuối nhìn nhau mãi thiết tha
Lấp lánh khung trời sao sáng tỏ
Mắt nhung đen láy phủ đêm ngà.
Mắt chẳng nhìn nhau phải thế không?
Không, không... đâu thể xót xa lòng
Mắt ai khao khát phương nào đó
Tận cõi vô hình mãi ngóng trông.
Như những vì sao lặn giữa đêm
Biệt ly... vẫn ở với trời êm
Đôi tròng mắt khép lim dim ngủ
Nhưng chẳng bao giờ chết lặng im.
Ánh mắt huyền xanh đẹp dáng hồng
Bình minh vô tận vẫn hoài mong
Nồng say giấc ngủ trong mồ tối
Mắt nhắm nhưng mà vẫn ngóng trông.
Vương Ngọc Long phỏng dịch
Hora Prima
Tôi chào đón ngày khi còn chưa thức dậy
Bằng ánh sáng của mình ngày chạm đến thế kỷ tôi
Nhưng tôi chưa nhận ra sự tiếp xúc như vậy
Khi ngày nhìn hồn tôi xuyên qua giấc mơ đời.
Tôi nằm im trên giường, không cử động
Như pho tượng đá trên những nấm mồ
Trong đầu tôi những nghĩ suy rất sáng
Tràn ngập ánh mặt trời, tôi không mở mắt ra.
Tôi cảm thấy như trong ánh bình minh
Chào vầng dương, dàn đồng ca đang hát
Và trong tim tôi có tiếng hót của chim
Không thấy hoa, chỉ mùi hương ngào ngạt.
Ngoài thực tại, ngoài những điều lo lắng
Của cuộc đời, tôi cảm thấy như là
Rất ngọt ngào, tất cả niềm vui sướng
Không ngủ mà đang sống, tựa trong mơ.
Nguyễn Viết Thắng dịch
Chiếc bình vỡ
Mã tiên thảo trong bình khô héo
Bình đựng hoa, quạt chạm rạn rồi.
Quạt chỉ chạm nhẹ nhàng chút xíu
Chẳng nghe gì dù rất nhỏ thôi.
Nhưng vết rạn dù rằng rất nhỏ
Ngày lại ngày nó gặm thủy tinh
Gặm đích thực tuy không thấy rõ
Nhưng lâu ngày bình rạn nứt quanh.
Nước trong bình biến đi từng giọt
Nhựa nuôi hoa cứ cạn khô dần
Ai đâu ngờ sự tình chua xót
Chớ đụng vào kẻo nó vỡ tan.
Thường vậy, bàn tay người yêu dấu
Chạm con tim làm nó héo hon
Rồi tim lại tự mình rạn vỡ
Khiến đóa hoa ân ái không còn.
Ai nấy tưởng con tim nguyên vẹn
Vết thương tim tuy nhỏ nhưng sâu
Nó lớn dần và luôn khóc lén
Tim vỡ tan, xin chớ đụng vào.
Phạm Vũ Toản dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét